Chương 10: Đến Tìm Đáp Án, Càng Nhiều Câu Hỏi

Bậc kỳ tài mà Ba Du Sinh nói, tên là Sở Hoài Sơn, ở một căn nàh hai tầng nho nhỏ trong khu tập thể trường trung học trực thuộc Học viện Âm nhạc khi Văn Viên. Na Lan xuống taxi, đi trong mưa bụi lất phất vào khu vực rợp bóng cây xanh. Mảnh đất yên bình giữ dòng đô thị ồn ã khiến cô thích thú, đoán rằng cao nhân kia là một thầy giáo kỳ cựu của trường trung học trực thuộc Học viện, hoặc là một người rất giàu có thì mới có thể ờ một nơi dễ chịu như thế này.

Số nhà 85, Ba Du Sinh đã cho cô biết. Ngôi nhà nhỏ, mặt ngoài tường màu vàng chanh, chắc mới quét vôi lại cách đây không lâu, bậc thềm lát đá và các góc tường nhà cũng mới sơn, nhưng vẫn không thể che lấp những chỗ lồi lõm. Na Lan đoán đây là nhà tầng kểu cũ chứ không phải nhà công bình thường. Sở Hoài Sơn có thể ở độc lập trong mảnh đất này, hẳn nhiên phải có quan hệ lâu năm với Học viên Âm nhạc, có quan hệ với các cấp lãnh đạo.

Cô bấm chuông cửa. Bên trong có tiếng bước chân đi xuống cầu thang.

Bước chân dừng ở sau cửa. Người ấy nhìn ra qua mắt thần.

Na Lan mỉm cười, kiên nhẫn chờ đợi.

Rồi cửa mở, nhưng chỉ he hé.

Cô tiếp tục chờ đợi, người ấy sẽ hỏi hoặc mời vào… nhưng sau một phút cửa vẫn he hé và vẫn không thấy người đâu.

“Chào thầy ạ…” Na Lan gọi.

Không trả lời.

Cô lại lặng lẽ chờ đợi. Rất lâu, quá sốt ruột, cô bèn gọi, “Thưa thầy, em vào đây!” Đoạn chùi giày thật kỹ lên tấm thảm đặt ở bậc thềm rồi đẩy cửa bước vào.

Đằng sau cửa là một hành lang trống, đón cô chỉ là hai giò phong lan treo hai bên tường.

Rõ ràng lúc nãy có tiếng bước chân, bây giờ cô bước vào thì vắng lặng, chủ nhân của bước chân ấy như đã tan vào làn hương lan dìu dịu.

“Thưa thầy…” Cô lại gọi.

Đương nhiên vẫn không ai trả lời.

Bên phải là một căn phòng, Na Lan đứng ở hành lang có thể liếc vào, cô nhìn thấy một cái tủ gỗ gụ đựng các bộ đồ trà, thấp thoáng đồ sứ rất tinh xảo. Nền nhà cho thấy đó là gian bếp.

Cô bước thêm vài bước, trước mặt là đầu cầu thang lên gác. Ở dưới bậc thang thứ nhất có hai đôi dép lê thuê hoa kích cỡ na ná nhau, một đôi kiểu nam một đôi kiểu nữ. Đôi dép nam nền vải xanh thêu cảnh sơn thủy, dòng sông có một con thuyền đánh cá; đôi dép nữ màu tím nhạt, thêu hoa mặc lan.

Na Lan hơi ngạc nhiên. Cô tháo giày, xỏ chân vào đôi dép nữ, có cảm giác êm êm như giẫm trên mây. Rồi cô nhẹ bước lên cầu thang, tiếng kêu ken két dưới chân cho cô biết cầu thang này đã ở độ tuổi cổ lai hy, tay vịn trông thật cũ kỹ nhưng không thô ráp, đặt tay vào chỉ thấy trơn mát.

Càng bước lên cao, hương lan vấn vít từ dưới hành lang càng đượm; là thứ hương thơm càng nhiều càng khoan khoái, chứ không phải càng nhiều càng nồng. Trạng thái căng thẳng nãy giờ của Na Lan dần dần tan biến.

Trên gác có ba phòng, nhưng chỉ một phòng đang mở cửa. Cô khẽ gõ cửa, không thấy ai ừ hữ, cô đánh bạo nhìn vào bên trong. Ấn tượng đầu tiên của cô, rõ ràng đây là thư phòng hoặc là phòng tranh, hoặc phòng ngồi chơi đàn. Chính giữa phòng là một cái bàn dài, trên đạt giá cài bút đang treo sẵn bảy tám cây bút lông. Bên cạnh giá bút là nghiên mực và một tập giấy tuyên. Đầu kia bàn đặt mấy cái triện đá, mộ hộp gỗ đang mở, gác chênh chếch vài con dao khắc các cỡ. Cách bàn một khoảng hơi xa có hai chậu rễ cây chạm trổ đang làm dở. Ở một góc phòng kê một cái giá, bên trên đặt cổ cầm, vách gỗ dựng bên cạnh là giá đàn với một cây cello, gần đó là một chiếc kèn cor, mặt tường bên trên treo một ống tiêu và một cây kèn clarinette.

Một mặt tường khác là tủ sách cao sát trần nhà, chứa đầ sách đủ các màu sắc. Na Lan đọc được vài cái tên, Tổng tập về nghệ thuật cắt giấy dân gian Thiểm Tây, Đại số tuyến tính, Niên giám Viện nghiên cứu hải dương học Giang Kinh, Đa tình kiếm khác vô tình kiếm, Data Mining Inference and Predictions... một bộ sưu tập sách đa dạng nhất thiên hạ.

Rồi Na Lan nhìn thấy người con gái. Trong một bức tranh.

Cô bước lại gần, đó là bức tranh sơn dầu rộng bằng một ô của tủ sách. Một nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành, vẻ diễm lệ tự nhiên không son phấn, mũ trắng rộng vành, váy áo màu hồng, có vẻ như con người của thập kỷ 70-80 thế kỷ trước?

Điều thu hút Na Lan là ánh mắt hơi u buồn của cô gái trong tranh.

“Mẹ tôi đấy.”

Giọng nói từ phía sau vang lên khiến Na Lan giật mình quay lại. Một thanh niên cao gầy, có đôi mắt hơi u buồn giống cô gái trong bức họa.

“Tôi chụp... ảnh mẹ tôi ngày trước, rồi vẽ lại. Còn vụng lắm.” Người ấy nói.

“Xin lỗi. Tôi không cố ý xem trộm, nhưng quả là tôi rất không lịch sự...” Na Lan lúng túng không biết nên giải thích thế nào.

“Tôi mới nên xin lỗi chứ, tôi đã không lịch sự... tôi không ra đón khách...” Người ấy bước lên mấy bước. Mái tóc đen hơi xoăn và khuôn mặt trắng xanh. Rất tuấn tú. Na Lan chợt thấy rung động.

Còn nhớ năm xưa, lần đầu gặp Tần Hoài, cô cũng có tâm trạng thế này. Một sai lầm chí mạng.

Tự nhiên cô lại nhớ đến Tần Hoài, và thấy mình vô tội, tình yêu ngắn ngủi kết thúc đột ngột, Tần Hoài bỏ đi Lĩnh Nam điều trị vết thương cơ thể và cả vết thương lòng, gần hai năm qua cô chỉ nghe loáng thoáng về anh qua người khác, chứ không nhận được tin gì từ chính anh cả. Cô đã vài lần gửi email nhưng cũng chẳng khác gì mà xóa thư cho vào “thùng rác”. Cô có đủ lòng tự trọng để không đi tìm Tần Hoài bằng xương bằng thịt, cô chỉ biết lâu nay ngoài cuốn Hồ tuyệt mệnh ra, nhà “sản xuất văn” này không có tác phầm nào khác.

Mãi cho đến cú phôn không lời đêm qua.

Cô lại bâng khuâng nhớ đến Cốc Y Dương, giữa gian nguy trong núi tuyết, dường như mối tình xưa đã trở lại, nhưng rồi anh bỏ mình để cứu cô thoát hiểm. Đây có phải định mệnh không, rằng những ai yêu cô sẽ rời xa, dù theo những cách khác nhau đi nữa?

Để mình cô ở lại.

“Cô là Na Lan phải không?” Chàng thanh niên khẽ hỏi. Giọng anh dịu dàng, hơi trầm và cũng có nét u buồn, giống tiếng đàn cello ngân khẽ.

Nhận ra mình đã mất tập trung, Na Lan hơi đỏ mặt, gật đầu, “Vâng... tôi đến gặp thầy Sở Hoài Sơn.”

“Sáng nay đội trưởng, Ba Du Sinh, đã nhắn tin cho tôi. Nói là cô hoặc anh ấy sẽ đến gặp tôi.” Anh ta chỉ vào cái ghế duy nhất trong căn phòng. “Mời cô ngồi.”

Na Lan hơi kinh ngạc, “Anh là... thầy Sở Hoài Sơn?” Nhưng cô lại cảm thấy mình quá thộn. Ba Du Sinh đã nói Sở Hoài Sơn mắc chứng “sợ đông người”, mỗi lần chỉ tiếp một khách, thì đương nhiên không sống trong một gia đình lớn, cho nên Sở Hoài Sơn chỉ có thể là anh ta. Cô lại chưa hỏi Ba Du Sinh tuổi tác và dáng vẻ Sở Hoài Sơn thế nào, chỉ tâm niệm và hình dung đó là một ông trung niên hoặc cao tuổi với bộ râu dài chứ không nghĩ lại là một thanh niên.

Đoán ra tâm trạng của Na Lan, Sở Hoài Sơn mỉm cười, “Họ tên tôi, nghe rất cổ lỗ nên, khiến nhiều người hiểu lầm. Trước đây có vị khách, đã nói với tôi, ‘Tôi muốn gặp, thầy Sở của anh’.”

Na Lan cũng cười, “Xin lỗi, vì tôi có ấn tượng chủ quan nên... và, càng phải xin lỗi anh, chưa chờ anh nói thì tôi đã đi dép lê... mong sao tôi không đi nhầm dép.” Sở Hoài Sơn đang đi đôi dép lê màu xanh, thêu hoa văn na ná hình chim sẻ.

Như thế là ngụ ý gì?

Nhận ra ánh mắt thắc mắc của Na Lan, Sở Hoài Sơn hỏi, “Đoán xem, tại sao lại là, con chim nhỏ?”

Na Lan chú ý đến cách nói của anh ta, nhát gừng, câu rất ngắn. Cô đáp, “Không thể nói dối trước mặt cao nhân, đúng là tôi đang nghĩ, không biết anh có mấy đôi dép lê, nhưng có lẽ hai đôi đặt dưới kia là chuẩn bị cho tôi và anh Ba Du Sinh vì anh biết sau đây có thể anh ấy cũng sẽ đến... Đôi dép nam thêu cảnh sơn thủy - Ba sơn Du thủy[1] - chắc là ám chỉ Ba Du Sinh; dép nữ thêu hoa lan, tôi liều vơ vào vậy, ám chỉ chữ Lan trong tên tôi thì phải...” Cô còn định nói thêm một câu nữa...

[1] Núi Ba, sông Du.

Sở Hoài Sơn mỉm cười, “Đội trưởng Ba Du Sinh khen cô rất có, năng lực quan sát, không hề quá lời.”

“Anh có cần tôi kể lại anh ấy đã ca ngợi anh thế nào không?” Na Lan cũng mỉm cười, cô bỗng cảm thấy nói chuyện với bậc kỳ tài này rất dễ chịu, không có cảm giác gò bó như đứng trước mặt một số người tự coi mình là cao nhân. Theo học nghiên cứu sinh gần hai năm qua, cô đã gặp vô số nhân vật tự coi mình là nhất rồi.

Sở Hoài Sơn xua tay, “Xin miễn cho. Cả tên cô, cũng xin miễn cho...”

“Cho nên tôi đoán rằng con chim thêu trên đôi dép cũng có ý nghĩa...” Cô vẫn trở lại “chủ đề cũ”.

“Cô đoán là...”

Na Lan hơi do dự, rồi nói, “Tôi chẳng có manh mối gì hết!”

“Tức là, cô không biết hay là không muốn nói ra?” Giọng Sở Hoài Sơn hơi trầm xuống.

Gã này thật lợi hại! Na Lan ngẩng đầu nhìn anh ta, cô cố thể hiện thật bình tĩnh, “Trước khi tôi đến đây, anh Ba Du Sinh đã giải thích tại sao anh chỉ có thể tiếp chuyện một người.”

Hình như sắc mặt Sở Hoài Sơn càng trắng nhợt thêm? “Cho nên, con chim thêu có, liên quan đến căn bệnh của tôi, chứ gì?”

“Một con chim tự do, là điều anh hướng tới. Anh không muốn chen chúc giữa sự ồn ào phức tạp, ở một mình trong căn nhà nhỏ nhưng lòng anh vẫn hướng ra thế giới bên ngoài, không muốn làm con chim trong lồng và mong mình có thể tung cánh bay...”

“Nghiên cứu sinh tài ba của khoa Tâm lý Đại học Giang Kinh, quả là không phải chỉ có hư danh!” Sắc mặt Sở Hoài Sơn lại trở lại hiền hòa điềm tĩnh, anh mỉm cười.

Na Lan đắn đo định nói lại thôi, nhưng rồi cô vẫn nói, “Thực ra tôi không phải nhà tâm lý học tài ba, nhưng tôi vẫn có thể giúp anh.”

Sở Hoài Sơn hơi sửng sốt, hình như anh không quen với những đề nghị nhiệt tình. “Chuyên gia giỏi nhất về thần kinh, ở Giang Kinh là Du Thư Lượng, đã điều trị cho tôi, có kết quả nhưng còn xa, mới chữa được tận gốc.”

Na Lan định nói rằng, chữa trị chứng “sợ đám đông” không cần ác sĩ cao siêu, mà điều quan trọng là bệnh nhân phải quyết tâm và kiên trì. Cô chưa kịp nói thì Sở Hoài Sơn đã lên tiếng, “Trà đây rồi!”

Hai tay anh không có gì hết. Na Lan kinh ngạc nhìn ra mé cửa, chẳng rõ lúc nào, một phụ nữ đã bưng khay trà đứng đó.

Thì ra không phải anh ta ở một mình.

Cả hai người của nhà nay đều xuất hiện hết sức lặng lẽ.

Na Lan định nói “Chào bác ạ” vì trông người ấy có vài nét hao hao bà mẹ Sở Hoài Sơn trong bức tranh, nhất là đôi mắt. Nhưng cô lập tức xóa bỏ ý nghĩ đó, vì người phụ nữ này không nó nét duyên dáng, dịu dàng và đặc biệt là nét u buồn như người phụ nữ trong tranh. Ánh mắt người này cứng nhắc, lạnh lùng và không thân thiện.

“Cảm ơn!” Na Lan tươi cười đón chén trà, mong sẽ làm dịu bầu không khí.

Nhưng vô ích, sắc mặt người ấy vẫn lạnh lùng.

Na Lan đoán rằng, lúc nãy người phụ nữ này đi xuống mở cửa rồi lánh vào bếp chuẩn bị pha trà, cho nên tiếng bước chân ấy biến mất. Cô nhìn xuống đôi chân bà ta, không thấy đi dép lê, chỉ đi đôi bít tất trắng.

Sở Hoài Sơn giới thiệu, “Đây là dì Tư của tôi. Từ sau khi mẹ tôi qua đời, dì chăm sóc tôi suốt.” Nói đến hai chữ “qua đời”, hình như giọng anh nặng nề hẳn đi? Phải chăng bà mẹ mất sớm khiến anh ta mất cảm giác an toàn, rồi diễn biến thành nỗi sợ hãi? Cha anh ta đâu? Nhưng cũng may vì còn có người thân luôn ở bên. Nên phụ đề mấy câu vậy, người mắc chứng “sợ đám đông” đồng thời cũng sợ sống khép kín hoàn toàn. Vấn đề cốt lõi của họ là thiếu cảm giác an toàn.

Tôi có thể giúp anh.

Nhưng ai sẽ giúp tôi đây?

Na Lan bỗng có cảm giác đồng bệnh tương lân. Khi đứng gần Mễ Trị Văn, cô luôn cảm thấy bị đe dọa. Cô nhớ lại những sự kiện trải qua, cha cô bị hại, luận văn tốt nghiệp đại học làm về phỏng vấn các phạm nhân hình sự, bị cuốn vào vụ án “năm xác chết”, các hiểm họa ở núi tuyết, ngón tay đứt lìa... Hiểu biết nhiều về tội ác, thì sẽ xuất hiện hai trạng thái cực đoan, hoặc ngày càng chai sạn hoặc ngày càng nhạy cảm. Rất không may, cô rơi vào tình huống thứ hai.

“Muốn hỏi, mục đích của cô?” Sở Hoài Sơn một lần nữa cắt ngang dòng suy nghĩ của Na Lan.

Hôm nay mình sao thế này, cứ hay lơ đãng?

“Chúng tôi nhờ anh tìm một bí ẩn.” Na Lan lấy ra tờ giấy thiên thư của Mễ Trị Văn. “Một chữ bí hiểm.” Ba Du Sinh đã gọi điện cho anh rồi, chắc anh ta phải biết ít nhiều về mục đích của cô. Nghe Ba Du Sinh kể về Sở Hoài Sơn, hiểu rằng bậc kỳ tài này coi trọng chi tiết nên cô đã chuẩn bị để nói kỹ càng. Sở Hoài Sơn đưa bàn tay trắng xanh ra cầm tờ giấy, nghe Na Lan thuật lại vụ án ‘ngón tay khăn máu’ và cuộc tiếp xúc với Mễ Trị Văn. Anh ta nhìn con “chữ” rất lâu, không nói gì.

“Mễ Trị Văn nói, chỉ tôi mới có thể giải được câu đố này.” Cô định cười nhạt nhưng không sao cười được. “Và anh cũng biết đấy, tôi hoàn toàn không nhận ra điều gì.”

“Khiêm tốn quá...”

Na Lan khẽ thở dài, “Thôi được, cũng không hẳn là tôi không nghĩ gì. Trước hết, đây là một trò chơi của lão. Cũng như các trò chơi thể dục thể thao hoặc trò chơi trên mạng, trò chơi này cũng đi từ nông đến sâu, để cho người chơi có chút khoái trá đã rồi dần say mê. Nếu không, tôi đã bỏ cuộc từ sớm.”

Sở Hoài Sơn tủm tỉm, “Xem ra, Mễ Trị Văn đã tìm đúng người chơi rồi!”

Na Lan gượng cười, “Cảm ơn anh động viên. Cho nên, cái chữ oái ăm này chắc sẽ không quá mệt óc... đương nhiên là dưới sự giúp đỡ của anh, có lẽ sẽ không khó lắm. Chắc chắn lão ta đoán rằng tôi sẽ đi cầu cứu cao nhân. Một cách nghĩ khác là, nếu nói chỉ tôi mới giải mã được thì tức là một phần nào đó của chữ này có liên quan đến tôi.”

“Cô đã có, cách nghĩ thế này, thì đâu cần, anh mọt sách như tôi, hỗ trợ.”

“Nhưng tôi không biết nên bắt đầu từ đâu.”

“Cô đã nói là, chữ này, không khó lắm; một phần nào đó, có liên quan đến cô. Cách đơn giản, bước đầu là, tách nó thành vài bộ phận; Mễ Trị Văn đã tự xưng, là Thương Hiệt, thế thì phép tạo chữ, nguyên thủy, và trực tiếp nhất, là chữ tượng hình.”

Na Lan nhìn lại con chữ, nhẩn nha nói, “Chữ tượng hình... thì phần trên cùng là chữ Nhân...”

Sở Hoài Sơn gợi ý, “Là chữ Nhân, hoặc chữ Nhập. Theo thể chữ thông dụng Tân Tống thì là chữ Nhân; nhưng nếu theo thể chữ Triện, hoặc vài thể chữ cổ khác thì nó giống chữ Nhập hơn. Người thời cổ phát minh ra chữ viết, Thương Hiệt có công truyền bá. Đây là, ý kiến của riêng tôi, có nhiều khả năng, nó là chữ nhập.”

“Tạm coi phần trên cùng là chữ Nhập, vậy phần giữa thì sao? Nếu là tượng hình, thì nó vẽ cái gì? Hình như là chữ Điền hoặc chữ Tinh, hoặc chữ Khai. Phần dưới cùng thì trực quan rồi, đó là chữ Thập. Nhưng phối hợp tất cả lại, vẫn không thu được kết luận gì.”

“Nếu cô đã, không thể kết luận, thì tôi cũng đành thở dài vậy.”

Na Lan nghĩ bụng, là bậc kỳ tài kia mà, anh không thể không biết!

Sở Hoài Sơn nói như khuyến khích, “Chắc là, cô không thích, nghe câu này, nhưng tin rằng Mễ Trị Văn, không đùa bỡn cô, đúng là chỉ cô mới, có thể đoán ra, chữ này.”

“Nhưng...”

“Việc này, không thể vội vã.” Sở Hoài Sơn cầm một con dao khắc dấu trên bàn lên, khẽ thổi một cái, cứ như là vài hạt bụi đá dính vào mũi dao cũng không thể thoát nổi cặp mắt thần của anh ta. “Chắc anh Ba Du Sinh, đã kể rằng tôi và anh ta, từng hợp tác, vụ thứ nhất, vụ án tự sát giả.”

Na Lan nói, “Một câu chuyện rất hay.”

“Chắc anh ta đã nói, tôi phải tốn rất nhiều thời gian, để xem con dấu ấy.”

“Tôi đang chờ anh lấy kính lúp ra.”

Sở Hoài Sơn nhìn Na Lan, sắc mặt rất tươi, “Lần đó tôi nghiên cứu, là một đối tượng đã hình thành, con dấu đã in lên giấy, tôi thậm chí có ngay ấn tượng, biết là có người, đang hãm hại, viên quản lý đó, cho nên có thể tập trung sức chú ý. Nhưng hôm nay chữ này là một thứ giấu mặt, chúng ta không biết Mễ Trị Văn đang thiết kế một trò chơi như thế nào. Ta có thể suy ngẫm về một dấu son đã in rành rành ra đó, nhưng đối với một thứ đã được thiết kế tỉ mỉ, thì lẽ nào ta không cần tốn thời gian suy nghĩ nhiều hơn? Cô nên biết tuy đây chỉ là bước đầu tiên trong trò chơi của lão ta, nhưng chắc chắn không thể chỉ thoáng nhìn là khám phá được ngay. Nếu không thì, hóa ra là cảm hứng của bậc thầy tạo chữ ấy rất tầm thường hay sao?”

Thật hiếm có, Sở Hoài Sơn đã nói liền một hơi! Na Lan cảm thấy vã mồ hôi thay anh ta. Cô nhíu mày, “Anh phân tích rất có lý. Chỉ hiềm, trở về tôi sẽ rất khó ăn khó nói với đội trưởng Ba Du Sinh.”

“Cô cứ nói thật, nói rằng cao nhân kỳ tài này chỉ là người rất đỗi bình thường.”

“Anh khiêm tốn như thế, thì anh ấy sẽ nghĩ là anh kiêu ngạo.”

Sở Hoài Sơn khẽ thở dài, “Những người như tôi đôi khi cũng kiêu ngạo quá mức!”

“Hay là tôi nên nói với anh ấy rằng, kiên nhẫn là một đức tính?” Na Lan có phần bất mãn.

Lời cảnh báo “vụ án ‘ngón tay khăn máu’ sẽ còn tiếp diễn” lại vang bên tai cô.

Nhìn theo bóng Na Lan khuất hẳn ở góc phố, người phụ nữ lạnh lùng nói, “Cô ta rất nguy hiểm.”

Sở Hoài Sơn chỉ im lặng, nheo mắt nhìn dì Tư.

“Cháu đừng nhìn dì như thế!” Dì Tư mắng. “Mỗi lần dì nói toạc ra tâm tư của cháu, cháu lại lầm lì với dì.”

Sở Hoài Sơn vẫn không hé răng.

“Định chiến tranh lạnh với dì đến cùng chắc? Dì không ngán đâu! Cháu đã thích nó, đúng không?”

Rốt cuộc Sở Hoài Sơn cũng nhẩn nha nói, “Dì khích tướng khéo thật! Nếu cháu cứ ngậm miệng, chắc dì sẽ nói cháu im lặng là thừa nhận chứ gì?”

Dì Tư lắc đầu, vẻ khó tin, “Lẽ nào chỉ gặp một lần cháu đã...”

“Cho nên, ngay dì cũng cảm thấy là không tưởng đúng không? Thực ra, mỗi lần dì cho rằng mình nhìn thấu tim gan cháu, đều chỉ là... dì tự nghĩ thế thôi.” Sở Hoài Sơn than thở. Nói thật, mất lòng!

“Cháu cho rằng dì không nhận ra thật à? Nó ở đây chỉ nửa giờ mà cháu mỉm cười suốt. Còn dì, dì ở với cháu bấy nay mà chưa từng thấy mặt cháu tươi tỉnh lâu đến thế.”

Sở Hoài Sơn hơi sửng sốt, “Giả sử dì cảm thấy cháu có vẻ khác thường, thì dì cũng không cần thiết phải hà khắc như thế.”

Ngực dì Tư phập phồng rõ mạnh, hồi lâu sau mới dịu giọng nói, “Sơn à, lẽ nào cháu không hiểu dì lo cho sự an toàn của cháu? Cô gái đó rất nguy hiểm.”

Sở Hoài Sơn cúi nhìn con chim thêu trên dép lê. “Lẽ nào, chỉ vì cô ấy khuyên cháu hãy ra khỏi căn nhà này?”

“Không phải thế. Mà là vì chính cô ta. Báo chí đã viết mãi rồi, cháu không thể không biết những gì cô ta đã trải qua. Có những người bẩm sinh đã bị những mối nguy bám riết. Những ai gần gũi cô ta đều đã gặp bất hạnh.”

“Dì cũng có thể, dùng những câu này, để hình dung mẹ cháu.” Vẻ mặt Sở Hoài Sơn trở lại đờ đẫn như mọi ngày, buồn thương bao phủ khuôn mặt anh. Dì Tư đã đạt được mục đích của mình rồi đấy!

“Nói bừa!” Dì Tư định nổi nóng, nhưng Sở Hoài Sơn quay lưng lại. Dì biết, khi đứa cháu giở tư thế này ra thì nói nữa cũng vô ích.

Dì mím chặt môi, xoay người lặng lẽ bước đi. Đi đến đầu cầu thang, giọng của Sở Hoài Sơn bỗng vang lên sau lưng, “Tại sao... dì lại... bỏ dép ra?”

Vì dì muốn bước chân mình thật êm, để có thể nấp ở chỗ khuất quan sát cô gái nguy hiểm kia.