Chương 11: Chương 11

11. XI. Người đàn ông tuổi ba mươi

XI. Người đàn ông tuổi ba mươiỞ môi trường của tôi, người ta không thể tự đặt ình câu hỏi nào trước tuổi ba mươi và, vào thời điểm ấy, dĩ nhiên, đã là quá muộn để trả lời.

Mọi chuyện diễn ra như thế này: bạn 20 tuổi, bạn quậy phá chút ít, và khi tỉnh dậy bạn đã 30. Thế là kết thúc: sẽ không bao giờ tuổi của bạn bắt đầu bằng một số 2 nữa. Bạn phải tự thuyết phục mình việc có thêm mười tuổi so với mười năm trước đây, và mười kí lô so với năm vừa qua. Bạn còn lại bao nhiêu năm? 10? 20? 30? Tuổi thọ trung bình còn cho bạn thêm 42 nếu bạn là đàn ông, 50 nếu bạn là phụ nữ. Nhưng đó là chưa tính đến các loại bệnh tật, rụng tóc, chứng lẫn cẫn, những vết đồi mồi trên mu bàn tay. Không có ai tự đặt ình những câu hỏi sau: Chúng ta đã tận dụng triệt để những năm tháng đó chưa? Liệu chúng ta có nên sống khác đi không? Liệu chúng ta đã gặp đúng người đúng chỗ chưa? Thế giới này đề xuất gì với chúng ta? Từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi, chúng ta để đời mình chạy theo chế độ lái tự động, và cần phải có lòng can đảm phi thường mới có thể làm thay đổi lịch trình của nó được.

20 tuổi, tôi cứ tưởng đã biết hết về cuộc đời. 30 tuổi, tôi học được rằng mình chẳng biết gì hết cả. Tôi vừa trải qua mười năm để học tất cả những gì cần cho tôi, sau đó, quên đi tất cả những gì học được.

Tất cả đều đã quá hoàn hảo. Cần phải nghi ngờ những cặp đôi lý tưởng: họ quá thích được đẹp đẽ; họ ép mình phải mỉm cười, như thể họ đang làm công việc quảng bá ột bộ phim mới tại Liên hoan phim Cannes. Điều đáng bực với hôn nhân vì tình yêu, đó là nó xuất phát từ mức quá cao. Điều duy nhất có thể gây kinh ngạc ột cuộc hôn nhân vì tình yêu, đó là một tai biến. Nếu không thì là gì nào? Cuộc đời đã kết thúc. Người ta đã đến được Thiên đường trước khi kịp sống. Người ta sẽ phải ở mãi trong cùng một bộ phim hoàn hảo, với cùng một dàn diễn viên không chê vào đâu được, cho đến khi chết. Thật là không thể sống nổi. Khi có tất cả từ quá sớm, rốt cuộc người ta sẽ hy vọng đến một thảm họa, thay cho sự giải thoát. Một tai họa để được nhẹ lòng.

Phải mất rất lâu tôi mới thừa nhận rằng mình chỉ lấy vợ vì những người khác, rằng hôn nhân không phải thứ gì đó người ta làm cho bản than mình. Người ta cưới vợ để chọc tức lũ bạn hoặc làm bố mẹ khoái chí, thường là cả hai việc, đôi khi là ngược lại. Thời chúng ta, chín phần mười những cuộc cưới xin của đám người giàu có chỉ tạo nên các tập tục bắt buộc, những lễ lạt thời thượng vốn là dịp để các ông bố bà mẹ bị mắc kẹt mời mọc khách khứa hòng đáp lễ. Thỉnh thoảng, trong một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, gia đình bên thông gia còn xác minh xem có đúng là ông con rể tương lai thuộc vào giới thượng lưu hay không, nhắc nhắc chiếc nhẫn đính hôn để ước lượng số cara và khăng khăng phải có bài phóng sự trên Point de Vue-Image du Monde. Nhưng đó thực sự là những trường hợp quá khích.

Người ta lấy nhau chính xác giống như đi thi tú tài hoặc thi lấy bằng lái xe: người ta luôn muốn đi vào cùng một cái khuôn khổ để có thể là người bình thường, bình thường, BÌNH THƯỜNG, bằng mọi giá. Vì không thể ở bên trên cả thiên hạ, người ta bèn muốn giống như tất cả mọi người, vì sợ bị ở bên dưới. Và đó là cách thức tốt nhất để làm đổ sụp một tình yêu đích thực.

Mặc khác hôn nhân không chỉ là một mô hình được thứ giáo dục tư sản áp đặt: nó cũng là đối tượng của một cuộc tẩy não khổng lồ sinh ra từ các hình thức quảng cáo, phim ảnh, báo chí, và thậm chí là văn chương, một vụ đầu độc ghê hồn rốt cuộc sẽ đẩy những cô gái xinh tươi đến chỗ muốn có được chiếc nhẫn trên ngón tay và cái váy màu trắng trong khi, nếu không có vụ đầu độc đó, hẳn là họ cũng sẽ chẳng bao giờ nghĩ tới nhẫn với cả váy. Tình yêu Lớn, vâng cái đó thì với những thăng trầm của nó, chắc chắn là họ sẽ nghĩ đến, nếu không thì sống làm quái gì cơ chứ? Nhưng Hôn nhân, cái Thiết-chế-biến-Tình-yêu-thành-Rác-rưởi, “hòn lê của tình yêu phải đeo vĩnh viễn ở chân và hòn lê của cuộc sống lứa đôi phải lê theo trọn đời” (Maupassant): không đời nào nhé. Trong một thế giới hoàn hỏa, các cô gái đôi mươi sẽ chẳng bao giờ bị thu hút bởi một thứ sang chế giả tạo đến nhường ấy. Họ sẽ mơ đến sự chân thành, đến niềm đam mê, đến điều tuyệt đối - chứ không phải là một thằng cha vơ chú váo nào đó. Họ sẽ chờ đợi Người đàn ông biết cách làm họ kinh ngạc mỗi ngày mà Chúa tạo ra, chứ không phải Người đàn ông sẽ tặng cho họ mấy cái giá Ikéa. Họ sẽ để cho Tự nhiên - tức là ham muốn – làm công việc của mình. Thật không may là bà mẹ bị vùi dập của họ lại mong cho họ một bất hạnh tương tự, và bản than họ đã xem quá nhiều bộ phim truyền hình rẻ tiền. Thế nên họ chờ đợi chàng Hoàng tử Phong nhã, cái thứ ý tưởng quảng cáo ngu si tạo ra những người phụ nữ thất vọng, những cô gái già trong tương lai, những người đàn bà chua chat, trong khi chỉ một người đàn ông thiếu hoàn hảo mới có thể làm cho họ hạnh phúc.

Dĩ nhiên là dân tư sản sẽ thề sống thề chế với bạn rằng những mô hình ấy không còn tồn tại nữa, rằng phong tục tập quán đã thay đổi, nhưng cứ tin rằng đó là một nạn nhân đang tức tối đi: chưa bao giờ sự áp bức lại mạnh mẽ như trong thời đại tự do giả hiệu của chúng ta. Hàng ngày, chủ nghĩa toàn trị của hôn nhân vẫn cứ tiếp tục kéo dài vĩnh viễn nỗi bất hạnh, từ thế hệ này vắt qua thế hệ khác. Người ta bắt chúng ta phải nhận lấy cái còi nhử chim hoạt động theo những nguyên tắc vờ vịt cũ mòn ấy, với mục đích không nói ra là tái tạo nữa và mãi mãi một di sản của đau đớn và đạo đức giả. Làm tan vỡ các cuộc đời vẫn cứ là môn thể thao được ưa thích nhất của các gia đình lâu đời tại Pháp, và chúng biết rõ nó đến tận chân tơ kẽ tóc. Chúng còn tập luyện cho việc đó nữa. Đúng, ngày nay người ta vẫn còn có thể viết điều này: Hỡi gia đình, ta căm ghét ngươi.

Tôi lại càng căm ghét nó hơn bởi vì tôi đã nổi loạn quá muộn màng. Trong thâm tâm, tôi đã rất hài lòng. Tôi là một thằng nhà quê bình dân, hậu duệ của các hào lý xứ Béarn, dương dương tự đắc khi cưới được Anne, nàng mèo quý tộc bằng sứ. Tôi đã khinh suất, hợm hĩnh, ngây thơ và ngu xuẩn. Tôi đã phải trả giá đắt. Tôi đáng phải chịu cảnh tan vỡ ấy. Tôi cũng giống như mọi người, giống như bạn đang đọc tôi đây, cứ tin rằng có quy tắc là có ngoại lệ và mình chính là ngoại lệ ấy. Dĩ nhiên, bất hạnh sẽ chừa tôi ra, chúng tôi sẽ thoát cảnh khó khăn. Thất bại sẽ chỉ đến với những kẻ khác. Một ngày nọ tình yêu đã bỏ đi, và tôi thốt choàng tỉnh giấc. Cho đến khi ấy, tôi vẫn tự bắt mình chơi trò ông chồng hạnh phúc. Nhưng tôi đã tự dối mình từ quá lâu rồi, nên không thể đến một ngày cũng khởi sự nói dối một người khác.