Chương 5: Cuộc diễu hành long trọng của ngài chánh án mina

Thứ ba, ngày mười tám tháng Chạp năm 1559 tức là sáu tháng sau lễ hội Lăngđi, vào hồi ba giờ chiều trong một buổi hoàng hôn tuyệt đẹp hằng mong ước có được ở kì gần cuối năm này, ngài Ăngtoan Mina, một trong số cố vấn của Pháp viện cưỡi trên lưng con la thật gầy guộc yếu ớt đã tố giác tính keo kiệt đáng phỉ nhổ của chủ nó.

Ngài Ăngtoan Mina – chúng tôi lưu ý độc giả để mắt đến ông một chút – là một người sáu mươi tuổi, béo tốt và má phị, làm dáng bằng cách để những lọn tóc giả bay phất phơ trước gió.

Bộ mặt ngài lúc bình thường biểu lộ sự toàn phúc nhất: chắc chắn không một nỗi buồn nào làm u tối được vầng trán bóng láng không một nếp nhăn; không một giọt lệ nào khơi được dòng dưới đôi mắt to hầu như quá mức; cuối cùng là sự vô tư lự ích kỉ và niềm vui tầm thường đã phết một lớp sơn trên bộ mặt đỏ au được chống đỡ một cách oai vệ bằng chiếc cằm có ba lớp.

Nhưng ngày này, bộ mặt ngài chánh án Mina còn xa mới rạng rỡ ánh hào quang thường nhật của ngài; bởi vì chỉ cách nhà ngài không quá bốn trăm bước và ta thấy rõ khoảng cách này không lớn nhưng ngài không tin chắc có về tới nhà được không; vì thế mà bộ mặt ngài, tấm gương của những cảm xúc lay động bên trong đang biểu lộ nỗi lo âu sâu sắc nhất.

Quả nhiên, dân chúng hợp thành đoàn hộ tống vị chánh án đáng trọng còn xa mới đem đến cho ngài niềm vui: ngay từ lúc ngài ra đi, ngài đã bị một đám dân chúng rất đông đi theo, hầu như thật sự thích hộ tống ngài; hầu như tất cả những kẻ ưa hò reo, la ó, gào thét ở cái thủ đô của cái vương quốc thuần công giáo này đều hẹn nhau trên quảng trường pháp viện để hộ tống ngài đến tận nhà ngài.

Vậy những lý do nào đã kích động số đông đồng hương của ngài chống lại ngài Mina đáng trọng?

Chúng tôi cố gắng kẻ vắn tắt chuyện này.

Ngài Mina vừa kết án tử hình một người trung thực mà nói:- được mến mộ nhất ở Pari, người đồng sự với ngài chánh án ở pháp viện, người anh em trong Chúa của ngài, ông pháp quan đức độ Anơ Đuybuôc. Vậy Đuybuôc đã mắc tội gì? Cùng một tội như Atêniêng Aritit. Người ta gọi ông là Công lý.

Đây là những nguyên nhân của vụ án kéo dài từ sáu tháng nay và vừa kết thúc thật rủi ro cho viên pháp quan khốn khổ.

Tháng sáu, năm 1559, Hăngri đệ nhị bị hồng y giáo chủ Loren và anh ông ta là Frăngxoa Đờ Ghidơ kích động rằng giới tăng lữ ở Pháp được mệnh danh là những thiên sứ của Chúa để bảo vệ và gìn giữ thiên Chúa giáo, toà thánh và La Mã; Hăngri đệ nhị liền ban bố một đạo luật buộc pháp viện kết án tử hình không loại trừ,không miễn thứ đối với mọi người theo giáo phái cách tân Luyte.

Vậy mà, bất kẻ đạo luật ấy, vài pháp quan đã phóng thích khỏi nhà tù một tín đồ Canvanh. Quận công Đờ Ghidơ và hồng y giáo chủ Loren không sờn lòng đối với việc loại trừ toàn bộ những tín đồ Tin lành, đã thuyết phục nhà vua, ngày mùng mười tháng sáu đến chủ toạ phiên họp trọng thể tại đại nghị viện tổ chức tại tu viện Ôguytstanh là nơi Tối cao Pháp viện tập hợp lúc này vì trụ sở pháp viện đã dành cho việc cưới giữa vua Philip đệ nhị với bà Êlidabet và giữa tiểu thư Macgơrit với hoàng thận Êmanuyen Filibe.

Ba hoặc bốn lần mỗi năm trong đó một lần là phiên họp của Tối cao pháp viện mà người ta gọi là đại nghị hội và cuộc họp này được gọi là định kì thứ tư vì nhất thiết phải họp vào thứ tư.

Vậy là nhà vua đến chủ toạ pháp hội định kì thứ tư và khai mạc phiên họp bằng việc hỏi vì sao người ta tự cho phép tha bổng những tín đồ Tin lành và do đâu mà người ta không phê chuẩn đạo luật xử tội họ.

Năm pháp quan cùng lúc đứng bật dậy với cùng một tình cảm rồi, nhân danh cá nhân và thay mặt các đồng sự của mình, Anơ Đuybuôc nói giọng cương nghị:

- Bởi vì người đó vô tội và giải thoát một người vô tội dù người đó có là tín đồ Tin lành thì chính là hành động theo lương tri con người.

Năm pháp quan đó là Đuyfô, La Fuymê, Đờ Poa, Đờ la Pooc và Anơ hoặc Ăngtoan Đuybuôc.

Chính Đuybuôc, như chúng tôi đã nói tới, là người được uỷ nhiệm trả lời.

Vậy là ông nói thêm:

- Đối với đạo luật, thưa bệ hạ, thần không khuyên bệ hạ cho phê chuẩn nó, trái lại, thần yêu cầu người ta đình những vụ kết án ghi trong đạo luật cho đến khi nào mà những ý kiến về những kẻ mà người ta dễ dàng dẫn tới nhục hình được cân nhắc chín chắn và tranh luận lâu dài trước một hội đồng.

Vào lúc ây, chánh án Mina can thiệp đề nghị được đặc biệt nói với nhà vua.

“Theo những hồi kí của Côngđê, thì đây là một con người xảo trá, quỷ quyệt, phóng đãng và ngu dốt nhưng là một kẻ nhiều mưu mô và phản loạn. Muốn làm hài lòng nhà vua và những nhân vật chính của nhà thờ La Mã, e sợ những ý kiến của những người thuộc nhóm Đuybuôc hẳn mạnh mẽ hơn và cần phải kết luận theo văn bản vì thế ông ta làm cho nhà vua lọt tai rằng những pháp quan của tối cao pháp viện hầu như tất cả đều là những tà đạo theo giáo phái Luyte; rằng thật ghê tởm đi nghe một số người trong bọn nói về lễ nguyện; rằng họ muốn phế truất quyền lực và vương miện của nhà vua; rằng họ hết sức huênh hoang, dè bỉu những đạo luật và lệnh chỉ ấy; rằng họ ăn mặc như người Morơ(1); rằng

(1)một vùng ở Bắc phi mặc quần rất rộng bằng vải nhẹ

số lớn trong bọn họ thường lui tới những cuộc họp nhưng không bao giờ đi lễ nguyện và rằng, nếu không cắt bỏ những cái xấu xa tận gốc rễ thì từ cuộc họp định kì thứ tư này, nhà thờ vĩnh viễn bị huỷ diệt”.

Tóm lại, với sự giúp sức của hồng y giáo chủ Loren, ông ta kích động, chọc giận, mê hoặc nhà vua, thật sự làm nhà vua hoàn toàn mất lý trí, nhà vua liền cho gọi đức ông Đờ Looc tức bá tước Mônggômêry, chỉ huy đội cận vệ người Êcôtxơ và ông Đờ Savinhli, chỉ huy các đội vệ binh và ra lệnh cho họ bắt giữ năm pháp quan và tống giam vào nhà ngục Batsiơ.

Lệnh giam giữ ấy vừa được thi hành thì mọi người đã dự đoán được những hậu quả của nó: những người thuộc nhóm Ghidơ muốn khủng bố những tín đồ Tin lành qua vài vụ hành quyết khủng khiếp và người ta phán xét rằng, nếu không phải là năm pháp quan thì chí ít người quan trọng nhất trong số họ là Anơ Đuybuôc phải chết.

Như vây, hai câu thơ sau đây bao gôm tên năm người bị cầm tù và theo cách sắp xếp những tên ấy cho ta ý nghĩ về số phận dành cho người đứng đầu nhóm chống đối Tin lành, đã lan truyền trong thành phố Pari ngay ngày hôm sau:

Qua Poa, Đờ la Pooc, Đuyfô

Ta nhận ra Đuybuôc, là Fuymê

Dù sao chăng nữa,việc bắt giữ năm người đã gợi cảm hứng cho khổ thơ mang ý nghĩ đầy đủ với tinh thần tốt đẹp thời đó đã gây nên một nỗi kinh hoàng trong toàn thành phố và sau đó trong tất cả các thành phố của nước Pháp, đặc biệt trong các tỉnh miền bắc. Người ta cũng coi việc giam giữ con người trung thực Anơ Đuybuôc như một nguyên nhân chính của vụ âm mưu của Ămboadơ và của mọi sự rối loạn và cuộc chiến đấu đã tưới máu lên mảnh đất nước Pháp trong bốn mươi năm nữa.

Mười lăm ngày sau vụ bắt giam ấy, ngày thứ sáu ,25-6, ngày thứ ba của cuộc kỵ đấu mà nhà vua cho tổ chức tại lâu đài Tuôcnen gần ngay ngục Batstiơ, các pháp quan tù nhân nghe thấy vang lên những tiếng kèn,kèn đồng, kén sáo của ngày lễ hội. Nhà vua cho vời viên chỉ huy của đội cận vệ người Êcôtxơ tới, vẫn là bá tước Mônggômêry là người được sự trợ giúp của ông Đờ Savinhi đã áp giải năm pháp quan vào trại giam và nhà vua trao nhiệm vụ cho ông ta phải đi ngay để chống lại những tín đồ Tân giáo ở xứ Côlê Tuôcnoa.

Với nhiệm vụ này, bá tước Mônggômêry được lệnh đâm kiếm xuyên qua những người bị bắt giữ tin chắc là tà giáo, đặt ra cho họ câu hỏi kì lạ, cắt lưỡi họ, sau đó thiêu sống họ trên ngọn lửa cháy nhỏ; còn đối với những người bị nghi vấn thì đơn giản là khoét mắt họ.

Thế mà chỉ năm ngày sau khi vua Hăngri đệ nhị trao nhiệm vụ này cho viên chỉ huy đội cận vệ người Êcôtxơ của ông thì Gabrien đờ Loocdơ, bá tước Mônggômêry đã đâm vua Hăngri bằng chính lưỡi giáo của ông và giết nhà vua.

Hiệu quả cái chết này thật lớn, chắc chắn nó đã cứu thoát cả bốn trong số năm pháp quan bị cầm tù và đình hoãn việc hành quyết người thứ năm. Một trong năm người được miễn tố, bà người bị xử tội tiền phạt vạ. Chỉ riêng Anơ Đuybuôc phải trả giá cho những người khác. Liệu có phải do ông là người phát ngôn chăng?

Nếu những người thuộc phái Ghidơ là những kẻ khởi xướng cuồng nhiệt cái đạo luật ấy thì một trong những kẻ thi hành cuồng nhiệt đạo luật ấy là viên chánh án đạo đức giả Ăngtoan Mina mà chúng tôi đã tả ông cưỡi trên lưng con la phản loạn trong phố cổ Tămplơ giữa những tiếng la ó nguyền rủa cùng những sự uy hiếp của hai hàng người đồng hương phẫn nộ.

Và khi chúng tôi nói rằng, mặc dầu chỉ cách có một trăm bước chân để trở về nhà mà ngài không thật tin chắc có lọt được vào nơi ở của ngài, chúng tôi không tạo dựng tình cảnh tồi tệ mà đúng như vậy, xét răng hôm trước, ngay giữa ban ngày ban mặt mà người ta đã áp sát, bắn một viên đạn súng ngắn giết chết viên lúc sự của pháp viện tên Duyliêng Fretsnơ mà người ta nói là y đến lâu đài mang bức thư của quận công Đờ Ghidơ, qua bức thư này, quận công hối thúc anh ông ta là hồng y giáo chủ Loren phải xử thật nhanh Anơ Đuybuôc.

Do vụ sát hại này mà người ta chưa tìm ra thủ phạm tất nhiên là hiện ra trong tâm trí viên chánh án bóng ma viên lục sự khốn khổ bị giết hôm trước như cùng cưỡi lên mông con là với ông.

Chính cái đám đông hộ tống trên đường đi ấy đã làm cho ngài chánh án mặt mũi thật tái nhợt, làm tăng gấp đôi cử động run rẩy của ngài dùng gót chân thúc con la ương ngạnh là vật cưỡi của ngài và dù nó có bị thúc thì cũng không nhích nổi hơn một bước.

Tuy nhiên ngài vẫn lành mạnh về tới trước cửa nhà ngài; tôi ,xin thề với các bạn như vậy và nếu ngài còn sống thì bản thân ngài cũng thề với các bạn là qủa đúng lúc.

Quả nhiên, đám đông dân chúng bị kích động bởi sự im lặng của ngài nhưng thực ra chỉ là kết quả của nỗi lo sợ của ngài, còn dân chúng lại ngờ rằng đó là biểu hiện của tính thâm hiểm ác độc của ngài nên đám đông dân chúng dần dần tiến sát bên ngài uy hiếp rõ ràng làm ngài chết ngạt.

Vậy là những đợt sóng của cái biển bão tố ấy dù đã đe doạ ngài đến thế thì ngài chánh án Mina cũng ghé được tới bờ trước sự hân hoan của gia đình ngài và họ đã hấp tấp dìu ngài vào nhà, chốt khoá đóng kín cửa lại sau lưng ngài.

Con người đáng trọng ấy thực sự bối rối trước hiểm hoạ vừa qua nên đã bỏ quên con la của ngài trước cổng, điều mà từ trước đến nay chưa bao giờ ngài lãng quên, mặc dầu được giá và dù có trả giá cao hơn giá trị thực của nó thì con la này cũng không đáng hai mươi xu vào thời ấy.

Thật là hạnh phúc lớn lao cho ngài đã bỏ quên con la của ngài vì đám dân chúng Pari này thật dễ tính, dễ dàng chuyển từ uy hiếp sang cuời cợt và từ khủng khiếp sang hài hước, thấy rằng người ta đã để lại cho họ vật gì đó liền bằng lòng với cái mà người ta để lại là dắt con la đi thay cho ngài chánh án.

Con la ấy trong tay dân chúng trở thành thế nào, lịch sử không hề nói tới: vậy chúng ta hãy mặc xác con la mà hãy theo chủ nó vào trong gia đình ông.