Chương 7: Chương 07

Angiêlic đang ở trong bếp, như mọi ngày. Các em cô: Đơni, Mari-Anhét và bé Anbe đang ngồi chơi đùa bên cạnh. Bé út nằm trong nôi cạnh bếp lửa. Đối với đàn trẻ nhỏ, nhà bếp là căn phòng đẹp nhất trong nhà. Một ngọn lửa cháy liên tục và hầu như không có khói trong lò sưởi lớn. Ánh sáng của ngọn lửa cháy suốt ngày đó nhảy múa loang loáng trên những xoong chảo đồng đỏ nâu treo ở tường. Cậu thiế

u niên Gôngtơrăng nhút nhát và mơ mộng hay ngồi yên hàng giờ nhìn ngắm những ánh lửa chập chờn gợi lên cho cậu ta những hình thù kì quái. Còn Angiêlic nhìn ánh lửa bếp thì tưởng tượng ra những thần linh quen thuộc của lâu đài Môngtơlu đang hiện về.

Tối hôm đó Angiêlic đang nướng bánh nhân thịt thỏ, từ bên ngoài vọng vào tiếng vó ngựa phi.

- Cha của con về đấy - Cô Puynsêri nói - Angiêlic theo cô, ta nên vào phòng khách đi.

Nhưng sau giây lát im lặng - chắc người cưỡi ngựa đã nhảy xuống đất - lại thấy tiếng chuông réo ngoài cổng.

- Chờ tôi ra đây - Angiêlic

Cô phóng ra ngoài, chẳng cần để ý rằng những ống tay áo của mình còn vén cao, để lộ hai cánh tay trần, bột rây trắng xoá.

Qua tấm màn mưa và sương đêm, cô thấy một người đàn ông cao, mảnh khảnh với chiếc áo khoác ướt sũng. Cô nói to:

- Ông đã cho ngựa của ông trú mưa chưa đấy? Ở đây, súc vật cũng dễ bị cảm lạnh lắm. Vì có nhiều sương mù quá, ở các vùng đầm lầy mà.

- Cám ơn, thưa cô - người khách trả lời và nhấc mũ cúi chào - tôi đã mạn phép đưa ngựa và hành lý của tôi vào thẳng chuồng ngựa rồi, giống như những người đi đường thường làm. Vì nhận thấy còn phải một chặng đường dài nữa mới tới đích, nên khi tới gần lâu đài Môngtơlu này, tôi nảy ra ý nghĩ vào đây xin Nam tước cho nghỉ lại trọ một đêm.

Bộ quần áo vải đen thô cứng chỉ có cái cổ trắng để trang trí, khiến cho Angiêlic phỏng đoán người khách là một nhà tiểu thương hoặc một nông dân, mặc bộ quần áo ngày chủ nhật. Nhưng tiếng nói lơ lớ không phải của vùng này, mà nghe có phần xa lạ, làm cô ngỡ ngàng, cũng như cách nói cân nhắc từng từ của người lạ mặt.

- Bố tôi chưa về, nhưng xin ông cứ vào để sưởi ấm trong nhà bếp đã.

Khi cô trở vào bếp, có người khách đi theo sau, anh cô là Giôxơlanh đang đi vào qua một cái cửa khác từ phía các nhà phụ. Người lấm bùn bê bết, mặt nhem nhuốc đỏ ửng, anh kéo lê trên sàn đá một con lợn rừng mà anh vừa dùng giáo đâm chết.

- Đi săn kết quả chứ, thưa ông? - người khách lạ hỏi một cách lịch thiệp.

Giôxơlanh đưa mắt nhìn không thiện cảm và làu bàu trả lời. Rồi anh ngồi xuống một cái ghế đẩu, duỗi dài hai chân tới gần bếp lửa. Ông khách ngồi khiêm tốn ở một góc bếp, và đỡ lấy đĩa súp do u Phăngtin bưng đến mời.

Ông ta giải thích rằng mình người quê ở vùng này (vì sinh ở gần Xơgôngđinhi), nhưng sau đó đã ra nước ngoài trong nhiều năm, vì vậy nay nói tiếng mẹ đẻ lơ lớ.

- Nhưng sẽ hết lơ lớ nhanh thôi - khách khẳng định. Ông ta chỉ mới cập bến ở La Rôsen được không quá một tuần lễ nay.

Nghe nói vậy, Giôxơlanh ngẩng đầu và đưa mắt long lanh nhìn khách, cùng lũ trẻ xúm quanh và hỏi dồn dập:

- Ông đã đến nước nào ạ?

- Đấy có xa lắm không, thưa ông?

- Ông buôn bán gì ở đấy ạ?

Người khách đáp:

- Tôi không buôn bán gì. Hiện nay tôi nghĩ có lẽ mình chỉ mong muốn được đi đây đi đó khắp nước Pháp. Tôi sẵn lòng kể lại cuộc hành trình và những chuyện phiêu lưu của mình, ai thích nghe cũng được.

- Giống như các nhà thơ các nhạc công thời Trung cổ, phải không ạ? - Angiêlic hỏi thế, vì nhớ đến những bài học mà bà Puynsêri trước đây đã dạy cô.

- Cũng na ná như vậy, mặc dù tôi không hề biết ca hát, cũng không biết làm thơ. Nhưng tôi có thể kể lại một vài câu chuyện thật lý thú về những xứ sở ở đó cây nho mọc lên tự nhiên không có người trồng. Những chùm nho lủng lẳng trên những cây trong rừng, nhưng ở đấy người dân lại không biết cất rượu nho. Tôi còn có thể kể về những cánh đồng rộng mênh mông, ở đó, nếu muốn có một con ngựa thì chỉ cần đứng sau một tảng đá lớn, chờ cho những đàn ngựa rừng phi nước đại qua; ta sẽ quăng một sợi dây thừng dài đầu thắt nút thòng lọng, thế là tóm được ngựa để cưỡi.

- Ngựa rừng có dễ nuôi không ạ?

- Không phải lúc nào cũng dễ đâu - người khách mỉm cười

Angiêlic bỗng cảm thấy con người này chắc ít khi mỉm cười. Ông ta trạc hơn bốn mươi tuổi, nhưng trong đôi mắt thấy rõ vẻ đăm chiêu suy nghĩ về thứ tình cảm say mê nào đó.

- Thế ít nhất ông cũng phải vượt qua nhiều biển cả mới tới được xứ sở xa lạ đó, chứ ạ? - anh chàng Giôxơlanh lầm lì đặt câu hỏi, vẻ không tin.

- Muốn đến đó, ta phải vượt qua cả một đại dương. Rồi phải vào đất liền, qua nhiều sông, nhiều hồ. Những người dân ở đó có màu da đỏ xẫm như đồng. Họ lấy lông chim cắm lên đầu cho đẹp, họ lấy những tấm da thú khâu liền lại làm thuyền để đi lại. Tôi đã từng đến những đảo mà dân có màu da đen kịt. Họ sống chủ yếu dựa vào những cây lau sậy to cứng như cánh tay người, gọi là cây mía, cây này để sản xuất ra đường. Họ còn lấy nước mật của cây mía đó làm ra thứ rượu nặng hơn rượu ngô, uống vào đỡ say hơn mà lại tăng được sức khoẻ, người thấy vui vẻ, hào hứng hơn. Họ gọi đó là rượu rum…

- Ông có mang theo về đây thứ rượu tuyệt vời ấy không? - Giôxơlanh hỏi.

- Chỉ mang theo đây một lọ ở bên yên ngựa thôi. Nhưng tôi đã tặng mấy thùng rượu này cho một người em họ ở La Rôsen. Tôi không phải là nhà buôn. Tôi chỉ là một người lữ khách thích đến những vùng đất mới, rất muốn được biết những xứ sở nào không có ai phải đói, phải khát, ở đó con người cảm thấy mình được tự do.

- Ông là một người Tin lành, phải không ạ? - Raymông quyết định hỏi thẳng.

- Vâng, đúng vậy. Tôi còn là một mục sư, dù không coi sóc một xứ đạo nào….

Một lát sau, bà Nam tước Xăngxê có cô con gái Ooctăngxơ theo sau, bước vào nhà bếp.

Người khách cúi chào rất lịch sự:

- Mục sư Rôsơpho - ông tự giới thiệu - Tôi đang ở trên đường đến Xơgôngnhi, nơi sinh của tôi; nhưng vì đường còn xa, tôi mong muốn được nghỉ nhờ một chút dưới mái nhà mến khách của phu nhân. Có người bạn mách cho tôi rằng phu nhân có mượn một người làm theo đạo Tin lành, từ nhiều năm nay rồi. Tôi đã tìm đến bác này hỏi thăm trước. Bác Guyôm Lútđen cho biết: tôi có nhiều hi vọng được phép nghỉ lại ở đây đêm nay.

- Ông có thể yên tâm lưu lại đây, đêm nay và mấy hôm sau nữa cũng được, không sao cả.

Đến lượt Nam tước Ácmăng xuất hiện. Đã được người nhà báo tin có người đến thăm bất thần, ông không chào hỏi khách với sự niềm nở thường lệ, mà tỏ ra miễn cưỡng, hơi lo ngại.

- Thưa ông, có đúng là ông đã từ châu Mỹ trở về đây không? - ông Nam tước hỏi, sau những câu chào thường lệ.

- Vâng thưa ngài Nam tước. Và tôi thật lấy làm sung sướng nếu được ngài cho phép hầu chuyện riêng một lúc, chuyện dính dáng đến một người mà ngài có quen biết.

- A, à… - ông Nam tước bất giác lo ngại đưa mắt nhìn ra cửa.

Rồi ông nói khá hấp tấp rằng mình sẵn sàng để tùy ngài Rôsơpho sử dụng nếu cần gì thì xin cứ gọi người hầu; và bữa tối sẽ dọn xong sau một giờ nữa.

Người mục sư cảm ơn và xin rút lui để “tắm rửa một chút”.

Lúc ông khách đi ra cửa để về căn phòng mà bà Xăngxê sắp chỉ cho ông ta, Giôxơlanh giữ lấy cánh tay khách theo một thói quen sỗ sàng:

- Xin hỏi thêm một câu, thưa mục sư. Muốn làm việc tại đó, ở bên châu Mỹ ấy, tôi nghĩ rằng người ta phải thật giàu có, hoặc phải mua được chức trung úy hải quân, hoặc ít nhất phải có chứng chỉ thành thạo một nghề nào đó, đúng không ạ?

- Châu Mỹ là những nước tự do, con ạ. Ở bên đó người ta không đòi hỏi bất kì điều kiện gì. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải đến nơi đến chốn, và cũng phải biết bảo vệ mình.

- Ông là ai, ông khách lạ này, mà sao được tự do cho phép mình gọi anh thanh niên này bằng con, hơn nữa còn gọi thế trước mặt người bố của nó, và trước mặt cả tôi, ông nội của nó? - Cụ Nam tước già hỏi và cười gằn.

- Tôi là mục sư Rôsơpho, để phục vụ ngài, thưa Cụ Nam tước. Hiện nay tôi không coi sóc đạo này ở đây, tôi chỉ đi qua vùng này thôi.

- A, một người Tin lành! - Cụ Nam tước nói làu bàu - thậm chí, ông đến từ những miền đất đáng nguyền rủa kia…

Cụ già đứng ở ngưỡng cửa, tay dựa vào cây gậy chống, nhưng người rất thẳng. Mặt cụ trông trắng bệch gần như bộ râu dưới con mắt của Angiêlic.

Người mục sư nhặt cái áo khoác ướt đẫm ở ghế lên nói:

- Tôi đến đây không để chống đối ai. Tôi được giao một nhiệm vụ cần được thực hiện ở lâu đài Xăngxê này. Tôi phải chuyển một lời nhắn từ những miền xa xôi về đây. Lẽ ra, tôi muốn được nói chuyện riêng với một mình Nam tước Ácmăng thôi. Nhưng tôi thấy ở đây công việc quen được giải quyết công khai với cả gia đình. Tôi ưa thói quen này…

Angiêlic chú ý thấy ông nội cô mặt tái ngắt đi giống màu cái tay nắm bằng ngà của chiếc gậy ông cụ đang chống, và cụ phải tựa người vào bậc cửa. Cô lo ngại cho ông cụ. Nhưng người mục sư nói tiếp:

- Ông Ăngtoan Riđuê Xăngxê, người con của cụ mà tôi có dịp gặp tại Florida đã yêu cầu tôi đến lâu đài này, nơi ông đã sinh ra, để hỏi tin gia đình và nói lại cho ông ấy khi tôi trở về Mỹ. Như vậy tôi đã làm xong nhiệm vụ được giao phó.

Cụ Nam tước già từ từ tiến lại gần người khách:

- Hãy đi khỏi đây ngay! - ông cụ kêu lên khản cả tiếng - chừng nào tôi còn sống thì không được nói đến tên đứa con đó dưới mái nhà này. Vì nó đã phản bội Chúa của nó, phản bội Vua của nó và Tổ quốc của nó. Hãy đi khỏi, tôi đã bảo mà. Tôi không muốn thấy một người Tin lành ở trong nhà mình.

- Tôi đi ngay đây - ông mục sư điềm nhiên nói.

- Không, xin cứ ở lại, thưa ông - tiếng nói của Raymông vang lên - ông không nên ra ngoài nhà giữa đêm mưa to như thế này. Không người dân làng nào ở Môngtơlu này muốn cho ông trú chân, mà cái làng theo đạo Tin lành gần nhất thì còn xa lắm. Tôi xin ông vui lòng nghỉ lại ở phòng của tôi.

- Vâng, xin ông ở lại - Giôxơlanh nói với giọng xúc động - ông cần phải kể chuyện thêm nữa về châu Mỹ và về biển cả cho tôi nghe với.

Cụ Nam tước tức giận run lên, cả bộ râu cũng rung rung.

- Ácmăng! - cụ kêu lên, và giọng nói tuyệt vọng của người ông nội làm trái tim Angiêlic thắt lại.

- Đây là nơi ẩn nấp tinh thần nổi loạn của thằng Ăngtoan, anh ruột con ư? Nó ẩn nấp ngay trong người hai đứa trẻ mà ta yêu thương này! Chúa trời hành hạ ta thật chẳng thiếu một điều gì. Ta đã sống đến giờ là quá đủ lắm rồi!

Cụ già lảo đảo, bác Guyôm già vội đỡ ông cụ. Cụ Nam tước đi ra, dựa hẳn vào người lính già, và luôn miệng nhắc bằng tiếng run run:

- Ăngtoan… thằng Ăngtoan…

Vài ngày sau, người ông nội già qua đời, vì bệnh gì không ai biết rõ. Thật ra, cụ đã nằm xuống như một cây nến tàn lụi, vào lúc mà người ta nghĩ rằng cụ đã bình phục được sau cuộc viếng thăm gây xúc động mạnh của ông mục sư.

Một buổi sáng sớm, chỉ ít ngày sau đám tang của ông nội, Angiêlic đang nửa thức nửa ngủ bỗng nghe tiếng ai gọi tên mình khe khẽ- Angiêlic! Em Angiêlic!

Cô mở mắt, kinh ngạc trông thấy Giôxơlanh ở cạnh giường mình.

- Anh đi đây - anh cô thì thầm - em hãy gắng liệu cách nói cho cả nhà thông cảm với anh nhé!

- Anh đi đâu bây giờ?

- Đi La Rôsen trước hết đã, rồi ở đó sẽ xuống tàu đi châu Mỹ. Mục sư Rôsơpho đã nói cho anh nghe về tất cả các nước đó. Các đảo Angtiơ, Niu Inglân, các xứ thuộc địa Vơginia, Merilên, Carôlaina… Cuối cùng anh đã đến được nơi mà người ta cần đến anh.

- Nhưng ở đây, mọi người cũng cần có anh kia mà! - cô buồn rầu nói - Người cô run lên trong tấm áo ngủ mỏng, vải đã sờn.

Người anh nói:

- Không, không có chỗ nào dành cho anh trong cái thế giới này của chúng ta. Anh đã quá mệt mỏi thấy mình thuộc về một giai cấp có những đặc quyền, nhưng lại vô tích sự. Dù giàu hay nghèo, những người quý tộc cũng không biết mình còn có giúp ích được gì nữa không. Hãy nhìn bố mà xem. Bố đang mò mẫm như kẻ đui mù. Bố tự hạ mình đến mức đi nuôi đàn la, nhưng lại không có gan khai thác công việc ấy để có thể kiếm ra nhiều tiền, và do đó mới khoác được vẻ hào nhoáng mới lên tước vị quý tộc của mình. Thế là rốt cuộc, bố mất cả chì lẫn chài. Người ta thì thầm chỉ trỏ bố, vì bố lao động nhọc nhằn như một lái ngựa, nhưng họ cười cả gia đình chúng ta vì mặc dù vậy, chúng ta vẫn chỉ là những người quý tộc nghèo rớt mồng tơi. May sao, bác ruột chúng ta là bác Ăngtoan đã chỉ cho anh thấy con đường phải đi. Bác ấy là anh ruột bố. Bác đã theo đạo Tin lành và đã rời lục địa này để đi xa.

- Thế anh sẽ không từ bỏ tín ngưỡng của mình chứ? - Angiêlic bối rối cầu xin.

- Không, em ạ, anh chỉ cần được sống thôi mà.

Anh hôn từ biệt cô thật nhanh; đi được vài bước, anh quay lại đưa cặpsắc sảo nhìn cô em gái ăn mặc quá phong phanh:

- Em đang ngày càng xinh đẹp và rắn rỏi hơn, Angiêlic ạ. Hãy dè chừng! Em cũng cần phải rời khỏi đây thôi. Nếu không thì ngày nào đó, em sẽ thấy mình ngã xuống đống rơm với một đứa chăn bò nào đó thôi. Hoặc không thì cũng trở thành đồ chơi của một tên nhà giàu nào đó ở quanh vùng.

Rồi anh nói thêm, giọng bỗng trở nên dịu dàng:

- Em yêu quý, hãy tin lời một kẻ đã phạm phải không ít điều càn quấy. Nếu ở lại, cuộc đời em sẽ đáng lo đấy. Chính em cũng cần phải rời xa những bức tường đang đổ nát này. Còn anh thì anh sẽ ra biển khơi đây!

Rồi Giôxơlanh phóng nhanh xuống những bậc thang cuối cùng và mất hút.