Chương 33: Chương 28

Angiêlic kéo cái rèm bằng gỗ lên, rồi cố hết sức mở cái cửa sổ có những ô kính tráng thủy ngân. Cuối cùng nàng mở được. Nàng hít thật sâu không khí sớm mai trong lành, rồi đứng ngây như tượng, bàng hoàng vì ngạc nhiên và thích thú.

Phòng nàng không quay ra phố địa ngục, vì ở phía sau của ngôi nhà. Phòng từ trên cao trông xuống một con sông, mặt nước phẳng lặng và sáng như một lưỡi gươm, óng ánh như dát vàng dưới những tia nắng của mặt trời mới mọc, với những con tàu nhỏ và những xà lan nặng trĩu qua lại như mắc cửi, ở bờ bên kia, một chiếc tàu của bà thợ giặt đầy quần áo bằng một tấm vải bạt trắng căng phồng, tạo thành một vệt sáng bóng tựa như một vạch phấn trên tấm cảnh mù sương vẽ bằng chì màu. Những tiếng phụ nữ kêu ơi ới, tiếng vồ của họ đập quần áo thình thịch vang lên tận chỗ Angiêlic, xen lẫn tiếng gọi nhau của đám công nhân chở xà lan là tiếng hí của bầy ngựa được người chăn dắt đưa tới mép nước.

Một mùi chua lợ xộc lên mũi Angiêlic. Trên bờ sông bùn lầy, chất cao một đống quả chín rữa ruồi nhặng bám đầy. Phía bên phải, ở một góc đảo, có một cái bến nhỏ đen kịt những xà lan: các thùng đầy cam, anh đào, nho và táo đang được bốc dỡ. Những chàng thanh niên Xinh-trai quần áo tả tơi đứng ở đầu xà lan, đang nghiến ngấu cắn vào những quả cam, nhả hột ra cho những con sóng nhỏ cuốn đi, hất lên bờ, tấp vào các chân tường. Rồi bọn con trai cởi bỏ những manh áo rách, lao xuống dòng nước xanh nhạt. Từ bến này, một cây cầu nhỏ bằng gỗ, sơn màu đỏ tươi, nối liền hòn đảo Đô thành với một hòn đảo nhỏ hơn.

Ngay phía trên đám các bà thợ giặt là một bãi đen kịt những tàu thuyền của lái buôn. Những thùng

phuy được dựng thành hàng san sát; những bao tải chất thành đống, và những núi cỏ khô đang được bốc dỡ lên bờ để bán cho các chuồng ngựa với những con sào có móc sắt, bọn lái thuyền đang kìm giữ những bè gỗ thả xuôi dòng để kéo dần vào bờ, ở đó, những cây gỗ được kéo lên xếp thành đống.

Bên trên tất cả các tiếng động và tiếng rì rầm ấy, một mặt trời rực sáng mát mẻ như mùa xuân trên bầu trời trong sáng lạ lùng, đến mức mỗi cảnh vật đều biến thành một bức tranh thanh nhã như trong mơ, dù chỉ là một tấm vải đột nhiên sáng lóe lên, một cái mũ vải trắng, hoặc một con hải âu kêu the thé, bay là là mặt nước.

“Sông Xen” - Angiêlic lẩm nhẩm.

Có tiếng gõ cửa, cô hầu gái của Ooctăngxơ bước vào:

- Cháu mang sữa cho em bé, thưa bà.

- Tốt lắm, em ạ. Lẽ ra em không phải vất vả thế, mà cứ bảo cô hầu gái nhỏ của cô lên đây với cái bình đi mua sữa.

- Cháu muốn lên xem chú bé đã dậy chưa. Cháu yêu các em nhỏ lắm, bà

Chị hầu gái người mũm mĩm, có đôi má trắng bóng và đôi mắt xanh của trẻ thơ. Angiêlic bỗng cảm thấy yêu mến cô ta.

- Em tên là gì, hở em?

- Thưa phu nhân, cháu tên là Bacbơ, để hầu hạ bà.

- A, Bacbơ này, cô đã cho em của cô bú lúc đầu đấy. Cô mong em sẽ chóng lớn và cứng cáp.

- Còn gì tốt bằng sữa mẹ ạ! Bacbơ nói một cách trịnh trọng

Bé Phlôrimông tỉnh giấc. Em lấy cả hai tay vịn vào cạnh chiếc nôi nhỏ và ngồi dậy, chiếu đôi mắt đen sáng long lanh vào khuôn mặt lạ.

- Của quý xinh đẹp, con chó con thân yêu, chào em cưng của chị! - Chị hầu gái gọi rồi bế em lên, người còn ẩm mồ hôi đêm. Chị ta đưa em ra cửa sổ, chỉ cho em xem những con tàu và những con hải âu và các thùng cam.

- Cái bến nhỏ trên sông kia tên là gì hở em? - Angiêlic hỏi.

- Đấy là bến Xanh Lăngđri, bến của chợ hoa quả, và bên trên là Cầu Đỏ để đi sang đảo Xanh-Luy. Phía bờ sông bên kia cũng có nhiều bến để bốc dỡ hàng. Bà có thể trông thấy bến của chợ cỏ khô, bến gỗ, bến lúa mì và bến rượu nho.

- Còn quảng trường rộng đằng kia?

- Đấy là quảng trường Grevơ.

Chị Bacbơ nheo mắt nhìn cho rõ rồi nói thêm:

- Cháu trông thấy sáng nay ở quảng trường Grevơ có một đám đông. Chắc người ta đưa đi treo cổ một người n

- Treo cổ ư? - Angiêlic khiếp sợ hỏi.

- Đúng thế ạ, đó chính là nơi người ta xử tử những kẻ có tội. Từ gác xép dưới mái nhà của cháu, cháu đã xem được bao nhiêu vụ xử tội, mặc dù ở đó hơi xa đây. Nhưng cháu lại thích xem từ xa như vậy, vì cháu dễ mủi lòng lắm. Phần lớn là treo cổ nhưng cháu cũng đã hai lần thấy người ta chặt đầu bằng búa, và một lần thấy người ta thiêu một người phù thủy trên dàn lửa.

Angiêlic run lên và quay đi. Quang cảnh bên ngoài cửa sổ bỗng nhiên trở nên kém hấp dẫn đối với nàng.

Sau khi mặc một bộ áo khá lịch sự, vì nàng định đi thăm điện Tuylơri, Angiêlic bảo chị hầu Macgô lấy chiếc áo choàng và đi theo mình. Cô hầu bé sẽ ở nhà trông Phlôrimông, và chị Bacbơ sẽ để ý đến cả hai.

- Điều tôi sợ đã thành sự thật rồi, phu nhân ạ. Macgô báo tin. Lũ đánh xe ngựa và đầy tớ xỏ lá của bà đã chuồn mất rồi, và không còn ai để đánh cỗ xe và coi sóc đàn ngựa cho bà nữa.

Sau mấy phút bối rối, Angiêlic lại tươi tỉnh lên:

- Không sao, như thế lại càng hay. Tôi chỉ mang theo có bốn nghìn đồng Livrơ. Tôi định sẽ nhờ ông Angđigiô về Tuludơ, để đưa lên cho tôi một số tiền. Trong khi chờ đợi, thì tốt hơn hết là ta không phải trả tiền công cho bọn kia nữa. Tôi sẽ bán mấy con ngựa và cỗ xe đi, để đi bộ.

Xuống thang gác, vào phòng đợi, nàng trông thấy ông thợ sửa tóc Binê và chú nhạc công trẻ, nàng cảm động nói với họ:

- Cảm ơn các bạn về lòng trung thành đó. Nhưng tôi sợ rằng chúng ta sẽ phải chia tay, bởi vì tôi sẽ không có khả năng giữ các bạn ở lại giúp việc nữa. Anh Binê, anh có ưng để tôi giới thiệu anh với công nương Môngpăngxiê không? Tôi chắc công nương sẽ tìm được việc làm cho anh, hoặc sẽ giới thiệu anh với một vị quý tộc nào đó.

in cảm ơn lòng tốt của Phu nhân, nhưng tôi có ý định xin làm thuê cho một ông thợ cả chủ hiệu cắt tóc.

- Sao lại thế, anh là người thợ cạo râu và làm tóc giả giỏi nhất ở Tuludơ kia mà? - Angiêlic ngạc nhiên.

- Thật rủi ro, là tôi sẽ không thể nào kiếm được việc làm nào quan trọng như thế ở kinh đô này, nơi mà các nghiệp đoàn rất chặt chẽ, người lạ khó mà len vào.

- Anh có lý, anh Binê ạ. Xin tặng anh một trăm đồng êquy. Chúc anh may mắn.

Người thợ sửa tóc trẻ cúi chào, và nhấc hòm đồ nghề lên, lùi ra cửa một cách lễ phép.

- Còn anh, Giôvani, anh có ưng để tôi thử tìm cách giới thiệu anh với ngài nhạc sư Luyli không?

- Ôi, thưa bà chủ, như thế thì còn gì bằng ạ!

- Thế còn anh, Cuaxi-Ba, anh muốn làm gì nào?

- Tôi muốn được theo phu nhân đi dạo chơi.

Angiêlic mỉm cười:

- Được rồi. Nào, ta đi, hai bạn. Chúng ta đi đến điện Tuylơri.

Đúng lúc đó, cửa mở ra, và thấy mớ tóc giả màu nâu trang nhã của ông biện lý Phalô hiện trên khung cửa.

- Tôi nghe thấy tiếng bà nói, và đang đợi để xin được nói chuyện một lát với bà.

Angiêlic ra hiệu cho mấy người đầy tớ chờ mình

- Tôi đã sẵn sàng, thưa ngài!

Nàng theo ông ta vào văn phòng, ở đó những viên thư ký và người giúp việc khác đang bận rộn với công việc.

Ông Phalô đưa Angiêlic vào một phòng làm việc nhỏ ở bên cạnh, tại đó có một người đang chờ. Ông biện lý giới thiệu:

- Đây là ông Đêgrê, luật sư, ông sẽ phục vụ phu nhân trong việc làm cố vấn hướng dẫn cho bà trong vụ án khổ tâm này của ông nhà.

Angiêlic ngắm nhìn người khách mới tới này với vẻ hoang mang. Luật sư của ngài Bá tước Perắc đây ư? Thật khó mà tìm được một cái áo vét tông sờn hơn, một cái áo sơmi cũ kỹ hơn và một cái mũ dạ bạc màu hơn! Tuy nhiên, mặc dù bề ngoài túng thiếu, người luật sư này tỏ ra đầy tự tin.

- Thưa phu nhân, - ông ta nói ngay- cho phép tôi không dùng thì tương lai hoặc lối nói giả định. Tôi đích thực tùy quyền bà sử dụng. Bây giờ xin bà nói cho tôi rõ tất cả điều gì bà đã biết, không phải sợ hãi gì cả.

- Sao, thưa ông, tôi không biết gì hoặc hầu như không biết gì. - Angiêlic nói, vẻ hơi lạnh lùng.

- Thế lại càng hay, vì như vậy chúng ta sẽ không xuất phát từ những tiêu đề sai sự thật.

- Dù sao, có một điều chắc chắn, thẩm phán Phalô xen vào, đó là thư có dấu Nhà vua ký.

- Đúng lắm, thưa ông, Đức vua! Ta phải bắt đầu từ đầu mối này.

- Tôi định đi thăm công nương Môngpăngxiê, bà chị họ Đức vua. - Angiêlic nói - Theo tôi, có thể qua bà mà thu được tin tức chính xác hơn. Và nhờ sự trung gian của bà, có lẽ tôi có thể được tiếp cận

- Công nương Môngpăngxiê, hừ! ông luật sư nói với vẻ dè bỉu. - Xin phu nhân chớ quên rằng bà ta đã từng là một người nổi loạn chống nhà vua bằng vũ khí. Và vì vậy sẽ luôn luôn bị ngờ vực ở triều đình. Hơn nữa, Đức vua còn ghen tị một phần nào với sự giàu có không bờ bến của bà ta.

- Tôi tin chắc, và luôn luôn được nghe người ta nói rằng Đệ nhất công nương có một trái tim rất nhân từ.

- Cầu trời để bà ta đem lòng nhân từ ấy làm điều tốt cho phu nhân! Là một đứa con của Pari, tôi ít lòng tin cậy ở trái tim nhân ái của những người có quyền thế. Dù sao xin bà cứ tiếp tục thử đi theo hướng đó nếu bà cho rằng điều đó đáng làm. Tuy nhiên, tôi xin khuyên bà nói chuyện với công nương bằng một giọng nhẹ nhàng, thản nhiên, mà đừng nhấn mạnh vào sự bất công mà bà đang chịu đựng.

“Chẳng nhẽ anh chàng luật gia áo sờn và hay lý sự này lại dạy được ta cách ăn nói với các nhân vật ở Triều đình ư?” Angiêlic khó chịu nghĩ thầm.

Nàng lấy một ít đồng êquy vàng ở túi tiền ra:

- Đây là ít tiền tạm ứng trước để ông chi dùng cho việc điều tra của mình.

Người luật sư cúi chào rất lịch sự và ra về. Ở một góc nhà, một con chó giống Đan Mạch cực to, với bộ lông trắng lốm đốm nâu, đứng lên và bước theo gót chủ.

Người luật sư, hai tay trong túi quần, vừa đi vừa huýt sáo vui vẻ một mình.

- Con người này không làm tôi tin cậy mấy. - Angiêlic nói với anh rể.

- Ông ta là một thanh niên xuất sắc đấy, ông biện lý nói cho nàng yên tâm. Nhưng ông ta nghèo. Tôi giới thiệu ông ta với bà, bởi vì, thứ nhất tôi kính trọng sự thông minh của ông ta, hai là ông ấy sẽ không tiêu quá nhiều tiền của bà. Với số tiền nhỏ ứng trước kia, ông ta sẽ làm được những việc

- Tiền nong không thành vấn đề. Nếu cần, nhà tôi phải được những luật gia tài giỏi nhất giúp đỡ.

Ông biện lý Phalô nhìn Angiêlic với con mắt vừa sắc sảo vừa kiêu kỳ:

- Vậy ra bà có trong tay một tài sản vô tận ư?

- Không có trên người tôi, nhưng tôi sắp cử Hầu tước Angđigiô đi Tuludơ, để thay mặt tôi gặp và dặn người chuyển hàng của gia đình tôi rằng, nếu như cần có tiền ngay tức khắc, ông ta sẽ bán đi một phần đất đai của chúng tôi.

- Thế bà không sợ rằng các bất động sản của mình ở Tuludơ có thể đã bị tịch thu và niêm phong, y như tòa nhà của ông bà ở Pari này ư?

Angiêlic nhìn ông với vẻ kinh ngạc:

- Sao lại có thể thế được? - nàng kêu lên. - Tại sao họ lại phải làm thế? Tại sao người nào cũng ráo riết đem tai họa đến cho chúng tôi? Chúng tôi không hề làm hại ai kia mà?

Ông biện lý giơ hai tay nói một cách lâm ly:

- Than ôi! Thưa phu nhân, có bao nhiêu người lui tới văn phòng này đã từng thốt lên những câu như vậy! Nghe họ nói, thì không một người nào đã từng làm điều hại gì nhỏ nhất cho bất cứ người nào cả. Ấy vậy mà luôn luôn có những vụ kiện tụng...

“Và luôn luôn có việc làm cho các luật gia!” - Angiêlic nghĩ thầm.

Với nỗi lo âu mới canh cánh bên lòng, nàng chẳng chú ý mấy đến cuộc đi bộ dạo chơi qua các phố tới Tối cao Pháp viện. Đi theo Bến Đồng hồ, nàng và mấy người hầu tới Cầu Mới trên sông Xen, ở tận đầu kia của đảo. Quang cảnh náo nhiệt của phố xá làm mấy người hầu vui sướng. Những quầy hàng nhỏ đặt trên xe có bánh được bày san sát quanh pho tượng đồng của Vua Angri đệ tứ nhân từ, với hàng loạt tiếng rao inh ỏi, phô trương những mặt hàng phong phú lạ thường. Chỗ này bán một thứ thuốc cao thần kỳ, chỗ kia có thợ nhổ răng không đau! Ở đây bán những lọ thuốc tẩy sạch mọi vết bẩn trên vai; ở nơi nọ bán sách, bán đồ chơi hoặc những miếng đồi mồi chữa được bệnh đau dạ dày. Nơi này vang lên tiếng kèn đồng hay tiếng nhạc ở các đàn hộp quay bằng tay; chỗ kia những người làm xiếc rong biểu diễn trò tung hứng cốc thủy tinh giữa những hồi trống dồn dập. Một người mặc bộ áo sờn rách giúi một mảnh giấy vào bàn tay Angiêlic và xin nàng mười xu. Nàng đưa tiền cho hắn ta một cách không suy nghĩ, rồi cho mẩu giấy vào túi, và giục giã mấy người hầu, đang há hốc mồm nhìn mọi thứ, phải rảo chân lên một chút.

Nàng thấy mình không còn bụng dạ nào để đi dạo chơi nữa. Cứ mỗi bước đi, nàng lại bị những người ăn mày cản đường, họ đột ngột xuất hiện trước mặt nàng và phơi bày một vết thương rỉ máu hay một cùi tay, một bắp chân quấn băng đầy máu. Hoặc lại gặp những phụ nữ rách rưới bế những đứa con nhỏ mặt sần sùi mụn nhọt ruồi nhặng bám đầy.

Cuối cùng, quá ớn vì những cảnh bày ra trước mắt và sau khi đã cho hết số tiền lẻ mang theo, Angiêlic bảo Cuaxi-Ba xua đuổi đám ăn mày đi. Anh da đen liền nhe răng nhọn và nắm tay dứ về phía một cái bóng người đang khập khiễng lại gần, ngay lập tức người đó cuốn gói nhanh nhẹn đến kỳ lạ.

Không khí đã trở nên mát mẻ hơn. Một làn gió nhẹ cuốn lên từ sông Xen và xua tan những mùi hôi hám trên phố xá. Cuối cùng mấy người đã tới điện Tuylơri, một lâu đài được tô điểm thêm bằng hàng nghìn chi tiết, với một cái vòm đồ sộ và những tháp nhỏ; đây là một tòa nhà nghỉ mát mùa hè với vẻ duyên dáng phụ nữ, đã được xây dựng trước kia cho Hoàng hậu Catơrin đờ Mêđixi, người phụ nữ Ý ưa chuộng xa hoa lộng lẫy.

Tại điện Tuylơri, Angiêlic được yêu cầu đợi. Đệ nhất công nương đã đến lâu đài Luyxămbua để chuẩn bị chuyển đến ở tại đó. Đức ông, em ruột Vua, đã quyết định tranh giành điện Tuylơri với Công nương, mặc dù Bà đã ở tại đây từ nhiều năm rồi. Lúc đầu Công nương phản đối ầm ĩ và gọi Đức ông là kẻ keo kiệt, nhỏ nhen. Nhưng sau Công nương đã nhượng bộ, như Bà thường vẫn nhường nhịn xưa nay, vì bản tính Bà rất tốt bụng.

Còn lại một mình, Angiêlic ngồi xuống cạnh một cửa sổ, ngắm khu vườn đẹp tuyệt vời, nàng hít thở không khí mát mẻ nơi thôn dã này và nhìn những cối xay gió nhỏ quay trên những ngđồi xa xa, ở Sayô, Paxi và Lơrun. Cuối cùng, gần giữa trưa, nàng thấy Công nương trở về, ướt đẫm mồ hôi và phe phẩy chiếc quạt giấy, cùng một đoàn tùy tùng rối rít và chen lấn nhau.

- Bạn thân yêu, - Công nương nói với Angiêlic, - Bạn lúc nào cũng đến đúng lúc. Giữa khi tôi nhìn quanh quẩn chỉ thấy toàn những khuôn mặt ngây độn thì khuôn mặt xinh xắn tuyệt vời với đôi mắt trong sáng của bạn đem lại cho tôi niềm vui tươi mát.

Công nương gieo mình xuống chiếc ghế bành, lấy lại hơi sức, rồi nói:

- Để tôi kể cho bạn nghe. Sáng nay, thiếu chút nữa tôi đã bóp cổ Đức ông nhỏ kia rồi, mà điều đó có khó khăn gì đối với tôi. Ông ta hất tôi ra khỏi lâu đài này, nơi tôi đã sống ngay từ lúc còn trẻ thơ.

Angiêlic phân vân tự hỏi: giữa lúc Công nương đang thao thao kể chuyện thế này, làm cách nào để xen vào chuyện đang làm héo gan héo ruột mình? Cuối cùng, nàng lấy hết can đảm nói:

- Xin lệnh bà tha lỗi cho tôi, tôi được biết là lệnh bà biết rõ mọi chuyện xảy ra ở triều đình. Chẳng lẽ lệnh bà không biết tin nhà tôi hiện đang bị giữ trong ngục Baxtiơ?

Công nương Môngpăngxiê có vẻ ngạc nhiên một cách thành thật, và tỏ ý bất bình ngay:

- Ở Baxtiơ ư? Vì sao, ông nhà phạm tội gì kia?

- Chính điều cụ thể này tôi không hề biết. Và tôi rất hi vọng rằng lệnh bà sẽ vui lòng giúp làm sáng tỏ cho tôi điều bí mật này.

Nàng thuật lại những chuyện xảy ra ở Xanh Giăng đờ Luy và sự mất tích bí hiểm của Bá tước Perắc. Những dấu niêm phong ở nhà vợ chồng Bá tước chứng tỏ rằng việc bắt cóc này có liên quan đến một vụ truy tố hình sự, nhưng đây là một bí mật được giữ rất kín.

- Ta hãy xem xem nào. Công nương Môngpăngxiê nói. Ta hãy suy nghĩ một chút. Ông nhà có những kẻ thù, như mọi người khác. ý phu nhân, ai có thể tìm cách hãm hại ông nhỉ?

- Nhà tôi không có quan hệ tốt lắm với Ngài tổng giám mục Tuludơ. Nhưng tôi không tin rằng ngài ấy có thể nêu ra bất kỳ chứng cớ nào có thể buộc tội nhà tôi, khiến cho Đức vua phải can thiệp.

- Hay là Bá tước Perắc đã xúc phạm đến một nhân vật quyền thế nào đó, thân cận với Đức vua chăng? Bản thân tôi cũng không phải luôn luôn được Đức Vua ưu ái. Đức vua là người hay cố chấp... À, bây giờ tôi nghĩ tới điều này, hoặc giả ông Perắc đã có điều gì xúc phạm đến chính Đức vua chăng?

- Nhà tôi không có thói quen nịnh bợ dễ dàng. Tuy vậy, ông ấy tôn trọng Đức vua, và ông ấy chẳng đã làm hết sức mình để đón tiếp Đức vua ở Tuludơ sao?

- Chao ơi, một ngày hội tuyệt vời làm sao! - Công nương reo lên và chắp hai tay lại. Nhưng mà, thật ra, tôi cũng có nghe nói rằng cuộc tiếp đón ấy lại làm Đức vua phật ý. Chuyện tương tự cũng đã xẩy ra với ngài Phukê tại lâu đài Vô mà... Những nhà quý tộc quyền thế không nhận ra rằng: khi Đức vua mỉm cười, điều đó có nghĩa là: Ngài đang khó chịu vì thấy những bầy tôi của mình đánh bại mình bằng sự xa hoa lộng lẫy.

- Tôi không thể tin rằng Đức vua lại có thể nhỏ mọn đến thể.

- Đức vua thì có vẻ dễ thương và lịch sự, tôi công nhận. Nhưng dù bạn có muốn hay không, sự thật là Vua luôn luôn nhớ lại thời mà các hoàng thân ruột thịt của mình đã tiến hành chiến tranh chống nhà vua. Tóm lại, Đức vua nghi ngờ tất cả những kẻ nào ngẩng đầu hơi quá cao.

- Nhà tôi không bao giờ âm mưu chống nhà Vua. Ông luôn luôn cư xử như một bầy tôi trung thực.

- Bạn bênh vực Bá tước mới nhiệt tình làm sao! Đừng khóc, bạn thân yêu! Bạn sẽ giành lại được ông Bá tước của mình, cho dù tôi có phải quấy rầy cả đến Ngài giáo chủ đi nữa!