Vị khách đã đến, người đầy cát bụi. Ông ta đi ngựa từ Liông qua Nimờ tới đây. Ông người khá cao, trạc ba mươi nhăm tuổi. Ông bắt đầu nói chuyện bằng tiếng Ý, rồi chuyển sang tiếng Latinh mà Angiêlic biết rất ít, và cuối cùng nói bằng tiếng Đức.
Angiêlic thạo tiếng Đức, ông Bá tước giới thiệu vị khách với nàng bằng thứ tiếng đó:
- Giáo sư Bécnali đây từ Giơnevơ tới, ông dành cho tôi vinh dự lớn lao: thảo luận với tôi về những vấn đề khoa học mà chúng tôi đã trao đổi bằng thư từ nhiều năm nay.
Người khách cúi chào thật sự kiểu Ý và nói nhiều câu khiêm tốn.
Angiêlic được yêu cầu có mặt trong cuộc thảo luận. Tuy nhiên, tỏ ra kín đáo, nàng ngồi riêng ở một góc gần cửa sổ mở ra phía sâ
Bấy giờ là mùa đông, trời lạnh nhưng khô ráo và có nắng. Angiêlic, với tấm áo thêu dở đặt trên đầu gối, c
hỉ để một tai nghe câu chuyện giữa hai người ngồi đối diện nhau bên lò sưởi đốt bằng củi.
Ngồi lùi sâu trong chiếc ghế bành trải đệm với vẻ thản nhiên quen thuộc, ông Perắc trông cũng ung dung như lúc thảo luận về thơ với mấy vị phu nhân. Thái độ thoải mái ấy trái ngược với phong cách của người đối thoại với ông: vị khách say sưa thảo luận, nhấp nhổm không yên trên ghế.
Giáo sư người Ý nói:
- Chỉ thiếu một chút nữa tôi có thể cho ngài là điên rồ, nhưng một cái gì đó sâu kín trong tư duy lại khiến tôi muốn tán thành điều ngài nói. Lý thuyết của ngài sẽ có thể là đỉnh cao của những công trình nghiên cứu của tôi về sự vận động của các chất lỏng. Tôi quả không hối tiếc gì về chuyến đi xa nguy hiểm này, vì nó đã đem lại cho tôi nguồn vui vô giá được trò chuyện với một nhà khoa học lớn. Nhưng hãy dè chừng, ông bạn của tôi ạ! Một người như tôi, lời lẽ còn thua xa lý luận của ngài về tính táo bạo, vậy mà cũng bị coi là kẻ tà giáo và buộc phải sống lưu vong ở Thụy Sĩ. Thế thì điều gì có thể đến với ngài?
- Ôi dào! Tôi không tìm cách thuyết phục bất cứ người nào, trừ phi họ có đầu óc thông thạo khoa học và đủ khả năng hiểu được lý lẽ của tôi. Tôi thậm chí không có tham vọng viết sách hay công bố kết quả công việc tìm tòi của mình. Tôi để tâm làm việc đó vì ưa thích, y như tôi làm thơ với các phu nhân kiều diễm vì lấy làm vui thích. Tôi sống bình yên trong dinh thự của mình ở Tuludơ này. Vậy thì ai nỡ đến đây để làm hại tôi?
- Con mắt của chính quyền có ở mọi nơi - Giáo sư Bécnali nói, không chút ảo tưởng nào, và đưa mắt nhìn quanh phòng.
Đúng lúc đó, Angiêlic tưởng như nghe thấy một tiếng động rất nhẹ ở kề bên.
Nàng thấy hình như tấm rèm che cánh cửa hơi lay động. Điều đó làm cho nàng có cảm giác khó chịu. Từ lúc đó trở đi, nàng chỉ dùng nửa tai nghe hai người nói chuyện. Đôi mắt nàng như dán vào khuôn mặt ông Perắc tối của buổi chiều tà mùa đông lan vào trong phòng và làm dịu bớt những nét dị dạng trên mặt nhà quý tộc. Riêng đôi mắt đen của ông vẫn long lanh rực lửa say mê, và hàng răng trắng bóng nở nụ cười cùng với những lời nói nghiêm trang nhất. Angiêlic bỗng cảm thấy hồi hộp.
Khi ông Bécnali lui về phòng mình thay quần áo chuẩn bị ăn tối, ông Perắc đứng lên và đi đến góc cửa sổ nơi vợ ngồi:
- Cô kín tiếng quá, cô gái thân yêu ạ. Nghe chúng tôi nói chuyện, chắc cô buồn ngủ phải không?
- Không đâu, trái lại tôi rất chú ý.- Angiêlic trả lời thong thả và đây là lần đầu tiên đôi mắt nàng không né tránh chồng. - Tôi không dám nói là hiểu được tất cả câu chuyện này nhưng thú thật tôi coi trọng những chuyện như vậy hơn các bài thơ của các phu nhân và đám thanh niên tùy tùng.
Ông Perắc cúi xuống nhìn nàng chăm chú:
- Cô là một phụ nữ trẻ kỳ lạ. Tôi đã từng dùng nhiều cách để thu phục những người phụ nữ mà tôi yêu thích, nhưng thật chưa bao giờ dùng đến toán học để tranh thủ ai.
Angiêlic không nén được cười và má nàng ửng hồng. Nàng hỏi để chuyển hướng câu chuyện:
- Vậy ra ông thường làm thí nghiệm vật lý trong phòng thí nghiệm mà Cuaxi-Ba canh gác cẩn mật lắm phải không?
- Có và không. Tôi có một số dụng cụ đo lường, nhưng tôi dùng trong phòng thí nghiệm chủ yếu trong việc nghiên cứu hóa học đối với những kim loại như vàng và bạc.
“À, phép luyện đan!” - Angiêlic nói sẽ với vẻ ghê sợ, và hình ảnh lâu đài của Gyơ đờ Rét hiện lên trong trí óc nàng.
Rồi nàng sốt sắng hỏi:
- Tại sao ông lúc nào cũng muốn có vàng và bạc? Tại sao ông cần phải có nhiều vàng thế?
- Thưa phu nhân, cần có thật nhiều vàng và bạc để được tự do. Cũng như ngài Angđrê, vị tu sĩ đã viết tựa đầu cuốn “Nghệ thuật yêu đương”: “Muốn lo liệu chuyện tình yêu, bạn phải làm sao để không cần bận tâm về việc mưu sinh”.
- Ông đừng tưởng có thể dùng quà tặng và tiền của để thu phục tôi! - Angiêlic nói gạt đi và né mình ra, vẻ giận dữ.
- Tôi không tưởng tượng chuyện gì cả, cô gái yêu quý ạ. Tôi chờ đợi cô. Tôi biết rằng người ta thường khuyên các nhà thơ, các ca sĩ nên quỳ gối ca ngợi người đẹp của mình. Nhưng quỳ gối là tư thế phức tạp đối với cái chân của tôi. Tôi muốn nói như nhà thi sĩ tuyệt vời Bécna Văngta đã nói đùa “Tôi là nô lệ của cái Đẹp. Tình yêu dằn vặt làm tan nát lòng tôi. Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”. Thưa Phu nhân, tôi đang chết dần, chết mòn đây!
Angiêlic lắc đầu cười:
- Tôi tin sao được. Ông như thế này, ai dám bảo ông đang chết dần chết mòn được? Ông hết tự giam mình trong phòng thí nghiệm, lại vội vã chạy đến nhà các phu nhân kiểu cách của thành phố Tuludơ để dạy họ làm thơ kia mà.
- Chẳng lẽ cô thấy thiếu tôi ư, Phu nhân?
Nàng do dự, môi hé cười, cố gắng ra vẻ pha trò:
- Tôi thiếu giải trí, mà ông lại là hiện thân của giải trí và đa dạng.
Nàng cúi xuống thêu tiếp. Bây giờ nàng không hiểu mình thích hay sợ đôi mắt của ông Perắc thỉnh thoảng nhìn giữa những cuộc tranh cãi nô giỡn kiểu đó do cuộc sống giao tiếp rộng rãi tạo nhiều cơ hội cho họ. Lúc đó, đột nhiên vẻ mỉa mai của ông biến mất và ông im bặt, khiến nàng có cảm giác rơi vào một ảnh hưởng kỳ lạ, bao trùm và chi phối nàng hoàn toàn. Nàng muốn nhắm mắt lại.
“Ông ta đang lợi dụng lúc mình hết nghi ngại dùng tà thuật chinh mình” - nàng nhủ thầm, vừa run sợ, vừa vui thích.
Ông Perắc thu hút được phụ nữ. Angiêlic không thể phủ nhận điều này. Cái đó trong những ngày đầu đã khiến nàng kinh ngạc, nhưng dần dần trở nên dễ hiểu hơn. Chỉ cần ông ta xuất hiện là đủ làm cho các nhóm phụ nữ sôi nổi hẳn lên. Ông biết cách nói chuyện với phụ nữ - ông tìm được những câu nói dễ thương và những câu châm biếm. Ông biết cách nói với một phu nhân như thế nào để làm cho bà ta cảm thấy như riêng mình được đặc biệt chú ý trong số bao nhiêu phụ nữ khác. Angiêlic phản ứng giống như một con ngựa bất kham khi nghe tiếng nói vuốt ve của ông. Nàng nhớ lại câu chuyện tâm sự của u già: “Ông ta mê hoặc những phụ nữ trẻ bằng những bài hát kỳ lạ...”
Khi giáo sư Bécnali trở vào, Angiêlic đứng lên để gặp ông. Nàng chạm vào Bá tước Perắc khi đi qua. Nàng thoáng thấy tiếc rằng ông đã không đưa tay ra giữ lấy người mình.