Chương 33: Chương 33

Ngày 20 tháng Năm, khoảng 15 giờ 35 phút, tại phố Phủ Tùng - Dư Trinh Lý thành phố Giang Kinh.

Na Lan theo Ba Du Sinh xuống dưới nhà, một xe cảnh sát đỗ ở đó khiến người đi đường và một số hàng xóm phải nhìn ngó. Cũng phải thôi, vì ở đây chỉ có số ít xe tư nhân được cấp giấy phép đặc biệt để đỗ xe. Riêng xe cảnh sát thì được ra vào những con phố đi bộ trong Dư Trinh Lý, và mấy hôm nay họ đã nhìn thấy quá nhiều rồi.

Ba Du Sinh mở cửa xe bên cạnh ghế lái để Na Lan lên, anh nói, “Ta vào xe nói chuyện.” Câu chữ ngắn gọn, không gắt gỏng cũng không vui vẻ, chứng tỏ anh đang ở trạng thái “việc công” sòng phẳng rõ ràng. Na Lan hơi lo lo, chưa biết chừng mình đã gây ra tai họa rồi cũng nên.

Có quá nhiều tin tức chưa báo cáo, nếu không gây ra tai họa mới là lạ!

Ba Du Sinh ngồi ở vị trí lái xe, im lặng không nói gì suốt một phút. Rồi mới nói, “Bận rộn cả buổi sáng, cô biết tôi đang làm gì không?” Anh lấy trong cặp ra một túi hồ sơ đưa cho Na Lan.

Bìa hồ sơ có một con dấu đỏ in chữ L đậm nét, một con dấu tròn của công an huyện Hoài Du.

Na Lan biết, đã đến lúc rồi đây.

Ba Du Sinh hỏi, “Ở đại sảnh Tiêu Tương đã xảy ra chuyện gì?”

Na Lan, “Em không biết.”

“Cô đừng…”

“Không! Em định nói là em chưa tìm hiểu hết hôm đó xảy ra những chuyện gì, và tại sao lại xảy ra? Nhưng bây giờ em có thể nói với anh… em có thể kể một câu chuyện, hoàn toàn là hư cấu.” Cô gắng giữ bình tĩnh.

“Hư cấu?” Ba Du Sinh hơi nóng mặt, dù anh vốn rất có năng lực kiềm chế. “Một vụ án lớn, cướp của, cháy nổ, giết người, sáu cái xác… bây giờ là lúc kể chuyện hư cấu ư?”

Giọng Na Lan run run, “Anh cứ tin em đi. Đúng thế, anh nên tin em.”

Ba Du Sinh hít sâu một hơi, nhìn vào mắt Na Lan, anh thấy những gì? Nếu là người khác thì đến chuyện hư cấu cũng không có ấy chứ!

Na Lan thở dài, “Em nói thật, em không rỗi và không có hứng để bịa chuyện. Anh đã nghe nói về cuốn sách Chiêu Dương ký sự chưa? Đó là một tập truyện ký có từ thời Minh - Thanh.”

Ba Du Sinh gật đầu, “Có biết. Cuốn sách ấy hơi quái dị, mấy vụ án cô bị cuốn vào ngày trước đều liên quan đến nó.”

“Chuyện em định kể cũng tương tự, ở trang 270, giấy trắng mực đen hẳn hoi, em nói dối thì em chết!”

Ba Du Sinh ngạc nhiên, “Đúng thế thật ư? Thế thì quả là kỳ lạ!”

“Cho nên người ta mới hay than thở: lịch sử lặp lại giống nhau khủng khiếp! Câu chuyện đó, em chỉ sửa một chút xíu là cùng.”

Ba Du Sinh hít một hơi thật sâu, “Đây là lần gian nan nhất kể từ khi hợp tác với cô.”

Na Lan gượng cười, “Hình như lần nào anh cũng nói câu này.”

Ba Du Sinh, “Được! Cô cứ kể đi, tôi nghe đây.”

Năm Thiên Khải thứ ba đời vua Minh Hy Tông, tại huyện Hoài Du phủ Giang Kinh.

Hoài Du vốn có nhiều mỹ nhân, trong số mỹ nhân ấy, Xảo Nguyệt 15 tuổi con gái nhà thợ may Đổng Tế Trung lại là người đẹp nhất. Nhan sắc đều có tính di truyền, Dương thị mẹ Xảo Nguyệt cũng là một đại mỹ nhân. Số Dương thị rất khổ, 12 tuổi đã mồ côi cha mẹ, cô và cậu em Dương Nhị Lang nương tựa vào nhau mà sống, cho đến khi cô lấy Đổng Tế Trung hơn cô nhiều tuổi, Dương Nhị Lang 10 tuổi sống cùng chị gái và anh rể. Hai năm sau, Dương thị sinh con gái Xảo Nguyệt, Dương Nhị Lang rất thương yêu đứa cháu gái.

Dương Nhị Lang từ nhỏ đã rất tinh ý khéo tay, dù là cục đất sét, cành cây, lá khô hay những thứ nhỏ bé lặt vặt, cậu đều có thể thổi hồn vào chúng thành những thứ rất thú vị. Lớn lên, cậu theo học nghề mộc, chỉ vài năm sau tay nghề đã khéo hơn cả sư phụ, cả vùng Hoài Du mấy trăm dặm vuông đều biết tiếng thợ mộc họ Dương trẻ tuổi khôi ngô. Các bà mối đổ xô nhau đến nhà thợ may họ Đổng mối mai cho các cô khuê nữ. Nhưng điều kỳ lạ là Dương Nhị Lang không mấy hứng thú với việc lấy vợ sinh con gia đình đầm ấm, vì tâm trí cậu đều dồn cả cho tay nghề thợ mộc. Cậu cảm thấy dù mình đã nổi danh một vùng nhưng vẫn chỉ như ếch ngồi đáy giếng, cho nên vào năm 25 tuổi, cậu nhất quyết cáo biệt gia đình chị gái, tạm biệt đứa cháu gái Xảo Nguyệt xinh như đóa hoa, tạm biệt Hoài Du, quẩy gánh lên vai đi viễn phương để học nghề.

Dọc đường, Dương Nhị Lang vừa làm thuê kiếm sống vừa nâng cao kỹ thuật. Cứ thế suốt chục năm trời, cậu đã đi đến kinh thành, đi sang Tây Vực, vượt qua trăm núi ngàn khe, bái sư vô số, thậm chí tham gia vào các công trình tu sửa hoàng cung… Khi trở về Giang Kinh để định cư thì Dương Nhị Lang đã là người thợ mộc thuộc hàng nhất nhì trên thế gian.

Nhưng điều mà cậu không ngờ: chờ cậu ở Hoài Du không phải gia đình đầm ấm yên vui của chị gái và anh rể như khi xưa cậu ra đi, mà là một cảnh hoang tàn, thê lương lạnh lẽo.

Chuyện xảy ra cách đây ba năm, trước khi Dương Nhị Lang trở về, tức là năm Xảo Nguyệt 15 tuổi. Hôm đó Mã Tuấn, công tử của tri phủ Giang Kinh Mã Hy Vinh du xuân trên đất Hoài Du non xanh nước biếc, khi đi chơi phố huyện thì nhìn thấy Xảo Nguyệt đang đi mua thức ăn. Âu cũng là số phận Xảo Nguyệt không may, mọi ngày Dương thị vẫn đi chợ nhưng hôm đó bà bị cảm hàn nên Xảo Nguyệt đi thay, thành ra hai người mới chạm mặt. Nhìn thấy Xảo Nguyệt xinh đẹp khác thường, Mã Tuấn nổi cơn thèm khát, lập tức hạ lệnh cho bọn tay chân khuyển mã bắt Xảo Nguyệt đưa vào Phượng Mãn Lâu là chốn yên hoa duy nhất của Hoài Du bấy giờ, ép Xảo Nguyệt hầu rượu cho hắn.

Xảo Nguyệt là cô gái trinh trắng thuần khiết, được nuôi dạy khuôn phép gia giáo, đâu thể chịu đựng nổi sự ô nhục như thế, bị lôi vào Phượng Mãn Lâu, cô bé một mực gào khóc từ chối cái trò hầu rượu đốn mạt, khiến Mã công tử càng nổi hứng dâm ô, hắn quyết ý cưỡng bức ngay tại đây. Nhưng Xảo Nguyệt không thể cam chịu, phẫn nộ trước Mã Tuấn hung bạo, cô quyết tâm chống lại, dốc sức vật lộn giằng co, Mã Tuấn nổi khùng sinh ác tâm, đẩy luôn cô khỏi lầu cao, rơi xuống đất.

Gọi Phượng Mãn Lâu là lầu cao, thật ra cũng chỉ cao bằng nhà ba tầng thời nay, nhưng vì đang ẩu đả người sẽ mất thăng bằng, lúc Xảo Nguyệt rơi xuống thì đầu chạm đất trước, lập tức hồn lìa khỏi xác. Mã Tuấn thấy mình gây ra án mạng thì vô cùng sợ hãi, bọn tùy tùng bèn mua chuộc tú bà và đám kỹ nữ để họ ngậm miệng, sau đó cả bọn rút lui.

Tin dữ truyền đến nhà thợ may họ Đổng đang bận rộn, chẳng khác nào sét đánh giữa trời quang, bác vội chạy đến Phượng Mãn Lâu, nhìn thấy con gái ngây thơ nằm giữa vũng máu, bác suýt chết ngất. Bác không hiểu nổi tại sao đứa con trong sáng thuần khiết của mình lại áo quần xộc xệch chết thảm thương ở cái chốn nhơ bẩn này. Tuần bổ và pháp y của nha môn đến điều tra, nhưng bọn kỹ nữ và tú bà đã được Mã công tử dán tiền vào mồm và cũng sợ sau này bị trả thù, nên đều khai là không biết. Cũng có người dân hàng phố nhìn thấy kẻ hầu của một công tử bắt cóc Xảo Nguyệt nhưng lại không biết gã công tử đó là ai. Huyện lệnh, sư gia và các tuần bổ biết rõ hung thủ là kẻ có thế lực thì cũng sợ phiền hà, vì thế họ chỉ giả vờ cố gắng điều tra rồi tuyên bố vụ án này bế tắc.

Tai vách mạch rừng, câu nói này luôn luôn đúng, tường hoa của Phượng Mãn Lâu cũng không ngoại lệ. Đổng Tế Trung đau đớn uất hận, vẫn được người có lương tâm thông cảm, cho biết kẻ bạo hành là Mã công tử, bác bèn đến nha môn huyện đánh trống kêu oan, yêu cầu tuần bổ lập tức đưa Mã công tử ra trước pháp luật.

Vấn đề là không có chứng cứ.

Không nhân chứng vật chứng, chỉ còn cái xác lạnh ngắt của Xảo Nguyệt. Tuần bổ và huyện lệnh cùng đến phủ Giang Kinh, uống rượu với Mã công tử và đề cập đến vụ Xảo Nguyệt. Mã công tử chối phắt, nói rằng tôi chưa hề đến huyện Hoài Du thì đâu có chuyện đại náo Phượng Mãn Lâu? Hẳn là có kẻ nghèo khổ quẫn trí muốn dùng cái chết của con gái để xoay tiền. Quan huyện trở về gặp bác thợ may họ Đổng, nói rằng không có bằng chứng gì thì khó mà kết tội Mã công tử.

Tiếc rằng, người ở Phượng Mãn Lâu đã hé lộ tin tức lại không đủ can đảm đối mặt với sự trả thù tàn khốc có thể xảy ra, nên giấu kín họ tên. Đổng Tế Trung cố kêu gọi người nặc danh ấy công khai đứng ra làm chứng nhưng không được hưởng ứng, bèn đến châu phủ kêu oan nhưng bị họ phạt đánh hai mươi gậy vì tội náo loạn công đường. Đổng Tế Trung vốn yếu sức, trận đòn khiến bác thập tử nhất sinh. Kết hôn muộn rồi sinh con gái, hết lòng thương yêu Xảo Nguyệt, nay bị bạo hành chỉ còn thoi thóp, cuối cùng bác đã tắt thở. Thương thay cho Dương thị, chồng chết con gái yểu mệnh, bà cảm thấy tuyệt vọng, chưa kịp tự sát thì đã hóa điên.

Dương Nhị Lang trở về phủ Giang Kinh, sau khi thu xếp ổn định, anh vui vẻ hào hứng trở lại huyện Hoài Du, hoàn toàn không ngờ ở đây đã xảy ra những biến động bi thảm. Về đến nơi, thấy hiệu may của anh rể đã biến thành cửa hàng thịt, cơ ngơi nhà cửa đã trở thành đống đổ nát. Hỏi thăm bà con hàng xóm, anh mới biết chuyện gì xảy ra. Dương Nhị Lang tìm thấy chị gái ở bãi tha ma hoang vắng bên ngoài huyện lỵ - một người đàn bà rách rưới, ngây dại, vô hồn, bên cạnh là mộ chồng và con gái. Trước mắt anh hiện lên nụ cười trong sáng ngây thơ của đứa cháu gái Xảo Nguyệt. Bi thương đan xen phẫn uất. Anh thề với mình sẽ trả thù rửa hận cho cả nhà người chị gái.

Trước hết Dương Nhị Lang tìm đến Phượng Mãn Lâu, giơ cái dùi thợ mộc sắc nhất ra buộc mụ tú bà phải khai rõ sự thật hôm đó. Sau khi xác định hung thủ là Mã Tuấn, anh trở lại phủ Giang Kinh rồi nghiên cứu tính toán đường đi nước bước của cuộc trả thù.

Rồi một cơ hội tốt rơi xuống trước mặt Dương Nhị Lang. Mấy năm nay Mã Tuấn chỉ lo hoàn thiện “nhân phẩm” công tử ăn chơi đàng điếm của mình nên lều chõng đi thi hai lần đều trượt. Tri phủ đại nhân hiểu rằng, mong thằng con trai của mình tiến thân trên đường học hành chỉ là ảo vọng xa vời, ông ta bèn bỏ ra chục vạn lạng bạc trong số tài sản “mình đáng được hưởng” để cho quý tử mở một tửu lâu. Châu phủ Giang Kinh ngày ấy nhờ địa thế sông dài hồ rộng lượn quanh mà trở thành một điểm nút giao thông phồn vinh tấp nập, mở nhà hàng nhất là nhà hàng với danh vọng của tri phủ thì ăn chắc chứ không bao giờ lỗ vốn. Mã Tuấn tự thiết kế bố cục và trang hoàng tửu lâu, hắn muốn nó sẽ trở thành tửu lâu đẳng cấp nhất Giang Kinh. Xây cất tửu lâu hàng đầu thì phải dùng thợ mộc hàng đầu. Sư gia của phủ tri châu vuốt râu tủm tỉm cười, nói rằng thật là may mắn: có một thợ mộc bậc thầy vừa mới đến Giang Kinh, người này không chỉ là hàng đầu ở địa phương mà còn là đại sư đẳng cấp toàn quốc.

Và thế là Dương Nhị Lang trở thành tổng chỉ huy thợ mộc xây cất tửu lâu này. Một thợ mộc cao siêu thời đó, đồng thời cũng là nhà thiết kế, kiến trúc sư và tổng quản công trường xây dựng. Như đã nói phía trên, Dương Nhị Lang vô cùng say mê nghề mộc, là nhân vật chính trong công trình xây cất tửu lâu, anh dốc toàn bộ tâm trí vào công việc. Dẫu trong lòng rất đau khổ vì phải phục vụ cho kẻ thù giết cả nhà chị gái mình, anh vẫn điều chỉnh được tâm thế vững vàng. Anh giả thiết rằng không phải mình xây cất tửu lâu cho tên công tử ác ôn kiếm tiền, mà là anh dùng đồng tiền “xương máu” của tri phủ để xây nhà kỷ niệm cho cháu gái và ông anh rể, cũng là mồ chôn Mã Tuấn.

Sau khi khánh thành, quy mô hoành tráng và đường nét tinh tế của tửu lâu đã khiến nó trở thành một cảnh quan đặc sắc của Giang Kinh thời đó, và cũng là cột mốc đánh dấu đỉnh cao sự nghiệp của Dương Nhị Lang. Tửu lâu chưa khai trương đã có vô số du khách ở các châu quận đến tham quan chiêm ngưỡng. Ngày khai trương, cả phủ Giang Kinh náo nhiệt như đang mừng tết Nguyên tiêu, từ sáng trở đi dòng người tham quan đông như trảy hội.

Hôm đó cũng là ngày đắc ý nhất trong cuộc đời gian nan ngắn ngủi của Mã Tuấn. Trên đỉnh tòa lầu, hắn đang chiêu đãi hai cử nhân sắp lên đường về kinh dự khoa thi, còn có hai ca kỹ danh tiếng nhất phủ Giang Kinh hầu rượu, thỉnh thoảng hắn lại bước ra sân thượng cao nhất của tửu lâu nâng cốc với du khách bên dưới, tỏ ý cảm ơn.

Thật ra, các du khách ngắm nhìn công trình kiến trúc có một không hai này chứ chẳng thiết nhìn gã công tử đứng trên lầu cao. Nhưng vẫn có một số người đang nhìn hắn, rồi họ bỗng kêu lên kinh hãi.

Mã Tuấn bỗng dưng biến mất!

Vừa rồi còn nâng cốc rượu, nhưng sau chớp mắt hắn đã biến mất!

Thì ra là, dưới chân hắn có một ô cửa bí mật, nói cách khác, là một hố bẫy. Bị tụt xuống khỏi sân thượng, Mã Tuấn rơi vào hốc cửa bí mật rồi trôi theo một đường dốc rơi tọt vào trong lầu. Đây là một thiết kế của Dương Nhị Lang cho thêm phần thú vị. Anh nấp trong ô cửa bí mật chờ Mã Tuấn đứng vào giữa cánh cửa thì giật dây kéo cửa xuống. Mã Tuấn kêu thét lên rồi trôi vào tầng kép nằm giữa tầng hai và đỉnh lầu. Chưa kịp hoàn hồn thì đã bị Dương Nhị Lang trói nghiến hai tay bằng bằng sợi thừng to bằng ngón tay, lôi lên phòng tiệc trên nóc lầu, chốt chặt cửa lại. Lúc đó trong phòng này có mặt hai cử nhân, hai ca kỹ, một a hoàn hầu trà nước, một tiểu nhị bưng đồ ăn và một tên hầu của Mã Tuấn. Mọi người đều sợ tái mặt.

Một trong hai cử nhân là Doãn Tĩnh Tài trấn tĩnh trước tiên, nói, “Dương sư phụ, có chuyện gì thì cứ nói, nếu còn nợ tiền công thì tri phủ đại nhân nhất định sẽ trả cho đủ.”

Dương Nhị Lang nói, “Nợ tiền thì trả, nợ mạng người thì sao?”

Mã Tuấn quát, “Dương Nhị Lang, chắc chắn ngươi nhận nhầm người rồi!”

Dương Nhị Lan, “Không nhầm! Nhưng ngươi tự thú nhận đi thì hơn.” Anh gí mũi dùi nhọn hoắt vào cổ họng hắn, máu bắt đầu rỉ ra,

“Cứu tôi với!” Mã Tuấn kêu to, cổ rướn lên, máu càng chảy ra nhiều hơn, rớt tong tỏng xuống ngực áo.

Dương Nhị Lan nói, “Ngươi nói thật đi, nói ngay ở đây, là ngươi đã đẩy Xảo Nguyệt xuống Phượng Mãn Lâu đúng không? Khai cho thật, may ra ta sẽ tha mạng cho!”

“Ta nói, thì ngươi vẫn giết ta.” Mã Tuấn kêu lên.

Doãn Tĩnh Tài nói, “Dương sư phụ, dừng tay thì vẫn còn kịp, tội gì phải thế này? Sư phụ đang độ tuổi tráng niên, lại là người thợ mộc danh tiếng, quãng đời mai sau còn dài, chẳng nên vì xả hận nhất thời rồi lỡ dở cả sự nghiệp đang thăng hoa.”

Dương Nhị Lang cười nhạt, “Nếu lẽ trời bất công, thì tôi đâu cần thăng hoa để làm gì nữa?”

Lúc này dưới lầu có tiếng vó ngựa dồn dập, chắc là những người nhìn thấy Mã Tuấn biến mất đã báo quan phủ.

Dương Nhị Lang đương nhiên đã lường trước tình thế, anh không hề nao núng, nói, “Thật ra ta đã biết ngươi là hung thủ, có người nhìn thấy tận mắt, họ không oán thù gì để mà phải vu oan giá họa cho ngươi. Tội ngươi đáng chết, ta có thể không cau mày mà giết ngươi luôn, nhưng ta muốn xem ngươi có còn chút lương tâm nào không? Người đã chết không thể sống lại, nếu ngươi thú nhận thì oan hồn cũng được chút an ủi, ta cam đoan sẽ tha mạng cho ngươi. Hai cử nhân, a hoàn, kẻ hầu sẽ làm chứng: chỉ cần ngươi khai nhận sự việc hôm đó ra sao, ta sẽ tha chết cho. Nếu ta nuốt lời, ta sẽ bị trời tru đất diệt.”

Có tiếng hô từ dưới lầu vọng lên, “Kẻ xấu trên kia nghe cho rõ đây: mau thả Mã công tử ra, ngươi sẽ được tha tội chết…”

Doãn Tĩnh Tài nói, “Tiểu nhị xuống dưới đó nói với quan binh, bảo họ bình tĩnh chớ nóng vội, chịu khó chờ đợi, chúng ta ở trên này vẫn đang nói chuyện theo đúng lễ nghi.”

Tiểu nhị không hiểu nổi mũi dùi và máu tươi là thứ “lễ nghi” gì, nhưng cũng chạy như bay xuống lầu để truyền tin. Bên dưới lầu tạm thời yên tĩnh, chắc là gã tiểu nhị đang kể lại “rất sinh động” tình thế hiểm nguy trên này khiến đám quan binh không dám manh động.

Dương Nhị Lang nói, “Mời Mã công tử!”

“Ngươi sẽ không giết ta thật chứ?”

“Nếu ngươi khai rõ sự thật, thì ta sẽ ném cây dùi này ra khỏi cửa sổ ngay… ngươi không tin lời thề độc của ta hay sao?”

“Thề độc?” Mã Tuấn cười nhạt, hiển nhiên là không tin tưởng gì hết.

“Mau nói đi! Ta không thể chờ đợi lâu!” Dương Nhị Lang lại ngoáy mũi dùi, cổ Mã Tuấn tiếp tục ròng ròng máu tươi. “Ta quên chưa cho ngươi biết hậu quả là gì nếu ngươi không chịu nói thật: ta sẽ rạch cổ ngươi cho máu chảy không ngừng, đồng thời dùi vào mười đầu ngón tay ngươi, tiếp đó là mười đầu ngón chân ngươi, cho đến khi ngươi chịu nói thật mới thôi. Bắt đầu!”

“Đừng! Tôi xin nói! Thật ra tôi vô cùng hối hận…” Dương Nhị Lang ngửi thấy mùi khai nồng nặc, Mã Tuấn đã không tự kiểm soát được nữa, hắn vừa sụt sịt vừa cung khai toàn bộ quá trình sự việc hôm đó, giống như tú bà Phượng Mãn Lâu đã kể lại với Dương Nhị Lang.

Dương Nhị Lang lắng nghe, toàn thân run run.

Khi Mã Tuấn kể đến chi tiết Xảo Nguyệt bị ngã xuống lầu, thì Dương Nhị Lang đứng thẳng người lên.

Anh ném cái dùi ra ngoài cửa sổ. Anh không nuốt lời. Rồi anh nói với hai cử nhân và các ca kỹ, “Các người xuống dưới kia đi! Nhớ là tạm thời không để cho quan binh lên đây, cứ nói là Mã công tử vẫn đang bị nguy hiểm.”

Mã Tuấn kêu lên, “Ngươi đã thề rồi kia mà?”

“Đúng, ta đã nói sẽ không giết ngươi, hung khí cũng ném đi rồi, ngươi còn sợ gì chứ?”

Doãn Tĩnh Tài nói, “Dương tiên sinh à, chúng ta nên thương lượng.”

Dương Nhị Lang lớn tiếng, “Nếu không muốn tôi đổi ý thì đừng nhiều lời nữa! Mau xuống đi, mọi người hãy cuốn xéo khỏi cái tửu lâu khốn nạn thấm đẫm máu và mồ hôi của dân chúng này!”

Doãn Tĩnh Tài “vâng vâng” rồi lủi xuống nhà.

Dương Nhị Lang xòe hai bàn tay ra, nói với Mã Tuấn, “Nhìn rõ chưa, ta không giết ngươi!”

“Hãy tha cho tôi.”

“Đương nhiên. Ta đã thề độc rồi, ngươi khai thật thì ta tha cho.” Anh cầm cái bát trên bàn ăn lên, đập vào cạnh bàn vỡ thành mảnh sắc lẹm. Rồi anh cúi xuống dùng mảnh bát cứa đứt dây thừng đang trói hai tay Mã Tuấn.

Sau đó anh chạy ra sân thượng, tung mình nhảy xuống bên dưới.

Trong khoảnh khắc rơi tự do, Dương Nhị Lang chọi đá lửa bén vào bùi nhùi, chắc cả Giang Kinh chỉ có anh mới đủ khéo léo nhanh nhẹn làm nổi điều này trong chớp mắt ngắn ngủi. Gí bùi nhùi châm lửa đốt lá cờ của tửu lâu, đốt cháy luôn cả mảnh khăn đã ướt sũng dầu mà anh cầm theo. Hai đám lửa được quăng vào cửa sổ tửu lâu trước khi Dương Nhị Lang rơi xuống đất.

Rất nhiều vật liệu gỗ dựng lầu đã được anh tẩm dầu mỡ từ trước. Anh đã dốc cả gia sản cho công cuộc trả thù này, bởi lẽ sau khi gặp người chị gái không còn nhận ra mình là ai, anh hiểu rằng mình chẳng còn nhà để về nữa.

Cả tòa lầu bỗng trở thành một lầu lửa ngùn ngụt cháy, đám quan binh bên dưới bỏ chạy thục mạng. Trong lúc hỗn loạn, không ai nghe thấy những tiếng kêu thảm thiết trên lầu cao.