Chương 2: Chương 2

Ngày 18 tháng Năm, khoảng 11 giờ 45 phút, tại ban chuyên án vụ cướp khu Dư Trinh Lý.

Khi Ba Du Sinh - đội trưởng Đội Trinh sát Hình sự Sở Công an thành phố Giang Kinh - đến ban chỉ huy ứng cứu ở Dư Trinh Lý thì công tác sơ tán đã hoàn tất, ba trăm mét đường chẳng còn lảng vảng một ai không phận sự, các hiệu kinh doanh thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, trang phục đắt tiền và hàng quà bánh đã sạch bóng người. Khương Minh, nhóm trưởng Trinh sát Hình sự khu Tân Giang trực tiếp phu trách sơ tán, báo cáo rằng: toàn bộ dân chúng của hai mươi tám ngõ phố đan nhau trong khu Dư Trinh Lý đều đã sơ tán cả, hiện chỉ có cảnh sát hình sự thành phố và cảnh sát đặc nhiệm trang bị đầy đủ vũ khí mà thôi.

“Các hộ dân ở lầu Ba Khắc thì sao?” Ba Du sinh hỏi.

Khương Minh nói, “Những người có thể ra, thì đã ra hết. Chắc chỉ còn lại một số người già cả ốm đau không tiện di chuyển, chắc sẽ không đột nhiên chạy ra ngoài đâu.”

Ba Du sinh nghĩ bụng, xử lý một chuyên án lớn như thế này, nếu xảy ra chuyện “đột nhiên” thì tình thế sẽ đầy biến động. Hiện thời, công tác sơ tán của Khương Minh chỉ tạm coi là tương đối ổn. Anh ngoái nhìn đám đông hiếu kỳ bu kín trên đường Giang Hưng Trung và xe cộ của giới truyền thông đang ùn ùn chạy đến, nói, “Hôm nay là một cơ hội để chúng ta thực tập tại chỗ, các anh em hãy gắng hết sức!” Giọng anh điềm đạm, nhưng tâm trạng không thể bình yên: những từ ngữ then chốt dồn dập trong mười lăm phút vừa qua như lầu Ba Khắc, hội quán, cướp, con tin, tiếng súng, rồi bóng đen chưa tan của những vụ khủng bố gần đây… dường như đều dự báo rằng hôm nay sẽ là thử thách lớn nhất đối với anh kể từ khi anh nhậm chức đội trưởng Trinh sát Hình sự thành phố. Các lãnh đạo thành ủy, hội đồng thành phố, công an thành phố, cho đến cấp tỉnh và trung ương đều đã nhận được báo cáo kịp thời, tổ ứng cứu đã được thành lập. Vì vụ việc xảy ra giữa ban ngày ở khu đông dân cư, nên giới truyền thông cũng sớm biết tin và có mặt tức thì.

Khương Minh đưa mắt về chiếc xe tác nghiệp của tờ Tin chiều Tân Giang, “Các anh em đều đã được dặn dò: phải hết sức thận trọng khi tiếp xúc với báo giới.”

Vì du khách quá đông, mặt bằng thì chật chội, các phố các ngõ của Dư Trinh Lý đều là đường đi bộ được kiểm soát chặt chẽ, loại xe cơ giới duy nhất lúc này là xe cảnh sát và xe tấn công của đặc nhiệm. Ba Du Sinh và Khương Minh theo đội trưởng Cảnh sát Đặc nhiệm Vương Chí Huân đến chỗ chiếc xe tấn công. Bảy tám chiến sĩ vũ trang căng thẳng nhìn về phía lầu Ba Khắc, súng tiểu liên, súng bắn tỉa, bắn chặn lăm lăm trong tay, sẵn sàng hành động.

Lầu Ba Khắc bắt đầu xuất hiện từ cuối thế kỷ 19, là một phong cách kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử cận đại Giang Kinh. Sau các hiệp ước bất bình đẳng giữa nhà Thanh và ngoại bang, thành Giang Kinh buộc phải mở mang, cách tân, vô số người nước ngoài và dân chúng bên ngoài tràn vào sinh sống. Đất đai chỉ có hạn, người nước ngoài xây cất nhiều khu nhà Tây san sát nhau, về sau dân chúng dần dần đến thuê ở. Để giải quyết khủng hoảng nhà ở do dân số bùng nổ, tại các tô giới mọc lên nhan nhản những công trình pha trộn kiến trúc “tam hợp, tứ hợp”[1] kiểu truyền thống với nhà gác giản tiện theo phong cách phương Tây, rất thích hợp để cho thuê.

[1] Tức là kiến trúc sinh hoạt với ba hoặc bốn dãy nhà quây quanh một khoảnh sân.

Những kiến trúc này về sau trở thành hình mẫu xây dựng cho giới bình dân sống tập trung, nhưng chúng vẫn giữ được bóng dáng “Tây” ban đầu, trước nhà dựng trụ đá, mặt tiền ốp gạch men, bên trên khuôn cửa chạm khắc hoa văn xoáy tròn, coi như phong cách Baroque, thế rồi dân chúng gọi chệch đi, thành “Barque”, thể hiện bằng hai chữ Hán “ba khắc”. Từ này chứa đựng vài ý nghĩa: một là mô phỏng ngữ âm của “Baroque”, hai là ngụ ý nhà ở được “tám khách (bát khách)”, cũng có người dựa vào cách đọc của tiếng địa phương, cho rằng đó là “lầu Bất Khắc”, tỏ rõ thái độ “cứng cỏi không ai khắc chế được” để vươn lên trong cuộc sống gian nan chốn thị thành của những người thuê. Sau khi công ty Starbucks khuếch trương ảnh hưởng ra khắp thế giới, dân thành thị lại dựa theo nhãn hiệu này mà liên tưởng đến một ý nghĩa mới của tên gọi “lầu Ba Khắc”.

Là tiền bạc và của cải[2].

[2] “Ba Khắc” đọc lên na ná âm “buck” trong tiếng Anh. “Buck” trong khẩu ngữ nghĩa là “tiền”.

Phần lớn các công trình theo kiến trúc Ba Khắc đều đã đổ nát, hoặc bị ủy ban thành phố cho dỡ bỏ theo quy hoạch, chỉ còn lại vài tòa, trong đó có lầu Ba Khắc ở khu vực Dư Trinh Lý. Chúng được bảo tồn với tư cách di tích văn hóa hoặc điểm khai thác du lịch. Giá trị của lầu Ba Khắc tăng lên vùn vụt. Nghe nói, một tòa lầu Ba Khắc có thể có giá từ ba mươi triệu[3] đến một trăm triệu tùy quy mô, thẩm mỹ và bối cảnh lịch sử. Hội quán “Tiêu Tương”, một tổ chức hoạt động vì cư dân lầu Ba Khắc, sở hữu không chỉ một mà là ba tòa lầu Ba Khắc chính cống liền kề nhau trong khu danh thắng văn hóa nổi tiếng này.

[3] Tương đương với 90 tỷ đồng Việt Nam.

Cho nên, họ khai trương một cách rầm rộ khác thường.

Và cho nên, vụ cướp xảy ra ngay trong ngày khai trương hội quán Tiêu Tương càng là sự kiện kinh hồn khác thường.

Vương Chí Huân 35 tuổi, vóc người vạm vỡ, mặc bộ trang phục cảnh sát đặc nhiệm dày cộp mà bắp tay vẫn nổi lên rất rõ. Anh và Ba Du Sinh kẻ trước người sau vào công an thành phố, ngồi cùng phòng làm việc, sống cùng ký túc xá, về sau Vương Chí Huân chuyển sang cảnh sát đặc nhiệm, cả hai vẫn hợp tác nhiều lần. Bởi thế Ba Du Sinh biết rõ Vương Chí Huân thuộc tuýp phản ứng nhanh, hành động thần tốc, anh không cần hỏi nhiều, chỉ chờ Vương Chí Huân báo cáo. Vương Chí Huân trải một bản vẽ kiến trúc lên bàn, nói, “Ba tòa lầu Tiêu Tương gồm lầu chính và hai lầu Đông, Tây. Vụ cướp xảy ra ở lầu chính Tiêu Tương. Đây là sơ đồ kết cấu bên trong tòa nhà, dùng vào mục đích trang trí nội thất, cũng là tài liệu tốt nhất chúng tôi tìm được lúc này. Ở cửa có lắp camera giám sát, nhưng băng ghi hình hiện ở bên trong, tạm thời chưa lấy ra được. Theo sơ đồ này thì trên gác không lắp camera, Tiêu Tương là hội quán có tính chất bán tư nhân, nên không lắp thiết bị giám sát nội bộ, trừ phi có những hoạt động kiểu bắt cóc tống tiền. Chúng tôi đã thả ba quả bóng thám sát lên nhưng bọn cướp tỏ ra rất chuyên nghiệp, chúng đã đóng kín các cửa sổ, bóng thám sát chưa truyền về được hình ảnh hoặc âm thanh nào có giá trị. Bởi vậy vẫn chưa xác định được trên đó có bao nhiêu đối tượng và bao nhiêu con tin.”

“Đây là suy luận và phỏng đoán của cậu chứ gì?” Ba Du Sinh hỏi. Anh đã nghe đoạn băng ghi âm của người báo tin cho công an, tự xưng là phục vụ ở lầu chính, chỉ vỏn vẹn một câu “Chúng tôi bị cướp”, sau đó là tiếng rú thảm thiết, có cả tiếng súng nữa. Không biết về sau có ai thoát ra khỏi lầu chính hay không, nhưng khả năng này cũng rất thấp, vì không thấy ai chủ động gọi điện báo công an nữa.

Vương Chí Huân ngoảnh mặt nhìn một người trẻ tuổi mặc âu phục xanh sẫm, “Anh ta phụ trách quầy tiếp tân của hội quán, nói rằng có ít nhất hai thành viên hùn vốn trong hội quán bị bọn cướp khống chế ở đại sảnh tầng hai của lầu chính, là Đới Hướng Dương và Lương Tiểu Đồng cùng trợ lý thân tín của họ. Lúc đó đang ăn cơm, ngồi cùng bàn còn có một vị khách bàn chuyện kinh doanh. Sổ sách có ghi chép việc họ đặt chỗ. Hình như gian nhỏ trên tầng ba còn một bàn nữa, không rõ mấy thực khách nhưng thiết kế ban đầu là dành cho cặp đôi nên nhiều nhất chỉ ngồi được ba bốn người. Tính cả phục vụ, đầu bếp và con tin, tối thiểu là 12 người. Tổ chức vụ cướp ở quy mô này chỉ cần hai tên, nhưng để chắc chắn và giảm thiểu rủi ro, chúng sẽ cần huy động ít nhất ba tên.”

“Gọi loa, kết quả ra sao?”

“Chỉ như đàn gảy tai trâu.” Vương Chí Huân không tỏ ra chán nản, không cau mày nhăn nhó, chứng tỏ anh đang chờ chỉ thị của Ba Du Sinh đồng thời cũng đang suy nghĩ rất căng thẳng. “Chúng tôi kêu gọi như thông lệ, cũng đã cho biết đường dây nóng để thương lượng, nhưng rõ ràng là chúng không muốn đối thoại, không đưa ra điều kiện gì và cũng không thả con tin để thể hiện thiện chí. Từ đó có thể nhận định chúng không phải bọn cướp chuyên nghiệp.”

Ba Du Sinh đã làm hình sự mười mấy năm nhưng cũng chưa va chạm với băng cướp nào “chuyên nghiệp” như trong phim ảnh. Trong thực tế, các vụ án đều thuộc loại tùy cơ ứng biến, vừa bình thường lại lắm tình tiết quái dị, khác hẳn tưởng tượng của các nhà biên kịch.

Khương Minh nói, “Tất cả ngõ phố ở Dư Trinh Lý đều đã phong tỏa, bọn chúng khó mà trốn thoát.” Hình như ở đầu dây bên kia đang tiếp tục báo cáo Khương Minh, có tiếng trực thăng bay trên đầu, mỗi lúc một gần. Ai nấy đều hiểu rằng mọi động tĩnh ở Dư Trinh Lý đều bị quan sát từ trên không.

Ba Du Sinh cầm chiếc ống nhòm Vương Chí Huân đưa cho, anh nhìn một lượt tòa lầu chính Tiêu Tương, tiện thể nhìn các tay súng bắn tỉa đang ẩn nấp trên gác các lầu Ba Khắc lân cận. Anh thầm cảm phục sự thành thạo và chu đáo của Vương Chí Huân. Theo Vương Chí Huân miêu tả, từ chỗ các tay bắn tỉa có thể nhìn rõ ba cửa sổ lớn của đại sảnh tầng hai và những tấm rèm cửa đỏ sẫm dày dặn bị kéo kín bất chấp đang giữa tiết xuân tươi đẹp, che khuất tầm nhìn của khách khứa ngồi trong. Ba Du Sinh nói với Vương Chí Huân, “Tiếp tục gọi loa, thắt chặt tuyến bao vây, gây thêm áp lực, buộc chúng phải đối thoại.”

Vương Chí Huân liền ra lệnh, cảnh sát đặc nhiệm cùng chiếc xe tấn công từ từ tiến lên. Cảnh sát dùng thiết bị vô tuyến kêu gọi qua loa phóng thanh, “Hãy dừng tay trước khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng, yêu câu các người thả con tin, tranh thủ cơ hội để được hưởng khoan hồng. Nếu muốn đối thoại với chúng tôi thì hãy gọi theo số…”

Một tiếng súng nổ, cắt ngang tiếng loa và bước chân của cảnh sát.

Điền Lợi Mân là chính ủy đội Trinh sát Hình sự, tổ trưởng tổ đàm phán của công an thành phố. Trước đó cô đã cùng Ba Du Sinh tham dự cuộc họp khẩn cấp báo cáo tình hình với thành ủy và ủy ban thành phố, cô được giao nhiệm vụ thương lượng trong vụ khống chế con tin này. Cô biết mình sẽ là một mắt xích quan trọng trong sự kiện tồi tệ đột ngột hôm nay. Cứ vài giây cô lại đưa mắt nhìn chiếc máy di động chuyên dùng đã bật âm lượng chuông ở mức tối đa.

Tiếng súng vẫn còn vang vọng bên tai mọi người. Chiếc di động bỗng đổ chuông inh ỏi, Điền Lợi Mân nhìn màn hình, thấy hiện lên một tin nhắn.

Mẩu tin lập tức được đưa cho Ba Du Sinh và Vương Chí Huân.

Vương Chí Huân liền ra lệnh cho cấp dưới án binh bất động, rồi ngoảnh nhìn Ba Du Sinh, thấy anh không lộ vẻ kinh ngạc hay lo lắng.

Mẩu tin nhắn chỉ vẻn vẹn mấy chữ: Tiến một bước, giết một người.

Loa lại kêu gọi, yêu cầu thương lượng. Mười phút sau, máy di động chuyên dùng lại réo chuông.

Một tin nhắn nữa: Muốn thương lượng, gọi Na Lan.

Bốn tiếng đồng hồ trước khi xảy ra vụ án, tại khoa Tâm lý đại học Giang Kinh.

Một ngày của Na Lan diễn ra theo trật tự: dậy sớm, đến bể bơi của trường, nửa giờ sau tắm gội xong xuôi, đến phòng nghiên cứu. Cuối tuần cũng thế. Sắp đến ngày bảo vệ luận văn thạc sĩ, cô cũng có suy nghĩ xin việc ở bên ngoài. Thực tế là nhờ độ nổi tiếng sau một thời gian dài bị cuốn vào các vụ trọng án, đã có một số bệnh viện hay trường học thậm chí vài trang mạng nổi tiếng… “gieo tú cầu” để mời mọc Na Lan làm chuyên gia tâm lý, giảng viên hoặc phụ trách chuyên mục, nhưng cô đều từ chối. Cô quyết định sẽ học lên tiến sĩ, tức là đi vào tháp ngà nghiên cứu rồi vươn lên đỉnh cao. Dẫu các trường đại học ngày nay chẳng còn là thánh địa trong sáng gì về học thuật, nhưng cuộc sống học đường vẫn dễ chịu hơn. Đôi khi cô tự tư vấn tâm lý cho mình, nhận ra mình đang có ý né tránh xã hội đa dạng, rực rỡ, lung linh sắc màu. Sao lại thế nhỉ? Đương nhiên có thể quy lỗi cho những vụ án kinh hồn cận kề với cái chết mà cô đã trải qua.

Phân tích nhiều lần, cuối cùng Na Lan vẫn giữ nguyên kết luận cũ: tại mình yếu đuối. Mình phải cứng cỏi lên!

Ngày cuối tuần, phong nghiên cứu có ưu điểm là rất yên tĩnh. Cũng lúc này ở ký túc xá của nghiên cứu sinh ồn ào chẳng khác gì siêu thị hoặc khu vui chơi giải trí, các nữ sinh nô nức chải chuốt trang điểm để đi gặp bạn trai, gặp chồng, hoặc rủ nhau đi phố mua sắm vài thứ đắt đỏ, dù tiền sinh hoạt của các cô rất eo hẹp. Thật ra họ chỉ đi có tính tượng trưng, nhìn ngắm chứ không mua. Những cô ở lại thì hì hục quét dọn vệ sinh, giặt giũ phơi phóng. Khu nam sinh thì càng náo loạn: họ tụ tập nhau uống bia, đánh bài, tán gẫu những chuyện cao xa, nhất là khi họ chơi game thì tiếng hò hét phải nói là inh tai nhức óc. Ngày cuối tuần ở khu giảng đường vắng bóng giảng viên và sinh viên, Na Lan có thể được yên tĩnh mà ngồi đọc sách, viết luận văn.

Hai tiếng “tích tích” vang lên, bình đun nước nóng của lớp nhắc Na Lan rằng nước đã sôi. Cô pha cho mình một cốc hồng trà. Chưa kịp nhấp ngụm nào, di động đã réo vang.