Chương 27: Chương 25

Ngày thứ hai sau khi Dật Hán chết, Quỳnh ngã bệnh. Ưu Di đưa cô đến bệnh viện. Mấy ngày liền, Quỳnh sốt cao và hôn mê. Vừa mới hơi bớt, Quỳnh liền đi thăm Trác. Hôm đó Trác bị bệnh tim bạo phát, may mà cấp cứu kịp thời không ảnh hưởng tính mạng. Mắt Trác thất thần nhìn vào một nơi vô định, lặng lẽ rơi xuống những giọt nước mắt thương tâm. Trác càng cần có Quỳnh, cậu túm chặt tay cô, để tay cô miết trên trán, lên tai và lòng bàn tay cậu.

"Chị nhỏ ơi". Trác ngẩng mặt nhìn Quỳnh từ trên giường bệnh. "Chị có thấy cuộc sống là một trò đùa cay độc? Hôm chị trở về, em đã tưởng mọi việc bắt đầu tốt hơn lên. Em tưởng em sẽ mau chóng có được hạnh phúc. Thế mà sự thực không như vậy. Hoàn toàn không".

"Ừ, chúng đã lầm lẫn. Trác biết không, chú Dật Hán đã đồng ý với chị, là sẽ gượng dậy, vì chị em mình, chúng mình sẽ xây dựng lại một gia đình ấm áp, chú đã nói như vậy thật đấy. Thế mà, chúng đã mang chú đi mất... chị chỉ mới gặp lại chú có một ngày. Sớm biết thế này chị đã không tránh mặt chú suốt ba năm. Chị làm thế là vì cái gì?... Tại sao o dành thêm cho chú nhiều thời gian hơn? Tại sao lại để lại quá nhiều hối tiếc như vậy?" Một tích tắc trước cô vẫn còn rất bình tĩnh, vừa nói tới đây đã hết sức xúc động.

"Vậy tại sao chúng mình còn phải sống tiếp một cách nhục nhã thế này, để cho cuộc sống đùa cợt?" Trác hỏi cô. Cuối cùng cậu đã hỏi như thế, câu hỏi tại sao phải sống tiếp. Quỳnh vẫn trốn tránh câu hỏi này. Những ngày sau khi Dật Hán ra đi, chẳng có điều gì mang lại nổi cho cô mảy may nhiệt tình hứng khởi. Cô làm gì mỗi ngày? Nhận sự an ủi của Ưu Di? Nuốt thức ăn đồ uống như một cái máy? Thất thần rơi lệ? Quỳnh bị cuộc sống bỡn cợt, nhưng cô không thể trả đũa. Thời gian đang kéo cô miễn cưỡng đi về phía trước. Nhưng thực tế cô vẫn đang chìm đắm vào buổi cô hiều hôm ấy, khi cô ôm một bọc thực phẩm chạy thật nhanh về nhà, để làm bữa ăn đầu tiên do đích thân mình thực hiện. Cô vẫn không thể bước ra khỏi buổi đêm ngày hô trước. Ông đã dịu dàng ru cô vào giấc ngủ, cô cảm nhận rõ ràng những khát khao của người phụ nữ. Ông là toàn bộ giấc mơ của cô, suốt bao năm nay, là mái nhà duy nhất của cô.

Vậy nên khi Trác hỏi vậy, Quỳnh cho rằng cô không thể trả lời, nhưng chính cô cũng phải kinh ngạc khi tự mình bỗng trả lời đầy kiên định:

- Sống là để cho mình càng ngày thêm mạnh mẽ. Đợi đến lúc chúng ta đủ lớn mạnh, chúng ta sẽ có thể xoay chuyển cái thế giới nhục nhã và trêu ngươi này. Quỳnh nghiến răng. Cô bỗng chợt thấy, hoá ra trong thâm tâm cô có nhiều oán hận đến thế.

Trác ngẩng đầu, nhìn Quỳnh bằng đôi mắt hơi ngơ ngác. Dường như cậu đã bị Quỳnh thuyết phục. Cậu đã đồng ý lặng lẽ lưu lại trên cõi đời này, để chờ đợi cơ hội được trả đũa lại cuộc đời.

Khoảng một tuần sau, Quỳnh ra viện, trở lại nhà số 3 phố Đào Lý. Trác vẫn nằm lại bệnh viện. Quỳnh định lấy quần áo vào cho Trác. Quỳnh rủ Ưu Di về cùng, vì cô sợ hãi phải đi một mình về nơi đó. Đây là nhà, là nơi cô chờ đợi, mong đợi, nhưng cũng là nơi ông vĩnh biệt.

Quỳnh và Ưu Di về đến nơi, phát hiện cổng đã thay khoá. Hai đứa không vào được. Quỳnh hết sức kinh ngạc, nhưng lập tức nghĩ rằng Mạn đã quay trở lại. Quỳnh cảm thấy có điều chẳng lành - bà ta nhất định đã chiếm ngôi nhà này.

Quỳnh và Ưu Di ngồi đợi ngoài cổng. Mùa hè sang chiều, nắng thiêu đốt mặt đường. Ngồi đợi trong cảm giác nhiệt độ dưới chân không ngừng tăng lên, như một luồng nhiệt đối lưu khổng lồ đang từ dưới đất nhấc bổng cả người lên. Quỳnh ngồi đó, mắt vô hồn, câm lặng. Ưu Di chạy qua bên kia đường mua một bình nước khoáng đông lạnh và mấy trái lê tươi. Ưu Di ép Quỳnh ăn lê và uống nước, lo lắng Quỳnh chưa bình phục hẳn sẽ lại ngất đi vì nắng nóng. Quỳnh vẫn bất động, hai tay ôm đầu gối, nghiến chặt răng.

- Hận mẹ lắm phải không? Ưu Di ngồi trơ lại bên cạnh hỏi, cắn một miếng lê.

Quỳnh nghe thấy từ "mẹ", trong lòng tựa bị châm một mũi kim, cơ thể hơi động đậy. Đương nhiên Quỳnh hận Mạn, nếu Mạn không bỏ đi, gia đình này đâu có sụp đổ? Nhưng Quỳnh cũng giận Lục Dật Hán. Tại sao ông không thể tiếp tục sống tốt, vì cô, vì Trác? Chẳng lẽ cô và Trác đều không đáng giá gì? Vào cái đêm ông gần cô đến vậy, trong mắt ông rõ ràng sáng lên thứ ánh sáng của tình yêu, chẳng lẽ không phải là sự thật? Tại sao ông không chịu cho cô niềm hy vọng. Trước đây không cho, để cô phải đi xa, bây giờ vẫn là không, trong khi cô đã vất vả biết bao để có thể trở về, ông lại ra đi... Cuộc chiến giữa cô với Mạn, cô đã thất bại hoàn toàn. Đến cuối cùng, Dật Hán vẫn chỉ là yêu Mạn mà thôi.

Ưu Di nhìn Quỳnh mím chặt môi, câm lặng, cô lại an ủi:

- Thực ra có một người để hận cũng không phải là không tốt. Ấy không thấy là có người để hận, trong lòng không đến nỗi bị trống rỗng? Trước đây mình làm công trong tiệm bánh, có con bé răng vẩu luôn gây sự với mình. Mình ăn vụng một mẩu bánh ngọt, nó cũng báo cho sếp. Mình hận nó lắm, ngày nào cũng đánh nhau với nó. Mình ăn vụng mà nó không phát hiện được thì đắc ý lắm, suốt ngày rất vui vẻ. Cứ thế, mình làm việc ở đó rất hăng hái. Về sau nó không làm nữa. Mình ăn vụng cả một hộp bánh ngọt. Nhưng mình phát hiện ra có ăn thêm nữa cũng chẳng thú vị gì.

Quỳnh hơi quay sang nhìn cô - Ưu Di quả là rất khó hiểu mình. Những ngày qua, Quỳnh duy trì cuộc sống không hoàn toàn vì tình yêu không sao quên được. Cô còn hận. Chính là mẹ. Bà ta đã mang Quỳnh đến đây, rồi cũng chính bà đã huỷ hoại nơi này. Quỳnh đứng ở đây, hết đường tiến thoái. TÌnh cảm với mẹ tựa như một khối da chết trên cơ thể, không bao giờ sinh ra tế bào mới. Dù có dùng kim châm, dùng dao cắt, cũng không hề đau đớn. Chỉ có nỗi hận đã ở đó từ lâu, và vẫn nằm ở đó, tựa như một thanh kiếm treo ngang, cô đối mặt với nó mỗi đêm.

Thực ra hận cũng là một thứ duyên phận. Cũng như Quỳnh với mẹ cô, bà ta hận Quỳnh từ khi sinh ra cô. Còn Quỳnh, trong quá trình lớn lên, cũng sinh ra một mối hận để trả lại mẹ mình. Tình cảm giữa họ nối bởi mối hận thù, sợ rằng nếu không vì mối hận, Quỳnh và mẹ sẽ trở thành hai người xa lạ.

Quỳnh uống một chút nước. Ưu Di vui vẻ cười. Quỳnh biết mang lại an ủi cho người bạn luôn quan tâm đến mình.

Đến tận khi tối trời, Quỳnh mới nhìn thấy xe của Mạn từ xa, đang chầm chậm chạy tới. Cô đứng dậy, Ưu Di cũng đứng lên theo.

Quỳnh gặp lại Mạn sau ba năm. Mạn đã nhìn thấy Quỳnh nên bảo người đàn ông họ Trịnh dừng xe, bà ta bước xuống. Mạn nhìn ra Quỳnh, ngạc nhiên ngẩn người, dường như chưa hề quen người con gái trước măt.

Quỳnh mặc bộ quần áo đen. Áo lụa đen dài cổ rộng, tay lửng, để lộ phần xương quai xanh trắng muốt. Áo cô rất nhẹ, lay động trong gió, còn tà váy dài màu đen càng thướt tha dập dờn. Bộ váy áo mềm mại rất hợp với vóc dáng thon gầy của Quỳnh. Quỳnh đi đôi săng đan với nhiều sợi màu đen. Cô đứng hơi nghiêng, dáng vẻ pha chút chán chường lẫn kiêu hãnh. Giờ đây cô có một khuôn mặt trái xoan với chiếc cằm nhọn. Bệnh tật và ăn uống không bình thường khiến nước da trắng toát. Còn đôi mắt to và dài với đôi đồng tử đen láy khiến cô trở nên nổi bật. Môi Quỳnh hơi tím, nhưng người ngoài dễ nhầm cô đã cố ý sử dụng màu son môi như vậy. Một vẻ đẹp bất ngờ.

Mạn không kịp đóng kịch, nét mặt bà ta lộ rõ vẻ ghen tị và khổ sở. Đó là con gái của bà, bà đã căm ghét và khinh miệt nó. Bà vẫn tưởng rằng, con bé này không thừa hưởng được một chút sắc đẹp nào từ nơi bà, nó là một sản phẩm thất bại. Nhưng bà đã nhầm. Ba năm không gặp, nó đã trở nên rực rỡ chói lọi. Bà ta chỉ biết cười cay đắng, ngậm ngùi sự kỳ diệu của thời gian.

Còn Quỳnh, cô đang dùng ánh mắt sắc lạnh nhìn thẳng vào Mạn. Bà ta vẫn đẹp. Cơ thể gầy, da mịn, dáng điệu uyển chuyển, vượt lên trên tuổi tác của bà. bà ta mặc bộ váy dài màu tím xanh, lượn sát làn eo, mở rộng cổ áo nơi gò xương quai xanh lộ rõ. Xương quai xanh của họ thật giống nhau, tựa như một cành cây chiết ra từ thân cây mẹ. Nhưng Quỳnh vẫn nhìn thấy sự thay đổi của Mạn. Có lẽ cuộc sống không phải lúc nào cũng thoả mãn theo ý muốn của bà ta. Trông bà đã bớt đi phần nào sự ung dung tự tại của thời ở với Lục Dật Hán. Đã có một chút tuổi già, khoé miệng cũng không còn cong lên như trước mà hơi hơi xuôi xuống. Hoặc giả, bà ta không còn tự tin như trước đây.

Quỳnh tiến tới. Người đàn ông lướt xe qua họ với vẻ thú vị, cho xe chạy vào trong nhà. Quỳnh và Mạn vẫn đứng trước cửa. Quỳnh tiến lên hỏi:

- Sao bà thay khóa? Ngôi nhà này không thuộc về bà, nó là của chú Dật Hán. Chú đã ra đi.

- Ngôi nhà này là của ta. Chú Dật Hán của mày đã sang tên nó cho ta rồi. Chúng mày phải chuyển khỏi đây. Bà nói chắc nịch, tựa như đã sớm chuẩn bị một ngày đối mặt với Quỳnh. Điều duy nhất mà bà không nghĩ ra, đó là dáng vẻ của Quỳnh hiện tại đã khiến bà kinh ngạc.

- Không thể. Bà không có quyền làm vậy. Trác là con trai của chú Dật Hán. Quỳnh giận run, miệng tuy nói cứng nhưng trong lòng đã thấy mong manh. Nghĩ tới tình cảnh Quỳnh và Trác trở thành hai kẻ vô gia cư, tim Quỳnh nhói lên đau đớn.

- Mày có thể hỏi luật sư. Mạn trả lời rồi lướt qua mặt Quỳnh.

Mạn đi vào trong sân nhà số 3 phố Đào Lý. Lúc này trong lòng bà cũng trở nên thắc thỏm. Trông thấy đứa con gái mà mình căm ghets và khinh rẻ đã trưởng thành, lại trở nên xinh đẹp đến thế, bà bỗng nghĩ phải chăng đó là báo ứng. Đối với cái chết của Dật Hán, không phải bà không đau buồn. Bà đã từng yêu ông ta, cũng hiểu rõ tình yêu của ông dành cho mình còn lớn hơn nhiều. Bà rời bỏ Dật Hán hoàn toàn là vì bản thân mình, bà sợ hãi phải đánh mất những hào hoa sang trọng mà mình đã có. Bà cảm thấy chua chát. Nhưng tất cả không thể quay lại. Cuộc sống của Mạn là từng chiếc vòng móc vào nhau. Có lúc chỉ là quyết định một bước đi trước mắt, nhưng nó đã kéo theo toàn bộ con đường phía sau, và không còn có thể làm lại từ đầu.

Đó là sự khác nhau giữa Mạn và Quỳnh. Mỗi lần, Mạn đều có thể nén tình cảm của mình xuống, dùng những vật chất mà mình có được làm điều kiện đánh giá và chọn lựa. Nhưng Quỳnh không thể. Quỳnh luôn quyết định bằng tình cảm.

Mình đi thôi. Quỳnh biết không cần phải quay lại ngôi nhà này nữa. Cô nhíu mày quay gót, nhẹ nhàng khoác vai Ưu Di. Ưu Di đang giận dữ nhìn theo bóng Mạn đi xa dần.

Hai đứa chầm chậm rời xa nhà số 3 phố Đào Lý. Quỳnh nghe thấy tiếng cánh cổng đóng sầm. Cô cảm thấy mọi vấn vương thương nhớ đều bị đóng lại bên trong đó.

Quỳnh và Ưu Di tới một quán cà phê ở cuối phố Đào Lý. Ưu Di gọi cho Quỳnh cốc sữa nóng, bánh qui gừng. Ưu Di nói:

- Ấy có thể đến ở chỗ của mình. Mình vừa mới thuê một phòng. Bao giờ Trác ra viện cũng bảo em ấy đến. Chỉ có điều nhà hơi xa, em ấy đi học không tiện lắm. Ở hết tháng bọn mình có thể tìm căn phòng khác.

Quỳnh không nói gì, cảm thấy Ưu Di là người duy nhất có thể trông cậy, nhưng không biết thể hiện tình cảm của mình như thế nào, chỉ cúi đầu chậm rãi uống sữa. Hai đứa ngồi đến trời tối mịt. Ưu Di nhắc Quỳnh đứng dậy. Trác vẫn đang nằm viện. Nhưng Quỳnh vẫn im lặng, cũng không đứng dậy. Hai đứa lại tiếp tục ngồi. Quỳnh ôm ly sữa trong tay, cho đến khi lạnh hẳn. Cô chỉ nhìn, không uống thêm được tí nào. Ưu Di lại gọi cho cô một cốc nóng khác.

Trời tối mịt. Trong quán bán đồ ăn đơn giản, bánh xăng uých và bánh quy. Trong không khí đượm vị ngọt. Quỳnh bỗng nói với Ưu Di:

- Ưu Di, mình muốn đi xem nhà số 3 phố Đào Lý.

- Ấy muốn làm gì? Ưu Di ngạc nhiên.

- Mình chỉ muốn nhìn lại ngôi nhà thôi. Mình muốn cầm một bức tranh của chú Dật Hán. Hiện tại mình chẳng có vật gì kỷ niệm về chú. Không công bằng đối với mình và Trác. Mình phải đi, mình phải có vật gì của chú. Bạn hiểu không?

- Ừ, ừ. Thế làm sao để vào được. Mẹ của ấy chắc chắn không cho ấy vào, xin bà ấy à?

- Mình sẽ không bao giờ cầu xin bà ấy nữa. Mình biết có một chỗ tường rất thấp. Quỳnh trả lời.

Quỳnh thực sự rất nhớ những đồ vật trong ngôi nhà đó. Những đồ vật liên quan mật thiết với chú Dật Hán, những đồ vật thấm đẫm hơi thở của ông. Vì vậy cô quyết định trở về tìm chúng, mặc cho điều đó kỳ quặc khác người đến thế nào.

Phía sau phố Đào Lý có một gò đất nhỏ. Khi hai đứa đi vòng ra đến phía sau, trời đã về khuya. Nơi đó quả thực có một đoạn tường rất thấp, nhưng ít người biết vị trí chính xác của nó. Vì Cuối cùng, cô lại trở về nơi đây. Căn phòng đã thay đổi rất nhiều, có lẽ đã bị Mạn thu dọn. Những phẩm màu và bút vẽ rơi vãi trên nền nhà đã không còn nữa. Những bức tranh của Dật Hán cũng không còn. Chỉ có cái tủ bày vẫn ở đó. Quỳnh chua xót, tới bên cái tủ. Bên trong, phía sau cửa kính là những đồ sứ ba màu thời Đường, đồ bạc, đồ đồng. Trong các ngăn kéo lớn đều xếp nhiều đồ vật khácnhau. Quỳnh lần lượt mở từng ngăn kéo, từ dưới lên. Có nhiều bức thư pháp cuộn tròn, và những chiếc quạt đã xếp lại. Quỳnh không tìm thấy tranh của Dật Hán, cô hết sức thất vọng. Cô bỗng nhìn thấy một gói dàu, bọc bằng lụa màu xanh đậm nằm trong cùng của ngăn kéo. Tấm lụa thật quen mắt. Cô cầm lên mở ra. Bên trong là một bức tranh truyền thống bị cuộn lại. Quỳnh giở ra xem, đó chính là một bức vẽ mà Dật Hán đã từng cho cô xem. Dật Hán rất thích bức tranh sơn thuỷ đó. Quỳnh vẫn nhớ lúc ông đưa cho Quỳnh xem, nói rằng ông thích nhất bức này. Trong tranh là rặng núi xa mờ, mặt nước phẳng lặng và căn lều cỏ. Núi cao lên tận mây. Căn lều có mây vờn xung quanh. Ông đã từng sờ lên căn lều mờ ảo, nói với Quỳnh rằng, nếu được ở chốn như thế này thì thích biết bao. Ông nói với ánh mắt sáng long lanh. Đó là chuyện đã lâu lắm rồi, còn bây giờ, có phải ông đã tìm được cho mình một chốn như thế để yên nghỉ? Có phải ông đang được sống ở nơi mây trắng vấn vương như thế? Tay Quỳnh chợt run lên, nhưng vẫn nắm chặt bức vẽ. Dường như chú Dật Hán của cô đã hoá thân vào trong bức vẽ. Đó không phải là tranh, mà là một cánh cửa. Có thể bước qua đó, để vào trong thế giới của ông.

Một sức mạnh vô hình đang hướng dẫn Quỳnh, nó khiến cô quyết tâm quay lại tìm kiếm trong nhà. Giờ đây cô đứng trong phòng vẽ, mở chiếc ngăn kéo trên cao nhất, nhìn thấy khung ảnh bằng đồng tinh xảo. Quỳnh hiểu rằng cô đã quay lại vì điều gì. Trong khung ảnh bằng đồng trĩu nặng là hình của Tùng Vy cười thoảng nhẹ. Vẫn gò má trắng mịn như ánh trăng. Cái khung ảnh đang giữ một người, tựa hồ như không bao giờ già đi. Người đó vẫn nhìn ra thế giới xung quanh bằng đôi mắt của những năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp nhất.

Quỳnh dùng ngón tay vuốt nhẹ khuôn mặt Tùng Vy trong ảnh. Một lớp bụi mỏng bay ra. Cô cảm thấy nhói lòng, nghĩ đến trước đây Dật Hán cách một thời gian lại lau chùi khung ảnh này, chẳng bao giờ để khuôn mặt ấy bị bụi bám. Quỳnh dùng ngón tay phủi từng tí bụi trên mặt Tùng Vy, cô tựa hồ nghe thấy tiếng thở dài của người con gái trong ảnh.

"Nhân diện bất tri hà xứ khứ, đào hoa y cựu tiểu đông phong!"

Quỳnh bỗng nhớ tới hai câu thơ. Căn phòng này vẫn còn hơi hướng của ông. Hơi hướng đó với cô thật là gần gũi. Ông như đang ở ngay trước mặt cô, gần như cái đêm hôm ấy, cô quỳ ngay trước ghế của ông, ngẩng mặt lên nhìn ông.

Quỳnh tìm được bức ảnh, liền cảm thấy không còn cần tìm gì nữa. Cô thấy đã đầy đủ.

Hai đứa theo đường cũ rút ra. Nhưng trong vườn không có nhiều gạch để chồng lên để nhảy qua tường. Tìm mãi mới tạm đủ gạch đá xếp lên. Quỳnh ra trước, Ưu Di theo sau. Khi cô dẫm lên đống đá bỗng nhiên sụp xuống, phát ra tiếng động lớn. Quỳnh nhìn thấy một ngọn đèn ở tầng hai bật sáng - người trong nhà đã nghe thấy tiếng động. May mà Ưu Di đã vượt qua được bức tường. Cô nhảy xuống. Hai đứa chạy đi thật nhanh.

Hai đứa sải bước trong đêm. Không ai đuổi theo cả. Quỳnh ôm bức vẽ và khung ảnh chạy không ngừng, miệng thở hồng hộc, cuối cùng oà khóc nức nở.