“Tùng, Tùng, Tùng…”. Tiếng trống trường giòn giã vang lên, hòa lẫn vào tiếng reo hò vui sướng của các bạn học sinh nhỏ. Thật là một năm học vất vả. Hôm nay lũ trẻ rất hứng khởi bởi vì chúng được về sớm hơn mọi ngày đến hai tiết học. Các bé tíu tít chào tạm biệt nhau, vội vàng chạy nhanh về nhà để chuẩn bị cho buổi lễ hội Woiat tối nay. Đây được xem là một trong những buổi lễ hội văn hóa lớn nhất ở đất nước Pochan. Mặc dù Zebof chỉ là một ngôi làng nhỏ nằm ở phía nam của đất nước nhưng nơi đây lại là quê hương của vị tướng lãnh tối cao Marat và cũng là căn cứ đầu não trong cuộc chiến giành lại tự do và độc lập cho đất nước trong suốt kỷ nguyên Đen. Ngay khi nền hòa bình được thiết lập lại sau 932 năm đằng đẳng bị đô hộ và giày xéo, Zebof đã vinh hạnh được nhận lấy trách nhiệm to lớn này. Đây là một sự kiện văn hóa đóng vai trò trọng yếu trong đời sống tinh thần của người dân Zebof nói riêng cũng như người dân khắp mọi miền đất nước Pochan nói chung.
Lễ hội thường được tổ chức mỗi 5 năm một lần theo chu kỳ trồng hoa Ghiri ở nơi đây, một loại hoa 9 cánh vàng xanh tượng trưng cho sự hồi sinh vĩnh cửu. Đây chính là dịp đặc biệt để người dân tưởng nhớ đển những đóng góp to lớn cũng như sự hy sinh anh dũng của bậc thầy quân sự Marat, đồng thời cũng là một lễ tế cầu siêu với mong muốn cho thời kỳ thịnh vượng của đất nước được trường tồn như hoa Ghiri. Đêm nay sẽ là đêm đầu tiên của mùa lễ hội kéo dài 19 ngày 9 đêm. Lãnh đạo đất nước cùng người dân Zebof sẽ tổ chức rất nhiều hoạt động tưởng niệm cùng những chương trình tạp kỹ độc đáo để giao lưu và quảng bá văn hóa địa phương với những đất nước láng giềng. Đối với một đứa trẻ hiếu kỳ như Geani, đúng là nó nhất định sẽ không bao giờ bỏ qua những loại náo nhiệt như thế này. Đáng tiếc vì một lỗi lầm tai hại, nó đã bị cấm túc. Nhưng lúc này nó không nghĩ nhiều đến thế, nó chỉ muốn đến suối Kori để hái thảo dược chữa tay cho bác Septynos. Cho nên thay vì về nhà ăn vạ với mẹ để đi được đi chơi lễ hội, nó nhanh nhẩu đi về phía đông, nơi được xem là khu vực xanh của làng Zebof.
Khi mà cái nắng gay gắt của buổi trưa hè dần thưa thớt, nhường chỗ cho những cơn gió chiều mát mẻ, làm cho mùi thịt nướng than hoa cùng với mùi hoa màu vàng ươm lan khắp từ tây nam sang đông bắc khiến cho khắp nơi tràn đầy không khí của mùa lễ hội cũng như báo hiệu những mùa no đủ và yên lành cho người dân nơi đây. Trái ngược với sự quạnh quẽ ở phía đông, trung tâm làng Zebof lúc này lại cực kỳ sinh động và nhộn nhịp. Trên những con đường lát đá hoa hướng về đền thờ Mahesy, người người tấp nập tới lui. Phần lớn là những thương nhân từ khắp nơi tụ họp về, họ đang bận rộn bày biện trang trí sao cho gian hàng của mình thật nổi bật và đẹp mắt. Ngay gần khán đài trung tâm của quảng trường Siro, từng đoàn nghệ sĩ đang miệt mài tập dược các tiết mục giải trí cho lễ khai mạc. Cái không khí lễ hội này cũng khiến người lớn chộn rộn mà kết thúc sớm công việc, trẻ em thì háo hức chuẩn bị túi tiền nhỏ để ăn hàng vui chơi, thanh niên thiếu nữ thì tỉ mỉ chọn lựa những bộ áo quần xinh đẹp cho buổi khiêu vũ tại quảng trường Đại. Rõ ràng là lễ khai mạc sẽ diễn ra vào buối tối, nhưng giờ đây có vài gia đình đã quần áo phẳng phiu khí khái bước nhanh về phía trung tâm của lễ hội Woiat. Đó chính là đền Mahesy hay nó còn được ưu ái với cái một cái tên khác “Ngôi đền của những cảm xúc”.
Khi nhắc đến là ngôi đền này, đi kèm theo nó là bao sự cảm thán của người dân nơi đây. Nếu bất chợt ghé ngang qua, phần lớn du khách đều thấy rằng ngôi đền không quá hoa lệ hay đặc sắc, cũng không khiến người ta sững sờ khi ngắm nhìn nhưng lại mang đến một sự bồi hồi xúc động đến kỳ lạ. Kiến trúc của ngôi đền thật ra khá đơn giản, nó chỉ đơn thuần là một phức hợp gồm 8 miếng cự thạch khổng lồ được xếp khít vào nhau thành hình lục giác. Không một miếng xi măng, không một hợp chất kết dính nào, bằng một sự kỳ diệu nào đó, các miếng đá dính chặt vào nhau. Không rõ với công nghệ tiên tiến cỡ nào mà người xưa với sức lực nhỏ bé có thể vận chuyển những miếng cự thạch này đến Zebof. Theo như các nhà cổ học thì mỏ đá gần nhất cũng đã cách ngôi làng đến 700 dặm mà mỗi khối đá ít nhất cũng phải nặng mấy trăm nghìn tấn. Kỳ lạ hơn là các nhà địa chất học không thể xác định được cấu trúc cũng như các vật chất hình thành nên 8 miếng cự thạch này. Thời gian trôi qua bao lâu thì cũng có bấy nhiêu đội nghiên cứu đến đây để tìm hiểu về ngôi đền Mahesy. Họ đến với bao háo hức thì họ cũng ra về với từng đó bối rối và bỡ ngỡ. Cũng như từng đó năm trôi qua nhưng chưa bất kỳ văn tự hay ghi chép nào có giá trị nghiên cứu được khai quật hay tìm thấy. Đến cuối cùng ngôi đền này bao nhiêu tuổi, nguồn gốc thế nào, vì sao nó có thể khuếch tán và cộng hưởng cảm xúc của mọi người vẫn luôn là những câu hỏi vẫn chưa có lời hồi đáp. Giả thiết thì cứ luôn được thành lập nhưng mà bằng chứng thì vẫn ở một nơi xa xăm nào đó.
Người dân ở đây tất nhiên là không biết ngôi đền này được xây dựng từ khi nào, họ chỉ biết là khi dòng thời gian được bắt đầu lấp đầy bởi những sự kiên lịch sử, thì ngôi đền Mahesy cũng đã sừng sững đứng đó từ bao giờ. Như lời của bác trưởng làng, ngôi đền này chất chứa trong tim của nó là hơi thở của dòng thời gian. Ngôi đền đích thực là nhân chứng trường tồn cho bao sự đổi thay, sự luân phiên của các triều đại. Mặc cho thời gian có bào mòn bao nhiêu giống loài, mặc cho chiến tranh có hủy hoại đi bao nhiêu tuyệt tác của các nền văn minh, ngôi đền vẫn cứ như vậy, lẳng lặng hiền hòa dù nhạt nhòa nhưng vẫn không đổi không phai, quá lắm chỉ là vài vết xước, vài vết hằn do giông tố mưa sa cùng đạn lạc.
Trên trang giấy lịch sử kia sẽ luôn có những phần khuyết thiếu, sẽ luôn có những câu chuyện bỏ ngỏ dẫu là vô tình hay là hữu ý. Nhưng những truyền kỳ và bí mật về ngôi đền Mahesy thì vẫn được truyền miệng từ đời này sang đời khác, lan xa từ nơi nọ đến nơi kia, thêm mắm dặm muối, quả thực ngày càng vượt qua khả năng nhận thức của con người ở thời đại này. Điều này không khỏi khiến cho những trái tim tò mò luôn thao thức ngày đêm, mong mỏi kiếm tìm những lời giải đáp thỏa đáng. Ấy vậy mà, đứa trẻ hiếu kỳ nhà Danel lại đặc biệt rất là không thích ngôi đền này. Mỗi lần nhìn vào lớp áo đen xám của ngôi đền, một cỗ cảm xúc khó tả cứ lởn vởn quanh trái tim non nớt nơi ngực trái, một tiếng nói thì thầm vang lên trong cái đầu nhỏ của Geani “Về nhà thôi, về nhà thôi, về nhà thôi.” Kéo theo sau đó là những giấc mơ không rõ dáng hình. Khi cô bé giật mình tỉnh giấc giữa đêm tối, thứ còn sót lại duy nhất trong trí nhớ chỉ là những dải ánh sáng trắng không ngừng xoay chuyển cùng với đó là sự bức rứt, thao thức không thôi.
Thật ra không ai biết rằng lớp vật chất đen xám đấy lại đến từ một nơi xa xôi trên một tinh vân hà chưa được báo tên ở một chiều kích không gian mà ngay cả thần Gaihara, người canh giữ các cánh cổng tùy không và thời gian, cũng phải dè chừng khi nhắc đến. Có lẽ vì thế, ngay cả văn tự cổ Heirit trong thư viện của vùng đất Thần cũng chỉ dùng vỏn vẹn hai câu sau để mô tả về đền Mahesy “Dường như chẳng có gì thì lại là nguồn của mọi thứ. Tưởng như là tất cả, hóa ra chỉ là cái bóng của hư vô”.