Chương 6: Chương 6

Theo mốt

Rạp Hài kịch Pháp (1) , hên cho tôi thật. Tôi đã gặp lại cô ở đây. Cô ở trong đám mỹ nhân như một bồn hoa trang hoàng cho ban công thứ nhất : cô bận một chiếc áo dài màu xanh lá cây và trắng hợp với cô lắm. Tôi nhận thấy cô theo sát mốt. Cô đừng nghĩ rằng tôi trách cô đấy. Trái lại, Tôn sư của tôi, cụ Alain, vừa là một đại triết gia vừa là một thi sĩ, đã khen mốt, bảo :"Qui tắc đầu tiên của y phục là làm cho người bận được vững lòng".

Đàn ông còn hơn đàn bà nữa, cần cảm thấy mình hoà hợp với những người ở chung quanh. Tôi cho bận áo thường hay lễ phục thì cũng vậy, nhưng trong một bữa ăn tối, mọi người bận áo thường mà tôi bận lễ phục thì tôi thấy ngường ngượng. Tôi nén được cảm giác đó liền nhưng giá theo lệ chung thì tôi thấy thoải mái hơn. Nhược điểm ư ? Phải, nhưng nhược điểm đó chung của con người. Có ai mời cô dự tiệc, cô hỏi :"Áo dài hay áo thường?" (2) . Và cô có lí, phải có luật lệ.

Phải có luật lệ không phải để giết sự độc đáo mà để cho sự độc đáo có thể xuất hiện được. Có theo qui tắc thì mới thực sự độc đáo được. Racine và Valery trong các luật của thơ Pháp mà vẫn là Racine và Valery. Balzac bảo :"Thiên tài có cái này đẹp là giống mọi người mà lại khác mọi người ". Còn Alain thì bảo :"Sự độc đáo ở mọi thể thức chỉ là một cách làm như mọi người mà không ai bắt chước được". Và tôi cho câu đó định nghĩa đúng vẻ thanh lịch của đàn ông hay đàn bà.

Phải, tới đó, cô cũng như mọi người, và tôi cảm thấy rằng chiếc áo dài có nhiều vạt lớn xanh và trắng của cô vẫn theo đường nét của mốt, nhưng trong sự thanh lịch của cô có cái gì bạo dạn mà chỉ riêng cô có. Thế là cô đã giải quyết được hai điểm khó khăn trong vấn đề nghiêm trọng là y phục. Một người đàn bà trẻ và đẹp muốn được người khác chú ý tới mình, vì bản năng như vậy mà cũng vì muốn làm đẹp lòng người khác, dù chỉ là đẹp lòng một người đàn ông duy nhất thôi. Nhưng đồng thời vì lễ phép trong xã hội buộc người đó phải giống những người đàn bà khác, như vạy phải. (Cô thử nghĩ một người đàn ông tới mộtcuộc họp mà bận một chiếc áo dài Hi Lạp thì cả đám sẽ nhốn nháo ra sao ; cô thử tưởng tượng vợ một sứ thần tới một cuộc hội họp Pháp mà bận chiếc váy của phụ nữ Tahiti). Tôi có cảm tưởng rằng cô biết trọng mốt, đồng thời bắt mốt phải trọng cô.

Thi sĩ, trong một câu thơ cổ điển, được hoàn toàn tự do dùng các hình dung từ theo ý mình, dùng bút pháp riêng của mình ; người đàn bà khéo phục sức cũng vậy, trên một chủ đề nào đó của mốt, có thể tự ý biến hoá đến vô cùng. Chỉ một trang sức màu sắc rực rỡ, một chiếc mùi soa duyên dáng cài ở dây lưng hoặc buộc ở cổ một cách sơ sài tài tình, một món tế nhuyễn độc nhất, hoặc cố ý bỏ hết các tế nhuyễn, những cái đó là những chữ tượng trưng đủ cho cô tạo nên những bài thơ về cô, đẹp cũng như thi phẩm của cácthi sĩ.

Biến hoá trong sự nhất trí, đó là một trong các bí quyết của mọi nghệ thuật. Vâng, có lẽ cô cho câu đólà giọng mô phạm, nhưng xin cô suy nghĩ cho kĩ. Các nhà soạn nhạc chỉ tạo các biến điệu trên một chủ đề, chứ có khác gì đâu ?Bản Boléro của Ravel hoặc bản "van" nọ của Chopin là cái gì? Rồi các thi sĩ nữa. Lamartine viết bài "Cái hồ" (Le lac), Hugo viết bài "Nỗi buồn của Olympio" (Tristesse d'Olympio) , Musset viết bài "Hồi kí" (Souvenir) đều là dùng chủ đề được ưa chuộng nhất thời đó (3) . Cô dùng chủ đề mà thị hiếu nhất thời lúc này ra cho cô, để làm thành một bài thơ sống : cô giống mọi người đàn bà mà chẳng một người đàn bà nào giống cô cả. Phải như vậy mới được.

(1) Tên chính thức của Hỉ viện Pháp.

(2) Áo thường đây cũng là áo dài nhưng ngắn hơn một chút.

(3) Ba bài thơ đó đều tả cảnh cũ, nơi đã dạo gót với người yêu, và đều than tiếc cái vui đã qua.