Chương 3: Phế vật

Ánh nắng chiếu vào mặt. Trời đã sáng. Văn mở mắt dậy. Mẹ nó đã đi làm rồi. Trên bàn học có một bát cơm rang. Nó xúc ăn. Cơm rang không, cũng ít muối nữa. Có lẽ muối nhà nó cũng sắp hết rồi. Nhưng thằng Văn vẫn ăn ngon lành. Trường nó có hỗ trợ ăn trưa, có thịt có cá, nhưng nó ăn cơm mẹ nó làm vẫn thấy ngon nhất.

Rửa bát xong xuôi nó xách cặp đi học. Cặp nó vốn là cái bao tải đựng đồ, mẹ nó lấy chỉ may lại thành 1 cái túi có quai. Nhét vào đó cuốn giáo trình Văn học, nó để ý thấy mẹ nó đã lấy bút vạch ra rất nhiều điều vào trong đó.

Trường Kình Ngư cách nhà nó 5 cây. Nó đi bộ từ sáng sớm. Đôi dép quá khổ loẹt quẹt khắp cả phố cảng. Nó đi một mình, phần vì nó không thích lũ trẻ con hàng xóm. Phần vì lũ hàng xóm được bố mẹ chở đến tận trường. Cũng không ai phải đi từ sớm như nó. Cả xóm chỉ có mẹ nó là công nhân, các nhà khác đều buôn bán, gia cảnh khấm khá hơn nhà nó rất nhiều.

Trường rất rộng. Đầy đủ các công trình: từ sân chơi thể thao, phòng nhạc, phòng vẽ, thư viện... phục vụ cho học sinh tiểu học. Ngay gần đó là trường Sơ trung, Cao trung Kình Ngư.

Hệ thống giáo dục tại Đại Nam Đế quốc về cơ bản giống với các nước trên thế giới. 3 cấp học đầu tiên là Tiểu học, Sơ trung, Cao trung, chia làm 12 lớp. Càng lên cao các môn học sẽ càng nhiều và phân hoá hơn. Học sinh đăng kí các môn học và hoàn thành tín chỉ sao cho đủ yêu cầu thì sẽ được tốt nghiệp. Sau Cao trung là Đại học, Cao học và các học vị cao hơn. Việc học vốn không có giới hạn, học vị cũng không có giới hạn. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới học vị cao nhất là Tiến sĩ. Cả Đại Nam đế quốc dân số 3 tỉ người, số lượng tiến sĩ chỉ trên 200.

Tiểu học cho học sinh lựa chọn trong số các môn học: Toán học, Văn học và Thể dục. Học sinh học tất cả cũng được, học một môn cũng được, khi tốt nghiệp chỉ yêu cầu một môn học đạt chuẩn mà thôi. Dù sao Tiểu học cũng chỉ là giới thiệu và khơi gợi, Sơ trung sẽ là hướng dẫn bài bản. Ngoài ra, Toán học, Văn học và Thể dục cũng là ba nhánh học thuật chính để phân cấp ra rất nhiều môn học sau này. Trong đó, các học sinh học Thể dục từ nhỏ đa số sẽ bước vào quy trình đào tạo nghiêm ngặt trong suốt những năm tháng sau này, trở thành vận động viên, võ giả, thậm chí là quân nhân.

Thằng Văn đã học xong lớp 5 rồi, chuẩn bị thi tốt nghiệp Tiểu học. Nhưng ngặt nỗi, điểm thi cùa nó chưa bao giờ quá 2 điểm. Đề thi Tiểu học yêu cầu không thấp, nhưng cũng không phải quá cao. Câu thứ nhất chỉ cần học sinh cảm nhận được thông điệp của tác phẩm, thái độ của tác giả và đồng cảm với nhân vật là được. Câu thứ 2 chỉ cần viết 1 bài luận có đầu có đuôi và thể hiện được một nội dung nhất quán là qua. Tới vậy mà không qua nổi thì cũng hiểu Văn có cái đầu gỗ tới mức nào.

Hôm nay là 31 tháng 5, cũng là ngày ôn thi cuối cùng. Ngày mai bắt đầu nghỉ 1 tháng để ôn thi. Văn bước vào lớp. Cô giáo nó đang giảng bài cho những “hạt giống” của lớp, vẻ mặt vô cùng vui vẻ và hào hứng. Trong đó, Linh là đứa mà cô thích nhất. Con gái nhà gia giáo, dòng họ có truyền thống văn chương, quan chức. Bản thân Linh xinh xắn, ngoan ngoãn, lại đa cảm, học Văn vô cùng có tư chất, lại định hướng được tương lai từ khi còn nhỏ, vô cùng hiếm có.

- Linh này, em cố gắng đạt thủ khoa kì thi nha, cộng với thành tích học tập của em và thư giới thiệu của cô, phía Sơ trung chắc chắn sẽ cấp học bổng để em được đặc cách vào thẳng Chuyên ngành Tâm lý học. Học Tâm lý học từ lớp 6 là một lợi thế rất lớn, vì ngành này cần rất nhiều thời gian. Sau này, kết hợp Văn học và Tâm lý học, em có thể trở thành Nữ Văn hào nổi tiếng rồi! Thậm chí, lấy bằng Thạc sĩ Tâm lý học, em sẽ có thể đọc được nội tâm người khác qua nét mặt, kết hợp với ngành Kinh doanh thì em chắc chắn phát tài! Thậm chí là theo ngành Trị liệu Thôi miên...

Cô giáo cao hứng bừng bừng khuyên nhủ, Linh chỉ mỉm cười lắc đầu.

- Em cám ơn cô. Nhưng em muốn theo Phân khoa Phân tâm học, sau đó học thêm khoá về Linh thức và trở thành nhà ngoại cảm!

Cô giáo có vẻ hơi mất hứng, nhưng vẫn tươi cười. Nội tâm cô ta cảm thấy quái gở, con gái con đứa gì mà lại thích cái nghề nói chuyện với người chết! Nghe mà rợn.

Đúng lúc ấy Văn bước vào.

- Em chào cô ạ!

Cô giáo Vân không trả lời, cũng không thèm nhìn Văn, phẩy tay 1 cái thể hiện ta đây hiểu rồi. Lòng cô thầm nghĩ, hẳn thằng đầu gỗ này vẫn đủ sức hiểu ý nghĩa cử chỉ đó chứ, chẳng lẽ EQ nó thấp hơn mức tưởng tượng?

Hiển nhiên là Văn hiểu. Ít ra thì nó là con người chứ có phải con bò đâu mà không hiểu. Nó định tới chỗ ngồi thì Linh quay lại cười tươi với nó:

- A hôm nay Văn đi học rồi! Hôm qua mẹ bạn lo lắng lắm đấy!

Văn quay lại nhìn Linh. Hiển nhiên hôm qua mẹ nó biết chuyện là do Linh nhắn cho mẹ nó. Văn không cảm thấy giận. Dù sao trong lớp này, trong cả trường này cũng chỉ có cái Linh là để ý xem nó có đi học hay không. Con bé là cán bộ lớp, tính lại tọc mạch. Nhưng con bé tốt bụng, Văn bỗng nhớ lời mẹ nó, mọi người đều tốt bụng cả. Văn liếc nhìn cô Vân. Vừa rồi cô Vân cũng rất tốt bụng với Linh. Chỉ ước gì cô cũng tốt bụng với nó.

- Bạn Văn nè, bạn đừng đi chơi với tụi Cường nữa. Tụi đó mình cũng nhắc nhiều rồi mà cứ trốn học đi chơi hoài. Nhưng tụi ấy cũng chắc sẽ đỗ rồi. Chỉ có mình bạn là đáng lo lắm nhé. Mai bắt đầu nghỉ rồi nhưng bạn cứ đến trường học nhóm với mình, mình sẽ kèm bạn học!

Linh vốn tới từ Long Thành, cô bé nói chất giọng khác biệt hoàn toàn với người Hải Thành, nghe ngọt lịm. Vậy nên tuy người khác thấy cô bé hơi tọc mạch bao đồng, nhưng chất giọng này khiến khó ai ghét nổi.

Văn gãi đầu. Nó thật sự không thích học Văn.

- Linh! Em còn phải ôn thi, tại sao lại phí thời gian như vậy? Em cố gắng ôn thi Tốt nghiệp, còn có điểm cao, mới có cơ hội được vào đội tuyển chứ!

- Cô à, sao cô lại nói vậy? Bạn ấy cũng học lớp mình mà. Em là cán bộ lớp, em cũng không thể để bạn ấy trượt được. Cô cũng biết, phí thi lại rất đắt, mẹ bạn ấy cũng không trả nổi. Với lại, nếu không ai giúp bạn ấy học, không biết tới bao giờ bạn ấy mới lên nổi Sơ trung.

- Trần Phương Linh, em nghĩ em giỏi rồi có phải không? Giỏi quá rồi nên rảnh rỗi đi dạy cho người khác? Cô đã dạy nó 5 năm rồi, nó học được hay không cô biết rõ hơn em. Nếu đã không có khả năng học, thì đi học nghề rồi làm một công việc khuân vác ở cảng chẳng phải đỡ gây gánh nặng cho gia đình có hơn không? Kể cả khi có cố lên được bậc Sơ trung, đần đần như nó làm sao có khả năng theo kịp chương trình? - Cô Vân tức đỏ cả tai, chỉ thẳng vào mặt Văn và nói với Linh - Không phải ai sinh ra cũng đã bình đẳng như nhau, không phải ai cũng may mắn như em. Em đừng bắt bạn phải làm những điều bất khả thi nữa.

Linh vô duyên vô cớ bị mắng như vậy, cô bé cảm thấy rất uất ức. Linh cảm thấy, cô giáo mình đã nói những lời quá đáng rồi, cô bé muốn phản bác lại. Thằng Văn im lặng nãy giờ, bỗng nhiên, nó nhìn thẳng vào mắt cô, nói.

- Thưa cô, em muốn tốt nghiệp. Em muốn học lên Sơ trung. Em muốn tốt nghiệp Cao trung. Em muốn trở thành Viên chức nhà nước, em muốn kiếm tiền nuôi mẹ.

- Vương Thành Văn, im đi! Mày có biết, tao đã phải nhẫn nhục thể nào để dạy lũ trẻ con miệng còn hôi sữa như bọn mày không? Đường đường là một Cử nhân Sư phạm, tao phải hạ mình để xin việc, tao phải cố gắng suốt 5 năm qua để có được thành tích tốt, vì niềm đam mê của tao, là đào tạo nên những học sinh xuất sắc và giỏi giang. Mày có biết, mày xuất hiện, như tai ương giáng xuống đời tao, kéo tụt cả thành tích của tao xuống? Tao đã nhịn mày nhiều lắm rồi, đồ con hoang! Đồ không có bố! Tại sao mày lại sinh ra đời? Vì sao mày phải trở thành gánh nặng cho mẹ mày, cho cả tao nữa?! Nếu cái loại mày mà tốt nghiệp được Tiểu học, tao sẽ quỳ xuống trước chân mày mà xin lỗi!

Cô Vân đỏ mặt tía tai, nói như quát. Cô còn trẻ, cô không nén được cơn tức giận. Cô cũng không nghĩ mình có gì sai. Giáo dục, chỉ nên dành cho những người có khả năng giáo dục. Giáo dục, không phải là thương hại, không phải là ban phát.

Nhưng, những lời nói này, cũng như đâm xuyên vào tâm hồn thằng Văn. Từ nhỏ đến giờ, nó đã không có bố. Nó phải chịu những sự kì thị, nó bị trêu chọc, nó không có ai làm bạn. Chỉ bởi vì, nó khác biệt với mọi người.

Là lỗi của nó hay sao? Nó đã làm gì sai để mọi người phải đối xử với nó như vậy?

Mặt nó đỏ lựng lên. Hai bàn tay nắm chặt lại. Nó gồng người như muốn kìm nén cơn giận dữ.

- Em muốn tốt nghiệp.

- Cái gì cơ?! - Cô Vân nhướn mày, như không nghe rõ.

- Em muốn tốt nghiệp. Em sẽ tốt nghiệp. Em sẽ thi qua kì thi Tốt nghiệp, em muốn cô rút lại những lời nói vừa rồi.

- Mày lấy cái gì mà ảo tưởng rằng mày có thể tốt nghiệp?

- Mẹ em nói, chỉ cần nỗ lực là có thể đạt được tất cả.

- Há? Chỉ là mấy lời an ủi như vậy, mà mày cũng tin? Nỗ lực là sẽ đạt được tất cả? Phế vật như mày, cứ ôm cái giấc mơ ấy đi. Chỉ cần nỗ lực là sẽ thành công? Buồn cười! Tao là cô giáo của mày, tao sẽ cho mày biết một điều, dù có là Cử nhân như tao, cuộc đời này cũng không dễ dàng gì đâu con ạ! Có những thứ, từ khi mày sinh ra, mày đã luôn thua kém người khác, dù có cố gắng cả đời, cũng bù không nổi!

Thằng Văn không đáp lại. Nó không muốn tranh cãi với cô giáo mình nữa. Nếu không, nó sẽ không kiềm chế nổi cơn xúc động. Nó quay mặt, đi về chỗ.

Nó tin rằng, mẹ nó nói đúng. Nó không muốn người khác chê cười những gì mẹ dạy. Nó muốn chứng minh điều ấy. Bằng nỗ lực của chính mình.