Chương 8: Hận Kiếm Động Giang Hồ

Hoàng Vĩnh đáp :

- Minh chủ dạy phải.

Rút soạt trường kiếm, cầm lăm lăm trong tay chỉ chực chờ, đợi cho Cao Quang đạp chân lên đất liền là lao tới địch nhân, mang toàn lực tiếp cứu Cao Quang.

Thiếu Bạch tuy ngoài mặt lên tiếng khuyên nhủ Hoàng Vĩnh nhưng trong lòng vô cùng lo lắng. Chàng trợn tròn mắt chú mục theo dõi cuộc đấu ác liệt. Chỉ thấy cặp Phán Quan bút của Cao Quang phải tả xung hữu đột, tình thế thập phần nguy đến tính mạng. Cao Quang tuy đã ra sức đánh để thoát lên bờ nhưng thật là quái ác, hai ngọn đao của đối phương càng tấn công càng trở nên lợi hại, tàn độc. Đừng nói là thoát lên đất liền, ngay cả việc chống đỡ cũng có chiều không xong. Thiếu Bạch nghĩ nhanh trong đầu, xem chiêu kiếm nào có thể giải thoát được cho Cao Quang nhưng nghĩ nát cả óc, lục hết sở học vẫn không tìm ra chiêu nào có thể đem ra dùng được. Hốt nhiên, chàng nghĩ tới đao pháp của Hướng Ngao, một đao lấy mạng hú hồn địch thủ.

Chỉ còn cách duy nhất là đánh trọng thương một trong hai kẻ địch nếu không, ruộng lúa bùn cao tới gối mà tiếp cứu Cao Quang chẳng khác gì đưa Cao Quang sớm bước vào tử lộ.

Thiếu Bạch dần dần tập trung thần ý, mặc niệm khẩu quyết Đoạn Hồn Nhất Đao của Hướng Ngao.

Đột nhiên chàng cởi cái đẩy xanh đeo trên lưng xuống lấy ngọn đơn đao Hướng Ngao cho. Đó là một ngọn cổ đao luyện bằng chất thép thật tinh tuyển, chuôi đao chạm trổ rất tinh trí có một cái tua màu vàng buộc thõng. Dưới ánh sáng mặt trời, cây cổ đao bằng chất thép xanh rợn lên một ánh sáng xanh lạnh người.

Thiếu Bạch ngưng tụ thần ý, mặt sắt lại, trong hai con ngươi tròn xoe ánh ra những tia nhìn lạnh ngắt, loang loáng như điện.

Hoàng Vĩnh quay nhìn lại thấy vậy rùng mình, đang chực lên tiếng hỏi, hốt nhiên đã thấy Thiếu Bạch mở miệng hét lớn một tiếng sấm sét, bốc người lên lao vút tới chỗ ba người đang giao chiến dưới ruộng lúa.

Hoàng Vĩnh ớn lạnh vội vàng hít một hơi dài, thuở giờ chàng chưa từng thấy trên đời có một thứ đao pháp ghê gớm khủng khiếp đến như thế, khí thế đánh ra của nó khơi dậy bao nhiêu sát cơ, trời đất vũ trụ như thể đầy máu.

Chỉ thấy ánh sáng xanh rợn lên lạnh mình, bên tai cùng lúc vang lên hai tiếng rú thảm. Ánh sáng loáng loáng của đao với bút trong khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi ấy đã tắt ngấm, chẳng thấy đâu, đương trường chỉ còn lại một cảnh tượng thê lương. Hai đại hán vây đánh Cao Quang đã ngã gục trong ruộng lúa, máu loang ra mênh mông chan hòa cùng nước bùn. Trong khi Thiếu Bạch trong tay cầm ngọn cỗ đao ánh sáng xanh rợn lạnh, ngây người đứng trố mắt nhìn sững vào hai cái thây chết thảm. Gương mặt chàng hằn lên vẻ khổ sở cùng hổ thẹn tự biết lỗi.

Trong khi Cao Quang cũng đứng ngây ra với cặp Phán Quan bút trong tay. Im lặng cả hồi lâu, cuối cùng Cao Quang mới thâu song bút, nghiêng mình nói :

- Đa tạ Minh chủ đã cứu.

Thiếu Bạch lấy lại được bình tĩnh, chàng cười buồn, tự hỏi vẩn vơ :

- Tại sao ta lại giết hai người họ nhỉ? Ta và họ có thù oán ghê gớm gì nhau từ trước đâu?

Cao Quang phủi bùn còn dính trên người, nói :

- Minh chủ giết họ để cứu tiểu đệ!

Thiếu Bạch thở dài nói :

- Đúng vậy, đúng vậy, vì muốn cứu huynh đệ mà tại hạ phải giết họ.

Hoàng Vĩnh cao giọng gọi :

- Minh chủ, Cao huynh đệ, lên đây mau đi, còn ở dưới đó làm gì?

Thiếu Bạch nói :

- Chúng ta phải chôn hai người đàng hoàng.

Cao Quang đáp :

- Việc đó Minh chủ khỏi lo.

Nói rồi ôm lấy hai cái xác, nhảy lên bờ. Thiếu Bạch hình như đã dùng hết sức lực của toàn thân, chàng mệt nhọc lần từng bước theo. Lên đến bờ, chàng lượm vỏ đao trên đất, tra đao vào đâu đó, chàng ngồi phệt xuống cỏ, ngước nhìn nền trời xanh xuất thần.

Không biết bao lâu sau, Cao Quang đã thay quần áo sạch sẽ, khẽ gọi :

- Minh chủ, hai kẻ chết đó đều là tay cự khấu trên chốn lục lâm, người đời gọi là Giang Nam nhị thử, cứ theo tước hiểu ấy cũng đủ biết họ là những người thế nào. Giết họ để trừ hại cho lương dân. Minh chủ không việc gì phải hối hận.

Thiếu Bạch chậm rãi quay người lại hỏi :

- Vì đâu Cao huynh biết họ là lục lâm thảo khấu?

- Tại hạ biết được là nhờ lúc chôn họ có phát giác trên mình họ có một phong thư.

Thiếu Bạch nhẹ thở dài hỏi :

- Phong thư ấy đâu rồi?

Cao Quang lấy trong người ra một phong thư trao cho Thiếu Bạch nói :

- Thư đây, xin Minh chủ coi.

Thiếu Bạch đỡ lấy phong thư, giở ra xem, thấy viết :

“Nói cho Giang Nam nhị thử hay, các ngươi thừa lúc ta đi vắng, đang đêm lén vào nhà vơ vét hết của cải lại còn đã thương người nhà ta, thù này, hận này, không giết chết các ngươi thì làm sao hả giận được...”

Thiếu Bạch chỉ đọc được đến đây, còn những hàng chữ phía dưới bị nước bùn vấy lên mủn hết. Chàng thừ người, cầm tờ thư trên tay, lẩm bẩm như nói riêng cho mình nghe :

- Xem ra như vậy quả hai tên kia không phải là hạng người tốt.

Cao Quang cười nói :

- Cướp của giết người, tự nhiên không phải là hạng người tốt đứt đi rồi.

Thiếu Bạch hốt thấy cõi lòng thư thới, cười nói :

- Hai kẻ ấy là hạng xấu xa đê tiện, giết đi cũng chẳng phải là cái tội.

Nói rồi, vứt tờ thư rách đi, vươn mình đứng dậy.

Hoàng Vĩnh cảm phục, đánh tiếng :

- Lòng nhân nghĩa của Minh chủ, người thường thật không bì được một trong hai vạn phần, chỉ bằng một chỗ chú ý phân biệt thiện ác ấy thôi...

Thiếu Bạch thở dài, đỡ lời bạn :

- Gia phụ bị người hãm hại còn làm liên lụy cho hơn trăm sinh mạng. Tại hạ mồ côi vất vưởng, sự việc vẫn còn rõ ràng như bức tranh tô đậm, ấn tượng thê thảm đã ăn quá sâu trong đầu óc, cho nên tại hạ rất không muốn giết bừa một người tốt nào. Việc thị phi cần phải tách bạch cho thật rõ mới được.

Hoàng Vĩnh vỡ lẽ nói :

- À! Thì ra là thế...

Liếc mắt nhìn sang Cao Quang hỏi :

- Cao huynh! Có phải Cao huynh đuổi theo Giang Nam nhị thử rồi bị họ phát giác không?

- Không phải. Tại hạ đuổi theo tên đại hán ăn mặc giả lực điền, tay cầm ống xi đồng, bị y phát giác dụ tới đây. Bọn chúng vốn phòng bị từ trước rồi nên mai phục chu đáo. Tại hạ vừa đuổi tới đây thì bọn Giang Nam nhị thử chẳng nói chẳng rằng xông ra vung binh khí tấn công liền. Đại hán ăn mặc giả lực điền thừa cơ hội chạy mất. Không thể ngờ được rằng võ công của Giang Nam nhị thử cũng chẳng kém gì tiểu đệ, nếu không được Minh chủ tới cứu kịp thời, chỉ sợ đã sớm nát thây dưới đường đao lợi hại của bọn họ rồi chứ chẳng khỏi.

Thiếu Bạch nhận xét :

- Họ bố trí nghiêm mật như thế hẳn là đã để tâm từ lâu.

Hoàng Vĩnh bàn :

- Lưu lão tiền bối đã chết, những kẻ kia quyết không nán lại vùng này lâu lắc làm gì, chúng ta cần sớm rời khỏi nơi đây, dò xem sào huyệt của họ ở đâu.

Thiếu Bạch ngửa mặt thở dài nói :

- Tại hạ định trở về nơi cố cư Bạch Hạc bảo xem sao?

Hoàng Vĩnh phụ họa :

- Chưa biết chừng trong Bạch Hạc bảo lại tìm được một đầu mối để phăng ra hung thủ.

Thiếu Bạch giục :

- Đi, chúng ta lên đường.

Rồi cùng hăng hái đi đầu.

Đường đi, chàng phải cố lục lọi ký ức quy định. Hoàng Vĩnh, Cao Quang riu ríu đi kèm hai bên.

Ba người rảo cẳng đi, không đầy một tiếng đồng hồ đã thấp thoáng nhìn thấy bóng Nhạc Xuyên. Nhạc Xuyên là thị trấn của miền Tương Bắc, trong thành buôn bán sầm uất, người đi kẻ lại tấp nập, chen chân không lọt.

Hoàng Vĩnh nhìn bộ quần áo vải mặt trên người khẽ giọng nói :

- Bộ đồ này mặc đi dạo phố không được, chúng ta tìm chỗ nào nghỉ một lúc đi.

Thiếu Bạch đáp :

- Phải đấy, chúng ta cũng phải tìm một chỗ ăn uống gì chứ.

Cao Quang nói :

- Trong chốn Nhạc Xuyên này có Nhạc Dương lầu là quán ăn trứ danh nhất, tại sao chúng mình không đến đó ngồi thử xem có phải quả đúng như tiếng đồn không?

Hoàng Vĩnh nói :

- Hàng quán là chốn làm ăn lớn của người ta, bọn mình ăn mặc lùi xùi thế này bước vào, nếu không bị xua đuổi thì kể cũng là chuyện lạ lắm.

Cao Quang nói :

- Nếu thật phải như thế thì đệ sẽ giáo huấn chúng một phen.

Hoàng Vĩnh đỡ lời :

- Việc đó thiết nghĩ không nên trách người, chỉ trách cái bọn mình ăn mặc lôi thôi, không đúng điệu để vào chỗ sang trọng.

Thiếu Bạch cười nói :

- Nhị vị việc gì phải tranh luận dữ như thế! Anh em chúng ta đi kiếm một tiệm cắt may một bộ để thay rồi sau đó sẽ đến Nhạc Dương lầu.

Cao Quang nói :

- Lời Minh chủ không sai.

Thỏa thuận rồi, ba người vào trong thành, tìm đến một tiệm may đặt vài bộ.

Có tiền mua tiên cũng được, thật đúng như phương ngôn vẫn nói. Thiếu Bạch sau khi đã hứa trọng thưởng thật hậu cho họ rồi, mấy người công nhân dẹp đồ của người khác lại, chuyên chú làm tận lực cho ba người. Đến khoảng xế chiều thì xong, Thiếu Bạch và hai người bạn súng sính trong bộ đồ mới cắt khéo, cất bước đi thẳng đến Nhạc Dương lầu.

Nhạc Dương lầu là tửu lầu lớn nhất ở Nhạc Xuyên, ngày thường khách khứa cũng đông nghẹt. Ba người vào đến tiệm đã hết chỗ trống, một tên điếm hỏa kế chạy tới tiếp, cung kính thưa :

- Xin quý vị cảm phiền, dạ hết chỗ rồi.

Cao Quang lạnh lùng nói :

- Cút đi, không mượn nhà ngươi, bọn ta lên lầu kiếm chỗ lấy.

Dứt lời, không đếm xỉa gì đến tên điếm hỏa kế, nhanh chân đi lên lầu. Bọn Thiếu Bạch giờ đây đã ăn mặc sang trọng xem cũng ra vẻ vương tôn công tử con nhà giàu lắm tiền nhiều thế, lại có vẻ như những võ lâm cao thủ cho nên điếm hỏa kế cứ đứng đực ra nhìn không dám ngăn trở.

Cao Quang đảo mắt nhìn khắp một lượt quanh lầu, quả thấy chẳng còn chỗ nào ngồi, chỉ có chiếc chiếu trải sát bên cửa sổ là có độc một người trung niên mặc trường bào màu xanh da trời ngồi. Thấy thế, lập tức Cao Quang xăm xăm bước tới, chẳng nói chẳng rằng ngồi phịch ngay xuống.

Người trung niên lạ quắc mắt như muốn nổi cơn thịnh nộ rồi không hiểu vì cớ gì lại thôi. Cao Quang vẩy điếm hỏa kế, gọi tám món nhậu, một bình rượu ngon thứ Trạng Nguyên Hồng, oang oang giọng nói :

- Miệng thằng điếm hỏa kế nói không nghe được, nó bảo trên lầu hết chiếu ngươi rồi, thế mà nay chúng mình không những tìm được chỗ mà ngồi lại rộng rãi phây phả, mỗi đứa chiếm một khoảng rộng.

Người trung niên mặc trường bào xanh bị ba kẻ lạ chiếm mất chiếu, đã thế thiên hạ lại còn oang oang cái miệng, ăn nói cuồng ngạo, trong bụng giận lắm, y cười nhạt nói :

- Cái chiếu này, huynh đệ đã sớm đặt trước rồi, hiện đang đợi mấy người bạn.

Cao Quang mỉm cười nói :

- Thế thì chúng tôi ăn uống nhanh một chút vậy.

Đang nói, rượu thịt đã mang tới, thức nhắm hành phi thơm lừng. Cao Quang nhanh nhẩu đứng ngay dậy, đỡ lấy hồ rượu, đổ đầy một chén đưa sang phía người trung niên, tươi cười nói :

- Xin mời! Chúng ta cạn chén với nhau trước một chén.

Người trung niên văn sĩ lúng túng trước lối cư xử lỗ mãng của đối phương, y không biết phải cố nhịn hay nên phát tác, liếc nhìn sang đã thấy Cao Quang rót đầy một chén ực luôn cạn, đành phải ngửa cổ cạn theo.

Thiếu Bạch hấp tấp nâng chén, cười tươi hỏi :

- Dám hỏi quý tánh đại danh của huynh đài?

Người trung niên mặc trường bào chậm rãi đáp :

- Huynh đệ họ Mạnh...

Hốt nhiên những tiếng la lối om sòm ở dưới lầu vọng lên, cắt đứt câu nói của người trung niên văn sĩ. Y vội vàng đặt chén xuống, bước lại bên cửa sổ, cúi đầu nhìn xuống, chỉ thấy người ta vòng trong vòng ngoài tụm lại một chỗ. Ngay trên con đường sầm uất của thị trấn buôn bán phát đạt đã xảy ra chuyện đại sự kinh người.

Thiếu Bạch không nén được lòng hiếu kỳ, cũng đến bên cửa sổ dòm xuống, chỉ nhìn thấy một người nằm sóng soài như thể đã khí tuyệt.

Người trung niên văn sĩ bỗng thét lên thảng thốt, đẩy mạnh song cửa như người mất hồn, lao vọt xuống lầu. Động tác quá đỗi bất ngờ và khủng khiếp của y khiến toàn thể thực khách đều ồ lên kinh hãi vùng đứng cả dậy, một giọng nói đanh thép vang lên :

- Không xong rồi, lại có kẻ nhảy xuống lầu tự tử

Tiếng bàn tán tức thời ầm vang lên, thực khách rùng rùng tìm đường tránh.

Dưới ánh sáng mặt trời chiếu, Thiếu Bạch bỗng phát giác ở lưng cái xác chết nằm sóng xoài, cắm phập một ngọn trủy thủ, thấy vậy chàng giật bắn người, hấp tấp ngoắc Cao Quang, Hoàng Vĩnh hối hả xuống lầu. Sự thực, không đợi Thiếu Bạch phải gọi, Cao Quang và Hoàng Vĩnh cũng đã nhanh chân theo sát đằng sau rồi.

Xuống đến nơi, chỉ thấy người trung niên văn sĩ bồng sốc người chết, mắt toát lửa, căm hờn ngó quanh quất như thể kiếm tìm hung thủ trong rừng người.

Thiếu Bạch khẽ thở dài, nói :

- Kẻ kia thực to gan lớn mật thực, giữa ban ngày ban mặt ở một nơi đông đúc đô hội mà dám ra tay giết người, không còn coi ai ra gì.

Tiếng niệm Phật khẽ vang lên ở đằng sau, tiếp liền là giọng nói :

- Lá gan của hung thủ quả thực không phải nhỏ, A di đà Phật!

Thiếu Bạch quay đầu trở lại nhìn, thấy người lên tiếng nói không ai khác hơn chính là Tứ Giới đại sư, chàng chột dạ, nghĩ bụng :

- “Vị hòa thượng này kèm ta đây”.

Người trung niên văn sĩ ôm xác chết đứng thừ ra một hồi, đột nhiên thò tay nhổ phắt ngọn trủy thủ.

Một vòi máu theo ộc ra.

Thiếu Bạch chăm chú nhìn, thì thấy thứ binh khí hung ác đó là một thanh đoản kiếm dài chừng bảy tám tấc, ánh sáng chóe mắt, không thấy có vẻ gì là có tẩm độc, hiển nhiên hung thủ ỷ mình là tay kình lực ghê gớm, khỏi dùng chất độc tẩm vào binh khí để giết người.

Hoàng Vĩnh cũng kịp nhìn tám chữ đại tự “Cừu hận chi kiếm, huyết trái huyết hoàn” (kiếm này là kiếm cừu hận, nợ máu phải trả bằng máu) khắc trên thân kiếm.

Người trung niên văn sĩ sau khi nhìn thấy chữ trên lưỡi kiếm, liền lẳng lặng không nói một lời, vác xác chết hấp tấp chạy mau đi, chớp mắt đã mất dạng.

Thiếu Bạch nhìn theo bóng người trung niên, lẩm bẩm nói một mình :

- Cừu hận chi kiếm, huyết trái huyết hoàn... Kẻ ấy là ai kìa? Chẳng lẽ còn gặp phải cảnh ngộ muôn phần bi khổ hơn ta?

Tứ Giới đại sư trong khi ấy lắc đầu quầy quậy nghiêm giọng nói như than :

- Kiếp số, kiếp số, xem chừng kiếp nạn của toàn thể võ lâm đã bắt đầu phát động rồi đây.

Thiếu Bạch ngoảnh lại nhìn Tứ Giới đại sư một cái nữa, khẽ giọng gọi Cao Quang và Hoàng Vĩnh :

- Chúng ta lên lầu thôi.

Lúc bấy giờ người đứng xem đông đảo, ai cũng chép miệng than thở rồi tản mạn đi. Hốt nhiên nghe thấy một giọng nói hơi khàn khàn đập vào tai :

- Lạ quá, nguy hiểm quá!

Thiếu Bạch đã quay người đi rồi nhưng nghe tiếng lạ chàng chậm bước lại lắng nghe xem sao. Quả nhiên có người đỡ lời hỏi :

- Vưu lão nhị, tại sao lại lạ?

- Lúc người ấy chết, chính y đi đằng sau tại hạ đấy chứ, cách nhau không quá một bước, thế mà tại hạ chẳng nghe kêu, kịp đến khi y ngã phịch xuống đất, tại hạ mới quay đầu lại thì đã chẳng thấy ma nào cả. Cho hung thủ là chạy nhanh đi nhưng làm sao nhanh hơn mắt tại hạ? Thế không đáng lấy làm lạ sao?

- Kể như thế cũng lạ lắm, nhưng có gì là nguy hiểm đâu?

Giọng nói khàn khàn bắt đầu đáp :

- Hú vía chứ lại không nguy hiểm à! Thử nghĩ y và tại hạ cách nhau có một bước, nếu hung thủ nhìn lầm, ở đằng sau mà lụi cho một dao thì bảo có đi đời nhà ma không?

Tứ Giới đại sư đột nhiên xen vào hỏi :

- Dám hỏi thí chủ thử nhớ lại xem lúc ấy quả thật không trông thấy nhân vật nào khả nghi cả à?

Vưu lão nhị trầm ngâm giây lâu đáp :

- Khi ấy trên đường người qua kẻ lại khá đông, nhưng tại hạ đi gần y nhất, lúc tại hạ quay đầu lại chỉ thấy y nằm phủ phục dưới đất, lưng bị đâm một lưỡi đoản kiếm, không thấy người nào khả nghi.

Nghe đến đây, Thiếu Bạch bước mau lên lầu.

Trải qua một phen náo động khủng khiếp, tửu lầu đầy khách giờ đây đã vắng quá nữa, chưa chừng đám tửu khách ấy thừa nước đục thả câu, nhân lúc lộn xộn chén một bụng rồi chuồn.

Rượu thịt đem lại, Hoàng Vĩnh nâng chén mượn dịp nói nhỏ với Thiếu Bạch :

- Minh chủ, lão hòa thượng ấy cũng mò lên.

Ba người vội vã ăn quàng cho xong, đứng dậy đi. Thiếu Bạch vận ký ức, nhớ đường ngày nhỏ đi qua, dẫn Hoàng Vĩnh, Cao Quang thẳng tới Nam Quan.

Đi độ bốn năm dặm đường, trước mặt chỉ thấy một tòa miếu to tát, sừng sững đứng trong một cánh rừng. Thiếu Bạch bảo hai bạn :

- Lúc nhỏ, tại hạ có tới Quan vương miếu này một lần với tiên phụ, nhớ mang máng trong ngôi miếu này rất thanh tĩnh, trừ một Hương Hỏa đạo nhân lo việc đến năng quét dọn thì chỉ có ngài trụ trì tuổi đã già, chúng mình đi coi qua tình thế xem sao. Kiếm một chỗ yên tĩnh, mát mẻ ngồi nghỉ đợi đêm xuống hãy lần về Bạch Hạc bảo.

Cao Quang thắc mắc :

- Tại sao lại đợi đến đêm mới đi?

- Theo tại hạ nghĩ, trong Bạch Hạc bảo sợ còn nhiều nhân vật võ lâm ẩn nấp ngầm dò xét. Nếu chúng ta đi ban ngày chắc khó tránh khỏi bị phát giác và làm khó dễ. Chi bằng để đến đêm đi, dẫu cho có bị phát giác cũng dễ bề thoát thân.

- Minh chủ cao kiến, thực quả bọn tôi không sánh kịp.

Trong khi trò chuyện, ba người đã đi gần tới Quan vương miếu. Chỉ thấy hai cánh cổng miếu sơn đỏ khép hờ đủ cho một người ra vào lọt. Trong rừng vang lên tiếng ve kêu càng làm tăng thêm phần tĩnh mịch cho ngôi cổ miếu.

Hoàng Vĩnh nhanh nhẹn sấn lên hai bước, đi vào trước. Trong cánh cổng lớn là một cái sân rộng. Trừ một con đường lát gạch lấy làm lối đi ra, cỏ hoang mọc tràn lan, một lão nhân đầu tóc lưa thưa, râu trắng phếu cầm liềm yếu ớt cắt cỏ.

Hoàng Vĩnh ngắm nhìn tòa miếu hùng vĩ một hồi, bất giác rùng mình, khẽ giọng nói :

- Ngôi cổ miếu hoang vắng quá chừng!

Cao Quang nói :

- Xem cái miếu này, tường quét vôi trắng còn mới, cửa chưa bị sứt mẻ, rõ ràng là mới được sửa chữa lại đây. Sao không thấy dân gian hương hỏa tới lễ nhỉ?

Hoàng Vĩnh biểu đồng tình :

- Phải đấy, ngôi miếu này xem ra cũng lạ lắm.

Hương Hỏa đạo nhân làm cỏ bằng liềm chậm rãi ngửng đầu lên nhìn ba người khách rồi lại chậm rãi cúi xuống tiếp tục làm.

Cao Quang đưa mắt nhìn đạo nhân làm việc chậm chạp, lắc đầu ngao ngán nói :

- Xem cái điệu ông ta cắt chậm như rùa thế kia thì cắt xong mé bên đông, cỏ ở mé tây đã mọc um tùm từ tám mươi đời rồi, làm hết đời cũng chẳng hết cỏ trong sân.

Thiếu Bạch hỏi bâng quơ :

- Không hiểu vị trụ trì ngôi miếu này có đúng tuổi tác già nua như vị Hương Hỏa đạo nhân kia?

Khi trước, lúc chàng đặt chân tới chốn này chỉ là một đứa trẻ năm sáu tuổi gì đó. Chỉ bởi vì ngôi miếu khuôn viên quá rộng mà tất tật chỉ có một ngài trụ trì cùng một đạo nhân lo việc đèn nhang nên bước vào khỏi cổng là tự nhiên thấy ớn lạnh xương sống liền, vì vậy Thiếu Bạch mới còn ấn tượng sâu đậm trong trí. Đi hết con đường nhỏ lát gạch đó, ba người tới cổng trong, cảnh vật đột nhiên thay đổi hẳn. Chỉ thấy những cây bạch dương đứng cao muốn chọc thủng mây. Khoảng đất trống ở giữa đều bị những gốc cây bạch dương choáng hết, lá rụng ngập lên thành đống, như thể cả mấy tháng trời rồi không có ai quét dọn.

Hoàng Vĩnh nhìn những đống lá trên mặt đất, thấp giọng nói :

- Trong sân trong này, nhà ngang phòng trống rất nhiều, tại hạ xem chúng ta cũng chẳng cần phải vào đại điện làm gì, sợ làm kinh động ngài trụ trì, chúng ta tùy tiện chọn lấy một phòng ở nhà ngang ngồi nghỉ được rồi.

Thiếu Bạch nói :

- Thì theo ý kiến Hoàng huynh vậy.

Đảo mắt, chậm bước đi về dãy phòng mé tây, Cao Quang đi vượt lên trước, đẩy cửa bước vào, chỉ thấy một cái bệ có màn màu vàng, tuy còn mới nhưng bụi bám đầy. Hoàng Vĩnh thót giật mình nghĩ bụng :

- “Cái ngôi Quan vương miếu này chỗ nào cũng thấy lạ lắm, thật là cổ quái, tường trắng toát, bức màn vàng còn mới, với tình trạng này đáng lẽ phải đông khách thập phương tới chiêm bái, người đi rầm rập mới phải chứ sao lại vắng vẻ lạnh lẽo quá chừng như thế này?”

Cao Quang nhìn quanh lên tiếng hỏi :

- Minh chủ coi gian phòng này như thế nào?

Thiếu Bạch khẽ gật đầu đáp :

- Chúng ta ngồi nghỉ trong phòng đi, đợi đêm xuống hãy lên đường đi Bạch Hạc bảo.

Hoàng Vĩnh quẳng đẫy trên vai xuống, ngồi phệt xuống dưới đất xếp bằng tròn, nhắm chặt mắt vận khí điều tức, nhưng rốt cuộc vì trong lòng cứ thắc mắc mãi về cái cổ quái của Quan vương miếu nên không sao để lòng thảnh thơi mà đưa chân khí chạy đều khắp các mạch huyệt trong người. Chàng hé mắt nhìn, thấy Thiếu Bạch và Cao Quang đã nhập định, hồn vía đã cho bay đâu đâu. Thấy vậy Hoàng Vĩnh rón rén đứng thẳng người dậy, khẽ bước ra ngoài. Chàng chưa ra khỏi cửa, hốt đã thấy Hương Hỏa đạo nhân cầm liềm dò theo con đường lát gạch đỏ đi thẳng tới đại điện. Hoàng Vĩnh hít một hơi, nghĩ bụng :

- Chẳng hiểu lão công nhân vào trong đại điện có phải là để báo cáo với ngài trụ trì về hành tung của bọn ta chăng?

Trong lúc mãi nghĩ ngợi vẩn vơ như thế, lúc chàng ngóc đầu lên nhìn thì đã chẳng thấy bóng của Hương Hỏa đạo nhân đâu cả. Là người cẩn thận, thấy vậy Hoàng Vĩnh bỏ ý ra ngoài, trở về chỗ cũ, ngồi xuống xếp bằng tròn, giả vận khí điều tức, trong lòng chàng không ngớt toan tính :

- Nhất định lão Hương Hỏa đạo nhân đã sớm thấy bọn ta, rõ ràng là lão có ý báo cáo, điều này không còn phải nghi ngờ gì nữa, trong chớp mắt ta phân tâm lão có thể biến mất, nếu không phải tay khinh công thượng thừa thì quyết không làm sao nổi, xem thế lão Hương Hỏa đạo nhân dáng dấp yếu ớt kia không phải là một vị muốn lẩn tránh bụi trần thì cũng phải là một tay đại đạo ngang dọc trên giang hồ. Ngài trụ trì miếu Quan vương này nếu như không phải là người siêu phàm xuất chúng quyết không thể nào khiến cho lão Hương Hỏa đạo nhân một lòng trung thành hầu hạ.

Hoàng Vĩnh lại âm thầm nghĩ tiếp. Nhẩm tính vị trí chỗ lão đạo nhân biến mất, chỗ đó cách căn phòng nhà ngang gần nhất cũng phải có đến ngoài một trượng, trừ phi lão nằm xoài, náu mình trong một bụi hoa gần bên, nếu không, khinh công của lão còn cao hơn chàng nhiều.

Ý nghĩ dồn dập đến trong đầu óc chàng, chàng liên tưởng tới việc năm xưa Tả Giám Bạch đến chốn này, theo như lời Minh chủ nói khi người tới, ngôi Quan vương miếu cũng vẫn hoang vắng như bây giờ. Tả Giám Bạch là Chưởng môn của một môn phái võ bỗng thình lình đặt chân tới đây, đâu phải là chuyện tình cờ, không duyên cớ?

Càng nghĩ, Hoàng Vĩnh càng thấy bên trong ắt phải có cái gì chứ không thể không được, xem ra tòa Quan vương miếu này chỉ sợ cũng có liên quan mật thiết với việc Bạch Hạc môn bị thảm sát. Chỉ tiếc lúc Minh chủ tới đây tuổi còn quá nhỏ, trong trí nhớ không lưu lại điểm khả nghi nào thôi.

Ngoảnh lại nhìn hai người, thấy họ vẫn ngồi thiền định chưa tỉnh, lại không tiện đánh thức, Hoàng Vĩnh đành cố nén mối nghi hoặc trong lòng, nhắm mắt làm ra vẻ ngồi thiền nhưng kỳ thực ngầm canh cho hai bạn. Thì ra người tụ tập nội công thượng thừa, sau khi nhập định rồi, sóng lòng không dậy, thần trí phiêu diêu trên ngoại vật, thính giác do đấy cực kỳ tinh tế, trong vòng mấy trượng tiếng lá khô rụng cũng còn nghe rõ mồn một, nhưng trong lúc vận khí điều tức thì lại khác, tai mắt mất hết cả lanh lợi, rất dễ bị ám hại.

Hoàng Vĩnh thấy hành động của lão Hương Hỏa đạo nhân đã động mối nghi ngờ rồi nên đặc biệt lưu ý động tĩnh xung quanh.

Quả nhiên chàng thấy những tiếng bước chân rất nhẹ chầm chậm vẳng lại. Sẽ hé mắt, sực thấy bóng người bắn tới, chính là lão Hương Hỏa đạo nhân, tay cầm liềm làm cỏ.

Chỉ thấy lão lấm la lấm lét, thò đầu vào dáo dác ngó một hồi, đột nhiên thụt ra, Hoàng Vĩnh hoảng kinh nghĩ bụng :

- “Quả không ra ngoài sự liệu đoán của ta, lão thò đầu vào giây lát rồi quay đi, không hiểu định giở thói gì đây?”

Nghĩ rồi, Hoàng Vĩnh khẽ thò tay vào trong người móc lấy hai cây ám khí, nắm chắc trong tay lấy thế sẵn sàng chờ địch.

Chẳng dè đợi sốt cả ruột mà cũng chẳng thấy động tĩnh gì cả, lão Hương Hỏa đạo nhân nhất định không trở lại.

Đợi một lúc lâu nữa, Thiếu Bạch và Cao Quang ngồi thiền xong, Hoàng Vĩnh thở ra nhẹ nhõm, đánh tiếng :

- Huynh đệ định thỉnh giáo Minh chủ một việc, không hiểu có nên không?

Thiếu Bạch cười bảo :

- Có chuyện gì xin nói cho nghe, tiểu đệ biết sẽ nói hết.

- Minh chủ, năm xưa lệnh tôn tới đây không hiểu để làm gì?

Thiếu Bạch vắt óc, nghĩ ngợi hồi lâu đáp :

- Ngày ấy, tại hạ còn bé không nhớ được rõ, hình như gia phụ tìm đến thăm hỏi ngài trụ trì thì phải.

Hoàng Vĩnh bỗng đứng phắt dậy, chạy vụt ra khỏi phòng, đảo mắt nhìn quanh một lượt rồi trở vào hỏi :

- Minh chủ còn nhớ lệnh tôn lưu lại ở đây bao lâu không?

- Hoàng huynh hỏi miết chuyện cũ, phải chăng đã thấy có chỗ khả nghi ở Quan vương miếu này?

- Thiết nghĩ Tả lão tiền bối coi sóc việc cả một môn phái, công chuyện phải bề bộn lắm, tòa miếu Quan vương này nếu không phải là chốn thanh tịnh để nghỉ ngơi, tại sao Tả lão tiền bối lại đột nhiên tới làm gì? Bên trong ắt phải có nguyên nhân, tại hạ đoán bừa thế thôi, Minh chủ hốt nhiên nghĩ việc đến đây để tránh tai mắt của kẻ địch dòm ngó, hiển nhiên Minh chủ còn nhớ rất rõ và rất thích cảnh hoang vắng tĩnh mịch của tòa miếu này.

- Đúng thế!

- Do đấy, tại hạ dám lớn mật đoán liều rằng khi xưa Minh chủ cùng lệnh tôn tới đây, cảnh Quan vương miếu vẫn thế, vẫn vắng vẻ hoang sơ, ấn tượng đó ăn sâu trong ý thức Minh chủ đến nỗi khi cần tìm một chỗ không người héo lánh để nghỉ ngơi trước khi trở về Bạch Hạc bảo là Minh chủ nghĩ đến nó liền!

Thiếu Bạch gật gù :

- Nếu không phân tách rạch ròi như Hoàng huynh thì tại hạ cũng không nhớ ra. Phải rồi, ngày đó theo chân tiên phụ tới đây, hình như tiên phụ có hẹn với một vị bằng hữu ở chốn này thì phải.

- Minh chủ thử nhớ kỹ coi, người bạn mà lệnh tôn hẹn gặp là nhân vật như thế nào?

- Hồi đấy, tại hạ còn nhỏ, làm sao nhớ được nhiều.

Tuy đáp vậy, nhưng Thiếu Bạch cũng ngửa mặt cố nặn óc, lục lọi ký ức, tiếp lời :

- Người bạn mà tiên phụ hẹn gặp hình như là một người rất thần bí, theo trí nhớ kém cỏi của tại hạ thì người ấy ngồi trên một cỗ xe hai ngựa tuyệt đẹp đánh tới.

Cao Quang thình lình xen vào nói :

- Việc đó cách đây không có bao nhiêu năm, không có khó gì để tra ra cho rõ. Tại sao chúng ta không gặp ngay vị trụ trì ngôi miếu này mà hỏi?

- Đệ cũng có ý ấy, không hiểu Minh chủ định sao?

Thiếu Bạch đáp :

- Nhị vị cũng có một kiến giải, như vậy chắc không đến nỗi sai.

Cao Quang đứng vùng dậy, láu táu nói :

- Chúng ta đi ngay bây giờ chứ?

Hoàng Vĩnh nói :

- Theo ý của đệ, tòa Quan vương miếu này ngài trụ trì không phải là một nhân vật tầm thường, vậy trong lời ăn tiếng nói chúng ta phải hết sức giữ lễ phép, mà đồng thời cũng phải hết sức dè dặt đề phòng, nếu như không gặp nước bất đắc dĩ, tốt nhất là Minh chủ chẳng nên nói thân phận ra làm gì.

Thiếu Bạch gật đầu :

- Nhị vị có lòng giúp như vậy, tại hạ cảm kích bất tận.

Quá cảm động vì chân tình của hai bạn, Thiếu Bạch dơm dớm nước mắt, vòng tay vái tạ. Hoàng Vĩnh, Cao Quang hoảng hốt, vội vàng hoàn lễ, nói :

- Nếu không có Minh chủ ra tay hòa giải thì hai anh em chúng tôi đều vong mạng rồi, còn đâu đến ngày hôm nay. Còn sống ngày nào chúng tôi xin mang hết sức kém cỏi làm việc cho Minh chủ.

- Nhị vị quá lời.

Nói xong chàng lấy tay chùi nước mắt chầm chậm bước ra đi.

Lúc bấy giờ mặt trời đã ngã non tây, ráng chiều rực đỏ cả chân trời, gió reo vi vừa trên những cành bạch dương lớn đứng âm thầm nghệu cao trong sân, cảnh chiều tuyệt đẹp nhưng vẫn không sao tẩy xóa đi được vẻ lạnh lẽo quạnh quẻ của ngôi miếu. Hoàng Vĩnh nhanh chân bước lên trước, đi thẳng tới đại điện.

Cửa đại điện đóng im lìm, hai cánh, cánh nào cánh nấy rộng hơn trượng, to tát.

Chỉ thấy lão Hương Hỏa đạo nhân đứng dựa vào một góc cửa, ngủ gà ngủ gật, tấm áo nâu sòng nhòa nhạt trong màu nắng chiều, cái liềm của lão tuệch dưới chân.

Hoàng Vĩnh đã biết lão là tay mang một thân tuyệt kỹ trên người nên không dám khinh thường, sấn tới vòng tay cung kính thưa :

- Lão tiền bối...

Hương Hỏa đạo nhân từ từ mở cặp mắt ra, nhìn Hoàng Vĩnh từ đầu tới chân hỏi cộc lốc :

- Có gì chỉ giáo?

Hoàng Vĩnh nói :

- Anh em chúng tôi nhân đi qua Nhạc Dương, từ lâu đã nghe đại danh của ngài trụ trì Quan vương miếu nên đặc biệt tới xin bái kiến để tỏ lòng ngưỡng mộ. Dám xin lão trượng thay mặt vào bẩm cho một tiếng.

Hương Hỏa đạo nhân hơi giật mình, nhưng rồi gượng cười đáp :

- Ba vị tới tiếc rằng không đúng lúc.

Cao Quang sốt ruột hỏi lại :

- Thế nào là không đúng lúc?

- Ngài trụ trì ba ngày trước đây đã ra đi rồi.

Hoàng Vĩnh cười làm thân hỏi :

- Lão trượng có biết ngài đi đâu không?

Hương Hỏa đạo nhân lắc đầu cười đáp :

- Miếu Quan vương này, khách thập phương không nhiều, ngài trụ trì của tệ miếu bên mình không có việc gì gấp, cho nên tùy hứng, tới chỗ nào thích cũng có thể nán lại chơi, hành tung như hạc nội mây ngàn, rất khó mà nói được ngài đi về đâu.

Cao Quang chen vào hỏi :

- Toàn Quan vương miếu này mái điện huy hoàng, nhà ngang dãy dọc kể không dưới trăm gian, thế cũng kể được là một tòa đại miếu, chẳng lẽ lại chỉ có một mình lão trượng thôi sao?

Hương Hỏa đạo nhân vươn vai, cười đáp :

- Cổ miếu già này vườn hoang cỏ mọc cao đã làm bạn với lão phu mấy mùa nóng lạnh rồi. Tuy cũng tĩnh mịch một chút đấy, nhưng cái phần tĩnh mịch này ở nhân gian ít có, ba vị khỏi cần cảm thương cho lão phu, dù rằng những ngày ngài trụ trì có mặt ở nhà, ngài cũng rất ít khi han hỏi.

Nói đến đây, lão thủng thẳng cúi xuống nhặt liềm, lạnh lùng tiếp lời :

- Ngày hôm nay lão phu nói chuyện như vậy là đã quá nhiều.

Nói xong lão liền quay đi.

Cao Quang nháy Thiếu Bạch nói :

- Lão già này coi bộ khó chịu quá.

Cao Quang nói oang oang cái miệng, hẳn là Hương Hỏa đạo nhân phải nghe thấy, nhưng lão cứ lờ đi, làm như chẳng nghe, cứ dấn bước.

Hoàng Vĩnh thình lình cao giọng nói :

- Chúng ta thử vào trong điện coi xem sao.

Chỉ thấy vị Hương Hỏa đạo nhân dừng ngay bước lại, hơi do dự một chốt, cuối cùng lại cất bước đi.

Cao Quang chận hữu thủ lên cánh cửa, hỏi :

- Có cần phải vào trong điện xem?

Thiếu Bạch ngăn :

- Không nên làm hỏng cửa người ta.

Cao Quang khẽ vận sức đẩy nhẹ, chẳng dè cánh cửa gỗ vẫn trơ ra, chẳng hề suy chuyển chút nào. Thấy vậy Cao Quang cau mày, Hoàng Vĩnh khẽ giọng nói :

- Bên ngoài không thấy khoen, chắc là bên trong phải có người cài then.

Cao Quang lẳng lặng dùng hai thành nội lực lại đẩy.

Vẫn chẳng ăn thua gì. Cao Quang nóng mặt lẩm bẩm :

- Lão gia này không tin đẩy không nổi mi.

Bèn vận ngay năm thành công lực đẩy. Cao Quang vốn luyện môn Đồng Tử Hỗn Nguyên khí công, mang toàn lực ra, cánh tay có sức mạnh ngàn cân, giờ đây dùng một nửa, vị chi cũng có năm trăm cân khí lực.

Chỉ nghe đánh rắc một tiếng, cánh cửa theo tay đẩy toác ra đổ sầm xuống đất. Thiếu Bạch hơi cau mày, nhẹ thở dài nói :

- Phá vỡ cửa điện trong miếu, rồi ăn làm sao, nói làm sao với người ta đây?

Cao Quang cười đáp :

- Minh chủ khỏi lo, đền họ một ít tiền là xong.

Cất bước xông đi đầu vào trong điện, Hoàng Vĩnh, Thiếu Bạch đành phải đi theo.

Những cửa trong đại điện đều đóng chặt, trong điện ánh sáng lờ mờ, bọn Thiếu Bạch tuy có mục lực hơn người, nhưng vừa ở ngoài sáng hốt nhiên bước vào chỗ tối cũng có chỗ nhìn không được rõ. Mơ hồ như có tiếng động rất nhẹ ở đâu đó, nhưng tiếng động này vụt tắt ngay. Thiếu Bạch nước tinh thâm nhất, tai mắt do đấy cực kỳ linh mẫn, tiếng động kia tuy thật nhỏ chàng vẫn nghe rõ mồn một, tựa hồ như tiếng bước chân người.

Trừng mắt nhìn, chỉ thấy một bức Quan vương thần tượng cao hơn một trượng ngồi ở chính giữa. Hai bên có Quan Bình, Châu Thương đứng hầu. Tượng Châu Thương hai tay đỡ cây Thanh Long Yểm Nguyệt đao, râu ngắn như mác, hai mắt tròn xoe, trông dáng điệu cực kỳ uy mãnh dễ sợ.

Trừ một cái bệ với ba bức tượng thần cao lớn ra, trong đại điện trống trơn, không còn vật gì khác.

Ráng chiều tắt lịm ở chân trời, hoàng hôn buông xuống, trong đại điện lại càng tối tăm u ám.

Hoàng Vĩnh khẽ giọng hỏi :

- Minh chủ có nghe thấy gì không?

- Hình như có tiếng bước chân người rất nhẹ.

Cao Quang nóng nảy xen lời :

- Cần biết đó là tiếng gì, lục soát trước là tức khắc biết!

Hoàng Vĩnh can :

- Người vật trong miếu này không thứ gì là không cổ quái, chúng ta không nên khinh suất.

Cao Quang rút đôi Phán Quan bút :

- Đệ lùng từ bên trái sang bên phải, Hoàng huynh từ bên phải sang, xin Minh chủ đứng ở giữa điện tiếp ứng cho hai mặt.

Dứt lời, không đợi Thiếu Bạch và Hoàng Vĩnh đồng ý, hắn hộc tốc chạy sang cánh trái. Hoàng Vĩnh rút trường kiếm nói :

- Xin Minh chủ bảo trọng mình vàng.

Nói xong hắn chạy sang bên mặt tìm.

Sau một hồi làm quen với bóng tối, Thiếu Bạch đã nhìn rõ cảnh vật trong đại điện, chợt thấy bên tường mé phải bức Quan vương thần tượng, bức tranh “Nguyệt hạ bàn thiên đồ” hơi lay động, bất giác chàng thót giật mình, nghĩ bụng :

- “Bức họa trên tường kia vì cớ gì lại di động? Hoàng Vĩnh nói không sai, trong miếu Quan vương này người hay vật gì cũng hết sức cổ quái”.

Chợt một ý nghĩ sáng lóe lên trong óc, chàng thầm nhủ :

- “Phải rồi! Chắc là bức Nguyệt hạ bàn thiên đồ (ngồi thiền dưới trăng) kia là một cái cửa hầm không chừng”.

Ý nghĩ ấy nhen lên, càng nghĩ càng thấy không sai chút nào, nhất là đem đối chiếu với tiếng động bước chân người nghe được hồi ban đầu, hợp tình hợp lý vô cùng. Đang chực cất bước đi đến coi lại xem sao, hốt nhiên nghe tiếng bước chân người rất nhẹ vang lên tự đằng sau lưng.

Thiếu Bạch ngầm vận chân khí, quay phắt người lại: Lão Hương Hỏa đạo nhân già nua! Không hiểu lão vào trong điện từ hồi nào!

Thiếu Bạch giật bắn người, nghĩ bụng :

- “Người này đến im như không, rõ ràng là tay cao thủ có một thân võ công thượng thừa!”

Hai con mắt sáng quắc của Hương Hỏa đạo nhân từ từ quét qua mặt Thiếu Bạch, lão cất giọng hạch hỏi :

- Mấy vị xông càn vào đại điện, phá vỡ cánh cửa, không hiểu toan tính gì?

Thiếu Bạch cười nhẹ đáp :

- Chúng tôi vào trong điện lạy thánh tượng đấy không phải là một hành động vượt lễ, phạm điều cấm kỵ, còn việc làm hư hại cửa, chúng tôi sẽ thường hẳn hòi.

Hương Hỏa đạo nhân thấy lời nói :

- Khách không nhận thấy lời nói của mình quá khinh bạc ư?

Thiếu Bạch đỏ mặt hỏi :

- Vậy theo ý lão trượng thì sao?

Đạo nhân đáp :

- Theo ý lão phu thì mấy vị đã đi xộc vào trong điện, phá cửa thì phải chịu xử theo quy luật bổn miếu.

Thiếu Bạch nghĩ bụng :

- “Lão nhân này kín miệng lắm, sợ cậy răng cũng không nói, đã đến nước này chỉ còn cách đối xử lỗ mãng với lão họa may ra biết được một đầu mối nào chăng?”

Đã quyết, sam sầm nét mặt, chàng gằn giọng nói :

- Nơi chùa chiền, chốn đình miếu có thánh tượng phải để cho khách thập phương tới chiêm bái, như thế cửa ngõ phải thường xuyên mở rộng, nay quý miếu cửa lúc nào cũng đóng im lìm, không cho ai vào thật lạ quá nhẽ!

Hương Hỏa đạo nhân đột nhiên buông tiếng cười lớn nói :

- Những quân lỗ mãng như ba vị lão phu đã thấy không phải là ít, và cửa đại điện kia không phải lần đầu tiên bị người xô gãy, chỉ có điều, những người ấy đều đã hân hạnh được bổn miếu trừng trị theo văn phép.

Hoàng Vĩnh ở đâu chen vào đỡ lời :

- Quý miếu có luật lệ gì? Xử những người xông vào đại điện cách nào? Bọn tại hạ rất muốn được nghe trước.

Thì ra, Hoàng Vĩnh Cao Quang tìm tòi cả hồi lâu vẫn không thấy gì, liền từ ở đằng sau bức thần tượng vòng ra.

Hương Hỏa đạo nhân cười nhạt nói :

- Ba vị chắc chưa trông thấy quan tài thì không khóc đâu nhỉ?

Đột nhiên quật ngang một chưởng sấm sét, chưởng phong réo lên ào ào vào tường dội ngược trở lại lạnh người. Thiếu Bạch nghĩ nhanh :

- “Công lực của người này thật ghê gớm...”

Hốt thấy tường vách hai bên cửa rần rần chạy đâu lại, bít kín lối ra vào điện, ánh sáng dù rằng yếu ớt tới đâu cũng tắt ngấm, trong điện tối đen như mực.

Hoàng Vĩnh vội vàng vũ lộng trường kiếm lao vút về phía lão Hương Hỏa đạo nhân đang đứng.

Chẳng dè trong nháy mắt công phu ấy, lão đã biến đi đâu mất tích. Trong điện tối om và yên lặng đến nghe cả tiếng thở, Thiếu Bạch khẽ giọng nói :

- Nhị vị huynh đệ không được chạy lộn xộn, đề phòng ám toán.

Cao Quang dùng song bút hộ trợ lấy ngực, hậm hực mắng :

- Thậm thà thậm thụt đánh lén thế đâu phải là tay anh hùng, có giỏi thì đao thương thử sức một trận cho biết, đừng chọc Cao tam lão gia các người. Lão gia điên tiết cho một mồi lửa thì rồi đời Quan vương miếu các ngươi.

Cao Quang chửi toáng lên cả một hồi lâu mà chẳng thấy đối phương trả lời. Hoàng Vĩnh bỗng lên tiếng can :

- Cao huynh, đừng chửi nữa, huynh to tiếng như thế chẳng khác gì báo cho kẻ địch biết vị trí chỗ chúng ta đứng, kẻ địch lại càng mừng.

Thiếu Bạch cũng nói :

- Đúng vậy, càng bị đẩy trong cảnh ngặt nghèo, hiểm ác, chúng ta lại càng cần phải thật bình tĩnh mới được.

Cao Quang nể Thiếu Bạch nên ríu rít nghe lời im bặt, Hoàng Vĩnh thì thầm :

- Trước tiên chúng ta hãy lui về một góc điện nấp rồi sau đó thong thả hẵng tính đường ra.

Thiếu Bạch cho là hữu lý, ba người tức thời đề tụ chân khí sẽ đi về góc phía đông điện, ngồi dựa lưng vào tường chờ đợi. Cái cách lấy tĩnh để đối phó với sự biến của ba người quả nhiên hiệu nghiệm, khoảng chừng công phu dùng xong một chén trà, căn điện âm u oang lên giọng nói lạnh lùng của Hương Hỏa đạo nhân :

- Hiện tại các vị chỉ có một con đường sống, bỏ binh khí chịu trói, lão phu dẫn đến gặp ngài trụ trì của bổn miếu, nếu không nghe, ỷ vào một chút bản lãnh xoàng xĩnh, liều mạng chống cự thì chớ trách lão phu tàn ác!

Thiếu Bạch nhắm chừng nơi phát xuất của tiếng nói, hình như là ở phía sau lưng thần tượng, tức thời chàng dùng thuật truyền âm bảo bạn :

- Xem chừng lão vẫn chưa biết chỗ chúng ta nấp, vậy kệ lão muốn nói gì thì nói.

Giọng nói lạnh lẽo lại vang lên đập vào tai :

- Được lắm, các người tính chơi trò cút bắt với lão phu đấy phải không? Chưa cho các ngươi thấy một chút lợi hại của lão phu thì các ngươi còn chưa kinh!

Thiếu Bạch bận này thì nghe cẩn thận lắm rồi, tiếng nói của đối phương đích thị là phát ra từ đằng sau bức tượng thần Quan vương cao lớn. Cao Quang ngưng tụ công lực, lăm lăm cặp Phán Quan bút dùng truyền âm thuật nói :

- Lão già trời đánh ấy núp ở đằng sau bức tượng thần, Minh chủ và Hoàng huynh lược trận để tại hạ thịt lão.

Thiếu Bạch nắm tay Cao Quang ngăn :

- Cao huynh không được liều lĩnh, đợi chút nữa xem sao.

Lại công phu ăn rồi một bữa cơm trôi qua, lão Hương Hỏa đạo nhân bặt tiếng, Thiếu Bạch và hai bạn đã thấy sốt ruột không chịu được rồi, hốt thấy hai con mắt của pho tượng thần Quan vương cao lớn tia ra hai luồng sáng rực, cái đầu to ngọ nguậy, quét tứ phía. Thiếu Bạch lạnh mình nghĩ bụng :

- “Thì ra trong đại điện này chỗ nào cũng ngầm đặt cơ quan, hai con mắt của pho Quan vương thần tượng phát được ra hai luồng sáng rực như đèn thì chắc hai pho tượng Quan Bình và Châu Thương cũng phải có chỗ hiệu dụng”.

Trong lúc Thiếu Bạch mãi nghĩ, cả chàng và hai bạn đã đã phơi ra trong luồng sáng. Một tràng cười đắc ý của Hương Hỏa đạo nhân lại vang lên :

- Rồi rồi, giờ phút này lão phu chỉ khẽ nhắc tay phát động cơ quan là trăm ngàn mũi tên tẩm độc sẽ theo khắp hướng bắn tới, vậy đây là cơ hội chót đấy nhé, không buông khí giới chịu trói định chết chắc?

Cao Quang đứng phắt dậy nói :

- Lão có giỏi hãy chường mặt ra đấu với Cao tam gia ba trăm chiêu nào.

Đứng ở địa thế bất lợi mình không trông thấy đối phương trong khi đối phương thấy rõ từng cử động của mình, Hoàng Vĩnh sợ Cao Quang quá nóng xông tới thì thế nào cũng nguy nên vội vàng ngăn :

- Cao huynh đừng lỗ mãng, chúng ta phải đợi nghe Minh chủ phát lệnh.

Thiếu Bạch ngầm ngưng tụ công lực, khẽ giọng nói :

- Chúng ta thiếu lịch duyệt, vừa rồi tuy chính mắt có thấy đối phương quật ngang một chưởng nhưng không để ý nhìn kỹ vị trí nút cơ quan, giờ đây bình tâm nhận xét đầu mối những nút cơ quan trong đại điện này hình như đều ở pho Quan vương thần tượng, tiếng nói của Hương Hỏa đạo nhân hình như cũng phát ra từ đấy, nếu tại hạ nghĩ không sai thì pho tượng cao lớn kia là pho tượng rỗng, đối phương ẩn ở trong.

Hoàng Vĩnh cũng nói :

- Huynh đệ cũng có ý nghĩ như Minh chủ.

Cao Quang bàn :

- Nếu như quả đúng nút cơ quan nằm trong bức tượng cao lớn kia chúng ta đợi gì mà không hợp lực phá hủy đi?

Thiếu Bạch đáp :

- Tình thế lúc này kẻ địch ở trong bóng tối còn ta ở ngoài sáng, nếu không phải bất đắc dĩ không nên vội xuất thủ.

Cao Quang bực tức nói :

- Chẳng lẽ cứ chờ phí thời gian với họ mãi thế này?

- Cao huynh bình tĩnh một chút đi, việc gì mà nóng thế. Minh chủ tự khắc sẽ định liệu. Đang nói chuyện, luồng ánh sáng dữ dội pha vào mặt ba người đột nhiên tắt phụt, trong đại điện tối thui dễ sợ.

Hoàng Vĩnh hấp tấp khẽ giọng nói :

- Minh chủ, Cao huynh, chúng ta mau dời chỗ đi.

Không đợi Hoàng Vĩnh phải giục, Thiếu Bạch và Cao Quang đã nhanh nhẹn tràn người sang bên. Thiếu Bạch nói :

- Xem điệu lão Hương Hỏa đạo nhân cũng không phải là nhân vật đầu não ở Quan vương miếu này đâu, chắc là lão đang xin chỉ thị, nếu lão quyết định được hẳn đã xuống tay hạ độc thủ rồi.

Cao Quang đột nhiên xen vào nói :

- Chờ đợi mất thời giờ như thế này không hay, đợi địch tấn công chi bằng mình ra tay tấn công trước, tại hạ có ngu kiến ấy, Minh chủ nghĩ sao?

- Thế cũng được nhưng hiện tại ta không rõ thế địch, xông đánh bừa không biết có thắng không, thôi, ráng chờ chút nữa xem có biết được gì thêm.

- Nhưng thế cũng không khác gì cho đối phương cơ hội điều động người tới.

Hoàng Vĩnh đỡ lời :

- Đúng như thế đấy, phương ngôn vẫn nói “muốn bắt người hãy bắn ngựa trước, bắt giặc phải bắt tên cầm đầu” nếu như lão Hương Hỏa đạo nhân không phải nhân vật đầu não chúng ta dẫu cho may mắn bắt được cũng ích lợi gì? Trong khi lại đập cỏ làm rắn hoảng, địch nhân thành ra có phòng bị.

Ba người bàn bạc với nhau toàn dùng thuật truyền âm để người ngoài khỏi hay biết. Đột nhiên một giọng nói lạnh lùng vang lên phá tan bầu không khí trầm tịch của căn điện u ám :

- Mấy chục năm rồi, chưa từng có một kẻ nào thoát ra khỏi gian điện này, bốn chung quanh tường toàn xây bằng thứ đá xanh cứng chắc. Chưa hết, chỗ nào cũng có cơ quan mai phục, tức thời mau mau buông khí giới, đi đến chính giữa điện đợi xử, họa may bảo toàn được tính mạng!

Cao Quang vốn nóng tính, nghe tức tối, không nhịn được nên lớn tiếng chửi :

- Đồ quân vô sỉ kia, nếu phải là nam nhi thì hãy ra đây. Cao tam gia không băm ngươi thành trăm mảnh thì không phải là con người nữa.

Giọng nói lạ hừ nhạt đỡ lời :

- Thân đã rơi vào tuyệt địa, chín phần chết không có lấy một phần sống, còn giở giọng hào khí, làm như là tay anh hùng dữ.

Lần này Thiếu Bạch và Hoàng Vĩnh không ngăn cản, để mặc Cao Quang nói để xem giọng nói đối phương xuất phát ở đâu. Cao Quang lại oang oang cái miệng :

- Ai mượn nhà ngươi khen! Đại trượng phu nam hán tử, chết mà sợ gì?

Hốt nghe một giọng nói thanh tao đỡ lời :

- Con người ta ai cũng chỉ có thể một lần chết, thái độ của các hạ coi như không thật đáng bội phục, có điều nó không có giá trị nào cả.

Cao Quang ngỡ ngàng cả hồi lâu, không sao lên tiếng đáp được. Chàng không thể ngờ trong gian đại điện u ám này lại còn có nữ nhân. Thiếu Bạch và Hoàng Vĩnh cũng ngạc nhiên không kém. Ngôi Quan vương miếu quả nhiên người và vật gì cũng đều cổ quái, khoát lên một vẻ thần bí. Cao Quang im lặng hồi lâu, ngửa miệng lớn tiếng hỏi :

- Bà là ai?

Trong gian đại điện tối om tức thời rộn lên tiếng cười vang vọng mãi, tưởng như bất tuyệt. Mãi mới nghe có tiếng nói :

- Ta là nhân vật chủ não mà quý vị muốn gặp đây. Khi chư vị mới đặt chân vào Quan vương miếu ta đã thấy chư vị rồi.

Cao Quang nói :

- Khi chúng tôi bước vào trong miếu không hề trông thấy một người đàn bà con gái.

- Ta rành nghề cải trang, đội hàng trăm ngàn lốt, chư vị làm sao mà nhìn ra?

Cao Quang nghe biết đối phương là một cô gái. Lời ăn tiếng nói dịu dàng, cơn giận bay hết, ôn tồn hỏi :

- Chúng ta bình sinh chưa hề quen biết nhau, nói chi đến chuyện thù oán, tất không có rồi. Cô nương giam chúng tôi trong ngôi đại điện này làm gì?

Thiếu Bạch khẽ bảo Hoàng Vĩnh :

- Lạ quá! Theo tại hạ nhớ rõ, vị trụ trì tòa miếu này đâu phải là một nữ nhân!

- Thời thế biến đổi vô chừng, trên chốn giang hồ thiếu gì những bậc kỳ nữ. Vị cô nương đây có lãnh chức vị chủ trì cũng không phải chuyện đáng lạ.

Cô gái trong bóng tối đáp :

- Tất nhiên là phải có lý do, cứ theo con mắt ta xét đoán, ba vị đều là những nhân vật mới ra khỏi lều tranh, mà vị nào cũng đều có một thân võ công không tệ.

Cao Quang hỏi :

- Biết võ thì can hệ gì tới cô nương mà cô nương giam chúng tôi trong đại điện?

Thiếu nữ cười dòn đỏng đảnh đáp :

- Tất nhiên phải có can hệ...

Ngừng giây lát nàng tiếp :

- Ba vị mới bước chân vào giang hồ, không quen mấy người, chính hợp với điều kiện của chúng tôi.

- Điều kiện gì?

- Ta muốn thâu nạp ba vị vào môn hạ Quan vương miếu, không hiểu ba vị nghĩ sao?

- Cô nương sớm bỏ cái ý nghĩ ấy đi, Cao mỗ đường đường là thân nam nhi, vai năm tấc rộng thân mười thước cao...

- Hàng môn hạ đệ tử ở Quan vương miếu ta ai mà không vai năm tấc rộng, thân mười thước cao, đường đường nam nhi, đâu phải chỉ có ba vị mới vậy? Hà huống chư vị đã bị hãm vào tuyệt địa, không vào Quan vương môn không xong vì tội biết quá nhiều bí mật, ta không thể thả ba vị được.

- Vị tất đã đến nỗi thế, nếu như đàng hoàng mà đánh nhau, ba người bọn tại hạ dám chắc không thua bọn cô nương.

Cô gái bí mật lạnh lùng đáp :

- Được! Ngông nghênh lắm, đã không nghe lời ta khuyên, ta xin vô phép vậy, cho nếm thử một chút lợi hại, chư vị van cầu ta cũng vậy.

Nói đến đây, tiếng nói im bặt, thiếu nữ như thể đã bỏ đi rồi, nói với người khác ích gì? Dẫu sao người khác cũng không sao quyết định được.

Trong lúc nghĩ ngợi, bỗng sực nhớ giọng nói ấy như thể đã được nghe ở đâu rồi, chỉ có điều nhất thời không thể xác định ngay được. Thiếu Bạch và Hoàng Vĩnh lúc đó bỗng vùng đứng dậy, cẩn thận nhẹ bước rón rén đi tới. Cao Quang dẫu sao cũng có chút tế nhị, thấy hai bạn cử động, biết ngay hai người đã xác định được vị trí chỗ tiếng nói phát xuất nên chực xuất thủ đây, nên cố ý nói thật to :

- Lão gia bảo cho mà biết, nếu không mau mau mở rộng cửa điện cho chúng ông ra, ông cho một mồi lửa là Quan gì chớ Quan giời cũng tan tành, hòn ngói cũng đừng mong còn.

Thiếu Bạch và Hoàng Vĩnh thừa cơ, thật nhanh sấn tới trước mặt pho tượng thần. Hoàng Vĩnh đưa tay sẽ rờ thấy cứng và lạnh toát, biết ngay pho Quan vương miếu thần tượng đúc bằng sắt, bất giác cau mày dùng phép truyền âm nhập mật hỏi Thiếu Bạch :

- Minh chủ, không xong rồi, nó bằng sắt, giờ tính sao đây?

- Để đẩy thử xem.

Đáp rồi, Thiếu Bạch ngầm ngưng tụ công lực, bất thình lình dùng hết cả mười hai thành, song thủ chận vào pho tượng, xô mạnh. Quả nhiên nội lực của Thiếu Bạch mạnh kinh người, pho tượng rung rinh, những tiếng ầm ầm liên hồi chuyện động nghe đinh tai.

Thiếu Bạch và Hoàng Vĩnh bàng hoàng, còn đang cố nghe xem sao, bỗng ánh sáng lóe lên từ cặp mắt pho tượng thần tia ra cùng lúc với làn hương thơm quyện bay từ miệng Quan vương. Sực biết đã không còn kịp, hai chàng thanh niên võ dũng đành chịu sa cơ.