Chương 2: Câu Chuyện Lúc Nửa Đêm

Rời phòng ngủ, ông Sơn đi tới kệ sách ngoài phòng đọc bên cửa sổ, ông tìm kiếm dưới ngăn tủ, lấy ra cuốn sổ tay cũ màu nâu đen. Nhẹ nhàng lật từng trang giấy đã ngả màu, ông chăm chú đọc lại các đoạn thông tin mà mình đã ghi lại. Trước khi tất cả tài liệu về đề tài Chiếc Nỏ Thần bị đưa vào kho lưu trữ của Sở, ông đã tranh thủ sao chép lại những hình vẽ cổ quái vào cuốn sổ tay, những cổ họa mà Hải đã dùng thân thể để bảo vệ chúng.

Ông Sơn đang ngồi trầm ngâm nhìn lên cuốn sổ, đột nhiên một bóng đen lướt qua ô cửa, cái dáng người gầy gò, đầu tóc hơi bù xù làm ông liên tưởng đến mấy gã nghiện, hay vào nhà dân ăn cắp vặt. Ông Sơn cầm cây chổi tiến ra phía cửa sổ khẽ mở cánh cửa ra. Tuổi tác ông Sơn không còn trẻ, nhưng xử lý mấy thằng nghiện ốm yếu thì vẫn còn dư sức.

Quả nhiên một lúc sau, bóng đen lại xuất hiện từ phía sau nhà trở lại, có điều thái độ dửng dưng của hắn làm ông Sơn có chút do dự có nên giáng cho hắn một chổi vào đầu hay không. Suy nghĩ một lúc ông quyết định lên tiếng trước

" Đứa nào lảng vảng ở ngoài đấy thế?"

Bóng đen giật mình, đáp lý nhí:

"Ôi! Bác.. cháu, là cháu Minh đây mà. Bác chưa ngủ ạ?"

Nghe trong câu nói có sự giật mình chứ không có tia sợ hãi, ông Sơn cũng ngờ ngợ ra người đó không phải trộm vặt, mà là một trong số những sinh viên trong xóm trọ kế bên ngôi nhà của mình. Ông hạ bớt sự nghi hoặc nói:

" Sao giờ này còn chưa ngủ, đầu tóc bù xù làm bác cứ tưởng thằng nghiện nào mò vào nhà bác ăn trộm."

Bước nhẹ lại phía ánh sáng, bóng đen hiện ra trước mặt là một thanh niên hơi gầy, da mặt xanh tái, đầu tóc quả thật hơi bù xù, giống như ba tháng chưa đi hớt tóc mà cũng không chải đầu trông khác gì tổ quạ. Minh cười khổ:

" Dạ cháu có muốn thế đâu, chẳng là hồi tối ăn uống linh tinh nên bị tào tháo đuổi. Nửa đêm phải mò ra sau ba bốn lần mà chưa đỡ."

Nhà ông Sơn nằm ở sâu trong ngõ, rộng rãi, thoáng mát có sân trước vườn sau yên tĩnh. Nhà cửa như vậy ở trong thành phố cũng coi như yên ấm. Có điều sau khi vợ ông Sơn mất, ngôi nhà bỗng trở nên vắng vẻ thiếu tiếng người, hai người con ông đều đi làm xa. Đứa con trai là anh Hào đang đi du học ở bên Úc, sang năm mới trở về. Còn đứa con gái, chị Hiền thì đã lấy chồng sinh con và ở luôn nhà bên đấy. Cuối tuần mới dắt cháu về thăm ông ngoại. Cho nên hai năm trước, ông dùng hai khoảng đất rộng phía trước xây một dãy trọ cho sinh viên, vừa có đồng ra đồng vào, nhưng cái chính có thêm người qua lại cũng đỡ buồn.

Minh là một trong số những người thuê phòng, sống khép kín ít rời khỏi phòng, Cuộc sống sinh viên không mấy dễ dàng, nhất là đối với người dân tộc như Minh. Đi làm thêm cũng lo được đôi ba bữa, nhưng ở thành phố đắt đỏ chưa thể sống thoải mái. Ăn uống linh tinh bị tào tháo đuổi, đối với sinh viên mà nói không quá xa lạ. Trong trường hợp bị tiêu chảy vào nửa đêm, mất giấc ngủ đúng là chuyện không may. Ông Sơn nói:

" Thế đã đỡ chưa? Nếu chưa thì vào đây, Nhà bác còn mấy viên thuốc tây đấy."

Đang đuối sức vì bị cơn tiêu chảy hành hạ, Minh đáp ngay.

''Vậy cháu cảm ơn bác."

Đèn Phòng khách bật sáng, thường ngày ông Sơn đi làm từ sớm đến tối mới về. Minh lại thường xuyên nhốt mình trong phòng cũng chưa có dịp vào nhà bác chủ bao giờ. Thường mỗi tháng đóng tiền phòng, hay có vấn đề phát sinh, cô hàng xóm sẽ chạy sang giải quyết. Nên đây là lần đầu tiên cậu vào nhà ông Sơn. Căn nhà rộng rãi bài trí đơn giản, nội thất đều làm từ đồ gỗ gia dụng màu nâu đen, kể cả bộ ấm chén uống nước cũng được làm từ gỗ. Căn nhà ba tầng rộng rãi mà ông Sơn chỉ sống một mình, chẳng biết nên buồn hay vui.

Ông Sơn đi vào nhà bếp lục tìm trong tủ thuốc hồi lâu, tay cầm mấy vỉ thuốc tây, ánh mắt nheo lại cố gắng đọc tên mấy loại thuốc nhưng loại thuốc berberin chữa đau bụng đã không còn viên nào.

" Thôi chết! Vỉ thuốc hết mất rồi."

Minh mải ngắm nhìn phòng khách, nghe bác nói vậy thì đáp vọng vào.

" Không sao đâu bác ạ."

Ông Sơn cất mấy vỉ thuốc vào tủ, ngoái đầu nhìn sang chạn bếp rồi nói với Minh.

" Không có thuốc Tây thì dùng mẹo cũng được. Mày vào đây nấu cốc nước gừng nóng uống vào cho ấm. Chứ bụng dạ đang yếu, nếu để bụng bị lạnh thì khó nhịn lắm."

Minh đi chân trần vào trong bếp, ngơ ngác nhìn xung quanh. Cậu cười ngượng ngùng với ông Sơn.

" Ngại quá, bác cho cháu dùng bếp mộ lúc nhé."

Ông Sơn cười xuề xòa.

" Ôi cái thằng này! mày ngại cái gì... cứ dùng tự nhiên đi. Nếu thấy ngại thì tiện tay nấu luôn tô mỳ cho bác."

" Dạ Vâng!"

Dặn dò Minh vài câu, Ông Sơn sang phòng đọc sách, tiếp tục đọc quyển sổ ghi chép cũ. Những hình vẽ kỳ lạ trên đó có ý nghĩ như thế nào? Vì sao người bạn cũ của ông sau bao nhiêu năm qua đi, hôm nay mới hiện về gặp ông. Không phải thời điểm nào khác mà vào đúng thời gian ông đã sắp về hưu. Hàng loại nghi vấn hiện lên trong đầu, ông Sơn nhất thời chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng.

Công tác trong sở văn hóa đã lâu, ông Sơn tin theo chủ nghĩa duy vật nhưng cũng không bác bỏ chủ nghĩa duy tâm. Theo ông, tâm linh chưa chắc đã là chuyện hư cấu, nó rât có thể thuộc một thứ khoa học huyền bí nào đó tồn tại trong thế giới loài người từ rất lâu. Nhưng loài người chưa tìm thấy những bằng chứng cụ thể, hoặc chưa đủ để khả năng chứng minh những yếu tố tâm linh có tồn tại.

Hai giấc ngủ đều mơ cùng một giấc mơ, có thể xem như một dấu hiệu không bình thường. Nếu nói ông Sơn bị ám ảnh bởi cái chết của Hải nên mới xảy ra chuyện này vậy thì tại sao chỉ có tối nay mới hiện về. Nếu nói theo lối dân gian, Hải báo mộng cho ông vào tối nay, có thể muốn nói với ông vào thời điểm này nhất định có sự việc, một vật nào đó liên quan đến đề tài bị bỏ quên. Nó báo trước một tai nạn hoặc một manh mối nào đó dẫn lối cho ông vén bức màn bí mật, mà lẽ ra nó phải được mở ra từ chục năm về trước.

Nghĩ nhiều chưa chắc đã hiệu quả bằng hành động.

Ông Sơn xắn tay áo, kéo ngăn bàn lôi ra xấp giấy A4, một cây cọ và lọ mực tàu. Nhẹ nhàng chấm bút lông vào lọ mực, ông Sơn nhắm mắt dưỡng thần, hít một hơi thật sâu. Sau đó, ông bắt đầu vẽ lại những hình trên cuốn sổ ghi chép, đây là cách ông Sơn thường làm để chú tâm vào công việc.

Bút pháp ông Sơn không phải tuyệt mỹ, mỗi nét không phải rồng bay phượng múa như bậc quân vương thời cổ, nhưng đảm bảo nét nào ra nét đấy. Ông biết điều tiết bút lực, chỗ nào đậm chỗ nào chỉ cần lướt qua. Cứ như vậy, từng hình vẽ lần lượt được ông phóng to trên khổ giấy. Ông treo chúng lên trên tường tự nhủ: Khi để chúng gần nhau biết đâu sẽ phát hiện ra manh mối thú vị. Chỉ tiếc số lượng hình vẽ còn rất ít, thêm nữa ông chưa biết thứ tự, vị trí sắp xếp các hình vẽ, cho nên việc tìm ẩn ý đằng sau vô cùng khó khăn.

" Cốc .. Cốc" Tiếng gõ cửa vang lên.

" Bác ơi, cháu nấu xong rồi đấy ạ, bác ra ăn cho nóng."

Minh đẩy nhẹ cánh cửa phòng, mang theo tô mỳ còn đang nghi ngút. Sự xuất hiện của Minh làm ông Sơn ngưng dòng suy nghĩ, ông trở lại bàn uống nước nhìn tô mỳ nóng hổi rồi nhìn Minh, ông gật đầu với vẻ hài lòng. Tuy Minh ăn mặc luộm thuộm, nhưng làm việc khá chu đáo, tô mỳ có trứng rau thơm kèm theo, vậy mà ông cứ nghĩ sẽ được ăn mỳ chay cơ đấy.

"Trông hấp dẫn đấy." Ông Sơn tán thưởng, lập tức động đũa, có thực mới vực được đạo, hồi ông làm việc ở khu di tích ngoài trời, nhiều lúc bế tắc, ăn cơm hộp và làm chai nước, tinh thần thoải mái mới dễ tìm ra bí ẩn.

Minh ngoái đầu nhìn những hình vẽ kỳ lạ treo trên bức tường, không khỏi cảm thấy tò mò, cậu hỏi ông Sơn:

" Bác viết cả thư pháp cơ ạ? Nhưng cháu tưởng vẽ thư pháp phải dùng giấy đỏ chứ?"

Ông Sơn nuốt xuống một hơi, thở dài một cách đầy sảng khoái:

" Đó không phải là thư pháp đâu! Nếu là thư pháp thì cháu thử đọc được chữ nào trên đấy không?

Minh nhìn ngang nhìn dọc một hồi, lắc đầu nói:

" Nhiều nét như thế chắc là chữ Hán, Nôm hay hình vẽ nào đó.."

Ngừng một lúc Minh nhún vai tỏ ý không đoán ra được.

"Đó là gì vậy bác?"

Ông Sơn chép miệng:

" Bác cũng đang tìm hiểu nó là gì đây. Có thể là văn tự cổ hay hoa văn của thời kỳ nào đó trong lịch sử nước Việt Cổ. Bác làm ở Sở Văn Hóa đã lâu nhưng chưa thấy hoa văn nào như vậy từng xuất hiện."

Tìm hiểu về văn tự cổ? Nghe qua thôi đã làm Minh thấy hứng thú vô cùng, hồi nhỏ cậu hay đọc truyện tranh, tiểu thuyết viễn tưởng. Nghe thấy văn tự cổ có thể phong ấn ma quỷ, hoặc một thứ sức mạnh siêu nhiên có thể hủy diệt thế giới. Càng lớn lên càng thấy nó chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng khó có thể xảy ra ngoài đời thực. Nhưng những văn tự cổ vẫn là một thứ rất kỳ thú vậy nên Minh hỏi tiếp:

" Văn tự cổ liệu có thể phong ấn năng lượng hay mở cánh cổng đến một thế giới khác không Bác? Giống như trên phim viễn tưởng ấy."

Ông Sơn phì cười:

" Tất nhiên là không thể rồi, trên phim ảnh người ta làm nó thú vị để tăng sự hấp dẫn cho phim. Thực tế văn tự, hay chữ viết được tạo ra nhằm mục đích để truyền đạt thông tin từ người này sang người khác hoặc từ thời đại này sang thời đại khác. Đến nay thì bác cũng chưa tìm thấy hay đọc qua tài liệu nào nhắc đến chữ viết có thể tích trữ năng lượng cả."

Ông cũng bổ sung thêm:

"Những sự việc mà họ ghi lại cho thấy thế giới ngày xưa rất huyền bí, mà đến ngày nay nhiều nhà khoa học cũng không hiểu vì sao họ lại làm được Kim tự tháp, vạn lý trường thành hay các lăng mộ ở Cam-Pu-Chia đã tồn tại được hàng ngàn năm. Nước Việt Cổ cũng không ngoại lệ, thậm chí còn chứa đựng nhiều điều huyền bí hơn rất nhiều."

Minh ngồi xuống trầm trồ không ngớt, cậu rất hứng thú với câu chuyện huyền bí của ông Sơn vừa gợi lên.

" Nếu như vậy thì những hình vẽ kỳ lạ trên tường kia cũng truyền đạt lại điều gì đó ...Bác đã tìm hiểu được nhiều chưa?"

Ông Sơn lắc đầu.

"Bác cũng chưa giải mã được nhiều, chỉ biết nó có liên quan đến đề tài Chiếc nỏ thần, một đề tài duy nhất mà Bác từ bỏ trong suốt thời gian công tác tại sở văn hóa"

Nghe thấy Chiếc Nỏ Thần, một vũ khí trong truyền thuyết mà An Dương Vương đánh tan hàng ngàn quân Triệu Đà. Đấy chính là một thần vật được lưu truyền trong dân gian, tất nhiên chỉ là truyền thuyết, mà truyền thuyết thường được hư cấu rất nhiều lần. Minh lại cảm thấy vô cùng hào hứng khi nghe tin ông Sơn tìm hiểu những điều thần bí.

"Chiếc Nỏ Thần? Bác kể cho cháu nghe với...Cháu thích mấy chuyện lịch sử không có trong sách lắm."

Bỏ cặp kính lão đút vào túi áo trước ngực, Ông Sơn thấy vẻ mặt chờ mong của Minh, cũng vui mừng vì người đã qua tuổi thiếu nhi như Minh vẫn có còn thích nghe truyện xưa, tích cũ.

" Vậy chắc cháu cũng từng nghe về truyền thuyết về An Dương Vương, Nỏ Thần, Mỵ Châu, Trọng Thủy...Truyền thuyết là một câu truyện được người xưa truyền đạt bằng miệng từ đời này qua đời khác. Nghe thì có vẻ huyền bí kỳ ảo, nhân vật được nhắc tới đều được lý tưởng hóa, có sức mạnh siêu nhiên tiếp cận với bậc thần thánh. Nhưng nếu cháu để ý những nhân vật trong tích này đều không có sức mạnh phi thường, những diễn biến lịch sử đều xoay quanh chiếc nỏ thần."

" Nỏ Thần trong tích kể về An Dương Vương là một vấn đề gây nhiều tranh cãi cho các nhà sử học. Dù đã mổ xẻ vấn đề từ nhiều khía cạnh, đưa ra nhiều giả thuyết, thậm chí xây dựng mô hình phục chế, nhưng tất cả đều không có bằng chứng cụ thể để chứng minh Nỏ Thần tồn tại. Còn tác phẩm phục chế Nỏ Thần cũng không thể thuyết phục được mọi người tin rằng nó có thể đánh bại cả ngàn quân Triệu Đà. Bao nhiêu năm tìm hiểu, sự thật về Nỏ Thần vẫn còn chìm trong màn sương mờ."

"Truyền thuyết có tính giải trí, nhưng tính xác thực của các sự kiện và nhân vật không cao. Nói như vậy không đồng nghĩa truyền thuyết đó không có thực... Nó có thực nhưng ở một hoàn cảnh khác, có bằng chứng hay dẫn chứng cụ thể có thể thuyết phục mọi người."

Châm một điếu thuốc lá, ông Sơn bắt đầu kể:

"Mười sáu năm trước, trong một đợt khảo sát thực địa có đi ngang qua Ba Vì, dạo ấy trời mưa to, đường ngập nước rất khó đi lại. Nhóm khảo sát phải đi đường vòng mới có thể đến nơi. Trên đường băng qua rừng núi, Bác cùng vài người bạn đã tình cờ phát hiện ra được một vật kỳ lạ. Lớp đất bị nước mưa rửa trôi làm lộ ra một viên đá hình móng rùa. Trên đấy có những hoa văn cổ xưa do con người tạo ra chứ không phải do thiên nhiên tác động. Điều đáng chú ý là các hoa văn trên hòn đá còn nguyên vẹn."

" Mấy Hôm sau khi trời đã hết mưa, Mọi người quay lại nơi đó đi ngược lên phía trên núi tìm kiếm xung quanh khu vực tìm thấy viên đá kỳ lạ, sau nửa ngày mò mẫm trong rừng núi, chúng ta đã tìm thấy một di tích cổ ẩn mình sau một trong một hang đá. Những hình vẽ kỳ lạ trong khu di tích cổ mô tả câu chuyện vị thần ánh sáng dùng nỏ thần đánh bại lũ ác quỷ. Câu chuyện có nhiều nét tương đồng với truyền thuyết An Dương Vương. Đó có thể sẽ là một đề tài đáng giá nhất những năm 90.

Thật không may, trong quá trình khai quật, ghi chép thông tin, đột nhiên di tích bị sập, mọi tư liệu đã bị phá hủy hoàn toàn không cách nào khôi phục. Một người bạn của bác cũng mất trong vụ tai nạn đó. Không còn tư liệu bác cùng hai người còn lại đành phải đóng hồ sơ. Đề tài về chiếc nỏ thần cũng khép lại"

Ông Sơn kể đến đấy lại thở dài. Ánh mắt xa xăm dưới ánh đèn vàng lúc ẩn lúc hiện. Việc đã xảy ra rất lâu, nhưng hình ảnh về vụ tai nạn vẫn còn hằn sâu trong ký ức của ông. Đêm đã muộn mà dường như ông chưa muốn đi ngủ, mỗi khi nhắm mắt lại, những hình ảnh kỳ quái lại hiện ra khiến ông không được yên giấc.

"Tại sao lại gọi là đề án Chiếc Nỏ Thần. Không lẽ chỉ vì hòn đá hình móng rùa có khắc hoa văn thôi ạ?"

" Hỏi hay lắm!... Tên đề án do người bạn quá cố của bác đã đặt ra, còn vì sao lại chọn tên Chiếc Nỏ Thần. Người đó chỉ nói rằng phát hiện lần này sẽ làm hàng nghìn người phải choáng váng giống như uy lực của Nỏ Thần khiến hàng vạn quân Triệu Đà phải run sợ vậy. Những hình vẽ trong khu di chỉ đó cũng ám chỉ đến Chiếc Nỏ Thần, vậy nên bác thấy cái tên đó hoàn toàn hợp lý."

Nghe Bác Sơn kể truyện quả thật đã khơi dậy tính tò mò, nhìn những hình vẽ treo trên tường có liên quan đến Nỏ Thần, Minh càng cảm thấy phấn khích.

" Vậy lần sắp tới, đề tài của bác là Chiếc Nỏ Thần?"

Trong lòng đang mang nhiều tâm sự, Ông Sơn cũng không ngại chia sẻ với Minh:

"Bác về hưu rồi. Nhàn rỗi nên muốn tìm hiểu lại đề tài đã bỏ quên , nếu giải mã được thì đời này coi như chẳng còn gì phải tiếc nuối cả."

Minh hớn hở ra mặt

" Vậy là bác tiếp tục làm đề tài về Chiếc Nỏ Thần? Cho cháu đi theo học hỏi được không?"

Ông Sơn gật đầu chỉ tay lên bàn làm việc và những hình vẽ treo trên tường. Hai người đi tới bàn dưới ánh đèn mờ, những hình vẽ kỳ lạ Ông Sơn đã vẽ lại cho thật sắc nét có tổng cộng 8 tờ giấy mang hình vẽ khác nhau. Minh nhìn chăm chú vẻ hứng thú rồi nhanh chóng khó hiểu độ mười lăm phút sau bắt đầu chán nản vì cậu không hiểu gì hết.

" Đây là những ký hiệu trong sổ tay người bạn quá cố của Bác ghi lại những gì đã thấy ở trong di tích cổ, nhưng Bác tra cứu mấy ngôn ngữ cổ vẫn chưa tìm được một chút liên hệ nào?"

"Có thể nó không phải là chữ viết, mà là hình vẽ, hay hoa văn thì sao?"

"Cũng có khả năng như vậy, Thời cổ người ta dùng hình vẽ để truyền đạt cho người khác những hình vẽ tượng trưng cho sự vật là ngôn ngữ truyền đạt ngoài cách truyền miệng. Ngày nay vẫn còn nhiều nước sử dụng chữ tượng hình, tuy đã qua giản lược nhưng vẫn là kế thừa văn hóa từ ngàn đời, vô cùng đáng quý. Nếu chúng là hình vẽ tượng hình, vậy thì khó khăn rồi đây."

Minh đưa tay sờ lên cằm, làm ra bộ dạng suy tư, lần đầu tiên tiếp xúc với một loại ngôn ngữ cổ đại, sự thực không phải như trong các bộ phim truyền hình hay tiểu thuyết nào đó. Cách nhìn nhận vấn đề của Minh có phần nghiêm túc.

"Trong lịch sử nước ta không ít lần bị giặc Bắc xâm chiếm có khi tài liệu tra cứu, cũng không còn ở trong nước."

Ông Sơn mỉm cười, có người trao đổi quả nhiên vẫn hay hơn là một mình làm việc cho dù trước mặt không phải dân trong nghề. Ông vẫn cảm thấy thoải mái khi đưa ra trao đổi vấn đề với Minh.

.

"Đúng như vậy. Nhưng một người như Cao Lỗ chế tạo ra Nỏ Thần, lại gặp lúc nước nhà bị lâm nguy, đương nhiên đã suy tính đến việc cất giữ tài liệu một cách bí mật. Vừa che mắt kẻ địch đồng thời không muốn thứ vũ khí lợi hại rơi vào tay người xấu."

"Vậy chắc hẳn Cao Lỗ đã dấu nó rất kỹ, mấy nghìn năm vẫn không có người tìm ra."

Ông Sơn gật đầu.

"Hãy cùng nghĩ xem... theo truyền thuyết, Trọng Thủy không trộm đi nỏ thần mà chỉ đổi phần lẫy để Nỏ Thần không phát ra được uy lực. Đảo lại vấn đề, nếu mang nỏ thần đi, chẳng phải Triệu Đà sẽ có nỏ thần sao? Khi đó đừng nói là một thành Cổ Loa cho dù cả Trung Hoa rộng lớn Triệu Đà cũng có thể nắm được.

Ông Sơn bắt đầu nhập tâm nói ra một loạt các suy đoán

"Theo văn hóa tâm linh, có thể phải có thần chú hay một nghi thức nào đó mới dùng được thần vật. Nhưng nhìn theo góc độ khoa học ta lại có một kết quả khác.Ta có thể dùng một vài giả thuyết để suy đoán sự việc xảy ra sự việc như sau:

Sắc mặt ông Sơn hiện rõ sự tự tin, chưa cần biết nội dung ra sao, Minh đã hoàn toàn bị thuyết phục trước phong thái dẫn dắt vấn đề của cán bộ lâu năm.

. "Giả thuyết thứ nhất, kích thước và trọng lượng của Nỏ Thần rất lớn khiến Trọng Thủy không mang ra khỏi thành Cổ Loa. Nhưng một vật to và nặng từng tồn tại như vậy, sao đến nay lại biến mất không có chút dấu vết. Kể cả lịch sử các nước lân cận cũng chưa từng thấy một vũ khí uy lực như vậy từng xuất hiện. Giả thuyết thứ hai có vẻ hợp lý hơn, Nỏ Thần có một kết cấu thiết kế phức tạp do Cao Lỗ chế tạo, cách sử dụng Nỏ Thần ngoài ông ra, chỉ có An Duy Vương mới biết được. Trọng Thủy không lấy được và không biết cách sử dụng nên mới tìm cách phá hoại Nỏ Thần không để lại bất cứ thứ gì."

"Qua một số tài liệu không chính thức, Bác nghĩ ra có vài tình huống có thể suy diễn sự việc phát sinh. Sau lần tấn công thứ hai của Triệu đà, nỏ Thần bị phá hỏng, Cao Lỗ mang theo bí mật về chế tạo Nỏ Thần chạy lên phía bắc đến vùng núi Cao Lạng rồi biến mất từ đây. Mặt khác, An Duy Vương lúc tháo chạy đã mang bản thiết kế Nỏ Thần ra Nam hải và cất dấu ở một nơi nào đó ngoài biển kia. Cũng có thể một người cất bản thiết kế, một người cất dấu cách sử dụng Nỏ Thần. Như vậy thì sự biến mất của Nỏ Thần cũng có thể được lý giải theo hai hướng này"

Nghe những giả thuyết thật ly kỳ, Trong Lòng Minh lại cảm thấy phấn khích vô cùng, nhớ đến một việc bèn nói cho ông Sơn.

"Cháu từng đọc qua một dữ kiện lịch sử, Mạc Đăng Dung cũng từng chạy lên Cao Bằng lánh nạn khi đất nước có nội chiến. Liệu có thể có liên quan đến việc này không?"

" Mạc Đăng Dung nhân vật thời hậu Lê, Có quan hệ huyết thống với Mạc Đĩnh Chi một nhân vật truyền kỳ trong sử việt nhờ tài và trí hơn người, Cũng có thể không phải trùng hợp mà Mạc Thái Thổ lại chạy lên khu vực toàn đồi núi như Cao Bằng"

Trong đầu của Minh nhảy số thật nhanh, cậu nói tiếp:

" Quê cháu ở Cao Bằng có một địa phương tên là " Pò Tấu" trong đó chữ " Pò" có nghĩa là "đống" còn Tấu là tấu chương, nghe các cụ kể lại khi Mạc Đăng Dung chạy lên lánh nạn dùng lại tại đây, Những văn kiện tấu chương được chất thành một đống ở đây nên mới có tên gọi "Pò Tấu".

Ông Sơn hít một hơi, cảm thấy tinh thần phấn chấn, lập tức vỗ tay tán thưởng. Nửa đêm lại có một thông tin tốt. Văn kiện thời nhà Mạc quả thật có rất ít, nếu thực sự có một địa phương như vậy tồn tại chưa biết chừng có thể mang lại một lượng lớn tài liệu cổ.

"Cao Bằng có rất nhiều núi đá vôi, do khí hậu gió mùa nên các hang động được hình thành rất nhiều. Quả là một nơi cất giấu lý tưởng... Hay ... hay lắm."

Đối thoại với ông Sơn một hồi, Minh cũng hiểu ra vấn đề, cậu rất vui mừng vì một sự tích cũ mà cậu nghe được từ các cụ lại có ích vào lúc này. Ông Sơn rất hài lòng, háo hức lên kế hoạch đi Cao Bằng một chuyến. Hy vọng tìm được tài liệu cổ còn sót lại, tuy xác suất không cao nhưng ông vẫn sẽ thử tìm kiếm.

Trời đã lờ mờ sáng, Minh ngáp ngắn ngáp dài, xin phép trở về phòng ngủ.

...