Điều thích thú nhất của việc cắm trại là gì?
Cái này thật sự không phải ai cũng hiểu, chỉ có những người đi nhiều rồi, cảm thụ nhiều rồi họ mới thấy cái hay cái thú vị trong đó. Ngoài ra nếu chỉ nhìn bề ngoài, bạn sẽ thấy nó thật sự rất mệt, nói chung tương đương với một chuyến “hành xác”. Đôi khi bạn sẽ tự hỏi, ngủ ở nhà cho sướng, đi ra ngoài rừng ngủ làm gì?
Thông thường, người đi dã ngoại nhiều sẽ có một số điểm chung như là yêu thiên nhiên, thích yên tĩnh, không ngại thử thách, thích trải nghiệm và vận động ngoài trời. Ngược lại, những người không thích đi thì bởi vì họ có sở thích khác, ưu tiên cái khác hơn. Không có tốt hay xấu gì ở đây, bạn thích bạn cứ làm đi, miễn đừng ảnh hưởng đến người khác. Thế giới là muôn hình muôn vẻ, chấp nhận nó thì bạn hòa nhịp cùng những khác biệt, hoặc chống lại nó, bạn sẽ phải chiến đấu không có hồi kết.
Có đến ½ người đi dã ngoại lần này là vì tò mò, chưa hẳn họ thích thật. Nhưng còn trẻ chính là rất tốt, bạn cũng không ngại vài lần thử, trưởng thành rồi, bạn chỉ chọn phương án an toàn, bạn sẽ có xu hướng sợ cái này sợ cái kia. Vô hình chung, lớn tuổi bạn sợ mất quá nhiều thứ, để rồi không can đảm tiến bước, lại mất thêm nhiều cái nữa, sau đó tiếp tục già đi, rồi lại đánh mất cái gì đó nữa, vòng lặp cứ thế mà đi. Cuối cùng thì trước khi nhắm mắt xuôi tay, điều bạn hối tiếc chỉ duy nhất là thứ mình chưa từng làm chứ không phải những thứ đã làm mà thất bại.
Lúc mới bắt đầu, mọi người nói chuyện rất hăng say, một phần do các bạn nữ đi cũng đông, nên các thanh niên trong lớp rất hào hứng, tha hồ mà “bơm adrenaline lên não”. Đường mòn quanh co được tạo ra do người đi rừng nhiều, một phần là do các tổ hội thường xuyên đi cắm trại. Có một bãi đất khá bằng phẳng ở lưng chừng núi, cũng không cần đi đến đỉnh, vì cắm trại trên đỉnh gió rất lớn, ít ai lựa chọn phương án này.
Đi được 1 tiếng thì cả nhóm mới chỉ đi được nửa đường, ai cũng thấm mệt và đầy mồ hôi, trừ Châu Đức Bá. Anh chàng trên người đầy xoong chảo, bình nước, ba lô 2-3 cái, có thể nói như là trên người Châu Đức Bá chỗ nào treo được thì là treo đồ lên hết. Nhìn Châu Đức Bá vẫn nhởn nhơ như vậy, Lê Thảo Nguyên vừa bực mình vừa buồn cười nói:
“Bá, có mệt không?”
“Có chứ, mệt muốn chết đây này!”
“…”
Giả đò cái gì vậy? Bực mình Lê Thảo Nguyên nói:
“Mang thêm ba lô của tui và Linh đi!!!”
“…”
Lúc này thì cả đám đúng là phục Châu Đức Bá thật sự rồi. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Châu Đức Bá dễ dàng đánh bại Ngô Văn Chương trong cuộc đua chạy bền. Nhìn đi, Ngô Văn Chương cũng đang lết từng bước một, mặt đầy mồ hôi kia kìa.
Ngô Văn Chương cũng đúng là không còn gì để nói. Châu Đức Bá quá trâu, anh không có cơ hội để thể hiện là chắc chắn. Những tưởng chuyển trường về thị trấn Lạc Dương có thể gây ấn tượng với người đẹp Lê Thảo Nguyên. Ai ngờ lại gặp trúng hòn đá tảng này.
Từ đường mòn có vài đoạn có thể nhìn thấy thị trấn Lạc Dương phía xa xa. Cảnh đẹp hơn khi tiếng thông reo rào rạc bên tai mỗi khi gió đến. Châu Đức Bá hít thật sâu cảm nhận từng khoảng khắc được sống và trải nghiệm. Cũng không biết nghĩ cái gì, Châu Đức Bá lặng lẽ mỉm cười cho qua những hoài niệm quá khứ.
Thời gian như những cơn gió, lúc mạnh mẽ, lúc la đà, bay mãi không dừng, còn bản thân ta, tại đây như là một cái cây, mặc cho gió thổi, ta có thể cong veo, có thể bị gãy vài cành cây, rồi có thể xác xơ qua những cơn bão. Nhưng tâm ta vẫn bám trụ lại mặt đất, vẫn sống, vẫn cố gắng hút từng luồng chất dinh dưỡng từ đất mẹ, lại lớn thêm, già đi và lụi tàn như một quy luật. Rồi cứ tự hỏi quá trình đó, vòng lặp đó ta đã có cái gì, hay chỉ là cái cây đợi gió, mặc cho thời gian cuốn đi rồi biến mất.
“Bá, ông làm cái gì đứng như trời trồng vậy?”
Lê Thảo Nguyên thấy Châu Đức Bá đứng lặng 1 lúc lâu thì lên tiếng gọi.
“Tui tới liền!”
Châu Đức Bá tỉnh dậy sau hoài niệm, mỉm cười nhìn Lê Thảo Nguyên mặt lấm tấm mồ hôi. Anh chạy nhau trở lại nhóm, mấy cái xoong va vào nhau kêu leng keng thật vui tai.
11 giờ trưa thì đến được địa điểm dự định cắm trại. Tuy nhiên, rất không may, chỗ này đã có 2 nhóm người tới trước, chỗ đất còn lại không còn đủ để cắm thêm 3 cái lều của nhóm Châu Đức Bá.
Nghe một số người lên tiếng than vãn, Lê Thảo Nguyên trấn an mọi người:
“Mình đi tìm chỗ cắm mới, núi này lớn, xung quanh rất nhiều vị trí đẹp. Mọi người cứ an tâm!”
Châu Đức Bá cũng nói:
“Cái này thì an tâm, tui biết một chỗ chưa ai từng cắm ở đó, không nhưng bằng phẳng và cảnh cũng tuyệt cú mèo!”
Mắt Lê Thảo Nguyên sáng lên:
“Thật không?”
Ngô Văn Chương chen vào:
“Không phải nói là lên đỉnh cắm đó chứ bạn?”
Châu Đức Bá cười nói tiếp:
“Đương nhiên không phải rồi, trên đỉnh cũng không phải là không có người cắm. Bây giờ trên đỉnh chắc chắn ít nhất có 2 nhóm!”
Trần Văn Minh đứng bên cạnh Minh Loan cũng thắc mắc:
“Chỗ nào vậy ku? Mà sao mày biết?”
Châu Đức Bá không vội nói mà ra hiệu cho cả nhóm đi theo. Nguyễn Thị Tú Linh không nói gì nhanh trí đi sát theo Châu Đức Bá.
Đi được một đoạn Châu Đức Bá mới quay lại nói:
“Chỗ này cách đây không xa nhưng không có đường mòn qua đó. Tui đã từng tới là vì trước đây đi với ba tui và bị lạc đến đó. Tui nhớ rất rõ đường đi.”
Thực ra, chỗ mà Châu Đức Bá nói chính là một vị trí cắm trại nổi tiếng của núi Nam Kar sau này, nhưng đến 2002 thì nó vẫn chưa được phát hiện, có thể những người đi rừng có biết chỗ này, nhưng họ lại không phải thích cắm trại nên không nói gì với khách du lịch.
Châu Đức Bá cùng những người bạn tiếp tục theo đường mòn hướng về đỉnh núi, đến một ngã 3 có một tảng đá lớn, thay vì rẽ trái lên núi, Châu Đức Bá lại rẽ phải. Càng đi, rừng càng rậm rạp, cỏ mọc càng nhiều, đường mòn dần biến mất. Dù đang là ban trưa, ánh sáng cũng bị giảm đi mất 1/3.
Minh Loan lên tiếng hỏi:
“Ê Minh, Bá chỉ đường có đúng không đó, sao tui thấy có vẻ như càng đi càng tối.”
Đây là thắc mắc chung của nhiều người trong nhóm, nên ai cũng vểnh tai lên chờ câu trả lời. Trần Văn Minh tuyệt đối tin bạn nói:
“Yên tâm đi, thằng Bá nó làm việc gì cũng nắm chắc mới làm. Thêm nữa, lúc nãy nó nói là không có đường mòn còn gì.”
Mọi người gật gù, nói cũng đúng, nếu mà có đường mòn thì giờ chắc cũng không còn chỗ mà cắm trại. Mọi người đành cắn răng đi tiếp, nhưng sợ là vẫn sợ, lo lắng là vẫn lo lắng.
Châu Đức Bá hiểu được mọi người trong nhóm đang nghĩ gì, nhưng không cần thiết giải thích và liên tiếng trấn an. Mọi người đã đi theo tới đây, Lê Thảo Nguyên theo anh, Nguyễn Thị Tú Linh theo anh … ừ thì hơi gần một chút, Trần Văn Minh theo anh, Ngô Văn Chương theo Lê Thảo Nguyên vậy thì những người còn lại không ai dám tự ý rời nhóm lúc này cả. Đã là người lãnh đạo phải có sự lãnh đạm cần thiết, quyết cái gì làm cái đó đến cùng, nhanh và gọn. Đi giải thích với người bên dưới? Vậy bạn còn lãnh đạo cái gì?
Đi gần 1 km toàn là cỏ mọc cao đến đấu gối, ai cũng sợ dẫm phải rắn hoặc bò cạp, lúc này trang bị tốt như Lê Thảo Nguyên và Nguyễn Thị Tú Linh mới phát huy tác dụng. Các cô mang đôi giày cổ cao có chống nước của hãng Columbia, là hàng nhập khẩu khá hiếm, loại này có đế cứng và chắc, bảo vệ bàn chân hoàn hảo khi đi vào những địa hình như thế này. Vì vậy nên Lê Thảo Nguyên cũng không ngán gì mà cứ thế tiến lên thôi.
Cuối cùng thì mọi người đã thấy được mặt trời một cách rõ ràng. Cách đó 20 mét là mép của bờ vực, đứng gần có thể thấy bên dưới toàn là cây thông bạt ngàn xa tít tắp, một màu xanh lá cây đậm đặc trưng. Ai cũng trầm trồ vì chỗ này tầm nhìn rất thoáng, khuôn mặt mọi người đều giản ra sau “áp lực”. Quả là đáng để trả giá!
Đây là một bãi đất bằng phẳng không có cây, nhưng khá nhiều cỏ dại. Lê Thảo Nguyên chỉ đạo mọi người cùng nhau dọn cỏ một chút. Không ai mang theo cuốc đất hay rìu phát cỏ cả, nên đành lấy dao nấu ăn và dao gấp ra sử dụng. Ban đầu hơi khó khăn một chút vì cỏ rất cứng và dai, đúng là những thứ sống sót trên núi toàn là đám ngoan cố mà. Châu Đức Bá nói với mọi người là chỉ cần cắt những cây to mà cứng là được, những cây nhỏ có thể dùng trại đè lên được.
Đúng lúc này, trời đột nhiên nhả mưa phùn, trên núi mưa rất bất chợt, lều trại vẫn chưa dựng xong. Một điều buồn cười là cả đám 15 người chỉ có Châu Đức Bá và Lê Thảo Nguyên là biết dựng trại. Còn lại đều lớ nga lớ ngớ lật lên lật xuống không biết phải làm thế nào. Thực ra, tuổi này Châu Đức Bá kiếp trước cũng không biết. Lê Thảo Nguyên thành thào là vì trước đây cô thường xuyên cùng gia đình đi cắm trại.
Mưa càng lúc càng to, Châu Đức Bá nhanh tay nhất, anh đã dựng thành công 1 lều, sau đó không cho Lê Thảo Nguyên kịp phản ứng lôi tay cô và Nguyễn Thị Tú Linh vào lều đã dựng. Mọi người cũng nhanh chóng chen chúc đi vào trú mưa.
Mưa càng lúc càng to, Châu Đức Bá tiếp tục thần tốc dựng thêm 1 lều nữa, làm 1 người trong điều kiện nước mưa táp vào mặt và gió to cũng không dễ dàng. Nhưng Châu Đức Bá cũng không phải người thường, anh vận dụng linh hoạt và chính xác từng bước một, thao tác thuần thục đến cực điểm, chỉ 1 phút sau là có thêm 1 lều nữa, ngay gần lều cũ. Mọi người đã có thể di chuyển bớt sang lều thứ 2 để bớt chật chội.
Lê Thảo Nguyên thấy Châu Đức Bá đã ướt như chuột lột thì vội kêu:
“Còn không mau vào, muốn bị cảm hả?”
“Không được, tui vào là ướt lều đó!”
Lê Thảo Nguyên nhìn Châu Đức Bá trừng mắt một cái.
Châu Đức Bá ỉu xìu nói:
“Được rồi!”
Châu Đức Bá cởi áo thun ném 1 góc rồi đi vào lều. Anh cũng không để ý lúc này Lê Thảo Nguyên và Nguyễn Thị Tú Linh mặt cũng đỏ hết cả lên rồi. Còn Ngô Văn Chương thì hừ một tiếng:
“Body cũng đẹp đấy!”