Thị trấn Lạc Dương, một vùng đất gần biên giới phía tây, nơi có khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Người dân nơi đây phần lớn đều là nhập cư theo một phòng trào gọi là “Kinh tế mới” của những năm 80 của thế kỷ trước. Đầu những năm 2000 thì người dân ở thị trấn vẫn canh tác cây công nghiệp làm nguồn thu chính. Các cây phổ biến có thể coi là đặc sản ở vùng này là cà phê, sầu riêng và bơ. Tuy vậy, các thể loại cây ăn trái chỉ mới manh nha sau này. Trước đó thì cà phê và cao su là 2 cây được trồng với diện tích lớn.
Vẫn là tiếng xào xạc quen thuộc bên tai, Châu Đức Bá vẫn nhắm tịt mắt cười nhẹ một cái rồi nghĩ: “giấc mơ thật quá chân thật đi mà”. Đã rất lâu không mơ thấy cái gì rồi, đây có lẽ là một liều thuốc an thần đến kịp thời chăng? Cũng đúng, cứ như vậy thì chắc Châu Đức Bá sẽ tự vẫn mất. Con gái đã lớn, đã có gia thất và cuộc sống riêng. Chí hướng trong đời thì dần mất đi. Vậy thì sống có ý nghĩa gì nữa.
Một điều chắc chắn bây giờ là Châu Đức Bá thật sự đã cảm thấy tốt hơn một chút. Vẫn hối hận, vẫn bất lực, giống như đêm mưa ông chạy đến bệnh viện khi nghe tin vợ bị tai nạn. Nhưng có lẽ một ánh sáng trong đời ông đã le lói đủ để dẫn bước Châu Đức Bá, đủ để ông muốn sống tiếp dù là đau thương.
Châu Đức Bá từ từ mở mắt ra, ông tính đứng dậy để tắm và thay đồ đi làm như thường lệ thì “ui da”. Đầu của ông bị đụng phải một thứ cứng cứng như một cái cây. Vì thực hiện việc bật dậy khá mạnh, nên cú đập từ phía sau đầu này làm ông choáng váng ngã nhoài ra đất.
“Chuyện gì vậy?”
Châu Đức Bá đau không phát ra tiếng nhưng cũng thanh tỉnh cực kỳ. Mình vẫn chưa thoát khỏi giấc mơ sao? Đây là ngọn đồi quen thuộc thuở nhỏ mà. Không lẽ?
Châu Đức Bá nhanh chóng nhìn lại tay chân và quần áo đang mặc. Ông trời của ta ơi. Mình đây là trùng sinh sao? Hoặc nói là tiếp tục giấc mơ lúc trước và bị kẹt trong “giấc mơ” này.
Đúng rồi, thứ kỳ lạ nhất chính là thẻ bài màu vàng, nó đâu rồi? Châu Đức Bá đứng dậy tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy lá bài đâu. Ông cũng mở cặp sách của mình, bên trong là vài tập sách đơn giản và quen thuộc thuở nhỏ. Ngoài ra không còn gì cả. Trong ngăn “bí mật” phía trong cặp sách ông hay để tiền tiết kiệm phòng trường hợp cần tiêu xài gấp cũng không có.
Sau một hồi thì Châu Đức Bá bỏ cuộc, nhưng thâm tâm vẫn liên tục tự hỏi, chuyện gì đang diễn ra. Sau khoảng 10 phút ngồi nghĩ đủ mọi khả năng thì Châu Đức Bá chấp nhận cái “thực tại” mới này rồi. Ông chấp nhận mình đã bị “teo nhỏ” và khả năng lớn là đã quay lại quá khứ.
Châu Đức Bá lật cái bảng tên bằng mica và xem xét, phía trên ghi “Châu Đức Bá - 11A5”. Thở dài một cái, “thằng nhóc trung niên” thốt lên:
“Trở lại 2002 rồi”.
(Từ bây giờ xin phép độc giả chuyển xưng hô Châu Đức Bá là anh nhé! Cho nó phù hợp lứa tuổi ạ!)
Lững thững đi xuống đồi thông giữa trưa hè nóng ran, lúc này Châu Đức Bá chẳng còn quan tâm đến nắng hay không nữa. Bởi vì trong đầu anh lúc này là quá nhiều câu hỏi, quá nhiều dự định, và hơn hết chính là sự nôn nao chưa từng thấy. Bởi vì sao ư? Đó là cơ hội để sửa sai, cơ hội để làm lại mọi thứ với ưu thế khủng khiếp và vượt trội tất cả.
Vừa đi vừa nghĩ thì vượt qua mất cổng nhà. Mẹ Châu Đức Bá đang phơi cà phê trước sân thấy vậy hô to:
“Bá, mày say nắng hay sao vậy con, vô nhà rửa tay dọn cơm ăn!”
Nghe tiếng mẹ kêu, Châu Đức Bá giật mình thoát khỏi suy tưởng của bản thân quay lại thấy cổng nhà. Anh đứng lặng lại một lúc rồi đi nhanh vào giành cái bồ cào trên tay mẹ nói:
“Mẹ vào trước đi, con đảo cà cho!”
“Đi nắng về rồi. Để mẹ làm luôn. Vào dọn cơm đi, mẹ vào ăn chung.”
“Mẹ để con đi, con làm nhanh hơn!”
Mẹ Châu Đức Bá thấy con quyết tâm thì cũng không giành, đi vào trong rửa tay dọn cơm. Ở dưới quê, hay có thói quen ăn cơm ở ngoài hiên, nhất là buổi trưa, trời nắng ăn ở ngoài gió thôi hiu hiu mát mẻ và thoải mái. Bữa cơm thì đơn giản lắm, cơm, canh và 1 món xào với thịt. Năm 2002, người nhà nào ăn thịt bò thường xuyên thì là thuộc dạng khá giả. Nhà của Châu Đức Bá nói nghèo thì không phải, giàu cũng không. Ít nhất cơm ngày ba bữa là thoải mái. Nuôi Châu Đức Bá ăn học đến hết đại học không cần quá bươn chải.
Mẹ của Châu Đức Bá luôn nói kiểu, không nợ ai là tốt lắm rồi, khi bà con hàng xóm họp mặt khi tết nhất hoặc dịp nào đó trong năm. Mà quả thật, dưới quê của Châu Đức Bá, dân tình cũng là cố cho con cái ăn học mà không nợ nần gì chính là rất tốt. Dù làm nông nghiệp cũng bấp bênh nhưng ít ra nó ổn định, không chết đói được.
Dù đã mấy chục năm không có làm việc “đảo cà” này nhưng tay nghề của Châu Đức Bá phải nói là ăn vào máu rồi. Anh nhanh chóng hoàn thành cả sân chỉ trong hơn 15 phút. Sau đó, anh đi vào rửa tay và ngồi bới cơm cho mẹ của mình.
“Mày làm gì mà hôm nay ngây dại ra vậy Bá?”
Châu Đức Bá ngây người vì bên trong biết bao cảm xúc đang ùa về. Mẹ ông là người phụ nữ tần tảo và chăm chỉ. Bà vì gia đình mà rất ít khi chăm sóc cho chính bản thân. Dù vẫn luôn là người yêu thương và kính trọng người mẹ của mình từ nhỏ đến lớn, nhưng là con trai, Châu Đức Bá thật sự không có quá nhiều cảm xúc gần gũi dành riêng cho bà ấy. Khi trưởng thành, hiểu cảm giác của bậc làm cha làm mẹ, giờ quay lại tận mắt nhìn thấy khuôn mặt người mẹ của mình lúc xưa. Thử hỏi, có ai là không xúc động hay không.
“Dạ, ớt cay quá mẹ à!”
“Mày ăn ớt cho lắm rồi đau bao tử nha con...”
Không có những cái ôm, những cái bắt tay thân mật hay bất cứ gì cả. Chỉ là những cử chỉ hàng ngày, chỉ là những ánh nhìn từ phía sau. Nhưng được thấy mẹ lúc trán chưa nhăn, tay chưa tàn nhan, không hiểu sao sống mũi cứ cay cay.
—
Bàn học quen thuộc đây rồi.
Đập ngay trước mắt là hình ảnh của những band nhạc được cắt ra từ những trang báo. Sở thích của Châu Đức Bá cũng như bao giới trẻ thời đó, chính là Weslife và Backstreet Boys, những boyband ngầu lòi, đẹp trai, hát hay với những bản tình ca bất hủ.
Phía bên phải là giá sách, có đủ loại, và chiếm ưu thế nhất chính là những quyển “nâng cao” thần thánh. Nói thật, Châu Đức Bá khi còn nhỏ là một kẻ khá là đam mê sưu tầm những quyển “sách hay”. Mà đã gọi là hay thì phải cao siêu 1 chút, khó hiểu một chút, như vậy mới bá, như cái tên của anh vậy.
Châu Đức Bá lặng người vài giây rồi bỗng bật cười. Mấy quyển này có tác dụng cái rắm. Có những quyển, đọc giới thiệu sách thôi đã thấy không phù hợp rồi. 100 cách giải bài toán Olympic Toán Học năm 2000 tuyển tập??? Thật sự là quá trẻ con đi. Sao ngày xưa thằng nhóc này thể tốn tiền cho mấy cái vớ vẫn này được nhỉ.
Không phải nói là mơ mộng hảo huyền chứ, Châu Đức Bá quả thật không phải quá thông minh. Anh ta chỉ là dạng kha khá, có vô số kẻ mạnh hơn anh ta về đầu óc. Để vươn lên trong xã hội cần thêm các kỹ năng khác bù đắp vào. Đến khi 50 tuổi, những ưu điểm nổi bật của Châu Đức Bá có thể kể đến chính là thận trọng, biết dùng người, có tầm nhìn và kỷ luật với bản thân.
Được quay lại thời cấp 3 với suy nghĩ của 1 người trưởng thành là một ưu thế không hề nhỏ. Người trẻ dư thừa sức lực thì thiếu nhất chính là sự tự định hướng bản thân. Người trưởng thành có thể ý thức điều chỉnh bản thân sao cho có lợi nhất lại thiếu đi sự năng động và nhiệt huyết khi còn trẻ. Bởi vậy, tấm thẻ bài vàng kim nọ thật sự quá thần kỳ. Có lẽ sức mạnh của nó là thứ gì đó vượt ra ngoài cả vũ trụ vật lý thuần túy mà con người được biết.
Bỏ qua những tự vấn về tấm thẻ bài, Châu Đức Bá tiếp tục mở lần lượt những tập sách để lướt qua những thông tin cơ bản. Thời khóa biểu học tại trường được Châu Đức Bá ép nhựa để trong cái cặp da cực kỳ phổ thông. Lúc này là giữa tháng 10 trong năm, nghĩa là đã đi học được hơn 1 tháng, kiến thức năm 11 phổ thông vẫn là ám ảnh với Châu Đức Bá. Anh vẫn còn nhớ còn điểm 1 kiểm tra 15 phút ngay đầu năm học.
Nghĩ vậy, Châu Đức Bá vội kiểm tra thời khóa biểu ngày mai. Thật sự là trùng hợp như vậy?
Ngày mai chính là ngày môn toán sẽ kiểm tra 15 phút bất ngờ. Trong quá khứ chuyện này đã xảy ra như vậy, không biết khi trùng sinh trở lại thì việc này có thể diễn ra lần nữa hay không hay có sự thay đổi? Trước đây thì việc là người bị điểm 1 duy nhất của lớp đã trở thành một sự xấu hổ không hề nhỏ cho Châu Đức Bá trong suốt những năm cấp 3.
Nói cũng kỳ lạ, dù không phải là người giỏi nhất, nhưng Châu Đức Bá chưa bao giờ là tệ như thế cả. Năm nay, đặc biệt một thầy giáo dạy toán mới phụ trách lớp - Thầy Quyền. Thầy Quyền là thầy giáo dạy toán kỳ cựu tại thị trấn nhưng chưa bao giờ đứng lớp tại trường cấp 3 Lạc Dương. 10 năm dạy học của ông là ở trường bán công ở ngay bên cạnh. Thầy Quyền không phải là người dạy dở nhưng ông hay có thói quen tiết lộ một chút đề thi ở các lớp dạy thêm. Đây là một mánh lới phổ biến của những “ông giáo làng” nhằm thu hút học sinh tại các lớp mà mình phụ trách. Nếu đăng ký học thêm ở lớp của ông, học sinh sẽ có thêm chút lợi thế trong các bài kiểm tra.
Chiêu trò này không phải là chỉ mỗi thầy Quyền sử dụng, phần lớn các thầy cô đều dùng, chỉ là hạn chế và không phô trương. Mãi sau này Châu Đức Bá mới biết, hóa ra tại lớp dạy thêm vào Chủ nhật tuần trước, thầy Quyền của chúng ta đã đưa ra một số bài làm tương tự cho bài kiểm tra 15 phút bất ngờ của tuần này.
“Được lắm”
Châu Đức Bá thầm nghĩ cách đối phó với tiết toán ngày mai. Nếu đã cho ta biết trước điều gì sẽ xảy ra, nếu cứ mặc kệ thì quá có lỗi với bản thân rồi.