Chương 6: Gia cảnh quá nghèo vô cùng nghèo 3

Một lúc sau, Tô Từ cũng đưa mắt nhìn về phía thằng bé.

Cô nhìn đứa bé mặt còn hơi sữa đang đứng trước mặt mình, trong đầu chậm rãi xử lý từng chút từng chút  thông tin đang không ngừng truyền tới, cũng có thể nói là ký ức của nguyên chủ .

Bây giờ đang là giữa thập niên 70, năm 1975.

Nguyên chủ tên là Diệp Tô Từ, sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Trong nhà có cha mẹ cùng bảy anh chị em, còn có một anh trai đã đưa cho nhà bác cô nuôi dưỡng.

Đối với thập kỷ 70, trong đầu Tô Từ chỉ có một khái niệm —— nghèo!

Còn tình hình hiện tại của nhà họ Diệp, cô dựa theo ký ức nguyên chủ tổng kết lại là —— nhà chỉ có bốn bức tường! Nghèo rớt mồng tơi! Cực kỳ nghèo!

Đừng nói là  những năm 70 của thế kỷ XX vẫn còn thiếu ăn thiếu mặc, cho dù bây giờ là thế kỷ 21 - đã xây dựng được một xã hội khá giả toàn diện về mọi mặt, thì một nhà có đến tám chín người con cũng vẫn sẽ nghèo đến mức cởi truồng thôi.

Nghĩ tới đây, Tô Từ khí lực trên người trống rỗng, trực tiếp đổ ngửa người ra phía sau.

Nhìn cỏ tranh lợp trên mái nhà, trong đầu cô chỉ còn sót lại bốn chữ lớn —— Ông! Đây! Bị! Lừa!

Tô Từ còn chưa kịp cảm thán xong, tấm vải mành treo trước cửa phòng vang lên tiếng động, có một người bước vào.

 Người phụ nữ trung niên để tóc dài, búi tóc thấp ra sau đầu, quần áo trên người có màu lam sẫm, vải vóc cũng vô cùng thô ráp, nhuộm màu không được tốt, trên áo còn có vài miếng vá.

Có ký ức của nguyên chủ, Tô Từ cũng nhận thức được những người này.

Thằng bé mặt sữa đứng trước giường cô là em trai nguyên chủ Diệp An Gia, năm nay mới được năm tuổi. Mà người phụ nữ đang bưng bát cầm bánh đi vào đây chính là mẹ của nguyên chủ Tô Hoa Vinh.

Tô Hoa Vinh đi tới bên cạnh giường, bà đặt cái bát và bánh lên trên rương gỗ, sau đó tự nhiên đưa tay sờ lên trán Tô Từ, hỏi cô: "Bây giờ con cảm thấy trong người thế nào rồi?"

Tô Từ không lên tiếng, Tô Hoa Vinh trực tiếp tiến lại gần, dùng trán của chính mình áp lên trán cô kiểm tra nhiệt độ.

Hành động này của bà khiến cả người Tô Từ rụt lại theo bản năng, nhưng cô cũng không thể né tránh.

Tô Hoa Vinh thăm dò nhiệt độ trên trán Tô Từ, nói: "Hình như không còn nóng nữa rồi."

Dứt lời bà bưng cái bát lại đây, đem cái bánh vừa mới nướng xong đặt vào tay cô, còn nói: "Bánh này mẹ làm từ bột mì trắng trong nhà mình, bình thường có ít cũng không nỡ ăn, nay đặc biệt nướng cho con đó, mau ăn đi."

Tô Từ nhìn chiếc bánh bột mì trong tay mình, lại nhìn chút cháo váng loãng trong bát và chén đậu nành nhỏ bên cạnh.

Ở trong mắt cô, những thứ này đều là cơm canh khô khốc. Nhưng cô biết, ở nhà họ Diệp, e rằng ngày lễ ngày tết bọn họ cũng không có đồ ngon để ăn.

Em trai Diệp An Gia đứng trước giường, đôi mắt thằng bé vẫn còn đang nhìn chằm chằm vào chiếc bánh làm bằng bột mì, ngửi được hương vị thanh ngọt của bát cháo, nước miếng ở khoé miệng cũng sắp chảy ra.

Cũng may thằng bé thu lại nhanh hơn, "ừng ực" một tiếng nuốt xuống.

----------

“Khoa học công nghiệp Đại Trại” là một phong trào được chính phủ Trung Quốc phát động từ những năm 60 của thế kỉ XX, dựa trên chỉ thị chính của Mao Trạch Đông vào năm 1963: 

“Công nghiệp Đại Khánh, nông nghiệp học Đại Trại, cả nước học tập Quân giải phóng”.

“Khoa học công nghiệp Đại trại” học hỏi từ "kênh Hồng kỳ", Đại Trại đã từng trở thành một dấu mốc quan trọng trên bản đồ chính trị của Trung Quốc.

Đại trại là một đại đội nhỏ của xã Đại Trại, huyện Tây Dương, tỉnh Sơn Tây, ban đầu là một xã nghèo khó khăn ở miền núi. Sau chỉ thị hợp tác hóa nông nghiệp, người dân xã Khai Sơn đục sườn núi, sửa chữa và xây dựng ruộng bậc thang, khiến sản lượng lương thực tăng gấp 7 lần so với trước đó. Ngày 10 tháng 2 năm 1964, 《 Nhân Dân Nhật Báo 》 đăng bài “Con đường Đại trại” của phóng viên thông tấn Tân Hoa xã, bài báo đã giới thiệu thành tích nổi bật của bọn họ. Trong bài phát biểu xã luận đã nêu cao “Lấy tinh thần cách mạng làm tấm gương sáng để kiến thiết miền núi” kêu gọi tinh thần nhân dân khắp cả nước, đặc biệt là mặt trận nông nghiệp học tập tấm gương tinh thần người cách mạng Đại Trại. Sau lần đó, nông thôn toàn quốc đều hưởng ứng phong trào "Khoa học nông nghiệp Đại Trại",  Đại Trại trở thành tấm gương sáng đi đầu trên mặt trận nông nghiệp của Trung Quốc. Khẩu hiệu "Khoa học nông nghiệp Đại Trại" vẫn còn được lưu truyền đến cuối những năm 70, theo đó khẩu hiệu cũng được sử dụng theo tư tưởng tả khuynh.