Sau đó là bắt đầu gọi những danh xưng như 'mẹ', 'anh', 'ông'. Những từ như cha, bà, chú thì vẫn chưa gọi được.
Để rèn luyện khả năng nói của ba đứa nhỏ nên mỗi ngày cô đều dạy chúng nói mẹ, cha, bà, ông, chị, anh, em trai,...
Theo thời gian, ngôn ngữ của ba đứa nhỏ ngày càng phong phú, số từ vựng biết nói cũng ngày càng nhiều, trong nhà cũng ngày càng náo nhiệt.
Cả ngày đều có thể nghe thấy tiếng ríu rít, bi ba bi bô.
Dạo này Hứa Thiến rất vui, vì vậy liền viết một lá thư gửi cho Chu Văn Quân.
Kể cho anh nghe một số chuyện trong nhà thời gian gần đây.
Ví dụ như cha đã chia nhà, cho mấy người em trai ra ở riêng, rồi mỗi nhà được chia bao nhiêu tiền.
Sau đó còn nói với Chu Văn Quân rằng nhà họ đã xây xong rồi. Cô còn thuê người đào một cái giếng trong sân, tổng cộng tất cả hết một nghìn năm trăm đồng.
Ngoài ra còn kể về chuyện là ba đứa nhỏ trong nhà đã biết gọi mẹ, cũng có thể nói được một số từ đơn giản.
Nhưng vẫn chưa biết gọi cha, trong nhà lại không có ảnh của anh, cô muốn dạy mấy đứa trẻ gọi cha nhưng lại không biết chỉ vào cái gì để cho chúng gọi.
Một tháng sau.
Hứa Thiến nhận được thư hồi âm của Chu Văn Quân. Anh nói rằng năm nay anh sẽ không về được. Bởi vì năm nay tiến độ công việc của họ rất gấp, Tết đến cũng chỉ được nghỉ hai ngày.
Sau đó còn dặn Hứa Thiến phải tự biết chăm sóc bản thân mình, muốn ăn gì thì cứ mua mà ăn, nếu trong nhà thiếu tiền thì gửi điện báo cho anh.
Hứa Thiến rất ít khi viết thư cho Chu Văn Quân, chủ yếu là vì cô không biết Chu Văn Quân đang ở đâu.
Đội công tác của họ thường xuyên phải đến một số vùng núi hẻo lánh nào đó rồi mấy tháng không được ra ngoài, căn bản là không thể liên lạc được.
Cô chỉ có thể đợi Chu Văn Quân viết thư cho cô trước, có địa chỉ cụ thể rồi cô mới có thể gửi thư cho anh được.
Lần này cũng vậy, là Chu Văn Quân gửi cho cô trước một gói nấm hương khô, mộc nhĩ đen. Lúc này Hứa Thiến có địa chỉ cụ thể của anh rồi nên mới gửi thư cho anh.
Nhìn gói nấm hương khô, mộc nhĩ đen trong nhà.
Hứa Thiến đoán chắc rằng lần này họ chắc chắn lại đang sửa đường ở một khe suối hay vùng núi nào đó.
Nấm hương với mộc nhĩ đen chắc là đặc sản địa phương đó, Chu Văn Quân mua của người dân rồi gửi về cho cô.
Trong thư Chu Văn Quân nói với Hứa Thiến thời gian này có lẽ bọn họ chắc sẽ ở lại đó luôn.
Ở đó còn có rất nhiều hạt thông, hạt dẻ, ngô, hoa quả khô, đến mùa thu lúc thu hoạch xong, anh sẽ gửi về cho cô.
Lần này Hứa Thiến cũng không chỉ gửi mỗi thư cho anh, mà còn gửi cho anh hai chiếc áo len nữa.
Chiếc áo len cô đan trước đó, cô đã nhờ anh trai mang về cho cha cô, thế là Chu Văn Quân lại không còn áo len để mặc.
Vì vậy mà Hứa Thiến lại đan cho anh hai chiếc áo len, một chiếc màu xanh, một chiếc màu đen. Cô còn đan cho anh một chiếc khăn quàng cổ.
Mặc dù bây giờ thời tiết vẫn còn khá nóng nhưng trời sẽ nhanh chóng trở lạnh, đặc biệt là Chu Văn Quân hiện tại có thể đang ở miền Bắc. Có lẽ chưa đầy hai tháng nữa, thời tiết sẽ trở lạnh.
Trong một khu rừng già nào đó ở Đông Bắc.
Chu Văn Quân lấy một gói đồ lớn từ phòng bảo vệ ra. Một đồng nghiệp ở bên cạnh nhìn thấy không khỏi bật cười.
"Em Chu, xem ra cuộc sống cũng không tệ nhỉ! Ở xa thế này mà em dâu vẫn gửi đồ cho cậu, mau mở ra nhìn xem em dâu gửi cho cậu thứ gì tốt nào?"
Chu Văn Quân liếc nhìn người đàn ông bên cạnh một cái, sau đó ôm gói đồ trở về ký túc xá được dựng tạm.
Mở gói đồ ra, bên trong có hai chiếc áo len, một chiếc khăn quàng cổ, còn có hai tấm ảnh, đều là ảnh chụp chung của ba đứa nhỏ.
Chu Văn Quân xem xong không khỏi nhíu mày, sao toàn là ảnh của bọn trẻ thế này? Thậm chí không có lấy một tấm ảnh nào của cô.
Những thứ còn lại thì cũng chẳng có gì, một lọ tương thịt bò lớn, sáu chiếc lạp xưởng, một gói lạc phơi khô.