Chương 44: Đào giếng

Một số nơi ở nông thôn gọi ngày này là Tết Đoan Ngọ.

Hứa Thiến chiêu đãi ba anh em nhà họ Quách một bữa thịnh soạn, rồi thanh toán tiền đào giếng cho họ. Tổng cộng là hai trăm mười đồng.

Nhìn qua thì thấy họ kiếm được khá nhiều tiền, nhưng thực tế thì công việc này không phải ai cũng làm được.

Toàn phải lao động chân tay dưới trời nắng to, từ sáng đến tối hầu như không nghỉ ngơi.

Sau khi nhận được tiền, khuôn mặt của ba anh em đều lộ rõ vẻ vui mừng.

Đào giếng thực sự kiếm ra rất nhiều tiền, nhưng cả năm có mấy nhà đào giếng chứ?

Năm nay họ chỉ đào một cái giếng lại kiếm được nhiều tiền như vậy, họ đương nhiên là vui mừng.

Miệng giếng nhà Hứa Thiến xây cao, bên trên còn đặt một tấm bàn đá to để tránh cho trẻ con bất cẩn bị ngã xuống.

"Cha, cha có rảnh không?"

"Sao thế?"

Chu Lão Hán bây giờ chỉ cần nghe thấy giọng cô là đau đầu, sợ cô lại muốn xây cái gì đó nữa, tốn tiền.

"Chả là con muốn nhờ cha làm cho cái giếng nhà một cái gàu múc nước(*), rồi quấn thêm hai mươi mấy mét dây thừng vào. Chứ một thùng nước to như vậy, con không kéo lên được nên phải nghĩ đến cách này!"

(*)Gàu múc nước:

Lắp một cái gàu trên giếng là có thể kéo cả thùng nước lẫn nước lên, đỡ tốn sức hơn nhiều so với việc chỉ dùng tay kéo.

"Được thôi, đợi hai ngày nữa gặt xong rồi cha sẽ làm cho con."

Chu Lão Hán suy nghĩ một chút rồi gật đầu đồng ý. Gáo nước làm cũng đơn giản, dù ông ấy không thạo nghề mộc lắm nhưng làm cái này thì vẫn có thể làm được.

"Vâng, vậy cứ quyết định vậy nhé."

Hứa Thiến hài lòng về nhà, mùa gặt tuy bận rộn nhưng cô không tham làm nên cô vẫn khá rảnh.

Xuân Mai mấy hôm nay phải đến nhà cũ giúp nấu cơm, nấu cơm xong còn phải đến đội tham gia gặt hái nên việc giặt giũ, trông con, cô đều tự mình làm.

Nhưng mà cô cũng muốn lười biếng một chút, tã lót các thứ vì không muốn giặt nên cô liền trực tiếp mặc tã giấy cho ba đứa nhỏ.

Thời gian này, mọi người trong thôn đều đang bận việc gặt hái nên cơ bản sẽ không có ai đến nhà cô.

Thực tế cũng chứng minh phỏng đoán của cô hoàn toàn đúng. Mãi đến khi gặt xong rồi cũng không có ai đến nhà cô.

Cũng vì trong thôn này cô căn bản không có bạn bè.

Mấy thanh niên trí thức đi cùng cô tới đây bây giờ đều ở trong đại viện của thanh niên trí thức, với cô cũng chỉ là quen biết xã giao, không quá thân thiết. Dù sao thì khi cô đến đây một thời gian là đã kết hôn rồi.

Sau khi gặt xong đội sẽ chia lương thực. Điểm công của cô không đủ hay phải nói là bốn mẹ con cô căn bản là không có điểm công nên chỉ có thể lấy tiền thay cho điểm.

Đại đội chỗ cô vụ hè này chủ yếu gặt lúa mì của vụ đông trước và dầu ăn.

Phần lương thực của Hứa Thiến và bọn trẻ cộng lại, tổng cộng là được chia bảy mươi lăm cân lúa mì và năm cân dầu ăn.

Lương thực mà những người dân khác được chia cũng không nhiều.

Nếu chỉ dựa vào số lúa mì này, chắc chắn là không đủ ăn.

Nhưng có thể làm thành gạo rồi đổi lấy ngô, cũng có thể lấy tiền ra mua thêm.

"Đội trưởng, tôi mua thêm sáu mươi cân lúa mì với năm cân dầu ăn."

Hứa Thiến nhận lương thực xong thì lập tức giơ tay nói.

"Cô muốn mua sáu mươi cân lúa mì với năm cân dầu ăn đúng không? Nộp tiền bên kế toán đi rồi đến đây cân."

Việc Hứa Thiến sẽ mua lương thực đội trưởng thực ra không hề bất ngờ, cô không mua mới là chuyện lạ.

Lúa mì là một hào bốn mươi lăm một cân, sáu mươi cân lúa mì của Hứa Thiến là tám đồng bảy hào. Dầu ăn thì một cân bảy hào tám, năm cân là ba đồng tám hào năm, tổng cộng là mười hai đồng năm hào năm.

Cùng với mua điểm công hết chín đồng năm hào nữa. Cộng lại cả mua lương thực và dầu ăn là hai mươi hai đồng năm hào.

Bên nhà cũ, hai anh em Chu Văn Quốc Chu Văn Binh bọn họ không dám học theo Hứa Thiến làm như vậy. Gần như bữa nào cũng ăn gạo không trộn lẫn gì cả, hơn nữa còn hào phóng đi mua nhiều lương thực như vậy.

Mỗi nhà bọn họ cũng chỉ giữ lại mười mấy cân lúa mì, số lúa mì còn lại đều đem đổi thành ngô, đậu.

Chương 45: Nữ thanh niên trí thức

Những người dân khác cũng đều gần như vậy. Những gia đình nào khá giả thì để lại hai mươi cân lúa mì, những gia đình tiết kiệm thì đổi hết thành ngô, khoai để ăn, không để lại một hạt lúa mì nào.

Tất nhiên, cũng không phải không có người trực tiếp lấy tiền mua lương thực như Hứa Thiến, người ta còn khoa trương hơn cả cô.

Cô chỉ lấy sáu mươi cân lúa mì, còn người ta thì trực tiếp mua đến hai trăm cân, làm Hứa Thiến cũng phải giật mình.

Cô nhìn qua mới phát hiện ra đó là một cô gái hoàn toàn xa lạ, mặc một chiếc váy trắng trơn, đầu buộc hai bím tóc lớn, hẳn là một nữ thanh niên trí thức mới đến.

Dù sao thì cô cũng đã sống ở thôn này được hai năm rồi, về cơ bản thì dù không nhớ tên nhưng cô cũng đã gặp hết những người trông thôn.

Nhìn mặt quen quen là có thể phân biệt được có phải người trong làng hay không, cô gái đó nhìn thoáng qua là biết không phải người ở đây.

Nữ thanh niên trí thức này lại mua lương thực hào phóng như vậy, không chỉ khiến Hứa Thiến kinh ngạc mà còn khiến rất nhiều thôn dân vô cùng ngạc nhiên.

Thậm chí còn có không ít chàng trai trẻ lén lút quan sát nữ thanh niên trí thức này rồi đỏ mặt quay đi

Ngoài những chàng trai trẻ này, trong làng còn có không ít bà lão, bác gái cũng đang nhìn chằm chằm vào nữ thanh niên trí thức mà đánh giá từ trên xuống dưới.

Trong lòng lại nghĩ thầm, đây không phải lại là một Hứa Thiến nữa đấy chứ? Nếu là thật thì họ phải xem kỹ một chút.

Nếu thật sự giống như Hứa Thiến thì họ phải đánh tiếng trước cho con trai hoặc cháu trai của mình.

Danh tiếng của Hứa Thiến trong làng hiện nay.

Đã là hai thái cực, một số người thì cho rằng cô chính là kiểu con dâu tốt nhất, của hồi môn thì nhiều lại có thể sinh con trai.

Một số khác thì cho rằng Hứa Thiến quá phung phí.

Tiền trong nhà bao nhiêu cũng không đủ cho cô tiêu. Không nói đến việc đã tiêu hết của hồi môn của mình, xong anh trai còn phải đưa tiền đến cho cô, ngay ngày hôm sau đã đào giếng mất hai trăm đồng.

Trong nhà không có bao nhiêu tiền, nuôi một người phụ nữ phung phí như Hứa Thiến thì thật sự không nuôi nổi.

Vì vậy mà một số người không biết tự lượng sức mình nhưng lại muốn tiền tài đã bắt đầu để mắt đến nữ thanh niên trí thức mới đến này, coi như là Hứa Thiến số hai.

Còn những người tự biết mình thì phải quan sát trước đã, xem cô gái này có phung phí giống như Hứa Thiến hay không.

Nếu thực sự là một đứa con gái phá của như vậy thì họ chắc chắn không dám lấy rồi, nuôi không nổi!

Nếu đứa con gái này như Hứa Thiến, là một người biết tiết kiệm thì chắc chắn đây có thể là một lựa chọn tốt.

Nhưng nhìn từ việc hôm nay vừa vung tay đã mua hai trăm cân lương thực thì trông cũng không giống một người biết tiết kiệm.

"Thím hai Trần, đây là thanh niên trí thức mới đến à?"

"Có lai lịch gì thế?"

Hứa Thiến dùng khuỷu tay huých vào thím hai Trần bên cạnh, người này chính là phóng viên nổi tiếng nhất thôn.

Nhà nào có chuyện gì bà ấy cũng đều là người biết đầu tiên.

Chuyện cha cô là thợ thủ công bậc tám, mỗi tháng được một trăm đồng tiền lương đều là do cô thông qua phóng viên này truyền đến tai thôn dân.

Chỉ trong vòng hai ba ngày, cả thôn đều biết hết.

Vì vậy, nếu muốn biết chuyện gì hay dò hỏi tin tức gì thì đi hỏi bà ấy là tìm đúng người rồi.

"Vợ Văn Quân à, cô hỏi tôi là đúng người rồi, tình hình của cô Liễu này tôi đúng là có biết."

Thím hai Trần nhìn qua trông hơn bốn mươi tuổi, mặc chiếc áo sơ mi hoa màu chàm, trên áo có mấy chỗ rách đã được bà ấy vá lại bằng vải hoa cùng màu.

Nhìn từ xa thì không thấy gì nhưng lại gần thì vẫn nhìn ra vết vá.

Bà ấy mặc chiếc quần vải bông màu đen hơi cũ nhưng được giặt rất sạch sẽ.

Trên đầu còn quấn một chiếc khăn vải hoa cũ. Nhìn qua có thể thấy rằng đây cũng là một người cẩn thận.

"Cô ấy thế nào, trông có vẻ giàu có nhỉ?"

"Mua lúa mì một lần đã hai trăm cân mà không thèm chớp mắt, còn mua nhiều dầu ăn như vậy nữa, ít nhất cũng phải mất mấy chục đồng!"

Chương 46: Nữ thanh niên trí thức

"Nhiều tiền như vậy, Văn Quân nhà tôi phải kiếm rất lâu đấy. Tôi còn không nỡ dùng, vẫn toàn ăn ngô!"

Thím hai Trần nghe xong lời này xong chỉ biết trợn mắt, trong lòng nghĩ thầm cô còn ở đây than nghèo kể khổ cái gì?

Ai trong thôn này còn không biết cô nữa?

Có tiếng là một đứa con dâu chuyên đi phá của!

Đó là một nghìn đồng đấy, sau đó nghe nói cô còn đào giếng nữa, lại mất thêm hai trăm đồng.

Cộng thêm một nhà đồ nội thất toàn mới đóng hết, hai cái nồi sắt cũng là đồ mới mua.

Đúng rồi, còn mua lương thực nữa.

Chỉ trong thời gian này thôi cô con dâu phá của này e là đã tiêu không dưới một nghìn năm trăm đồng rồi!

Chậc chậc...

Bà ấy cả đời dành dụm mới được từng ấy tiền.

Cô thế mà chỉ trong mấy ngày đã tiêu hết, giờ còn dám nói người khác.

Như thể có ai không biết cô là đứa con dâu phá của nhất thôn này vậy.

Hứa Thiến bị ánh mắt khinh thường của thím hai Trần nhìn đến nỗi có chút chột dạ, cô kéo kéo tay áo bà ấy nói.

"Thím hai, thím mau kể đi mà."

"Tôi cả ngày cũng chỉ biết quanh quẩn ở nhà trông con, chuyện bên ngoài thì biết được gì chứ."

Thím hai Trần bị Hứa Thiến dụ dỗ ngọn lửa hóng hớt trong lòng cũng bùng lên, bèn nhỏ giọng nói.

"Cô gái này tên là Liễu Như Tuyết, là thanh niên trí thức từ Thủ đô tới, nghe nói là cha cô ấy rất có bản lĩnh.

Anh trai cô ấy còn là sinh viên đại học. Đúng rồi, anh trai cô ấy cũng ở đội xây dựng đường, có thể là cùng đơn vị với chồng cô đấy."

"Nghe nói cô ấy có chồng chưa cưới là thanh mai trúc mã nhưng mà năm ngoái đã về quê. Giờ cô ấy đến đây chắc là để tìm chồng chưa cưới của mình.

Vì thế nên cô ấy mua nhiều lương thực như vậy, chắc là muốn tặng cho chồng chưa cưới của mình đây mà!"

"Chồng chưa cưới của cô ấy là ai?"

"Hình như tên Khương Đỉnh Văn thì phải, không phải đội của chúng ta, là ở đội bảy bên cạnh."

"Đội bảy cũng chỉ có mấy thanh niên trí thức, tôi đều nhớ cả, thằng bé đó trông cũng được.

Ở đội bảy cũng được nhiều cô gái thích lắm, con gái nhà đội trưởng đội bảy còn thường xuyên mang đồ ăn đến cho nữa!

Vì vậy mấy cô chị dâu cũng rất tức giận, còn đến than thở với tôi."

Hứa Thiến nghe xong, ánh mắt nhìn thím hai Thẩm tràn đầy vẻ sùng bái, bà ấy đúng quá là lợi hại!

Không chỉ biết rõ mọi chuyện trong đội, mà ngay cả chuyện của đội bên cạnh cũng nắm rõ trong lòng bàn tay, cả đời này của cô sợ là cũng không học được bản lĩnh như vậy.

Thím hai Trần thấy ánh mắt sùng bái của Hứa Thiến, không khỏi ưỡn ngực tự hào! Vẻ mặt càng thêm đắc ý.

Thấy chưa, vẫn là bà ấy có bản lĩnh, khiến cho thanh niên trí thức từ thành phố đến cũng phải nể phục bà ấy.

Chồng bà ấy suốt ngày cằn nhằn bà ấy không làm gì cả, chỉ biết đi loanh quanh hóng chuyện.

Nếu bà ấy không đi loanh quanh khắp nơi thì làm sao có thể biết được nhiều tin tức như vậy? Bà ấy dám chắc mình là người đầu tiên biết chuyện cô con gái đội trưởng đội bảy bên cạnh.

"Thím hai Trần, thế anh chàng Khương Đỉnh Văn bên đội bảy rốt cuộc có ý gì với cô con gái của đội trưởng không?

Anh ta thích vị hôn thê của mình là cô Liễu hay là thích con gái của đội trưởng vậy?"

"Sao tôi biết được chuyện này?"

Thím hai Trần lắc đầu, rồi cau mày nói.

"Nhưng thái độ của anh chàng họ Khương này rất kỳ lạ, cô con gái nhà đội trưởng Lý lần nào mang đồ qua.

Anh ta đều nhận nhưng lại không nói gì. Không biết là có muốn quen cô con gái nhà họ Lý không.

Nhưng nếu anh ta không muốn quen cô ấy thì cũng không nên nhận đồ của cô ấy chứ!"

"Đội bảy còn có cô gái nào khác tặng đồ cho anh ta không? Anh ta xử lý thế nào, từ chối hay vẫn…"

Hứa Thiến thắc mắc hỏi, nội dung câu chuyện này nghe quen quá, cảm giác như là đã từng xem ở đâu rồi.

"Ý cô là những cô gái khác à?"

"Cũng có đấy, lần trước tôi thấy cô Đại Hoa nhà Vương Đại Ngưu tặng anh ta hai cái bánh ú.

Anh ta lại không nhận, Đại Hoa còn buồn đến phát khóc đấy."