Chương 22: Phần tử xấu 3

Kẻ có tài lại sinh lầm thời. Vốn Lang Vĩnh Linh muốn bảo tồn và phát triển lịch sử, văn hóa nước nhà, nhưng ai ngờ lại bị gắn cho cái danh hiệu phần tử xấu, ngay cả nhà cửa cũng bị tịch thu. Cũng nhờ có đứa con trai ông cụ nhận nuôi từ thời còn trẻ mất nhiều công sức lo liệu khắp nơi, nên ông cụ mới chỉ bị lưu đày đến Cố gia thôn thôi.

Tuy Cố gia thôn xa xôi, nhưng lại có tiếng giản dị chất phác, đến chỗ này, ít nhất Lang Vĩnh Linh sẽ không bị người ta khi nhục như ở những nơi khác.

Về cặp cha con kia, là bác sĩ chỉnh hình Tây y nổi tiếng trên tỉnh. Nhất là ông bố tên là Phùng Hiển Toàn, thời trẻ từng du học nước Anh, chuyên tâm học tập kỹ thuật chỉnh hình của nước ngoài, học thành tài thì về nước cống hiến, trở thành giáo sư của bệnh viện tỉnh, đã cứu chữa cho vô số người. Về sau, ông ta lại bị phái bảo thủ gắn cho cái danh phần tử xấu, bị tước chức vị, lưu đày đến Cố gia thôn. Thậm chí, trong thời điểm phê đấu, tay phải của ông ta bị tổn thương xương cốt. Nói đến cũng buồn cười, đường đường là Phùng Hiển Toàn - bác sĩ chỉnh hình nổi tiếng, lại bởi vì tay phải bị thương không được chữa trị kịp thời nên biến thành nửa tàn phế, đời này không còn cách nào cầm dao phẫu thuật được nữa.

Con trai ông ta tên là Phùng Thanh Nham. Vốn sau khi Phùng Hiểu Toàn ly hôn với vợ, anh ta có thể lựa chọn đi theo mẹ. Nhưng Phùng Thanh Nham cũng là một đứa con có hiếu, lo cha già nhà mình bị lưu đày một mình không thể tự chăm sóc bản thân nên anh ta giấu một quyển sách y học nước ngoài vào quần áo. Lúc xét nhà, quyển sách được tìm thấy trên người anh ta như dự tính. Về sau có người trong nhà lo lót, nên cha con hai người đều được lưu đày đến Cố gia thôn.

Sau này hai người lại quen biết với Lang Vĩnh Linh, cũng xem như là có thêm một người đồng hành.

Cả ba người đều là người rộng lượng, mỗi ngày cho lợn ăn, rồi lại dọn rửa chuồng trại. Lang Vĩnh Linh thích nghiên cứu đồ cổ, nhưng mà đến Cố gia thôn rồi, cũng không có điều kiện để nghiên cứu nữa, nên đành tạm gác lại thú vui đó. Những người thuộc dòng dõi quý tộc lớn lên trong hoàng thành, trong xương cốt luôn có một loại thái độ bình thản đến kiêu ngạo, cho dù bây giờ bị lưu đày đến thâm sơn cùng cốc, loại khí chất ấy vẫn khắc sâu vào máu thịt, không bao giờ mất đi.

Trên tay ông cụ cầm một cái lồng chim được đan bằng trúc. Cái lồng chim này là Cố Vệ Cường nhờ anh Ba của ông là Cố Vệ Dân đan cho. Về phần con chim ngói bị nhốt trong lòng là Lang Vĩnh Linh tự mình đặt bẫy bắt được, tuy rằng con chim ngói này không thông minh như con vẹt ông ta từng nuôi, nhưng cũng xem như không tệ.

Lần này Cố Vệ Cường đến đây là để cảm ơn Phùng Hiển Toàn. Một sư phụ già trong đội vận chuyển của ông chờ hàng hóa trong lúc tuyết lớn, lúc phanh gấp lại, tay đập vào vô lăng nên bị gãy xương. Mà sư phụ già này lại là người giới thiệu Cố Vệ Cường vào đội vận chuyển, có đại ơn với ông.

Cố Vệ Cường nghĩ một lúc lâu rồi quyết định đến tìm Phùng Hiển Toàn. Thân phận của Phùng Hiển Toàn có chút đặc thù, không thể tùy tiện xuất hiện, nhưng có thể nhân lúc đêm khuya đưa Phùng Thanh Nham đến thị trấn, nhờ anh ta khám cho sư phụ già. Lại nói, chỉ dưỡng thương hai tháng, tay của sư phụ già lại hoạt động linh hoạt như trước kia, coi như đã bảo vệ được chén cơm của đội vận chuyển. Thế nên, đối với Cố Vệ Cường, hai người này là đại ân nhân, trả thế nào cũng không đủ.

Cố Vệ Cường còn cố ý cầm theo nửa cân rượu Đốt Đao*, một đĩa lạc và nửa cân tai lợn, đây đều là những món đồ nhắm được ưa chuộng.

*Đốt Đao hay còn được gọi là shochu cổ đại. Chủ yếu phổ biến ở khu vực Liêu Đông cổ đại (ngày nay phía đông Liêu Ninh và đông nam Cát Lâm), sở dĩ được đặt tên như thế là vì nó có độ cồn cao, hương vị mạnh, uống vào như đốt cháy cổ họng.

Sau khi đến nhà tên mặt rỗ Cố Nhị để lấy cái bàn, ông đi vòng quanh núi, rẽ vào con đường ngập cỏ đi về phía nhà tranh. Đến nơi, ông đập đập cửa: "Ông Phùng có ở nhà không?"

Cánh cửa gỗ cũ nát kêu lên hai tiếng kẽo kẹt, rồi mở ra.