Chương 29: Chương 29. Xác chữ

29. Xác chữ

Truyện ngắn của Phạm Long Hà

Hạnh đưa cánh tay gầy nhẳng xanh xao vén khe khẽ miếng vải che hờ khung cửa sổ. Miếng vải màu xanh nhạt đã cũ kĩ ngả vàng như tấm màng ngăn cách căn phòng u tối ẩm mốc tĩnh mịch với thế giới đầy phởn phơ thơ thới tạp nham ồn ã bên kia đường. Chẳng mấy khi Hạnh chạm tay vào tấm vải ấy, vén ra. Với hắn, ánh sáng như của thừa. Hắn nghe tiếng mưa gõ trên mái tôn boong boong từng giọt thưa rồi mau dần tới lúc sàn sạt không còn rõ hạt ngắn hay hạt dài. Hắn thấy tiếng bước chân của mẹ cùng tiếng thốt ngỡ ngàng: “Trời ơi, tháng Giêng mưa rào!”. Hắn nhỏm người nhìn ra ngoài, mưa xối xuống, từ vỉa hè, từng dòng nước đen ngòm như nước cống loang rộng chảy xuống mặt đường trôi vằn vèo như những con rắn khổng lồ dị dạng. Ngáo ngơ nhìn người xe xuôi ngược giao nhau khiến mắt hắn hoa lên. Bỗng gió bấc xiên thành từng luồng vào ngực, hắn bất chợt rùng mình, vội kéo tấm vải. Đặt khe khẽ cái đầu xuống mặt chiếu, hắn thao láo mắt nhìn lên trần nhà lắng nghe mẹ hắn đi lại khẽ khàng trong căn phòng, vừa rờ rẫm vừa lẩm bẩm với cơn mưa rào trái mùa kì lạ. Mẹ hắn bảo, mọi thứ lung tung rồi, mùa cũng lung tung. Hắn chợt phì cười vì cách nói của mẹ nhưng bỗng một cơn nhói trong não khiến hắn lại ngây ra.

Con phố vắt ngang tầm mắt từ khung cửa sổ nhà Hạnh cứ Tết đến bỗng huyên náo lạ thường. Cả một vỉa hè bán buôn cho gửi được bày ra với đủ thứ hàng từ lọ hoa bình bát giả cổ, tranh gốm tranh sứ, tranh Đông Hồ, Hàng Trống, giấy điệp mực tàu đến giày xuất khẩu lỗi, găng tay cao su, hóa chất cọ rửa. Không hẹn mà thành, từ ngày rằm tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng, thiên hạ rủ nhau về bán mua. Hạnh cũng chẳng nằm ngoài số người thẩn thơ trên cái vỉa hè ấy. Hắn thủng thỉnh ra đường.

Ngày nào cũng giống ngày nào, đầu tiên hắn ghé quán nước làm ngụm trà thật đặc, bắn mồi thuốc lào rồi phả khói mơ màng lên tán cây trên đầu. Quán có quanh năm, chẳng kể mưa hay nắng, một góc tựa lưng vào bờ tường, góc kê vào cột điện, cái võng đung đưa lão chủ quán cả bốn mùa, ngày đêm. Hạnh với lão chủ quán có lạ gì nhau, bởi cùng là dân trên con phố này, chỉ có điều, thời lão mặc bộ quần áo lính ngồi tựa lưng vào bờ tường, tay vẩy dây đàn cất giọng hát về những cơn mưa rừng hay những ngày xuân đầy tiếng súng thì Hạnh mới đang mặc quần đùi đi học. Vì thế, cuộc đời lão đối với Hạnh, có những khúc vẫn còn như một ẩn số.

Hạnh phà thêm một ngụm khói lên cây, lâng lâng thể xác trong một ban mai tịnh mát, bắt chéo tay sau lưng thong thả bước trên vỉa hè. Hắn đi chậm rãi nhìn chăm chú từng món hàng. Chỉ khi bước chân đến dãy hàng chữ thì hắn sững lại. Hắn ngỡ ngàng nhìn một dọc bờ tường treo đầy giấy đỏ, không tin vào mắt mình vì thấy nó bỗng dài hơn năm ngoái năm kia. Sững lại rồi bước tiếp. Hạnh ước chừng mọi năm, dãy hàng chữ chỉ ngồi một hàng chừng dăm ba chục bước chân, giờ bước từng đấy bước, hắn mới chỉ đến chỗ ngồi của lão thầy già bạn vong niên của bố hắn. Hắn chắp tay xá ông cụ râu trắng như cước ấy một xá rồi đi tiếp, nhẩm tính cũng còn phải cả vài trăm bước nữa hắn mới đi hết dãy hàng chữ. Hắn đi một lượt rồi dừng lại từng chiếu, cứ chiếu nào đông khách hắn chen vào. Hắn nhìn như hút vào chữ, vào cái màu mực đen mê hoặc cả đời cha hắn rồi truyền sang đời hắn. Có người viết nhận ra hắn đang lẫn trong đám đông người ngắm chữ kia thì reo lên: “Thầy Hạnh”. Hắn ngơ ngác cười, chắp tay trước trán, gập lưng vái dài người vừa xướng tên mình.

Từ hôm cái vỉa hè bán mua kia hoạt động, Hạnh cứ đi về bần thần. Có một tối, hắn bỏ cơm, bó gối ngồi nhìn chằng chằng lên bàn thờ cha. Hắn thắp ba nén hương lầm rầm khấn tiếng được tiếng khan rồi vặn tách cái công tắc đèn bàn. Hắn đi lại phía tủ sách của cha để lại, rút toàn bộ những cuốn sách tiếng Hán xếp thành chồng. Hắn lẹp kẹp bước xuống cầu thang ra phía sân kiếm cái chậu men mẻ mép của mấy bà già dùng để hóa vàng. Bóng hắn lặng lẽ hắt lên tường, gầy nhẳng và đơn độc. Hắn gù gù cái lưng ngồi xuống. Trang sách đầu tiên vàng ố mong manh rơi xuống đáy chậu. Lửa bùng lên. Hắn đốt.

Lửa uốn éo tựa bức tượng nàng vũ nữ Chăm chập chờn ma quái in bóng lên tường. Liếm láp ngon lành từng trang giấy tơi tả rơi ra từ tay hắn, cái màu ố vàng co rụm lại rồi biến mất trong chiếc chậu. Chữ nghĩa cũng biến mất. Tay hắn run run. Môi hắn bậm lại. Mắt hắn trừng trừng nhìn vào chậu tro. Bỗng một tiếng “xèo” rất nhẹ tan nhanh trên đống tro còn đang nóng rực. Giọt nước đâu như từ mắt hắn rơi ra. Hắn khóc. Hắn ậc ậc vài tiếng rồi bỗng hu hu tru lên như chó sói.

Cả cái vỉa hè bán mua cho gửi kia chiều nay om xòm tiếng nhạc. Từ giá chầu Ông Hoàng Bảy đến quan họVào chùa rồi Tương phùng tương ngộ đều thành nhạc đường phố ầm ầm với 2 chiếc loa thùng cỡ đại. Hạnh không dạo bước ngoài hàng chữ nữa, hắn ngồi lì nơi quán nước, mắt vô hồn nhìn mớ bảy mớ ba phấp phới bên kia đường. Lão bán quán nước chè thì khục khặc trong họng. Hạnh chỉ loáng thoáng nghe tiếng lão chửi. Lão chửi từ ông thầy già từng là bạn vong niên của bố Hạnh bỗng dở chứng ham tiền viết một chữ trên tờ giấy điệp bán ấy đứa sắp thi đại học bằng mệnh giá lớn nhất của tiền Việt, xin chữ hay mua chữ xong chúng đều xót, chửi lũ trò ranh viết được chục chữ cả đúng lẫn sai cứ đánh mép khua môi bán cho được, chửi người mua không hiểu chữ mà hám trò như trọc phú. Thành ra, tổng cộng tất tật lời của lão, thì lão chẳng tha ai, chửi từ đầu đến cuối vỉa hè. Rồi bỗng lão im bặt, lặng đi một hồi lão nói mà như nấc:

- Thời ông cụ nhà chú, chữ nghĩa hiu hắt – Lão hất hàm chỉ về góc phố - Nghèo! Như nhà tôi, sáu cái mồm khỏe như vâm, cả cái Tết được bốn lạng thịt ba chỉ bẽo nhẽo bạc nhạc, thì ai nghĩ gì đến chữ. Vài ông nhà trên phố cổ xuống đây, xin viết một chữ rồi ra ngồi tán cả buổi. Người ta bảo: Chữ ông cụ nhà chú đẹp và cốt cách lắm.

Hạnh cứ ngồi như vậy nhìn buổi chiều mùa đông rơi sập trên đầu. Mùi trầm hương bắt đầu lan nhè nhẹ trong không gian, quẩn sâu vào trong gió. Những mớ ba mớ bảy bên kia đường đến hồi vãn tà thì lão chủ quán nước nhổm dậy khỏi chiếc võng xoay người gỡ chiếc đàn cũ treo trên bờ tường xuống. Lão vuốt nhè nhè dây đàn. Lão cất giọng rè rè hát. Mùa xuân lá khô. Bài hát này Hạnh đã thuộc tai thuở còn đi học.

Nghe tiếng đàn của lão bán quán, cái quán nước bỗng vòng trong vòng ngoài người đứng nghe. Cả phố hàng chữ vừa dọn xong giấy mực cũng vây cả lại để tợp ngụm trà, rít vài mồi thuốc, chỉ còn lão thầy già vẫn lúi húi dọn giấy bên bức tường cùng một đứa con gái mắt thâm môi mỏng. Lão chủ quán kể với Hạnh ban sáng, năm nay thầy già có trợ lý thu tiền, sáng nó chở thầy đến, ngồi kè kè thầy cả ngày, chiều tối nó lại chở thầy về. Hạnh lọt thỏm người bên góc cột điện nhìn chăm chú dáng vóc ông bạn vong niên của cha run run vịn tay vào vai đứa gái rồi khẽ khàng vắt chân lên ngồi sau xe máy. Chiếc xe lao vút xuống đường, Hạnh vẫn ôm chặt chén nước trà. Trong tay hắn, lớp men ngoài chiếc chén ướt bóng lên vì mồ hôi từ lòng bàn tay hắn túa ra chứ nước thì đã nguội từ bao giờ . Hắn bỗng nhớ cha mình quá, nỗi nhớ héo hắt run rẩy như cơn gió chiều.

Thuở lên năm, Hạnh bắt đầu mài mực cho cha viết chữ. Mài mực một năm, cha tập cho Hạnh cầm bút. Chữ của cha Hạnh, người treo trong nhà không nhiều, người hiểu mới dám chơi nên chữ chỉ nằm nhiều trong đình đền miếu mạo chùa chiền và các câu đối treo trong nhà thờ nhiều dòng họ. Cả một đời, ông gập mình bên án thư như cây si già cắm rễ vào chữ, tai không nghe lời thị phi, mắt chẳng nhìn tới sự đổi thay thế thời cũng như chẳng màng tới sự tầm phào của thiên hạ. Tới Hạnh, hắn thông thạo hai mươi tám thứ ngôn ngữ nhưng cái chữ được viết nên bởi màu mực đen óng ả huyền hoặc kia vẫn luôn ám ảnh tâm tư hắn. Sau khi cha Hạnh mất, những người quen cũ của cha tới nhờ Hạnh làm nốt phần việc dang dở của ông. Cả căn phòng Hạnh chật nút trên gác hai của khu tập thể cũ nát, luôn ngập lên giấy tờ sao chụp lại những bản sắc phong đã mất hoặc cũ nát của nhiều dòng họ. Đi thì thôi, nếu ở nhà đêm đêm, hắn lại giống cha, gập mình bên án thư, in chiếc bóng cô độc lên bức tường vôi nham nhở mốc vàng.

Người am hiểu khen Hạnh “hổ phụ sinh hổ tử”, chữ nghĩa hắn như rồng bay phượng múa lại phủ màu bàng bạc của núi rộng sông cao. Hắn chỉ gập người, xá người khen một xá dài.

Càng áp Tết, vỉa hè kia càng trở nên tấp nập. Những hàng lọ bình bát cổ, tranh gốm tranh sứ, găng tay giày mũ nước tảy rửa dọn hàng từ sáng Ba mươi, chỉ còn lại dãy hàng chữ vẫn đông nghẹt người xem mua chen lấn. Chữ nghĩa gặp cơn gió nồm, mực đọng lại chảy thành dòng trên giấy, phấp phới bay dọc vỉa hè xớn xáo xôn xao. Đông người đến mua, dãy hàng chữ như được nâng cấp trở thành “chợ”, vách bịt lều che sớm chiều eo xèo mặc cả, bán mua, đổi chác. Chợ chữ náo nhiệt từ sáng sớm tới sẩm chiều, khi người ta không còn nhìn nổi mặt chữ trên nền giấy nữa thì dọn hàng.

Hạnh, lão chủ quán, anh chàng vẽ chân dung dạo cùng tay cắt tóc đầu phố bày chiếu rượu vỉa hè từ chín giờ sáng tới quá ba giờ chiều chưa ai muốn đứng lên. Lão chủ quán phó mặc việc cho đứa gái vẫn gọi lão là “bố”. Nó cứ tong tảy tay xách tích tay cầm chén, chân quấn lên cổ rót nước cho cả dãy vỉa hè rồi mê mải chạy lấy thêm nước sôi, thay xỉ than. Những lúc khách đông quá, mình nó phục vụ không hết, Gái quay sang gọi “bố”. Lão dường như không đếm xỉa đến tiếng gọi, nhưng có lúc bực lên, lão quát: Dẹp!.

Nhân lúc lão chủ quán đứng lên, lõng thõng đôi chân cà nhắc bước về phía cuối con phố, nơi đặt nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách đi đường, tay cắt tóc ghé vào tai Hạnh thì thầm. Hạnh như ớ ra vài phút rồi lại như chả có chuyện gì.

Rượu tàn, anh chàng vẽ chân dung dạo xoa bụng, tay thợ cắt tóc phủi đít, dọn chai, cùng mấy cái đĩa đựng đồ nhắm, lão chủ quán trở về đung đưa trên cái võng, Hạnh lại ngồi như dán người vào góc cột điện. Hắn cúi cong cái cổ như muốn để khuôn mặt song song với mặt đất nhưng thực ra thì hắn đang nhìn vào đôi tay của cái Gái. Tay Gái, da nứt toác như mặt ruộng ngày hạn, sần sùi chai cứng, chỗ tím lại, chỗ đỏ phồng lên. Những ngón tay ngắn, dị dạng sần sùi như phong ăn. Tay cắt tóc kể, cái Gái có đôi tay như thế, hồi nhỏ đi xin việc gãy lưỡi què chân chả gia đình nào dám nhận cho nó làm giúp việc. Thấy nó lang thang vất vưởng, lão chủ quán mới bày cái bàn bán nước ra vỉa hè cho nó đun nước, đổ xỉ than, và nó gọi lão bằng “bố”. Hạnh lại nhớ đến ánh mắt tinh quái của tay cắt tóc lúc kề miệng vào tai hắn thì thầm, rằng chỉ có mình tay ấy biết cái Gái là “tay vịn” của lão chủ quán, chứ chẳng bố con gì.

Chuyện bán buôn chữ nghĩa, hay góc tối của những mảnh đời trên cái vỉa hè này cũng đáo để hay. Cả năm gặp nhau chỉ một lần, chữ ai “lên tay”, chữ ai chỉ còn cái xác rỗng hay những bí mật tưởng chôn vùi bỗng bị bới móc đem buôn dưa lê. Lão thầy già bạn vong niên của cha hắn năm nay tay đã run lắm, khi xưa vận bút lẹ như dùng roi nhưng nay có lúc đãng trí viết quên nét. Thầy đồ Gia vốn tô chữ như thần năm nay bệnh gút hành hạ năm đầu ngón tay bèn giao lại chiếu chữ cho anh con trai, gặp hai người khách là lính biên phòng xin viết chữ “Tổ quốc”, anh con trai viết chữ “Tổ” rồi lật như muốn rách cuốn từ điển Hán - Việt vẫn không nhìn ra chữ “Quốc” viết nốt. Hạnh ngồi uống rượu với lão chủ quán nước, anh vẽ chân dung dạo, tay cắt tóc đầu phố từ sáng nghe kháo đủ thứ chuyện nhưng hắn đâu thấy rượu ngon gì, cứ đắng ngòm trong cuống họng rồi chát xít lại nơi thành vách dạ dày.

Hạnh đứng dậy, rời lưng khỏi cái cột điện. Lão chủ quán đoán hắn say lắm nên về nhà vì lão thấy mắt Hạnh đã chuyển sang màu đục ngàu. Nhưng hắn không về. Hạnh đi một lượt dọc vỉa hè, tay chắp trước ngực vừa đi vừa vái trước sự ngỡ ngàng của cả dọc dài con phố. Đi hết dãy hàng chữ bỗng dưng hắn húc sầm đầu vào bờ tường. Cú húc đầu mạnh tới nỗi tấm lưng lão chủ quán đang tựa vào bờ tường đầu kia cũng nghe thục lên một tiếng. Nháo nhào người xô nhau lại, lão chủ quán cũng cuồng chân thậm thọt chạy đến đám đông.

Hạnh mở mắt. Ý nghĩ đầu tiên sục sạo vào não hắn: Không chết! Hắn nhìn thấy khuôn mặt mẹ nhòa rồi nét rồi nhòa. Hắn lại thiếp đi.

Hắn được đưa về nhà trong tiếng nỉ non rên rỉ của mẹ cùng tiếng chẹp miệng của mấy bà già cùng khu tập thể rằng hắn đúng là thằng Hạnh rồ. Mẹ hắn than, con bà sẽ phải nằm yên cả tháng trời cho đám máu bầm bám trong não tan ra.

...

Hạnh nằm yên nghe từng tiếng bụi rơi trong căn phòng u tối ẩm mốc. Dường như mẹ hắn đang thắp hương khấn khứa thần linh thổ địa tổ tiên và cha hắn nên không gian quanh hắn quẩn đặc mùi khói nhang. Nhưng hơn cả thế, mùi khói càng lúc càng nặng, hắn ngóc đầu nhìn ra cửa sổ, bên kia đường lửa đang liếm từng đống giấy chất trên vỉa hè. Khói lượn vòng vèo bám lên cây, chui vào cửa sổ nhà hắn, mờ mịt. Hắn giật mình nhớ ra, hôm nay ngày Rằm tháng Giêng, ngày kết thúc của dãy hàng chữ. Chữ nghĩa còn sót lại được hóa vàng, tro than đang bay nháo nhác cả phố. Hạnh trừng trừng, dường như những cái xác của Phúc Đức Trí Tâm Hạnh Duyên Lộc Đạt đang lượn lờ trên không trung đùa giỡn trêu ngươi mắt hắn. Hắn đờ đẫn đưa tay kéo tấm vải che khung cửa sổ lại. Nhắm mắt rồi nhưng hình ảnh cả một vỉa hè dài xáo xác tro than đen sì nham nhở đỏ trắng vàng những mẩu giấy chưa cháy hết cứ như đang nằm ngay cạnh hắn. Tim hắn cứ đập dội lên từng hồi, mạnh tới nỗi hắn ước lượng được trọng lượng quả tim mình.

...

Người đàn bà cả đời dành nhiều thời gian cho việc quẩn quanh trong nhà dường không chịu nổi sự thất thường thời tiết trái mùa. Mẹ Hạnh cứ sột soạt đám túi ni lông như cất giữ gói ghém cái gì lâu lắm, miệng không ngớt lẩm bẩm, than van.

Kì lạ, tháng Giêng mà có mưa rào!