Chương 27: Chương 27. Những đứa trẻ chết

27. Những đứa trẻ chết

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Ánh Tuyết

Sau khi được người ta vớt lên từ dưới sông, đứa trẻ đã chết lâu rồi, nó không còn thở nữa và tim cũng ngừng đập. Cả người nó sũng nước và lạnh ngắt. Khuôn mặt trầy xước, bợt bạt, biến dạng. Những lọn tóc mây đen nhánh bết chặt lại trên vầng trán cao ẩn dấu một vẻ rất lanh lợi và thông minh. Người phụ nữ ôm thằng bé vật vã trong cơn đau tột cùng của cuộc đời là mẹ nó. Bà khóc than dữ dội và tức tưởi, như thể tất cả nỗi đau của cuộc đời này đều dồn nén lại nơi người phụ nữ bất hạnh ấy, cứ âm ỉ giày vò, hành hạ bà một cách nghiệt ngã, cứ bám riết dai dẳng mà không tự giải thoát .

-Con ơi, sao con lỡ lòng nào bỏ mẹ mà đi! Con đi rồi thì mẹ biết sống với ai? Mẹ chỉ có mỗi mình con, nuôi con lớn đến ngần này con lại nhẫn tâm xa mẹ. Con ơi, tỉnh lại đi con! Tỉnh lại nhìn mẹ đi, mẹ về với con rồi, từ nay mẹ không đi nữa, dậy đi con, đừng làm mẹ sợ...

Mặc cho tiếng lay gọi tha thiết của người mẹ, đứa trẻ vẫn nằm im, bất động, hai hàng mi mệt mỏi so mình vào nhau, mắt nó nhắm nghiền như không muốn mở ra để tiếp tục nhìn thấy cuộc đời. Đôi môi tím tái rủ xuống ủ dột.

Chỗ nó ở cách làng tôi một cánh đồng. Đó là một thằng bé tội nghiệp. Nó bị người cha nát rượu đánh đập ngay từ trong bụng mẹ. Khi lớn lên, nó trở thành một đứa trẻ ít nói và buồn rầu. Nó hay đi lang thang và thơ thẩn chơi một mình ngoài bờ sông. Ngày nó mất, những người đi làm đồng sớm vẫn nhìn thấy đứa trẻ ở đó với những mảnh vỏ chai, bột gạch vụn và những chiếc lá thái nhỏ làm đồ hàng. Có ai đi qua nó reo to:" Bác ăn cơm với cháu!". Vậy mà hôm sau người ta đã nhìn thấy xác nó nổi lên, dạt vào gần bờ sông. Dường như đứa trẻ bị ngã xuống nước khi nó cố nhoài người ra với những cành duối ngả ra sông. Mọi người hốt hoảng kêu la, vội vàng đưa nó đặt lên bờ.

Trong đám người túm tụm ấy có cả cha tôi. Ông đứng ngây người ra nhìn mẹ con đứa trẻ. Từ trong đáy mắt lạnh lùng ánh lên cái nhìn thẫn thờ, thương cảm. Đến khi mọi người ra về hết, ông vẫn còn ngồi đó rất lâu, xa xăm nhìn về phía dòng sông như chờ đợi một linh hồn bay lên trời, về với thượng đế.

Hai chị em chúng tôi cũng bất hạnh như đứa trẻ chết đuối kia. Nhưng. May mắn hơn là chúng tôi vẫn còn sống. Vẫn còn có thể hi vọng ở sự đổi thay của cuộc đời. Và trong những giấc ngủ ngắn ngủi, chen giữa những giấc mơ kinh hoàng biết đâu vẫn còn mơ thấy những điều tốt đẹp. Dẫu biết rằng, hạnh phúc và khổ đau là một tất yếu của cuộc đời. Nhưng, đối với mỗi chúng tôi, khổ đau thì nhiều mà hạnh phúc còn quá ít ỏi và mong manh.

Cha đánh chúng tôi luôn luôn, bất kể lúc nào, như thể ông muốn chút hết gánh nặng của cuộc đời vào những đứa con. Trong tiềm thức ngây ngô của tuổi thơ, ông hiện lên như một hung thần khi cầm trên tay chiếc roi mây, cây lứa, đòn gánh hay bất cứ thứ gì có thể quật vào những thân thể yếu ớt của chúng tôi. Vừa đánh, miệng ông vừa rít lên từng tiếng mắng nhiếc lúc dữ dội, lúc lại trùng xuống rên rỉ:

-Chúng mày làm khổ tao! Sao chúng mày không chết quách đi cho đời tao đỡ khổ? Sao chúng mày không đi luôn cùng mẹ chúng mày? Hay chúng mày còn ở lại đây để dằn vặt tao? Trời ơi, kiếp trước tôi đã làm gì nên tội mà kiếp này trời lại đày đọa tôi? Ôi trời ơi, khốn khổ cái thân tôi! Chúng mày làm khổ tao! Chúng mày sinh ra mà làm gì? Sống mà làm gì?...

Ông khóc. Những giọt nước mắt trào ra từ khóe mắt, chan hòa trên khuôn mặt tàn nhẫn. Miệng cha vẫn chửi như cơn đau đời chưa dứt, còn hành hạ làm trong ông khó chịu. Sự tức giận khiến những nếp nhăn trên khuôn mặt khắc khổ của cha xô vào nhau, dúm dó, làm vẻ mặt ông càng dữ tợn, đáng sợ. Chúng tôi không biết làm gì hơn là đứng nép vào một góc tường, sợ hãi đón nhận những trận đòn thù của cha một cách đầy cam chịu. Đứa em gái níu lấy tay tôi khóc không thành tiếng, cứ ư ử, nghẹn ngào nơi cổ họng. Lúc ấy, tôi đã nghĩ đến mẹ. Có đôi chút oán hận nhưng rồi lại mau chóng tan nhanh. Dù kể từ ngày đi, mẹ chưa một lần về lại, mặc cho chúng tôi héo hon vì thương nhớ, dù mẹ đã bỏ lại chúng tôi để hai chị em tôi đơn độc hứng chịu những trận đòn khốc liệt của cha, như đánh cả cho phần của mẹ nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn không hề oán trách. Bởi mẹ đi là một sự giải thát khỏi kiếp sống đọa đày.

Mẹ rời bỏ chúng tôi vào một sớm mùa đông trời mưa tầm tã, sương giăng dầy đặc trắng xóa cả dòng sông. Chiếc thuyền neo gần bờ thấp thoáng trong sương lạnh, nín hơi như chờ đợi người khách chạy chốn quê hương. Tôi vẫn nhớ như in ngày hôm ấy, khi mẹ nắm chặt tay hai chị em chúng tôi chạy nhanh qua những cánh đồng đang co ro vì giá rét, những ngôi mộ âm u rầm rì tiếng thở than của những linh hồn và những cơn gió ỉ ôi như người ta than khóc làm chúng tôi sợ hãi. Bây giờ nghĩ lại, hai chị em tôi mới nhận ra chưa bao giờ mình can đảm như thế. Nhưng khi gần ra đến bờ sông, cũng là lúc cha đuổi theo gần sát mẹ con tôi. Không còn cách nào khác, sau những phút đắn đo, ngậm ngùi ngắn ngủi, mẹ bỏ lại chúng tôi, vội vàng chạy nhanh lên thuyền, mặc cho tôi và đứa em gái đã cố gắng níu lấy áo mẹ:

-Mẹ ơi, mẹ đừng bỏ chúng con. Con không muốn sống với cha. Con sợ lắm! Cha sẽ đánh chết con mất. Mẹ đừng đi. Mẹ ở lại với con mà. Con hứa từ nay con sẽ ngoãn ngoãn, không hư, không làm mẹ buồn nữa. Mẹ bỏ hai chị em con lại, chúng con biết sống làm sao!

Đứa em gái tôi nức nở. Miệng nó méo xệch, giọng lạc đi, khản đặc vì gào khóc. Những tất cả những điều đó không lay chuyển được mẹ. Cuối cùng, mẹ vẫn cương quyết ra đi, rũ bỏ chúng tôi.

Con thuyền trôi từ từ trên dòng sông, mang theo mẹ và niềm hi vọng cuối cùng của tôi và em gái. Mẹ vẫn đau đáu dõi vào bờ, đôi mắt nửa như lưu luyến, nửa như van lơn sự tha thứ đến khi con thuyền dần dần khuất bóng trong sương mù. Và cũng từ ngày ấy, dẫu bốn mùa vẫn cặm cụi tuần hoàn cùng dòng chảy của thời gian, con thuyền ngày nào vẫn lênh đênh đưa đón khách, chúng tôi trở thành những đứa trẻ ngày ngày dắt díu nhau lang thang trên bến sông, chờ đợi mòn mỏi, với bao hi vọng rồi lại thất vọng trong vô số những người đàn bà ghé thuyến sang sông. Vậy mà vẫn không có mẹ.

Con đường dẫn vào làng trong những đêm mùa đông buốt giá, cô quạnh và rầu rĩ. Nhưng ngôi nhà mái ngói, mái tranh liêu xiêu, đổ nát mang vẻ trăn trở nằm san sát, nép mình vào nhau như muốn chống đỡ những cơn thịnh nộ của cuộc đời. Trong bóng tối, hàng cây bạch đàn lầm lì đứng im lìm, sừng sững như những bóng ma. Trăng và sao đã rủ nhau đi trú đông ở nơi nào, để lại một bầu trời hoang vắng. Không gian đặc quánh lại trong một màu đen tối thẫm, âm u. Tôi và em gái cầm tay nhau hớt hải chạy dọc con đường đất trơn và nhầy nhụa, men theo cánh đồng ra ngoài lều cá bên bờ sông, để lại phía sau một khoảng tối đen sâu hun hút. Cha đã không còn cầm đòn gánh đuổi theo nữa. Biết đâu, bây giờ ông lại chẳng đang say rượu nằm lại ở ven một đoạn đường nào để sáng hôm sau mệt mỏi tỉnh dậy, thất thểu tìm đường để về nhà và sẽ lại cất tiếng chửi rủa khi vừa nhìn thấy bóng chúng tôi thập thò ngoài cổng.

Ngoài lều cá, những cơn gió trời như được thời cơ nổi loạn, chúng sỗ sàng va đập cánh cửa cũ rách và thốc mạnh vào trong lều cá làm hai chị em tôi tê cóng. Tôi thở dài như muốn ném tất cả u sầu vào đêm tối. Đứa em gái thút thít khóc, những giọt nước mắt tuôn trào từ đôi mắt ngây thơ của nó làm ấm cánh tay chai sạn của tôi.

-Chị ơi, em lạnh quá!

-Thôi, em cố chịu đi, trời sắp sáng rồi!

-Hay mình về nhà đi!

-Không được đâu, về nhà bây giờ thì bố đánh chết đó. Em có muốn bị đánh không?

-Em không muốn đâu! Nhưng mà...

Nó bỏ lửng câu nói, nghẹn ngào dụi mặt vào ngực tôi, mắt nhắm nghiền như muốn quên đi thời tiết khắc nghiệt để chìm sâu vào giấc ngủ. Tôi khẽ khàng đưa tay quàng qua người nó, nhẹ nhàng vuốt những sợi tóc mây mềm mại, vỗ về và bất chợt cất tiếng hát ru của mẹ" Âù ơ, cái ngủ mày ngủ cho ngoan, để mẹ đi cấy đồng sâu chưa về..."

Cuối cùng, em tôi cũng ngủ yên. Ngoài trời, gió vẫn thổi xao xác từng cơn. Bên bờ sông, dường như có ai đó đang ngồi thẫn thờ đạp chân khuya những con nước. Tôi băn khoăn tự hỏi:" không biết kẻ cô đơn nào lại ngồi giữa đêm mùa đông lạnh thế này?". Tôi tò mò lại gần, thì ra đó là một cậu bé. Và thoáng giật mình khi nhìn thấy nó chỉ mặc độc có một bộ quần áo cộc mỏng manh, vá víu.

-Em không lạnh à?

Thằng bé quay sang nhìn tôi. Thứ ánh sáng hiu hắt từ cây đèn treo trước lều làm cả khuôn mặt nó hiện lên mờ ảo với đôi mắt to, đen láy nhưng mệt mỏi, u buồn:

-Sao em không về nhà? Em không sợ ma à? Đêm lạnh thế này mà em chỉ mặc thế thôi hả? Thế nhà em ở đâu? Chị đưa em về nhé!...

Mặc cho tôi luôn miệng hỏi han, thằng bé vẫn im lặng, chân vẫn không ngừng đạp nước. Tôi kiên nhẫn ngồi xuống bên cạnh nó.

-Chị có hái được chúng không?

Nó thẫn thờ chỉ vào những cành duối đâm ra sông, hỏi tôi .

-Xa lắm. Chị không hái được. Em cần chúng làm gì? Khuya lắm rồi, về nhà đi, bố mẹ em sẽ lo lắm đấy!

- Em không về được?

-Sao thế?-Tôi lo lắng hỏi

Sau một thoáng im lặng, nó ngập ngừng:

-Vì... em đói!

Nó từ từ thả mình xuống mặt nước, chầm chậm lội trên sông, khi ra giữa dòng, nó quay lại nhìn tôi một cách buồn rầu rồi lặng lẽ tan biến vào sương khói để tôi thần người đứng trơ lại trên bờ đầy kinh ngạc và sợ hãi. Tôi choàng tỉnh dậy mới ngỡ ngàng đó là một giấc mơ nhưng tôi vẫn nghe thấy văng vẳng bên tai tiếng khuya nước và ám ảnh trong tâm trí khuôn mặt nhợt nhạt của thằng bé xa lạ. Một miền kí ức ùa về. Ở đó thấp thoáng hình ảnh về một trưa hè oi ả. Nắng chang chang dát vàng mọi nẻo đường khiến chúng thao thức vì nóng bỏng và khô rát. Cả làng quê đang im lìm trong giấc ngủ vùi mệt mỏi. Bỗng. Xáo động cả không gian tiếng người ta tớn tác gọi nhau, âm thanh dồn dập của những bước chân mải mốt, vội vàng. Mọi người đứng túm tụm ngoài bờ sông, vây quanh một người đàn bà đang vật vã trong tiếng khóc than thảm thiết. Một đứa trẻ nằm sõng soài trên nền đất, trong vòng tay gầy guộc của người mẹ. Có khi nào...

Mấy ai ngờ, đằng sau những lũy tre làng yên ả ngả mình vào nhau che chở cho làng tôi là những cơn bão táp của cuộc đời. Ở đó, có những đứa trẻ như chúng tôi. Những đứa trẻ nghèo nàn, thất học, mặt mũi lúc nào cũng lấm lem bùn đất, buồn rầu, ngẩn ngơ, đôi khi cả tục tĩu, biết văng bậy và chửi thề. Chúng lang thang trên những cánh đồng, ven những con sông. Chúng rình rập trong những bờ bụi để chờ người ta bất cẩn rồi ăn cắp. Những đứa trẻ bị cha chúng ruồng rẫy, hắt hủi ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Xét đến cùng, đó cũng chỉ là những đứa trẻ đáng thương, những đứa trẻ chết yểu khi mới chớm đặt chân vào ranh giới của cuộc đời. Vì mưu sinh, vì hoàn cảnh xô đẩy, hay vì một lí do nào khác những đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi, vì lẽ đó mà cuộc đời chúng cũng chẳng khác gì cuộc đời của những đứa trẻ mồ côi. Những đứa trẻ chết dần chết mòn trong sự ghẻ lạnh. Chúng sống trên đời vật vờ, tạm bợ. Và trông chúng giống những sinh vật nhỏ bé, yếu ớt, tất cả hành động theo bản năng. Những đứa trẻ lớn lên, chúng rời làng quê phiêu dạt kiếm ăn nơi xứ người. Rồi đến khi bị sóng gió cuộc đời quật tơi tả lại tìm đường quay trở về quê hương như con thuyền sau bao lao đao muốn tìm một bến đỗ bình yên. Chúng lấy vợ, sinh con. Nhưng chúng không thay đổi hình hài mà mang chính những khuôn mặt tàn nhẫn của cha chúng. Những đứa trẻ tội nghiệp lại ra đời, vẫn quay cuồng trong vòng tròn luẩn quẩn của số phận.

Kết thúc mùa đông bằng một trận mưa rào xối xả, trời trở sang mùa xuân ấm áp và dễ chịu, nhất là khi có sự xuất hiện của người đàn bà mua sắt vụn. Không ai biết bà từ đâu tới mà chỉ biết rằng từ khi có người đàn bà ấy, bọn trẻ con trong xóm thay khuôn mặt ủ ê bằng những tiếng cười vui vẻ vì chúng có kẹo kéo để ăn. Bà nói chúng tôi dễ thương và đặc biệt quan tâm nên nhiều lúc kẹo kéo còn được bà cho không. Bà hay nhìn đứa em gái tôi bằng đôi mắt thẫn thờ và thường cho nó đồ chơi. Những vỏ chai bẩn thỉu mà tôi nhặt nhạnh trong vườn được người đàn bà đồng nát trả với giá cao, như thể bà vừa mua vừa cho. Giữa chúng tôi không có bất cứ một mối quan hệ máu mủ nào nhưng tình cảm của người đàn bà xa lạ khiến chúng tôi quyến luyến. Biết đâu, bà lại chẳng đã có những đứa con, cũng chạc tuổi chúng tôi và có những nét giống nhau, vì mưu sinh, bà phải xa chúng. Và, bây giờ, khi nhìn hai chị em tôi, bà chạnh lòng khi nhớ về những đứa trẻ mình đã bỏ lại bơ vơ.

Cha đã có phần nhẹ nhàng hơn trong cách cư xử với chúng tôi. Những công trình ít dần đi. Cha không còn phải theo đám phụ hồ hết làng này sang làng khác. Nhưng cũng từ đây, cha có một niềm vui mới. Cha đem về một người đàn bà xa lạ. Bà ta có một dáng người nhỏ thó, đôi gò má cao và đôi mắt lá dăm bé tí, lúc nào cũng liếc ngang liếc dọc một cách gian xảo, khiến người đối diện không mấy thiện cảm. Dường như cha đã quên đi sự hận thù với mẹ để đón nhận người đàn bà kia. Ông chỉ vào người đàn bà ngồi ghé vào mép giường, bảo chúng tôi:

-Từ nay, kia là mẹ của chúng mày. Chúng mày phải đối xử tốt. Nếu hỗn, tao đánh chết!

Nhưng ở với cha chẳng được bao lâu, người đàn bà bỏ đi. Chúng tôi đã nhìn thấy bà khoác túi quần áo và ẵm đứa con gái mới lọt lòng ra bến sông chờ đò. Nhưng chúng tôi cứ để mọi chuyện buông xuôi, không níu kéo, ngăn cản cũng không nói với cha vì chúng tôi đã nhìn thấy mẹ trong người đàn bà ấy. Ngày hôm đó, trời cũng mưa tầm tã như ngày chạy chốn của mẹ. Dáng bà cô độc và yếu đuối giữa không gian đìu hiu, hoang vắng khiến chúng tôi chạnh lòng. Không biết ở con đường phía trước, liệu bà có chống đỡ được những cơn bão táp của cuộc đời.

Cha không đi tìm người đàn bà nhưng trút hết giận dữ lên đầu chúng tôi. Mười mấy năm qua đi đã tôi rèn chúng tôi trở thành những đứa trẻ chai sạn, không còn kêu khóc khi bị đánh mà chỉ âm thầm chịu đựng nuốt những giọt nước mắt mặn chát. Đến đêm, lừa lúc tôi ngủ say, đứa em gái đã bỏ đi để mãi mãi về sau không bao giờ còn quay trở lại. Ngôi nhà ngói ba gian xiêu vẹo, tuyềnh toàng giờ chỉ còn lại hai con người đơn độc, luôn thiếu vắng tình thương của một người phụ nữ. Không hiểu vì đâu mà người đàn bà bán đồng nát cũng không còn quay lại xóm đổi kẹo khiến tôi hụt hẫng.

Nhưng cũng kể từ đấy tôi hận cha, hận tất cả những gì mà tuổi thơ của tôi đã bị đánh cắp. Mặc cho ông đang dần thay đổi, ông không còn chửi mắng và đánh đập tôi, như thể ông muốn níu kéo đứa con gái cuối cùng còn sót lại. Nhưng, đối với tôi, tất cả đã quá muộn màng.

Trời ngả về chiều, gió lồng lộng thổi đung đưa những ngọn cây. Tôi tỉ mẩn nhặt từng hạt sạn, mở vòi nước vo gạo rồi bưng nồi vào bếp, nhóm lửa nấu cơm. Ngoài sân, cha vẫn cặm cụi làm những chiếc vó để ngày mai kịp thả chúng xuống sông. Bỗng từ xa dồn dập tiếng bước chân, tiếng người hò hét. Tiếng vọng ngày một gần hơn đến khi kéo hẳn vào trong sân nhà tôi một lũ người ngợm gớm ghiếc. Da chúng đen ngòm màu cháy nắng và trên mái tóc nhuộm những màu xanh đỏ lòe loẹt. Có khi nào, chúng đến để trừng phạt tôi vì đã dám cạnh tranh làm ăn với chủ cửa hàng cá ngoài chợ. Chúng mang những hình hài và những cái nhìn tàn nhẫn, nửa xa lạ mà nửa như thân quen. Biết đâu, nếu dò tìm trong kí ức, tôi đã từng gặp chúng ở đâu đó: một cánh đồng hoang vắng, ven bờ sông hay lấp ló trong một bụi cây rậm rạp...khi chúng còn là những đứa trẻ.

Bọn người dữ tợn tiến sát và dồn tôi vào chân tường của gian bếp, trực đánh nhưng cha đã kịp thời cản chúng lại. Chúng hung hãn quay sang đánh cha. Tiếng gậy gộc đập vào xương nghe răng rắc, đầu cha chảy máu, những giọt máu lăn dài trên mặt, rỏ xuống chiếc áo cộc trắng cha đang mặc làm tim tôi đau nhói. Tôi hoảng sợ đứng chôn chân một chỗ, bỗng có tiếng cha quát lớn:

-Chạy đi Lan! Chạy đi con! Chạy đi...

Tôi sực tỉnh, hoảng sợ bỏ chạy. Đây là lần đầu tiên trong mười tám năm sống trong kiếp người, tôi được nghe cha gọi một tiếng "con". Tôi ao ước đó không phải là lần duy nhất và cuối cùng. Tôi cắm đầu chạy băng qua những con đường, những cánh đồng quen thuộc rồi cuối cùng đuối sức gục ngã ở bờ sông. Mắt tôi hoa lên, toàn thân run rẩy vì sợ hãi. Tôi thấy tim mình đang thoi thóp. Trong lúc chờ đợi cái chết sẽ ập đến, tôi nghĩ về cha. Rằng, cha chỉ là nạn nhân của nghèo nàn và hủ tục. Gía như không có những con sóng dữ dằn của cuộc đời xô ngã thì có lẽ cha đã khác, sẽ hiền hòa và yêu thương chúng tôi. Cha ruồng rẫy chúng tôi chỉ vì cha khổ quá và ông muốn giải tỏa những cơn đau đang hành hạ, quặn thắt trong lòng. Trong cuộc đời, ai chẳng một lần phạm sai lầm. Điều quan trọng là biết quay đầu sửa chữa. Đừng bao giờ ta quay lưng với họ, đừng nên khắc hận thù nên đá mà hãy viết chúng lên cát để những cơn gió tới sẽ thổi bay đi. Bây giờ, sau bao biến động, tôi đã có thể tỉnh táo nhìn nhận lại cha và tha thứ...

Bỗng một bàn tay nâng tôi dậy, đặt đầu tôi vào lòng, vuốt những giọt nước mắt đang nhòe nhoẹt trên gò má, vỗ về tôi. Ngẩng mặt lên nhìn, tôi nhận ra đó là người đàn bà bán đồng nát, bà từ từ bỏ chiếc khăn đang che trên mặt chỉ để hở đôi mắt, tôi bàng hoàng khi đó là mẹ. Bà thổn thức:

-Mẹ xin lỗi...đã bỏ các con lại. Mẹ về rồi và sẽ không bao giờ xa con nữa. Con tha thứ ẹ, được khôg con?

Tôi không nói được lời nào. Mọi thứ từ từ chìm ngập vào bóng tối. Trong cơn mê man, tôi nhìn thấy đứa trẻ xa lạ có đôi mắt buồn rầu ngày nào đứng ở giữa sông nhìn tôi mỉm cười. Có một cột sáng chói lòa rọi xuống từ trên trời, một người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu đến bên, dắt tay nó theo cột sáng bay lên thiên đường.

Liêu Xá, ngày 13 tháng 7 năm 2011.