Chương 2: Chương 2. Gió lạc mùa

2. Gió lạc mùa

Truyện ngắn của Ngô Tiến Mạnh

1.

Bây giờ thì trời đã xà xuống là đà mặt đất. Ánh trăng oằn mình cứa thành những vệt tím bầm vắt nham nhở xuống thung lũng. Gió quyện sương thổi thốc, va đập, lẩn khuất. Chúng tôi đang lạc vào một âm cung ma mãnh, u uất. Gió mỗi lúc một mạnh thêm, tưởng trừng chiếc xe đạp đã đứng yên khi nó vẫn gồng lên từng mét. Tôi co giúm người và ôm chặt con vào lòng. Sầu vẫn ngủ ngon lành trước những âm thanh um um, oam oam vọng ra từ các vách núi nhảy múa, bám quanh chúng tôi.

- Có lẽ chúng ta phải đi bộ thôi A Chát à!.

Chiếc xe khựng lại. Tôi ôm con bật khóc. Mặc dù suốt chặng đường ngót nghìn cây số tôi đã cố để không khóc, dẫu rằng nước mắt lúc nào cũng đừ đừ ứa ra. Giờ thì những dồn nén ấy được đà cứ bung chảy ra ào ạt. Vẫn giọng nói ấm áp ấy. A Pồng đặt hạ nhẹ nhàng chiếc xe xuống vệ đường. Phải bật đến que diêm thứ tư mới châm nổi điếu thuốc. A Pồng vừa nói vừa nhìn ra khoảng mịt mùng trước mặt.

- Đừng khóc! . Con nó sợ A Chát à!. Qua đoạn đèo Khau Co này là xắp tới nơi rồi. Nhưng phải đi bộ thôi. Đèo đêm lên thì được chứ xuống thì nguy hiểm lắm. Ây dà! Mùa gió qua rồi, nhưng thi thoảng vẫn có những cơn gió lạc mùa đi qua đấy mà. Nào! đứng dậy ta đi thôi A Chát à.

Tôi càng khóc to hơn. Lẽ nào tôi đã quên. Đây là nơi tôi sinh ra kia mà.

A Pồng lặng lẽ gỡ chiếc ba lô đựng quần áo trên lưng tôi, đặt lên chốc cái hòm sắt đựng sách vở lên Gacbaga. Tôi lầm lũi ôm Sầu, xiêu xiêu bước theo. Tiếng khóc của tôi lưa thưa, nhoà nhoà trong khoảng mịt mùng hun hút gió. Trên đầu vệt trăng thưa dần và biến mất. Và phía trước của con đường. Một vầng sáng tinh khiết đang nhu nhú hắt lên.

2.

- Trần Thị Hoa Ban. Hai mươi tám tuổi. Quê quán, hộ khẩu Hà Nội. Tốt nghiệp loại giỏi. Hệ đại học chính quy. Đã có kinh nghiệm sáu năm công tác...Hoan nghênh. Hoan nghênh lắm. Hề hề.

Vẫn để nguyên chiếc kính bám trên chóp mũi tèn tẹt. Xoa xoa mái đầu ba phần tư khoảng trống. Ông trưởng phòng giáo dục huyện nhìn xía vào tôi như một vật thể lạ. Ông không còn nhận ra tôi nữa. Tôi đau nhói trước cái lý lịch ấy.

- Dạ thưa chú…

- Hề hề. Anh thôi. Cứ gọi anh cho nó hoành tráng.

Tôi chưa kịp nói hết câu thì ông đã tụt chiếc kính ra khỏi mũi, tay gõ gõ vào bàn và tiến đến bên tôi.

- Thế em định lên đây bao lâu?.

- Dạ thưa...

Tôi chưa kịp hiểu ra ý ông, và ông cũng chẳng cần biết ý của tôi. Ông tiếp tục.

- Hiện giờ những người như em ở trên này đói lắm. Ấy là tôi cứ phải hỏi trước như thế cho dễ sắp xếp. Chứ các cô, các cậu dưới xuôi cứ lấy đỉnh đồi, đỉnh núi mà làm đà bay đi thì tội lắm. Học sinh nó hận người ở lại.

- Dạ..nhưng mà..

- Thôi nhé. Trường lớp tôi đã bố trí cả rồi. Mai em về dưới đó. Nếu có bay đi thì hãy lượn qua anh nhé. Hế hế.

Ông vừa nói vừa đưa bàn tay cũn lũn về phía tôi cùng nụ cười nhàn nhạt mà nghe có gì chua xót lắm.

3.

Trời oi nồng. Không nắng, cũng không mưa. Chiếc xe đạp vẫn lầm lũi nhảy múa trên con đường khoằm khoặm sỏi đá. Lưng A Pồng ướt đẫm mồ hôi. Mấy lần tay tôi cầm chiếc khăn định lau mổ hôi cho A Pồng, nhưng rồi lai run run dụt lại. Hình như biết được điều đó nên A Pồng đưa cánh tay áo lên chùi những giọt mồ hôi trên khuôn mặt. Miệng vừa nói vừa hổn hển.

- Lão Bấn trông thế mà tốt lắm đấy. Lão là người có năng lực. Nghe đâu đã bao lần người ta có ý đưa lão lên Tỉnh hay về miền xuôi quê lão mà lão toàn từ chối. Có người bảo là lão anh hùng giơm. Còn người khác thì lại bảo, lão hận con vợ bạc tình ở nhà, không lão mà chửa nên lão ở lại đây luôn. À mà...

Tôi không nói gì. Tôi biết A Pồng vừa biết mình quyệt vào vết thương còn đang há miệng. Còn với ông ta. Tôi lạ gì ông ta nữa. Tôi chỉ thấy trăm vạn nỗi buồn trong lòng mình đang vấn vít trên đỉnh PaXiPăng vời vợi kia. Và nỗi ân hận đang khào khạo chảy dưới dòng Nậm Mu quyện trong khói chiều làm tôi nhức nhối.

4.

Tôi không ngờ mình gặp lại hắn trên mảnh đất này. Gã sinh viên thành thị năm cuối. Kẻ đã đằng đẵng đeo đuổi tôi, đứa con gái tỉnh lẻ suốt từ năm học đầu tiên. Vẫn ánh mắt gào xé, đốt cháy người đối diện. Vẫn giọng nói đểu đểu nhưng thật đến chết người ấy. Giờ hắn lên đây để làm xếp của tôi. Hắn được điều động lên đây làm hiệu trưởng.

Ngày ấy. Đã bao lần tôi muốn ngả vào lòng hắn. Hay nói đúng hơn là tôi đã thầm yêu hắn.

Những đứa bạn cùng ký túc xá với tôi thì bảo. Cứ yêu đi, mất chó gì mà sợ. Nó con một. Nhà mặt phố, bố làm quan. Hơn nữa một đứa xinh đẹp như mày, có điên mới lại đâm đầu về cái nơi khỉ ho cò gáy ấy. Phải ở phố mới xứng. Nhưng mỗi khi tôi choáng ngợp trước ánh sáng thị thành và ngất ngây trong lời đường mật thì hơi thở nóng hổi của hắn phả lên mặt tôi lại khiến tôi choàng tỉnh.

Tôi nhớ những mùa gió nhức nhối, bỏng lửa quê tôi. Nhớ những ánh mắt khát chữ dưới ngọn đèn leo lét của các em tôi và người dân quê tôi. Tôi thương A Pồng, dù là vợ chồng nhưng anh vẫn chưa biến tôi thành đàn bà. Anh cũng như Pa, Mế tôi. Tất cả đều mong tôi mang cái chữ về cho dân bản mình. Thế là tôi ra trường mà bỏ lại ánh mắt ngùn ngụt cháy sau lưng mình.

Còn bây giờ. Vẫn những gì chưa cũ đang hiện ra trước mắt tôi. Ngược lại tôi lại không còn như xưa cũ nữa.

Khi tôi trở về. Ngôi trường được xây dựng khang trang hơn. Nhưng con đường vẫn ngập cỏ và nhầy nhụa cứt Trâu, cứt Ngựa. Những con người cứ đến rồi lại ngao ngán ra đi. Đi như chạy và không bao giờ ngoái đầu lại dù chỉ một lần.

Cả trường có đến hơn chục thầy cô giáo mà học sinh chưa khi nào vượt lên gấp đôi số ấy thì vui gì, tha thiết nỗi gì.

Những người mới đến thì háo hức, mơ mộng. Nhưng chỉ được một thời gian thì tan chảy. Có những hôm chỉ có những tiếng thở dài theo hun hút con đường huơ huơ bụi đỏ. Chẳng biết buồn vì lại chẳng có học sinh đến lớp hay họ đang đau đáu thả ánh mắt xuống dòng Nậm Mu đang cuồn cuộn chảy về xuôi kia nữa.

Họ bảo. Cũng muốn mang cái chữ về đây lắm. Nhưng khổ. Cái bụng nó vục cái chữ. Ở đây biết đến bao giờ cái chữ thay nổi củ sắn, bắp ngô. Đói thì phải ăn. Không có ăn thì phải đi tìm.Thế nên dù đã đi đến tận từng nhà, xoa từng đứa, nhưng hôm sau chỉ có tiếng mõ lóc cóc của con trâu lạc đàn thủng thẳng vọng vào tê tái.

Rồi có người còn thật thà hơn mà rằng. Ở thời này chỉ có trò đi tìm thầy, tìm lớp, đớp trường chứ đằng này... Đấy cứ nhìn đi. Được hôm nào trở trời thì sân trường biến thành bãi chăn Trâu, Bò, Ngựa. Còn trong lớp thì chẳng biết nổi đứa nào đang học, đứa nào đang ăn nhai, bú mớm nữa. Hơn cả, người trân trọng chữ, khát chữ thì cất chữ. Còn ở đây chữ mình trao hôm trước hôm sau đã nhoen nhoét khắp các vạt đồi rồi.

Tôi mang nỗi buồn ấy nhén với nỗi buồn của mình thành những cơn đau. Cứ mỗi ngày qua đi cơn đau đến với tôi mạnh và nhiều hơn.

Tuy không yêu, nhưng tôi thương A Pồng. Tôi thương anh và thương chính bản thân tôi.

Chẳng kể mùa đông hay mùa hè. Đêm nào tôi cũng phải ngâm mình dưới dòng Nậm Mu đến khi thấy hai hàm răng không còn va đập vào nhau nữa tôi mới trở về nhà. Và lần nào cũng thế. A Pồng vẫn ngồi đợi tôi dưới ngọn đèn hiu hắt. Nhiều lần tôi đã lao vào cấu xé thân thể A Pồng tứa máu. Nhưng A Pồng chỉ khóc. Và chỉ khi những giọt nước mắt đỏ ngàu của A Pồng chảy xuống ướt đẫm thì những hờn hận và khao khát, mây mẩy, hừng hực đàn bà trong tôi mới tạm lịm đi. Có những hôm, con đàn bà trong tôi nhảy múa cùng giấc mơ. Sau những âm ỉ bùng cháy và cuồng nhiệt tan chảy, tôi tỉnh dậy. Trước mặt tôi A Pồng đang giàn giụa cào xé chỗ ấy máu túa ra ướt sũng chiếc quần. Tôi ôm A Pồng khóc trắng đêm.

Tôi càng căng nửng bao nhiêu thì A Pồng càng héo hắt đi bấy nhiêu.

Tôi đã dắt A Pồng đi nhiều nơi. Hai bên nhà cũng đã mời nhiều thầy cúng, thầy thuốc về rồi. Nhưng A Pồng không thể làm đàn ông được. Và tôi như bao đứa con gái trong vùng. Đã là người nhà chồng. Thì sống làm người nhà chồng, chết làm con ma nhà chồng, chứ làm sao khác được. Và rồi hắn có mặt ở đây.

Giá bây giờ tôi như trước đây. Nhưng không. Hắn xuất hiện vào đúng lúc con lạc đà đang sắp chết khát. Bản năng tồn tại làm nó sẵn sàng lao vào hấp tấp, vồn vã. Tôi ngả vào lòng hắn, ừng ực.

Bừng tỉnh ấy là khi tôi có thai.

- Không! Anh đừng ngăn tôi. Đằng nào tôi cũng phải chết.

- Sống mới khó. Chết thì quá đơn giản. Em phải thương em, thương đứa bé chứ. Nó không có tội. Nghe anh. Hãy về xuôi với anh. Nơi ấy mới xứng đáng để em sống. Anh yêu em.

Và sau những lời nói ấy. Tôi lại ngoan ngoãn ngả vào lòng hắn. Lại ngấu nghiến ừng ực trên và quằn quại. Làm tơi tả những cánh hoa ban trắng trái mùa.

5.

Một tuần sau cái đêm ấy. Tôi đã ở thành phố.

Giờ tôi có tên là Ban. Trần Thị Hoa Ban. Hộ khẩu Hà Nội. Hắn bảo cái tên đó để nhớ những lần tôi và hắn có nhau trên vạt hoa ban hăng hắc ấy.

Trước khi xin cho tôi dạy ở một ngôi trường men Thành Phố. Hắn thuê một căn nhà rộng và khá đầy đủ tiện nghi. Hắn bảo tạm thời ở đó một thời gian trước khi cưới nhau.

Tôi ngất ngây, cuồng nhiệt, tê dại đón nhận hắn. Cuộc sống thị thành cuốn tôi. Ngày ra mắt, ngày cưới đốt cháy tôi. Tôi đã quên giờ quê tôi đang ở giữa mùa gió.

Hôm nay. Hắn quyết định đưa tôi vào thành phố.

Đó là một ngôi biệt thự sang trọng.

- Hoa Ban ?. Chắc bố mẹ cháu đã từng chiến đấu ở Tây Bắc hả ?. Ôi cháu đẹp quá.

Tôi ấp úng. Người đàn bà mà hắn giới thiệu là mẹ hắn vừa vuốt mái tóc dài mượt và đôi vai tròn lẳn của tôi, vừa châm ánh mắt hầm hập, như muốn đốt cháy thân thể tôi từ đầu đến chân. Cả người tôi đang rung lên. Bà lại tiếp tục.

- Cháu đừng ngại. Con trai bác giỏi thật. Chẳng trách bao nhiêu đám cũng đều môn đăng hậu đối mà bác ướm hỏi nó đều từ chối.

Tôi cúi đầu. Cốc nước lạnh trên tay tôi sóng sánh.

- Bố mẹ cháu làm gì ?. Nhà cháu ở đâu để hôm nào hai bác đưa anh đến cho nó phải phép. Rồi còn trọn ngày lành tháng tốt đi là vừa. Hả ?.

Người đàn ông mà hắn giới thiệu là bố vừa nói, vừa đặt cái tẩu thuốc đen bóng xuống cái gạt tàn người phụ nữ khoả thân làm bằng đá trắng vừa nhìn đăm đăm vào tôi như chờ đợi.

Mặt hắn tái đi. Hai bàn tay nhộn nhạo xoa vào nhau. Cốc nước trên tay tôi rơi xuống nền gạch đá lạnh buốt. Tôi oà khóc chạy vụt ra khỏi ngôi nhà.

6.

Thời gian cứ lẳng lặng trôi đi, nó đồng nghĩa với đứa con lớn dần lên trong tôi.

- Cứ từ từ đã. Đẻ xong rồi cưới vẫn chưa muộn mà. Có con chắc là bố mẹ anh sẽ chấp nhận em thôi. Mà bụng mang, dạ chửa thế này mặc áo cưới xấu lắm. Hơn nữa anh chuẩn bị được cất nhắc làm Hiệu trưởng trường A rồi. Làm mất lòng ông bà lúc này thì mất hết. Thương anh và con em cố lên nhé.

Vẫn giọng nói đểu đểu mang trong cái lý lẽ thần thật ấy. Hắn lén lút, nhấp nhoáng đến bên tôi sau khi dấp dính, nhầy nhụa trong hơi thở gấp.

Rồi căn nhà cứ thưa dần thưa dần bước chân hắn. Thi thoảng hắn đến vồn vã, hồng hộc rồi để lại cục tiền và đi.

Mùa đông lạnh buốt chảy xuống ngôi nhà. Tôi nhớ Pa, mế. Tim tôi quặn thắt khi nỗi nhớ ngưng lại ở A Pồng. Có lẽ giờ này họ đang đi tìm tôi ?. Và tôi oà khóc sau mỗi giấc mơ. Những giấc mơ thấp thoáng tiếng gọi rin rít trong gió của Pa, mế và dáng đi cặm cụi thân thuộc của đám học trò vùng gió quê tôi. Và tôi thét lên khi A Pồng nhầy nhụa máu đứng trên đỉnh PanXiPăng nhìn tôi.

Ngày tôi sinh Sầu. Hắn đến rồi vụt đi mặc kệ cho tiếng khóc của Sầu vẳng gọi.

Càng ngắm Sầu, tôi càng thấy nó chẳng có gì giống hắn. Ánh mắt ngơ ngác, mái tóc huơ huơ vàng thì chỉ có những đứa con vùng gió mới có được. Và không biết từ đâu. A Pồng có mặt ở đây. Ngay giữa thành phố này. Ngay trong căn nhà này.

- Về thôi A Chát à ! Phải về thôi !. Pa, mế mong A Chát về nhìn mặt lần cuối rồi đi thôi.

Tôi đau đớn, tàn tạ và dạc đi như con tôm Da Da chết yểu trên dòng Nậm Mu ngày Đông chí.

Thế rồi chiều ấy. Mẹ hắn và người đàn bà mang cái bụng lùm lùm đến nhà tôi.

- Con đĩ. Mày còn định vơ vét, quyến rũ chồng tao đến bao giờ. Tao ày chết này.

Người đàn bà có cái bụng lùm lùm lao vào vừa xé áo, cào tóc, móc thịt tôi vừa chửi mắng tôi.

- Ái chà. Chúng mày ở đây tằng tịu để lừa con bà hả?. Cút! Xéo khỏi đây ngay. Đồ lạc loài man rợ.

Mẹ hắn ném cục tiền lẻ xuống sàn nhà. Mặc cho Sầu khóc thét lên. Tôi vơ mấy bộ quần áo cho vào túi ôm con chạy ra khỏi ngôi nhà. A Pồng chới với trên chiếc xe đạp và chiếc hòm đựng sách nhoài theo tôi ra khỏi thành phố.

7.

Chiếc xe đạp vẫn chồm lên trên con đường men theo dòng Nậm Mu. Đường về nhà tôi giờ không còn phải bơi qua sông nữa. Cây cầu lớn đã được bắc qua đây. Nghe A Pồng bảo. Chỉ mai đây thôi điện sẽ sáng bừng khắp vùng gió này.

Sầu đã tỉnh giấc. Đôi mắt tròn to ngơ ngác thả vào những vạt Hoa Ban trắng muốt bên đường. Lần đầu tiên nó cười kể từ khi được sinh ra.

Tôi há miệng để cho gió từ dưới sông hắt lên, từ trên khắp các vạt rừng lùa vào lòng mình. Và phía kia. Một làn khói ấm đang nhén lên từ ngôi nhà của tôi. Hình như lưa thưa trong gió có tiếng bi bô, khắc khoải đánh vần.

Nước mắt tôi vẫn rơi....

NTM. Phú thọ tháng 8 năm 2010