19. Trễ
Truyện ngắn của Võ Thị Mỹ Linh
Nhà có hai anh em, anh hai là con cả, và dĩ nhiên, tôi là con út. Ba thương anh hai dữ lắm, ba bảo, anh là cháu đích tôn của ông bà nội, là người sau này sẽ nối dõi, thừa kế tông đường. Ngày má sinh anh hai ra, nghe đâu người ta bảo, ba mổ nguyên con heo nái nửa tạ đem đi quay rồi phân phát cho cả làng. Ba thích chơi trội như thế dù chỉ dám chơi trội một lần rồi chìm nghỉm. Mà điển hình của cuộc chìm nghỉm ấy chính là tôi. Ngày má sinh tôi ra, mặt ba méo xệch, mắt ba rã rời. Nghe đâu người ta bảo, một dĩa xôi để cúng ông bà cũng không buồn nấu. Chả là ba đã có anh hai rồi, ba đâu cần thêm một đứa con gái mà biết chắc chắn rằng sau này lớn lên nó sẽ bỏ ba má để theo chồng như tôi nữa. Ba bảo tôi là kết quả của một lần sơ suất khi ba say xỉn hay nói theo cách bóng bẩy mà không phô trương, người ta gọi đó là hậu quả của việc sinh đẻ không có kế hoạch. Từ dạo ấy trở đi, mỗi lần đi làm rồi đi nhậu về ba thường ẵm hai anh em đặt lên cái đùi xương xóc, đen sạm của mình mà nói nghêu ngao: “Thằng Đậu, mày là con trai trưởng thì phải ráng học thật giỏi, thi vào trường nào đậu ngay trường đó để sau này ba mày được nở mày nở mặt nghen con! Còn con Na, mày chỉ cần ăn khỏe, sống khỏe, đừng bệnh tật, đừng đau ốm, sau này lớn lên tìm được thằng rể ưng ý tao gả quách đi là xong!”. Ba vừa nói vừa đưa cái miệng nồng nặc mùi rượu ghé sát vào tai hai đứa. Lúc đó, dù không biết gì, tôi cũng làm bộ ra vẻ gật gù, hệt như những đứa trẻ lên ba lên bốn khác vẫn thường hay gật gật khi nghe ba mẹ chúng nói dù thực sự chả biết họ đang nói cái quái gì. Sự khác biệt giữa con nít và người lớn, có chăng là bắt đầu từ những cái gật gật như thế.…
Ngày anh hai vào lớp một tôi cũng được lon ton đi mẫu giáo. Thương anh hai, sợ ảnh học không bằng bạn bằng bè, ba bỏ công lên huyện thuê một ông thầy biết nói tiếng Tây về tận nhà dạy kèm. Tiền thuê thầy một tháng năm trăm ngàn, lại còn cơm nước, tiền công cán mỗi ngày lên rước ổng đi rồi chở ổng về, tính hết cũng ngóp nghép cũng gần triệu bạc. Chẳng biết ba lấy đâu ra nhiều tiền mà cho anh học đến thế, chỉ biết mỗi chiều đi mẫu giáo về, chạy qua cánh đồng nứt nẻ chân chim, người ta về hết mà tôi vẫn thấy ba má người cày người cấy, làm quần quật không khác gì hai con trâu lầm lũi….
Mấy bữa, tôi buồn không thèm đi học. Hỏi sao? Lên lớp chán thí mồ, có mỗi bài “Bé bé bồng bông” mà cô giáo cứ dạy đi dạy lại mãi trong khi tôi thì đã thuộc làu làu đến tận cái bài gì mà “đi tìm lá diêu bông cho em…” mà mỗi lúc ra chơi tôi vẫn thường thấy cô hay ngồi lẩm nhẩm hát một mình. Vậy là tôi quyết định ở nhà, quyết định xin ba cho theo học tiếng Tây cùng anh hai. Ba bảo, anh hai cần được yên tĩnh để chú tâm học cùng thầy, mày vào đó chỉ thêm quấy phá. Tôi hụt hẫng năm giây, buồn thêm năm giây nữa. Nhưng rồi tôi bất giác cười một cách bí hiểm. Và tôi phát hiện ra có một trò khác còn hay ho hơn cả cái trò vào học cùng anh hai nhiều. Tôi chạy ra góc hè sau nhà, nơi có khung cửa sổ trổ từ phòng anh hai, và bắt đầu kê cái ghế đứng rón rén dòm ông thầy dạy mà học lỏm. Tôi dần dà thích thú với cái trò học lỏm này khi phát hiện ra những điều thú vị như, trong tiếng Tây, người ta chỉ dùng một cách xưng hô là “I” và “You” chứ không có nhiều cách gọi lùm xùm, rắc rối kiểu “tao, mày, cô, cậu, thằng đó, con đó, hoặc bạn này, bạn nọ…” như trong tiếng Việt. Vậy là ngày mai, nếu gặp thằng Đẹt, cái thằng mà tôi ghét nhất xóm vì chuyên gia nói tục, chửi thề (mà thực ra còn một nguyên do khác là tại nó hay chê tôi lùn và xấu) thì tôi có thể chạy lại vỗ vào vai nó mà nói rằng “Hey, you!”. Thằng Đẹt sẽ quay sang thắc mắc hỏi, mày đang nói cái gì đó Na. Còn tôi sẽ ậm ờ bảo, à, trong tiếng Anh, khi tao nói “Hey, you!” thì có nghĩa là “Ô, chào anh bạn!”. Thằng Đẹt chắc chắn thích thú lắm vì không hiểu sao hôm nay tôi lại ngoan hiền đến thế, còn tôi lại bụm miệng cười khúc khích vì câu đó cũng có nghĩa là “Ô, thằng mất dạy!”. Cuộc chơi sẽ cứ thế kéo dài mãi nếu không có một ngày tôi bỗng dưng nhận ra, cái việc đứng thập thà thập thò lén lút học lỏm qua khung cửa sổ thật là nhục nhã và tại sao chỉ có anh hai mới được học nhiều còn tôi thì lại không. Tôi bắt đầu thấy ghét anh hai từ dạo đó…
Dù nghĩ con gái không cần học nhiều, má vẫn cho tôi đi học, chí ít là đến hết cấp hai. Má bảo, con gái cũng cần cái chữ, đừng như má, đi ra chợ mua chai dầu gội đầu cho ba mà thấy người ta bày biện đủ thứ chai bắt mắt, cuối cùng cầm nhầm về chai dung dịch vệ sinh phụ nữ. Ba cứ thế sẽ đổ mãi chai dung dịch vệ sinh lên đầu mà gội vì nó cũng tạo bọt, cũng có mùi thơm không khác gì chai dầu bồ kết đã hết dạo trước nếu một hôm anh hai không tình cờ phát hiện và đọc những dòng chữ ghi trên thân chai á nghe….
Ngày tốt nghiệp lớp 9, tôi ngồi ôm cái bằng học sinh giỏi mà khóc nức nở. Là nếu như những đứa con gái nhà khá giả khác trong xóm, tụi nó sẽ được tiếp tục học lên cao, được mặc áo dài chạy tung tăng khắp làng hoặc chí ít cũng được như anh hai, mang tiếng hàng ngày đạp xe lên huyện đi học, nghe oách thí mồ. Chở tôi về trên con đường phẳng lặng, nghe tiếng than nức nở phát ra từ thân hình nặng một tấn u hoài và trận khóc rên rỉ hao phí gần cả lít nước mắt, anh hai cất lời an ủi: “Đi học chán lắm, có gì đâu mà thích. Anh mà bỏ được là anh bỏ rồi!”
Anh hai vừa dứt lời tôi đã nhảy cẫng xuống xe la hét: “Anh thì sướng rồi, bao nhiều tiền bạc cái gì ba mẹ cũng đầu tư cho, còn em có mỗi cái ước mơ giản đị là được đi học mà cũng không được đây này. Nếu thấy chán thì anh cứ việc nghỉ học đi, để em thay anh đi học!”
Tôi nói thế rồi chạy đi với cái mặt giàn giụa nước mắt pha lẫn nước mũi, và tự thề với lòng là, nếu kiếp sau có sinh ra lần nữa, tôi chắc chắn phải làm con trai thì mới chịu….
Những ngày nghỉ học tôi ở nhà phụ má làm đồng. Mỗi buổi sáng bước ra đường, thấy mấy đứa con gái mặc chiếc áo dài đạp xe đi trên đê, lòng tôi bất giác buồn rười rượi. Tôi bắt đầu ít nói chuyện với cả nhà, với má, với ba và với cả anh hai. Tôi nhận ra hình như tôi chẳng thuộc về thế giới của họ. Đơn giản, má là người phụ nữ suốt ngày chịu an phận với việc làm một bà vợ thờ chồng, không dám cãi chồng nửa tiếng. Đơn giản, ba là người đàn ông suốt ngày quần quật không ngơi nghỉ ngoài đồng chỉ mong sao thằng con trai độc nhất của mình được ăn học đến nơi đến chốn, sau này nở mày nở mặt với thiên hạ. Đơn giản, anh hai là đứa con trai suốt ngày chỉ biết chạy xe đi học rồi chạy xe về nhà, cơm ăn nước uống sẽ có người đưa rót tận nơi. Còn tôi, tôi lọt thỏm đâu, ở một góc nào trong khoảng trống giữa ba người họ? Tôi chẳng trả lời được, chỉ biết là dù có cố gắng đến cỡ nào, dù có cầm tấm bằng giỏi về nhà khoe trước mặt ba má thì họ tôi vẫn coi tôi là một đứa con gái, có học nhiều cũng chả giúp ích gì được cho gia đình…
Bữa nọ đang ngồi trên đê ngắm mấy con diều bay cao tít, tôi nghe tiếng thằng Đẹt trong xóm chạy ra hớt hải “Anh mày bị xe đụng đang nằm trên bệnh viện huyện đó Na!”. Tôi tất tả lao đi, cái môi mấp máy chả biết đang cười hay mếu. Đến nơi, đã thấy ba mẹ sụt sùi bên giường bệnh. Tôi luôn là người đến trễ và biết sự việc sau cùng như thế.
Suốt một tháng trời anh hai nằm viện, tôi thay ảnh chép bài tập ở lớp giùm. Mệt mà vui, vì chí ít tôi lại được sờ mó vào sách vở thêm lần nữa. Tự dưng tôi thấy nên cảm ơn cái việc anh hai nằm viện quá. Nhưng ý nghĩ đó chỉ loáng qua trong đầu một phút thôi rồi vụt tắt vì tôi chợt nhận ra, chả có đứa em nào lại đi mong anh trai của mình nằm viện cả.
Ngày anh hai xuất viện, ba má mổ heo cúng viếng ông bà. Khi tất cả còn bận xôm tụ với mâm xôi chén rượu thì người ta bỗng nghe tiếng la thất thanh phát ra từ phòng kế cạnh. Ba má chạy vào, thấy đứa con trai đang nằm ôm cái cái đầu vật vã bên chồng sách vở. Bác sĩ bảo, có thể đó là di chứng để lại sau khi đầu anh hai bị va mạnh xuống đường trong vụ đụng xe. Ông ấy còn khuyên, nếu được thì nên để anh hai thư giãn, đừng bắt anh ấy học. Thần kinh căng thẳng sẽ làm bệnh của anh hai nặng hơn. Ai nấy rụng rời. Giấc mơ đứa con trai độc nhất thi đỗ khoa cử coi như tan thành mây khói.…
Mấy dạo đi làm đồng về, tôi thường thấy ba hay ngồi ôm chai rượu đế gật gà trước hiên. Tôi không buồn hỏi, chỉ biết rằng nỗi đau đứa con trai không thể tiếp tục theo học đang từng ngày giết dần giết mòn con người ông ấy. Những con người trong ngôi nhà ba gian lợp mái ngói cũ kỹ vốn đã ít nói giờ lại càng trở nên ít nói hơn. Có chăng là lâu lâu, nghe tiếng la thất thanh bật ra từ phòng anh hai, cả ba cái xác vô hồn mới nháo nhác chạy lại hỏi nhau rồi đi tìm thuốc cho anh hai uống.
Một buổi chiều rũ rượi, anh hai chạy đến dúi vào tay tôi mấy quyển sách, đôi mắt tỏ vẻ cầu khẩn: “Anh hết học được rồi, bé Na học thay anh nhé!”. Tôi mơ hồ chưa hiểu gì thì má bước ra chìa cho cái áo dài mới cóng: “Má nghĩ rồi, dù gì con cũng thích đi học, thôi thì giờ anh hai con bệnh không học được nữa, con thay anh hai con đi học vậy. Con thua anh hai có một tuổi, sách vở của anh hai cứ giữ lại sau này dùng, thiếu cái gì ba má mua thêm!”. Tôi không biết nên cười hay nên vui ngay lúc đó, vì rằng được trở lại trường là niềm ao ước bấy lâu nhưng ấy cũng là lúc tôi nhận ra, khi tất cả niềm hi vọng cho đứa con trai bị dập tắt thì người ta mới chịu chấp nhận đầu tư cho đứa con gái còn lại. Tôi rớt nước mắt, quay nhìn người cha đang cầm chai rượu kế cạnh, chẳng biết ông ấy đã nghĩ gì mà bằng lòng nghe lời mẹ cho tôi đi học….
Tôi trở lại trường. Nếu như là ngày này năm trước lòng tôi sẽ mơn man lắm vì những ước mơ còn đang đẹp thì giờ cảm giác niềm vui đó đã vơi đi một nửa. Những buổi sáng cùng mấy đứa con gái khác trong xóm đạp xe qua con đê đi học, tôi ngoái nhìn thấy anh hai vác cuốc ra đồng. Cũng chẳng có gì, chỉ là một sự hoán đổi vị trí, tôi bây giờ mang trong mình trọng trách học còn anh hai lại làm công việc mà trước đây tôi từng làm. Mấy bữa đi học về, tôi thấy anh hai ngồi trầy trật với cái chân chảy máu. Má bảo, khổ, cái thằng cả đời chưa cầm cuốc nên giờ ra đồng cứ cuốc trúng chân mãi. Tôi dợn lòng, thấy bùi ngùi một chút.
Thời gian thấm thoát trôi, tôi thi đậu vào trường đại học với số điểm cao ngất nghểu. Ngày nhận được tin, ba má mừng dữ lắm, cũng mổ heo cúng điếu ông bà dù lòng có hơi nghẹn ngào một chút “giá mà thằng Đậu nó được vầy thì hay biết mấy!”…
Tôi thở dài, bắt gặp bóng anh hai đứng thẩn thờ sau cánh cửa, đôi mắt đượm chút u buồn. Rồi như phát hiện ra tôi đang nhìn chằm chằm, anh chuyển ngay sang điệu cười nắc nẻ “Bé Na của anh giỏi quá!”. Tôi nhếch mép, việc gì mà con người ta cứ tỏ ra gượng gạo đến vậy, anh hai là vì bị bệnh nên bất đắc dĩ mới nhường cơ hội cho tôi đi học, ba má là vì thấy thằng con trai không làm ra trò trống nên bất đắc dĩ mới lấy tôi làm niềm vui thế chỗ. Cuộc đời này rút cuộc tôi sẽ trở thành kẻ thế chỗ cho những ai nữa? Tôi không buồn nghĩ, cũng không buồn tìm câu trả lời, lẳng lặng quay vào gói ghém đồ đạc chuẩn bị rời xa mảnh đất cằn cỗi lên thành phố học. Ngày tiễn tôi ra bến xe, anh hai dặn đủ thứ, nào là nhớ giữ gìn sức khỏe, nào là nhớ viết thư về cho ba má, nào là thiếu gì thì cứ nói anh hai sẽ gửi lên và cũng không quên dặn một câu quen thuộc như ba năm về trước anh hay nói “Nhớ thay anh học tốt nghen!”. Tôi gật gật cười gượng mấy cái rồi nhảy tót lên chiếc xe tốc hành nồng nặc mùi xăng khói. Mà đến bao giờ thì người ta mới chịu thừa nhận rằng, một đứa con gái cũng được quyền làm những thứ mà anh trai nó đã làm chứ không phải “tại vì anh mày bệnh nên mới ày đi học” hoặc là “giúp anh”, “thay anh” học tốt như những lời mà ba con người trong căn nhà nhỏ của tôi vẫn thường thốt lên?
Suốt bốn năm học đại học, tôi hiếm khi về nhà cũng không nhận bất kì trợ cấp nào của ba mẹ. Dù phải sống túng thiếu, dù phải làm ngày làm đêm để có đủ tiền học chứ tôi nhất quyết không bao giờ mở miệng cầu cứu. Tôi muốn những người nhà của tôi thấy rằng, một đứa con gái thì không hề kém cỏi như họ nghĩ. Mà tôi nghe đâu, kể từ ngày tôi lên thành phố học, anh hai cũng bỏ nghiệp ruộng đồng xin theo mấy ông bạn cùng xóm lên thành phố làm nghề phụ hồ. Nghe là nghe để biết vậy thôi chớ tôi cũng chẳng muốn quan tâm làm gì. Thi thoảng anh hai có ghé thăm, nhưng chỉ chào hỏi được mấy câu rồi tôi viện cớ bận học tiễn ảnh về.
Ngày tốt nghiệp, tôi cầm tấm bằng giỏi mặt vênh vao trở lại làng. Mà lạ thay, bước vào nhà bỗng thấy nhà lặng tịch. Tôi chạy lăng quăng khắp xóm tìm ba má. Người ta bảo họ đi họ đi ra phía nghĩa trang ngoài xóm Cồn. Tôi thất thểu chạy theo, đến nơi đã thấy hai cái bóng người quen thuộc đang quỳ gối trước nấm mồ còn chưa phai mùi đất mới.
Một ông ăn mặc bảnh bao đứng cạnh vừa đặt vòng hoa trắng lên nấm mồ vừa khóc thút thít: “Tội nghiệp cái thằng, nó phụ hồ giỏi lắm, tính toán, thiết kế công trình cũng giỏi nữa. Thấy nó giỏi nên cho nó chuyển qua đứng chỉ đạo công trình. Ai dè…”
Mãi đến lúc ấy tôi mới phát hiện ra, người nằm dưới nấm mồ kia không ai khác chính là anh hai và lý do ảnh ra đi là vì vụ sập giàn giáo. Tôi lặng người một lúc, lần này tôi lại là người đến trễ, là kẻ biết sau cùng. Tôi nghe đâu đó tiếng gầm rú của hai con người đang quỳ trước mộ vẳng lên phía trời xanh rồi dội lại vào tai tôi đau thắt. Giá mà còn đủ sức, tôi nghĩ họ cũng sẽ tự đào thêm hai cái mồ để được nằm cạnh thằng con trai quý hóa. Mà lạ thay, họ không còn nhớ đến tôi, dù tôi đang đứng ở đó, mang trong mình dòng máu của họ…
Hết đám tang anh, tôi lên lại thành phố xin việc. Tình cờ gặp lại người bạn cũ cùng làm phụ hồ chung với anh hai. Anh bạn đem đưa tôi một cái thùng lằng nhằng những thứ nặng trịch gì đó bên trong, bảo là, của thằng Đậu, vứt đi thì tiếc mà giữ lại thì chẳng để làm gì nên đem trả tôi. Tôi mở ra, mắt tròn xoe khi thấy cái thùng toàn sách là sách rồi ngước lên hỏi lại anh bạn xem có nhầm lẫn gì chăng, vì kể từ ngày bị đụng xe, đầu óc anh hai hay đau dữ dội đâu dám đọc mấy thứ sách toán học phức tạp này. Anh bạn cười khì, có thấy nó đau ốm gì đâu, ban ngày nó đi làm, tối về cứ thấy nó ôm đống sách này ra đọc mê mẩn còn bảo là toán học có nhiều thứ thú vị lắm.
Tôi nhìn kĩ lại đống sách thêm một lần nữa và bần thần khi phát hiện ra đấy là đống sách luyện thi đại học mà lúc thi đậu tôi đã vứt lại ở quê nhà không mang theo. Té ra là, anh hai không hề mắc căn bệnh đau đầu nào hết. Chỉ vì để nhường cái quyền được đi học lại cho tôi mà ảnh đã giả vờ bệnh như thế. Té ra là, trong một lần nào đó, khi chở tôi về trên con đê, nghe tôi bảo anh hai nghỉ học đi để tôi được đi học thay ảnh, anh hai đã đau đớn quyết định nghỉ học giúp tôi thực hiện ước mơ của mình. Trách chi mấy dạo tiễn tôi đi, anh hay dặn “Ráng thay anh học tốt nghen!”. Tôi bàng hoàng, sẽ còn bao nhiêu cái “té ra là” như thế mà tôi chưa biết được về anh hai nữa. Tôi hay oán cuộc đời rằng tại sao mình luôn là người đến trễ, là kẻ biết mọi thứ sau cùng nhưng rõ ràng tôi có cơ hội biết trước sự việc mà chẳng chịu để ý đấy thôi…
Tôi chạy đi trong vô định, chưa bao giờ gọi tên anh thống thiết như vậy. Giá mà, con người ta có thể làm lại điều gì đó trong quá khứ dù chỉ một lần, lúc ấy, ắt hẳn tôi sẽ tìm gặp anh hai và nói với ảnh rằng “Anh hai à, đừng bao giờ bắt em phải thay anh làm bất cứ điều gì nghen!”…