Chương 9: Thánh Giá Rỗng - Chương 9

Trên bệ đặt áo quan phủ một mảnh vải lụa là một tấm ván bằng gỗ trắng, đặt trên đó là những gì còn lại của Bobby sau khi đi vào cõi vĩnh hằng.

Bobby là một chú chó cái giống Dachshund, hưởng dương 13 tuổi, của gia đình Yamamoto. Ông bà chủ cũng chia sẻ chú vốn mắc bệnh tim, vậy mà chú vẫn cố gắng sống thật lâu cùng gia đình.

Cả nhà Yamamoto bốn người không khỏi cảm thán khi nhìn phần cốt còn lại của Bobby, cô con gái tầm tuổi trung học thốt lên, "Thật đẹp, trông cứ như tiêu bản vậy".

"Sảnh thiên thần" rất coi trọng nghi thức thu thập phần cốt sau khi đã hỏa táng. Đa số chủ nuôi mang theo phần tro cốt đựng trong hộp của thú cưng về, nhưng có lẽ từ đó về sau họ không một lần mở ra nhìn lại. Nếu như đem tro cốt của thú cưng rải đi, thì nghi lễ này chính là lần cuối cùng người chủ nuôi được ở bên thú cưng của mình. Để nghi lễ này trở thành một ký ức đáng trân trọng, ở nơi đây người ta đặt phần cốt của con thú nằm lại ở hình dáng đẹp đẽ nhất có thể. Phần xương sống, xương tứ chi và các khớp xương được xếp đặt như hình dáng con thú khi còn sống, phần xương sọ cũng đặt ở vị trí thích hợp. Nhưng cũng có lúc gặp trường hợp con thú chết vì bị bệnh nên phần xương quá yếu, không thành hình được, cần đến kỹ thuật hỏa táng tay nghề cao.

Kanda Ryoko vừa giải thích vừa làm mẫu cách gắp các mảnh xương cho gia đình chủ nuôi, sau đó họ cũng cầm đũa bắt đầu nhặt từng mảnh xương còn lại của chú chó cưng. Nakahara đứng một bên chứng kiến toàn bộ.

Quấn lấy bên dưới chân gia đình Yamamoto là một chú chó Dachshund, chính là con của Bobby đã mất. Chú chó còn lại này bây giờ đã được 8 tuổi, có lẽ sau này sẽ thay mẹ nó sưởi ấm không khí gia đình Yamamoto. Chú chó nhỏ khịt khịt mũi, thở dốc.

Nghi thức gắp xương và dán ngày lên hũ đựng tro cốt kết thúc, cả nhà bốn người đều thanh thản.

"Nhờ có anh mà chúng tôi đã chia tay với cháu nó được thanh thản. Xin chân thành cảm ơn." Người chủ gia đình Yamamoto nói khi chuẩn bị ra về. Phu nhân đứng bên cạnh dường như cũng rất thoải mái.

"Chúng tôi rất vui vì có thể giúp được gia đình." Nakahara đáp lời.

Chính những lúc như thế đã khiến anh cảm thấy thật may mắn khi chọn công việc này. Mỗi khi chứng kiến từng người rũ bỏ được nỗi đau mang trên người, anh cảm giác trái tim yếu ớt của mình cũng phần nào được xoa lành.

Cậu con trai mới học tiểu học ôm lấy chú chó nhỏ, chú chó vẫn thở phì phò trong lòng cậu bé. Anh nói chuyện này với người chủ gia đình, thì được người vợ giải thích, "Đúng thế đấy ạ. Dạo gần đây nó hay bị thế. Không biết có phải do bụi trong nhà không, tôi vẫn dọn dẹp nhà hàng ngày."

"Có khi nó bị suy khí quản."

Câu nói của anh khiến cả nhà bốn người họ sửng sốt.

"Động vật càng già thì khí quản càng yếu đi, nhất là đối với những giống chó loại nhỏ như thế này. Chó nhỏ nên mỗi khi nhìn chủ chúng lại phải ngước đầu lên. Thực ra tư thế ngước đầu ấy không tốt cho cơ thể chúng."

"Khí quản bị yếu đi thì sẽ bị làm sao?" Người vợ hỏi tiếp.

"Sẽ dẫn đến nhiều chứng bệnh khác nhau. Hay anh chị đưa nó đến bác sĩ thú y khám thử xem sao. Tôi trông nó vẫn chưa bị nặng lắm, nếu chữa trị sớm chắc không có chuyện gì đâu."

"Chúng tôi sẽ đưa nó đi khám. Chúng ta phải chăm sóc để nó sống thật lâu mới được."

Người chồng cũng gật đầu đồng tình với vợ, "Anh cũng rành về bệnh lý của động vật nữa nhỉ," người vợ khen.

"Không không, cũng bởi vì tôi hàng ngày gặp nhiều động vật thôi. Mong cho nó sớm khỏe lại."

"Cảm ơn anh," nói rồi cả gia đình Yamamoto rời đi. Sau khi tiễn khách, Nakahara quay sang Kanda Ryoko cười khổ, "Lâu lắm rồi tôi mới lại được người ta khen."

"Điều đó chứng tỏ anh đã trở thành người chăm sóc tang lễ cho thú cưng hoàn hảo rồi. À đúng rồi, anh có bưu phẩm gửi đến đấy."

Kanda Ryoko lấy từ phía sau bàn tiếp tân một phong bì lớn. Ban đầu anh không biết nó là thứ gì, nhưng sau khi nhìn thấy tên nhà xuất bản in trên mặt phong bì, anh rút cục cũng nhớ ra. Quả nhiên mặt sau phong bì có năm chữ Hiyama Chizuko viết tay, là biên tập viên anh gặp trong đêm trước tang lễ của Sayoko. Chắc là số tạp chí có đăng bài viết cuối cùng của Sayoko đã được xuất bản. Mặc dù cô biên tập viên đã nói sẽ gửi cho anh, nhưng thú thực anh không để ý lắm, vì thế nhận được phong bì này anh cũng rất ngạc nhiên.

Nakahara trở về chỗ ngồi mở phong bì, lấy ra cuốn tạp chí bên trong. Cuốn tạp chí dành cho đối tượng phụ nữ trong độ tuổi 30, hình ảnh trang bìa là cô diễn viên đại diện cho giới phụ nữ ấy.

Có một mẩu giấy nhớ màu hồng đánh dấu khoảng giữa tạp chí, mở đến trang đó, đập vào mắt anh là tiêu đề bài viết, "Đôi tay không nghe lời - Bệnh nghiện ăn cắp vặt và cuộc sống đơn độc chống lại bệnh tật."

Anh chợt nhớ ra câu chuyện bà Hamaoka Satoe đã kể cho mình. Lúc Sayoko mới bắt đầu công việc viết lách, cô viết nhiều về thời trang nhưng gần đây, cô bắt đầu viết về các vấn nạn xã hội. Anh cũng nhớ mình đã nghe trong câu chuyện của bà về cụm từ bệnh nghiện ăn cắp vặt.

Có khi nào, cô gái tên Iguchi đến cùng Hiyama Chizuko đêm trước tang lễ chính là một bệnh nhân của căn bệnh này không? Anh nhớ rõ cô gái ấy có dấu hiệu bị bệnh, cũng dễ hiểu khi cô ta không trả lời anh nội dung làm việc với Sayoko là gì.

Nakahara đọc qua một lượt bài viết. Bài viết nói về bốn người phụ nữ, về nguyên nhân hoàn cảnh dẫn đến căn bệnh của họ, và căn bệnh đã hành hạ cuộc đời họ như thế nào.

Người phụ nữ đầu tiên được giới thiệu từng là nhân viên văn phòng, thời đi học là học sinh ưu tú, là kỳ vọng lớn lao của cha mẹ. Trên thực tế, cô ấy cũng chăm chỉ học hành, thi vào một trường đại học top đầu, làm việc tại một doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu. Nhưng công việc quá bận rộn khiến cô ấy bắt đầu căng thẳng, thậm chí đến mức nôn mửa khi ăn, nói theo y học là chứng bệnh rối loạn ăn uống. Nghiêm trọng hơn, cứ nhìn thấy những gì mình nôn ra, cô ấy lại cảm thấy bản thân mình vừa ném đi số tiền lương vất vả kiếm được. Một ngày nọ, cô ấy đã lén lấy trộm bỏ vào túi một chiếc bánh ngọt. Cô không hề bị nôn khi ăn chiếc bánh đó, thậm chí còn cảm thấy thoải mái như được giải thoát. Từ đó về sau, cô ta thường xuyên ăn cắp vặt, rồi bị bắt khi đang lấy trộm một món đồ chỉ trị giá sáu trăm yên. Cho đến lúc bị bắt và nhận án tù treo, cô ta đã liên tục ăn cắp vặt trong suốt 10 năm. Cô ta bắt đầu điều trị chứng nghiện ăn cắp tại trung tâm chuyên trách từ sau khi bị bắt.

Người thứ hai trong bài viết là một nữ sinh viên đại học. Vì nhu cầu muốn giảm béo khi còn là học sinh cấp ba, cô bé này bắt đầu ăn kiêng, dẫn đến mắc chứng biếng ăn tâm lý và háu ăn tâm thần. Tiền ba mẹ gửi lên hàng tháng không đủ để chi trả chi phí ăn uống, vì thế cô bé bắt đầu lấy cắp đồ trong siêu thị. Hiện nay cô bé đã nghĩ học tập trung chữa trị tại bệnh viện.

Người thứ ba được nói đến là một bà nội trợ khoảng hơn 40 tuổi. Chị ta bắt đầu ăn cắp đồ với mục đích tiết kiệm. Ban đầu, chị ta chỉ lấy thực phẩm, nhưng sau đó chị ta dần có suy nghĩ chỉ có kẻ ngu ngốc mới phải trả tiền, thế là chị ta lấy cắp cả quần áo và đồ phụ kiện. Chị ta bị bắt ba lần, đến lần gần đây nhất phải thụ án. Sau khi thụ án xong và rời khỏi trại giam, chị ta ly dị với chồng, rời bỏ đứa con và hiện đang sống một mình. Liệu chị ta có tiếp tục ăn cắp đồ nữa không, không ai nói chắc chắn được.

Người cuối cùng là một cô gái ngoài 30 tuổi. Mẹ mất sớm, ba cô một mình nuôi con. Cô gái này bắt đầu bị bất ổn tâm lý từ khi mười mấy tuổi, đã tự sát bất thành nhiều lần. Sau khi học hết cấp ba trường làng, cô lên thủ đô với mơ ước trở thành chuyên viên thẩm mỹ, nhưng do chứng bệnh tay run mỗi khi lo lắng không thể chữa khỏi nên đành bỏ dở. Cô kiếm sống bằng nghề bán vốn tự có. Năm 25 tuổi cô kết hôn với một người đàn ông quen biết từ trước đó, nhưng lại trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, rút cục họ ly hôn sau một năm chung sống. Sau đấy, cô trở lại làm gái gọi, tai họa ập đến khi người cha ruột thịt của cô gặp tai nạn mà chết. Tai nạn đó tạo nên cú sốc tâm lý lớn, cô bắt đầu nghĩ người cha chết là do lỗi của bản thân, rằng bản thân không nên sống trên đời làm gì. Cô tìm thấy một con đường phù hợp cho loại người như mình, chính là sống bằng đồ ăn cắp. Cô đã bị bắt và ngồi tù hai lần, nhưng cô không tin bản thân mình có thể thay đổi, cô tin chắc mình cần phải làm những chuyện xấu xa hơn, để ngồi tù lâu hơn.

Nakahara rời mắt khỏi quyển tạp chí, dùng tay nhu nhu hai mí mắt. Có lẽ do tuổi tác mà bây giờ chỉ cần đọc nhiều chữ một lúc là mắt cảm thấy mỏi.

Chỉ mình căn bệnh nghiện ăn cắp vặt thôi, nhưng nguyên nhân thì hằng hà sa số. Một cô gái rất bình thường cũng có thể vì một nguyên nhân vặt vãnh mà mắc bệnh.

Nakahara đặc biệt quan tâm đến cô gái cuối cùng, anh cảm thấy cô gái này ăn cắp vặt là để trừng phạt bản thân. Có lẽ cái cô ta mong muốn không phải là lấy cắp thứ gì đó, mà là hình phạt cô ta sẽ phải chịu cho hành vi ấy.

Anh chợt nhớ lại khuôn mặt của cô gái tên Iguchi, anh có cảm giác cô Iguchi đó chính là cô gái thứ tư này. Người thứ hai và người thứ ba tuổi tác quá chênh lệch, người thứ nhất thì không giống.

Nakahara tiếp tục đọc nốt bài viết. Sayoko sau khi trích dẫn nhận định của chuyên gia, đã kết lại như sau:

"Đại đa số những người phụ nữ này không gặp khó khăn về kinh tế. Như các chuyên gia đã nhận định, hơn 70% số phụ nữ mắc tật nghiện ăn cắp mắc chứng rối loạn ăn uống, chúng ta cần hiểu và coi hành vi ăn cắp vặt là một căn bệnh tâm lý. Nói cách khác, điều những người phụ nữ này cần chính là phương pháp điều trị chứ không phải hình phạt pháp luật. Câu chuyện của họ cho chúng ta thêm hiểu rõ sự bất lực của việc trừng phạt. Có người trong lúc đang điều trị lại táy máy và bị đưa vào trại giam, khiến việc điều trị bị gián đoạn. Thậm chí có người sau khi mãn hạn tù ra ngoài lại tiếp tục ăn cắp vặt. Cứ thế cái vòng luẩn quẩn vô lý ấy tồn tại. Sự vô nghĩa của việc trừng phạt không chỉ dừng lại ở hành vi ăn cắp. Ý kiến cho rằng có thể ngăn ngừa tội ác bằng cách trừng trị kẻ gây tội bằng một hình phạt trong khoảng thời gian nhất định chỉ là suy nghĩ viển vông. Sau bài viết này, tôi nhận thấy rõ hệ thống hình phạt pháp luật trốn tránh trách nhiệm đang tồn tại trên đất nước này cần được thay đổi càng sớm càng tốt".

Nakahara gấp lại quyển tạp chí sau khi đọc xong toàn bộ bài viết, ánh mắt nhìn về hướng xa xăm.

Đây là một bài phóng sự rất chắc tay. Nội dung bài viết có tính thuyết phục, phần kết luận nêu lên sự bất mãn đối với hệ thống hình phạt pháp luật hiện tại có lẽ là suy nghĩ cảm xúc của chính Sayoko chất chứa trong nhiều năm. Có lẽ cô muốn nói, giống như việc bỏ tù người ăn cắp vặt nhằm trừng phạt là vô lý, cái lý lẽ bỏ tù kẻ giết người để giáo huấn cũng vô lý như vậy.

Tâm trí anh đang trôi theo dòng suy nghĩ thì điện thoại di động rung lên trong túi áo ngực. Người gọi đến là bà Hamaoka Satoe.

"Vâng, con là Nakahara đây ạ."

"Anh Michimasa, tôi Hamaoka đây. Xin lỗi tôi gọi cho anh lúc đang làm việc thế này. Bây giờ nói chuyện có tiện không?"

"Không sao đâu ạ. Chuyện của Sayoko hay chuyện gì vậy ạ?"

"Anh đoán đúng rồi đó. Bây giờ tôi và ông ấy đang chuẩn bị các thứ cho phiên tòa."

"Ba và mẹ chuẩn bị cho phiên toàn sao ạ? Con nghĩ đó là việc của bên kiểm sát chứ," anh vừa dứt lời hỏi, bà đã trả lời vì tình hình có một vài thay đổi.

"Vậy nên tôi mới nghĩ phải nói cho anh Michimasa biết. Anh có thể đến gặp tôi được không?"

"Con biết rồi ạ. Con sẽ ghé qua chỗ ba mẹ."

Câu trả lời dứt khoát đó xuất phát từ mong muốn được biết tường tận về vụ án của chính anh. Mặc dù Sayama đã có lời rằng "Sau khi mọi việc ổn thỏa, tôi sẽ đến tận nơi cảm ơn anh" nhưng quả nhiên viên thanh tra không hề liên lạc thêm lần nào nữa.

Bà Satoe hẹn gặp anh ở sảnh tiếp khách của một khách sạn ở Shinjuku. Bà mặc bộ vest màu xanh thẫm, đi cùng một người đàn ông khoảng ngoài 40 tuổi, có lẽ cũng bằng tuổi Nakahara. Người đàn ông đeo kính, trông dáng vóc có vẻ là nhân viên ngân hàng. Hai người đứng lên khỏi ghế sô pha khi nhìn thấy Nakahara lại gần.

Bà Satoe giới thiệu hai người đàn ông với nhau. Người kia là luật sư tên Yamabe, anh ta từng cùng Sayoko hoạt động trong Hội gia đình nạn nhân.

Nakahara ngồi xuống ghế, gọi người phục vụ ở gần nhất và yêu cầu một tách cà phê. Bà Satoe và ông luật sư đã gọi đồ uống trước đó.

"Xin lỗi anh nhé, anh bận như thế mà tôi lại hẹn ra đây." Bà Satoe áy náy.

"Không có gì đâu mẹ, con cũng muốn biết nữa. Thế mẹ muốn nói cho con biết chuyện gì ạ?" Nakahara nhìn thẳng về phía hai người đối diện.

Yamabe ngập ngừng bắt đầu giải thích:

"Không biết anh Nakahara có biết về cơ chế tham gia đối với người bị hại không?"

"Cơ chế tham gia đối với... à cái đó tôi có biết. Ý anh là cơ chế cho phép người bị hại hoặc gia đình người bị hại đứng trước tòa làm nhân chứng phải không? Cơ chế đó hình như được chính thức công nhận sau khi phiên tòa xét xử vụ án của gia đình tôi vừa kết thúc."

Cơ chế tham gia đối với người bị hại là cơ chế cho phép người bị hại hoặc gia đình người bị hại có quyền nêu yêu cầu án tử, đặt câu hỏi đối với bị cáo, tương đương với kiểm sát viên. Thời điểm cơ chế này được quy định trong luật pháp, anh đã ước giá mà nó được công nhận sớm hơn một chút, gia đình anh đã có thể hỏi Hirukawa nhiều chuyện hơn nữa.

Yamabe gật gù, nếu đã biết thì cũng dễ nói chuyện hơn.

"Tôi có ý muốn ông bà Hamaoka tham gia vào phiên tòa xét xử vụ án lần này với tư cách là thân nhân của người bị hại."

Ra là thế, anh nhìn sang bà Satoe. Người phụ nữ từng là mẹ vợ anh cũng đáp lại ánh mắt ấy, bà hướng cằm lên tỏ ra đã cân nhắc kĩ lưỡng.

Người phục vụ mang tách cà phê ra, anh không thêm đường hay sữa mà cứ thế uống một ngụm.

"Chuyện tham gia vào phiên tòa với tư cách thân nhân, lúc đầu bên kiểm sát họ cũng gợi ý." Bà Satoe nói. "Nhưng lúc đó tôi đã từ chối."

"Vì sao thế ạ?"

"Thì do phiên tòa đó anh. Tôi nghĩ mình không thể chịu nổi những chuyện như hỏi nhân chứng, hay hỏi bị cáo gì đó. Nhưng sau đó tiên sinh Yamabe tìm đến, nói rằng rất mong tôi và ông ấy đồng ý tham gia."

"Vì tôi cho rằng đó cũng là nguyện vọng của chị Hamaoka Sayoko quá cố." Yamabe nhấn mạnh.

"Ý anh nguyện vọng là sao?"

"Là nguyện vọng biến phiên tòa trở thành nơi đứng về phía người bị hại và thân nhân. Từ trước tới nay, phiên tòa vốn chỉ là nơi để chủ tọa, luật sư và kiểm sát viên đấu trí, hoàn toàn không phản ánh ý kiến cũng như cảm xúc của người bị hại hay gia đình người bị hại. Tòa án quyết định bản án chỉ với những yếu tố rõ ràng như giết bao nhiêu người, giết như thế nào, có lên kế hoạch hay chỉ là bột phát. Người ta hoàn toàn không quan tâm đến tội ác đó khiến ai đau khổ, khiến ai uất ức. Chẳng phải chính anh là người hiểu rõ nhất đó sao."

"Đúng như anh nói." Nakahara gật đầu tán thành.

Yamabe đưa tay với lấy tách cà phê.

"Theo anh, mức độ nghiêm trọng của hành vi giết người trong vụ án của chị Hamaoka Sayoko lần này như thế nào? Anh cùng chị Sayoko đã từng tìm hiểu rất nhiều, có lẽ cũng phần nào đoán được phải không?"

"Mức độ nghiêm trọng à?" Nakahara nhìn chằm chằm vào chất lỏng màu đen trong tách cà phê, nhớ lại những gì thanh tra Sayama đã nói. "Theo những gì tôi biết được, tội ác lần này chỉ đơn giản là cướp của giết người. Khi hung thủ rút dao đe dọa đòi tiền, Sayoko đã quay đầu bỏ chạy nên bị hung thủ đâm từ phía sau."

Yamabe không hề tỏ ý phủ định, "Nếu vậy thì sao?", ra ý mời anh nói tiếp.

"Tội danh cướp của giết người sẽ phải chịu mức án tử hình hoặc tù vô thời hạn. Hung thủ có tiền án không?"

"Không hề."

"Ông ta đã đầu thú ngay trong ngày hôm sau nhỉ. Tôi chưa gặp ông ta nên cũng không thể nói gì nhiều, nhưng ông ta có vẻ hối hận không?"

"Theo như kiểm sát viên nói lại, hung thủ từ lúc đầu thú luôn miệng nói xin lỗi nạn nhân, phần nào có thể thấy hung thủ thật tình hối hận."

"Xin lỗi cũng chỉ là nói miệng mà thôi." Bà Satoe chen vào. "Ông ta tự thú để hòng được giảm tội thì có. Chắc chắn ông ta không hề hối hận gì hết."

"À, có một món đồ này, mặc dù không phải từ chính hung thủ," Yamabe nói, "Tôi nhận được từ luật sư bên bị cáo một lá thư xin lỗi."

Nakahara có chút ngạc nhiên.

"Thư sao? Nếu không phải do chính hung thủ viết, vậy ai viết?"

"Là con rể ông ta. Hung thủ có một người con gái, người viết thư này chính là chồng cô ta."

Càng lúc Nakahara càng bối rối. Nếu là cô con gái viết thì anh có thể hiểu được, nhưng đây lại là chồng cô ta.

"Nội dung bức thư là xin lỗi và nhận trách nhiệm một phần trong vụ việc lần này." Yamabe tiếp tục nói. "Anh ta viết rằng đáng lẽ họ phải chăm sóc tốt cho người cha, nhưng chính vì họ đã không chu cấp đầy đủ khiến cho người cha vợ trong một phút túng quẫn gây nên hành vi giết người. Anh ta muốn được gặp trực tiếp thân nhân của nạn nhân để bày tỏ lời xin lỗi."

Nakahara không lường trước được chuyện này. Thanh tra Sayama từng cho anh biết hung thủ có một người con gái, và cô gái đó lấy chồng là một bác sĩ, nhưng anh không hề để tâm.

Nakahara quay sang hỏi bà Satoe, "Mẹ có định gặp người ta không ạ?"

"Không," bà đáp với vẻ khó chịu, "Anh ta có xin lỗi cũng chẳng có ý nghĩa gì."

"Liệu việc này có ảnh hưởng đến phán quyết của tòa không?" Nakahara hỏi lại Yamabe.

"Có khả năng anh ta sẽ đứng ra làm chứng với tư cách nhân chứng về phương diện tình cảm, để tòa xem xét khoan hồng. Ví dụ như đề nghị sẽ chăm sóc và trông nom bị cáo trong tương lai để bị cáo có thể hoàn lương chẳng hạn."

"Nếu vậy thì," Nakahara khoanh hai tay trước ngực, "phán quyết tử hình là không thể. Hơn nữa, kiểm sát viên cũng công nhận hung thủ có dấu hiệu hối hận, nên tù vô thời hạn là phán quyết hợp tình hợp lý."

Yamabe nhấp một ngụm cà phê, gật đầu.

"Tôi đồng ý với anh. Nếu không tìm ra một ẩn tình nào mới, thì ngay cả phía kiểm sát viên cũng sẽ yêu cầu mức án đó thôi. Theo tôi nghĩ luật sư bên đó sẽ đề nghị án 25 năm tù, nhưng vì vụ án lần này hung thủ đã lên kế hoạch, có chuẩn bị cả hung khí nên tòa sẽ phán mức tù vô thời hạn như nhận định của anh. Nói cách khác, phiên tòa lần này không cần xử cũng biết kết quả."

"Vì thế, phiên tòa lần này là vô nghĩa."

"Không phải. Ý tôi là ngược lại. Phiên tòa lần này vô cùng có ý nghĩa. Đây không chỉ là phiên xét xử quyết định mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, mà chính là phiên tòa nhằm vạch rõ mức độ nghiêm trọng của tội ác. Nếu không thể làm được điều này thì thân nhân người bị hại không thể thanh thản. Tôi cũng trao đổi việc này với ông bà Hamaoka và thuyết phục ông bà tham gia vào phiên tòa."

Anh hiểu rõ những gì Yamabe nói. Khi Manami bị giết hại, anh đã không thể giãi bày nỗi thống khổ của mình với kẻ thù ác. Nakahara gật gù, quay sang nhìn bà Satoe.

"Con nghĩ sẽ rất vất vả đấy ạ, ba mẹ cố gắng lên."

"Tôi và ông ấy cũng bảo nhau phải cố gắng gượng, dù sao những chuyện rắc rối chúng tôi cũng sẽ nhờ tiên sinh Yamabe giúp."

"Xin hãy giao cho tôi." Yamabe gật gù.

Nakahara cũng biết, khi người bị hại tham gia vào phiên tòa, họ có thể ủy thác cho luật sư bên nguyên nhiều việc.

"Con hiểu rồi ạ. Phiên tòa sắp tới con sẽ theo dõi kĩ. Không biết con có thể giúp gì không ạ?"

Yamabe ngồi ngay ngắn lại, nhìn thẳng vào anh.

"Tôi mong anh Nakahara có thể đứng ra làm nhân chứng."

"Tôi ư? Nhưng tôi không biết gì về vụ án lần này."

"Thực ra, anh là người hiểu rõ chị Hamaoka Sayoko hơn ai hết. Chị ấy tham gia hoạt động hỗ trợ thân nhân các nạn nhân bởi chính chị ấy cũng từng trải qua nỗi đau đó trong quá khứ. Nhưng chính chị ấy lại gặp phải chuyện kinh khủng lần này. Để cho hung thủ biết tội ác của mình độc ác như thế nào, để thẩm phán hiểu được chị Sayoko đã ra đi trong oan ức ra sao, liệu anh có thể đứng trước tòa, nói cho họ biết chị Sayoko là người phụ nữ như thế nào không?"

Bên tai văng vẳng giọng nói của Yamabe, nhưng trong đầu Nakahara lại nghĩ theo hướng hoàn toàn ngược lại. Anh là người hiểu rõ Sayoko nhất sao? Liệu có thật thế không? Anh cùng cô đã trải qua đau đớn và uất hận. Nhưng rút cục anh vẫn không hiểu cô, vì thế họ mới phải chia tay.

"Anh Michimasa," bà Satoe gọi.

"Tôi và ông nhà quyết định tham gia vào phiên tòa, ngoài những lý do tiên sinh Yamabe nói, còn một lý do khác nữa."

"Lý do gì vậy ạ?"

"Chuyện này..." Bà Satoe thận trọng nói, "Chúng tôi mong hung thủ phải chịu án tử hình."

Sự bàng hoàng khiến anh trong một khoảnh khắc không biết nên nói gì cho phải, anh vẫn đối diện với gương mặt đầy nếp nhăn của bà.

Người phụ nữ luống tuổi bật cười.

"Anh cũng nghĩ chúng tôi làm chuyện vô ích phải không. Nhưng... dù thế nào đi nữa tôi và ông ấy cũng muốn nhìn thấy một án tử. Khi phía kiểm sát và tiên sinh Yamabe giải thích về cơ chế người bị hại tham gia vào xét xử, tôi đã nhận ra một điều vô cùng quan trọng. Không chỉ kiểm sát viên mà chính thân nhân là tôi và ông ấy cũng có thể yêu cầu án tử hình. Với tình hình này, có lẽ phía kiểm sát sẽ chỉ đề nghị mức án tù vô thời hạn. Nhưng cái chúng tôi muốn là án tử hình, phải không tiên sinh Yamabe. Nếu như tôi và ông nhà tôi đứng ra yêu cầu án tử, thì người đại diện cho chúng tôi là tiên sinh Yamabe cũng đồng ý giúp đỡ."

Yamabe gật đầu, "Đúng thế."

"Tôi muốn được nghe thấy trên tòa," bà Satoe nhìn Nakahara, "từng chữ yêu cầu án tử đối với bị cáo. Cho dù mong muốn đó không thành hiện thực đi chăng nữa, tôi vẫn muốn hai chữ tử hình vang lên trong không gian tòa án. Chính anh cũng hiểu cảm giác này mà."

Đôi mắt người đàn bà luống tuổi bắt đầu đỏ lên gay gắt. Hình ảnh ấy khiến cái gì đó bất ngờ trào lên trong lồng ngực Nakahara. Tử hình - đó cũng chính là hai từ mà anh cùng Sayoko từng đấu tranh giành lấy.

"Tiên sinh," bà Satoe quay sang phía Yamabe. "Tôi muốn cho anh Michimasa xem thứ đó, tiên sinh có phiền không?"

Yamabe chậm rãi nhắm mắt rồi lại mở ra, gật đầu, "Được thôi."

Bà Satoe lấy từ chiếc túi vải đặt bên cạnh một tập tài liệu cỡ A4, trên góc được kẹp lại bằng ghim, tập tài liệu khoảng mười đến mười hai tờ giấy.

"Anh có nhớ cô Hiyama không? Là bạn đại học của Sayoko ấy."

"Là cô Hiyama Chizuko phải không ạ. Con vẫn nhớ ạ."

Nakahara kể lại cho bà chuyện cuốn tạp chí được gửi đến văn phòng, anh không nghĩ hôm nay bà lại tình cờ đề cập đến cái tên này như vậy.

"Có cả tạp chí chuyên như vậy à. Thế thì lát nữa đi về tôi phải ghé hiệu sách mới được. Đêm trước tang lễ tôi cũng có nói chuyện với cô Hiyama, nhưng cô ấy không nói cho tôi về cuốn tạp chí mà là chuyện về một cuốn sách."

"Sách sao ạ?"

"Là một tập bản thảo. Cô Hiyama nói là Sayoko nó có một tập bản thảo muốn được xuất bản, hình như cũng sắp hoàn thành bản thảo rồi. Thế nên cô Hiyama mới hỏi, nếu như tôi là mẹ nó muốn xuất bản thì cô ấy sẽ hỗ trợ. Lúc đó tôi nghĩ xuất bản được thì cũng tốt, nhưng tôi lại không tìm thấy bản thảo của con bé viết ở đâu. Máy tính Sayoko vẫn dùng cũng đã bị cảnh sát thu. Sau đó, khi cảnh sát trả lại máy tính tôi đã tìm thử trong đó, thế là tìm thấy thứ này đây."

Nakahara đưa tay đón lấy tập tài liệu. Trên trang đầu tiên là tiêu đề khiến anh bàng hoàng, "Bạo lực ẩn danh dưới cái tên xóa bỏ án tử hình".

"Tôi nghĩ bản thảo mà chị Hiyama nói chính là cái này."

"Bản thảo khá hay. Con đọc được không ạ?"

"Đương nhiên."

Anh đưa tay lật sang trang giấy thứ hai, trên đó là bản thảo in ngang. Ở phần Mở đầu, câu dẫn dắt được viết như sau:

"Giả sử có một đứa trẻ. Không khó để thuyết phục đứa trẻ này đồng tình với luận điểm xóa bỏ án tử hình. Luật pháp nghiêm cấm giết người. Chế độ tử hình là chế độ ở đó quốc gia giết chết người khác, nhưng quốc gia lại là thứ do con người lập nên. Tức là chế độ tử hình chất chứa rất nhiều mâu thuẫn. Chỉ cần những lý lẽ này đã đủ để có thể thuyết phục đa số trẻ em."

Câu văn tiếp theo lại là, "Bản thân tôi cũng muốn mình mãi có thể là đứa trẻ đồng tình với những lý lẽ kia."

Nakahara rời mắt khỏi tập bản thảo.

"Cô ấy đã viết nó ạ?"

Bà Satoe chớp mắt.

"Trong phòng Sayoko có rất nhiều sách và tài liệu về án tử hình rồi mức độ phạm tội. Tôi nghĩ nó đã bỏ nhiều tâm huyết khi viết thứ này."

Nakahara nhìn lại tiêu đề bản thảo. "Bạo lực ẩn danh dưới cái tên xóa bỏ án tử hình à?"

"Đọc xong tập bản thảo này, anh sẽ hiểu cho suy nghĩ của chúng tôi."

"Con mượn tập bản thảo này được không ạ?"

"Tôi mang đến đây là để đưa nó cho anh. Anh hãy đọc kĩ vào nhé."

"Tôi định dùng bản thảo này làm tài liệu trước tòa." Yamabe nói. "Anh đọc xong sẽ hiểu, trong bản thảo này cũng có đề cập đến phiên tòa anh đã tham gia trước đây. Một số tên nhân vật được chuyển thành tên giả vì lý do bảo mật thông tin cá nhân, trong khi đọc nếu anh nhận ra vấn đề gì xin hãy nói để tôi được biết."

"Tôi hiểu rồi. Tôi sẽ đọc nó cẩn thận."

Nakahara để tập bản thảo vào túi xách mang theo, nhìn hai người đối diện, "nhân tiện đây..."

"Anh nói con rể của bị cáo có gửi một bức thư xin lỗi phải không?"

"Đúng thế. Cuối thư đề cả tên cô con gái, nhưng giọng văn cho thấy chính người chồng mới là người viết lá thư." Yamabe đáp.

Ra vậy - Nakahara gật gù.

"Chuyện như thế này có phải rất hiếm không? Ý tôi là việc người thân của bị cáo gửi thư xin lỗi thân nhân nạn nhân ấy."

"Cũng không phải chuyện hiếm, nhưng..." Yamabe ngập ngừng, hơi lắc đầu nói tiếp. "Bình thường những lá thư như vậy do cha mẹ bị cáo viết, bởi họ cảm thấy có trách nhiệm đối với hành vi sai trái mà con mình gây ra. Nhưng con cái viết thư xin lỗi cho cha mẹ thì là chuyện hiếm."

"Hơn nữa, lại còn là con rể..."

Yamabe dịu giọng xuống.

"Tôi chưa thấy bao giờ."

"Tôi nghe nói anh ta là bác sĩ."

Yamabe trợn tròn mắt, "Anh cũng biết rõ nhỉ. Đúng thế, anh ta là bác sĩ."

"Một thanh tra cảnh sát đã nói lại cho tôi biết. Nếu anh ta là bác sĩ thì chắc chắn cuộc sống cũng khá giả chứ nhỉ."

"Có lẽ vậy. Theo như tôi tìm hiểu được từ phía cảnh sát thì..." Yamabe lấy từ trong cặp một quyển sổ tay nhỏ, "Anh ta làm việc ở Bệnh viện trực thuộc Khoa Y trường Đại học Keiai. Anh ta vốn quê ở thành phố Fujinomiya tỉnh Shizuoka, gia đình ba mẹ cũng khá giả. Người vợ giống bị cáo, là người Toyama. Trước khi kết hôn, cô ấy làm việc tại một công ty ở Kanagawa, đã một thời gian dài cô ấy không gặp bị cáo, hai cha con họ gặp lại nhau là chuyện 2 năm trước. Trong thư cũng có viết quan hệ cha con họ không được tốt cho lắm, có lẽ chuyện người chồng không chu cấp cho ba vợ cũng có nhiều ẩn tình nữa. Những chuyện này biết đâu lại được phơi bày trắng đen ở trước tòa."

Lời nói của Yamabe khiến nhận định của Nakahara về vụ án thay đổi đôi chút. Từ trước tới nay, anh chưa bao giờ nghĩ đến chuyện quan tâm đến gia cảnh của hung thủ. Như Hirukawa có một em trai, nhưng người em trai này chưa bao giờ ra tòa, dù để làm nhân chứng tinh thần.

Cuộc nói chuyện sau đó chủ yếu về tình hình cuộc sống hiện tại của mọi người. Anh vừa uống nốt cốc cà phê đã nhạt vị vừa trò chuyện. Ông Soichi - ba của Sayoko đổ bệnh nên hôm nay không thể cùng bà Satoe đến gặp anh.

"Sau khi Sayoko gặp chuyện, ông ấy già đi trông thấy, cơ thể cũng gầy đi mất 5 cân."

"Vậy thì không tốt đâu ạ, ba mẹ phải chú ý giữ gìn sức khỏe tốt mới có thể vượt qua các phiên tòa được ạ."

"Anh nói cũng đúng. Để tôi về nói với ông ấy là anh Michimasa nói vậy."

Nakahara nghiêng nghiêng cốc cà phê trên tay, nhớ lại khi phiên tòa xét xử vụ án của Manami, anh và Sayoko cũng gầy rộc cả người.

Sau khi chia tay với bà Satoe, anh quyết định ghé quán cơm quen ăn tối rồi mới về nhà. Vào cái đêm Sayoko bị giết hại, anh có chứng cứ ngoại phạm ăn cơm tại quán này. Sau khi được biết về vụ án, anh không đến quán nữa nhưng từ hai tuần trước anh bắt đầu quay lại. Nhân viên quen trong quán nhìn thấy anh đến cũng không nói gì, có lẽ cảnh sát không điều tra đến đây.

Anh chọn chỗ ngồi ở một bàn dành cho bốn người, gọi một suất cơm theo ngày. Suất cơm này giúp anh mỗi ngày đều có thể ăn các món khác nhau dù là ăn ở quán. Món chính trong thực đơn hôm nay là cá sòng tẩm bột rán.

Nakahara để bản thảo của Sayoko lên mặt bàn, định bụng vừa ăn vừa đọc. Nhưng mới chỉ đọc đến phần vào đề, anh liền dừng lại. Nội dung viết trong bản thảo này không phải thứ có thể đọc giết thời gian trong lúc ăn cơm. Trong từ câu chữ anh cảm nhận được quyết tâm cũng như tâm niệm của Sayoko.

Những người ủng hộ cho luận điểm xóa bỏ án tử hình, họ không hề biết đến nạn nhân của tội ác - anh nhớ lại trong đầu câu văn vừa đọc được.

"Thân nhân người bị hại mong muốn án tử hình không chỉ đơn thuần vì lý do muốn trả thù. Hãy thử tưởng tượng, những người có người thân yêu bị giết hại, họ đã phải trải qua nỗi đau đớn nhường nào để có thể chấp nhận sự thật. Hung thủ chết đi không có nghĩa là nạn nhân sẽ sống lại. Nhưng, vậy họ mong muốn cái gì? Thân nhân người bị hại phải làm gì để được cứu rỗi khỏi nỗi đau? Họ muốn có án tử bởi họ không biết phải bấu víu vào cái gì khác. Nếu như các vị cho rằng cần phải xóa bỏ án tử hình, vậy hãy cho họ - thân nhân người bị hại, một cái gì khác thay thế."

Ăn hết phần cơm mà không cảm nhận được chút nào vị của con cá sòng, anh rời khỏi quán rảo bước về căn hộ của mình.

Về đến nhà, sau khi thay đồ, anh ngay lập tức lấy tập bản thảo ra đọc tiếp. Đây là lần đầu tiên anh đọc văn do Sayoko viết với một độ dài như thế này. Anh không biết giọng văn này có thể gọi là giỏi hay không, nhưng anh cảm nhận được qua từng câu chữ rằng cô quen với công việc viết lách. Có lẽ cô ấy đã trở thành một nhà văn thực sự, anh nghĩ vậy, và chợt nhận ra suy nghĩ ấy không liên quan gì đến nội dung bản thảo.

Nội dung bản thảo ư...

Là những câu chữ như đánh vào cảm xúc của anh. Sayoko cũng giống anh, vẫn chưa thoát khỏi bóng ma của vụ án ngày ấy. Cô đã viết như thế này:

"Cho dù án tử hình đã được tuyên bố đi chăng nữa, chuyện đó đối với thân nhân người bị hại không phải là sự chiến thắng hay gì khác. Họ không có trong tay một thứ gì. Việc án tử được tuyên bố chỉ đơn thuần là những thủ tục cần thiết, những thủ tục đương nhiên đã chấm dứt. Cho dù bản án tử hình được thực thi đi chăng nữa cũng vậy. Sự thật người thân yêu của họ đã mất đi không bao giờ thay đổi, trái tim bị tổn thương cũng không thể lành lại. Vậy, cũng có người sẽ nói, có hay không án tử thì cũng chẳng khác gì nhau. Lời nói đó hoàn toàn sai lầm. Nếu như kẻ thủ ác vẫn sống, thì nỗi day dứt "Tại sao kẻ đó được sống, tại sao kẻ đó lại được ban cho quyền được sống" sẽ vẫn mãi ấm ức trong lòng thân nhân người bị hại. Có người nói rằng nên xóa bỏ án tử hình, thay vào đó là tù chung thân. Người đó hoàn toàn không hiểu tâm trạng của thân nhân người bị hại. Án chung thân vẫn cho hung thủ được sống. Hung thủ vẫn sống ở đâu đó trên thế gian này, ngày ngày ăn cơm, nói chuyện với ai đó, có khi còn tìm được một thú vui gì đấy. Những ý nghĩ này hành hạ tâm lý đau đớn mà thân nhân người bị hại phải chịu. Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh rằng, án tử hình không hề cứu rỗi được gì đối với gia đình nạn nhân. Án tử hình là điều đương nhiên đối với họ. Người ta vẫn thường nói "Chết để đền tội", nhưng gia đình nạn nhân không coi cái chết của hung thủ là đền tội, cũng chẳng là gì hết. Với họ, cái chết của hung thủ chỉ là một điểm mốc trong hành trình vượt qua nỗi đau mà thôi. Thậm chí, dù họ có đi qua được điểm mốc ấy đi chăng nữa, họ cũng không nhìn thấy con đường phía trước mở ra lối đi nào. Họ không biết họ phải vượt qua cái gì, phải hướng đến điều gì để tìm lại được hạnh phúc. Vậy, nếu ngay cả điểm mốc ít ỏi ấy cũng mất đi, thì thân nhân người bị hại sẽ còn lại gì đây. Luận điểm xóa bỏ án tử hình chính là dẫn đến sự tình này."

Vừa đọc bản thảo, Nakahara vừa hiểu được, Sayoko cũng suy nghĩ giống anh. Những gì được viết ra ở đây thể hiện chính xác và hoàn hảo cảm xúc của bản thân anh. Cho đến trước khi đọc những dòng văn này, anh không biết phải diễn tả cảm xúc của mình ra sao.

Án tử hình chỉ là một điểm mốc.

Quả đúng như vậy, anh gật gù. Khi anh còn tranh đấu cho phiên tòa, anh đã coi án tử hình là mục tiêu. Để rồi đến khi nhận ra nó hoàn toàn không phải là mục tiêu gì, anh đã tuyệt vọng như rơi vào một hố sâu thăm thẳm.

Nakahara tiếp tục đọc tập bản thảo. Trên đó, Sayoko không chỉ triển khai luận điểm của bản thân, cô còn đưa ra một vài tình huống ví dụ cụ thể, viết lại chuyện nghe được từ những người liên quan. Lẽ đương nhiên, vụ án mạng của Manami cũng được cô đề cập đến. Ở phần nội dung đó, một cái tên bất ngờ xuất hiện, là Hirai Hajime, luật sư biện hộ cho Hirukawa.

Em cũng tìm đến cả kẻ thù nghe họ kể chuyện à?

Họ hiểu luật sư của bị cáo không phải người xấu, dù vậy, đối với họ lúc đó, anh ta cũng chính là người ủng hộ cho tội ác, là kẻ thù không hơn không kém. Anh nhớ rõ cảm giác căm hận của mình đối với vị luật sư khi anh ta lý giải những lời xin lỗi qua loa của Hirukawa thành "sự ăn năn hối lỗi chân thành". Thêm vào đó, ánh mắt vô cảm luôn liếc sang một bên của người luật sư cũng khiến anh thêm ác cảm.

Trên bản thảo có ghi lại phần trao đổi với luật sư Hirai, vì thế Nakahara tiếp tục đọc. Anh vốn nghĩ Sayoko sẽ truy cứu theo góc nhìn mang tâm ý đối địch, nhưng không phải, thậm chí giọng văn có phần trầm lắng, bình tĩnh ghi lại diễn biến một loạt các phiên xét xử vụ án ngày ấy.

Sayoko đã hỏi luật sư Hirai, anh ta nghĩ thế nào khi biết hai vợ chồng cô quyết tâm theo đuổi đến cùng bản án tử hình. Câu trả lời của luật sư Hirai là một câu trả lời dễ đoán.

"Trong ký ức của tôi, không có một gia đình nào không đòi hỏi bản án tử hình đối với kẻ đã cướp đi người thân yêu của họ. Với tư cách một luật sư, tôi coi mong muốn đó chính là điểm khởi đầu. Bị cáo lúc đó chính là không còn đường lui, phía trước chỉ là vực thẳm. Vậy nên, tôi còn có thể giúp bị cáo tìm đường lùi được chút nào hay chút ấy. Nếu phía sau có đường lùi, dù chỉ là một bước chân đi chăng nữa, tôi cũng muốn đưa bị cáo về hướng đó. Đó chính là việc mà luật sư chúng tôi phải làm."

Sayoko cũng hỏi luật sư Hirai về chế độ tử hình. Anh ta đáp rằng, nếu có thể xóa bỏ thì nên xóa bỏ đi.

"Ý kiến có trọng lượng nhất trong luận điểm cho rằng cần xóa bỏ án tử hình là có thể bị cáo vô tình giết chết người, nhưng tôi lại nghĩ khác. Tôi đặt dấu chấm hỏi đối với chế độ tử hình bởi án tử hình không giải quyết được gì cả. Có một vụ án A, hung thủ bị tử hình. Có một vụ án B, hung thủ cũng bị tử hình. Mỗi vụ án là một câu chuyện khác nhau, thân nhân người bị hại cũng khác nhau, vậy mà lại có chung một cái kết là tử hình để chấm dứt câu chuyện. Tôi nghĩ mỗi vụ án nên có một cái kết riêng phù hợp với nó."

Phần bản thảo này khiến Nakahara suy nghĩ nhiều, bởi anh hiểu những lý lẽ mà Hirai chỉ ra.

Đúng như luật sư Hirai nói. Anh và vợ anh vật lộn với đau đớn bởi họ không tìm được một cái kết trọn vẹn. Nhưng còn có thể có một cái kết nào khác đây. Liệu thay án tử bằng tù chung thân như một số người theo quan điểm xóa bỏ án tử hình nói có mang lại sự thay đổi nào khác không? Sayoko cũng đặt ra câu hỏi này, đáp lại là lời nói "Chính tôi cũng không rõ" của luật sư Hirai.

Đoạn viết này kết thúc ở đó, tiếp theo là một khoảng cách tầm năm dòng văn, rồi chuyển sang một đoạn viết kế tiếp. Nakahara cũng đã đọc tiếp, nhưng phần sau không còn nhắc đến nội dung trao đổi với luật sư Hirai nữa.

Nakahara lật lại trang có khoảng trống để cách, đọc lại nội dung cuộc trò chuyện với luật sư Hirai, anh vẫn không hiểu vì sao cô lại dừng đoạn viết ở đó.

Có lẽ nào chính bản thân Sayoko đã có chút hoang mang, chính bản thân cô vẫn chưa thông suốt được ý tứ vốn định viết ở phần này chăng?

Anh gấp tập bản thảo lại như cũ, nằm ra giường nhìn lên trần nhà. Cứ nhìn anh Michi em lại thấy khốn khổ - anh không thể quên được ánh mắt Sayoko khi nói ra những lời đó.

Anh nghĩ lúc đó mình đã cố hết sức tìm kiếm một lời đáp thích hợp. Họ phải hoàn thành cái gì, phải làm gì để được cứu rỗi. Họ điên cuồng xoay sở với mọi thứ, lắng nghe mọi người, đấu tranh giành lấy đạo lý.

Nakahara ngồi dậy nhìn đồng hồ. Vẫn chưa quá muộn.

Anh lấy từ trong túi áo ngực tấm danh thiếp mới có được, vừa nhìn vừa bấm điện thoại.