Chương 1: Người tự sự Bách Việt

Mặc dù hoạt động thăm dò ‘Thánh Địa Vùi Thây’ đã bị công khai cấm cản từ năm 1940, nhưng vẫn luôn có vài kẻ không sợ chết liều mạng tiến tới. Lý do thứ yếu tất nhiên là vì tiền. Từ giữa đến cuối thế kỷ 20 chiến tranh liên miên, xung đột chưa từng ngừng nghỉ, chính cuộc sống vô cùng tuyệt vọng đã tạo nên những kẻ dám dấn thân vào nơi không có đường về đấy.

Giữa năm 1941 khi một Thánh Địa Vùi Thây xuất hiện ở gần biên giới Tây Nam Việt Nam, tất cả đàn ông trưởng thành họ hàng bên nội nhà tôi đã theo một nhóm buôn lậu đến từ Hồng Kông với khoảng 40 thành viên tiến vào bên trong. Bất ngờ ở chỗ họ đã có thể trở ra ngoài, hơn nữa là trở đi trở vào tận ba lần. Mỗi lần số người vơi hơn phân nửa, đến lần cuối cùng chỉ còn bốn người. Em trai út của ông nội tôi là người Việt duy nhất còn sống.

Sau đó ông trẻ dùng một phần số tiền kiếm được đưa cả nhà di cư sang Hồng Kông, một phần hỗ trợ phong trào kháng chiến ở quê nhà Việt Nam. Tôi được biết ông trẻ là người rất yêu nước, đến tận lúc chết ông vẫn sắp xếp để lợi tức từ số tài sản ông gửi ngân hàng sẽ được đưa vào Việt Nam đều đặn hàng quý. Nhưng lạ lùng thay khi ông chưa từng một lần nhắc tới chuyện về thăm quê hương.

Tháng 3 năm 1951, khi Thánh Địa Vùi Thây lần đầu xuất hiện ở dãy Anpơ, một băng đảng ngầm được vũ trang tận răng đã đến và mời ông tôi làm cố vấn cho chuyến đi tới khu vực bị cấm này. Bố tôi lúc bấy giờ mới 14 tuổi cũng bị xách theo. Chuyến đi thất bại thảm hại, gần như tất cả đều không thể ra khỏi đó, ngoại trừ ông trẻ và bố tôi.

Trong mười năm tiếp theo, ông trẻ còn đi thêm năm chuyến nữa và cả năm chuyến đều có bố tôi đồng hành. Đến chuyến thứ bảy tại hoang mạc Karakum, người ta chỉ bới được bố tôi đang bị chôn vùi trong cát, trên tay còn ôm chiếc đầu nóng hôi hổi của ông trẻ.

Sau sự ra đi của ông trẻ, đại gia đình hoàn toàn sụp đổ, phụ nữ hoặc ốm bệnh chết, hoặc đi tái giá, đàn ông thì chỉ còn mỗi bố tôi, không có một đứa trẻ nào được sinh ra từ khi đến Hồng Kông.

Bố tôi sau đó chuyển cả đại gia đình tới Anh và tiếp nối con đường của ông trẻ. Nghe nói trước khi mất tích bố tôi còn trở thành truyền kỳ trong nghề, nhưng cụ thể thế nào tôi không rõ, vì mẹ tôi đã đốt hết những bức ảnh và vật phẩm liên quan tới ông kể từ khi bà tái hôn.

Thực tế những chuyện về họ hàng bên nội tôi đáng nhẽ sẽ không bao giờ biết được, vì tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, dưới sự nuôi nấng của nhà ngoại. Nếu không phải bà nội tôi trước khi mất đã cố gắng liên hệ với mẹ tôi để được trông thấy tôi lần cuối, tôi chắc rằng cả đời này đều không biết gì.

Và cũng chắc chắn sẽ chẳng bao giờ có cơ hội được gặp những người anh em khiến tôi khắc cốt ghi tâm.