Các vị đồng tu, xin chào mọi người!
Tối hôm qua có mưa dông rất to, liêu phòng của các bạn có bị nước chảy vào không? Những đồng tu bản địa nói với tôi hiện tượng này trước đây rất hiếm có nhưng gần đây thì xảy ra rất nhiều lần, đều là những hiện tượng không bình thường. Quả thật là trời đất quỷ thần thời thời khắc khắc đang cảnh báo cho chúng ta biết. Chúng ta nhất định phải thể hội thật tỉ mỉ, bình lặng mà quan sát. Thời đại đang không ngừng thay đổi, ngạn ngữ nói là: “Trường Giang sóng sau xô sóng trước”. Các vị thiện tri thức tiền bối đã rời xa chúng ta rồi. Thế hệ thời trẻ học Phật với tôi cũng đã rời xa chúng ta rồi. Nhiệm vụ tu hành, hoằng pháp lợi sanh rơi vào chúng ta. Ngày nay chúng ta hãy để ý xem, tuổi tác của tôi đã bước vào những năm cuối đời rồi. Qua năm nay tôi đã bảy mươi tư tuổi rồi, người xưa có câu “Người bảy mươi tư, tám mươi ba tuổi Diêm Vương không mời mà tự đến”, nói cách khác độ tuổi này là tuổi nên phải chết rồi. Lời nói này khi tôi thân cận lão sư Lý, lúc đó thầy khoảng bảy mươi ba, bảy mươi bốn tuổi, lão sư Lý thường xuyên nói với chúng tôi: “Nên chết rồi”. Lời nói này là lời nói thật, nói cách khác nhiệm vụ hoằng pháp lợi sanh tôi nên giao lại cho người khác. Các bạn đồng học cần hết sức chăm chỉ nỗ lực mà làm, cũng cần thường xuyên nghĩ đến tuổi tác mỗi năm một nhiều thêm, chuẩn bị chu đáo để chúng ta có thể giao phó cho thế hệ sau.
Dạy những điều gì vậy? Ở Trung Quốc từ Khổng lão phu tử cho đến Phật pháp là Thích-ca Mâu-ni Phật, hai vị đại Thánh thế xuất thế gian đều nói với chúng ta: “Thuật nhi bất tác” (tường thuật chứ không sáng tác). Các Ngài cũng là kế thừa thế hệ trước, chính mình có thể chăm chỉ nỗ lực phụng hành những giáo huấn của thế hệ trước, sau đó truyền dạy lại cho thế hệ sau. Những giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền rất nhiều nhưng trên thực tế chúng ta có thể áp dụng được vài câu thôi thì cả đời thọ dụng cũng không hết. Cho nên chúng ta cần nhớ kỹ một câu nói là “Không được sáng tạo, không được đổi mới”.
Khoa học kỹ thuật của thế gian đang ngày ngày sáng tạo đổi mới, thế nhưng đức hạnh mà đổi mới thì hỏng rồi. Chúng ta không có cách nào đổi mới, Khổng lão phu tử cũng không thể thay đổi, Thích-ca Mâu-ni Phật cũng không thể thay đổi. Do vậy kinh mà Phật nói là kinh do cổ Phật thuyết giảng, đạo mà Khổng Tử truyền dạy là đạo của Tiên Vương. Thế nhưng chúng ta cần hiểu làm thế nào có thể ứng dụng đại đạo của cổ Thánh tiên Hiền vào trong cuộc sống hiện tại. Chỉ cần làm được điều này thì đã hoàn thành việc lớn rồi.
Ngày nay trong xã hội có rất nhiều tai nạn, tôi đã từng nghe người khác nói, rất nhiều nhà tôn giáo khác cũng nói đến vấn đề này, những nhà tiên tri thời xưa cũng nói đến vấn đề này. Tốc độ nhanh quá! Câu nói này rất có đạo lý, tốc độ phát triển của đời sống vật chất quá nhanh nhưng đời sống tinh thần lại không theo kịp nên phiền phức liền xuất hiện ngay. Cho nên muốn cứu vớt kiếp nạn hiện nay thì đương nhiên là nói như vậy, nhưng điều này không thể thực hiện được rồi. Cần làm chậm lại sự phát triển của đời sống vật chất và tăng tốc sự phát triển của đời sống tinh thần. Đời sống vật chất và đời sống tinh thần có thể cân bằng, có thể hài hoà thì đây là việc tốt, đây là hạnh phúc mỹ mãn chân thật. Nếu hai vấn đề này không làm đồng đều nhau thì vấn đề sẽ xuất hiện ngay. Trong tình trạng phát triển mất cân bằng như vậy thì thà rằng để đời sống tinh thần phát triển chậm và để cho đời sống vật chất có thể dừng phát triển. Ở đây có đạo lý vô cùng lớn.
Cho nên chúng ta đối với tất cả không cầu thành tích, không tranh cái lợi nhỏ. Ngày nay việc chúng ta cần làm rất nhiều, chính mình phải luôn nắm chắc phương châm làm việc. Bất luận làm việc gì chúng ta cần suy tính sức ảnh hưởng của việc đó lớn như thế nào? Thời gian ảnh hưởng là bao lâu? Nếu như là ảnh hưởng tích cực, ảnh hưởng tốt thì sức ảnh hưởng càng lớn càng tốt, thời gian ảnh hưởng càng dài càng tốt. Chỉ cần chúng ta quan sát từ phương hướng này thì đã thành công được một nửa rồi. Những công sức và tinh thần mà chúng ta bỏ ra như vậy mới có giá trị, mới có hiệu quả. Cho nên tầm nhìn nhất định phải xa, cần phải nhìn sâu, cần phải nhìn xa, không nên vì lợi ích của bản thân mình, không nên vì lợi ích của đoàn thể nhỏ, nếu không sẽ không có cách nào giải quyết vấn đề nan giải của thế kỷ tiếp theo nữa.
Vì sao người trước đây có thể suy nghĩ vì lợi ích của đoàn thể nhỏ? Người trước đây có thể như vậy vì không gian sống của họ không lớn. Không gian sống của người hiện nay là toàn cả địa cầu này, còn muốn thử phát triển vươn tới các vì sao. Suy nghĩ của chúng ta, sự tu học của chúng ta nhất định phải đồng hành cùng với tình hình thực tế. Không gian sinh sống của người hiện nay là cả địa cầu này, nên vấn đề chúng ta suy xét cần đặt trọng tâm vào cả trái đất này thì vấn đề này có thể được giải quyết. Ngày xưa giao thông bất tiện, thông tin không phát triển, thậm chí có một số người cả đời đều không đi ra khỏi huyện lị họ sinh sống. Không gian sinh sống cả đời họ chỉ lớn như vậy. Do vậy họ chỉ có thể suy nghĩ đến khu vực của họ, đến huyện lị của họ là đủ rồi. Cả cuộc đời họ có thể đạt đến hạnh phúc mỹ mãn.
Cho nên hạnh phúc chân thật mỹ mãn chính là xem không gian sinh sống của chúng ta rộng lớn đến mức nào? Không gian hoạt động của chư Phật Bồ-tát trong thế giới Hoa Tạng là tận hư không khắp pháp giới. Cho nên các Ngài khởi tâm động niệm đều nghĩ đến phạm vi hư không pháp giới. Từ đây chúng ta học được một điều, khi chúng ta nghĩ đến một phạm vi nhỏ thì không những không giải quyết được vấn đề mà còn tạo ra rất nhiều phiền phức. Những tranh chấp trên thế giới ngày nay, thiên tai nhân hoạ từ đâu mà có? Không gian hoạt động của chúng ta đã là cả thế giới này rồi, nhưng suy nghĩ và tư tưởng của chúng ta vẫn bị trói buộc vào đoàn thể nhỏ bé của chúng ta. Cho nên nảy sinh ra những mâu thuẫn giữa những đoàn thể, giữa các quốc gia, giữa những chủng tộc, giữa các tôn giáo. Trước đây không có hiện tượng này, ngày nay xuất hiện rồi, có rất nhiều những nghi ngờ, hiểu lầm, mâu thuẫn. Trước đây không có những việc này là do phạm vi sinh sống nhỏ nên đôi bên không có qua lại giao lưu, không cần thiết phải suy nghĩ đến những vấn đề này. Ngày nay thì không được rồi, tiếp xúc quá nhiều nên không thể không suy nghĩ, không thể không học tập.
Cho nên thường thức cần phong phú nhưng nguyên tắc phải đơn giản. Chúng ta tổng hợp những giáo huấn của đại Thánh đại Hiền thế xuất thế gian đã dạy chúng ta, thậm chí tổng hợp những giáo huấn của các nhà tôn giáo, những giáo chủ của những tôn giáo, tổng kết những giáo huấn của các Ngài đối với chúng ta thì không ngoài tâm chân thành, tâm yêu thương. Đây là điều mà đại Thánh đại Hiền thế xuất thế gian, tất cả giáo chủ của các tôn giáo khác đều công nhận.
Sự chân thành của tâm yêu thương nhà Phật chúng ta gọi là tâm từ bi. Tâm từ bi chân thành tuyệt đối không có tự tư tự lợi, tuyệt đối không kèm theo bất cứ điều kiện gì. Không phân biệt chủng tộc, không phân biệt tín ngưỡng tôn giáo, không phân biệt nam nữ già trẻ, không phân biệt quý tiện giàu nghèo. Hết thảy đều là bình đẳng, chân thành, từ bi. Chúng ta tổng kết những giáo huấn của Phật, nắm chắc cương lĩnh. Chúng tôi đề ra hai mươi chữ: “Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi, Nhìn Thấu, Buông Xuống, Tự Tại, Tuỳ Duyên”. Mọi người đều đồng ý công nhận. Hai chữ cuối cùng là “niệm Phật”, họ có nghi hoặc nên chúng tôi nói với họ hai chữ “niệm Phật” thì Phật có ý nghĩa là gì? Phật chính là mười tám chữ phía trước, hai chữ cuối này chính là dặn dò không được quên mười tám chữ phía trước. Đây gọi là “niệm Phật”, niệm chân thành là niệm Phật, niệm thanh tịnh là niệm Phật, niệm bình đẳng là niệm Phật, thậm chí là niệm nhìn thấu, niệm buông xuống, niệm tự tại, niệm tuỳ duyên, tất cả đều là niệm Phật. Đến đây mọi người đều hiểu rõ rồi. Phật chính là ý nghĩa như vậy. Niệm Phật không phải là niệm một người nào đó. Trong Phật pháp, mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai đều đại diện cho hai mươi chữ này. Các Ngài thực hiện viên mãn hai mươi chữ này rồi thì chúng ta gọi người này là Phật. Các Ngài biểu diễn cho chúng ta xem, làm ra tấm gương cho chúng ta xem, dạy chúng ta làm thế nào để sinh sống, làm thế nào để làm việc, làm thế nào để chung sống với hết thảy chúng sanh. Các bạn suy nghĩ kỹ sẽ thấy không xa rời hai mươi chữ này. Trong thiên kinh vạn luận thì hai mươi chữ này là hạt nhân chủ yếu, nắm chắc hạt nhân này còn lại những điều khác đều là chi tiết nhỏ mà thôi.
Phật nói chi tiết nhiều như vậy là vì đối với những hoàn cảnh khác nhau thì chúng ta làm thế nào để thực hiện nguyên tắc hạt nhân này. Điều này Phật gọi là tuỳ cơ thuyết pháp, tuỳ loại hiện thân, nên dùng thân gì để độ thì sẽ hiện thân đó. Chúng ta cần phải hiểu được nguyên lý nguyên tắc này. Nên thuyết pháp gì cho chúng sanh thì sẽ nói pháp đó. Trong kinh Phật nêu thí dụ nói cho chúng ta thấy, nên dùng thân Phật để độ thì sẽ hiện thân Phật mà thuyết pháp, nên dùng thân Bà-la-môn để độ thì sẽ hiện thân Bà-la-môn mà thuyết pháp. Bạn xem rất linh hoạt, rất tự tại, một chút gò bó cũng không có, một chút miễn cưỡng cũng không có. Điều này chân thật là Phổ Hiền Bồ-tát trong Thập Nguyện Vương đã dạy chúng ta: “Hằng thuận chúng sanh, tuỳ hỷ công đức”.
Người Trung Quốc học Phật rất thích Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, không phải là không có đạo lý. Đại đức xưa nói cho chúng ta biết bộ kinh này là đại cương của Bát-nhã, Bát-nhã là trí huệ chân thật. Trong đó quan trọng nhất là gì? Chẳng qua là dạy chúng ta “Nhìn thấu, buông xuống”. Kinh Kim Cang chính là nói bốn chữ này. Nhìn thấu thế gian như mộng ảo, “Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh ”. Thập pháp giới y chánh trang nghiêm đều là hữu vi pháp. Sau khi nhìn thấu rồi thì dạy bạn buông xuống, buông xuống điều gì vậy? Buông xuống những việc bạn cho là thật, lấy giả cho là thật. Lấy giả cho là thật chỗ nào vậy? Tự tư tự lợi cho là thật, danh văn lợi dưỡng cho là thật, tham sân si mạn cho là thật. Sai lầm rồi! Không những buông xuống tất cả mà những điều thuộc về việc hoằng pháp lợi sanh cũng phải buông xuống, không được để vào trong tâm. Thế nhưng các vị cần nghe cho rõ là việc tốt cần tích cực đi làm nhưng trong tâm không được có chút dấu vết. Điều này gọi là buông xuống. Không phải chúng ta việc tốt cũng không làm, nếu việc tốt không làm nữa thì Thích-ca Mâu-ni Phật đâu cần phải giảng kinh thuyết pháp bốn mươi chín năm. Ngài một ngày cũng không nghỉ, sự việc tuy đã làm nhưng trong tâm không chấp trước. Các vị không nên cho rằng Thích-ca Mâu-ni Phật giảng kinh thuyết pháp cho mọi người thì công đức rất lớn, vậy thì bạn chấp tướng rồi, bạn chưa buông xuống, [cho rằng] quả báo rất thù thắng, vậy bạn vẫn chưa buông xuống. Nhất định phải làm được “Làm mà không làm, không làm mà làm”. Điều này thật sự là thái độ nhìn thấu, buông xuống.
Chúng ta học Phật thì cần học ở chính chỗ này, như vậy mới thật sự được thọ dụng, phàm chuyện gì cũng tuỳ duyên khiến hết thảy chúng sanh thường sanh tâm hoan hỉ. Tại sao phải làm như vậy? Là vì chúng sanh chưa giác ngộ, chúng sanh vẫn đang mê hoặc. Khi mê hoặc thì tạo ác nghiệp, tạo ác nghiệp thì chịu ác báo sẽ vô cùng thê thảm, khổ không nói nên lời. Người giác ngộ là đại từ đại bi. Nói cho các vị biết đại từ đại bi là cách nói phương tiện. Nếu như chân thật là “Tôi muốn đại từ đại bi để cứu độ họ” thì sai rồi, lại chấp tướng rồi, bạn vẫn chưa buông xuống, buông xuống vẫn không triệt để, buông xuống vẫn không sạch sẽ. Buông xuống là ngay đến ý niệm cũng không có.
Tôi thường lấy thí dụ này để nói: Tay trái của chúng ta bị muỗi đốt, tay phải của chúng ta xoa xoa tay trái, an ủi tay trái, như vậy có phải là tôi phát tâm từ bi để giúp đỡ, cứu giúp cánh tay bị muỗi đốt hay không? Không phải như vậy, mà ngay đến ý niệm cũng không có. Câu “Pháp nhĩ như thị” có nghĩa là tự nhiên mà như vậy. Công phu của chúng ta thành thục rồi, sự tu hành chứng quả của chúng ta mới viên mãn, viên mãn tức là một chút dấu vết cũng không có. Nếu vẫn còn một chút dấu vết ở trong đó thì sẽ không viên mãn. Chúng ta cần chăm chỉ, cần nỗ lực, điều này là đại viên mãn, viên mãn cứu cánh.
Chúng ta muốn hỏi: Chúng ta nghiệp chướng sâu nặng thì đời này có thể đạt đến cảnh giới này được không? Đáp án là khẳng định được. Có khả năng đạt đến cảnh giới này được không? Thiện Đạo Đại sư nói rất hay: “Đều do gặp duyên không đồng”. Nếu duyên bạn gặp thù thắng thì cuộc đời này bạn đạt đến cảnh giới này không khó. Duyên thù thắng cực độ thì bạn hãy xem Tiểu Long Nữ trong Kinh Pháp Hoa tám tuổi đã thành Phật, cái duyên này quá thù thắng. Tám tuổi vẫn là trẻ nhỏ, vẫn chưa trưởng thành. Tiểu Long Nữ là thân súc sinh không phải thân người, do đó làm gì có đạo lý không làm được, không làm được là do chưa đủ duyên. Chúng ta ngày nay gặp được duyên tương đối thù thắng. Vấn đề là bản thân chúng ta có biết khế nhập hay không?
Điều kiện thật sự để khế nhập không có gì khác là: “Tôn sư trọng đạo, y giáo phụng hành”. Chữ “sư trưởng” ở đây, tôi không phải là lão sư của bạn, vậy ai là lão sư của chúng ta? Phật là lão sư của chúng ta. Bồ-tát là huynh trưởng của chúng ta, là bạn đồng học của chúng ta. Cho nên quan hệ của chúng ta đều là bạn đồng học. Tôi chẳng qua là học sớm hơn các bạn mấy năm, học nhiều hơn mấy năm mà thôi. Tôi đem những kinh nghiệm tôi tu học được cống hiến cho các bạn làm tham khảo. Tôi có lòng tin vô cùng sâu sắc đối với giáo huấn của Phật-đà, một đời này có thể khế nhập cảnh giới của Phật Bồ-tát, một chút mảy may hoài nghi cũng không có. Mấy hôm nay, tôi nghĩ chúng ta tranh thủ chút ít thời gian buổi sáng sớm này để chuyên báo cáo những vấn đề này cho các vị, cung cấp cho các vị làm tham khảo, làm thế nào để khế nhập cảnh giới của Phật Bồ-tát. Hay nói cách khác làm thế nào khế nhập cảnh giới Phật trong Hoa Nghiêm. Chúng ta sống cuộc sống của Phật Bồ-tát chính là chuyển phàm thành Thánh, phải làm thế nào để có thể chuyển biến từ trong tâm.
Các vị đồng tu!
Gần đây khắp nơi thường xuyên truyền tin tức về tai nạn. Quả thật là tần suất tăng lên rồi, hơn nữa tình hình tai nạn cũng càng ngày càng nghiêm trọng hơn. Sau khi xảy ra động đất ở Đài Loan không ít người dần dần bắt đầu giác ngộ. Giác ngộ là một hiện tượng tốt, sau khi giác ngộ cần lập tức quay đầu. Vậy thì quay đầu từ chỗ nào vậy? Quan trọng nhất là quay đầu từ mê chấp. Phật Bồ-tát dạy chúng ta: “Chuyển mê thành ngộ”. Điều này mới có thể thật sự tiêu trừ được tai nạn. Chúng ta có một người quay đầu thì có thể tiêu trừ tai nạn của chính mình, nếu đại chúng có thể quay đầu thì có thể tiêu trừ cộng nghiệp. Trong điều này có lý luận, có nhân quả. Có thể nói là cách nói, cách nghĩ, cách làm này là hợp tình hợp lý, chúng ta nên tin sâu không nghi.
Vậy rốt cục thì chuyển đổi từ đâu? Chuyển đổi từ việc mở rộng tâm lượng, đại lượng khoan hồng, tha thứ lỗi lầm của người khác. Tự hỏi bản thân mình có lỗi hay không? Chính mình có thể tha thứ cho bản thân mình, nhưng nhất định không thể tha thứ cho người khác thì tai nạn này vĩnh viễn không bao giờ tiêu trừ, vĩnh viễn không bao giờ ngừng dứt, tạo thành một cục diện rất hỗn loạn của việc oan oan tương báo. Oan oan tương báo giữa người với người, oan oan tương báo giữa người và vật, giữa người và thiên địa quỷ thần, tất cả đều là oan oan tương báo. Điều này có đáng sợ hay không chứ? Những lời này nhất định không phải là mê tín. Giáo huấn của Phật-đà là trừ bỏ hết thảy tai nạn từ căn bản, trừ bỏ hết thảy tội chướng một cách rốt ráo. Đó là gì? Là dạy chúng ta nhận thức tự tánh. Nhà Thiền gọi là “Minh tâm kiến tánh”, kiến tánh liền thành Phật, thành Phật là thành tựu trí huệ viên mãn rốt ráo, thành tựu công đức viên mãn cứu cánh, thành tựu hạnh phúc viên mãn cứu cánh. Ngạn ngữ cổ xưa của Trung Quốc nói: “Lượng lớn phước lớn”, người có tâm lượng nhỏ thì không thể có phước báo.
Chúng ta xem những người đại phú đại quý của thế gian hiện nay, bạn chỉ cần để ý tâm lượng của họ. Nếu như tâm lượng nhỏ hẹp thì phú quý này sẽ không được dài lâu, sẽ không hưởng trọn vẹn được. Nếu tâm lượng rộng lớn, có thể khoan dung tha thứ người khác, có thể từ bi cứu tế người khác thì người này có phước chân thật. Chúng ta ở giai đoạn hiện nay, là giai đoạn tai biến lớn.
Trong khi tôi giảng kinh thường khuyên mọi người là: Chúng ta cần học chư Phật Như Lai “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”, nhất định xem hết thảy chúng sanh như là thân bằng quyến thuộc của chính mình. Lời mà Phật nói trong kinh không phải là sự so sánh mà là nói thật. “Hết thảy người nam là cha ta, hết thảy người nữ là mẹ ta”, câu này có ý nghĩa không chỉ bao gồm nhân đạo mà hết thảy súc sanh đạo, hết thảy quỷ thần đạo, hết thảy thập pháp giới đều bao gồm hết ở trong đó. Hết thảy chúng sanh hữu tình đều là cha mẹ của chúng ta, là chư Phật Như Lai. Như vậy tâm ghen ghét đố kị của chúng ta liền đoạn dứt sạch sẽ, tâm hiếu thuận, tâm cung kính mới có thể sanh khởi. Tâm hiếu kính chính là tánh đức của chúng ta, tự tánh vốn có đủ đại đức đại năng nhưng vô cùng đáng tiếc đã bị tự tư tự lợi, thị phi nhân ngã, tham sân si mạn chướng ngại mất rồi. Tự tánh vốn có đủ đức tướng trí huệ của Như Lai nhưng lại không thể hiện tiền. Lỗi lầm này không phải do nguyên nhân bên ngoài, không liên quan đến bất kỳ ai. Lỗi lầm hoàn toàn là do chính bản thân mình, chính mình mê muội mất rồi. Sau khi mê muội rồi mới chấp trước cái thân thể này là ta, không biết được hết thảy chúng sanh trong hư không khắp pháp giới mới là chính mình.
Nhà Phật nói chứng đạo, chứng quả, vậy chữ “chứng” ở đây có ý nghĩa gì? Là chứng minh hết thảy chúng sanh trọn hư không khắp pháp giới là chính mình. Chính là nói việc này. Cho nên hết thảy pháp giới chúng sanh đều cùng chung một thể sinh mạng. Kinh Đại Thừa thường nói: “Mười phương ba đời chư Phật, cùng đồng một pháp thân”, “Nhất tâm nhất trí huệ”. Hai câu này đã nói vô cùng rõ ràng, vô cùng minh bạch. Chúng ta đọc rồi, nghe rồi, cũng gật đầu, cũng tán thán thế nhưng không chuyển được cảnh giới. Không những không thể chuyển lại được mà sự việc này suy nghĩ thế nào cũng không hiểu được. Tại sao không chuyển lại được vậy? Tại sao suy nghĩ không hiểu được? Là vì có chướng ngại, chướng ngại nghiêm trọng. Chướng ngại này chính là bốn tướng chúng ta chấp trước rất nặng mà trong Kinh Kim Cang nói đến là: “Ngã tướng, Nhân tướng, Chúng sanh tướng, Thọ giả tướng”. Cho nên không thấy được chân tướng của sự thật, chân tướng của chính bản thân chúng ta. Tôi đối lập với người khác mà không biết là chính mình và người khác là cùng một thể, cùng một chân tâm, cùng một bổn tánh biến hiện ra. Kinh Hoa Nghiêm nói “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Tâm là một, thức cũng là một. Cho nên mười phương ba đời chư Phật đều đồng một pháp thân.
Còn chúng ta thì thế nào? Mỗi một chúng sanh chúng ta là Phật tương lai trong mười phương ba đời chư Phật. Phật đã nói câu này nhiều lần rồi, nhiều lần nhắc nhở chúng ta để chúng ta giác ngộ. Phật nói rất hay: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” (tất cả chúng sanh đều có Phật tánh), chúng sanh trong tam đồ, địa ngục vẫn có Phật tánh, mà đã có Phật tánh thì đều làm Phật. Trở thành Phật thì người người bình đẳng, không phải chỉ có chư Phật các Ngài mới có thể làm được, người khác làm không được, không phải như vậy. Hết thảy mỗi một chúng sanh đều có thể làm được và cần làm được. Kinh Hoa Nghiêm nói càng thấu triệt hơn: “Tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí”, câu này đã bao gồm cả chúng sanh vô tình ở trong đó rồi. Vô tình chúng sanh là ngày nay chúng ta gọi là thực vật, khoáng vật và hiện tượng tự nhiên. Tại sao có thể đồng viên chủng trí? Là vì vô tình chúng sanh có pháp tánh. Pháp tánh và Phật tánh là đồng một tánh. Cho nên khi chúng sanh thành Phật thì đồng thời nhìn thấy sơn hà đại địa, cỏ cây vi trần đều thành Phật đạo. Lời nói này là thật, là cảnh giới chân thật. Cho nên chư Phật Bồ-tát hết lòng hết dạ, ngày ngày đều đang khuyên chúng ta, ngày ngày đều động viên chúng ta. Chúng ta nghĩ xem chúng ta có phải là học trò tốt hay không? Học trò tốt cần phải nghe lời lão sư, tin tưởng lời nói của lão sư, lý giải được lời nói của lão sư và y giáo phụng hành.
Chúng ta đọc Kinh Hoa Nghiêm, mọi người cùng nhau nghiên cứu thảo luận Kinh Hoa Nghiêm, tôn chỉ của Kinh Hoa Nghiêm là gì? Là dạy chúng ta nhanh chóng thành Phật. Thiện Tài Đồng Tử năm mươi ba lần tham học chính là làm ra một tấm gương cho chúng ta xem. Chúng ta ở thế gian này bất luận là thân phận gì, bất luận là làm ngành nghề gì, sống cuộc sống như thế nào thì đều ở ngay tại vị trí của mình mà tu hành chứng quả, viên thành Phật đạo. Cho nên không cần phải thay đổi thân phận, không cần phải thay đổi ngành nghề, cũng không cần phải thay đổi tín ngưỡng tôn giáo, tu hành chứng quả là pháp không chướng ngại. Lý sự vô ngại, sự sự vô ngại, chỉ cần bạn quay đầu liền thành tựu. Nhà Phật thường nói: “Quay đầu là bờ”, chữ “bờ” ở đây có nghĩa là gì? Là Phật đạo. Đối diện của “bờ” là chín pháp giới, chín pháp giới không phải là bờ. Chúng sanh trong chín pháp giới quay đầu lại đều thành Phật. Đây là pháp môn không thể nghĩ bàn, chúng sanh ở A-tỳ địa ngục chỉ cần quay đầu cũng liền bình đẳng thành Phật.
Chúng ta thấy trong Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Vô Lượng Thọ là kinh điển khiến hết thảy chúng sanh đều bình đẳng thành Phật. Lý luận bình đẳng thành Phật và phương pháp bình đẳng thành Phật trong kinh nói không cần thiết phải trải qua từng giai đoạn nâng cao, như ở địa ngục nâng lên thành đường ngạ quỷ, đường ngạ quỷ nâng lên thành đường súc sanh, đường súc sanh nâng lên thành cõi người, không cần thiết phải phiền phức như vậy. Từng bước từng bước dần dần nâng lên phía trên như thế này là phương pháp vô cùng chậm chạp. Người căn tánh viên đốn không sử dụng phương pháp này mà dùng phương pháp trực tiếp một đời này liền thành công. Nói thật ra, một đời thì thời gian đã rất dài rất dài rồi, chỉ cần ý niệm chuyển đổi lại là được rồi, đâu phải cần nhiều phiền phức như vậy. Lý là như vậy, sự cũng như vậy. Ngày nay chúng ta không chuyển đổi lại được là do không ngộ được lý, không chuyển đổi được sự, thế nhưng tuyệt đối không được nản chí, không được thoái chuyển. Chúng ta cần chăm chỉ, cần nỗ lực, dũng mãnh tinh tấn. Vậy chúng ta dùng phương pháp gì? Là dùng phương pháp: “Huân văn thành chủng” (huân tập việc nghe để thành chủng tử). Đây là một bí quyết, tuyệt đối không được ngừng đọc tụng kinh Đại thừa, tuyệt đối không được ngừng nghe kinh giáo. Mỗi ngày chúng ta tự phản tỉnh, không ngừng sửa đổi lỗi lầm, ngày ngày chăm chỉ tu hành. Nếu làm như vậy người lợi căn trong hai hoặc ba năm sẽ chuyển đổi cảnh giới trở lại được. Còn người độn căn, tập khí phiền não sâu nặng thì mười hoặc hai mươi năm cũng có thể chuyển đổi trở lại được.
Bạn muốn hỏi những ai có thể chân thật chuyển đổi trở lại? Chúng ta xem thời xưa những người tu hành trong Cao Tăng Truyện, Cư Sĩ Truyện, Thiện Nữ Nhân Truyện, những thí dụ về việc họ chuyển đổi lại được rất nhiều. Hiện nay có không? Không thể nói là không có, chúng ta chưa được gặp. Thật ra mà nói người chân thật chuyển đổi được thì bạn cũng không nhìn ra. Tại sao bạn không nhìn ra được vậy? Vì tâm bạn quá thô, tâm qua loa hời hợt. Nếu bạn có thể quán chiếu tỉ mỉ thì bạn liền có thể phát hiện. Trước mắt chúng ta cũng có những người như vậy chứ không phải là không có. Tướng chuyển đổi lại được là như thế nào? Biểu hiện ra làm sao? Là ý niệm tự tư tự lợi của người này không còn nữa. Phàm phu khởi tâm động niệm là vì chính mình, vì gia đình của mình, vì đoàn thể của mình. Thế nhưng người này đã chuyển đổi lại không còn ý niệm này nữa, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều vì hết thảy pháp giới chúng sanh. Người này đã chuyển đổi lại rồi, niệm niệm đều suy nghĩ vì lợi ích của hết thảy chúng sanh khổ nạn. Người không suy nghĩ đến bản thân mình thì người này đã chuyển đổi lại rồi. Họ có thể chuyển lại được thì vì sao mình lại không chuyển đổi được chứ? Họ có thể nhìn thấu thì vì sao mình không nhìn thấu được? Họ có thể buông xuống thì vì sao mình không buông xuống được? Thực sự nghĩ không thông thì vẫn cần đọc kinh, nghe pháp. Bốn chữ “Văn huân thành chủng” (Huân văn thành chủng) là mấu chốt quan trọng của cả cuộc đời tu học có được thành công hay không.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta dừng tại đây. A Di Đà Phật!