Chương 81: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên

Các vị đồng tu, xin chào mọi người!

Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 73:

“Cô mãi hư dự. Bao trữ hiểm tâm.” (Mua bán danh hão, ôm lòng sâu hiểm)

Ý nghĩa của hai câu này dùng ngôn ngữ hiện tại để miêu tả thì gọi là đánh bóng tên tuổi. Trong chú giải có trích dẫn hai câu nói rất hay của Mạnh Tử và Trang Tử. Mạnh Tử nói: “Hữu chư nội, tất hình chư ngoại” (Bên trong thật có ắt biểu hiện ra bên ngoài). Trang Tử nói: “Danh giả, thật chi tân giả” (Danh là khách của thực). Đó chính là kiến giải của cổ Đại đức. Đã gọi là “Thực chí danh quy” (Có thực tài thì ắt có danh tiếng) thì đâu cần tìm cầu danh hão làm gì chứ, có tâm đi tìm cầu danh hão thì tâm này đã không thiện rồi. Vì vậy dụng ý của câu : “Ôm lòng sâu hiểm” là nói ẩn chứa cái tâm bất thiện ở bên trong.

Đối với chữ “danh”, chính mình cảm thấy đôi khi là việc tốt, thế nhưng trên thực tế nếu danh tiếng không đúng với thực chất thì quỷ thần sẽ đố kỵ, cũng có thể nói đó là nguồn gốc của tất cả chướng nạn. Vì vậy người xưa mong cầu gây dựng đức hạnh chứ quyết không mong cầu sự nổi tiếng. Chư Phật Bồ-tát vì giáo hoá chúng sanh nên các Ngài cũng không tuyên dương bản thân. Chúng ta thấy trong kinh điển, trong sách xưa, những vị Thánh Hiền thế xuất thế gian không có vị nào là không khiêm tốn, không cung kính người khác, mà đều xem trọng người khác. Chúng ta hãy suy nghĩ thật kỹ đạo lý ẩn sâu trong đó, nếu quả nhiên có thể thấu hiểu được thì chúng ta đã học được đạo làm người rồi.

Tâm thiện, hạnh thiện thì quả báo mà chúng ta đạt được sẽ là thiện quả, nếu tâm hạnh bất thiện mà chúng ta muốn được quả báo tốt thì làm gì có chuyện đó. Thế gian này vì sao lại trở thành trược ác như vậy? Vì sao lại có nhiều tai nạn đến như vậy? Người học Phật hiểu được: “Tất cả các pháp từ tâm tưởng sanh”, tất cả tai nạn đều do tâm tưởng của chúng ta biến hiện ra. Nếu chúng ta ẩn chứa một cái tâm bất thiện thì tự nhiên sẽ có quả báo bất thiện. Chúng ta học Phật, Phật Bồ-tát dùng tâm gì vậy? Tâm các Ngài dùng chính là “tâm Bồ-đề” mà trong kinh Phật thường nói. Tâm Bồ-đề là tâm chân thành, tâm hiếu thiện hiếu đức, tâm thành tựu cho người khác. Đó mới là chân thiện, cũng gọi là “Chỉ ư chí thiện” (đến mức chí thiện), trong các quả báo thì đó cũng là quả báo thù thắng nhất. Chúng ta cần phải hiểu, cần giác ngộ, cần chăm chỉ nỗ lực tìm cầu. Có câu: “Trong cửa Phật, có cầu tất có ứng”. Hy vọng chúng ta có thể lĩnh hội sâu sắc đạo lý này.

Phải tránh xa danh văn lợi dưỡng, những thứ này đều không tốt. Những điều mà người thế gian truy cầu đều là mê hoặc điên đảo. Chúng ta hãy xem những vị Thánh Hiền thế xuất thế gian trong và ngoài nước từ trước đến nay chưa từng truy cầu danh văn lợi dưỡng, từ trước đến nay chưa từng tìm cầu sự hưởng thụ của ngũ dục lục trần. Do đó đạo đức của các Ngài có thể được thành tựu, công đức được viên mãn. Công đức này chính là giúp đỡ xã hội, giúp đỡ hết thảy chúng sanh, kiến công lập nghiệp. Tuy rằng có công đức thù thắng nhưng các Ngài không để ở trong lòng. Các Ngài luôn luôn thị hiện khiêm tốn, luôn luôn tiết kiệm, luôn luôn cung kính khi đối người, đối việc, đối vật. Đó chính là điều chúng ta nên học tập các Ngài.

Hai câu tiếp theo: “Tỏa nhân sở trường. Hộ kỷ sở đoản” (Ém tài người khác, giấu giếm sự kém cỏi của mình). Đây cũng là một căn bệnh lớn. Bệnh này từ đâu mà ra vậy? Là do tâm đố kỵ chướng ngại mà ra. Khi thấy người khác có điểm tốt hơn mình thì tìm mọi cách chướng ngại họ, còn nhược điểm của mình thì ra sức che đậy giấu giếm. Đây là điều đại ác, bạn có thể lừa dối người thế gian nhưng không thể lừa dối Phật Bồ-tát, không thể lừa dối quỷ thần. Nói tóm lại, tất cả đều do bản thân chúng ta mê hoặc điên đảo mà ra. Ý niệm sai rồi, sai ở tự tư tự lợi. Từ những điểm này chúng ta mới có thể thể hội được sự kiên cố của ngã chấp, hết thảy đều là vì cái ngã.

“Ngã” là gì? Trong Phập pháp đã nói rất rõ ràng: “ngã kiến”. “Ngã kiến” chính là chấp chước, chúng ta nói là thành kiến. Chấp chước có cái ta, chấp chước cái thân thể này là ta. Đây chính là cội nguồn của hết thảy sai lầm, từ đây sanh khởi “ngã ái”, “ngã si”, “ngã mạn”. Kinh luận tông Duy Thức nói: “Tứ đại phiền não thường tương tuỳ ” (bốn phiền não lớn thường theo nhau), bốn thứ này chính là thứ người thế gian chấp chước cho là mình. Chúng ta suy nghĩ xem có đúng như vậy không?

Phật nói bốn chữ này kỳ thực ra chính là tham sân si. Ngã ái là tham, ngã si là si, ngã mạn là sân, sân khuể sanh ngạo mạn. Đây chính là gốc bệnh khiến chúng ta vô lượng kiếp đến nay sanh tử luân hồi. Nếu gốc bệnh này không thể nhổ bỏ thì niệm Phật cũng không thể vãng sanh. Đây là điều mà tôi đặc biệt nhắc nhở các bạn đồng học nên chú ý. Chúng ta hy vọng đời này thật sự có thể vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, thân cận A Di Đà Phật thì điều này không thể không lưu ý. Nếu vẫn không thể buông bỏ tự tư tự lợi, khởi tâm động niệm vẫn là vì tự tư tự lợi, đối đãi với người khác thì đố kỵ chướng ngại, đối với nhược điểm của chính mình thì ra sức che giấu. Những hành vi thế này làm sao có thể vãng sanh được chứ? Niệm Phật có tốt đến mấy, một ngày niệm đến mười vạn tiếng Phật hiệu cũng không thể vãng sanh.

Các bạn nhất định phải biết, phàm là người được sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì tâm địa đều là chân thành, thanh tịnh, từ bi. Từ đó có thể biết, nếu chúng ta hội đủ tâm chân thành, thanh tịnh, từ bi thì niệm Phật nhất định được vãng sanh. Nguyện thứ mười tám nói: “Từ một niệm cho đến mười niệm” nhất định được sanh, điều kiện chính là chân thành, thanh tịnh, từ bi. Chân thành, thanh tịnh, từ bi chính là tâm Bồ-đề. Tâm chân thành là thể của tâm Bồ-đề, trong kinh Quán Vô Lượng Thọ gọi là “chí thành tâm”; tâm thanh tịnh là “thâm tâm”; tâm từ bi là “hồi hướng phát nguyện tâm”. Vì vậy phải hội đủ ba tâm này thì niệm Phật mới vãng sanh. Nếu không có ba tâm này mà hoàn toàn trái ngược với ba tâm này, dùng tâm hư nguỵ xử sự đối người tiếp vật, không thật thà, tự tư tự lợi, tham danh văn lợi dưỡng, đi đến đâu cũng chỉ muốn tuyên dương bản thân mình, muốn bản thân mình ở trên người khác, đó là sai rồi. Không có “thâm tâm”, đối đãi với người khác không có tâm từ bi chân thật mà là tâm từ bi giả. Thế nào gọi là tâm từ bi giả vậy? Là có lợi cho bản thân thì đối với họ tốt một chút, từ bi một chút, nếu không có lợi đối với mình thì không thèm để ý đến họ. Hết thảy mọi việc đều lấy lợi hại làm tiêu chuẩn tính toán.

Kỳ thực cách nghĩ cách nhìn của họ hoàn toàn sai lầm rồi. Cái lợi mà họ nhìn thấy chỉ là cái lợi nhỏ trước mắt, điều này họ nhìn sai rồi. Tuy họ đạt được cái lợi nhỏ trước mắt nhưng cái hại lớn về sau thì họ nhất định phải gánh chịu. Trong kinh điển Phật dạy bảo chúng ta quả thật là hết lòng hết dạ khuyên bảo, giáo hoá hết thảy chúng sanh. Thế nhưng tiếc rằng chúng sanh như ngây như điếc, không thể lãnh hội được.

Phật pháp từ đầu chí cuối chính là dạy “hiếu thân tôn sư”. Điều đầu tiên trong Tịnh Nghiệp Tam Phước là: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”, phải bắt đầu làm từ chỗ này. Khi làm đến viên mãn rốt ráo rồi thì sẽ chứng đắc vô thượng Bồ-đề. Vì vậy quả vị Phật chính là sự viên mãn của hiếu đạo và sư đạo. Nếu chúng ta không thể y giáo phụng hành, không thể sửa đổi lỗi lầm thì chính là bất hiếu, bất kính. Trong Cảm Ứng Thiên, Thái Thượng dạy bảo người thế gian: nếu chúng ta không thể thực hành thiện pháp thì chính là bất hiếu, bất kính. Nếu chúng ta không thể sửa đổi ác hạnh thì cũng là bất hiếu, bất kính. Điều đó gọi là vong ân phụ nghĩa, lừa thầy phản bạn, người như vậy liệu có thành tựu gì chứ?

Trước tiên là chúng ta phải tự cứu chính mình, phải biết chính mình từ vô thủy kiếp đến nay đọa lạc trong sanh tử luân hồi, vĩnh viễn chưa có ngày nào được thoát khỏi. Trong đời này vô cùng may mắn gặp được Phật pháp, những lời giáo huấn của Phật chúng ta đã hiểu rõ chưa? Chúng ta đã tin chưa? Chúng ta đã y giáo phụng hành chưa? Trước tiên chính mình phải làm được, đây là việc cấp thiết bậc nhất, người khác có làm được hay không, chúng ta có thể giúp đỡ họ được bao nhiêu, chỉ cần tận tâm tận lực thì công đức liền viên mãn. Họ có chịu nghe hay không, họ có chịu làm hay không thì đó là việc của họ. Đặc biệt là thời đại hiện nay, xã hội hiện nay đề xướng tự do dân chủ mở cửa. Không người nào có quyền can thiệp vào chuyện riêng của người khác. Vì vậy ở thời đại này, cha mẹ không thể quản giáo trẻ nhỏ, thầy giáo cũng không thể đôn đốc học sinh. Đó là kết quả của tự do mở cửa. Như vậy chúng ta có thể thành tựu được hay không hoàn toàn dựa vào nỗ lực của chính mình, chính mình có thể thể hội được hay không, chính mình có chịu cố gắng nỗ lực hay không, chính mình có chịu học theo Thánh nhân, học theo Hiền nhân, học theo Phật Bồ-tát hay không?

Thời xưa, cha mẹ, sư trưởng có thể áp đặt trẻ nhỏ, đệ tử làm theo ý mình, nhưng hiện nay thì không thể làm như vậy. Không những không thể áp đặt thanh thiếu niên mà trẻ nhỏ cũng không thể áp đặt được. Trước đây khi chúng tôi sống ở Mỹ, hàng xóm là người Mỹ bản địa, cha mẹ người Trung Quốc khi quản giáo trẻ nhỏ thì mắng vài câu, đánh vài cái làm chúng khóc. Hàng xóm nghe thấy liền nói với nó: “Có cần ta giúp cháu không? Ta sẽ gọi điện cho cảnh sát bắt bố mẹ cháu ngồi tù vì tội ngược đãi trẻ nhỏ”. Bạn xem thế thì còn cách gì nữa chứ? Trẻ nhỏ cũng không thể quản giáo. Quan niệm của xã hội hiện tại so với Trung Quốc thời xưa hoàn toàn đối lập, trái ngược một trăm tám mươi độ. Thế thì có nguy hiểm không chứ?

Nếu nói thế gian này không có tai nạn thì tôi không tin. Tôi xem những con số thống kê của nước Mỹ trong thời báo Times thì thấy vô cùng lo lắng. Tuy là trước mắt chúng ta có thể miễn cưỡng bình an sống qua ngày nhưng hai ba mươi năm sau thì sẽ như thế nào? Lúc đó những đứa trẻ này đã trưởng thành thì xã hội này sẽ ra sao? Thật không thể tưởng tượng nổi. Cho nên ngày nay đối với những đạo lý của cổ Thánh tiên Hiền, điều duy nhất chúng ta có thể làm được là giảng nhiều, khuyên bảo mọi người thật nhiều, hy vọng trong quảng đại quần chúng có thể có vài người giác ngộ, có vài người hồi đầu để làm tấm gương tốt cho những người chưa giác ngộ. Điều này chính là đại từ đại bi, nhất định không làm ra hình ảnh xấu nữa, làm hình ảnh xấu thì chính là ác quỷ, làm hại những chúng sanh khổ nạn này rồi.

Chúng ta cần giác ngộ từ những điểm này. Thái Thượng dạy chúng ta: thiện hạnh chúng ta cần chăm chỉ cố gắng đi làm, ác tâm ác hạnh thì chúng ta cần thường xuyên phản tỉnh, kiểm điểm và sửa đổi lỗi lầm để không cô phụ cả đời Ấn Tổ cực lực đề xướng bộ kinh này. Từ chỗ này chúng ta có thể nhận thức được, cũng có thể thể hội được lòng từ bi của Ấn Tổ đã vượt qua tất cả các vị Pháp sư, Đại đức đương thời. Trí huệ của Ngài có thể nhìn thấy những hiện trạng của xã hội [hiện nay] nên đã phát khởi lòng từ bi đề xướng bộ kinh này để cứu vớt chúng sanh. Duy chỉ có chúng ta nhận thức sâu sắc, thể hội sâu sắc thì chúng ta mới có thể phát tâm kế thừa hoằng nguyện của Tổ sư Đại đức, phát huy và làm rạng rỡ giáo học của các Ngài, giúp đỡ thế giới khổ nạn, giúp đỡ chúng sanh khổ nạn. Thế nhưng trước tiên phải thành tựu chính mình, nếu chính mình không thể thành tựu mà muốn giúp đỡ người khác thì trong kinh Phật thường nói: “Không có việc như thế”. Cho nên bản thân nhất định phải giác ngộ trước, mạnh dạn sửa đổi lỗi lầm trước đây.


Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 75:

“Thừa uy bách hiếp. Túng bạo sát thương.” (Cậy oai bức hiếp, phóng túng hung bạo, giết hại, tổn thương [kẻ khác]). Chúng ta thường gọi là “ỷ thế hiếp người”, cũng là điều mà thông thường con người rất dễ phạm phải.

Không biết những việc này đã kết thành oán thù đại hận với chúng sanh, dẫn đến sự báo thù khốc liệt của đối phương. Hơn nữa sự báo thù này là đời đời kiếp kiếp liên tiếp không dừng. Cho nên cổ Thánh tiên Hiền dạy người: Khi bạn đang có quyền thế, có địa vị, có uy thế thì bạn cần biết cách tu phước, biết cách tích đức, không nên cậy quyền thế bắt nạt người khác.

Bạn xem, hoạ phước chính là ở trong một niệm. Chúng ta xem Liễu Phàm Tứ Huấn, tiên sinh Liễu Phàm khi làm tri huyện huyện Bảo Để, lúc này ông có địa vị, có quyền lực, ông tận dụng quyền lực của mình để làm việc tốt như giảm thuế. Ông vốn là phát tâm làm mười ngàn việc tốt, nhưng chỉ một việc này thôi thì những người nhận được ân huệ không chỉ là một vạn người mà tất cả nông dân trong huyện đều được hưởng lợi ích. Nếu chúng ta không hiểu đạo lý này mà làm hùm làm hổ, bức hiếp người dân thì tội nghiệp này chính là quả báo ở địa ngục. Chúng ta từ thí dụ rõ ràng này cần phản tỉnh sâu sắc, bình lặng mà tư tư duy cho thật kỹ, kiết hung hoạ phước đích thực là ở trong một niệm.

Chúng ta thấy một số truyền thuyết của phương Tây nói: Cuộc đời của một người kể từ khi sinh ra thì hoàn toàn đi theo vận mạng của chính mình, cả một đời không thể thay đổi được. Trong những lời dự báo từ xa xưa, chúng ta cũng thường thấy như vậy, giống như việc diễn kịch theo một kịch bản có sẵn vậy. Thế thì chúng ta sẽ hỏi: Kịch bản này do ai viết ra? Có phải do Thượng Đế viết hay không? Hay do quỷ thần sắp xếp? Nếu như đây là sự thật thì con người sống còn có ý nghĩa gì chứ? Vì hoàn toàn nghe theo sự sắp xếp của người khác, bị người khác bỡn cợt trêu đùa. Nói cách này thì không thông rồi.

Có người đến hỏi tôi: “Cách nói này của phương Tây căn cứ vào điều gì?” Tôi trả lời: “Cách nói này của họ giống như cách nói của Khổng tiên sinh trong Liễu Phàm Tứ Huấn.”. Khổng tiên sinh đã đoán được vận mạng cả đời của Viên Liễu Phàm. Liễu Phàm tiên sinh khi đối chiếu với cuộc sống thực tế của mình thì quả nhiên không sai chút nào. Hằng năm ông đi thi, thi đỗ vị trí thứ mấy khi đối chiếu với việc đoán mệnh là không sai không khác, hằng năm ông được hưởng bổng lộc cũng giống hệt với việc đoán mệnh, không sai một chút nào. Điều này chính là quan niệm về vận mạng.

Con người có vận mạng hay không? Có. Chỉ có người mê hoặc mới sống theo kịch bản của chính mình. Trước khi Liễu Phàm tiên sinh chưa gặp được thiền sư Vân Cốc thì cũng giống như vậy. Sau khi ông gặp thiền sư Vân Cốc, Vân Cốc thiền sư đem đạo lý này nói rõ cho ông biết. Kịch bản do ai viết vậy? Là do chính mình viết, là do tiền kiếp tạo nên, vì vậy nhà Phật nói: “Nghiệp lực dẫn dắt”, đây chính là chân lý, là nhân quả báo ứng. Phật nói rất hay: “Muốn biết nhân đời trước, xem quả hưởng đời này”, bạn muốn biết đời trước đã tạo những nghiệp gì thì chúng ta xem sự thọ dụng ở đời này thì sẽ rõ ràng. Sự thọ dụng ở đời này là quả báo. Tiếp theo câu trên là: “Muốn biết quả tương lai, xét nhân gieo hiện tại”, nếu bạn muốn hỏi tôi kiếp sau sẽ thế nào thì trong kiếp này mọi khởi tâm động niệm, xử sự đối người tiếp vật chính là bạn đang tạo nhân. Nhân tốt thì quả đương nhiên sẽ tốt.

Do vậy chúng ta hiểu ra trước đây mê hoặc điên đảo, không có sự giáo huấn của thiện tri thức nên chúng ta sai rồi. Đời này chúng ta rất may mắn gặp được Phật pháp, gặp được kinh điển, dần dần chúng ta hiểu được, giác ngộ rồi thì phải dũng mãnh sửa đổi những lỗi lầm trong quá khứ. Lúc mê hoặc, chúng ta không phân biệt được tốt xấu, cho rằng mọi người đều là người xấu, cho rằng mọi người đều đối địch với mình, từ sớm đến tối luôn cẩn thận đề phòng. Sau khi giác ngộ mới biết mình sai rồi, mới biết ngày ngày đều là ngày tốt, người người đều là người tốt. Vậy ai là người không tốt? Chính mình là người không tốt, tôi hoài nghi người khác, tôi đố kỵ người khác, tôi do dự khi đối sự, tôi mê hoặc khi đối lý, chính mình là không tốt, người ta có chỗ nào không tốt chứ? Khi bạn vừa hồi đầu thì chính là bạn đã học Phật rồi, học Phật chính là học giác ngộ, học Phật chính là học làm người tốt. Khi chúng ta mê hoặc thì khởi tâm động niệm đều là ức hiếp người khác, đều là gây tổn thương cho người khác. Sau khi giác ngộ rồi, chúng ta mới chân thật sám hối, từ nay về sau luôn luôn nhường nhịn, nhún nhường. Trong hết thảy mọi người, Phật là người chí thiện, nhãn quang của Phật nhìn hết thảy chúng sanh đều là Phật.

Có người nói với tôi, chúng tôi ở Singapore nghe nói rất nhiều, thậm chí còn có người đến tận Cư Sĩ Lâm để chất vấn cư sĩ Lý Mộc Nguyên: Những đồ cúng dường cho Phật giáo chúng ta vì sao lại đem đi tặng cho những tôn giáo khác? Giống như chúng ta đã mắc phải lỗi lầm rất lớn vậy. Cư sĩ Lý rất có trí huệ nên giải thích tường tận cho họ nghe, họ mới thấu hiểu. Trong Tứ hoằng thệ nguyện có câu: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, câu này nên hiểu như thế nào? Có phải đối với những người không tin Phật thì ta không độ họ không, hay là họ tin tôn giáo khác thì ta cũng không độ họ? Nếu như không cùng quần tộc với ta thì ta không độ hay sao? Có phải cách nói này không? Vậy thì cái nguyện này nhất định phải thay đổi rồi. Chúng sanh vô biên chính là không phân biệt quần tộc, không phân biệt tôn giáo. Bạn xem ngay đến loài động vật, nhà Phật vẫn thường khuyến khích phóng sanh, bạn vẫn cần cứu chúng, chúng không cùng quần tộc với bạn, không cùng tín ngưỡng với bạn, còn họ là con người, vậy trong mắt bạn những người này còn không bằng súc sinh sao? Súc sinh bạn còn giúp chúng, còn cứu chúng, những người này sẽ hỏi bạn có lòng từ bi hay không? Học Phật đã học đến chỗ nào rồi mà tâm lượng lại trở thành nhỏ bé như vậy? Chính mình cũng biết niệm, trong chùa thường xuyên đọc sớ văn, đoạn mở đầu của sớ văn là: “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”, miệng thì biết niệm nhưng lại không hiểu ý nghĩa là gì. Tâm lượng nhỏ bé như vậy, thậm chí nhỏ đến mức không thể bao dung được chính mình. Bạn nói xem có đáng thương không?

Việc bố thí trong Lục độ ba-la-mật của hàng Bồ-tát có giới hạn không? Có phân biệt hay không? Sự “Quảng tu cúng dường” trong Thập nguyện Phổ Hiền có phân biệt sai khác không? Thường xuyên đọc tụng những kinh điển Đại thừa này, chúng ta hằng ngày ở đây nghiên cứu thảo luận, nếu vẫn còn những phân biệt chấp chước này, vậy thì có thể khẳng định bạn chưa khế nhập một chút nào đối với Phật pháp. Không những không thể khế nhập cảnh giới mà những điều Phật pháp nói bạn cũng mù mịt không biết gì, bạn cũng không hiểu được.

Trong giới kinh Đại thừa Phật dạy chúng ta: “Hết thảy người nam là cha ta, hết thảy người nữ là mẹ ta”. Chữ “hết thảy” nên hiểu thế nào? Không cùng quần tộc thì không phải sao? Không cùng tôn giáo cũng không phải hay sao? Vậy thì chữ “hết thảy” này nói không thông rồi. Có thể thấy chữ “hết thảy” chính là không phân biệt chủng loài, không phân biệt tín ngưỡng tôn giáo, chỉ cần là người nam thì liền xem họ giống như cha của mình, chỉ cần là người nữ thì xem họ cũng giống như mẹ của mình mà hiếu thuận. Chúng ta là đệ tử Phật, tài vật của chúng ta làm sao có thể nói không thể cúng dường những tôn giáo khác, không thể cúng dường những chủng loài khác cơ chứ? Không thể nói như vậy được. Tâm lượng của Phật sao lại nhỏ bé như vậy, sao lại đáng thương như vậy?

Thậm chí trong kinh điển của đạo Cơ Đốc, Thượng Đế còn khuyên dạy người thế gian: Bạn yêu người thì cũng nên yêu thương kẻ thù của bạn. Bạn xem tâm lượng của họ rộng lớn biết bao, đệ tử Phật chúng ta so với đệ tử của Thượng Đế kém quá xa rồi. Lỗi lầm này là do chúng ta đã uổng công đọc kinh rồi, hoàn toàn không hiểu được nghĩa chân thật của Như Lai, khởi tâm động niệm đều là tạo nghiệp, niệm niệm đều là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi, chúng ta không cần nói đến quả báo của tương lai mà quả báo trước mắt sẽ rất nhiều khổ nạn, những khổ nạn này là do con người tạo ra. Đôi bên không thể chung sống hoà mục với nhau, không thể nhường nhịn lẫn nhau, như vậy sẽ dẫn đến đấu tranh, diễn biến tiếp theo của đấu tranh chính là chiến tranh. Dựa vào uy thế của mình để bức hiếp người yếu hơn gọi là “cá lớn nuốt cá bé”. Những tri kiến của Thuyết tiến hoá này thực sự có vấn đề lớn, đã dẫn dắt sai lầm tư tưởng, phương hướng và hành vi của rất nhiều chúng sanh. Lỗi lầm này rất lớn.

Cho nên Phật pháp nói với chúng ta về nghiệp lực, nói với chúng ta về đạo lý nhân quả, nói với chúng ta về cảm ứng và báo ứng. Đây đều là chân tướng sự thật, là chân lý. Cho nên chúng ta ở vị trí của chính mình trong cuộc sống, nếu thuận lợi thì nên giúp đỡ người khác nhiều hơn, tuyệt đối đừng phân biệt chấp chước, như vậy mới tốt. Phật trong kinh giáo thường khuyên chúng ta: “Tích công luỹ đức”, mà căn bản của tích công luỹ đức chính là giác ngộ. Sau khi giác ngộ rồi bạn mới có tâm chân thành, bạn mới có tâm cung kính. Người chưa giác ngộ thì tâm họ là hư vọng, không chân thật. Sự cung kính của họ chỉ là cảm tình không phải là chân thật nên gọi là “hư tình giả ý”. Trong “Kinh Địa Tạng” nói: “Khởi tâm động niệm đều là tạo tội”, chúng ta nghĩ xem, lời nói của Phật Bồ-tát đều là chân thật.

Trong Cảm Ứng Thiên, đến chỗ này là hết một đoạn. Câu tiếp theo nói: “Không biết trân quý vật lực” hay nói cách khác là lãng phí tài nguyên. Câu này nói cho chúng ta biết những lỗi lầm này. Đoạn phía trên là nói đối với người, còn đoạn tiếp theo đây là đối với vật. Chư vị hãy quan sát kỹ lưỡng những điều mà Thánh Hiền thế xuất thế gian đã dạy chúng ta, chúng ta tổng kết lại thì không ngoài việc dạy chúng ta làm thế nào để làm người, làm thế nào chung sống giữa người với người.

Đoạn tiếp theo lại dạy chúng ta: loài người làm thế nào để chung sống với vạn vật, với đại tự nhiên. Con người làm thế nào để chung sống với thiên địa quỷ thần. Thiên địa quỷ thần chắc chắn là không mê tín, tuy rằng người trần mắt thịt không nhìn thấy nhưng chúng ta biết rõ chúng ta không sống trong cùng chiều không gian với họ. Chúng ta sống trong không gian ba chiều, còn họ có thể sống trong không gian bốn chiều, năm chiều, sáu chiều, hoặc là chiều không gian sống cao hơn nữa. Chúng ta không nhìn thấy họ nhưng họ ở chiều không gian cao hơn lại nhìn thấy chúng ta, và ngược lại sống ở chiều không gian thấp hơn chúng ta thì họ không nhìn thấy chúng ta. Cho nên người xưa thường nói: “Trên đầu ba thước có thần linh ”, đó chính là những chúng sanh ở những chiều không gian khác nhau, chúng ta làm thế nào để chung sống cùng với họ đây? Chúng ta không nhìn thấy họ, không nghe thấy họ, không tiếp xúc được với họ nhưng chúng ta biết có sự tồn tại của họ. Chúng ta dùng tâm chân thành, tâm cung kính, tâm bình đẳng để lễ kính họ. Không chỉ là lễ kính mà còn tán thán. Những chúng sanh sống ở chiều không gian cao hơn chúng ta, phước đức trí huệ của họ đều cao hơn chúng ta nhiều, rất đáng để chúng ta tán thán, rất đáng để chúng ta học tập. Cho nên trong Lục niệm Đức Phật có dạy chúng ta niệm thiên, trong đó “niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng” là niệm Tam bảo, còn lại là niệm thiên, niệm giới, niệm thí. Thiên đạo cần tu thượng phẩm thập thiện nghiệp đạo, người cõi trời tu từ bi hỷ xả cho nên niệm thiên là niệm thượng phẩm thập thiện, niệm từ bi hỷ xả, chúng ta niệm niệm đều nên làm theo và học tập họ. Đó mới là chân thật tôn kính, lễ kính và tán thán. Dùng sự tu đức của chúng ta mà hồi hướng cúng dường, chúng ta lấy cái gì để cúng dường? Bản thân chúng ta tu dưỡng rất tốt thì chính là sự cúng dường đối với họ.

Phổ Hiền Bồ-tát nói: “Như giáo tu hành” chính là cúng dường. Khi ba mối quan hệ này làm tốt, rất rõ ràng, rất minh bạch, làm được rất viên mãn thì thiên hạ thái bình, thân tâm an lạc, phiền não tự nhiên sẽ không sanh, trí huệ tự nhiên sẽ tăng trưởng, vậy thì tại sao phải tạo tác ác nghiệp chứ? Đối đãi với tất cả người đều phải dùng tâm cảm ơn đội đức. Người có ân huệ với mình, ân huệ của một bữa cơm, ân huệ của một ngày đón tiếp thì cả đời đều không quên. Thời thời khắc khắc đều có tâm báo đáp. Như vậy mới tốt. Khi người khác nhục mạ ta, hãm hại ta nhất định không được để trong lòng, phải quên điều đó thật sạch sẽ thì chúng ta mới thật sự thể hội được: người người đều là người tốt, người người đều là Phật Bồ-tát.

Thánh Hiền thế xuất thế gian dạy chúng ta làm như vậy, thời thời khắc khắc luôn biết nhẫn nhường, tuyệt đối không được có ý hoặc vô ý gây tổn hại cho người khác, gây tổn hại cho vạn vật. Không những không được gây tổn hại cho người mà đến hoa lá cỏ cây cũng không được gây tổn hại. Điều này chính là đạo làm người mà Phật Bồ-tát và Thánh Hiền đã dạy chúng ta.

Được rồi, hôm nay thời gian đã hết. Chúng ta chỉ học đến đây. A Di Đà Phật!