Các vị đồng học xin, chào mọi người.
Hôm qua, tôi đã giảng đến câu "Hư vu trá ngụy, công kiết tông thân" (Đặt điều vu cáo hư vọng, xảo trá, dối gạt, công kích thân thuộc).
Bốn chữ phía trước tôi đã giới thiệu qua rồi, bốn chữ phía sau này thì chưa giảng. Trong chú giải của Vựng Biên nói được rất rõ ràng: " Cùng họ là Tông, khác họ là Thân", cho nên tông và thân là có phân ra, nhưng quan hệ đều rất là mật thiết. Trong đây nói rất hay: " Tuy có xa, gần, thân, sơ khác nhau, thật sự đều là những người có mối quan hệ thân thiết với ta". Cha con, anh em,thân tộc cùng một họ, đây là “Tông”, cùng một tổ tông, một mạch truyền thừa tiếp nối. “Thân” là người khác họ mà kết thành hôn nhân, cho nên có gia thân quyến thuộc. Tuy người cùng họ, khác họ có sự khác biệt, thế nhưng sau khi kết hôn thì đều là người một nhà, cho nên đều phải nên lấy “thân ái trung thành” để đối đãi nhau, cùng hoạn nạn, cùng chịu khổ. Đây là từ trên nhân luân mà nói. Nếu từ trên Phật pháp để nói thì phạm vi đó lớn, người thông thường rất khó lý giải, rất khó tiếp nhận, thế nhưng đó là chân tướng sự thật. Điều này chúng ta đọc rất nhiều trong Kinh Luận Đại Thừa, chúng ta nỗ lực nêu ra để cùng thảo luận. Đích thực đây là sự thật. Chân tướng của sự thật là tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới là cùng tông với chúng ta. Trong thế pháp, từ trên luân lý mà nói thì cùng tông là cùng một tổ tiên, ở trong Phật pháp thì nói chúng ta là cùng một tự tánh, cùng một chân tâm.
Thế Tôn ở trong Kinh Hoa Nghiêm đã nói được rất hay, vũ trụ vạn pháp từ đâu mà có? "Duy tâm sở hiện". Cái tâm này là cùng chung. Mười pháp giới y chánh trang nghiêm đều là duy tâm sở hiện, duy thức sở biến. Thức là cái gì? Thức là tâm khởi tác dụng. Cho nên, trong Kinh giáo Đại Thừa thường nói: "Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh", nói ra một cái "tâm", nói ra một cái tưởng. Tâm năng hiện, tưởng năng biến. Tưởng chính là thức. Tám thức, 51 tâm sở, chỉ dùng chữ “tưởng” này làm đại biểu, cho nên là tâm hiện, thức biến. Đã là từ tâm tưởng sanh thì làm sao nó không phải từ trong cùng một Tông chứ? Cho nên, Phật cùng các Pháp Thân Đại Sĩ xem thấy tất cả chúng sanh tàn sát lẫn nhau, thì giống như lão tổ tông xem thấy con cháu đời sau tương tàn lẫn nhau. Tình hình này là giống như vậy. Có thể trách họ hay không? Không thể trách họ. Tại vì sao không thể trách họ? Họ không hiểu rõ chân tướng sự thật, không có người dạy họ, cho nên Phật ở trong Kinh Vô Lượng Thọ nói rất hay: "Tiên nhân vô tri, bất thức đạo đức". Đạo đức là gì? Đạo đức chính là chân tướng sự thật. Người thế hệ trước đã lơ là rồi, họ không hiểu rõ chân tướng sự thật, không có người nói với họ, họ tạo những tội nghiệp này thì không thể trách họ.
Chúng ta đọc lịch sử, chúng ta thấy được cổ Thánh tiên vương, những đế vương vào thời xưa hiểu được tường tận, cho nên làm quốc vương, sự việc thứ nhất là giáo học, "kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên", phải dạy. Cho nên, thời xưa, không chỉ là người lãnh đạo quốc gia, mà thậm chí đến người lãnh đạo thôn xóm địa phương, gia trưởng trong một gia đình là người lãnh đạo của một nhà, thì đại Thánh đại Hiền đều yêu cầu phải làm được ba chữ "Quân-Thân-Sư". Ý nghĩa này rất sâu rất rộng, chúng ta phải tỉ mỉ mà thể hội. Không chỉ là lãnh đạo, mà đối với người bị lãnh đạo phải có thân tình giống như cha con, anh em, thân bằng quyến thuộc trong nhà vậy, nhiệt tâm yêu thương bảo vệ, cái này là làm đến “thân”. Còn phải làm đến "sư", sư là tận tâm tận lực giáo hóa họ, khiến cho họ tường tận luân thường đại đạo, hiểu được làm người phải như thế nào, làm thế nào tiếp vật, sống như thế nào.
Phật pháp trước khi truyền đến Trung Quốc, người Trung Quốc đã và đang làm rồi. Vào triều Hán Minh Đế, Phật giáo chính thức truyền đến Trung Quốc. Những lời Phật đã nói, những điều Phật đã dạy cùng với cổ Thánh tiên Hiền chúng ta không hẹn mà gặp, cho nên từ triều đình cho đến dân dã đều rất hoan nghênh đối với giáo học của Phật-đà. Giáo học của Phật-đà bổ sung cho giáo học truyền thống của chúng ta, bổ trợ cho nhau. Chúng ta thì ưa thích sự đơn giản, nên nói được cương lĩnh thiết yếu, Phật pháp thì nói rất tường tận, đây là chúng ta được trời ưu đãi. Chúng ta thấy trên địa cầu này, các quốc gia dân tộc khác đều chưa có. Đây là phước của chúng ta. Tổ tiên của chúng ta đích thực đã làm được ba chữ "Quân-Thân-Sư" này, làm được rất viên mãn.
Trung Quốc ngày nay, tại vì sao lại suy vi lạc hậu như vậy? Thực tế là khoảng 200 năm gần đây bị ngoại bang xâm lược, ức hiếp, họ lại mê tín khoa học kỹ thuật của người nước ngoài, lơ là, xem thường giáo huấn của tổ tông, cho nên mới thành ra như thế này. Văn minh khoa học của nước ngoài có thể giải quyết được vấn đề hay không? Trải qua khoảng hơn một trăm năm, hiện tại vấn đề đã xuất hiện, thế là cả thảy thế giới tràn đầy nguy nan. Người nước ngoài hiện tại muốn học những thứ cổ xưa của chúng ta, họ bắt đầu giác ngộ rồi, cho nên rất nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới đều mở khoa Hán học, nghiên cứu Hán học, người học tập Hán học càng ngày càng nhiều. Mục đích của họ là gì? Giải quyết vấn đề xã hội. Cốt lõi của vấn đề xã hội là vấn đề nhân tâm. Kinh tế, khoa học kỹ thuật không thể nào cải tạo nhân tâm. Vấn đề của tâm tánh là cốt lõi giáo dục của chúng ta, là cốt lõi của nền giáo dục Phật-đà. Những năm 70, nhà đại học vấn của nước Anh - tiến sĩ Thang Ân Tỉ hô hào với thế giới rằng: “Có thể giải quyết vấn đề của thế kỷ 21, chỉ có học thuyết của Khổng Mạnh và Phật pháp Đại Thừa”. Chân thật là có tầm nhìn!
Tôi nghe nói, hiện tại nước Anh và Úc châu đã đem giáo học của Phật pháp bồi dưỡng từ trường mầm non. Trường mầm non, tiểu học, trung học, đại học đều phải học giáo trình Phật Kinh. Chúng tôi nghe nói cảm thấy rất là kinh ngạc. Tôi ở Úc, đồng tu Úc châu, người bên đó thỉnh cầu tôi giúp họ biên soạn giáo trình của tiểu học và trường mầm non. Tôi nghe được thì vô cùng hoan hỉ. Trở lại Singapore, tôi yêu cầu đồng tu chúng ta phải cùng nhau biên soạn giáo trình này. Từ những chỗ này, chúng ta có thể thấy ra được, họ xem trọng Phật pháp đến cỡ nào. Nếu như không có sự nhận biết sâu sắc đối với Phật pháp, làm sao họ có thể xem trọng? Điểm này đáng để chúng ta phản tỉnh, cũng đáng để chúng ta cảnh giác. Sau khi Phật pháp truyền đến thì đã biến thành văn hóa của chúng ta.
Lần này tôi đến thăm Bắc Kinh, Sở trưởng Ngô của Sở Nghiên cứu Văn hóa Phật giáo Trung Quốc nói với tôi, Ấn Độ yêu cầu họ đem Kinh điển Trung văn dịch thành tiếng Ấn Độ để tặng cho họ, vì Phật giáo ở Ấn Độ đã thất truyền từ lâu. Sau khi tôi nghe rồi, tôi cho rằng đây là một việc tốt, việc này chúng ta phải nên làm. Thế nhưng phiên dịch quyết không phải là một việc dễ dàng, nhất định không thể nói thông thạo hai loại ngôn ngữ thì liền có thể phiên dịch. Thế Tôn ở trong Kinh Hoa Nghiêm, thậm chí trong Đại Trí Độ Luận đều có nói đến: "Phật pháp không có người giảng, tuy có trí cũng không thể hiểu". Công tác dịch Kinh cần phải người có tu có chứng mới có thể làm được, không phải là người tu hành chứng quả thì rất khó, rất khó. Thế nhưng sự việc này lại cần thiết phải làm. Vậy phải nên làm bằng cách nào? Tôi nói cho họ nghe ba bước, sự việc hiện tại cần phải làm. Hiện tại dịch cái gì? Dịch trước tác và diễn giảng của người hiện đại đối với Phật pháp. Cái này dễ dịch, sẽ không sanh ra sai lầm nghiêm trọng. Chúng ta cần phải có một ban phiên dịch, thành viên cố định. Chúng ta dùng thời gian năm năm để các thành viên biên dịch dần dần thâm nhập Phật pháp. Đến năm năm lần thứ hai, chúng ta phiên dịch chú giải của người xưa, chúng ta dịch chú giải không dịch Kinh. Đến năm năm lần thứ ba, chúng ta mới thử nghiệm dịch Kinh, hay nói cách khác, cần có mười năm tu dưỡng đối với Phật pháp, đương nhiên tốt nhất phải là người có thể như giáo tu hành. Sau mười năm thì chúng ta mới dịch Kinh. Nếu không có sự bồi dưỡng của mười năm thì dịch Kinh là việc vô cùng khó khăn. Đây là kiến nghị của tôi đối với họ. Công tác này nhất định phải làm. Không chỉ phiên dịch thành tiếng Ấn Độ, mà hy vọng Phật pháp truyền bá đến toàn thế giới, hay nói cách khác, các văn tự ngôn ngữ khác đều phải phiên dịch. Cho nên, đây là một công trình rất lớn, khiến cho tất cả người trên thế giới đều có thể có nhận thức chính xác chúng ta đều cùng một gốc chân như tự tánh mà sanh ra. Sau đó, tất cả chúng sanh mới có thể tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau, cùng đồng xây dựng xã hội an định phồn vinh, đời sống hạnh phúc mỹ mãn, sẽ không có đối địch tranh đấu lẫn nhau, cũng sẽ không còn mảy may hơn thua tính toán, vậy thì "công kiết tông thân" mới có thể chân thật tiêu trừ.
Ngay chỗ này, hai câu sau cùng của Ngài nói được rất hay: " Lặt cành làm đau lòng cây ". Đây là dùng thực vật để làm thí dụ. Cái cây đó, nếu bạn chặt đứt một cái cành của nó, sẽ làm đau lòng nó. "Chặt đứt rễ khiến cho mạng mạch của nó chấm dứt", như Phật đã nói "nhân dân ái vật". Từ ngay chỗ này chúng ta có thể thể hội được trong Giới Kinh đã nói "Tỳ-kheo thanh tịnh không đạp lên cỏ non", chân thật từ bi thể hiện ra từ những chỗ này, chúng ta phải nên học tập. Cho nên, tất cả chúng sanh đều là tông thân của chúng ta, làm sao có thể "công kiết"? Cho dù họ làm sai, chúng ta phải hiểu rõ tại vì sao họ lại làm sai. Do nhất thời mê hoặc, không phải bổn tâm của họ, không phải bổn ý của họ, mà là nhất thời mê hoặc, nhất thời hiểu lầm, họ nghĩ sai thì họ làm sai. Phải nên lượng thứ, không nên tính toán, lâu dần họ sẽ giác ngộ, họ sẽ sám hối, họ sẽ quay đầu. Chúng ta nhẫn nại mà chờ đợi, chúng ta từ trong đó mà hỗ trợ, giúp đỡ họ giác ngộ, giúp đỡ họ quay đầu. Đây là người quân tử nhân từ, là một người thông tình đạt lý. Câu này tôi chỉ giảng giải đến đây. Trong Vựng Biên có rất nhiều câu chuyện, nêu ra rất nhiều thí dụ, các vị tự mình có thể xem.
Các vị đồng học, mời mời xem đoạn thứ bốn mươi bốn của Cảm Ứng Thiên:
“Cang cường bất nhân, ngận lệ tự dụng” (Ương bướng bất nhân, sử dụng những thủ đoạn độc ác, tàn nhẫn)
Trong chú giải nói với chúng ta: " Khổng Tử chủ trương cương nghị là chú trọng nơi lý. Thái Thượng răn nhắc về “cang cường” (cứng cỏi, ương ngạnh) là nói đến sự dẫn khởi từ tánh khí ". Đây là chúng ta trước tiên phải phân biệt rõ ràng, nhất định không được hiểu sai ý này. Cũng như con người bị bệnh, bộ phận trên thân thể bị tê dại thì gọi là bất nhân. Khi tê dại thì không biết đau xót, cũng giống như người say. Đây là cách giải thích đơn giản. Như thế nào thì gọi là "cương cường bất nhân"? Phàm hễ là loại người cương cường bất nhân, cũng chính là nói hoàn toàn là dùng tính khí để làm việc, dùng tình cảm để làm việc, không nói đạo lý, tùy thuận hỉ nộ của chính mình mà đối nhân, tiếp vật. Nếu như không hợp với mình thì không những bài trừ, mà còn luôn luôn nghĩ kế hãm hại. Trong đây viết rất hay, Ngài nói: " Vì thế, kẻ ưa ương bướng, hành sự thuận theo tình cảm xung động khi đãi người tiếp vật, sẽ chẳng có chút thông cảm nào, thuần là ý niệm cạn tàu ráo máng, thế tục gọi là “tấm lòng sắt đá”, làm sao có thể nhân từ cho được? ". Chúng ta bình lặng mà suy nghĩ, chúng ta có phạm phải lỗi lầm này hay không? Không phải không nghĩ hại người, mà là không có cơ hội hại người, không có quyền bính hại người. Nếu như chính mình đương quyền, chính mình có cơ hội thì không biết là sẽ hại bao nhiêu người tốt, không biết là chướng ngại bao nhiêu việc tốt. Tại vì sao chúng ta biết chính mình có? Phiền não tập khí của chính mình chưa đoạn, khởi tâm động niệm đều là tự tư tự lợi, luôn là nghĩ đến tổn người lợi mình. Chỉ cần có cái ý niệm này tồn tại thì bên trên Thái Thượng đã nói là "bội nghịch đại ác", hết thảy bảy điều này đều đầy đủ. Mặc dù chúng ta không có quyền hành trong tay, không có cơ hội hãm hại người, thế nhưng có cái ý niệm này thì đáng sợ rồi.
Ý niệm thiện ác luôn luôn ngay cả chính mình đều không thể nào phát hiện ra, thế nhưng thiên địa quỷ thần thấy được rõ ràng, chư Phật Bồ-tát thì càng không cần phải nói. Cho nên, một niệm thiện khởi lên thì thiên thần ủng hộ, một niệm ác khởi lên thì yêu ma quỷ quái vây quanh bạn, làm trợ duyên cho bạn, thành tựu ác hạnh của bạn. Những chân tướng sự thật này quá nhiều quá nhiều, chỉ cần chú ý quán sát, đều thấy ở chung quanh chúng ta. Xã hội hiện đại này, thiện tri thức ít, ác tri thức nhiều. Thiện tri thức thành tựu việc tốt cho người, ác tri thức giúp người làm ác. Thế nhưng, người xưa nói: “Cương cường rồi cũng có ngày bị chiết phục”, đây là nói quả báo. Nếu như loại người cương cường bất nhân này bị qua mấy lần thua thiệt to lớn, nhận qua các thứ giày vò, sự ương ngạnh của họ dần dần hạ thấp, dần dần biết quay đầu, đó là may mắn ngay trong bất hạnh, có thể tránh khỏi đọa ba đường ác.
Ngay ở chỗ này nêu ra một thí dụ, Bao Công triều Tống, mọi người đều biết, Bao Công cương cường, thế nhưng ông hiểu lý (đây là Phu Tử đã nói). Ông phán xử các vụ án hình sự. Nếu như có người bẩm cáo với ông, thỉnh cầu với ông, ông luôn luôn là trách mắng ngay mặt, thế nhưng nếu có người nói đạo lý với ông, nói rất có đạo lý thì ông cũng hoan hỉ tiếp nhận. Ông không phải là người không nói lý. Ông là người không nói đến tình, mà là người rõ ràng đạo lý, cho nên mọi người bội phục đối với ông, tôn trọng đối với ông. Đây là một người cương cường rõ lý, cho nên ông có trí tuệ có thể phá án, đây gọi là "nhân giả chi dũng dã" (cái dũng của người nhân). Thế nhưng ngày nay, người rõ lý thì không nhiều, lý mà họ hiểu là tự mình cho là đúng thì đó là lý. Tại vì sao có thể rơi vào tình trạng này? Vẫn là một câu nói cũ, "lỗi là do không đọc sách Thánh Hiền".
Sách Thánh Hiền thì rất nhiều. Sách nhà Nho, ít thì như Ngũ Kinh, Thập Tam Kinh, còn Kinh điển của nhà Phật chân thật là mênh mông như biển cả. Từ nhỏ không học, hiện tại muốn học thì không kịp nữa. Cho nên, sống ở thế gian, làm thế nào để chính mình có năng lực biết rõ phải quấy, biết rõ tà chánh, chân vọng, thiện ác, lợi hại. Chỉ cần bạn có năng lực phân biệt, đây là chân trí tuệ, đây chính là học vấn chân thật. Thế nhưng không đọc Kinh, không đọc sử thì trí tuệ của bạn từ đâu mà có? Đại Sư Ấn Quang từ bi, Đại Sư Ngài hiểu rõ, hiện tại khuyên người thế gian đọc Kinh, đọc sử thì không thể nào được, họ không làm được, cho nên Ngài đưa ra một phương thuốc cứu mạng, cứu vãn thế giới ngày nay. Ngài chọn ra ba quyển sách là Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, An Sĩ Toàn Thư. Ba quyển sách này có thể giúp chúng ta có được năng lực biện biệt tà chánh, phải quấy, lợi hại. Đại Sư cả đời cực lực đề xướng, đã lưu thông với số lượng lớn ba loại sách này, mục đích là cứu vãn kiếp nạn toàn thế giới trước mắt chúng ta. Có mấy người có thể hiểu được nỗi khổ tâm của Đại Sư chứ?
Vào năm 1977, lần thứ nhất tôi tiếp nhận lời mời của đồng tu Hong Kong đến nơi đó để giảng Kinh Lăng Nghiêm. Lần đó tôi đã ở Hong Kong bốn tháng. Hai tháng đầu tôi ở trong Thư viện Phật Giáo Trung Hoa, xem thấy thư viện có cất giữ những Kinh sách Hoằng Hóa Xã đã lưu thông của Đại Sư Ấn Quang. Tôi xem thấy từ trong tờ tác quyền, Đại Sư cả đời đem ba loại sách này ấn hành lưu thông không dưới ba triệu quyển. Ngay lúc đó tôi cảm thấy rất kinh ngạc, Đại Sư là Tổ Sư Tịnh Tông của nhà Phật, đối với Kinh luận Phật giáo vì sao không ra sức đề xướng, mà lại đem ba loại sách này in ra số lượng lớn đến như vậy? Tôi bình lặng tư duy, càng nghĩ càng có đạo lý. Kinh luận rất hay, nhưng không còn kịp, không cách gì cứu cấp kịp nữa, nhất là nhiều người không tin tưởng Phật giáo, tín đồ tin tưởng các tôn giáo khác trên thế giới thường có hoài nghi, có bài xích đối với Phật giáo. Ba loại sách này không phải Phật giáo nên có thể vượt qua lằn ranh của tôn giáo, khiến cho tất cả chúng sanh đều có thể tiếp nhận. Đây là phương tiện khéo léo, mục đích chính là cứu vãn chúng sanh lần đại kiếp nạn, thiên tai nhân họa ngay trước mắt này.
Làm sao đem sự việc này làm cho được tốt, làm có hiệu quả? Then chốt chính là có phương pháp hay không, để khiến tất cả chúng sanh tỉnh ngộ ra, không còn mê hoặc, không còn điên đảo, chính là vừa rồi đã nói, có năng lực phân biệt chân vọng, có năng lực phân biệt tà chánh, phân biệt phải quấy, phân biệt thiện ác, phân biệt lợi hại. Chỉ cần họ có được năng lực này thì kiếp nạn này liền được cứu. Ấn Tổ vào thời đại đó, với kỹ thuật in ấn vào lúc đó mà lưu thông được với số lượng lớn đến như vậy. Thế nhưng theo cách nhìn của người hiện tại, số lượng đó vẫn là quá ít. Nếu lấy Trung Quốc mà nói, hiện tại nhân khẩu có đến một tỉ ba, có thể sắp đến một tỉ tư, thì ba triệu quyển có thấm vào đâu, nhất là một số kinh sách này đều là lưu thông vào nửa thế kỷ về trước. Nửa sau thế kỷ này có thể lưu lại, còn có thể giữ lại, tôi thấy nhiều nhất chỉ có một phần mười. Cho nên, chúng ta hiểu rõ đạo lý này thì chúng ta phải tiếp tục làm, phải lưu thông số lượng lớn. Nửa thế kỷ trước, người có học còn có thể đọc Văn Ngôn Văn. Người hiện đại xem thấy những kinh sách mà Ấn Tổ lưu thông thì bị chướng ngại về mặt văn tự. Đây là hiện tượng rất đau lòng. Thế là chúng ta phải dùng văn nói để giảng giải. Hiện tại chúng ta lưu thông băng ghi hình, băng ghi âm, đĩa CD để mọi người có cơ hội nghe.
Trên hội Lăng Nghiêm, Bồ-tát Văn Thù nói rất hay: "Thử phương chân giáo thể, thanh tịnh tại âm văn". Chúng sanh Thế giới Ta-bà nhĩ căn nhạy bén. Chúng ta ngày nay muốn cứu kiếp nạn này thì phải từ căn bản mà bắt tay vào. Căn bản chính là làm thế nào khiến tất cả chúng sanh hồi tâm chuyển ý, làm một cuộc đại chuyển biến ở trên tâm lý thì kiếp nạn mới có thể hóa trừ. Đạo lý này, Phật ở trên Kinh điển nói được rất thấu triệt. Trong Đại Kinh thường nói: "Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh". Câu nói này chính là trong Kinh Hoa Nghiêm đã nói "duy tâm sở hiện, duy thức sở biến". Tất cả pháp "duy tâm sở hiện, duy thức sở biến". Tâm tưởng sanh, tâm chính là năng hiện. Tưởng chính là thức, năng biến. Chúng ta thấy, điều mà hiện tại đại chúng xã hội nghĩ là gì, nhớ đến là gì, nói ra là gì, và họ làm những gì? Nếu như tất cả việc này đều là bất thiện, thì cảm ứng chính là thiên tai nhân họa. Nếu như cái nhớ, cái nghĩ, lời nói, việc làm đều là thiện, đó chính là Thế giới Cực Lạc, chính là Thế giới Hoa Tạng. Việc này cần phải dạy, cho nên chư Phật Bồ-tát thị hiện ở thế gian đều là dùng thân phận sư đạo để xuất hiện. Thích-ca Mâu-ni Phật, dùng lời hiện đại để nói, Ngài thị hiện ra là người làm công tác giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Khổng Lão Phu Tử thị hiện ra cũng là thân phận này. Chỉ có thân phận này mới có thể cứu người, mới có thể cứu đời.
Chúng ta phải hiểu được, tâm thiện thì hiện hảo tướng, ý thiện thì biến ra cảnh giới tốt, hạnh thiện thì tự lợi lợi tha. Người có đầy đủ ba cái thiện này, tiền đồ là một mảng quang minh, cho dù hiện tiền chịu những khổ nạn, nhưng đó là việc nhỏ, nhân sanh có là bao? Thời gian rất là ngắn ngủi! Phật dạy chúng ta tu nhẫn nhục Ba-la-mật. Mấy mươi năm nóng lạnh này, mấy mươi năm giày vò này, ai giày vò chúng ta vậy? Một số chúng sanh ngu si, mê muội, điên đảo, họ không hiểu lý. Phật Bồ-tát dùng thiện tâm, tâm thuần thiện, hạnh thuần thiện đối với họ, họ còn muốn lăng nhục Phật Bồ-tát, còn muốn hãm hại Phật Bồ-tát, Phật Bồ-tát không hề thoái tâm, Phật Bồ-tát không hề cúi đầu bỏ đi. Đây là Phật Bồ-tát làm ra tấm gương cho chúng ta, làm mô phạm cho chúng ta. Chư Phật Bồ-tát mà còn như vậy, chúng ta có tính vào đâu? Chịu một chút dày vò, chịu một chút tổn hại, đây là việc quá bình thường. Thời gian mấy mươi năm này qua hết, chúng ta có chỗ tốt để đi. Cho nên, không nên bỏ rơi chúng sanh khổ nạn. Chúng sanh càng khổ, càng ngu si, càng ngu muội thì chúng ta càng phải thương xót họ, càng phải giúp đỡ họ. Không nên bởi vì tâm hạnh của họ bất thiện, không ác nào không làm mà bỏ rơi, không quan tâm đến, vậy đây không phải là người nhân từ, đây cũng là người bất hiếu. Người mà bất hiếu, bất kính, bất nhân, bất nghĩa thì làm sao có thể học Phật, làm sao có thể thành Phật? Cho nên, chúng ta cùng với người đời không thể nào cùng một tri kiến. Không luận họ dùng thái độ gì đối với chúng ta, chúng ta nhất định phải giữ lấy nguyên tắc, chúng ta phải dùng tâm chân thành đối đãi họ, dùng tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm trí tuệ, tâm từ bi để đối đãi tất cả chúng sanh, đó là chúng ta hành Bồ-tát đạo. Phải tu nhẫn nhục Ba-la-mật, phải tu lục độ vạn hạnh thời gian dài để cảm hóa những chúng sanh này. Họ có Phật tánh, họ sẽ quay đầu, chỉ nhất thời mê hoặc mà thôi. Cho nên, chính mình phải phản tỉnh, chính mình phải hành đạo. Chỉ có chính mình không đọa lạc thì mới có thể cứu giúp chúng sanh khổ nạn.
Ý nghĩa của hai câu này vẫn chưa giảng xong. Hôm nay thời gian đã hết rồi, ngày mai chúng tôi giảng tiếp. A Di Đà Phật!