Các vị đồng học xin chào mọi người.
Hôm qua, tôi đã giảng đoạn thứ ba mươi chín của Cảm Ứng Thiên: "nhẫn tác tàn hại" (Nhẫn tâm làm chuyện tàn ác, độc hại). Người tạo loại tội nghiệp này luôn bởi vì tập khí ác nhiều đời, bất tri bất giác, tuy có lúc biết đây là việc không nên làm, thế nhưng trên thực tế họ vẫn là đang tạo tác. Từ những chỗ này, chúng ta có thể quán sát tính nghiêm trọng của tập khí ác.
Người thế gian khi có việc vui, thông thường khi làm lễ mừng thọ, và những ngày lễ cần ăn mừng, rất nhiều người lại sát sanh để cúng bái, tạo tác vô lượng vô biên tội nghiệp mà chính mình không thể nào biết được. Những sự việc này chúng ta thấy được quá nhiều. Trong Kinh Phật nói rất tường tận, ngày vui của chính mình phải nên đáp tạ quỷ thần. Việc đáp tạ quỷ thần nhất định không nên sát sanh để cúng bái. Việc sát sanh cúng tế thành thật mà nói, thiện thần thiện quỷ đều xa lánh, không bằng lòng gánh vác tội lỗi này. Bạn là vì họ mà giết thì tội lỗi này họ phải gánh vác. Chỉ có một số ác thần hung sát mới không chút kiêng dè, tiếp nhận cúng dường huyết thực. Người và quỷ thần đều do đây mà đọa lạc. Người tạo tác ác nghiệp thì đời sau đọa địa ngục, quỷ thần tạo tác tội nghiệp thì đời sau cũng đọa địa ngục, luân chuyển ở trong sáu cõi. Cho nên, trong tất cả các ngày vui, nhất định không nên sát sanh. Trong Vựng Biên đều nói đến, trong đó có một đoạn nói rất hay, lời văn không dài, Ngài nói: "Bình đẳng là Phật, chánh trực là thần". Hai câu này nói rất hay. Trong Kinh điển Phật thường nói, Phật là tâm bình đẳng, Bồ-tát là tâm lục độ, Duyên Giác là tâm nhân duyên, Thanh Văn là tâm Tứ Đế. Trong tâm thường giữ pháp như vậy thì mới có thể siêu việt sáu cõi luân hồi.
Ngài nói: "Trọn chẳng có chuyện do được hối lộ mà giáng phước". Chúng ta sát sanh cúng bái thần minh, đích thực là có sự việc này. Năm xưa tôi ở Đài Loan, vào lúc đó đã xuất gia rồi, ở Đại Khê có chùa Hương Vân (vào lúc đó chúng tôi ở trong chùa này), mùng một, mười lăm, cư dân ở lân cận đều mang đầu heo, gà, vịt, cá, thịt đến bái Phật, cúng dường Phật. Bạn nói xem, thành ra thứ gì chứ? Xem Phật Bồ-tát như là thần linh để đối đãi! Dùng những thứ này để cúng bái quỷ thần, cúng bái Phật Bồ-tát , đây là hối lộ. Đối với Phật Bồ-tát, đối với quỷ thần làm việc hối lộ, còn hy vọng Phật Bồ-tát, quỷ thần sẽ giáng phước cho họ, làm gì có loại đạo lý này? Do đây có thể biết, những người này không biết chút gì đối với Phật pháp, hoàn toàn là mê tín. Đài Loan có tồn tại loại mê tín này. Tôi tin ở trên thế giới, loại mê tín như thế này nhất định không ít. Truy cứu những nhân tố này, đệ tử học Phật chúng ta, đặc biệt là đệ tử xuất gia có trách nhiệm, nhất định không thể nào thoái thác. Chúng ta là người xuất gia không tận hết trách nhiệm giáo hóa chúng sanh, đối với đại chúng xã hội không thể đem Phật pháp giảng rõ ràng, giảng tường tận, còn có những người mê tín, thậm chí chúng ta còn tạo tác tất cả sự dẫn dắt mê lầm cho đại chúng, tội lỗi này vô lượng vô biên. Đây có lẽ chính là câu người xưa đã nói: "Trước cửa địa ngục tăng đạo nhiều". Chúng ta dẫn dắt tất cả chúng sanh đi làm việc mê tín, đây là đặc biệt sai lầm. Thậm chí chúng ta ngày nay nói Phật giáo là tôn giáo thì đã dẫn dắt chúng sanh mê tín.
Chúng ta ngày nay rất rõ ràng, rất tường tận, Phật giáo không phải là tôn giáo, mà Phật giáo là giáo dục trí tuệ của Phật-đà, không có liên quan gì với tôn giáo. Ngày nay chúng ta xem Phật giáo là tôn giáo, chính là dẫn dắt đại chúng mê tín, tội lỗi đã là vô lượng vô biên rồi. Cho nên, ngay chỗ này Ngài viết đoạn này rất hay. Xã hội có rất nhiều người ở trước Phật Bồ-tát, trước quỷ thần mà hứa nguyện, chính mình có mong cầu rồi hứa nguyện, đến khi hoàn nguyện thì sát sanh để cúng tế. Loại nguyện này là ác nguyện. Ngài nói ở chỗ này rất hay: "Dẫu được thỏa lòng". Bạn có được cái đã nguyện cầu, quả nhiên bạn có được rồi; bạn muốn thăng quan, quả nhiên thăng quan rồi; bạn muốn phát tài, quả nhiên phát tài rồi, nhưng trên thực tế, đây không phải là do bạn hứa nguyện mà được Phật Bồ-tát mãn cái nguyện của bạn, quỷ thần mãn cái nguyện của bạn, mà là trong mạng của bạn đã được ấn định, Phật Bồ-tát với quỷ thần căn bản không có liên quan gì. Thế nhưng bạn hứa cái ác nguyện, bạn tạo ra ác nghiệp, quả báo nhất định ở phía sau, nếu không ở đời sau, thì ở đời sau nữa. Phía sau là nói cuối đời này của chúng ta, bạn phải gặp ác báo này. Nhân duyên quả báo không hề sót lọt. Trong Cảm Ứng Thiên nói rất rõ ràng, lý tuy là nói không nhiều, chú giải của Vựng Biên bổ sung vào, cho nên nói có lý luận viên mãn, còn về mặt sự thì đã nói rất nhiều, cái sự này chính là chứng cứ chân thật. Loại chứng cứ của trồng nhân thiện được quả thiện, chứng cứ của tạo nhân ác được ác báo thì quá nhiều, quá nhiều. Chúng ta đọc bộ sách này, xem qua nghiệp nhân quả báo ngày trước, sau đó quay đầu lại, tỉ mỉ quán sát xã hội hiện tiền chúng ta, xem tạo tác của người hiện nay, thấy quả báo của người hiện nay so với ghi chép trong sách càng rõ ràng hơn. Chúng ta làm sao có thể không tin, làm sao có thể không nỗ lực mà học tập?
Đồng học chúng ta nêu lên hai vấn đề, cũng là sự việc của xã hội chúng ta hiện nay. Xã hội hiện tại bởi vì nhân khẩu tăng nhiều, cho nên rất nhiều quốc gia khu vực đều đang nghiên cứu kế hoạch hóa gia đình, tiết chế sinh sản. Ở Mỹ cũng vậy, hiện tượng ở nước Mỹ hiện nay là số lượng nhân khẩu người da trắng dừng như đang dừng lại, không có tăng thêm. Số lượng người da màu thì lại tăng rất cao, người da màu không có hạn chế sinh sản, mỗi một gia đình có 4-5 đứa con, 5-6 đứa con là rất bình thường. Cho nên tương lai ở nước họ sẽ toàn là người da màu. Họ là chế độ dân chủ tuyển cử, người da đen nhiều rồi, đương nhiên sẽ bầu cử người da đen lên làm tổng thống, đây là nhân quả báo ứng. Ngày trước, người da màu có nguồn gốc là nô lệ đến từ Châu Phi, tương lai nô lệ lên làm ông chủ, người da trắng là ông chủ thì chuyển xuống làm nô lệ, đây là nghiệp nhân quả báo. Ở Trung Quốc nhân khẩu nhiều, cho nên tiết chế, chỉ cho phép sinh một con. Người Ấn Độ không chú trọng tiết chế, có thể không lâu sau, nhân khẩu của Ấn Độ sẽ vượt qua chúng ta. Dân tộc Trung Quốc từ xưa đến nay trọng nam khinh nữ, trong nhà có một đứa con trai được nuông chiều từ nhỏ. Bạn có biết được là chúng đến để báo ân hay là đến để báo oán, chúng đến để đòi nợ hay là đến để trả nợ không? Cho nên vấn đề xã hội ngày nay, nếu như không thâm hiểu Phật pháp thì không thể giải quyết. Loại quan niệm chỉ dựa vào cách nghĩ, cách nhìn của chính chúng ta, chúng ta chỉ nhìn thấy trước mắt, không nhìn thấy hậu quả. Trước mắt cảm thấy cách làm này cũng không tệ, sau này kết quả thế nào thì không hề biết, có thể dẫn khởi đến hậu hoạn vô cùng. Người thông thường luôn chỉ nghĩ đến trước mắt.
Thời đại này vẫn không thể bằng thời xưa. Vào thời xưa, đặc biệt là những nhân sĩ quản lý quốc gia, quản lý chính phủ, cái mà họ nghĩ đến, cái suy xét đến đều mang tính dài lâu. Đế vương thời xưa suy tính là ngàn năm vạn thế, hy vọng quyền lực của họ có thể vĩnh viễn được củng cố, con cháu nhiều đời tiếp nối không dứt. Làm một tể tướng, chí ít phải ảnh hưởng đến 50 năm, 100 năm sau. Người đi học mà rõ lý, cho dù chưa làm quan, chỉ làm một người dân thường, họ cũng sẽ vì con cháu đời sau của họ mà lo nghĩ, cũng sẽ vì sứ mạng của lịch sử mà lo nghĩ, cho nên nghĩ được rất xa.
Nhà Phật nói về thiện ác rất viên mãn. Hiện tiền là thiện, nhưng đời sau không thiện thì đây không phải là chân thiện. Hiện tiền tuy là không thiện, nhưng đời sau rất thiện, việc này đáng nên làm. Hiện tại rất ít người có được trí tuệ này, cho nên không có năng lực phân biệt thiện ác, rất nhiều sự việc trước mắt dường như đúng mà lại sai, chính mình luôn luôn làm sai, không có trí huệ, không có tầm nhìn. Nguyên nhân này do đâu? Lỗi là do không đọc sách Thánh Hiền (sách Thánh Hiền giúp chúng ta thêm lớn trí huệ), không đọc sách sử, đặc biệt là lịch sử của chúng ta. Sách sử của chúng ta ghi chép là cái gì? Chính là ghi chép thiện ác báo ứng. Một bộ Nhị Thập Ngũ Sử chính là nói nghiệp nhân quả báo, tăng trưởng kiến thức của chúng ta, khiến chúng ta có năng lực phân biệt phải quấy, phân biệt thiện ác, cho nên người xưa đi học thì đây là giáo học trọng điểm. Kinh Học, Sử Học, một cái là trí tuệ học vấn, một cái là kiến thức. Lịch sử là một tấm gương. Đối người, đối việc, đối vật, thường đọc sách Thánh Hiền thì tự nhiên có thể tránh được rất nhiều lỗi lầm. Mỗi một việc lỗi lầm, nếu từ trong nhãn quang của Phật mà nhìn thì là hậu hoạn vô cùng. Đây là việc mà người thế gian không thể lý giải.
Có đồng tu nói với tôi, tự viện am đường của Trung Quốc đại lục, nơi chốn đạo tràng Phật giáo thường hay có người đem bé gái đến bỏ. Nhà Phật lấy từ bi làm gốc, cho nên người ở trong tự miếu nhặt những trẻ nhỏ này. Những trẻ nhỏ này, nghe nói có tự miếu một năm có thể nhặt được mười mấy đến hai mươi đứa. Các vị phải nên biết, hiện tại có, lúc trước cũng có. Vào nửa thế kỷ trước, lúc tôi mười mấy tuổi thường hay xem thấy. Trong thành thì có "Dục Anh Đường" (nơi nuôi trẻ nhỏ). Vì sao gọi là Dục Anh Đường? Đây là nơi người ta nuôi trẻ bị bỏ rơi. Trẻ bị bỏ đi, họ nhặt được thì đem đến đó nuôi dưỡng chúng. Cho nên, ở đạo tràng Phật giáo Trung Quốc phải nên lập Dục Anh Đường. Tôi nói đây là lời thành thật, là việc tốt. Cố gắng dạy tốt những trẻ thơ này, nuôi chúng lớn thành người, cố gắng dạy bảo chúng, từ nhỏ dùng giáo dục của Thánh Hiền để dạy chúng. Những trẻ nhỏ này dễ dạy. Vì sao vậy? Vì không có người can thiệp, trẻ nhỏ thông thường có cha mẹ làm chủ, còn những trẻ nhỏ này chúng ta có thể làm chủ được. Không cần để chúng vào trường học thông thường. Trong Dục Anh Đường của chúng ta có khóa trình của chính mình, có thầy giáo của chính mình, dạy họ luân thường đạo đức, nhân quả báo ứng. Thánh Hiền nhân đã nói đại đạo lý của tâm tánh. Hãy bồi dưỡng những đứa trẻ này, tương lai lớn lên, chúng có hai con đường. Một đường là chúng kết hôn, bởi vì đều là con gái, cho nên sau khi kết hôn chúng sẽ là vợ hiền mẹ tốt, sẽ vì quốc gia bồi dưỡng nhân tài tốt cho thế hệ tiếp theo. Nếu xuất gia, họ là lão sư tốt của xã hội. Cho nên, chúng ta cần phải biết khéo léo mà dẫn dắt. Phải làm tốt sự việc này, sự việc này là vô lượng công đức. Nhà Phật thường giảng: "Cứu một mạng người còn hơn xây bảy tháp phù đồ", huống hồ bạn không chỉ cứu chúng, mà bạn còn nuôi chúng, dạy chúng. Chúng ta làm công tác này chính là vì quốc gia, vì xã hội, vì Phật pháp, vì chúng sanh bồi dưỡng nhân tài. Đây là hành Bồ-tát đạo. Cho nên, cả thảy vấn đề xã hội, tổng quy kết chính là vấn đề giáo dục.
Phật giáo là giáo dục xã hội, hơn nữa Phật giáo là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Chúng ta hiểu rõ rồi, hiện tại chúng ta cũng chọn lấy nghề nghiệp này thì phải chăm chỉ nỗ lực học cho tốt, làm cho tốt, thì chúng ta mới xứng đáng với Phật Bồ-tát, mới xứng đáng với xã hội, chúng ta tiếp nhận sự cúng dường của bốn chúng mới chân thật có thể "trên đền bốn ân nặng, dưới cứu khổ ba đường", tiếp nối sự nghiệp của Phật Bồ-tát, hoàn thành sứ mạng Phật Bồ-tát giao phó lại cho chúng ta.
Các vị đồng học! Sau khi chúng ta thâm nhập Kinh tạng mới biết được chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Chư Phật Bồ-tát và tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới là một pháp thân thanh tịnh, cho nên lòng yêu thương chân thành lưu lộ ra một cách tự nhiên, bình đẳng quan tâm đối với tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới. Bình đẳng yêu thương thì làm sao có thể làm những việc tàn hại chúng sanh? Cho nên ở trong Cảm Ứng Thiên, chúng ta đọc đến đoạn Kinh văn, Vựng Biên đã làm giải thích tương đối tường tận, chúng tôi cũng từng báo cáo qua. Trong đoạn văn tự này nêu ra cho chúng ta mấy thí dụ, nói tất cả chúng sanh "Tham sống, sợ chết, yêu thương người thân, quyến luyến chốn cũ, biết đau đớn, cảm thấy khổ sở". Chỉ cần chúng ta tỉ mỉ quán sát, những hiện tượng này rất rõ ràng bày ra trước mắt chúng ta. Phật dạy người tu hành, tu sửa quan niệm sai lầm, tu sửa hành vi sai lầm, dạy chúng ta mỗi giờ mỗi phút đề khởi công phu quán chiếu. Như thế nào gọi là quán chiếu? Không rơi vào trong tình thức, mà dùng trí huệ chân thật quán sát tất cả sự lý thì gọi là quán chiếu. Người chân thật giác ngộ, họ nói: "Đầu đầu thị đạo, tả hữu phùng nguyên". Lời nói này rất có đạo vị. Những lời nói này người thế gian rất khó thể hội, người sơ học cũng không dễ dàng thể hội. Cái gọi là "đạo" chính là chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Cái gọi là "nguyên" chính là sanh khởi của nó. Nhân quả chuyển đổi rõ ràng tường tận, đây là nói căn nguyên. Tả hữu phùng nguyên, căn nguyên tuyệt nhiên không ở nơi xa, mà chính ngay trước mắt. Ngày nay, người thế gian nghiên cứu khởi nguồn của vũ trụ, khởi nguồn của sinh mạng, nằm ngay trước mắt nhưng cần phải là người thấy đạo, người chứng đạo mới có thể hiểu rõ, cho nên nói với chúng ta, nhất định phải giữ tâm nhân từ, chắc chắn không nên làm những việc thương thiên hại lý.
Con người phải biết tự cầu đa phước. Chỗ này nêu ra mấy câu chuyện trong lịch sử. Ngày trước, phần nhiều người đi học đều đã từng đọc Kinh, trong Kinh Phật nói: "Tất cả chúng sanh không ai không yêu tiếc sinh mạng của chính mình". Vương Khắc giết dê đãi khách, dê ở trước mặt người khách quỳ xuống, chảy nước mắt, bạn thử nghĩ xem, chúng biết yêu tiếc sinh mạng. Chúng ta nhìn thấy tình hình này, còn nhẫn tâm mà giết dê để ăn thịt sao? Cho nên, chúng ta tỉ mỉ mà quán sát những động vật này. Cách đây mấy giờ, chúng ta nghe được cư sĩ Tề ở Đông Thiên Mục Sơn nói về việc phóng sanh ba ba, con ba ba này có linh tánh, vừa nghe nói người không giết nó, muốn thả nó thì nó cảm ân, đầu cúi sát đất. Vô số biểu lộ chúng ta có thể thấy được, biết được động vật hoàn toàn không hề khác với con người. Phàm là động vật có sinh mạng, khi chúng bị người bắt, biết được chính mình sắp bị giết hại, sắp bị ăn nuốt, loại thống khổ đó, chúng ta từ nơi biểu lộ của chúng có thể thấy được. Chúng rũ đầu than thở, thầm khóc trong lòng. Loại tình hình đáng thương đó có khác gì với con người đâu? Tất cả chúng sanh chân thật là có mắt mà không hề thấy được, có tai mà không hề nghe được, có tâm mà không hề cảm xúc được, tùy ý sát hại, thỏa mãn thú ăn nuốt của họ, kết oán tạo nghiệp không thể tính kể. Thánh nhân dạy chúng ta: "Đạo trời tuần hoàn", nhân quả báo ứng không hề sót lọt. Cho nên, hộ sanh, phóng sanh, không ăn thịt tất cả chúng sanh, công đức này rất lớn. Chúng ta luôn luôn phải cảnh tỉnh chính mình.
Không chỉ chúng sanh hữu tình có linh tánh, chúng ta phải thương yêu, mà cây cối hoa cỏ cũng có linh tánh. Chúng ta tỉ mỉ mà quán sát, chúng đều có cảm xúc. Chúng ta yêu cây này thì cây này sẽ lớn lên rất tốt, nó có hồi báo, nó cúng dường bạn thưởng thức. Chúng ta yêu hoa thì hoa này nở đặc biệt đẹp, dường như chân thật chúng ta có tình cảm qua lại với nhau. Đây đều là sự thật. Không chỉ hoa cỏ đều có tình cảm, mà ngay đến đá cuội, khoáng vật cũng đều có tình cảm. Kinh Hoa Nghiêm nói với chúng ta: "Tình dữ vô tình đồng viên chủng trí". Chúng ta ở ngay trong cuộc sống thường ngày, bình lặng tỉ mỉ quán sát đều thấy được. Vào thời xưa, "Sanh Công thuyết pháp, đá cũng gật đầu", chúng ta tin sâu không nghi.
Ở trong đoạn văn tự này, Ngài hết lòng hết dạ khuyên bảo chúng ta, ngày sinh nhật không nên sát sanh. Nhân dịp mừng thọ, giết hại chúng sanh để đãi tiệc, chúc mừng sự trường thọ của chính mình mà khiến người ta đoản mạng, làm gì có loại đạo lý này? Tình và lý đều trái ngược. Ngày vui, ngày sinh, sát sinh tạo nghiệp để mừng sinh nhật, các vị thử nghĩ xem, vậy có hợp tình lý hay không? Vốn dĩ thọ mạng của chính mình rất dài, nhưng do mỗi năm cách mừng sinh nhật này đã làm cho thọ mạng của chính mình tổn giảm đi. Không chỉ thọ mạng tổn giảm, mà khổ báo đời sau, cùng kết oán thù với những chúng sanh này, oan oan tương báo không hề ngừng dứt. Người tinh tường thấy được rõ ràng. Ngày vui, ngày mừng thọ không nên sát sanh.
Ở chỗ này, Ngài nêu ra rất nhiều thí dụ để nói về tang sự không thể sát sanh, "Tang ma thì lấy đau buồn làm điều chánh yếu". Làm tiệc mời khách dùng đồ chay là tốt nhất. Cúng tế không được sát sanh, việc này Phật nói ở trong Kinh Địa Tạng rất rõ ràng. Người đọc Kinh Địa Tạng phải ghi nhớ, mỗi năm bạn cúng tế tổ tiên, cúng tế thân bằng quyến thuộc đã qua đời của bạn, người Trung Quốc mỗi năm thanh minh phải cúng tế, trung nguyên cũng cúng tế, đông chí cũng cúng tế, nếu như cúng tế mà sát sanh để cúng dường, Kinh Địa Tạng nói: "Vong nhân không những không thể được phước, mà còn làm nặng thêm tội nghiệp, vì họ mà giết nên tăng thêm khổ báo cho họ". Đây là người còn sống ở đời chúng ta vô tri. Họ đọa vào đường ác, tội nghiệp đã rất nặng rồi, làm sao nhẫn tâm làm cho tội nghiệp của họ càng nặng thêm? Tâm yêu thương của chúng ta do vô tri mà tạo tội nghiệp, tăng thêm khổ nạn cho họ. Thấu hiểu những chân tướng sự lý này, chúng ta chắc chắn sẽ không nhẫn tâm sát sanh cúng tế. Bái Phật hứa nguyện càng không nên sát sanh. Chư Phật Bồ-tát đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn đến còn không hết, làm sao có thể giết hại chúng sanh mà cúng tế chư Phật Bồ-tát chứ?
Phía sau lại nói với chúng ta, kết hôn, yến tiệc không nên sát sanh, mời khách cũng không nên sát sanh. Lại nói đến nghề nghiệp kiếm sống, chúng ta ở trong xã hội cần phải có nghề nghiệp kiếm sống chính đáng. Phàm hễ những nghề nghiệp giết hại chúng sanh thì không thể phát tài. Bạn có được lợi nhuận, quyết không phải nhờ giết hại chúng sanh mà bạn mới phát tài. Tài vận của bạn là do đời trước bạn tu bố thí mà có được. Phật giảng rất rõ ràng, bạn tu tài bố thí thì được tài phú, bạn tu pháp bố thí thì được thông minh trí huệ, bạn tu vô úy bố thí thì được khỏe mạnh sống lâu. Nếu ở ngay đời này, nghề nghiệp của bạn là việc giết hại chúng sanh, tuy là trước mắt bạn được phú quý, đời sống của bạn rất dư giả, trải qua được rất tốt, thế nhưng bạn phải biết, tài vận này của bạn không phải do sát sanh mà có được, mà do đời trước bạn đã tu tích, bất luận bạn theo đuổi một nghề nghiệp nào, bạn đều sẽ phát tài. Trong mạng không có tài, thí dụ nói bạn mở khách sạn, mở nhà hàng, tại vì sao người khác cũng mở khách sạn, mở nhà hàng nhưng không kiếm được tiền, bạn làm việc này thì kiếm được tiền? Từ ngay chỗ này chúng ta có thể phát hiện, kiếm được tiền là trong mạng đã có, bất luận là từ nơi một nghề nghiệp nào, bạn đều kiếm được tiền. Nếu làm nghề nghiệp giết hại sinh mạng chúng sanh, khi bạn hưởng hết phước đời trước rồi, ác báo liền hiện tiền. Chúng ta thật bình lặng, thật tỉ mỉ mà quán sát liền biết được hiện tượng này. Cho nên, chúng ta hành nghề mua bán thì phải chọn lựa, nhất định không làm những nghề nghiệp giết hại chúng sanh. Loại nghề nghiệp này chắc chắn bất lợi đối với chính mình. Lợi nhuận có được trước mắt nhất định không phải do nghề nghiệp này mà có được. Loại nghề nghiệp này về sau phải nhận lấy quả báo. Chúng ta phải giác ngộ.
Lại nói đến ngay trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, phụng dưỡng cha mẹ cũng không nên sát sanh. Trong việc ăn chay, dinh dưỡng bạn hấp thu đã không thể hết rồi, hà tất phải giết hại chúng sanh? Khi tôi còn trẻ, rất may mắn gặp được Phật pháp, đọc được Liễu Phàm Tứ Huấn, đọc được Cảm Ứng Thiên, tôi rất tin tưởng đạo lý này. Cuối năm 26 tuổi, tôi đem những lý luận chân tướng sự thật này làm rõ ràng rồi, tôi liền phát tâm ăn trường chay. Tôi ăn chay đã 50 năm. Hơn nữa, đời sống của tôi rất đơn giản, không chút lãng phí nào. Tình hình sức khỏe của tôi không kém gì so với người khác, tinh thần rất tốt, mỗi ngày giảng Kinh hai giờ đồng hồ, không nghỉ một ngày nào. Đây có thể nói, tôi đã làm một tấm gương cho mọi người. Nếu như bạn nói ăn chay không có dinh dưỡng, ăn chay không khỏe mạnh, bạn tỉ mỉ xem người xuất gia thì có thể thêm lớn tín tâm của bạn, thay đổi quan niệm của bạn.
Phía sau nói dưỡng bệnh không nên sát sanh, càng phải nên yêu thương bảo hộ sinh mạng của tất cả chúng sanh thì chính mình mới có thể được sống lâu. Bố thí vô úy là cái nhân khỏe mạnh sống lâu. Phía sau cũng có một điều nói về Đạo giáo. Đạo giáo làm pháp hội cũng dùng ba sinh vật tế thần. Chúng ta thay thần minh để thử nghĩ, "chánh trực thông minh thì gọi là thần", thần còn tham muốn đồ cúng tế huyết tanh của bạn để phù hộ cho bạn hay sao? Làm gì có loại đạo lý này! Cho nên, pháp hội tế thần không được sát sanh.
Sau cùng là nói thế tục đón năm mới. Đón năm mới nhà nhà đều sát sanh, nhà nhà đều ăn thịt, nhất là sát sanh để cúng tế tổ tiên, thực tế mà nói, cũng là làm nặng thêm tội nghiệp cho tổ tiên, tổ tiên không những không thể được phước, còn do đây mà gặp nạn. Đây là do quan niệm sai lầm của chúng ta tạo thành. Cho nên, mỗi năm khi mừng năm mới, chúng ta phải đặc biệt đề xướng ăn chay để thêm lớn lòng yêu thương chúng sanh. Ngày Tết không được sát sanh, ngày vui không được sát sanh, lễ lộc qua lại, biếu tặng cho quà không được sát sanh, tiễn người không được sát sanh.
Còn có một số người ưa thích nuôi chim, ưa thích nuôi vật cưng, các vị phải nên biết, bạn nuôi vật cưng, vật cưng có cần ăn thịt hay không? Nuôi kim ngư thì phải dùng tép, cá nhỏ để cho nó ăn; nuôi chim cũng phải dùng trùng sâu để nuôi chúng. Bạn phải nên biết, sát hại bao nhiêu động vật nhỏ để thỏa mãn thú cưng của bạn, bạn có biết trong đây có sát nghiệp, có quả báo nghiêm trọng hay không? Cho nên Phật dạy người phải hoàn toàn đoạn dứt sự ưa thích, bạn mới có thể hồi phục được tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh mới sanh trí huệ. Có trí huệ mới hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Bên trên có nêu ra mấy thí dụ, hy vọng người nghe được có thể từ một suy ra ba, nghe một hiểu mười. Bồi dưỡng tâm đại từ bi, tâm đại trí huệ. Chúng ta mỗi ngày đọc bài hồi hướng: "Trên đền bốn ân nặng, dưới cứu khổ ba đường", chân thật phát tâm báo ân cứu khổ thì phải thực hiện từ ngay những chỗ này. Yêu thương bảo hộ tất cả chúng sanh, quyết không tổn hại tất cả chúng sanh, đây là chân thật báo ân cứu khổ, thực tiễn ngay trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Nghĩa kinh sâu rộng vô hạn, chúng tôi giảng giải đơn giản cho mọi người đến chỗ này.
A Di Đà Phật!