Các vị đồng học, xin chào mọi người. Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 37:
“Cẩu hoặc phi nghĩa nhi động, bội lý nhi hành”. (Nếu có kẻ dấy lòng phi nghĩa, làm chuyện trái nghịch đạo lý)
Từ câu này đến câu 44: “Cương cường bất nhân, ngận lệ tự dụng” (Ương bướng bất nhân, độc ác, tàn nhẫn, tự cho là đúng) là nói về đại ác. Toàn văn Cảm Ứng Thiên chẳng qua là khuyến thiện ngăn ác, văn tự khuyến thiện thì ít, văn tự ngăn ác thì nhiều. Dụng ý của ông, chúng ta có thể thể hội được, đúng như điều mà Phật nói trong Kinh Địa Tạng là “chúng sanh Diêm-phù-đề khởi tâm động niệm không gì là không phải tội”. Trong Bách Pháp Minh Môn Luận biểu thị cho chúng ta thấy thiện pháp chỉ có 11 cái, ác pháp có đến 26 cái. Từ đó cho thấy, cái mà Tuân Tử nói là “tánh ác” không phải không có đạo lý. Cái tánh này là tập tánh, không phải bản tánh, bản tánh thì không có thiện ác. Cho nên tánh mà Khổng Phu Tử nói cùng với tánh mà Mạnh Tử và Tuân Tử nói không như nhau. Khổng Tử nói bản tánh, “tánh tương cận”, bản tánh của tất cả chúng sanh đều rất giống nhau. Nhưng ở trong Phật pháp nói bản tánh là một, không phải hai, ý nghĩa đó sâu hơn. “Tập tương viễn”, tánh mà Mạnh Tử và Tuân Tử nói là tập tánh, tập tánh này dần dần đã xa lìa bản tánh. “Tương viễn” tức là đã xa lìa bản tánh, trong Phật pháp gọi là đã mê mất bản tánh. Tập tánh đã mê mất bản tánh, vừa mê liền không biết quay đầu, mê không biết đường về, không biết quay đầu. Không quay đầu thì càng mê càng sâu.
Mười pháp giới, từ pháp giới Phật đến pháp giới Bồ-tát, Duyên Giác, Thanh Văn, đến lục đạo, thẳng đến tam đồ, càng mê càng sâu, thật sự là đời sau tệ hơn đời trước. Đây là hiện tượng thực tế. Cho nên làm khổ lụy chư Phật Bồ-tát phải ở trong lục đạo, mười pháp giới giáo hóa chúng sanh. Người căn tánh lanh lợi, có duyên với Phật Bồ-tát, nghe thấy lời khuyên nhủ thì dễ dàng giác ngộ, chịu quay đầu, đây gọi là được độ. Người duyên phận cạn, không gặp được Phật Bồ-tát thì vô phương rồi. Gặp được Phật Bồ-tát, nghe Phật Bồ-tát chỉ dạy, không thể tin sâu, không thể phụng hành thì vẫn tạo nghiệp đọa lạc như xưa. Nhưng mà nhìn chung ở trong A-lại-da thức đã gieo thiện căn, chỉ là thiện căn yếu kém, phiền não tập khí lớn mạnh, thiện căn không thắng nổi tập khí phiền não, cho nên vẫn phải luân hồi trường kiếp. Chúng ta đời này gặp được Phật pháp, rất may mắn có thể tín thọ phụng hành, phải nên biết đó là thiện căn mà vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp nghe pháp tích lũy mà thành, đời này khởi tác dụng; khởi tác dụng thì được độ. Chư Phật Bồ-tát từ bi, gọi là “ở trong cửa Phậ không bỏ một ai”.
Hôm qua, hội trưởng Lý kể với tôi là hai ngày trước, có một lão cư sĩ hơn 60 tuổi bị bệnh rất nặng, thường xuyên niệm Phật ở trong Niệm Phật đường chúng ta. Bà nói với cư sĩ Lý là bà muốn vãng sanh, xin cư sĩ Lý thay bà lo hậu sự. Cư sĩ Lý nói: “Ngày 26 tôi phải đi Trung Quốc. Nếu bà muốn vãng sanh, nhất định phải trước ngày này, tôi mới có thể thay bà lo hậu sự được. Nếu như bà vãng sanh sau thời gian này thì tôi không thể giúp bà được”. Bà nói: “Được” và bà đã đi vào ngày hôm qua (hôm qua là ngày 20), lúc năm giờ chiều, bà đã nói với hội trưởng mấy ngày trước. Hôm qua lúc năm giờ chiều, một giây một phút cũng không sai, bà đã đi rồi. Cư sĩ Lý nhận lời lo hậu sự cho bà. Ông nói, ngày 25 thì việc hậu sự mới làm viên mãn. Sau khi lo hậu sự, ngày 26 đi Trung Quốc. Sự việc này không chỉ một lần, trước đây cũng đã gặp nhiều lần rồi, không những biết trước giờ đi, còn có thể đi trước, cũng có thể kéo dài thêm, ở trong Phật pháp gọi là “sanh tử tự tại”. Bà có thể đi trước, có thể đi sau, muốn đi ngày nào thì đi ngày đó, đây chính là sanh tử tự tại. Quí vị phải biết, đây gọi là chúng sanh căn đã chín muồi. Bà thật sự thành tựu, bà đi đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc làm Phật rồi. Cho nên tôi thường nói, đạo tràng thù thắng, Niệm Phật đường thù thắng không phải là có người nhiều, mà người thật sự vãng sanh được bao nhiêu người, cái này gọi là thù thắng. Chúng ta thấy trong Tây Phương Xác Chỉ, nhóm cộng tu của Bồ-tát Giác Minh Diệu Hạnh chỉ có mười hai người và mười hai người này đều vãng sanh. Bạn nói, sự việc này thù thắng cỡ nào! Sự thù thắng phải nhìn từ chỗ này. Người nhiều là náo nhiệt, không phải thù thắng.
Niệm Phật vì sao có thể vãng sanh? Những đạo lý, phương pháp, cảnh giới này, chúng ta hiện nay đã tương đối hiểu rõ rồi. Tu học như lý như pháp, đúng như điều mà Đại đức xưa nói là “vạn người tu vạn người đi”. Đây đều là chân tướng sự thật. Phàm là người tu hành không thể đi được là do bạn có lưu luyến đối với thế gian này, cũng gọi là không buông được. Đây mới là chướng ngại thật sự. Chúng ta mỗi ngày đọc tụng Đại Thừa, nhất định phải biết rõ thế gian này là hư huyễn, không phải chân thật. “Phàm cái gì có tướng đều là hư vọng”, “Tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bọt bóng”, bất kể sự việc gì đều không được cho là thật, chỉ có niệm Phật vãng sanh mới là chân thật. Hạ quyết tâm, người này chính là vô lượng thọ, chính là vô lượng quang. Vị lão cư sĩ hôm qua vãng sanh, trước khi bà vãng sanh, khi ở Niệm Phật đường niệm Phật, nhiễu Phật chính là vô lượng quang thọ. Vãng sanh là đang sống mà vãng sanh, không phải vãng sanh khi chết, Phật pháp gọi là Phật pháp hiện đời thành tựu. Đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, cái túi da thối này không cần nữa, vứt đi rồi, đổi một thân thể khác giống như Phật A Di Đà vậy, trong Kinh nói với chúng ta là “tử ma chân kim sắc thân”, tướng hảo quang minh hoàn toàn tương đồng với Phật. Thế giới Tây Phương là thế giới bình đẳng, đây mới là thật. Ngoài cái này ra, toàn là giả. Cái giả để ở trong tâm làm gì? Chúng ta phải biết đạo lý này, phải hiểu rõ những chân tướng sự thật này.
Đoạn ác tu thiện là căn bản của học Phật, là điều kiện vãng sanh cần phải có. Chúng tôi ở trong các buổi giảng cũng đặc biệt nhấn mạnh, phàm là người đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, mỗi một người đều là người thượng thiện, cho nên điều kiện của người thượng thiện cần phải có. Thượng thiện, tôi đã nói qua là tâm thiện, ý thiện, hạnh thiện; ở trong đời sống thường ngày, đối nhân xử thế tiếp vật không có mảy may ác ý. Chúng ta có đủ điều kiện này thì niệm Phật mới có thể vãng sanh. Từ đó cho thấy, biết bao nhiêu người niệm Phật, cả đời niệm Phật cuối cùng không thể vãng sanh là chiếm đại đa số. Năm xưa tôi ở Đài Trung, Lý lão sư thường nói với tôi: “Một vạn người niệm Phật, thật sự vãng sanh chỉ có vài ba người mà thôi”. Tại sao lại xuất hiện loại hiện tượng này vậy? Hiện nay, cái nhân tố này chúng ta biết rồi. Niệm Phật rất tốt, cũng rất dũng mãnh tinh tấn, trì giới tinh nghiêm, nhưng vẫn không thể vãng sanh, nguyên nhân này là gì vậy? Tâm thiện, ý thiện, hạnh thiện chưa đạt đến tiêu chuẩn; ở trong thuận cảnh còn khởi tham ái, ở trong nghịch cảnh còn khởi sân hận, cho nên không thể vãng sanh. Chúng ta nhất định phải hiểu rõ ràng, hiểu minh bạch cái gì là ác niệm, cái gì là ác hạnh. Ác đoạn hết rồi thì chính là thiện. Chỗ này nói nhiều đến ác báo, phân lượng nhiều hơn gấp đôi so với thiện báo. Hầu như chúng ta thấy từ trên phân lượng, phân lượng nói về thiện báo chỉ có một phần tư, còn nói ác báo có đến ba phần tư.
Câu thứ nhất là nói tổng quát: “Cẩu hoặc phi nghĩa nhi động, bội lý nhi hành”. Trong chú giải nói rất rõ ràng: “Từ chỗ này cho tới câu “tử diệc cập chi” (cho đến cũng phải chết), nói cặn kẽ về chuyện do làm ác mà chuốc họa. Hai câu [trên đây] chính là đề cương”. Hai câu này là tổng cương. Ở trong chú giải nói hay: “Động” là manh nha trong tâm, “hành” là thể hiện thành sự”. Động chính là khởi tâm động niệm, đây là ác tâm, đây là ác ý. “Bội lý nhi hành” là ác hạnh, hoàn toàn tương phản với ba thiện. “Phi nghĩa nhi động”, nghĩa là nghĩa lý, ở trong một chữ này tiêu chuẩn sâu cạn rất nhiều. Tiêu chuẩn của Đại Thừa, nghĩa lý này chính là tánh đức. Phàm là ý nghĩ không hợp với tánh đức, đây chính là ý ác, tâm ác. Tiêu chuẩn của tánh đức thì cao. Tiêu chuẩn của Bồ-tát, chúng ta dùng Đàn Kinh làm ví dụ để nói, Đại Sư Huệ Năng nói “vốn dĩ không một vật”, chỉ cần có một vật là sai rồi. Cho nên Thiền tông nói: “Niệm Phật một tiếng phải súc miệng ba ngày còn không sạch”. Họ nói có đạo lý hay không vậy? Có đạo lý. Ở trong tâm vốn dĩ không một vật thì Phật ở đâu ra? Bạn xem, ngay cả niệm Phật cũng là lỗi lầm, trong tâm động ý nghĩ “Phật” thôi thì cũng sai, huống chi là những thứ khác. Chúng ta lại hỏi, ở trong tâm cái gì cũng không có, cái gì cũng không nghĩ nữa, có đúng không? Không đúng, vẫn là sai lầm! Tại sao sai lầm? Bạn rơi vào trong vô minh rồi. Nếu thật sự cái gì bạn cũng không nghĩ thì tương lai bạn sẽ đi về đâu? Sinh về Trời Vô Tưởng. Trời Vô Tưởng là trời ngoại đạo. Cho nên, bạn khởi tâm động niệm là sai rồi, nhưng không khởi tâm không động niệm thì cũng sai luôn. Rốt cuộc phải làm sao? Tổ sư Đại đức thường hay đến chỗ then chốt này thì không nói nữa, bạn hãy tự mình tham cứu.
Sự tu học Phật pháp, bất luận là Đại Thừa hay Tiểu Thừa, nhớ kỹ một tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc là “định huệ đều học”. Có định mà không có huệ, liền đọa vào vô minh. Có huệ mà không có định, liền đọa vào vọng tưởng. Vô minh, vọng tưởng, hai bên đều không trụ thì đây là định huệ đều học, cũng gọi là phước huệ song tu. Mọi thứ rõ ràng là huệ, như như bất động là định. Khi như như bất động cũng là lúc mọi thứ rõ ràng, khi mọi thứ rõ ràng cũng là lúc như như bất động, đây là chân công phu. Bất kể thuận cảnh nghịch cảnh, thiện duyên ác duyên, đối với họ vẫn không có chướng ngại. Ngoài không dính tướng, trong không động tâm, rất rõ ràng, rất sáng suốt. Đại Kinh thường nói: “Lặng lẽ chiếu soi, chiếu soi lặng lẽ”. Lặng lẽ là như như bất động, chiếu soi là rất rõ ràng. Cho nên đời sống đó là sống trong định huệ, hoàn toàn không giống với phàm phu. Cảnh giới này cao, chúng ta mới học, chắc chắn không đạt được. Không đạt được, vậy tiêu chuẩn của cái nghĩa này, chúng ta hãy hạ thấp xuống, hạ đến tiêu chuẩn thấp nhất, tôi thường khuyên mọi người tuân theo lời dạy của Phật Đà. Đây chính là nghĩa, là trình độ hiện nay của chúng ta. Chúng ta nương vào Kinh Vô Lượng Thọ, nương vào Cảm Ứng Thiên. Cảm Ứng Thiên có thể nương tựa, tuy không phải Kinh Phật, nhưng được Ấn Tổ đề xướng. Nội dung mà Ngài nói bên trong là “chớ làm các việc ác, vâng làm các việc lành”. Trong Vựng Biên chú giải có nói “tự thanh tịnh ý mình”, đó không có gì khác so với chư Phật Như Lai nói. Đây là sách chúng ta cần phải nương tựa, để thành tựu thiện tâm, thiện ý, thiện hạnh của chúng ta. Cho nên, khởi tâm động niệm, thường xuyên nghĩ xem ý nghĩ này của ta, tư tưởng này của ta, Phật có cho phép hay không? Nếu như ở trong Kinh Phật không cho phép ta nghĩ như vậy, không cho phép ta khởi niệm này, thì cái ý nghĩ này phải mau mau buông xả. Phật ở trong Kinh cho phép chúng ta khởi ý nghĩ này, khuyến khích chúng ta khởi ý nghĩ này, thì ý nghĩ này chúng ta nhất định phải khởi.
Pháp môn Tịnh Tông, chúng ta ngày nay quả thật mà nói, chỉ có mang nghiệp vãng sanh thì chúng ta mới có thể làm được. Mang nghiệp vãng sanh, Phật dạy chúng ta là chấp trì danh hiệu. Cho nên đối với Thiền, thật sự chúng ta ngay cả bờ rìa cũng không sờ đến được, cảnh giới đó quá cao. Chúng ta là từ có đến không, người ta là từ không đến có. Phương pháp này của chúng ta ngày nay là từ có đến không. Phật dạy chúng ta niệm Phật, Phật dạy chúng ta nhớ Phật, nhớ chính là tưởng Phật. Chúng ta hằng ngày tưởng Phật, tưởng tướng hảo của Phật, tưởng sự sáng suốt của Phật, tưởng đến nguyện tâm của Phật, tưởng đến hành nghi của Phật, tưởng nhiều rồi, chúng ta dần dần sẽ tương tự như Phật, phát nguyện cầu sanh liền có thể được sanh. Nếu như trái với lời dạy của Phật, làm trái với hành vi của tánh đức thì là đại ác, chúng tôi thông thường nói đây là sai lầm, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên ở chỗ này nói là đại ác.
“Kẻ dấy lòng phi nghĩa, làm chuyện trái nghịch đạo lý”, hai câu này là nguồn gốc của đại ác. Hai câu nói này nghe ra vẫn rất ôn hòa nhưng ý bên trong phê phán chúng ta rất sâu xa, chúng ta phải thể hội cho được.
Chúng ta vừa giới thiệu xong phần thiện báo của Cảm Ứng Thiên rồi. Bắt đầu từ đoạn thứ ba mươi bảy, phía sau có một đoạn văn rất dài là nói ác báo. Hai câu mở đầu là đem nguồn gốc của ác báo nói ra cho chúng ta: “Nếu có kẻ dấy lòng phi nghĩa, làm chuyện trái nghịch đạo lý”. Ý nghĩa của hai câu nói này rất sâu. Người hiện nay xem thấy luôn luôn lơ là, qua loa khinh suất. Văn tự của người xưa đều vô cùng hàm súc. Cảm Ứng Thiên, văn hàm súc rất ít, đều là nói vô cùng rõ ràng. Nhưng mà hai câu nói này thuộc về văn hàm súc, lý rất sâu.
Thế nào gọi là “Nghĩa”, thế nào gọi là “Lý”? Hai chữ này, không những là người học Phật, mà làm người ở thế gian cũng cần phải tuân thủ. Nếu như hai chữ này không còn nữa thì thế gian này chắc chắn là loạn. Trung Quốc cổ đại, người viết lịch sử luôn luôn dùng hai chữ này làm tiêu chuẩn. Ai phù hợp với tiêu chuẩn này thì được gọi là chí sĩ, là người chí lớn trong thiên hạ, cũng tức là trị quốc, trị rất tốt, xã hội ổn định phồn vinh, đời sống của nhân dân rất hạnh phúc. Nếu như là thời loạn, xã hội không ổn định, không có trật tự, đời sống nhân dân rất đau khổ, đó chính là không có người tuân thủ “nghĩa” và “lý” nữa. Chúng ta ngày nay nhìn thấy xã hội này hình như là rất phồn vinh, khoa học kỹ thuật phát triển, đem lại rất nhiều thuận tiện về đời sống vật chất cho con người, nhưng mà “nghĩa và lý” quả thật là không còn nữa, vậy là xã hội ngày nay chúng ta thấy rất rõ ràng là giàu mà không vui, đời sống vật chất rất rốt, nhưng tinh thần vô cùng đau khổ, lòng người bất an. Cho nên quí vị phải biết, hạnh phúc chân thật là “tâm an lý đắc”. Tâm vì sao an vậy? Nghĩa lý họ đạt được rồi. Đạt được chính là họ hiểu rõ rồi. Khởi tâm động niệm, mọi thứ tạo tác, đây chính là nói chúng ta sống, làm việc, đối nhân xử thế tiếp vật đều có thể phù hợp “nghĩa và lý” thì thân tâm sẽ yên ổn. Đây mới là hạnh phúc mỹ mãn chân thật. Nếu như không rõ “nghĩa lý” thì đời sống của chúng ta nhất định là thuận theo phiền não, thuận theo tập khí. Những tập khí này đều là tập khí xấu, chúng tôi thường nói rất đơn giản, rất dễ hiểu là tập khí tự tư tự lợi, tập khí ham muốn danh lợi, tập khí tạo thập ác nghiệp. Những tập khí này mỗi ngày đang tăng trưởng, chưa hề nhìn thấy giảm xuống. Cho nên thế kỷ 20, rất nhiều người nói đạo đức tiêu vong, đạo đức không còn nữa. Nói thực ra, đạo đức vẫn còn cao hơn một cấp so với nghĩa lý. Rốt cuộc vấn đề này ở chỗ nào? Vẫn là thuộc về vấn đề giáo dục. Thời đại này không có người dạy nữa. Tại sao không có người dạy vậy? Vì không có người nghe nữa. Nguyên nhân ở trong đây vô cùng phức tạp. Vào thời xưa, tuy nói là nghèo, nói sức nước yếu, nhưng mà mỗi người đều có thể an cư lạc nghiệp. Chúng ta quan sát tỉ mỉ lịch sử trước đây, xưa nay trong ngoài nước có thể nói một câu thật công bằng là lão bá tánh của chúng ta rất lương thiện. Cái nhân tố lương thiện này, công lao phải thuộc về sự giáo hóa của Thánh Hiền mấy ngàn năm, thật không dễ dàng. Nhưng mà theo đà phát triển của khoa học kỹ thuật, súng và đại pháo của người phương Tây đã phá đi văn hóa cổ xưa của chúng ta, thế là tuổi trẻ hầu hết đều mê tín văn minh vật chất của phương Tây, phủ định toàn bộ văn minh tinh thần của chúng ta, vì vậy tạo nên tai nạn của ngày nay.
Chúng ta nghĩ đến nỗi lo buồn của Khổng Lão Phu Tử, hiện nay chúng ta nhìn thấy rồi. Nỗi lo buồn của Phu Tử là “Học rồi mà không giảng, có lỗi mà không thể sửa chữa”. Hai câu nói này của Ngài là lời vàng ngọc. Dạy học là phát huy giáo dục Thánh Hiền, có lỗi thì lập tức phải sửa, đây chính là hành vi phù hợp nghĩa lý. Học rồi không giảng, ai hiểu được nghĩa, ai hiểu được lý? Có lỗi không những không thể sửa, cho rằng cái lỗi này là thiện, là việc tốt, vậy có nguy hiểm không? Cho nên dưới đây ông nói một câu: “Coi thủ đoạn độc ác là tài năng, nhẫn tâm làm chuyện tàn ác, độc hại”. Đây là điều mà chúng ta trong xã hội ngày nay nhìn thấy phổ biến. Ngày nay, nếu như bạn nói đến đạo Thánh Hiền, người thế gian nhìn thấy, nghe thấy chê cười khinh bỉ bạn, nói bạn lạc hậu, bạn không hợp thời đại, hoàn toàn không thể tiếp nhận. Cho nên tranh nhau đi tạo ác nghiệp, ở trong tâm tự tư tự lợi, tham sân si mạn mỗi ngày tăng trưởng, trong đời sống có thể nói là không ác nào không tạo, như vậy mới chiêu cảm nên tai nạn lớn hiện tiền, thiên tai nhân họa.
Nhân họa, hiện nay chúng ta biết rồi, đó là chiến tranh hạt nhân. Chiến tranh hạt nhân hoàn toàn không giống như trước đây. Loại chiến tranh hạt nhân này chính là “tiểu Tam tai” mà trong Kinh Phật nói. Tiểu Tam tai có thể đến trước kỳ hạn. Lời tiên đoán cổ xưa của phương Tây, hiện nay trên thị trường có rất nhiều, quí vị rất dễ dàng nhìn thấy. Họ nói năm 2000, cuối thế kỷ này là ngày tận thế. Hôm kia, Hiệp Hội Hồi Giáo mời tôi đi diễn giảng, họ cũng đưa ra vấn đề này để hỏi tôi. Họ hỏi: “Trong Kinh Phật có phải cũng nói năm 2000 là ngày tận thế phải không?”. Tôi trả lời với họ: “Ngày tận thế là do người phương Tây nói, Cơ Đốc Giáo, Thiên Chúa Giáo nói, ở trong Phật pháp không có nói. Ở trong Phật pháp chỉ nói là có tai nạn, chứ không phải tận thế. Bởi vì pháp vận của Phật vẫn còn 9.000 năm. Pháp vận của Thích-ca Mâu-ni Phật là 12.000 năm, hiện nay mới qua 3.000 năm, phía sau còn 9.000 năm”. Nhưng mà tai nạn, chúng ta thử nghĩ có thể có. Tại sao vậy? Chúng ta biết được đạo lý của cảm ứng, gieo nhân thiện được quả thiện, gieo nhân bất thiện chắc chắn sẽ có quả báo của bất thiện. Đây là nguyên nhân chiêu cảm đến thiên tai nhân họa. Cho nên, học thì phải giảng. Chúng ta ở nơi đây phải nỗ lực mà đề xướng.
Hiện nay, chúng ta cùng nhau ở đây học tập, có mười mấy vị Pháp sư trẻ tuổi. Tôi động viên họ, khuyên bảo họ, có đồng tu ở nhà ưa thích nghe đạo lý Thánh Hiền thì mỗi tuần đến nhà các cư sĩ để giảng một lần, giảng một giờ, hay một giờ rưỡi. Tôi nghĩ, một giờ là tương đối thích hợp, vì người hiện nay tâm nhẫn nại không bằng người xưa, giảng dài họ không thích nghe, cho nên giảng một giờ, còn nửa giờ để thảo luận. Sau khi nghe xong nêu ra vấn đề để giải đáp. Cách thức này trước đây lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam ở Đài Trung đã tiến hành rất nhiều năm. Tôi mới đầu cầu học ở Đài Trung, hầu như mỗi tối đều đến nhà cư sĩ để nghe Kinh. Lúc đầu thầy tự mình đi. Thầy không nghỉ ngơi, thứ hai giảng tại nhà họ Trương, thứ ba giảng tại nhà họ Lý, thứ tư giảng tại nhà họ Vương, luân phiên đi giảng. Thính chúng khoảng chừng mười mấy, hai mươi người, bao gồm người trong gia đình, bạn bè và hàng xóm. Hàng ngày đều giảng, không có lúc nào nghỉ ngơi. Về sau thầy huấn luyện chúng tôi giảng Kinh. Thầy đã mở lớp được hai năm, huấn luyện hơn hai mươi người. Hơn hai mươi người này sau khi huấn luyện thành công xong, bèn phân phối đến rất nhiều nhà cư sĩ, luân phiên đi giảng. Cho nên, tôi nói với các đồng học, bạn học một bộ Kinh này, chí ít bạn phải giảng qua mười lần. Cách giảng như thế nào vậy? Một tuần bạn sẽ giảng bảy lần, đều đến nhà cư sĩ để giảng; thứ hai ở nhà này, thứ ba ở nhà khác. Khi giảng ở mỗi một nhà, cũng cùng một khóa trình môn học này, vậy thì đoạn Kinh văn này bạn đã giảng được bảy lần. Đến tuần thứ hai thì giảng đoạn kế tiếp phía dưới. Không phải nói học xong một bộ Kinh này rồi thì mới giảng, mà học đến đâu thì dùng đến đó. Tuần này giảng phần này, cho dù phần sau vẫn chưa học đến. Cách học của chúng tôi là như vậy, cho nên học rất tinh chuyên, học rất thuộc. Quả thật là phù hợp với lời dạy của Phu Tử, học rồi thì phải giảng, học không thể không giảng. Cái ý đó là bạn học xong một câu này thì bạn phải giảng một câu này, học xong một đoạn này thì bạn phải giảng một đoạn này, phải giảng mỗi ngày. Khuyên người khác cũng là khuyên chính mình, giúp mình sửa chữa lỗi lầm. Đạo lý là ở chỗ này.
Nếu như phong khí dạy học thịnh rồi, khu vực này chắc chắn yên ổn, người ở khu vực này chắc chắn rõ lý, chắc chắn có trí huệ. Người rõ được lý, có trí huệ thì đời sống sẽ sống rất hạnh phúc. Bất luận đời sống hiện tại của chúng ta là giàu có hay là nghèo khó, đều sẽ sống rất tự tại, đều sẽ sống rất vui vẻ. Bởi vì giàu có hay nghèo khó là trong đời quá khứ tu nhân khác nhau. Đạo lý đã hiểu rõ rồi thì người phú quí an với phú quí, người nghèo khó an với nghèo khó, xã hội này không loạn. Ngày nay có rất nhiều người không hiểu, cho rằng xã hội này loạn động là do chênh lệch giàu nghèo gây nên. Họ chỉ nhìn thấy hiện tượng này, chứ họ không nhìn thấy được nguồn gốc của hiện tượng này. Xã hội chênh lệch của cải là sự thật. Có thể làm quân bình được hay không? Không thể. Vì sao vậy? Mỗi người gieo nhân không giống nhau. Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, sao có thể bảo dưa đậu hòa hợp, biến thành một thứ được. Đây là điều không thể! Tại sao người xưa có thể quản lý xã hội tốt như vậy? Vì họ đem đạo lý này giảng rõ ràng. Người nghèo khó hiểu rõ rồi, ta trước đây không gieo nhân thiện, hiện nay sống đời sống thế này là nên đón nhận thôi. Phải nên đón nhận, họ sẽ rất hoan hỷ, họ sẽ không làm loạn. Người giàu có tiền của nhiều là do thường hay bố thí, cứu giúp người nghèo khó. Trước đây xã hội ổn định là do đạo lý như vậy tạo nên. Người giàu có biết tại sao mình giàu có, biết phước báo có được là do đời quá khứ bố thí mà có, cho nên hiện nay đã có phước báo rồi, ta càng phải bố thí nữa, hy vọng phước báo đời sau càng lớn hơn. Họ hiểu rõ đạo lý này nên hoan hỷ bố thí. Người nghèo khó cũng hoan hỷ tu phước. Tu phước thì sẽ không tạo nghiệp, sẽ không làm những việc tổn người lợi mình. Tổn người lợi mình không phải tu phước. Mọi người tâm thiện, ý thiện, hạnh thiện thì xã hội này sao mà không tốt được? Đương nhiên là hài hòa. Nếu như chúng ta nói chủng tộc cũng có thể nói như vậy, giàu có là một chủng tộc, nghèo khó cũng là một chủng tộc, hai chủng tộc này có thể chung sống hòa mục, có thể hỗ trợ hợp tác, ở trong đây sẽ không sinh ra mâu thuẫn, sẽ không xảy ra xung đột, vậy là vấn đề xã hội đã được giải quyết rồi.
Tông chỉ dạy học của Phật pháp, mọi người đều biết, Tổ sư Đại đức thường nói: “Phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui”. Được vui là ngay hiện tại đã được vui, quyết không phải nói đời sau, đời sau nữa. Đời sau, đời sau nữa, chúng ta vẫn không nhìn thấy, hiện nay đã được vui. Vào thời xưa, kẻ ăn mày ăn xin mà nghe được Phật pháp, họ cũng vui sướng vô cùng. Tại sao họ vui sướng vậy? Lý hiểu rõ rồi, đạo hiểu rồi, cho nên tuy là ăn mày, nhưng của phi nghĩa họ không lấy, họ không cần, họ giữ bổn phận của họ. Đây quả thật là điều đáng quí, đáng được người tôn kính, xã hội gọi họ là “người xin ăn có nghĩa”. Họ là kẻ ăn mày, họ có đạo nghĩa. Thích-ca Mâu-ni Phật năm xưa còn tại thế, cách thức sống là khất thực, cũng là đi bát từng nhà. Ngài thật sự có trí huệ, có đạo đức, có học vấn. Ngài chọn lấy loại phương thức này, cho chúng ta bài học rất lớn. Ngài dạy chúng ta điều gì vậy? Không tranh với người, không cầu gì ở đời, thì đời sống của bạn sẽ được đại tự tại. Cho nên tâm của Ngài thanh tịnh biết bao, vui sướng biết bao, trong tâm không có lo buồn, không có phiền não, không có bận tâm, đời sống đơn giản như vậy. Đời sống càng đơn giản càng khỏe mạnh. Thích-ca Mâu-ni Phật trụ thế, nói thực ra, Ngài có thể tùy ý thường trụ thế gian. Đáng tiếc người bình thường chúng ta lơ là mất, không khải thỉnh cầu Ngài trụ thế lâu thêm mấy năm. Chúng ta đã sơ suất rồi. Ma vương Ba-tuần nhân cơ hội, yêu cầu Thích-ca Mâu-ni Phật hãy mau diệt độ, không nên thường trụ thế gian. Ma đến yêu cầu, Phật cũng gật đầu nhận lời họ. Thích-ca Mâu-ni Phật là ra đi như vậy. Sự việc này cũng là dạy cho chúng ta một bài học. Tại sao chúng ta không thỉnh Phật trụ thế? Bồ-tát Phổ Hiền trong Thập Đại Nguyện Vương đã dạy chúng ta “thỉnh chuyển pháp luân, thỉnh Phật trụ thế”, chúng ta lại không thỉnh, bị ma thỉnh mất. Đây là sai lầm của chúng ta.
Phật cho chúng ta sự cảnh tỉnh này, ở trong đây có hai sự việc. Thứ nhất là gần gũi thiện tri thức (cơ duyên này hi hữu khó gặp, nhất định phải nắm lấy cho được), thứ hai là phải thỉnh Phật trụ thế, phải thỉnh chuyển pháp luân. Nói thực ra, thập đại nguyện vương của Bồ-tát Phổ Hiền, hai điều này là chủ yếu, là quan trọng nhất. Thỉnh chuyển pháp luân chính là dạy học. Bốn nguyện phía trước là “lễ kính chư Phật, xưng tán Như Lai, quảng tu cúng dường, sám hối nghiệp chướng”, đây chính là sửa lỗi. Người có thể sửa lỗi thì có thể “thường tùy Phật học”. Muốn “thường tùy Phật học” thì Phật phải trụ thế mới được. Phật không trụ thế, chúng ta học với ai? Cho nên mới có đại nguyện thỉnh chuyển pháp luân, thỉnh Phật trụ thế. Phật Bồ-tát thật sự là như thế, chúng ta ở trong Kinh Đại Thừa nhìn thấy rất nhiều. Chúng ta tin tưởng sâu sắc, không có hoài nghi. Chúng sanh có cảm, Phật Bồ-tát liền ứng, cảm ứng đạo giao không mảy may sai chạy. Chúng ta có tâm muốn học Phật pháp thì Phật Bồ-tát liền ứng hóa thị hiện đến nơi đây. Nếu không có tâm nguyện này, Phật Bồ-tát không đến, vì đến sẽ không có ý nghĩa, không có tác dụng. Cho nên Phật Bồ-tát có trụ thế hay không, Phật Bồ-tát có đến giáo hóa hay không, vấn đề ở chỗ chúng ta có chịu học thật hay không. Chịu học thật thì Phật Bồ-tát sẽ đến ngay. Bề ngoài tuân theo, sau lưng làm trái thì Phật Bồ-tát không đến, vì vậy phải chăm chỉ học tập. Cho nên, nếu hiểu nghĩa lý, thuận theo nghĩa lý thì chắc chắn được thiện báo, còn trái với nghĩa lý thì là đại ác. Vì vậy, chúng ta lấy hai câu này làm cương lĩnh, việc này rất có đạo lý.
Những sự việc nào trái với nghĩa lý vậy? Từng điều từng điều dưới đây sẽ nói rõ cho chúng ta. Thực ra, loại ví dụ này không sao kể hết. Nêu ra mấy điều, hy vọng chúng ta từ trong mấy điều này có thể lĩnh hội được. Chúng ta hiện tại đối với người, với việc, với vật, cách nghĩ, cách nhìn, cách làm đều là ác, không phải thiện. Chỉ có hiểu rõ ràng, hiểu sáng tỏ rồi, chúng ta mới có thể quay đầu, đoạn ác hướng thiện, không những có thể cứu được mình, mà còn có thể cứu vãn xã hội, có thể giúp đỡ chúng sanh. Đó chính là đại thiện.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi chỉ giảng đến đây.
A Di Đà Phật!