Mời xem Cảm Ứng Thiên, đoạn thứ 32:
"Thi ân bất cầu báo, dữ nhân bất truy hối". (Thi ân chẳng cầu báo, đã cho người khác thì đừng nghĩ lại rồi hối tiếc).
Đây là đoạn thứ ba mươi hai của Cảm Ứng Thiên.
Hai câu Kinh văn này ý nói, bố thí đạt đến cảnh giới viên mãn chân thật, nhà Phật gọi là Tam Luân Thể Không. Đây là tiền phương tiện của Tam Luân Thể Không, cũng là bước đầu thực tiễn của Tam Luân Thể Không, chúng ta có thể làm được.
"Thi ân cầu báo", trong chú giải này nói rất hay: " Thi ân mà cầu báo, tức là cái tâm tham chưa quên! Đã cho người ta rồi hối tiếc, tức là cái tâm keo kiệt chưa tiêu trừ. Đã tham lại còn keo kiệt, bậc quân tử chẳng làm như vậy ". Nhà Nho nói đến tiêu chuẩn thấp nhất. Trong nhà Nho, cao nhất là Thánh nhân, kế đến là Hiền nhân, kế đến nữa là quân tử. Người đi học thời trước, đi học là chí ở Thánh Hiền, người đi học phải đem cảnh giới thấp nhất của chính mình nâng cao đến cảnh giới của một người quân tử thì họ mới được xem là chân thật có thọ dụng. Do đây có thể biết, quân tử của nhà Nho tuy là phiền não ba độc chưa đoạn, nhưng họ có thể phục được, Phật pháp chúng ta gọi là phục phiền não. Nếu không phục được phiền não tập khí thì dưới quân tử là tiểu nhân. Việc này chúng ta nhất định phải rõ ràng, phải tường tận. Tại vì sao phải đọc sách Thánh Hiền? Mục đích, ý nghĩa chân thật của việc đọc sách ở đâu? Nho và Phật đã nói, "không gì ngoài làm một người minh bạch mà thôi". Người tường tận sự lý thì gọi là Thánh Hiền, người hiểu được chừng mực là người quân tử. Cho nên, bố thí quyết định không nên cầu quả báo.
Trong Kinh đích thực Phật có nói, ngay trong cửa Phật, bố thí cho Phật, Bồ-tát, A-la-hán, quả báo không thể nghĩ bàn, có câu là "thí một, được vạn báo". Kỳ thật, cái "vạn" đó là hình dung từ, không phải chữ số, chắc chắn quả báo không chỉ vạn lần. Có rất nhiều người hiểu sai ý nghĩa của câu nói này, cho rằng làm ăn trong cửa Phật lời thật, một vốn vạn lời, nên mọi người đều vào trong cửa Phật để bố thí, để tu phước, mục đích ở chỗ nào? Cầu phát tài, cầu thăng quan, cầu Phật Bồ-tát bảo hộ, toàn là vì lòng tham. Vì lòng tham của mình, có thể có được quả báo hay không? Thực tế mà nói, thí là nhân, quả báo nhất định là có, làm gì mà không có quả báo? Chẳng qua là quả báo không lớn lắm. Bố thí, đạo lý này nếu nói ra thì rất sâu, phải hỏi bạn là do động cơ gì, bạn dùng cái tâm gì? Động cơ của bạn là thuần thiện, dụng tâm của bạn rộng lớn thì quả báo của bạn liền lớn; động cơ của bạn là vì cầu tự lợi, tâm lượng rất nhỏ hẹp thì quả báo bố thí của bạn cũng sẽ rất nhỏ.
Nhà Phật nói, bố thí ít mà được quả báo nhiều, được quả báo lớn, đó là nói người có tâm chân thành thanh tịnh, tâm rộng lớn tu bố thí. Sự bố thí này quả báo không thể nghĩ bàn. Chúng ta giống như vậy, Phật bố thí một đồng, chúng ta bố thí một đồng; chúng ta bố thí một đồng, quả báo có thể chỉ là một đồng; Phật bố thí một đồng đó, quả báo không thể nghĩ bàn, vô lượng vô biên. Đây là do nguyên nhân gì? Phật dùng chân tâm, tâm của Phật là "tâm bao thái hư, lượng khắp pháp giới", chúng ta làm sao có thể sánh được? Cho nên nhà Phật nói, "thí một, được vạn báo" không phải là giả. Thế nhưng bạn phải hiểu được, người ta dùng tâm như thế nào mới có thể đạt được quả báo thù thắng không gì bằng.
Tôi thường dạy đồng tu, người ta hỏi mượn tiền bạn, bạn hoan hỉ mà cho họ mượn, tuyệt đối không nên nghĩ đến tương lai họ sẽ hoàn trả cho ta. Bạn cho họ mượn chính là bạn tặng cho họ, họ trả lại là rất tốt, không trả thì cũng rất tốt, bạn liền không có phiền não, vậy bạn kết giao bạn bè sẽ rất nồng hậu. Bạn xem, bao nhiêu bạn bè tốt, chỉ vì mượn tiền tài mà sau cùng trở mặt thành thù địch, trên lịch sử có, ngay hoàn cảnh hiện tại của chúng ta cũng xem thấy không ít. Tại vì sao có thể trở thành như vậy? Chính là mượn được rồi mà trả thì lại không muốn trả. Đây là sai lầm, chắc chắn là sai lầm, ngay cả mượn còn không muốn trả, huống hồ bố thí? Bố thí phải cầu quả báo. Tâm của bạn thanh tịnh, nếu không thanh tịnh thì quả báo nhỏ. Tâm thanh tịnh, bất cứ thứ gì đều không cầu thì quả báo lớn.
Hiện tại chúng ta giảng vô tư bố thí, bố thí vô điều kiện, quả báo này liền thù thắng. Bạn tặng cho người ta, kèm theo rất nhiều điều kiện. Nếu như người ta báo đáp đối với bạn, luôn luôn đều là không như ý. Cho nên, nếu như tỉ mỉ phản tỉnh một chút, bạn liền có thể quán sát được.
Sau đại thế chiến lần thứ hai, ngay trong thời kỳ đại chiến và sau đại chiến, Hoa Kỳ viện trợ kinh tế đối với toàn thế giới, một số thì cho mượn, một số thì tặng cho. Rất nhiều quốc gia bị tai nạn, tai họa chiến tranh đều chọn lấy viện trợ kinh tế. Viện trợ kinh tế là bố thí, thế nhưng đều là kèm theo rất nhiều, rất nhiều điều kiện. Kết quả, những quốc gia được tặng cho, không có quốc gia nào mà không ghét người Mỹ, không có nước nào mà không oán người Mỹ. Nguyên nhân gì vậy? Vì họ cầu báo. Nếu như người Mỹ đọc qua Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, nếu như hiểu được Phật pháp thì ngày nay họ đích thực có thể thống trị toàn thế giới, người toàn thế giới đối với họ không ai mà không cám ơn đội đức, không ai không ủng hộ, vì sao vậy? Bố thí không cầu báo. Đây là gì? Bố thí ân đức có thể cảm động lòng người. Họ không hiểu được đạo lý này. Tôi lấy tiền tài giúp cho bạn, mang theo rất nhiều điều kiện, bạn đương nhiên sẽ tiếp nhận. Vì sao vậy? Tiếp nhận để giải quyết khó khăn trước mắt, nhưng trong lòng không phục. Người đồng tâm này, tâm đồng lý này, nếu như mang theo điều kiện quá hà khắc, lòng oán hận vĩnh viễn không thể hóa giải. Đây là do không có trí tuệ, không có đọc sách Thánh Hiền, nên không hiểu được những đại đạo lý này.
Trong Kinh Phật nói, những đế vương thống trị thế gian này, vị lớn nhất là Kim Luân Thánh Vương, ông thống trị một tứ thiên hạ. Ngày nay chúng ta đều bị ông thống trị, thế nhưng chúng ta chính mình không biết, chúng ta cũng không nghe nói qua, cũng giống như cái gì? Quốc gia của chúng ta, đất đai quá lớn, người ở nơi nông thôn cả đời cũng không ra khỏi cửa thì làm gì biết được hoàng đế là ai, thống trị cái gì, họ không hề biết. Họ ngày ngày trải qua ngày tháng thái bình. Phạm vi của họ là thống trị của quốc gia.
Kinh Phật nói với chúng ta, phạm vi thống trị của Kim Luân Thánh Vương rất lớn, một đơn vị thế giới. Trước đây chúng ta cho rằng đơn vị thế giới này là một Thái Dương hệ, ông thống trị Thái Dương hệ. Chúng ta sống trong một tinh cầu nhỏ của Thái Dương hệ. Cho nên có người xem thấy đĩa bay, tôi nghe nói có đĩa bay, tôi cũng đã từng thấy qua, có thể là Kim Luân Thánh Vương phái người đến đây để tuần tra.
Tại sao gọi ông là Luân Vương? Trong Kinh Phật nói vì ông có luân bảo, luân bảo này là luân bảo hình tròn, là công cụ giao thông của ông, cũng là binh khí của ông, như hiện tại chúng ta gọi là chiến đấu cơ. Đĩa bay là hình tròn, chẳng phải rất giống luân bảo hay sao? Tốc độ phi hành rất nhanh, trong Kinh Phật nói, trong một ngày, ông có thể tuần tra cả một Thái Dương hệ, phạm vi rất lớn như vậy là do ông quản hạt. Đây là chúng ta giải thích trước đây. Nếu như y theo giải thích của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ thì phạm vi đó lớn hơn, một đơn vị thế giới hiện tại chúng ta gọi là hệ Ngân Hà. Vua của hệ Ngân Hà là Kim Luân Thánh Vương. Khoa học hiện tại thống kê, hệ Ngân Hà gồm những tinh cầu lớn nhỏ, ít nhất có đến mười tỉ tinh cầu. Địa cầu của chúng ta ở trong hệ Ngân Hà vẫn xem là một tinh cầu nhỏ, không lớn. Đây là quốc vương lớn nhất mà Phật nói, phước báo rất lớn. Kế đến là Ngân Luân Vương, Đồng Luân Vương, Thiết Luân Vương. Quốc vương ở thế gian này của chúng ta đều không ở trong số này, đều không được tính đến.
Những người phước báo rất lớn, bất luận là trên trời hay ở nhân gian thì phú là tài phú, quý là địa vị, đều là quả báo. Phú quý, tuổi thọ đều có nhân duyên. Nếu như không tu nhân, bạn làm sao có thể được quả báo? Người địa vị càng cao, thông minh trí tuệ siêu vượt người thường, đức hạnh cũng siêu vượt người thường, họ từ đâu mà có? Không phải trời phú, họ đều nhận được sự giáo dục tốt đẹp, do dạy mà ra. Ngày trước khi Pháp sư Diễn Bồi còn sống, hình như là lần thứ hai tôi đến Singapore, đại khái là năm 1979, ông mời tôi ăn cơm và hỏi tôi: "Pháp sư Tịnh Không! Ông tán thành dân chủ hay quân chủ?". Tôi nói với ông: “Tôi tán thành quân chủ”. Ông nói: "Ông lạc hậu rồi". Tôi nói: "Tôi không hề lạc hậu". Đế vương của chế độ quân chủ hy vọng gìn giữ truyền thống của họ, mong muốn con cháu đời đời có thể duy trì triều đại của họ, họ có cái tâm này, cho nên có thể nói là dùng hết tâm huyết để bồi dưỡng người kế thừa. Bởi vì có người kế thừa tốt thì họ mới có thể giữ được lâu. Nếu như là đứa con phá gia chi tử thì nhất định là nước mất nhà tan. Cho nên việc bồi dưỡng, dạy bảo người kế thừa đều là mời những vị thầy giỏi nhất nước, người có đức hạnh, người có học vấn đến để dạy thái tử, nói cách khác, họ phải nhận được giáo dục tốt nhất. Việc này thì thật là khó được, người khác không có cơ hội này, họ có được cơ hội này. Chỉ cần họ không bị tài, sắc, danh, thực, thùy mê hoặc điên đảo, họ thống trị quốc gia đó chắc chắn sẽ không đến nỗi bại vong.
Nước như vậy, nhà cũng như vậy. Cho nên, lúc trước cha mẹ toàn tâm toàn lực dạy bảo con cái. Hiện tượng này đã không còn sau thời kỳ Dân Quốc. Trong thời kỳ Dân Quốc, thành thật mà nói, tâm trách nhiệm tuyệt đối không thể bằng được so với quốc vương, chế độ dân chủ một nhiệm kỳ là ba đến bốn năm, nhiệm kỳ sau thì không thể làm tiếp rồi. Cho nên tôi luôn cảm thấy, giáo dục ngày nay không bằng ngày trước, nhất là cách thức giáo dục của phương Đông thời xưa không giống như phương Tây, đế vương phương Tây đều là độc tài. Thành thật mà nói, thời đại triều Chu thì tương đối kiện toàn, triều Hán đó chính là thời kỳ thiết lập. Bạn xem, vào thời xưa, quân quyền và tướng quyền phân ra rất rõ ràng, quan hệ giữa quân quyền và tướng quyền cũng giống như công ty hiện tại vậy; quân quyền là hội đồng quản trị, kết cấu quyền lực; tướng quyền là cơ cấu làm việc, tổng giám đốc. Tể tướng giống như tổng giám đốc, hoàng đế giống như chủ tịch hội đồng quản trị, quyền hành phân ra rất rõ ràng. Hoàng đế tuyệt nhiên không hoàn toàn chuyên chế, còn phải nghe ý kiến của người khác, tiếp nhận ý kiến của người khác, đây đều là dạy từ lúc nhỏ. Nếu không thể tiếp nhận ý kiến của người khác, không thể tôn trọng người khác thì ngôi vị hoàng đế này nhất định làm không lâu, nhất định sẽ có người giành lấy, thay thế, lật đổ đi. Cho nên, chế độ ngày trước tốt.
Ngày trước, tiên sinh Phương Đông Mỹ chí ít nói với tôi mười mấy lần, ông bảo tôi đọc Chu Lễ, thế nhưng tôi không hứng thú xem. Ông nói, Chu Lễ là chế độ hiến pháp tốt nhất trên toàn thế giới, do Chu Công chế định. Nếu như các đời sau của triều Chu đều có thể tuân theo, không làm trái lại thì đến ngày nay, thiên hạ này vẫn là của triều Chu. Con cháu không theo đó mà làm, vậy thì không còn cách nào, vậy thì mất nước.
Thương Ân Trụ Vương mất nước là do sủng ái Đắc Kỷ. Chu U Vương cũng là sủng ái người nữ. Những hoàng đế đó vừa sủng ái nữ sắc thì xong rồi, họ không phải là do nguyên nhân gì khác, mọi thứ đều nghe theo lời người mà họ sủng ái. Những đại thần chân thật trung quân ái quốc họ đều không để ý đến. Không chỉ không để ý đến, mà có lúc còn ghét bỏ, còn đem họ giết đi, vậy thì làm sao mà không mất nước? Các vị phải nên biết, sự diệt vong của triều đại không phải là vấn đề của chế độ, mà là hoàng đế đời sau u mê, cho nên mới diệt vong. Nếu như họ có thể tuân thủ lời dạy của tổ tông thì không thể bị diệt vong, giữ lấy giáo huấn của Thánh Hiền thì có thể có được người của cả thiên hạ. Đây là "tâm phục khẩu phục".
Giáo huấn của Thánh Hiền ở địa vị càng cao thì sự bố thí ân đức đối với thiên hạ, bạn xem, Phật dạy Bồ-tát:
- Thứ nhất là bố thí.
- Thứ hai là thủ pháp. Trì giới chính là thủ pháp. Ý nghĩa của thủ pháp sâu rộng vô tận.
- Thứ ba là nhẫn nhục. Phải có lòng nhẫn nại, phải có thể nhẫn.
- Thứ tư là tinh tấn.
- Thứ năm là thiền định. Thiền định chính là trong tâm có chủ trương, không dễ dàng bị ngoại cảnh bên ngoài dao động.
- Sau cùng là trí huệ. Cái gì là trí huệ? Không cầu báo đáp là trí huệ, không hối hận là trí tuệ. Giúp đỡ người khác mà kèm theo rất nhiều điều kiện là không có trí huệ. Cho nên chỉ có trí huệ cao độ mới có thể chân thật giải quyết được vấn đề.
Phía sau chú giải này vận dụng một câu trong Kinh Kim Cang: "Bồ-tát ư pháp ưng vô sở trụ nhi hành bố thí" (Bồ-tát đối với các pháp, dùng tâm vô trụ mà hành bố thí). Cảnh giới này so với hai câu này phải cao hơn rất nhiều. Vô sở trụ là hoàn toàn không trụ tướng, chân thật làm đến Tam Luân Thể Không, cho nên Kinh lại nói: "Nhược Bồ-tát bất trụ tướng bố thí, kỳ phước đức bất khả tư lượng" (Nếu Bồ-tát không trụ vào tướng mà bố thí thì phước đức đó chẳng thể tính đếm). Lời nói này đều là lời chân thật. Để giải quyết phân tranh của thế giới, lãnh đạo thế giới muốn duy trì thế giới này, chỉ cần thực hiện sáu Ba-la-mật của nhà Phật thì được rồi.
Ngày trước, tôi đã nói với các vị bao nhiêu lần, các vị xem thấy đại chiến thế giới lần thứ nhất, đại chiến thế giới lần thứ hai, chiến tranh Đài Loan, chúng ta mua những VCD này, các vị đều xem thấy qua, vấn đề có giải quyết được hay không? Không thể giải quyết vấn đề, càng làm càng phức tạp. Nếu chiến tranh có thể giải quyết được vấn đề, vậy thì trong đại chiến thế giới lần thứ nhất vấn đề đã được giải quyết rồi, làm gì lại có lần thứ hai? Đại chiến thế giới lần thứ hai, vấn đề vẫn không thể giải quyết, vậy thì còn có lần thứ ba, về sau nữa vẫn có lần thứ tư, đến vô số lần. Đây chính là nói rõ chiến tranh không thể giải quyết được vấn đề.
Cái gì có thể giải quyết được vấn đề? "Thi ân bất cầu báo, dữ nhân bất truy hối" thì vấn đề liền được giải quyết rồi. Người Mỹ đánh Hàn Quốc tốn hết 180 vạn ức mỹ kim, nếu đem 180 vạn ức này bố thí vô điều kiện cho Nam Bắc Hàn, tôi nghĩ vấn đề lập tức liền được giải quyết. Sau khi bố thí thì đến điều đình với họ, ai mà không tôn trọng bạn, ai mà không nghe lời của bạn nói? Bạn là người tốt mà. Chiến tranh Việt Nam tốn gấp mười lần, một ngàn tám trăm vạn ức mỹ kim, không chỉ không thể giải quyết được vấn đề, mà vĩnh viễn kết oán cừu, oan oan tương báo không hề kết thúc. Ai bằng lòng làm sự việc này? Một ngàn tám trăm vạn ức này đem tặng cho Việt Nam, tôi tin tưởng người Việt Nam xem thấy người Mỹ đều kêu lên “lão tổ tông, đại ân nhân”. Cho nên chúng ta bình lặng mà suy nghĩ, chỉ có vô tư, vô điều kiện giúp đỡ người khác, chân thật vì lợi ích của người khác mà lo nghĩ thì mới có thể giải quyết được vấn đề.
Thế giới ngày nay phân tranh, không thể giải quyết vấn đề, vì sao vậy? Bất cứ người nào, khi suy nghĩ một vấn đề, quan niệm thứ nhất là có lợi đối với họ hay không. Chúng ta thường xem thấy trên báo chí, người Mỹ xử lý vấn đề, khi ngoại giao với bên ngoài thì xem có phù hợp với lợi ích của họ hay không? Vừa có cái ý niệm này thì không thể giải quyết vấn đề, vấn đề dính chặt ở đó, bất luận dùng thủ đoạn gì cũng đều không thể giải quyết vấn đề. Muốn giải quyết vấn đề, giáo huấn Thánh Hiền nói, bạn phải suy nghĩ đến lợi ích của đối phương, xem có phù hợp với lợi ích của họ hay không, có phù hợp với lợi ích của đại chúng hay không? Không nên đem lợi ích của ta để ngay trước mặt. Lợi ích của ta là tự tư tự lợi, bạn làm sao có thể phục được người? Mỗi niệm nghĩ đến lợi ích của họ, lợi ích của xã hội đại chúng, vứt đi lợi ích của riêng mình thì chính mình chân thật được lợi ích thù thắng nhất. Thế là chúng ta liền hiểu ra, giáo huấn của Thánh Hiền chân thật có thể giải quyết vấn đề.
Lời nói của người xưa, hiện tại người ta đã xem thường, không có người tin tưởng. Lời của ông Thang Ân Tỷ (Arnold Joseph Toynbee) - nước Anh nói, người ta liền tin tưởng. Lời của ông nói rất hay, không sai chút nào: "Chân thật có thể giải quyết được vấn đề của thế kỷ 21, chỉ có Phật pháp Đại Thừa cùng học thuyết Khổng Mạnh". Đây là ông chỉ ra. Phật pháp Đại Thừa là gì, học thuyết Khổng Mạnh lại là gì, đến nơi đâu để tìm? Hiện tại tìm sách của Khổng Mạnh không khó, tìm Phật pháp Đại Thừa cũng không khó, sau khi tìm được rồi, xem cũng không hiểu. Nhà Phật thường nói: "Phật pháp vô nhân thuyết, tuy trí mạc năng giải" (Phật pháp không người giảng, dù có thông minh vẫn không hiểu được). Tìm được rồi, xem không hiểu, hoặc giả hiểu sai đi ý nghĩa, hiểu khác đi thì vẫn không thể giải quyết vấn đề. Cho nên tổng kết lại, đây là vấn đề của giáo dục. Muốn giải quyết vấn đề giáo dục, điều đầu tiên là vấn đề đội ngũ giáo viên. Làm thế nào bồi dưỡng ra những người thầy? Thế gian này ngày nay công đức lớn bậc nhất là bồi dưỡng ra những người làm thầy. Các vị nhất định phải hiểu rõ.
Ngày nay mất nước diệt chủng không sợ, vì đó là việc nhỏ, đoạn mất đạo thống mới là việc lớn, nhà Phật gọi là "pháp thân huệ mạng", cái này không thể đoạn, cái này một khi bị đoạn mất rồi thì thế gian này sẽ khổ nạn vô biên. Đạo thống không thể bị đứt đoạn, nếu có thể có một người, hai người tiếp nối huệ mạng của Phật thì tất cả chúng sanh sẽ có hy vọng được cứu, sẽ có một tia hy vọng. Cơ hội này cũng không dễ gì gặp được, chúng ta gặp được thì phải trân trọng. Để tiếp nối và duy trì đạo thống của Phật Bồ-tát Thánh Hiền thì phải gánh vác sứ mạng này. Sứ mạng này là vĩ đại bậc nhất của thế gian. Bạn có thể làm được công tác này hay không, chính là ở sự phát tâm của bạn. Bạn chân thật phải phát tâm, nhất định phải đầy đủ "Tín-Giải-Hành-Chứng" như Đại Sư Thanh Lương đã nói. Bốn chữ này nếu bạn đều có thể làm đến được thì bạn có thể gánh vác sứ mạng này. Bất luận hiện tại trải qua đời sống như thế nào, bất luận bạn đang ở cương vị công tác nào thì đều có thể làm được; bần cùng nghèo khổ như người ăn xin cũng có thể làm được. Trong những người ăn xin cũng có Phật, cũng có Bồ-tát, cũng có Thánh Hiền, vấn đề chính là bạn có cái tâm này hay không, bạn có chịu làm hay không? Vẫn là cái đề mục mà hiện tại chúng tôi đang giảng "Học Vi Nhân Sư, Hành Vi Thế Phạm", chính mình hãy thường suy nghĩ, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm của chúng ta có thể làm ra tấm gương cho người khác được hay không? Nếu quả nhiên có thể vì tất cả chúng sanh làm ra tấm gương tốt thì bạn chính là Hiền nhân, bạn chính là Phật, chính là Bồ-tát. Lời nói này chúng tôi đã giảng rất nhiều lần, các vị phải tỉ mỉ mà tham cứu.
Tâm hạnh của Thánh nhân tương ưng với tánh đức. "Tánh đức" là gì? Tánh đức là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chắc chắn không có cao thấp. Đã từng có mấy vị đồng tu theo tôi tham quan một công ty truyền hình của Sydney - Úc châu. Tổng giám đốc của công ty truyền thông tiếp chúng tôi, nói với tôi là công ty của họ, từ tổng giám đốc xuống đến công nhân, cho đến người công nhân vệ sinh, tất cả họ đều quan trọng số một, đều là bình đẳng. Khi chúng ta đến đó, vừa lúc người công nhân vệ sinh đang cầm dụng cụ quét rác để quét, họ là số một, họ quét được rất sạch sẽ. Đứng trong quầy tiếp tân nhân viên phục vụ tiếp đón khách hàng thân thiết, làm việc chăm chỉ có trách nhiệm, họ là số một. Làm giám đốc, làm tốt công việc của giám đốc thì giám đốc cũng là số một. Công ty của họ, mỗi người đều là số một, vậy thì đúng. Cho nên khi tổng giám đốc bước vào cửa, gặp nhân viên vệ sinh thì chào hỏi rất thân thiết, đôi bên chào hỏi lẫn nhau, vì sao vậy? Mỗi mỗi đều số một, không có số hai, công ty này gọi là công ty đệ nhất. Mỗi một người tận tâm tận lực làm bổn phận công tác của chính mình, làm đến tốt nhất thì họ là đệ nhất. Người người đều là số một, mỗi một công việc đều số một thì công ty này mới chân thật gọi là công ty đệ nhất. Cho nên chúng ta mang một ít Phật pháp tặng cho họ, họ rất dễ dàng tiếp nhận, vì giáo huấn của Phật cùng với cái mà họ đã nghĩ, đã làm đều tương ưng. Trên chức vụ thì có giai cấp, nhưng trên nhân cách thì bình đẳng. Giai cấp và chức vụ không như nhau nhưng giữa người với người thì bình đẳng, không hề khác nhau. Giai cấp có hay không? Có! Bình đẳng có hay không? Có! Chính là Kinh Hoa Nghiêm đã nói: "Hành bố bất ngại viên dung, viên dung bất ngại hành bố". “Hành bố” chính là giai cấp. Có chủ tịch hội đồng quản trị, có tổng giám đốc, có trưởng phòng, có nhân viên, cho đến công nhân có giai cấp, đây là hành bố. Thế nhưng họ có bình đẳng, bất luận ở trong trường hợp nào, bạn xem thấy họ đều là bình đẳng thân thiết. Cho nên chức vụ có cao thấp nhưng chức vụ không chướng ngại sự bình đẳng, bình đẳng không chướng ngại chức vụ.
Tôi đến thăm nơi đó, không hề nghĩ rằng Kinh Hoa Nghiêm quả nhiên đã được áp dụng thực tiễn ở ngay công ty của họ rồi. Tôi rất bội phục, rất tán thán loại tinh thần, quan niệm lý luận này. Hôm đó tôi còn muốn họ mở rộng đến mỗi một cơ quan chính phủ, cơ cấu tư nhân cũng có thể mở rộng thì Úc châu sẽ là đệ nhất, là số một của thế giới này. Cho nên khi bạn bước vào là một bầu không khí an lành, không khí đoàn kết, đôi bên tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau. Đây là nhờ tổng giám đốc có phương pháp lãnh đạo. Đây là trí huệ chân thật được áp dụng thực tiễn ngay trong đời sống, thực tiễn ở trong công tác, đáng được người tán thán.
Cư Sĩ Lâm, Tịnh Tông Học Hội chúng ta cũng đang làm, thông thường xem ra vẫn không tệ, nhưng trên thực tế vẫn làm chưa đủ, còn phải chăm chỉ, còn phải nỗ lực.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây thôi.
A Di Đà Phật.