Các vị đồng học, xin chào mọi người!
Trong hơn một ngàn chữ của Cảm Ứng Thiên, câu quan trọng nhất chính là “Trung hiếu hữu đễ”. Câu này có thể nói là hạt nhân của toàn bài, quan hệ lớn vô cùng, là đạo lý lớn để một người lập thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ ở trong xã hội. Người xuất gia tu hành, khai ngộ, chứng quả, làm Bồ-tát, làm Phật, mấu chốt cũng ở bốn chữ này. Cho nên, Thánh nhân thế xuất thế gian, tôi đã nói rất nhiều lần, mục đích, nguyện vọng của bậc Thánh Hiền chỉ là hy vọng tất cả chúng sanh tương thân tương ái, chung sống hòa thuận. Tuy nhiên, chủng loại quả báo của tất cả chúng sanh không như nhau. Những khác biệt này từ đâu mà có? Là từ nhân hạnh hiện tại và quá khứ của họ không giống nhau. Cho nên, từ trên quả chúng ta có thể nhìn thấy nhân, từ trên nhân có thể nhìn thấy quả, vậy thì chúng ta đã có trí huệ rồi. Sự việc này nếu muốn đạt đến mục đích thật sự thì chính trị không thể làm được. Nếu chính trị có thể đạt được mục đích này thì Thích-ca Mâu-ni Phật với thân phận của một vương tử, Ngài có thể làm quốc vương. Ngài biết chính trị không thể đạt được, vũ lực cũng không thể giải quyết nổi vấn đề này. Chúng ta thấy trong Kinh điển, Thích-ca Mâu-ni Phật lúc còn trẻ võ nghệ cao cường, Ngài có thể làm tướng quân, có thể làm thống soái, nhưng Ngài từ bỏ tất cả. Ngài biết sự việc này vũ lực không thể đạt được, kể cả kinh tế và khoa học kỹ thuật cũng đều không thể làm được. Phương pháp duy nhất có thể thu được hiệu quả tốt là chỉ có giáo dục, cho nên Thích-ca Mâu-ni Phật chọn công việc giáo dục xã hội, cả đời toàn tâm toàn ý dấn thân vào công việc giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Thích-ca Mâu-ni Phật là một người như vậy, chúng ta cần nhận thức rõ ràng. Lý tưởng và ý chí vĩ đại của Ngài là muốn giúp tất cả chúng sanh lìa khổ được vui, tương thân tương ái, chung sống hòa mục.
Hôm nay, tại nơi đây có rất nhiều thầy cô đều là những người dấn thân vào công tác giáo dục. Công việc này vô cùng vĩ đại, thế nhưng ngày nay trên thế giới, người nhận thức nó quá ít. Tôi nghe một số đồng học nói, hiện nay thầy không dễ làm, học trò không dễ dạy. Vấn đề này tôi cũng đã từng thảo luận rồi, hiện nay sư đạo suy rồi, có thể nói đã không còn nữa. Hiếu đạo mất hết rồi. Hiếu đạo không còn nữa thì sư đạo đương nhiên là không còn, bởi vì sư đạo là xây dựng trên nền tảng của hiếu đạo. Người không biết hiếu thân thì làm sao biết tôn sư? Không thể nào!
Vào thời xưa, một người học trò tốt là cần có cha mẹ hợp tác mật thiết với thầy, mới có thể nuôi dưỡng cây non này lớn lên được, khiến họ tương lai trở thành nhân tài trụ cột xã hội. Tôi còn nhớ, khi tôi khoảng bảy - tám tuổi, lần đầu tiên đi học, vào thời đó vẫn còn tư thục, không phải trường học. Tư thục được bố trí ở trong một từ đường, một người thầy dạy khoảng hai mươi mấy học trò. Phụ thân tôi mang theo lễ vật cúng dường thầy, ở ngay đại sảnh đó của thầy. Đại sảnh đó chính là đại điện ở trong từ đường. Ngay giữa bàn thờ cúng dường có bài vị của chí Thánh tiên sư Khổng Lão Phu Tử. Phụ thân dắt tôi theo, phụ thân ở phía trước, tôi theo ở phía sau, trước tiên hướng về bài vị Khổng Lão Phu Tử hành lễ tôn kính nhất là ba lần quỳ, chín lần lạy. Sau khi hành lễ hoàn tất thì mời thầy ngồi vào ghế trên, phụ thân của tôi ở phía trước, tôi theo ở phía sau, cũng hướng về thầy hành lễ ba lần quỳ, chín lần lạy. Sau đó dâng lễ vật lên, đem con trẻ giao cho thầy. Phụ huynh đối với thầy tôn trọng như vậy, nếu thầy không thể dạy con trẻ tốt thì sao xứng đáng với phụ huynh? Nghi lễ này hiện nay không còn nữa. Khi tôi ở Đài Trung, lão sư Lý đã từng mở một lớp học gọi là “Lớp nghiên cứu nội điển”. Trong lớp học này có tám học trò, chính thầy là người phụ trách lớp học này, thầy đã mời năm vị thầy, tôi cũng là một trong số đó. Ngày khai giảng, lão sư Lý đại biểu cho phụ huynh của học trò đảnh lễ ba lạy với chúng tôi - những người làm thầy. Các phụ huynh không biết, nên lão sư Lý đại biểu cho phụ huynh hành lễ. Chúng tôi không dám tiếp nhận, thế nhưng không dám tiếp nhận cũng không được, thầy bảo chúng tôi hãy ngồi nghiêm chỉnh ở đó, chúng tôi y giáo phụng hành, đành phải ngồi ở đó để thầy lạy ba lạy. Nhận kiểu đối xử theo nghi lễ long trọng này, nếu không thể nghiêm túc dạy học thì đó chính là tội lỗi. Hiện nay nghi lễ không còn nữa. Hiện nay nghe nói thầy dạy dỗ học trò, phụ huynh còn muốn kiện thầy. Cho nên, thế gian này có tai nạn cực lớn sắp hiện tiền. Đây là gì vậy? Đúng như nhà tôn giáo nói là ông trời trừng phạt, Thượng Đế trừng phạt. Chúng ta xem thấy trong sách “Lời Tiên Tri” nói, người ta nhìn thấy tương lai trên thế gian này có rất nhiều người chết, bảy tháng chôn cất cũng không hết. Quả báo này từ đâu mà có vậy? Từ nhân bất thiện.
Nước ta vào thời xưa, việc lớn quan trọng nhất của quốc gia chính là dạy học. Chương “Học Ký” ở trong Lễ Ký là triết học giáo dục cổ xưa của chúng ta, là phương châm chỉ đạo giáo dục cổ xưa, bên trong viết rất rõ ràng, rất minh bạch: “Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên” (Dựng nước quản dân, dạy học hàng đầu). Xây dựng quốc gia, thống trị quốc gia, lãnh đạo nhân dân, điều gì là quan trọng nhất? Dạy học là quan trọng nhất. Một gia đình cũng là như thế. Ở trong gia đình dạy học cũng là quan trọng nhất. Con người nếu không tiếp nhận giáo dục của Thánh Hiền, thực ra mà nói là có khác gì so với cầm thú? Còn tàn nhẫn, còn độc ác hơn cầm thú. Sư tử, hổ, báo, mọi người nhìn thấy chúng sau khi ăn no rồi thì bình yên vô sự với động vật nhỏ, động vật nhỏ chạy qua chạy lại ở xung quanh chúng, chúng cũng chẳng thèm quan tâm. Con người thì không như vậy, không ăn cũng muốn giết chúng. Cho nên, con người nhất định phải tiếp nhận giáo dục. Ở thời đại này hiện nay, người có thể tiếp nhận thì phải tận tâm tận lực hướng dẫn họ, còn người không thể tiếp nhận thì chúng ta hết cách, nên bớt rước lấy phiền phức.
Mục đích dạy học của nhà Nho là dạy người làm Thánh, làm Hiền. Mục đích dạy học của nhà Phật là dạy người làm Phật, làm Bồ-tát. Dạy học của nhà Phật, từ đầu đến cuối, nói thực ra chính là có ba việc. Việc thứ nhất là dạy người đoạn ác tu thiện, việc thứ hai là dạy người phá mê khai ngộ, việc thứ ba là dạy người chuyển phàm thành Thánh. Sao gọi là Thánh? Hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh, thông đạt sự lý của nhân duyên quả báo thì người này được gọi là Thánh nhân. “Thánh” với “Phật” của Ấn Độ ý nghĩa hoàn toàn tương đồng. Phật là người giác ngộ, Thánh là người minh bạch sáng suốt. Minh bạch chính là giác ngộ, giác ngộ chính là minh bạch. Sự lý của vũ trụ nhân sinh quá sâu, quá rộng, không cần phải học, cũng không thể học được. Học, chỗ học cả đời bạn là hữu hạn. Phải làm thế nào mới có thể đạt được? Phải khai ngộ. Cho nên dạy học của thế xuất thế gian đều chú trọng ở khai ngộ. Không chỉ là nhà Phật nói phải khai ngộ, mà nhà Nho dạy học cũng nói khai ngộ, vậy không khai ngộ thì làm sao được? Chúng ta ngày nay tại sao không thể khai ngộ? Vì phiền não che đậy, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước khiến chúng ta không thể khai ngộ. Phật Bồ-tát dạy chúng ta buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì liền khai ngộ ngay. Buông xả một phần thì có chỗ ngộ một phần, buông xả hai phần thì có chỗ ngộ hai phần. Những thứ này là chướng ngại. Khai ngộ là trí huệ, đức năng vốn có trong tự tánh chúng ta, không phải đến từ bên ngoài. Tại sao chúng ta cứ muốn chấp trước kiên cố vậy? Trong chấp trước, điều quan trọng nhất là chấp ngã, vì có ngã thì liền có riêng tư, có ngã thì liền có dục vọng. Tâm riêng tư là mê hoặc, dục vọng là nguồn gốc của tội nghiệp, bạn tạo tội nghiệp rồi.
Phật dạy chúng ta, mỗi một người, mỗi một đệ tử Phật học Phật đều phải gánh vác công tác giáo dục xã hội. Việc này rất trọng đại. Phật pháp muốn phổ độ chúng sanh, muốn cứu khổ cứu nạn. Cách cứu như thế nào? Dạy học. Xuất gia là giống như đã chọn ngành nghề trong xã hội. Chúng ta nhất định phải có tinh thần chuyên nghiệp, thúc đẩy giáo dục Phật-đà. Giáo dục Phật-đà là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa, không phân chủng tộc, không phân khu vực, không phân tín ngưỡng tôn giáo, dạy học bình đẳng, còn phải tự mình lấy thân làm gương, vì quảng đại quần chúng xã hội làm nên một tấm gương tốt. Đặc biệt là ở trong Kinh Hoa Nghiêm, chúng ta xem thấy hư không pháp giới muôn nghìn vạn trạng muôn nghìn sai biệt, quần thể khác nhau, văn hóa khác nhau, tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, Phật đều có thể chỉ dạy họ viên mãn, để mỗi người đều có thể phá mê khai ngộ, mỗi người đều có thể làm Thánh làm Hiền, hoàn toàn không phá hoại quần thể của họ, hoàn toàn không làm chướng ngại tín ngưỡng tôn giáo của họ, cũng không hề làm tổn hại văn hóa của họ chút nào. Chỉ có giúp đỡ họ, làm cho đời sống của họ tốt đẹp hơn, làm văn hóa của họ tốt đẹp hơn. Cho nên thành công là dựa vào điều gì? Tâm chân thành, nhà Phật gọi là tâm Bồ-đề, thật tâm đối người, chân thành tiếp vật. Lão Tử cũng nói, người khác dùng tâm thiện đối với ta, ta dùng tâm thiện đối với người; người khác dùng tâm bất thiện đối với ta, ta vẫn dùng tâm thiện đối với người; người khác tin ta, ta tin người; người khác không tin ta, ta vẫn tin họ. Cho nên Thánh Hiền nhân dạy bảo chúng ta, chúng ta phải có thành ý, có thiện ý, thuần là tâm yêu người yêu vật, bố thí vô tư vô điều kiện, cung kính cúng dường vô điều kiện đối với tất cả chúng sanh. Các vị ở trên Phật Kinh tỉ mỉ mà quán sát, Phật có phải làm như vậy không? Đây là hành nghi của Phật, nguyên tắc đối nhân xử thế tiếp vật của Phật. Chúng ta phải ở chỗ này mà học tập. Cho nên bốn chúng đồng tu chúng ta, không chỉ là người xuất gia, mà đồng tu tại gia cũng phải làm, chăm chỉ nỗ lực mà làm thì mới có thể cứu vãn xã hội này, chính mình phải làm gương.
Hiện tại ở Trung Quốc, tôi xây dựng mười trường trung học. Mười trường trung học này tôi đều gọi là "Trung Học Từ Quang". Các vị từ Đài Loan đến thì biết, tôi đã ở Thư Viện Từ Quang mười năm, cho nên ở Trung Quốc đại lục tôi xây mười trường Trung Học Từ Quang để kỷ niệm lão sư Lý. Học trò báo ân lão sư. Đồng Nhân - Quế Châu là nơi lúc nhỏ tôi đi học. Lúc tôi đi học, là trường công lập Trung Học Đệ Tam, hiệu trưởng là tiên sinh Châu Bang Đạo, biệt hiệu của ông là Khánh Quang. Tôi ở Đồng Nhân xây một trường "Trung Học Khánh Quang" để kỷ niệm thầy hiệu trưởng của tôi. Vì sao tôi phải làm như vậy? Học trò ngày nay vong ân phụ nghĩa đối với lão sư, chúng ta làm thế nào dạy tôn sư trọng đạo, mỗi niệm không quên ân thầy? Chúng ta làm ra tấm gương cho mọi người xem. Tôi tiếp nhận giáo huấn của tiên sinh Phương Đông Mỹ. Ở Đồng Thành, An Huy - quê hương của thầy chỉ có một trường trung học, tôi vì thầy xây dựng một "phòng dạy vi tính Đông Mỹ", tặng cho trường học đó 100 máy vi tính, xây một phòng vi tính để kỷ niệm lão sư Phương Đông Mỹ. Ở Đại Học Sơn Đông của Tế Nam - Sơn Đông, tôi xây dựng cho họ một phòng dạy vi tính "Lý Bỉnh Nam", ngoài ra còn xây dựng cho họ một phòng nghe nhìn mở rộng đối với dân chúng để kỷ niệm lão sư Lý. Thầy giáo dạy tôi học, hiện tại vẫn còn một vị còn ở nhân gian. Mỗi năm ngày tết ngày lễ tôi đều thăm viếng, cũng đều có cúng dường. Đây là thầy chủ nhiệm của tôi, lúc tôi đi học ở Nam Kinh. Lần này tôi cũng nghĩ xây một phòng vi tính, lấy tên của thầy tôi là Từ Thế Trạch, tặng 100 bộ vi tính cho "phòng vi tính Thế Trạch" này. Hiện tại người thế gian đã quên mất đi việc “tôn sư trọng đạo”, cho nên thế gian này sẽ có tai nạn lớn. Bất hiếu cha mẹ, bất kính sư trưởng thì xã hội hiện tại này thành ra cái xã hội gì? Chúng ta xem thấy hiện tượng rất là đau lòng. Chúng ta toàn tâm toàn lực mong muốn thì thảy đều sẽ làm được.
Ở Trung Quốc đại lục, muốn xây trường học thì phải nhờ chính phủ giúp đỡ. Lần trước Đại sứ Trần đến thăm tôi, tôi thỉnh cầu ông giúp đỡ tôi nhanh chóng thực hiện những nguyện vọng này. Hiện tại hai phòng vi tính này, ngay trong một - hai tháng này sẽ thực hiện. Chúng ta dạy những gì? Dạy trung, dạy hiếu. Thích-ca Mâu-ni Phật nói pháp 49 năm, thậm chí mười phương ba đời tất cả chư Phật vì chúng sanh giảng Kinh nói pháp chẳng qua cũng là hai chữ "trung hiếu" mà thôi. Hai chữ này, thực tế mà nói, người biết được càng ngày càng ít, người có thể làm được thì càng ít hơn, cho nên chúng ta phải nỗ lực giảng dạy, phải giảng giải sâu, còn phải làm ra cho người khác xem.
Hai chữ "hữu đễ" được bao gồm ở trong hiếu đạo, chỗ này vì sao đặc biệt muốn nêu ra? Dạy chúng ta phương pháp hành hiếu. Hiếu phải làm từ "ái", "kính". Hữu đễ là đối với người.
Chữ "hiếu" này, ở Trung Quốc, theo nguyên tắc chế tạo ra văn tự mà nói thì nó thuộc về chữ hội ý, vào thời xưa chúng ta gọi là "lục thư" (sáu nguyên tắc). Ký hiệu này là khiến chúng ta khi nhìn vào chữ thì thể hội ý nghĩa của nó. Bên trên là chữ "lão", bên dưới là chữ "tử", hợp lại với nhau gọi là “hiếu”. Ý này rất rõ ràng, nhắc nhở chúng ta là đời trước và đời sau là một thể. Đời trước còn đời trước nữa, đời sau vẫn còn đời sau nữa, đúng như nhà Phật đã nói "ngang thì bao khắp mười phương, dọc thì trải suốt ba đời", là cùng một thể sinh mạng, cùng một chỉnh thể. Đây là ý nghĩa tượng trưng của ký hiệu này, chính là Kinh Bát Nhã đã nói "thật tướng các pháp".
Chúng tôi thông thường trong lúc giảng giải đã nói, pháp tánh của tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới, trong triết học gọi đó là "bản thể của vũ trụ nhân sanh". Từ trong sự nhận biết này mà chân thật sanh ra tâm yêu thương, tâm cung kính. Vừa rồi tôi nói tâm chân thành, tâm chí thiện, tâm bác ái, tâm nguyện vô tư vô điều kiện giúp đỡ tất cả chúng sanh, đều là từ trong hiếu tâm mà sanh ra. Bạn không nhận biết, không hiểu, cho nên Phật khuyên bạn phát tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề của bạn vĩnh viễn không thể phát ra, nguyên nhân này do đâu? Bạn không biết được tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới là chính mình. Bạn không hiểu rõ đạo lý này, không hiểu rõ chân tướng sự thật thì tâm của bạn làm sao phát? Chân thật hiểu rõ rồi, biết được rồi thì tâm Bồ-đề tự nhiên liền phát ra. Tâm Bồ-đề phát ra chính là thâm tâm, là đại bi tâm. Thâm tâm là hiếu đức hiếu thiện, Vương Dương Minh gọi là "lương tri lương năng". Đại bi tâm là tâm lợi ích tất cả chúng sanh không có điều kiện, không mong cầu bất cứ đền đáp nào. Cho nên, Phật từ công việc giáo dục nghĩa vụ, Ngài không tiếp nhận đền đáp. Có đền đáp thì người ta hoài nghi, không mong cầu đền đáp thì người ta mới tôn kính, vì bạn dạy tôi là thật, không có điều kiện.
Nếu chúng ta muốn Phật pháp hưng vượng, chân thật có thể cứu vãn thế gian này thì chúng ta phải nỗ lực học tập. Nếu chúng ta không nỗ lực học tập với Phật Bồ-tát thì không làm được điều này. Cho nên, việc thứ nhất là phải nhổ tận gốc ý niệm tự tư tự lợi. Ngày xưa, lưu lại một chút, bạn còn có thể có chút thành tựu, nhưng thời đại hiện tại này, lưu lại một chút thì không thể. Thời đại hiện nay không như thời xưa, cũng chính là nói, hoàn cảnh mà chúng ta đối diện đã xấu ác đến cùng tột, như trong Kinh Phật nói "ngũ trược ác thế", nếu không dùng tâm cực thanh tịnh thì không cách gì giúp đỡ chúng sanh. Chúng ta đối diện với những việc này, nhà Phật nói đối diện với những chúng sanh cần độ, so với thời đại ngày trước là khó khăn hơn rất nhiều. Cho nên, chúng ta ngày nay, về phẩm đức, học vấn, trí tuệ, phương tiện khéo léo, nếu không thể siêu vượt hơn người xưa mười lần trở lên thì không làm được.
Chúng ta có thể siêu vượt người xưa hay không là hoàn toàn ở một niệm của chính mình. Chính mình chịu hy sinh thì có thể siêu vượt. Hy sinh cái gì? Hy sinh vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần phải xả được sạch trơn. Thích-ca Mâu-ni Phật năm xưa tại Vườn Lộc Uyển xuất gia cho năm học trò. Chúng ta ngày nay cũng không cầu nhiều, có thể có năm - sáu người chí đồng đạo hợp thì có thể làm cho Phật giáo hưng vượng. Chúng ta phải làm thế nào? Học Thích-ca Mâu-ni Phật trải qua đời sống ở mức thấp nhất, với người không tranh, với đời không cầu, trải qua đời sống nguyên thủy, du hóa thế gian thì liền có thể nhận được hiệu quả. Cho nên, chúng ta sanh đến thế gian này không phải vì chính mình, mà vì chúng sanh khổ nạn; chết cũng vì chúng sanh khổ nạn, không vì chính mình. Nếu có một chút ý niệm vì chính mình mà lo nghĩ thì bạn là phàm phu, bạn không phải Thánh nhân, bạn không phải thật đệ tử Phật. Kinh Kim Cang nói rất hay: "Nếu Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tức chẳng phải là Bồ-tát". Cho nên phải xa lìa bốn tướng, khiến cho tâm của chính mình chân thật đạt đến chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, phải chân thật làm được một trăm phần trăm. Biểu hiện bên ngoài thì biểu diễn chân thật là nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên, lão thật niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Đây thật là đệ tử Phật. Đây là giáo huấn chân thật, đối với chính mình, đối với chúng sanh, đối với xã hội, chắc chắn được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần bảo hộ. Cho nên, các đồng tu phải nỗ lực khắc phục phiền não tập khí của chính mình, ở trên giảng đài ngồi xếp bằng hai giờ đồng hồ mà không làm được, vậy thì sao được? Liều mạng cũng phải làm cho được. Khi tâm thanh tịnh, tâm định rồi thì không khó. Khó là vì vọng tưởng nhiều, vẫn là dục vọng nhiều. Đây là đại chướng ngại, không chỉ chướng ngại tu hành mà còn đưa chúng ta đến ba đường ác, đưa đến địa ngục. Cho nên ái dục, thị hiếu không thể không xả bỏ. Phải xả cho được sạch sẽ. Đời sống phải tùy duyên, quyết không được phan duyên.
Sau khi các vị ở nơi đây học thành rồi thì du hóa thế gian, tốt nhất là hồi phục việc khất thực. Buổi tối ở dưới gốc cây lớn, ở trong cái lều nhỏ là được. Hiện tại lều bạt rất tốt, rất tiện lợi. Trí huệ khai rồi thì không cần sách vở, vì chúng sanh giảng Kinh nói pháp cũng không cần phải chuẩn bị, đều bỏ đi sạch sẽ. Thích-ca Mâu-ni Phật năm xưa không có quyển sách nào, Khổng Lão Phu Tử cũng không có quyển sách nào. Cần những thứ này để làm gì? Hiện tại bạn cố gắng làm, nhất định phải khai ngộ. Sau khi đại triệt đại ngộ, trí huệ trong tự tánh chính là Phật pháp viên mãn. Hy vọng các đồng tu phải chăm chỉ, phải nỗ lực. Thời gian rất là quý báu, một giây một phút đều không nên để trôi qua vô ích.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây thôi.
A Di Đà Phật!