Các vị đồng học, xin chào mọi người!
Trong Kinh Dịch thời cổ Trung Quốc có câu:
Tích thiện chi gia,
Tất hữu dư khánh;
Tích bất thiện chi gia,
Tất hữu dư ương.
(Nhà tích chứa điều thiện ắt có nhiều niềm vui, nhà tích chứa điều ác ắt có nhiều tai ương).
“Tất” nghĩa là “chắc chắn”, là từ ngữ rất khẳng định, cũng chính là nói nhân quả báo ứng là sự thật nhất định, người thế gian gọi là chân lý. Nếu người nào tu thiện tích đức thì người đó nhất định phát phước, phước báo sẽ tự nhiên hiện tiền. Nếu tạo tác của một người đều là bất thiện, cho dù gia đình họ có phước báo, tổ tông cha mẹ của họ có phước báo, họ sanh vào nhà phú quý, nhưng nhất định họ sẽ thân bại danh liệt. Những sự việc nhà tan người mất này không những trong lịch sử xưa ghi chép lại rất nhiều, nếu chúng ta tỉ mỉ quan sát xã hội hiện nay, bất luận ở trong nước, ngoài nước, chỉ cần để ý một chút thì bạn đều có thể nhìn thấy, chứng minh những lời cổ nhân đã nói nhất định là chuẩn xác. Đạo lý của cảm ứng chính là muốn chúng ta nhận biết nhân duyên quả báo, hiểu rõ nhân duyên quả báo, khẳng định sự thật của nhân duyên quả báo, làm thành tiêu chuẩn làm người trong đời này của chúng ta. Khi đó chúng ta sẽ tự nhiên kiềm chế được, làm chủ được sự khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm của mình, biết hướng đến cái tốt, tránh cái xấu; biết đoạn ác tu thiện. Đây là giáo hóa của Thánh Hiền nhân. Đây gọi là giáo dục.
Con người hiện nay, xã hội hiện nay có nhận được sự giáo dục hay không? Có thể nói là không. Quốc gia làm nhiều trường học như vậy, rốt cuộc là vì cái gì? Tôi nhớ lại lúc mới xuất gia, khi đang quét rác ngoài cửa chùa Lâm Tế ở Viên Sơn, lúc đó khu vườn ngoài cửa rất lớn, có rất nhiều cây, mỗi ngày phải đi quét lá cây rụng. Tôi gặp mấy cậu sinh viên đi con đường đó lên Viên Sơn chơi, cử chỉ hành vi của họ không giống người có học. Sau khi xem thấy, tôi rất cảm thán, nên đã thốt lên một câu:“Đáng tiếc, những người này chưa được giáo dục”. Tôi nói như vậy với những huynh đệ đang quét lá cùng tôi. Vậy mà mấy người kia nghe được, ba người họ liền quay lại hỏi tôi: “Ông nói chúng tôi chưa được giáo dục có phải không?”. Tôi nói: “Đúng vậy, không sai! Trông không giống như người đã được giáo dục”. Họ nói: “Chúng tôi là sinh viên khoa Luật năm thứ tư của trường Đại học Đài Loan, sao ông nói chúng tôi chưa được giáo dục?”. Họ lý luận với tôi như vậy. Tôi nói: “Được! Các vị nói các vị đã được giáo dục rồi, vậy tôi hỏi các vị, chữ “giáo” giảng giải như thế nào, chữ “dục” giảng giải như thế nào và “giáo dục” giảng giải ra làm sao? Hãy nói cho tôi nghe xem”. Họ không thể nói ra được, thế là dáng vẻ kiêu căng của họ liền hạ xuống. Đây là học trò của bốn mươi mấy năm về trước, học trò thời nay thì khác rồi, khi đó dáng vẻ kiêu căng của họ liền hạ xuống, họ hỏi ngược lại tôi, thỉnh giáo với tôi. Tôi liền nói với họ: “Giáo dục là đạo lý dạy bạn làm người, các bạn đã học qua chưa? Thật sự là chưa học qua. Giáo dục xưa của Trung Quốc, từ thời Hạ, Thương, Chu, mãi đến cuối đời nhà Thanh, tông chỉ đều không thay đổi. Trong giáo dục có ba mục đích:
- Thứ nhất là dạy bạn mối quan hệ giữa người và người. Hiếu thuận với cha mẹ, tôn kính sư trưởng, thương yêu anh em, thân ái với bạn bè, là dạy bạn những thứ này.
- Thứ hai là dạy bạn hiểu rõ mối quan hệ giữa người và đại tự nhiên.
- Thứ ba là dạy bạn hiểu rõ mối quan hệ giữa con người và thiên địa quỷ thần.
Các bạn đã học qua chưa? Các bạn chưa hề học qua. Áp dụng trong đời sống, giáo dục tiểu học dạy bạn tưới nước, quét sân, các bạn đã học qua chưa? Vẫn chưa học qua. Cho nên khi tôi nhìn thấy bộ dạng của các bạn thì biết là các bạn chưa học qua giáo dục này”. Họ hỏi ngược lại tôi: “Hiện tại chúng tôi đang học đại học, vậy được xem là cái gì?”. Tôi nói: “Bạn hỏi rất hay! Hiện giờ các bạn đang học đó gọi là “Trường dạy và học tri thức”. Tôi dùng cái tên gọi này, các bạn cảm thấy có đạo lý hay không? Bảng hiệu của trường đại học đó phải nên lấy xuống. Nên gọi là “Trường cao đẳng dạy và học tri thức”. Đây là danh xứng với thực, nó không phải là giáo dục.
Hầu hết mọi người ngày nay đều đã lơ là bỏ quên giáo dục. Cho nên xã hội mới động loạn, đời sống nhân dân khó khăn, không phải là không có nguyên nhân. Xã hội chỉ biết truyền thụ khoa học kỹ thuật, còn căn bản của giáo dục thì lại bỏ mất. Giáo dục của nhà Phật, Ngài Thanh Liên Đại sư, ở trong Luân Quán Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện Kinh đã trích lục ra ba mục tiêu giáo dục của nhà Phật:
- Thứ nhất, dạy người đoạn ác tu thiện.
- Thứ hai, dạy người chuyển mê thành ngộ.
- Thứ ba, dạy người chuyển phàm thành Thánh.
Lúc giảng kinh tôi cũng hay nhắc đến, dạy bạn “chuyển ác thành thiện”, chính là giúp bạn nhất định không đọa ba đường ác. Bạn ở trong đời này, ở đời sau vẫn có thể hưởng phước báo nhân thiên. Đây gọi là giáo dục. Thứ hai là “chuyển mê thành ngộ”, đây là siêu vượt sáu nẻo luân hồi, chứng Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát, Phật, pháp giới bốn Thánh trong mười pháp giới. Chuyển mê thành ngộ, không ngừng nâng cao cảnh giới đời sống của bạn. Đây là giáo dục.
Mục tiêu cuối cùng là “chuyển phàm thành Thánh”. Đó là siêu vượt mười pháp giới, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Đây là giáo dục. Chúng ta nhìn lại xem, xã hội ngày nay đang dạy cái gì? Dạy bạn khoa học kỹ thuật, là dạy bạn những năng lực này. Sau khi bạn học xong những năng lực này thì đi tạo nghiệp. Mấy ngày trước, có một vị đồng tu ở Úc đến nói với tôi, những phần tử tinh anh của xã hội, nhân tài kiệt xuất của xã hội, ông ấy đang nói đến ai vậy? Là nói những nhà khoa học. Những nhân tài tinh anh kiệt xuất này tạo ra bom nguyên tử, tạo vũ khí hạt nhân. Họ thông minh tuyệt đỉnh, tạo ra những thứ này để tương lai giết người, một đầu đạn nguyên tử giết mấy trăm ngàn người, mấy triệu người. Nhân tài kiệt xuất, những phần tử tinh anh. Không sai, nó có thể giết chết nhiều người đến như vậy. Tạo ra nhất định là để giết người, quả báo nhất định là ở địa ngục. Những nhân tài kiệt xuất này họ tương lai sẽ đi đến nơi nào vậy? Đến địa ngục A-tỳ, họ sẽ đọa vào đó rất nhanh. Giáo dục của nhà Nho Trung Quốc, giáo dục của nhà Phật tuyệt đối không dạy người làm những sự việc này. Bạn xem trong giới luật của kinh Phật, chế tạo những công cụ để giết hại chúng sanh đều là trọng tội sát sanh. Người xưa tạo ra những công cụ gì vậy? Cung tên. Tạo cái này thôi đã là tội cực nặng rồi. Một mũi tên chỉ giết hại một súc sanh. Phật ở trong kinh nói rất hay: “Người chết làm dê, dê chết làm người”, oan oan tương báo không thể ngừng dứt. Bạn giết hại một súc sanh, nghiệp nợ này còn không thể tránh khỏi, nếu bạn giết hại nhiều người đến như vậy thì sẽ như thế nào chứ? Sẽ đọa địa ngục. Người thế gian thường nói là “vĩnh kiếp không thể đầu thai”, lời nói này là thật, không phải giả. Tôi đã nói qua rất nhiều lần, vẫn phải nói rất nhiều lần nữa, tại sao vậy? Vì các bạn không ghi nhớ, không lĩnh hội được cái ý này.
Thế giới vốn dĩ là đa nguyên, nếu muốn biến nó thành nhất nguyên thì không thể được. Vì sao biết không thể được? Thân thể này của chúng ta là tiểu vũ trụ, hoàn cảnh bên ngoài là đại vũ trụ. Đại vũ trụ cùng tiểu vũ trụ hoàn toàn giống nhau. Đại vũ trụ phức tạp thế nào thì tiểu vũ trụ này của chúng ta cũng phức tạp thế đó. Nhà Phật nói y báo và chánh báo là tương đồng. Thân thể chúng ta chính là đa nguyên, con mắt không phải là lỗ tai, lỗ tai thì không phải là lỗ mũi, lỗ mũi thì không phải là cái lưỡi, là đa nguyên mà, bạn làm sao có thể đồng nhất được. Nếu nói thân thể này của tôi cái gì cũng không cần, chỉ cần con mắt, vậy có được hay không? Không thể được! Vậy bạn mới hiểu được đa nguyên. Hơn nữa, đa nguyên mà bạn còn cảm thấy mỗi cái đều là đệ nhất. Mắt là đệ nhất, tai là đệ nhất, lưỡi cũng là đệ nhất, thảy đều là đệ nhất cả, không có đệ nhị. Có đệ nhị thì sẽ đánh nhau rồi, nên không có đệ nhị. Từ chỗ này thì bạn có thể lĩnh hội được, trong vũ trụ vạn sự, vạn pháp mỗi thứ đều đệ nhất, không có đệ nhị. Khi tôi tiếp xúc với các tôn giáo khác, tôi thường nói các vị lãnh tụ tôn giáo này là đệ nhất, Phật giáo chúng tôi là đệ nhất, Ki-tô giáo của các vị cũng là đệ nhất, Hồi giáo cũng là đệ nhất, vấn đề của mọi người liền được giải quyết. Kinh Phật của chúng tôi là đệ nhất, Thánh kinh của các vị cũng là đệ nhất, kinh Koran cũng là đệ nhất, tất cả vấn đề đều được hóa giải, có thể cùng hòa thuận với nhau. Tôi là thật, bạn là giả thì làm sao mà không đánh nhau chứ? Đánh đến chết đi sống lại, tạo tác tội nghiệp cực trọng, dẫn đến oan oan tương báo.
Phật nói mê-ngộ, phàm-thánh chính ở một khoảng mê và ngộ. Một niệm giác ngộ chính là Phật, là Bồ-tát, là Thánh nhân. Ngộ điều gì? Ngộ vạn pháp bình đẳng, mỗi cái đều là đệ nhất. Các vị xem kinh Hoa Nghiêm, từ đầu đến cuối có đệ nhị hay không? Tìm không ra, mỗi mỗi đều đệ nhất. Trong kinh Lăng Nghiêm, các vị cũng đã đọc qua chương Nhị Thập Ngũ Viên Thông, hai mươi lăm vị Bồ-tát này, mỗi vị đều đệ nhất, không có vị nào là đệ nhị. Khi biết được mỗi pháp đều bình đẳng, đều là đệ nhất, chúng ta mới có thể tôn trọng lẫn nhau, tâm tôn trọng người khác, tâm kính yêu người khác tự nhiên liền sanh ra. Đây mới có thể giải quyết vấn đề xã hội, mới thật sự có thể mang đến sự an định xã hội, thế giới hòa bình. Tất cả chúng sanh đều bình đẳng, đều có thể trải qua đời sống hạnh phúc mỹ mãn. Chúng ta thấy trong xã hội hiện nay, các cấp lãnh tụ thường nói những lời này ở trên miệng, thế nhưng những điều làm ra thì đích thực lại là nhiễu loạn xã hội, phá hoại hòa bình. Những gì họ làm và những gì họ đã suy nghĩ, đã nói là hoàn toàn trái ngược nhau, nguyên nhân ở đâu vậy? Thành thật mà nói, là vì chưa nhận được giáo dục. Ở thời đại hiện nay, vấn đề đã phát triển đến giai đoạn cực nghiêm trọng, gọi là thế giới sắp bị hủy diệt, Ki-tô giáo, Thiên Chúa giáo nói là ngày tận thế. Ngày tận thế là vào lúc nào vậy? Là năm nay, năm 1999. Chúng ta cũng xem là rất may mắn gặp được lúc này. Đại tai nạn này có thể được hóa giải hay không? Có thể! Phật nói với chúng ta một nguyên lý: “Y báo tùy theo chánh báo mà chuyển”. Thiên tai nhân họa là y báo, chánh báo là nhân tâm. Chúng ta chỉ cần đoạn ác tu thiện, phá mê khai ngộ thì các tai nạn liền được hóa giải.
Thôn Di Đà của chúng ta duyên vẫn chưa chín muồi. Trước tiên chúng ta xây dựng niệm Phật đường, xây dựng giảng đường. Tôi ở Singapore giảng kinh đến nay đã mười hai năm rồi, được cư sĩ Lý Mộc Nguyên nhiệt tâm hộ trì là điều rất khó được. Trang nghiêm đạo tràng, hiện nay các vị đến Cư Sĩ Lâm, các vị thấy niệm Phật đường, thấy giảng đường, chúng tôi vì sao phải làm như vậy? Vì tiêu tai, miễn nạn cho tất cả chúng sanh. Chúng tôi giảng kinh là vì ai? Vì tất cả chúng sanh khắp hư không pháp giới mà giảng, vì chư Phật Bồ-tát mà giảng. Vì sao chúng ta niệm Phật? Quyết không phải vì cầu cho chính mình, mà vì tiêu tai giải nạn cho tất cả chúng sanh thế giới này. Không phải là vì chính mình. Vì chính mình thì công đức rất nhỏ, vì tất cả chúng sanh thì công đức rất lớn. Trong Phật pháp thường nói “tích công bồi đức”, không phải ở trên sự tướng (hình thức kiểu dáng bên ngoài) mà phải ở trong tâm. Tâm lượng của bạn lớn, thế nào gọi là tâm lượng lớn? Niệm niệm vì xã hội, niệm niệm vì chúng sanh thì tâm lượng này lớn. Niệm niệm vì chính ta, vì gia đình của ta, vì đoàn thể nhỏ của ta, vì đạo tràng nhỏ của ta thì công đức này nhỏ. Đây chính là “y báo tùy theo chánh báo mà chuyển” mà Phật đã nói. Chánh báo là gì? Chánh báo chính là tâm ta. Tất cả vạn pháp theo tâm mà hiện, theo thức mà biến, cho nên tâm có thể chuyển được cảnh giới, tâm có thể chuyển được vạn pháp. Học Phật phải từ chỗ nào mà học? Phải học cái tâm của Phật Bồ-tát, học tri kiến của Phật Bồ-tát, học hành nghi của Phật Bồ-tát, trong đây quan trọng nhất là tâm nguyện. Các Ngài giữ cái tâm gì, phát cái nguyện gì? Đây là căn bản. Căn bản chính xác rồi thì không có cái nào là không chánh.
Thiên văn chương Cảm Ứng Thiên này là từ Thánh Hiền lập tâm phát nguyện, luôn được áp dụng trong đời sống đối nhân, xử thế, tiếp vật hằng ngày. Cổ đức đã nói, công dụng của nó có thể làm thành nấc thang để siêu phàm nhập Thánh, là then chốt để chuyển họa thành phước. Ngày xưa, mỗi triều đại ở Trung Quốc, người y theo thiên văn chương này để tu học rất nhiều, họ cảm ứng được quả báo rất thù thắng. Trong Vựng Biên đã trích dẫn ra những nhân duyên công án này, hiện tại chúng ta gọi là chuyện xưa. Những câu chuyện đã phụng hành theo Cảm Ứng Thiên thì họ có được thiện báo, còn người tạo tác ác nghiệp thì bị những ác báo. Sự thu thập này có thể nói là rất phong phú, chúng ta đã được xem. Trên thực thế, sự thu thập những câu chyện nhân duyên này vẫn còn rất là hạn hẹp, sự tích của những sự cảm ứng thì nhiều không kể xiết. Hễ chúng ta quan sát tỉ mỉ thì có rất nhiều câu chuyện ở chung quanh chúng ta, chúng ta làm sao có thể không tin tưởng, làm sao có thể không y giáo phụng hành? Ấn Quang Đại sư lấy Cảm Ứng Thiên làm nền tảng tu học Tịnh Độ là rất có đạo lý. Một người có thể chân thật phụng hành Cảm Ứng Thiên thì niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ là nhất định nắm chắc phần vãng sanh. Nếu như những lời nói, việc làm của bạn hoàn toàn trái nghịch với Cảm Ứng Thiên thì bạn niệm Phật không thể vãng sanh. Cho nên Ấn Tổ cả đời cực lực đề xướng, đây là Ngài có trí huệ cao độ, là tâm đại từ đại bi của Ngài. Chúng ta phải nên biết, phải nên tôn trọng, phải nên cảm ân, phải nên y giáo phụng hành, đây mới là báo đáp.
Các vị đồng học, từ xưa đến nay, phần đông mọi người trong xã hội đều rất coi trọng Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, người y theo phương pháp này tu học rất nhiều, đạt được cảm ứng cũng không thể nghĩ bàn. Cảm Ứng Thiên Vựng Biên là sự hội tập rất nhiều câu chuyện về cảm ứng, hiển bày hiệu quả rất rõ ràng. Cổ nhân khuyên dạy chúng ta, tâm địa con người phải thuần hậu.
Lần này tôi đến Úc, tuy thời gian chỉ có bốn ngày, các vị đồng tu cũng không bỏ lỡ, muốn tôi dùng thời gian bốn ngày này giới thiệu đại ý của Liễu Phàm Tứ Huấn cho mọi người. Đạo lý của cảm ứng, phần khai tông minh nghĩa đã nói rất rõ ràng, trong Kinh Dịch nói: “Nhà tích điều thiện ắt có nhiều niềm vui, nhà tích bất thiện ắt có lắm tai ương”. Giữ tâm nhân hậu thì nhất định có phước dày; giữ tâm không tốt, cho dù hoàn cảnh trước mắt rất thịnh vượng, thế nhưng không bao lâu ắt sẽ suy thoái. Lý luận và sự thật này, xưa nay trong ngoài nước, chỉ cần chúng ta quan sát tỉ mỉ thì đều có thể nhìn thấy, hơn nữa còn thấy được rất rõ ràng. Cho nên bất luận là cá nhân, là gia đình, đoàn thể, hoặc là quốc gia, phải nên biết sự thịnh vượng đều ở chỗ giữ tâm nhân hậu, ở đoạn ác tu thiện.
Cổ nhân nói, phàm là người hiểu rõ đạo lý này thì phải nên đem thiên văn tự này lưu thông rộng khắp. Chúng ta phải nên học tập Ấn Tổ, Ấn Quang Đại sư Ngài cả một đời toàn tâm toàn lực lưu thông bộ sách này. Ngoài ra còn có Liễu Phàm Tứ Huấn, An Sĩ Toàn Thư. Ba bộ sách này có số lượng lưu thông vượt rất xa số lượng kinh luận Phật pháp. Ấn Quang Đại sư làm như vậy là có dụng ý gì? Không gì ngoài việc cứu vãn kiếp nạn thế gian hiện nay. Kiếp nạn này rất nghiêm trọng, chúng ta cần nhận thức rõ ràng. Kiếp nạn từ đâu mà tạo thành? Từ nhân tâm, nhân hạnh mà tạo thành, tâm hạnh bất thiện liền tạo thành kiếp nạn. Nhà Phật thường nói: “Y báo tùy theo chánh báo mà chuyển”. Y báo là hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta, chánh báo là nhân tâm, là hành vi. Nhân tâm thiện thì hoàn cảnh đời sống chúng ta liền tốt; lòng người bất thiện thì hoàn cảnh liền xấu đi. Cho nên, nhất định phải đọc thuộc, suy ngẫm tỉ mỉ, cố gắng mà hành theo lời dạy của quyển sách này. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói hành động, nghĩ xem có tương ưng với lời giáo huấn của Cảm Ứng Thiên hay không? Nếu tương ưng thì chúng ta có thể nghĩ, có thể nói, có thể làm; không tương ưng thì không thể được. Cho nên nhất định phải đọc thuộc trước, phải thường xuyên suy ngẫm nghĩa lý ở bên trong. Đọc thuộc, tư duy thật kỹ, nỗ lực phụng hành thì tiền đồ của bạn là xán lạn vô cùng.
Tôi bắt đầu học Phật, tiếp xúc Phật pháp từ năm hai mươi sáu tuổi. Rất nhiều bạn đồng tu đều biết, tôi không có phước báo, cũng không phải là người sống thọ. Không chỉ một người, mà rất nhiều người xem tướng đoán mạng cho tôi đều nói tôi không qua khỏi tuổi 45. Tôi tin, vì rất nhiều thế hệ trong nhà tôi đều không qua được 45 tuổi. Tôi không có phước báo là do trong đời quá khứ không có tu phước. May mắn là tôi vẫn còn một chút thiện căn, vẫn còn một chút thông minh trí tuệ đủ để tiếp nhận thiện pháp. Năm đó, lão cư sĩ Chu Kính Trụ đem quyển Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên giới thiệu cho tôi. Sau khi đọc xong, tôi cảm động sâu sắc, biết được khuyết điểm của mình, liền sửa lỗi đổi mới. Tôi học nhẫn nhục, học nhẫn nhường. Cho nên hiện nay vẫn còn một chút thọ mạng và dường như vẫn còn một chút phước báo. Đây không phải là của đời trước tu mà do chính đời này đã tu được, thực tế mà nói, đắc lực là nhờ lời dạy dỗ của Ấn Tổ. Những quyển sách này tôi đều đã giảng qua vài lần rồi. Lần này các vị đồng tu mời tôi giảng lại lần nữa. Tôi nói được, đây cũng chính là lúc mọi người học Phật công phu không đắc lực, niệm Phật không thể đắc công phu thành phiến, tham thiền không thể đắc thiền định, nghiên cứu kinh giáo không thể đắc viên giải, nguyên nhân ở chỗ nào vậy? Chúng ta phải tìm cho ra nguyên nhân này, tiêu trừ nhân tố đó thì bất luận tu học pháp môn nào, công phu sẽ được đắc lực.
Đặc biệt là thế gian hiện nay, mỗi khu vực đều liên tiếp xảy ra tai nạn, năm sau nhiều hơn năm trước, lần sau nghiêm trọng hơn lần trước. Chúng ta cần phải có tâm cảnh giác. Tháng trước, có một vị đồng tu ở Úc đưa đến ba quyển sách lớn là Lời Tiên Tri Cổ Xưa Của Người Phương Tây. Dùng thời gian hai tuần để đọc, tôi mới thật sự hiểu rõ. Ngày trước chúng tôi cũng có xem qua một số quyển trích lục, nhưng là trích lục không hoàn chỉnh nên không rõ, cũng là do tự mình tu dưỡng không đủ. Bây giờ đọc được toàn văn, tôi mới hiểu được. Toàn thế giới đều biết, Nostradamus là nhà tiên tri nổi tiếng của phương Tây. Con người này thực tế mà nói là giống với Khổng tiên sinh trong Liễu Phàm Tứ Huấn. Ông đối với thay đổi của xã hội tương lai, tình trạng hưng thịnh hay suy vong đều suy đoán rất chính xác, nhưng lại không có biện pháp hóa giải. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn, Khổng tiên sinh tính được rất chuẩn xác vận mạng của Viên Liễu Phàm nhưng cũng không có biện pháp sửa đổi. Viên Liễu Phàm rất may mắn gặp được Thiền sư Vân Cốc dạy rằng, mạng là tự mình tạo, đương nhiên tự mình có thể sửa. Ông đã sửa đổi thành công vận mạng. Trong các triều đại của Trung Quốc, người giống như tiên sinh Liễu Phàm nhiều không thể đếm xuể. Bạn hiểu được đạo lý, hiểu được phương pháp thì bạn liền có thể cải tạo vận mệnh, sáng tạo vận mệnh, thì tương lai của bạn là một mảng xán lạn. Hiểu được đạo lý này là khó, không phải là một việc dễ dàng, hiểu thấu triệt phương pháp cũng không phải là dễ. Cho nên, chúng ta nhất định phải chăm chỉ gắng sức học tập. Đạo lý này rất sâu.
Chúng tôi ở Singapore, nếu có cơ hội, có đủ thời gian để giảng Đại Kinh thì đều có thể nói rõ cùng các vị những đạo lý này. Thế nhưng nghe một lần, hai lần, ba lần, bạn thật sự có thể hiểu rõ hay không? Điều này chưa hẳn. Một lần, hai lần, ba lần là chỉ nghe nói mà thôi, tín tâm của bạn còn chưa thể xây dựng, huống gì là hiểu rõ. May mà nội dung của kinh Hoa Nghiêm lớn, trước mắt với tiến độ này của chúng ta, tôi dự tính phải giảng đến mười lăm năm. Nếu như có được duyên phận này, trong mười lăm năm huân tập, tôi tin người khai ngộ sẽ rất nhiều. Không có thời gian dài đến như vậy thì làm không được. Không thể trực tiếp đến đây để nghe giảng kinh thì bất đắc dĩ phải nghe bằng cách khác. Bạn có thể nghe băng ghi âm, xem băng ghi hình, hoặc là mở xem ở trên mạng Internet, đây là bất đắc dĩ mà dùng cách đó. Nếu như mỗi ngày huân tập không gián đoạn, muốn xây dựng tín tâm cũng cần phải có thời gian từ ba đến năm năm bạn mới có thể làm được.
Người đời nay so với người xưa không giống nhau. Người xưa tâm họ định, tâm người xưa rất nhân hậu. Tâm người thời nay thì khắc nghiệt, nông nổi, nếu không có thời gian từ ba đến năm năm thì không thể xây dựng được tín tâm, thậm chí có người phải mất tám năm, mười năm mới thật sự có thể khai giải, mới thật sự có thể khế nhập. Chính tôi là một thí dụ rất tốt. Tâm địa của tôi bình lặng, điểm này so với người khác thì tôi mạnh hơn được một chút. Tôi không có dục vọng, không tranh với người, không cầu với đời nên tâm địa tương đối bình lặng. Điều này đối với sự tu học có sự trợ giúp rất lớn. Nếu như tâm bạn không bình, tâm của bạn xốc nổi, dục vọng của bạn rất nhiều, muốn tranh lấy danh văn lợi dưỡng, tham muốn ngũ dục lục trần, đây là chướng ngại lớn nhất của việc tu đạo. Những thứ này chỉ tạo nghiệp tội, nên công phu của bạn không đắc lực, đạo lý là ở chỗ này. Một người tu hành, một người được phước; một nhà tu hành, một nhà được phước; một khu vực tu hành thì khu vực đó tránh khỏi được tất cả tai nạn.
Singapore này không lớn, chúng tôi ở nơi này giảng kinh trước sau cũng đã mười hai năm rồi. Vì sao các nơi khác cũng dùng mười mấy năm, thời gian giống nhau mà không có hiệu quả? Nơi này chúng ta xem thấy có được một chút hiệu quả, nguyên nhân là sự giáo dục con người của Singapore không giống giáo dục của những nơi khác. Con người nơi đây thật thà, giữ phép tắc, rất kỷ luật. Sau khi nghe Phật pháp rồi, họ chăm chỉ suy ngẫm, họ biết thực hành, họ cảm thấy đây là việc tốt nên chăm chỉ thật làm. Khi nhiều người cùng làm thì sẽ hình thành một phong khí. Một quốc gia nhỏ như vậy, một quốc gia đô thị mà có thể nhận được sự tôn kính của người khắp thế giới, tự nhiên có đạo lý của nó, có thể thấy được đạo lý vẫn phải quy kết ở giáo dục. Tôi nghe người khác nói, tiên sinh Lý Quang Diệu (cựu Thủ tướng Singapore) đã từng được giáo dục bằng Anh ngữ, nếu như ông được giáo dục bằng Hoa ngữ thì việc chính trị của Singapore so với bây giờ phải tốt hơn rất nhiều lần. Đây là trí huệ chân thật, là người từng trải.
Giáo dục Hoa ngữ dạy người điều gì, chúng ta phải nên hiểu rõ. Trung Hoa từ thời Hạ, Thương, Chu đến cuối đời nhà Thanh, tông chỉ giáo dục không hề thay đổi. Tông chỉ là gồm có ba việc:
- Thứ nhất, dạy bạn hiểu rõ mối quan hệ giữa người và người, bạn phải nên làm người như thế nào.
- Thứ hai, dạy bạn mối quan hệ giữa con người với hoàn cảnh tự nhiên.
- Thứ ba, dạy bạn hiểu rõ quan hệ giữa con người và thiên địa quỷ thần.
Bạn có thể thông đạt tường tận thì bạn chính là thánh nhân. Giáo dục của nhà Phật cũng là ba sự việc này. Nhà Phật cho dù là Tiểu Thừa hay Đại Thừa, cho dù là tông phái nào, tông chỉ của giáo dục cũng là ba điều:
- Điều thứ nhất là chuyển ác thành thiện, trong Ngũ Thừa Phật pháp (Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát thừa) là Phật pháp của hàng trời, người, bạn sẽ không bị đọa vào ba đường ác.
- Điều thứ hai là chuyển mê thành ngộ, bạn có thể siêu vượt sáu cõi luân hồi, siêu vượt ra khỏi tam giới, làm A-la-hán, Bích-chi-Phật, Bồ-tát, Phật.
- Điều thứ ba là chuyển phàm thành Thánh, đó chính là siêu vượt mười pháp giới, trong kinh Hoa Nghiêm thì gọi là Pháp Thân Đại Sĩ.
Nếu bạn không nắm được cương lĩnh của sự giáo dục vậy thì bạn học là học những gì? Bạn thật sự hiểu rõ thì mới biết được tri ân báo ân. Người thế gian họ không biết được ân, nên họ không biết báo ân. Tri ân báo ân, ở trong Đại Thừa Phật pháp là khóa trình mà Nhị Địa Bồ-tát cần phải tu, các vị thử nghĩ xem, địa vị này cao bao nhiêu? Hàng Nhị Địa Bồ-tát tu học tổng cộng có tám khoa mục, đây là một trong số đó. Niệm niệm không quên “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”, hai câu này là căn bản. Sau đó, từ chỗ này mà phát dương quang đại, hiếu thuận với tất cả chúng sanh, phụng sự tất cả chúng sanh. Kinh Phạm Võng là Giới kinh, trong kinh này nói: “Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta”. Đây là phát huy tâm báo ân đến cực điểm. Chúng ta ngày nay tiếp xúc với rất nhiều tôn giáo khác nhau, tiếp xúc với rất nhiều chủng tộc khác nhau, dùng lòng thương yêu chân thành vô điều kiện, vô tư bố thí cúng dường vô điều kiện. Có rất nhiều người cảm thấy rất kỳ lạ, họ đến hỏi tôi: “Thưa Pháp sư! Vì sao Ngài phải làm như vậy?”. Tôi nói: “Đây là chúng tôi thực hiện theo lời dạy bảo của Phật trong kinh Hoa Nghiêm. Chúng tôi hiểu rõ đạo lý này, biết được tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới chính là pháp thân thanh tịnh của chính mình. Vậy thì làm sao không yêu thương bảo vệ, làm sao không chăm lo, làm sao không cúng dường?”.
Nếu mọi người đều hiểu rõ được đạo lý, đều biết cách làm như vậy thì thiên tai nhân họa sẽ không còn nữa. Đây chính là Phật pháp, thế gian có mấy người thật sự hiểu được? Chúng ta đã học được những lời dạy bảo này, nhất định phải đem nó biến thành đời sống, biến thành tư tưởng, biến thành hành vi của chúng ta, thì chúng ta mới có thể đạt được thọ dụng chân thật. Cho nên, không thể không học Cảm Ứng Thiên, không thể không chăm chỉ nỗ lực tu học. Trong Vựng Biên, những câu chuyện nhân duyên thu thập được rất là phong phú, chúng tôi không thể giới thiệu từng việc một được, vì như vậy thì thời gian sẽ rất dài. Tôi ở chỗ này nhắc nhở các vị đồng tu, phải chăm chỉ nỗ lực đọc tụng, thọ trì, tự cầu đa phước.
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi chỉ giảng đến đây thôi.
A Di Đà Phật!