Chương 126: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Xin mời mở đoạn thứ 120 của Cảm Ứng Thiên:

“Hựu uổng sát nhân giả, thị dịch đao binh nhi tương sát dã.” (Lại còn những kẻ giết oan người khác, sẽ đổi lại bị giết trong chiến tranh).

Đoạn phía trước đã giảng về việc “cướp ngang tài vật của người khác”. Sự việc này thuộc về trộm cắp, trộm cắp nhất định phải mắc nợ, mắc nợ rồi đương nhiên phải trả nợ. Phật nói rất rõ cho chúng ta, những điều Phật nói đều là sự thật: nhân quả thông ba đời. Vì vậy nợ tiền thì phải trả tiền.

Đoạn này nói về sát sanh, sát sanh là nợ mạng, nợ mạng nhất định thì phải đền mạng. Từ đó có thể biết “giết” và “trộm” đích thực là tự hại chính mình, nhất định không chiếm được chút tiện nghi nào, một chút lợi ích nào ở điều này. Nếu như chúng ta hiểu được đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật thì nhất định không làm những việc như vậy. Ngược lại, không trộm cắp thì được đại phú quý, không sát sanh thì được trường thọ. Bạn nghĩ xem phú quý, mạnh khỏe, sống lâu đều là những thứ mà con người mong cầu, vì sao lại tạo những ác nghiệp này làm tổn hại đến tài mệnh của chính mình, điều này ngu si đến cực điểm. Trong chú giải nói rất hay, tuy là nói không nhiều nhưng quả thật có thể nhắc nhở chúng ta phải xem trọng sự thật này.

Chú giải nói “thượng ngôn hoạnh thủ” nghĩa là phần trước nói về chuyện ngang ngược chiếm đoạt tài vật của người khác, “nhi dĩ uổng sát kế ngôn giả” thì kế đó nói về chuyện chết chóc oan uổng. “Chuyện giết chóc oan uổng thường là do khởi nguồn từ yêu mến tài sản, tiếc nuối tài sản mà ra”. Từ xưa đến nay trong và ngoài nước, chúng ta nghe được những sự việc như vậy quá nhiều rồi, nhìn thấy cũng rất nhiều. Đặc biệt là vào thời cận đại này, chúng ta hầu như ngày nào cũng đều nhìn thấy từ thông tin của báo chí, tạp chí.

“So với câu nói của Mạnh Tử: có khác gì so với chính mình ra tay giết đâu, thì ngữ ý giống nhau, đều là lời trực tiếp, thẳng thắn nhất. Nói đại lược về nguyên do của chuyện giết chóc oan uổng thì có bảy điều”. Việc giết người oan uổng có bảy thí dụ. Con người, đây là trong kinh Phật nói, mạng có thân mạng, có huệ mạng. Giết người, thông thường chỉ biết là đoạn thân mạng của người khác, còn có một loại khác là chướng ngại huệ mạng của người khác, đoạn huệ mạng của người khác, tội lỗi đó còn nặng hơn so với tội giết thân người. Đạo lý và sự thật này quả thật nếu không phải đại Thánh đại Hiền thì không thể nói ra. Giết thân mạng người, thông thường theo thế tục thì có cách nói như thế này: sau bốn mươi chín ngày họ lại đi đầu thai. Nếu họ bị người khác giết oan, phước lộc của họ vẫn chưa hết thì họ lại đầu thai vào cõi người, hai mươi năm sau lại là một trang hảo hán. Điều này là nói hiện tượng luân hồi nhân quả tuần hoàn, đây là sự thật, họ sẽ đến báo thù. Bạn xem lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, hình như ở phía cuối quyển sách nhỏ Cốc Hưởng Tập có ghi một đoạn công án, một câu chuyện: Có một người, con người này cũng có thể nói là tương đối có thiện căn, người này có thể nhớ được sự việc của đời trước. Ông bị Quốc Dân Đảng giết chết nên căm hận Quốc Dân Đảng. Quốc Dân Đảng vì sao lại giết ông? Vì ông làm thổ phỉ, bị họ bắt rồi xử bắn. Sau khi chết, ông lại đầu thai, cũng không đến nỗi tệ, lại đến cõi người, vào Đảng Cộng Sản và đi giết Quốc Dân Đảng, oan oan tương báo, giết đi giết lại không bao giờ ngừng dứt. Bạn giết người khác, người khác lại giết bạn. Đây là số ít những người có thể nhớ được sự việc của đời quá khứ. Hãy đem nghiệp nhân quả báo nói ra, gặp được người hiểu rõ khai thị cho họ, nói rõ cho họ, bản thân họ cũng tự suy nghĩ là sự việc này làm không được như pháp, không được đúng đắn. Thánh Hiền nhân dạy chúng ta hành vi chính đáng chính là “Oan gia nên giải không nên kết”, hà tất phải kết oán với người. Tận lực hóa giải oan kết, mọi người đều chung sống hòa bình, cùng nhau giúp đỡ hợp tác, điều này tốt biết bao. Hà tất phải đòi nợ trả nợ, lại muốn oan oan tương báo hay sao? Ân oán hết đời này đến đời khác chính là nhân tố đầu tiên trong quả báo luân hồi. Nói tóm lại, những điều này đều sanh khởi từ tham sân si mà ra, cho nên Phật gọi “tham sân si” là tam độc phiền não. Ba cái độc này nếu không tiêu trừ thì không những luân hồi vô tận kiếp mà vĩnh viễn không thể rời khỏi ba đường ác. Trong Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện nói rất hay, chúng ta thường xuyên đọc tụng, cần phải ghi nhớ. Bồ-tát từ bi độ chúng sanh trong đường ác, chỉ cần bạn có một mảy may thiện căn thì Bồ-tát đều giúp đỡ bạn siêu sanh, bạn lại được thân người, [nhưng] không bao lâu lại trở về đường ác, bạn không thể từ cõi người siêu sanh lên trên, mà xoay một vòng từ cõi người lại trở về ba đường ác. Hiện tượng và nhân quả này, chúng ta nhìn thấy rất rõ, chỉ cần bạn bình lặng quan sát một chút thì ở ngay xung quanh chúng ta, ở ngay trước mắt chúng ta, chúng ta có thể không cảnh giác sao? Không cảnh giác là ngu si, vẫn tùy thuận theo phiền não, vẫn tùy thuận theo tập khí, điều này trong kinh gọi là “kẻ đáng thương xót”, gọi là “nhất xiển đề”. “Nhất xiển đề”, “kẻ đáng thương xót” không phải nói người khác, trong kinh Phật từng câu từng chữ đều là nói chính chúng ta, chúng ta phải nên cảnh giác, phải nên giác ngộ. Ở chỗ này, trong chú giải lấy bảy thí dụ cho chúng ta.

Một là “xử án”, do pháp quan ăn hối lộ của người khi xử án, khiến cho kẻ khác bị oan khuất, giết oan người khác, đây là loại thứ nhất của việc giết oan người, từ xưa đến nay trong và ngoài nước đều có. Thứ hai là “hành sư”, “hành sư” có ý nghĩa gì vậy? Là hành quân, chữ “sư” ở đây có nghĩa là quân đội, khi hành quân đi chiến đấu đã buông lỏng cho quân lính thuộc hạ đi cướp bóc tài sản của người dân, vô cớ giết hại hòng mạo nhận chiến công. Những sự việc này trong lịch sử có rất nhiều. Cho nên chúng ta quan sát từ trên lịch sử, từ xưa đến nay người làm đại tướng có thể có con trai con gái tốt, có đời sau tốt quả thật là rất hiếm, nguyên nhân gì vậy? Là do lạm sát người vô tội, chỉ có người làm tướng hiểu rõ lý, đọc sách Thánh Hiền, yêu thương và bảo vệ người dân, điều này rất hiếm có thì thế hệ sau sẽ vô cùng tốt. Trong lịch sử Trung Quốc, nổi tiếng nhất chính là Quách Tử Nghi, là một vị tướng có học thức, thế hệ sau của ông rất tốt. Cho nên chúng ta tỉ mỉ quan sát trên lịch sử, phàm là người không yêu quý nhân mạng thì thế hệ sau của những tướng soái này đều vô cùng thê lương, thậm chí cũng không thể bảo toàn tính mạng cho chính mình, những sự việc này nhiều vô cùng. Thứ ba là “dùng thuốc”, điều này nói về thầy thuốc, ngày nay loại thầy thuốc này rất nhiều. Bệnh của bạn vốn rất đơn giản, rất dễ chữa khỏi, nhưng họ mong muốn kiếm được tiền nên cố tình không chữa cho bạn khỏi bệnh. Vì sao vậy? Vì bạn sẽ phải ngày ngày nhờ họ, ngày ngày đến nộp tiền khám bệnh cho họ. Cái tâm này rất xấu, giống như giết người, kéo dài bệnh tình của người, bệnh nhẹ kéo dài thành bệnh nặng, đến cuối cùng thì không thể chữa khỏi. Điều này là có ý giết người, còn nặng hơn so với tội vô ý giết người, mục đích chẳng qua là để có được tiền tài mà thôi. Thứ tư là “phá thai”, ngày nay gọi sự việc này là nạo phá thai. Nạo thai là giết người, tội lỗi cực nặng, người hiện nay không biết đạo lý này. Bạn xem Phật nói: Đứa trẻ này đầu thai vào nhà bạn là có bốn loại nhân duyên với nhà bạn. Có báo ân, nếu đến báo ân, bạn giết chết nó thì ân biến thành oán thù rồi, bạn nói xem có phiền phức hay không? Nếu đến để báo thù báo oán, vậy thì lập tức trở thành oán lại càng thêm oán, càng nặng thêm. Cho nên nhất quyết không được làm sự việc này, là tội nghiệp cực kỳ nặng. Đọc kinh Phật mới hiểu được sự đáng sợ của nghiệp nhân quả báo này. Người thế gian vì sao hiện nay lại làm việc này một cách phổ biến như vậy? Chúng tôi thường xuyên ngồi xe đi ra ngoài nhìn thấy trên thành xe có một dòng quảng cáo là: “Nạo hút thai giá một ngàn hai trăm đồng”, đây là quảng cáo của bác sĩ chuyên môn nạo hút thai cho khách hàng. Những bác sĩ này, nói hơi khó nghe thì chính là “đồ tể”, chuyên môn giết người, họ giết một người được bao nhiều tiền? Chỉ được một ngàn hai trăm đồng mà thôi, tội lỗi này rất kinh khủng, cuộc đời này bạn nợ bao nhiêu mạng người chứ? Lợi ích bạn có được là bao nhiêu mà lại đi làm việc ngu ngốc này! Thế gian có rất nhiều ngành nghề mưu sinh khác thì không làm, lại đi làm cái nghề này. Việc này gọi là giết người. Giết súc sanh thì càng không cần phải nói nữa, còn giết nhiều hơn. Súc sanh cũng là sinh mạng, bạn giết một mạng thì tương lai bạn phải trả nợ một mạng cho nó. Vì sao trên thế gian này lại có chiến tranh? Vì sao lại có máu đổ? Chẳng qua là quả báo của sát nghiệp. Phật nói rất hay: Nếu muốn thế gian vĩnh viễn tránh được kiếp nạn đao binh, kiếp đao binh chính là nạn chiến tranh, muốn vĩnh viễn tránh được nạn chiến tranh thì Phật nói một câu: “Trừ phi chúng sanh không ăn thịt nữa”. Nếu chúng sanh hoàn toàn đoạn tuyệt ăn thịt thì chiến tranh trên thế gian sẽ không còn nữa, sẽ thật sự có thể tránh được. Hay nói cách khác, bạn vẫn còn muốn ăn thịt chúng sanh thì bạn sẽ không thể tránh được tai họa của chiến tranh. Chúng ta học Phật, đặc biệt là niệm Phật, cầu mong ngay trong đời này vĩnh viễn thoát khỏi lục đạo luân hồi, vãnh sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, các bạn nghĩ xem vẫn có thể ăn thịt được nữa không? Tuy là trong kinh Phật không nói điều này nhưng bản thân chúng ta phải nghĩ đến, nếu vẫn còn ăn thịt thì nhất định là không như pháp. Hay nói cách khác, nếu bạn có thể đoạn dứt việc ăn thịt thì việc vãng sanh Tây Phương Cực Lạc sẽ có phần, nếu vẫn chưa thể đoạn dứt, miễn cưỡng mà nói “tôi ăn tam tịnh nhục” thì việc vãng sanh quả thật không chắc chắn, lý và sự đều phải rõ ràng, đều phải hiểu rõ. Thứ năm là “bọn sâu mọt trong nha môn, lường gạt tài sản, hãm hại, giấu diếm cấp trên, hoành hành ngược đãi”. Sự việc này Trung Quốc từ xưa đến nay đều có, trong thời kỳ kháng chiến, tôi đi học ở Quý Châu, người dân tộc thiểu số ở khu vực Tương Tây và Vân Quý nuôi trùng độc, dùng trùng độc hại người đa số là vì mưu tài hại mạng nên đã làm những việc này. Thứ sáu là “Phong thủy, chuyển dời phần mộ hại người, khiến cho người ta lâm vào cảnh tuyệt địa, vướng mắc tai họa”. Bạn xem thầy phong thủy thường là vì ham muốn tiền tài mà phá hoại phong thủy của người khác, dụng ý này bất thiện rồi. Đối với sự việc này, trong Kinh A Nan Vấn Sự Phật Cát Hung, Phật nói rất rõ ràng, nói rất minh bạch, Phật đã nói rõ nguyên cớ đạo lý của việc đó. Phong thủy theo cách nói hiện nay thì chính là hoàn cảnh sinh sống. Con người chúng ta có hoàn cảnh sinh sống, quỷ thần cũng có hoàn cảnh sinh sống, chúng ta phá hoại hoàn cảnh sinh sống của quỷ thần thì cũng tạo ra tai họa. Trong Giới Kinh, Phật nói với chúng ta: Cây cao hơn đầu người thì đều có thần cây. Thần cây là gì? Là do có một số linh quỷ nương dựa vào cái cây đó, nơi mà họ nương dựa vào thì chính là nhà của họ, họ ở tại nơi đó, không phải là cây thành tinh biến thành thần, mà là có quỷ thần cư ngụ tại chỗ đó. Cho nên Phật nói với các Tỳ-kheo, trước đây ở trên núi dựng lều tranh thì phải lấy vật liệu tại chỗ mà dựng lều, nên đương nhiên phải chặt cây. Khi chặt cây thì nhất định là trước ba ngày phải tế lễ, tụng kinh, chúc nguyện, mời họ chuyển nhà, thông báo trước với họ, muốn dùng nhà của họ để dựng lều tranh tu hành. Quan hệ giữa người và người phải xử lý cho tốt, quan hệ giữa người và quỷ thần cũng phải xử lý cho thật tốt, mời họ chuyển nhà, không phải là tùy ý có thể chặt phá. Ngày nay thiên tai nhân họa nhiều như vậy, rốt cuộc do đâu mà phát sinh? Không ai hiểu được, người ngày nay chỉ nói đến khoa học, khoa học vẫn chưa đạt đến trình độ này. Điều này cũng thuộc về việc giết người. Thứ bảy là “thầy dốt”, điều này gọi là giết huệ mạng người. Chữ “sư” ở đây có nghĩa là thầy, khiến cho người khác lỡ làng suốt đời, làm hại con em của người ta. Việc giết người này không giống như bình thường, một bên là giết thân mạng, một bên là giết huệ mạng. Tội lỗi như nhau. Kết luận phía sau nói: “Nếu không mắc phải nhân họa, ắt sẽ bị trời trừng phạt. Tuy nói là giết người khác, rốt cuộc sẽ là giết mình!” Đặc biệt là tội giết huệ mạng của người, điều này trong kinh Phật nói: Tội nghiệp này so với tội giết thân mạng không biết là nặng hơn bao nhiêu lần. Sự việc thế này, chúng tôi trước đây đã từng giảng Phát Khởi Bồ-tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh, các bạn đọc bộ kinh này rồi sẽ hiểu, liền biết được phá hoại người khác học Phật, chướng ngại người khác học Phật thì tội lỗi này nặng đến mức nào. Kinh vừa mở đầu, Phật lấy một thí dụ: Có hai vị Tỳ- kheo giảng kinh thuyết pháp, có một số người vì đố kỵ nên gây chướng ngại, tung tin đồn thất thiệt, khiến cho thính chúng mất đi lòng tin đối với hai vị Pháp sư này, nên đạo tràng giảng kinh này bị phá hoại. Người tạo tác tội nghiệp này, chúng ta thấy trên trong kinh nói là bị đọa địa ngục mười tám triệu năm, đây là thời gian nhân gian của chúng ta. Địa ngục và nhân gian có sự chênh lệch thời gian rất lớn. Cảm thọ trong địa ngục là vô lượng kiếp, cho nên có câu “sống một ngày bằng một năm”, hà tất phải tạo tác tội nghiệp này. Ý niệm vừa chuyển, tùy hỷ công đức, vậy thì phước báo của bạn sẽ là vô lượng vô biên. Tùy hỉ chính là quyết không có đố kỵ, quyết không có phá hoại mà là hoan hỉ tán than. Khuyên bảo người khác chịu khó học tập thì công đức này của bạn sẽ giống như công đức giảng kinh thuyết pháp vậy, quả báo thù thắng chẳng thể nghĩ bàn. Bạn xem có một câu nói rất hay là “họa” và “phước” đều ở tại một niệm, một niệm giác thì đời này chúng ta tu vô lượng vô biên phước báo, một niệm mê thì tạo vô lượng vô biên tội nghiệp. Phật Bồ-tát có ân đức như thế nào đối với chúng ta? Ân đức lớn như thế nào thì các bạn có thể thể hội được từ chỗ này. Đây là chư Phật thật sự cứu độ chúng ta, chúng ta cần phải cảm ân, dùng phương pháp gì để cảm ân? Đó chính là y giáo phụng hành, thật sự nghe hiểu rồi, tin tưởng rồi, chăm chỉ nỗ lực thực hiện. Điều này chính là báo ân Phật.


Các vị đồng học, xin mời mở Cảm Ứng Thiên ra đoạn thứ 121:

“Thủ phi nghĩa chi tài giả, thí như lậu bô cứu cơ, chậm tửu chỉ hạt. Phi bất tạm bão, tử diệc cập chi.” (Kẻ chiếm giữ tài sản phi nghĩa, thí như dùng thịt nhiễm độc để cứu đói, dùng rượu ngâm lông chim Trấm để khỏi khát, không những chẳng thể tạm no mà còn phải chết.)

Trong chú giải vừa mở đầu đã nói với chúng ta: “Đoạn này lại nói rõ sự tai hại do tham lợi. Do cái tâm ham lợi của người đời nặng nề, cho nên Thái Thượng Ngài chẳng kiêng nể dùng lời lẽ nặng nề, nhắc đi nhắc lại. Đức Thái Thượng lòng đau đáu, căn dặn nhiều lượt, tấm lòng tha thiết ấy đã đạt tới tột bậc”. Những lời nói này vô cùng khẩn thiết, từng câu chân thật. Giáo huấn của Thánh Hiền nhân, không ngại sự lặp lại. Không giống như văn học của thế gian, văn học xem trọng ở thẩm mỹ, tránh sự nhắc lại. Người Trung Quốc thời xưa yêu cầu đơn giản rõ ràng, thế nhưng Phật Bồ-tát là khuyến hóa chúng sanh, tập khí của chúng sanh vô cùng nặng, nhất định không thể dùng mấy câu nói, hay nói mấy lượt là có thể khiến cho họ quay đầu. Cho nên các Ngài tận lực khô hơi rát họng, không ngại nhắc lại căn dặn nhiều lần. Chúng ta nhìn thấy trong rất nhiều kinh Phật, trong một bộ Kinh Đại Bát Nhã mà hai câu “vô sở hữu” và “bất khả đắc” lặp lại mấy ngàn lần, khiến cho người đọc có ấn tượng sâu sắc. Tuy rằng Kinh Kim Cang không dài, chỉ có hơn năm ngàn chữ thế nhưng câu “thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói” đã lặp lại mấy mươi lần. Phàm là khai thị quan trọng thì Phật Bồ-tát luôn luôn không ngại nhắc đi nhắc lại. Tác phẩm Cảm Ứng Thiên này là do người Trung Quốc viết ra, những chỗ lặp lại không nhiều, không giống như kinh giáo của nhà Phật. Thế nhưng khi nói đến sự quan trọng của nghiệp nhân quả báo của “sát, đạo, dâm, vọng” thì vẫn nhắc lại vài lần. Ý nghĩa này, chúng ta cần phải thể hội một cách sâu sắc. Đặc biệt đối người trong xã hội hiện đại này, họ mê quá lâu rồi, sức mạnh mê hoặc của xã hội quá mạnh, nếu không phải là ngày ngày nhắc đi nhắc lại thì người không bị mê hoặc, không bị đọa lạc trong xã hội này nhất định là người tái lai, nhất định không phải là phàm phu. Phàm phu nhất định không làm được như vậy.

Tôi nghe một số đồng tu nói với tôi, ở Trung Quốc có rất nhiều Pháp sư trẻ tuổi có tài, có chí hướng học tập giảng kinh, phát nguyện hoằng pháp lợi sanh. Họ rất khó khăn mới có cơ hội đến Hồng Kông hay đi ra nước ngoài để học tập, thế nhưng chẳng bao lâu sau, nghe nói họ hoàn tục rồi, họ thối lui đọa lạc rồi. Nguyên nhân do đâu? Là do không kháng cự được sự mê hoặc của danh lợi bên ngoài, không kháng cự được sự mê hoặc của ngũ dục lục trần. Điều này thể hiện đầy đủ điều mà Phật pháp nói: Thời kỳ mạt pháp, pháp nhược ma cường. Thế nào là pháp nhược? Là năng lực học tập, tu dưỡng đối với Phật pháp của chúng ta quá yếu. Thế nào là ma cường? Là sức mạnh mê hoặc bên ngoài quá lớn, đây chính là ma cường. Phát tâm tốt như vậy nhưng không kháng cự được sự dụ hoặc, điều này từ xưa đến nay không có ngoại lệ. Xã hội thời xưa nhân tâm thuần phác, cũng có sức mạnh mê hoặc nhưng không lớn mạnh như hiện nay, người hơi có chút đạo tâm vẫn có thể giữ vững được ở trong hoàn cảnh đó. Bạn xem Tổ Sư Đại Đức xây dựng đạo tràng bồi dưỡng nhân tài vẫn phải đặt trong núi sâu, cắt đứt với thành thị và nông thôn. Chúng ta có thể tưởng tượng được sự khổ tâm của các Ngài. Sống ở trong núi sâu thì phương diện cung ứng vật chất đều không thuận tiện, đều phải cần nhân công vận chuyển. Đây là vì điều gì? Chúng ta hiện tại hiểu ra rồi, là cố gắng hết sức giảm thiểu ngoại duyên cho người sơ học, giảm thiểu sự dụ hoặc ở bên ngoài để khiến cho tâm của họ được định. Đến sau khi thật sự hiểu rõ thông đạt đối với nhân quả, sự lý của vũ trụ nhân sanh, có thể chịu đựng được sự khảo nghiệm, lúc này mới cho họ xuống núi, gánh vác sứ mạng giáo hóa chúng sanh. Nếu không có năng lực này, không có trí huệ này thì nhất định không thể rời khỏi chùa, nhất định không thể xa rời lão sư. Đây là đại ân đại đức của lão sư cùng với các bạn học trong đạo tràng đã cho chúng ta tăng thượng duyên tu học thù thắng nhất. Thời xưa có thể như thế, nhưng hiện nay khó rồi, hiện nay khó ở chỗ nào? Phong khí xã hội thay đổi rồi, trào lưu thay đổi rồi, ngày nay toàn thế giới đều ưa chuộng mở cửa tự do dân chủ. Trong Phật pháp có nói mở cửa tự do dân chủ hay không? Xin nói với các bạn là có nói. Đến khi nào nói mở cửa tự do dân chủ vậy? Là sau khi minh tâm kiến tánh. Cho nên thế giới Hoa Tạng, thế giới Cực Lạc, Nhất Chân pháp giới là mở cửa, là tự do, một mảy may hạn chế cũng không có. Thế nhưng dạy học trong thập pháp giới, trong lục đạo thì không được, vì những chúng sanh này chưa giác ngộ, nên cần phải nghiêm túc quản lí giáo dục, không nghe quản giáo nhất định không thể thành tựu. Đề xướng mở cửa tự do dân chủ, hiện nay là phong khí, nếu chúng ta phản đối thì điều này sẽ không hợp với trào lưu. Trên thực tế, việc phá hoại chánh pháp chính là cái khẩu hiệu này, nó đã phá hoại sự an định của xã hội, phá hoại hòa bình thế giới. Các bạn cần phải hết sức bình tĩnh mà tư duy, quan sát thì bạn mới có thể hiểu được. Con người khi chưa giác ngộ, vẫn là tự tư tự lợi, vẫn là danh văn lợi dưỡng, vẫn là tham sân si mạn. Đại Thánh đại Hiền thế xuất thế gian cho bạn sự tự do có giới hạn, mở cửa tự do dân chủ có giới hạn. Giống như trường học quản lý học sinh, các em học sinh vô tri, nên người quản giáo phải cần rất nghiêm khắc. Hay nói cách khác, mức độ mở cửa tự do dân chủ rất nhỏ. Lên đến trung học, tuổi của các em lớn dần, trí huệ dần dần mở ra thì mở cửa tự do dân chủ lại mở rộng thêm cho các em một chút nữa. Lên đến đại học thì các em có năng lực phân biệt chánh tà, đúng sai thì sự mở rộng này lại lớn hơn một chút nữa. Thánh Hiền nhân giáo hóa chúng sanh cũng là như vậy. Cho nên đến khi hoàn toàn mở cửa thì đó là Pháp Thân đại sĩ, kiến tư phiền não của bạn bị phá rồi, trần sa vô minh cũng đều bị phá rồi, như vậy mới có thể được. Nếu còn ở trong địa vị phàm phu mà mở cửa không hạn chế thì điều này sẽ chướng ngại sự tu học của chúng ta, nhất định sẽ tăng trưởng phiền não, không phải là tăng trưởng trí huệ, khiến cho tâm tự tư tự lợi, tâm tham sân si mạn ngày một tăng trưởng. Điều này là chướng đạo, phàm là chướng đạo thì đều là thủ đoạn mà ma làm hại chúng sanh, không phải là phương pháp mà Phật cứu độ chúng sanh, chúng ta cần thể hội từ chỗ này. Giáo huấn của Thánh Hiền nhân hoàn toàn không tương đồng cùng với văn học của người thế gian. Kinh Phật được phiên dịch ở Trung Quốc ít nhiều đều thuận theo thói quen của người Trung Quốc, đã giảm bớt không ít những chỗ lặp lại, làm đơn giản hóa. Cổ Đại Đức đã nghĩ đến việc này, vẫn giữ lại một phần trùng lặp, đây là những chỗ không thể không bảo tồn. Nếu hoàn toàn căn cứ vào tiêu chuẩn của Trung Quốc thì Phật pháp sẽ không độ được người Trung Quốc. Thế nên cách hành văn của kinh Phật trong lịch sử văn học gọi là “biền thể văn”, không phải là văn pháp chính quy của Trung Quốc mà là thuộc về “biền thể văn”. Thông thường mà nói thì văn Bạch Thoại sẽ dễ hiểu hơn so với cổ văn Trung Quốc. Nói tóm lại, hy vọng người khác vừa xem liền có thể hiểu rõ, đều có thể thọ dụng, điều này là trí huệ, thiện xảo, phương tiện của Pháp sư dịch kinh. Cho nên ở phần cuối của Thái Thượng Cảm Ứng Thiên lại đặc biệt nhắc lại “sát đạo dâm”, đây là lấy thí dụ để nói rõ, tạo tác “sát đạo dâm” có tội nghiệp cực nặng.

Thời xưa “phù” có nghĩa là thịt khô, “lậu” là hư hỏng, thối rữa, người ngày nay nói trong thịt này có vi khuẩn, không thể ăn được. “Trấm tửu”, mọi người đều biết đây là rượu độc. Bạn đói, bạn khát, bạn dùng những thứ này làm thức ăn thức uống thì không những chẳng thể “tạm no, mà còn phải chết”. Trong chú giải nói: “Những tội như dâm, sát, hung ác, phản nghịch v.v. người đời chẳng dễ làm, mà hạng người như vậy cũng chẳng thấy nhiều”. Đó là những điều người thời xưa nói, người ngày nay những chuyện như “dâm, sát, hung ác, phản nghịch”, “phản nghịch” ở đây có nghĩa là làm trái với luân thường. Ngày nay ở thế gian này, chúng ta thường nghe thấy, con cái giết cha mẹ, anh em tàn sát lẫn nhau, bạn bè tàn sát lẫn nhau, những việc như thế rất thường gặp. Trước đây không dễ gì thực hiện, không dễ nhìn thấy, nhưng ngày nay rất dễ nghe thấy, chúng ta thường thấy trên báo chí, bạn nói xem xã hội này có đáng sợ hay không?

“Chỉ riêng phương cách để chiếm đoạt tài sản của người khác là thiên biến vạn hóa, chẳng thể nói trọn hết được”, việc chiếm giữ tài sản phi nghĩa thì thời xưa cũng thường xuyên gặp phải. “Trong thiên hạ, không có ngày nào chẳng dùng đến tiền tài, cho nên trong thiên hạ, chẳng có ai không lấy tiền tài”. “Bất nghĩa” có nghĩa là không nên chiếm giữ, là bạn không xứng đáng có được, mà toàn dùng rất nhiều thủ đoạn không chính đáng để giành lấy, họ không biết được hậu quả tai họa rất lớn, họ không suy nghĩ đến việc này. Trong kinh Phật nói với chúng ta: nhân quả thông ba đời. Nợ mạng nhất định phải trả mạng, nợ tiền nhất định phải trả tiền, không trốn tránh được, hà tất phải gánh cái nợ của kiếp sau, đây là việc làm không có trí huệ nhất, là việc làm ngu xuẩn nhất. Có người nói với tôi: hôm nay trên báo chí nói việc Hàn Quốc giết mấy chục vạn con bò, sát sinh là phải đền mạng. Mấy mươi vạn con bò này chẳng lẽ không có tâm báo thù hay sao? Nếu chúng đến báo thù thì bạn làm sao có thể gánh vác nổi chứ? Trong kinh Phật nói: những kiếp nạn do sát sinh chiêu cảm chính là đao binh kiếp, là chiến tranh. Vì sao mà có chiến tranh? Là do oan oan tương báo. Làm thế nào để hóa giải? Dùng tâm từ bi mà hóa giải. Những con bò này, những gia súc mà bạn nuôi bị bệnh rồi là đều thuộc về nghiệp báo, vì sao chúng lại sanh bệnh? Là do tâm tham của con người khiến cho chúng sanh bệnh. Người Trung Quốc thời xưa nói rất hay: bệnh từ miệng vào. Thức ăn mà các bạn cho gia súc ăn là những gì? Ngày nay là chăn nuôi bằng hóa học nhân tạo, cho nên thức ăn gia súc ăn không hợp vệ sinh, bệnh của chúng là do bạn gây ra, bạn khiến cho chúng sanh bệnh, bạn không chữa trị cho chúng mà ngược lại giết hết chúng, tâm oán hận này của chúng làm sao có thể giải tỏa được đây? Cho nên nghĩ đến những điều này thì biết hậu quả thật đáng sợ, không dám làm những sự việc thế này. Người hơi hiểu lý một chút thì nhất định không dám làm, gặp phải tình hình này, người thông tình đạt lý nhất quyết không dùng thủ đoạn này để xử lý mà nên nghiên cứu cải tiến thức ăn của gia súc. Từ chính phủ cho đến người dân đều cần phải tu tâm từ bi, đây là điều mà trong Phật pháp nói đến. Trong mắt người thế gian hiện nay, Phật pháp là tôn giáo, là mê tín, hoàn toàn không thể chấp nhận, như vậy thì không còn cách nào rồi. Chúng ta cần phải quan sát từ những điều rất nhỏ bé, trong bếp những gia đình thông thường của chúng ta đều có những động vật nhỏ thường xuyên xuất hiện như ruồi nhặng, kiến, gián. Người không hiểu Phật pháp dùng thuốc xịt côn trùng để đối phó với những động vật nhỏ này, giết chết tiêu diệt chúng, thế nhưng vẫn thường có côn trùng. Người học Phật sử dụng phương pháp khác, nhất định là không giết chúng, nhất định dùng tâm từ bi đối đãi với chúng thì ngược lại qua một thời gian tự nhiên không còn côn trùng nữa. Chúng có linh tánh, chúng sẽ bị cảm động, bạn đối xử với chúng tốt, chúng sẽ không đến quấy rối bạn. Bạn đối với chúng không tốt, khinh mạn và giết hại chúng, chúng chưa có năng lực để báo thù nhưng đến lúc có năng lực rồi thì chúng nhất định đến báo thù. Cho nên cần phải nghiêm khắc thọ trì việc không sát sanh.

Không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, đây là bốn trọng giới của nhà Phật, bốn giới này là giới căn bản, nhất định phải thọ trì. Lấy tâm trì giới, lấy ý niệm trì giới để tu thập thiện nghiệp đạo thì thập thiện này mới có thể tu được viên mãn.

Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi xin giảng đến đây. A Di Đà Phật!