Các vị đồng học! Xin chào mọi người.
Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 105:
“Cốt nhục phẫn tranh. Nam bất trung lương. Nữ bất nhu thuận.” (Ruột thịt giận dữ, tranh chấp. Trai không trung lương. Gái chẳng nhu thuận)
Ngày hôm qua chúng ta đã đọc qua câu này. Chúng ta nhìn thấy mười mấy chữ này rồi suy nghĩ đến hoàn cảnh hiện tại của chúng ta. Vì sao lại có nhiều tai nạn đến như vậy? Nguyên nhân căn bản thì mười mấy chữ này đã nói rõ ràng minh bạch rồi. Nếu không thể chuyển đổi tâm hạnh của chúng ta thì khổ nạn nhất định là tăng chứ không giảm, nhất định không có ngày chuyển biến tốt. Có lẽ sẽ có đồng tu hỏi: “Tôi có thể sửa sai nhưng người khác thì không thể, vậy thì có tác dụng gì?”. Ý niệm này vẫn là chưa giác ngộ, cũng không phải là người thông minh. Mọi người đều tranh nhau đi về hai con đường là địa ngục và ngạ quỷ, mọi người đều đi như vậy thì tôi chỉ còn có cách đi theo thôi. Đây chẳng phải là người ngu si hay sao? Mọi người đều đi vào địa ngục, còn ta có thể giác ngộ, quay đầu lại đi về hướng Bồ-tát đạo, đây là may mắn biết bao. Thế nên chúng ta ngày nay, bất luận là người khác có thể sửa đổi hay không, chúng ta phải từ nơi chính mình mà bắt đầu sửa đổi. Bản thân chúng ta có thể sửa lỗi, sửa đổi triệt để thì chính là “tự độ độ tha” mà trong Phật pháp đã nói.
Chúng ta không nên cho rằng ta và người không có liên quan gì. Có quan hệ mật thiết rất lớn! Chúng ta ngày ngày niệm kệ hồi hướng “Nhược hữu kiến văn dã, tức phát Bồ-đề tâm” (Nếu có người thấy nghe, đều phát tâm Bồ-đề). Có “kiến” có “văn”, trong số những người như vậy cũng sẽ có 1-2 người sau khi nghe thấy rồi thì họ phát Bồ-đề tâm. Phát Bồ-đề tâm thì sẽ sửa lỗi đổi mới, sẽ tạo ra sự ảnh hưởng đối với xã hội. Đặc biệt là đối với những thiên địa quỷ thần mà mắt thịt của chúng ta không thể nhìn thấy, quỷ thần nhìn thấy được thì cũng tán thán. Ác thần nhìn thấy vẫn là tán thán, bạn thật hiếm có. Cho nên ngày nay sự việc cấp bách nhất chính là phân biệt rõ lẽ đúng sai, chấm dứt tranh luận. Đây là tùy bệnh cho thuốc đối với xã hội hiện nay của chúng ta.
Hôm nay cư sĩ Lý Mộc Nguyên đã đưa cho tôi xem một quyển sách nhỏ tên là Sư Tử Hống. Trong đó có không ít bài văn, đều là những bài phê bình một cách nghiêm khắc đối với bản hội tập của lão cư sĩ Hạ Liên Cư. Quyển sách đó của họ tôi nghe nói đã được gửi đến rất nhiều tòa soạn báo và tạp chí, yêu cầu họ cho đăng tải. Tạp chí cũng đăng tải rồi và trách tôi đã tuyên dương bản hội tập này. Tôi tuyên dương bản hội tập này cũng có điểm tốt. Tôi tôn sư trọng đạo. Lão sư của tôi dạy tôi học quyển sách này, dạy tôi tuyên dương quyển sách này. Tôi có lòng tin đối với lão sư. Nếu tôi làm sai, đọa địa ngục thì điều thứ nhất đó là có thể làm tấm gương cho xã hội đại chúng, cả một đời không trái nghịch với lão sư. Hành nghi cả một đời của lão sư tôi đều nhìn thấy, tôi kính phục, tôi bội phục đến năm vóc sát đất. Hành nghi cả một đời của lão sư Ngài bất luận là đạo đức văn chương hoặc là sự tu trì, cho đến việc hoằng pháp hộ pháp thì rất nhiều người xuất gia đều không sánh bằng. Cho nên ngày nay dù người trong thiên hạ đều chỉ trích tôi thì tôi cũng không thay đổi. Nếu tôi thay đổi thì tôi chính là nghịch thầy phản đạo, tôi sai rồi. Các vị có thể phê bình, các vị có thể sỉ nhục hủy báng, tôi thì không thể. Bởi vì các vị không phải là học trò của Ngài, tôi là học trò của Ngài. Con thì không thể nói lỗi của cha. Học trò thì không thể nói lỗi của lão sư. Tôi có thể làm tấm gương tốt như vậy, tôi nghĩ cũng là đủ rồi. Cho dù đọa địa ngục tôi cũng hoan hỷ. Tôi hy vọng tất cả mọi người trên thế giới đều biết hiếu thân, đều biết tôn sư, diệt trừ sự phân tranh. Thế nên người khác đối với tôi như thế nào thì tôi cũng không đáp lại một câu. Người khác đánh tôi, tôi không đánh trả lại. Mắng tôi, tôi cũng không mắng lại. Tôi không có học vấn, không có trí huệ, không có đức hạnh, những điều mà lão sư dạy tôi, tôi cả đời phụng hành, tôi nhất định cả đời không trái nghịch.
Nhẫn nhường là điều quan trọng. Trong một sự việc, lý sự nhân quả sâu rộng vô bờ. Chúng ta có thể nhìn rõ ràng hay không? Phật ở trong kinh giáo vẫn luôn nói với chúng ta: Phật không có định pháp để nói. Phật thuyết pháp chỉ nắm lấy một nguyên tắc là trị bệnh của chúng sanh. Chúng sanh có tật bệnh gì thì sẽ dùng phương pháp đó để đối trị. Bệnh của chúng sanh mỗi thời đại đều không như nhau. Tổ sư Đại đức đời đời truyền thừa, các Ngài có trí huệ, các Ngài hiểu được hiện trạng trước mắt làm thế nào để y theo những nguyên lý nguyên tắc mà Phật-đà đã nói mà vận dụng linh hoạt, có phương pháp khéo léo. Đây gọi là phương tiện thiện xảo. Nếu không thì phương tiện thiện xảo phải giảng như thế nào đây? Thời đại triều Tống, việc cư sĩ Vương Long Thư hội tập chính là phương tiện thiện xảo. Vào thời đó số lượng các thư tịch được lưu thông rất ít. Vào triều Tống thì vẫn là dùng tay để chép lại, chưa có in ấn. Một người mà muốn trong một đời có thể đọc được hết năm loại bản dịch thì dường như là điều không thể. Ngài Vương Long Thư với thân phận, địa vị và tài phú như vậy mà cũng không cách nào thu thập được hết toàn bộ. Trong năm loại bản dịch gốc thì Ngài chỉ xem được bốn bản. Sự gian khó này có thể tưởng tượng mà biết được. Ngài là dùng tâm gì để hội tập thì chúng ta phải có thể thể hội được. Cư sĩ Long Thư đã đứng mà vãng sanh. Nếu Ngài có tội thì sao Ngài có thể vãng sanh được? Ngài làm sao có thể biết trước ngày giờ vãng sanh? Ngài làm sao có thể sinh tử tự tại được? Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói với tôi, sự tranh luận đối với bản hội tập vẫn còn vài năm. Lão cư sĩ Hạ Liên Cư khi vãng sanh đã nói rằng sự tranh luận này đại khái có thể phải đến năm 2004, Ngài nói là đến cuối năm Thân thì tất cả yêu ma quỷ quái dần dần biến mất trên thế gian, chánh pháp cũng dần dần phục hưng trở lại. Thời đại này là pháp nhược ma cường. Đệ tử Phật rất đáng thương, phải chịu hết thảy sự sỉ nhục, lãnh nhận hết thảy tai nạn. Chỉ cần có lòng tin kiên cường không lay chuyển thì chúng ta có thể truyền lại ngọn lửa này. Bản hội tập Kinh Vô Lượng Thọ này thực tại mà nói chúng tôi vô cùng hoan hỉ. Ngày nay lưu thông nó trên toàn thế giới, chúng tôi đã thống kê sơ lược về số lượng thì đại khái cũng có khoảng 10 triệu quyển. Đây là lượng lưu thông trong 10 năm, 10 triệu quyển kinh đã được lưu thông trên toàn thế giới. Tôi nghĩ nếu ma có pháp lực thần thông lớn hơn đi nữa, muốn tiêu diệt những kinh này thì thật sự không phải là một việc dễ dàng. Huống hồ còn có Tam bảo gia trì, Long Thiên bảo hộ. Chúng tôi rất có lòng tin.
Ngày nay chúng tôi xử thế, chúng tôi giảng kinh thuyết pháp, tổng tiêu đề luôn là “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”. Ý nghĩa của hai câu này chính là yêu cầu tâm hạnh của chúng ta phải làm một tấm gương tốt đối với xã hội đại chúng. Ngày nay xã hội đại chúng cạnh tranh, không từ một thủ đoạn nào để cạnh tranh. Vậy chúng ta phải làm như thế nào? Nhẫn nhường. Không nhớ đến lỗi lầm cũ, không oán ghét người ác. Chúng ta phải thực hiện điều này. Người hủy báng chúng ta, sỉ nhục chúng ta, hãm hại chúng ta, chúng ta tôn kính họ. Nhất định không có mảy may oán hận, nếu có một mảy may oán hận thì chúng ta không phải là học trò của Thế Tôn. Ở trong thuận cảnh không khởi tham ái, trong nghịch cảnh không khởi sân hận. Luôn luôn giữ gìn tâm thanh tịnh, bình đẳng, giác của mình. Dùng chân thành, từ bi để xử sự đối người tiếp vật. Đây là Phật dạy chúng ta. Chúng ta phải học tập.
Thế nào là “trung lương”? Thế nào là “nhu thuận”? Chúng ta hãy xem chữ “Trung” này, đây là một chữ hội ý. Chữ “tâm” phải nằm ở giữa, không thể lệch, lệch thì là tà rồi. Cho nên “trung” và “thành” là cùng một ý nghĩa, phải đem tâm đặt ở chính giữa. Nhà Phật nói về đệ nhất nghĩa trung đạo, nhà Nho thì nói về “trung dung”. Không được có mảy may thiên lệch tà vạy. Thế nào là tà vạy? Trong thuận cảnh nếu bạn hoan hỉ thì tâm của bạn lệch rồi, tà rồi. Trong nghịch cảnh nếu bạn sanh phiền não, bạn sanh sân nhuế thì tâm của bạn cũng lệch, cũng tà. Bạn ở chỗ này mà thể hội. Thế nào gọi là “trung”? Trung chính là “Nhất tâm bất loạn” mà trên Kinh Di Đà đã nói. Nhất tâm thì chính là trung, nhị tâm thì không trung, nhị tâm là lệch rồi. Ai có thể làm đến được “trung” vậy? Trong Kinh Hoa Nghiêm, đó là một tiêu chuẩn, Pháp thân Đại sĩ lìa vọng tưởng phân biệt chấp trước thì tâm bạn mới trung. Bạn có phân biệt chấp trước thì cái trung này liền không còn. “Lương” là thiện lương. Thực hiện trung ở trên hình tướng thì là thiện lương. Ý này chúng ta phải hiểu. Còn “nhu thuận” thì “nhu” là nhu hòa. Bạn xem thế giới ngày nay nói đến “người phụ nữ mạnh mẽ”, thật là khó nghe. Họ rất cang cường mạnh mẽ, thật khiến người ta phải e sợ. “Thuận” là gì? Tùy thuận tánh đức. Cách nói này thì tiêu chuẩn cao quá, phàm phu chúng ta làm không được. Chúng tôi đem tiêu chuẩn hạ thấp xuống. Tùy thuận sự giáo huấn của Thánh Hiền thế xuất thế gian, việc này thì chúng ta có thể làm được. Thánh Hiền thế xuất thế gian khi giữ tâm và hành sự thì các Ngài đều tùy thuận tánh đức, đều là lưu lộ ra từ trong tự tánh. Đặc biệt Thích-ca Mâu-ni Phật đã thị hiện cho chúng ta xem, đó là tánh đức viên mãn hiển lộ ra. Thánh Hiền thế xuất thế gian đã làm ra tấm gương cho chúng ta. Khổng lão Phu tử thị hiện cho chúng ta ngũ đức: ôn lương cung kiệm nhượng, chúng ta phải ghi nhớ, phải học tập. “Ôn” chính là “nhu”. Ôn nhu, thiện lương, cung kính, nhẫn nhường, tiết kiệm. Đây là ngũ đức của Phu tử, chúng ta phải nên học tập. Hai chữ “nhu thuận” này đều nằm ở trong ngũ đức, ý nghĩa của chữ chúng ta phải hiểu rõ.
Nam nữ kết thành vợ chồng, không phải là sự việc của riêng hai người các vị. Là sự nghiệp Bồ-tát, là sự nghiệp giáo hóa chúng sanh, làm mô phạm cho tất cả những cặp vợ chồng, tất cả những gia đình ở thế gian này, là sự việc như vậy. Nếu bạn hiểu sự việc này thì hết thảy chúng sanh được độ, hết thảy chúng sanh đều lìa khổ được vui. Đây là công đức lợi ích mà cặp vợ chồng Bồ-tát tu được. Họ là hành Bồ-tát đạo, đến để thị hiện độ chúng sanh, làm tấm gương tốt cho người thế gian. Đây gọi là tại gia học Phật. Nếu không hiểu đạo lý này vậy thì việc học Phật của chúng ta chẳng phải là uổng công rồi sao. Thậm chí tôi còn nghe có một số đồng tu học Phật, khi chưa học Phật thì không sao, sau khi học Phật rồi thì gia đình bất hòa, ngày ngày cãi nhau. Họ còn tự cho rằng chính mình đã tu không tệ, tu rất tốt, người còn lại trong nhà không học Phật đều sẽ đọa lạc, tương lai sẽ đọa vào tam đồ. Đây là việc hoàn toàn hiểu lầm đối với Phật pháp. Ở trong Kệ Khai Kinh nói: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, bạn biết được việc này khó biết bao. Họ đã hiểu sai ý của Phật. Trong kinh giáo Phật thường nói “Bồ-tát ở nơi nào cũng đều khiến cho hết thảy chúng sanh sanh tâm hoan hỉ”. Còn vị Bồ-tát học Phật này ở trong gia đình mình lại khiến cho cả nhà sanh phiền não. Vậy họ đã học Phật như thế nào? Nếu họ thực sự là người học Phật, trong gia đình có một người học Phật thì cả nhà đều hòa thuận vui vẻ, đây mới là như pháp. Vì sao cả nhà hòa thuận vui vẻ? Vì có lục hòa kính. Chúng ta hãy xem ngày nay, những gia đình học Phật, những tự viện học Phật, các đạo tràng của cư sĩ học Phật, tương tự như là Cư Sĩ Lâm hay các Liên Xã, chúng ta tỉ mỉ mà quan sát, có đạo tràng nào hòa thuận vui vẻ không? Đạo tràng ở nơi đây thì đại chúng hòa hợp êm thấm. Hòa khí thì nhất định sẽ hưng vượng. Trong làm ăn buôn bán thì nói “hòa khí sinh tài”, “gia hòa vạn sự hưng”. Có một người chân thật tu thì người đó sẽ lấy thân mình làm gương. Tự mình làm điển hình, làm tấm gương, nhất định có thể cảm hóa được người cả nhà. Nếu bạn không tin bạn có thể đọc các sách xưa. Vua Thuấn làm thế nào có thể cảm hóa cả nhà vậy? Gia đình của Ngài là khó cảm hóa nhất, không dễ gì cảm hóa nhất mà Ngài lại có thể cảm hóa. Nguyên nhân là gì? Chân thành, từ bi, trí huệ. Bạn chỉ cần có ba điều kiện này thì không ai mà không thể cảm hóa. Nếu không thể cảm hóa thì trong ba điều này ta đã bị thiếu rồi, ta làm chưa đủ, làm chưa đủ tốt. Nếu quả nhiên có thể làm được viên mãn thì làm gì có chuyện không thể cảm hóa được. Cho nên chúng ta phải chăm chỉ nỗ lực, y giáo phụng hành, phải làm được. Người nam phải làm được trung lương, người nữ phải làm được nhu thuận. Xử sự đối người tiếp vật nhất định phải học nhẫn nhường, nhất định không tranh.
Các vị đồng học. Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 106.
“Bất hòa kỳ thất. Bất kính kỳ phu.” (Bất hòa với vợ chẳng kính trọng chồng). Hai câu này là nói về vợ chồng. Vợ chồng là nhân luân căn bản. Mấy ngàn năm qua giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền đã đem vấn đề này làm thành việc trọng tâm. Giáo huấn của nhà Phật, nhà Nho trong lúc giảng chúng tôi cũng thường hay nhắc đến. Các Ngài dạy bảo chúng ta trên thực tế chỉ có ba việc chính. Thứ nhất là để chúng ta hiểu rõ được mối quan hệ giữa người với người. Đây chính là giáo dục luân lý. Sự việc thứ hai là dạy chúng ta hiểu rõ mối quan hệ giữa người với hoàn cảnh tự nhiên. Cũng chính là chúng ta đối diện với cuộc sống xã hội hiện thực. Việc thứ ba là dạy chúng ta hiểu rõ mối quan hệ giữa người với thiên địa quỷ thần. Mối quan hệ với cả vũ trụ. Hiểu rõ thấu triệt những việc này rồi thì đây là trí huệ chân thật. Trong nhà Phật gọi là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Trong những mối quan hệ này, thì hạt nhân thật sự nằm ở vợ chồng. Cho nên trong giáo dục luân lý luân thường cho rằng vợ chồng cùng nhau sống chung trong một gian phòng, đây là phạm vi nhỏ nhất. Bên ngoài gian phòng thì là gia đình. Trong gia đình thì trên có cha mẹ, dưới có con cái, ngang hàng thì có anh chị em, đây là gia đình. Bên ngoài gia đình là xã hội, là quốc gia. Quốc gia thì trên có người lãnh đạo, có người lãnh đạo và người được lãnh đạo. Ngang hàng thì có bằng hữu, có đồng học. Đây là năm giềng mối trong xã hội. Dùng lời của người hiện nay mà nói thì hoàn toàn tự nhiên là đa nguyên văn hóa. Tuyệt đối không phải là một đơn nguyên văn hóa mà là đa nguyên. Nếu hạt nhân làm không tốt, vợ chồng bất hòa thì gia đình này có thể hòa thuận hay không, xã hội còn có thể an định không, quốc gia còn có thể thái bình không? Hết thảy đều không thể nói đến. Cho nên cái gốc của cát hung họa phước là ở đâu? Là ở trong nhà của bạn. Biết được đạo lý này thì mới hiểu được vào thời xưa nam nữ kết hôn, hôn lễ vì sao lại long trọng đến như vậy, vì sao lại rườm rà đến như vậy? Không gì ngoài việc biểu thị đây là sự việc trọng đại của cuộc đời. Cuộc đời này kết hôn không phải là chuyện riêng của hai người các bạn, mà là một việc lớn của cả nhân loại. Các vị thử suy nghĩ xem, sự hưng suy của cả gia đình, sự an nguy của xã hội, sự hưng vong của quốc gia, hòa bình và động loạn của cả thế giới thì cái gốc là ở chỗ này. Đây gọi là đại sự. Chúng ta lại xem xã hội ngày nay, ở Trung Quốc hay nước nào thì cái gốc này cũng không còn nữa rồi. Ngay cả gốc cũng nhổ mất rồi, nếu muốn xã hội không động loạn thì đây là việc không thể nào. Người xưa nói là “Gia bất gia, tắc quốc bất quốc”. Nhà không giống nhà thì nước cũng không giống nước nữa rồi. Gia đình như thế nào thì giống một gia đình vậy? Vợ chồng phải hòa thuận. Cho nên ngày trước cho dù vợ chồng có tranh luận hoặc là có việc gì đó không vui thì họ đều nghĩ đến những ảnh hưởng này sẽ rất lớn, sẽ ảnh hưởng đến sự an nguy của cả xã hội, ảnh hưởng đến họa phước của hết thảy chúng sanh. Nghĩ đến điều này thì tâm bình khí hòa, chính là cái gì cũng có thể nhẫn, cái gì cũng đều có thể nhường. Đôi bên đều có thể nhẫn, đôi bên đều có thể nhường một bước thì gia đình này liền hòa thuận.
Ngày nay đạo lý này không có người giảng, cũng không còn nghe thấy. Xã hội ngày xưa, một thế kỷ trước, cha mẹ vẫn còn dùng những đạo lý này để dạy bảo con cái. Lão sư cũng dùng đạo lý này để giảng dạy cho học trò nghe. Chúng tôi từ nhỏ vẫn còn nghe được điều này. Thế nhưng những người nhỏ hơn tôi năm tuổi thì đại khái là không được nghe nữa rồi. Người lớn hơn tôi năm tuổi thì được nghe nhiều hơn tôi, ấn tượng sâu sắc hơn tôi. Hàn Quán Trưởng của chúng ta lớn hơn tôi năm tuổi, đối với những đạo lý này bà được nghe nhiều hơn tôi. Biết được căn bản làm người, đây là luân thường đại đạo, là nền giáo học thời xưa. Có thể nói là mãi cho đến những năm cuối triều Thanh, đến thời Dân Quốc thì mới bắt đầu xem nhẹ sự việc này. Nửa thế kỷ gần đây không có người nào đề xướng vấn đề này nữa. Trong mắt họ chỉ chú trọng khoa học kỹ thuật, công thương nghiệp, làm thế nào để được giàu nhất, trên dưới đều tranh lợi. Người ở chức vị nhỏ hơn thì nhìn người ở chức vị lớn hơn, liền học tập, liền noi theo. Cho nên ngày nay người trên toàn thế giới đều đang tranh danh đoạt lợi. Việc này làm sao được chứ? Thế giới này còn có thể ở được sao?
Chúng ta có thể nói là bất hạnh nên mới sinh vào thời đại này, phải nhận chịu hết mọi sự giày vò. Nhưng cũng có thể nói là chúng ta may mắn mới được sinh vào thời đại này. Tận tâm tận lực vì chánh pháp làm một chút việc tốt, rốt cuộc có thể làm được bao nhiêu thì không cần phải để ý, “chỉ lo việc cày bừa không cần lo việc thu hoạch”. Thậm chí như cổ Thánh tiên Hiền đã nói: “Biết không thể làm mà vẫn cứ làm”. Đây là Bồ-tát, đây là đại từ đại bi, đây chân thật là sự nghiệp cứu thế. Cho dù chúng ta trong đời hiện tại không nhìn thấy được quả báo thì quả báo của chúng ta là ở trong đời sau, là ở kiếp sau. Việc cày bừa gieo cấy này cũng như Phật đã nói là “trồng xuống hạt giống Bồ-đề cho chúng sanh”. Hạt giống này sẽ không bị tiêu mất ở trong A-lại-da thức của họ. Sau khi họ thọ nhận hết khổ nạn, nghiệp chướng được tiêu trừ rồi thì hạt giống thiện căn này sẽ phát triển. Ngạn ngữ thường nói “phong thủy xoay vòng”. Đây là đại phong thủy, đại chuyển biến. Người thông thường hay nói là 1000 năm chuyển biến một lần. Người Trung Quốc nói 30 năm chuyển biến một lần, đó là chuyển biến nhỏ. Thế kỷ này là đại thế kỷ, đây là một sự đại chuyển biến. Chúng ta may mắn có được thân người, được nghe Phật pháp, còn có thể được nghe đạo lý này. Đây là một việc thật hiếm có, thật không dễ dàng.
Trong phần chú giải đoạn vừa mở đầu nói: “Vợ chồng hòa thuận, sau đó gia đạo sẽ hưng thịnh”. Câu nói này là chân lý vĩnh hằng bất biến. Đạo lý này dùng vào bất kỳ chỗ nào cũng đều chính xác, đều chuẩn xác. Trong đoàn thể nhỏ mà trên dưới đều có thể hòa mục thì đoàn thể này hưng vượng rồi. Rất nhiều đồng tham đạo hữu của chúng ta từ các nơi trên thế giới đến Singapore này tham học, nhìn thấy Cư Sĩ Lâm, các vị xem có nhiều người như vậy mà trên dưới đều hòa mục vui vẻ, không có tranh luận, không có cãi vã, không đánh nhau, thật đáng ngưỡng mộ. Họ đều hướng về Lý hội trưởng thỉnh giáo: “Các vị làm sao có thể được tốt như vậy?”. Việc này đáng để chúng ta sâu sắc suy nghĩ, đáng để chúng ta phản tỉnh. Có thể làm được đến thành tích này có hai nhân tố. Người làm lãnh đạo đại công vô tư. Đây là một nhân tố quan trọng. Nhân tố thứ hai là đạo tràng này ngày ngày đều giảng kinh. Mọi người không thể hiểu những đạo lý sâu sắc nhưng những đạo lý nông cạn này thì có thể hiểu. Hai nhân tố này vô cùng quan trọng.
Con người mà có tư tâm thì nghiệp xấu ác sẽ sanh, thói hư tật xấu gì cũng đều sanh ra. Con người mà không hiếu học thì nhất định là từ sáng đến tối đều khởi vọng tưởng. Mỗi người khởi vọng tưởng đều không như nhau, có sự tranh luận thì sẽ có mâu thuẫn, sẽ có xung đột. Làm sao có thể chung sống hòa mục? Chúng ta là phàm phu, mỗi ngày đọc kinh nghiên cứu thảo luận, mục đích thiển cận nhất chính là xây dựng nhận thức chung, tiêu trừ vọng tưởng tạp niệm của chúng ta. Sau khi dần dần thâm nhập thì tự nhiên sẽ có thể buông bỏ được vọng tưởng phân biệt chấp trước của chính mình, tùy thuận theo giáo huấn của Phật Bồ-tát. Xây dựng nhận thức chung như vậy thì đoàn thể này mới có thể chung sống hòa mục. Chúng tôi đã làm đủ hay chưa? Vẫn làm chưa đủ, chỉ là tốt hơn so với những nơi khác một chút. Thế nhưng nếu so sánh chúng tôi với cổ Đại đức thì chúng tôi vẫn còn kém quá xa. Danh văn lợi dưỡng ngũ dục lục trần phải buông bỏ triệt để. Tứ chúng đồng tu chúng ta đều phải ghi nhớ, sau khi buông bỏ thì tiền đồ là một mảng quang minh, tâm địa tự nhiên sẽ được thanh tịnh tự tại, thường sanh trí huệ, không sanh phiền não. Nếu có một mảy may tự tư tự lợi thì bạn không cách nào không đọa lạc. Đọa lạc vào đâu vậy? Đọa lạc vào trong phiền não âu lo. Những thứ này chướng ngại trí huệ của bạn, chướng ngại phước đức nhân duyên của bạn. Ở trong kinh Phật thường nói [như vậy] là thiện căn, phước đức, nhân duyên đều không có.
Cho nên đại đạo lý của câu kinh văn này, những sự lợi hại, chúng ta phải sâu sắc mà suy nghĩ, phải bình tâm mà lĩnh hội. Người xưa vợ chồng cả một đời trọng nhau như khách. Giáo dục gia đình quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Một đứa trẻ từ lúc sinh ra cho đến sáu tuổi, bảy tuổi tiếp nhận sự giáo dục của cha mẹ. Sự giáo dục này là gốc. Sau sáu tuổi, bảy tuổi thì lại thân cận với thầy. Thầy lại từ cái gốc này mà giúp họ vun bồi hơn, khai hoa kết quả. Ngày nay dù thầy có tốt đến đâu đi nữa cũng không thể nào dạy học sinh. Vì sao vậy? Vì gốc không còn. Giáo dục của nhà Phật cũng vẫn là phát triển từ trên cái gốc này, nếu không có gia giáo tốt đẹp mà bạn xuất gia thì Phật cũng không dạy được bạn. Cho nên nói Phật pháp là sư đạo, sư đạo được xây dựng trên nền tảng của hiếu đạo. Các vị phải đọc sách xưa, đọc sách Tiểu Học, không phải là nói trường tiểu học của ngày nay, mà sách Tiểu Học nói làm thế nào dạy dỗ thiếu niên nhi đồng, là nền giáo dục vỡ lòng. Đây là thuộc về Tiểu Học, đặc biệt xem trọng luân lý đạo đức, ngôn ngữ, biết được phải ăn nói như thế nào. Nhất cử nhất động, nhất ngôn nhất hạnh của cha mẹ, tôn trưởng đều làm tấm gương tốt cho con cái trong gia đình, họ đều có trách nhiệm. Vì vậy trẻ nhỏ mỗi ngày mắt của chúng nhìn thấy, tai của chúng nghe thấy, đều là cắm rễ ở chỗ này. Cả một đời đều không thay đổi, gọi là “thói quen hình thành từ nhỏ, quen rồi thì thành tự nhiên”, từ nhỏ đã huân tu. Chúng ta đến tuổi tác hiện tại mới nghe được những lời này, sau khi nghe được rồi nếu có thể tiếp nhận, có thể tin tưởng, có thể tư duy, có thể phụng hành thì đây là thiện căn phước đức trong đời quá khứ mà Phật pháp đã nói. Chúng ta ở trong đời này tuy không có ai dạy nhưng trong đời quá khứ vẫn có cái gốc này. Cho nên sau khi tiếp nhận Phật pháp, nghe được giáo huấn của Phật thì thiện căn này mới hiện ra. Cái thiện căn này không phải là ở trong đời này, mà được vun trồng từ đời trước, vẫn hữu dụng, có thể khởi được tác dụng. Người có thiện căn phước đức sâu dày, thiện căn là sau khi nghe thì hiểu rõ những đạo lý này. Phước đức là sau khi hiểu được liền hướng về, một lòng một dạ đi làm, thực tiễn, đây là phước đức. Chúng ta có thể nghe được Phật pháp, có thể đọc được thư tịch của người xưa, đây là duyên phận. Những thư tịch cổ xưa này vô cùng quan trọng, ngày nay diện tích đạo tràng chúng ta quá nhỏ, một số thư tịch không có nơi để cất giữ. Pháp sư Hoằng, thầy phải chú ý một chút, những thư tịch mà chúng ta mang về từ Mỹ nếu cứ để trong kho như vậy e là sẽ bị mối mọt ăn hư hoại hết, sẽ bị hư hỏng hết hoàn toàn, phải thường xuyên đi kiểm tra. Lúc trước tôi có vài thùng sách gửi ở nhà của một người bạn, nửa năm không ai coi sóc. Ông gọi điện thoại cho tôi bảo toàn bộ đều bị mối ăn hết. Toàn bộ mấy thùng sách đều bị hư hỏng hết, vô cùng đáng tiếc. Nơi mà chúng ta để đồ đạc ẩm mốc sẽ sinh mối mọt, vậy thì quá đáng tiếc. Nếu không có nơi để cất giữ thì chúng ta có thể quyên tặng cho các trường học. Nhìn xem xung quanh khu vực chúng ta có trường học thì đem đi tặng cho họ, không nên để nó bị hư hỏng mất. Nếu bị hư hỏng thì chúng ta là người có tội. Chỗ chúng ta không có nơi cất giữ thì hãy mau đem quyên tặng. Theo cảm nhận của tôi mấy tháng qua có thể là có một phần đã bị hư hỏng rồi.
Con người cần phải đọc sách, phải cố gắng nỗ lực đọc sách, phải rõ lý. Làm thế nào để có thể cứu vãn chính mình, giúp đỡ người khác ở trong thời đại này, đây chính là sự nghiệp của Bồ-tát. Chân thật phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo, phải từ luân lý căn bản nhất mà thực hiện.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết chúng tôi chỉ giảng đến đây thôi. A Di Đà Phật!