Chương 7: Trường diễn võ, Thạch Sanh so tài. Khiển binh tướng, Lý Thông ra trận.

Nhắc tới chuyện Đinh Bộ Lĩnh phong thưởng cho Lý Thông và Thạch Sanh thật hậu, còn phong làm chức quan to. Chư tướng dưới trướng của Lĩnh xầm xì với nhau về việc này. Ai nấy đều mang lòng không phục.

Buổi sáng họp mặt hôm sau, Nguyễn Bặc cùng Lê Hoàn đều bước lên mà tâu rằng:

- Lý Thông cùng Thạch Sanh tuy là người tài, nhưng mới chỉ phá một trận nho nhỏ liền đã phong làm Quân sư cùng Đốc Thị Quân Mã e rằng quá gấp gáp. Nay các bọn thuộc hạ muốn tướng quân xa giá đến võ trường, cho thuộc hạ thử tài đối trận với hai người này một phen, nếu ai hơn thì được ngôi cao kém thì mất phẩm trật. Như vậy ba quân mới khỏi có lòng bất phục.

Đinh Bộ Lĩnh khen hay nhưng trong bụng vẫn còn lưỡng lự, bèn quay qua hỏi ý Lý Thông.

Lý Thông cười đáp:

- Tôi đây tài mọn có đáng chi, chỉ bêu xấu mà thôi. Nếu nhị vị tướng quân muốn so tài tôi phụng bồi tới cùng là được.

Đinh Bộ Lĩnh cả mừng, vội hạ lệnh cho toàn bộ chư tướng tụ họp lại ở võ trường. Lại sai binh sĩ đắp giả sơn, trồng cây, đào mương... làm thành một khu trận địa.

Thạch Sanh đi theo sau, ghé tai thì thầm với Lý Thông:

- Anh tài trí hơn người, so tài với bọn này làm chi?

Lý Thông đáp:

- Hiền đệ không biết rồi, muốn được người ta nể phục phải cho họ thấy cái tài của mình mới được. Hơn nữa, tướng mạo của gã Lê Hoàn kia...

Nói đến đây thì ngừng bặt.

Khi chư tướng họp đủ rồi, Đinh Bộ Lĩnh mới truyền đạt lại trận thử tài này. Nguyễn Bặc vội bước lên thưa:

- Bẩm tướng quân, thuộc hạ nghe nói rằng Thạch Sanh tối hôm trước một đao trảm bốn tướng địch. Muốn thử so tài võ nghệ trước, còn đánh trận giả thì hẵng đợi sau.

Đinh Bộ Lĩnh nói:

- Hai hổ đánh nhau ắt có một con bị thương.

Nguyễn Bặc lắc đầu quả quyết, đáp:

- Là hổ hay cừu còn chưa biết được, xin tướng quân cho phép.

Bộ Lĩnh thấy không khuyên lơn được nữa, lại quay qua thử hỏi ý Thạch Sanh. Thấy Thạch Sanh ưng thuận nên cũng không nỡ từ chối, bèn gật đầu cho phép.

Nguyễn Bặc cùng Thạch Sanh được lệnh, vào trướng nai nịt hẳn hòi, cầm binh khí, nhảy lên ngựa xông vào giữa võ đài. Xung quanh binh sĩ reo hò dậy sóng. Hai tướng không nói không rằng, giục ngựa chạy tới đánh nhau rất lẹ, tiếng binh khí vang lên xoang xoảng. Đánh được chừng tám mươi hiệp thì Nguyễn Bặc có vẻ đuối sức hơn.

Đại đao của Thạch Sanh vốn được rèn từ tinh thiết, lại dán bùa chú của tiên nhân. Trước đó chưa có linh tánh, nhưng sau khi trảm Chằn Tinh liền nhiễm vào yêu khí. Nguyễn Bặc đánh được một hồi thì đầu váng mắt hoa, cầm dây cương không vững nên té rớt khỏi ngựa. Thạch Sanh phi tới kề đao vào cổ gã, quát:

- Ngươi đã chịu phục ta chưa nào?

Nguyễn Bặc ngã ngựa gãy mất một rẽ xương sườn, nhưng vẫn cố đứng dậy, mặt hằm hằm quát lại:

- Ngươi dựa vào binh khí lợi hại thì có tài cán chi?

Thạch Sanh cười ha hả, vứt thanh đao của mình xuống, nói:

- Ngươi mà cầm được thanh đao này lên, coi như ngươi thắng trận này đó.

Nguyễn Bặc không tin lời, tưởng Thạch Sanh lừa phỉnh mình, liền thử cúi xuống cầm đao nhưng cho dù dùng sức đến mấy cũng không tài nào nhấc lên được. Nguyễn Bặc mặt đỏ bừng lên vì thẹn, lát sau mới lầm bầm:

- Không nhấc lên được.

Thạch Sanh cười lớn, rồi nhảy tót xuống ngựa cầm đao lên nói rằng:

- Thanh đao này nặng một trăm năm mươi cân. (~80kg)

Nguyễn Bặc nghe vậy mặt tái mét, lúc đó mới chịu phục Thạch Sanh hơn mình.

Lê Hoàn bước lên tâu:

- Thuộc hạ muốn thử sức điều binh khiển tướng của Lý tiên sinh một phen.

Lý Thông cười nói:

- So tài phải có cái chi đặt cược mới thú vị chớ?

Lê Hoàn hỏi:

- Tiên sinh muốn cược cái chi?

Lý Thông đáp:

- Nếu tôi thua thì mặc cho Lê tướng quân toàn quyền xử trí. Còn nếu như thắng, tôi chỉ tướng quân hứa với tôi làm một chuyện là đủ.

Lê Hoàn nghi hoặc, hỏi:

- Tiên sinh muốn tôi làm chuyện gì?

Lý Thông đáp:

- Thiên cơ bất khả lộ.

Lê Hoàn cả giận, nói:

- Tiên sinh chớ đòi hỏi quá, nếu tiên sinh bắt tôi làm điều thương thiên hại lý. Hoặc tỷ như bắt tôi tự sát thì phải làm sao?

Lý Thông lắc đầu, đáp:

- Tướng quân yên tâm, chuyện tôi muốn tướng quân làm không những tốt cho tướng quân mà còn tốt cho cả lê dân trăm họ.

Lê Hoàn nghĩ chút rồi cũng gật đầu ưng thuận. Hai người thỏa thuận xong rồi mới tâu lên. Đinh Bộ Lĩnh truyền cho hai người cờ lệnh, phát mỗi người một ngàn binh sĩ. Lý Thông cùng Lê Hoàn nhận cờ, lĩnh một ngàn người về bên phe mình.

Lê Hoàn về dinh phất cờ ra lệnh. Chẳng bao lâu quân đội đã đứng ra đúng hàng ngũ, thành một trận lớn. Trận này chia binh làm ba tốp cung, bộ, kỵ, lấy mười người làm một đội, mười đội làm một kỳ, hai kỳ làm một trận. Lại cho bộ binh xòe ra hai bên cánh, cung đứng sau bộ, kỵ đứng vào giữa. Chính là Điểu Sí Phong Tán trận.

Bên Lý Thông cũng chia quân ra làm ba, bộ binh dàn thành vòng tròn, cung thủ nấp phía trong, chỉ riêng kỵ binh là không thấy đâu. Khi hai bên chuẩn bị đã xong, Đinh Bộ Lĩnh ra hiệu bắt đầu. Quân của Lê Hoàn ùn ùn kéo đến, bộ binh hai cánh tràn ra như đại bàng giang cánh. Lý Thông thấy vậy liền phất cờ hiệu, tiễn thủ phóng tên. Quân kỵ của Lê Hoàn ngã hơn nửa. Nhưng tiễn thủ của Lê Hoàn bắn trả lại không ăn thua gì.

Lê Hoàn tâm thần hoảng hốt, cờ hiệu trên tay lại phất lên, bộ binh ùa vào đánh xáp lá cà, kỵ binh đánh thẳng vào trung quân. Nhưng khốn nỗi bộ binh của Lý Thông đều là loại trọng giáp chống kỵ, quân kỵ của Lê Hoàn không húc vào được, phía sau lại bị tiễn thủ quân mình chẹn ngang mắc kẹt tiến thoái lưỡng nan. Đánh một hồi, chợt nghe phía sau có tiếng reo hò hô hoán. Một tốp kỵ binh của Lý Thông không biết từ đâu xông ra, đánh úp vào hậu quân. Hậu quân Lê Hoàn toàn cung tiễn thủ, chống không được, bị kỵ binh loại gần hết.

Quân của Lê Hoàn loạn thành một nùi, trận kỳ tan rã, binh bại như núi đổ. Lê Hoàn cũng bị bắt sống.

Khi hai người vào trướng ra mắt Đinh Bộ Lĩnh thuật lại mọi chuyện rồi. Bộ Lĩnh mới khen rồi đều ban thưởng cho cả hai.

Lý Thông nói rằng:

- Nay tôi đã thắng Lê tướng quân, lời hứa lúc nãy tướng quân ưng thuận chứ?

Lê Hoàn trong bụng vẫn chưa phục, nói:

- Trận này tiên sinh đánh thủ, tôi đánh công nên bị mất tiên cơ. Chứ nếu để tôi đánh thủ thì tiên sinh chưa chắc đã công được.

Lý Thông cười ha hả, nói:

- Xem ra tướng quân vẫn chưa phục. Vậy chúng ta so tài thêm lần nữa. Lần này tôi đánh công trận, tướng quân thua nhớ giữ lời đấy.

Lê Hoàn quả quyết, nói:

- Tôi nguyện lấy mạng mình ra thề.

Hai người thương lượng rồi lại xin Bộ Lĩnh so tài thêm lần nữa. Bộ Lĩnh chấp thuận, phát cờ hiệu cho cả hai. Lần này Lê Hoàn đánh thủ trận, học theo Lý Thông bày trận hình tròn, cho cung thủ nằm phía trong. Kỵ binh thì giấu đi làm kỳ binh. (Kỳ binh: quân đội đặc biệt chuyên đánh bất ngờ, thường thì đánh vào hậu quân hoặc trung quân đối phương)

Lý Thông cưỡi ngựa về trận địa, dạy cho binh lính bày trận Ngũ Hổ Cáo Sơn, trận này chia binh làm năm tốp, mỗi tốp đều có cả cung lẫn bộ. Kỵ binh thì chạy theo sau sau hộ tống.

Hiệu lệnh vừa ra, bốn tốp binh mã của Lý Thông theo bốn hướng ùa tới đánh nhầu. Lê Hoàn đứng ở trung quân, không phân biệt được địch ở đâu làm chủ lực. Khi hai bên xáp gần, Lê Hoàn bí quá bèn phất cờ hiệu cho kỵ binh từ trong rừng ùa ra đánh úp. Nào ngờ Lý Thông biết trước, đã cho một tốp quân mai phục gần đó. Quân kỵ của Lê Hoàn bị chặn, không tài nào đánh thọc vào hậu quân được.

Mặt khác, cung tiễn thủ của phe Lý Thông chạy sát bộ binh, nên tránh được phần nào mũi tên của đối phương. Khi hai bên lại xáp gần, cung tiễn của Lý Thông mới giương cung lên bắn. Lê Hoàn bày trận tròn cho tiễn thủ đứng trong vòng vây của bộ binh, nên không chạy né tên được, bị tiễn thủ địch bắn loại hết sạch. Lý Thông lợi thế quân đông hơn, chẳng mấy chốc phá được trận. Lê Hoàn lại bị bắt sống một lần nữa.

Lê Hoàn bị bắt về dinh, Đinh Bộ Lĩnh cho đòi lại, nói:

- Hai trận Lý tiên sinh đều thắng cả hai, Lê tướng quân đã phục tòng rồi chứ?

Lê Hoàn mặt mày sượng trân vội bước tới trước mặt Lý Thông xá dài một cái, chân thành nói:

- Lý tiên sinh quả là người kỳ tài. Mạt tướng tâm phục khẩu phục.

Lý Thông hỏi:

- Thế lời hứa lúc nãy tướng quân chấp thuận rồi chứ?

Lê Hoàn đáp:

- Tôi đã mang tính mạng ra thế, chẳng lẽ nào không đáp ứng. Chẳng hay tiên sinh muốn mạt tướng làm chuyện chi?

Lý Thông lắc đầu cười xòa, đáp:

- Cái đó nói bây giờ hẵng còn sớm lắm. Đợi thêm vài năm nữa lúc đó tôi sẽ bày tỏ với tướng quân sau. Xin tướng quân cứ yên lòng, chuyện tôi muốn tướng quân làm không trái với đạo lý.

Lê Hoàn nghe vậy cũng thở dài một hơi.