Ba ngày sau y như chiến thơ, Lý Thông nổi trống nhóm họp chư tướng, phát binh tới sát biên giới Cửu Đức. Quân sĩ hành quân nghiêm cẩn, giáo gươm chơm chởm, cờ xí phất phới, tiếng chân người vang dội cả một góc trời.
Có thơ đề rằng:
Rực rỡ cờ hồng tựa sóng xao
Quân binh nghiêm chỉnh lộ anh hào
Hoa Lư hào kiệt nơi chốn ấy
Mặc sức tung hoành có làm sao?
Bấy giờ bên trại địch, quân thám thính được tin vội về báo với Lục Ngư Tinh:
- Lý Thông dẫn muôn binh tiến sát quận thành.
Lục Ngư Tinh nói
- Trước kia ta nghe Sí Điểu sư đệ bại về tay một kẻ phàm nhân, song chưa biết mặt kẻ đó, nay người đã kéo binh đến đây, để ta xem thử thế nào cho biết.
Nói rồi hối quân dọn trại, nổi trống lệnh chư binh lên đường.
Khi hai quân cách nhau độ một dặm, Lý Thông thấy binh Ngư Tinh nghiêm trang tề chỉnh, chắt miệng khen thầm:
- Lục Ngư Tinh là yêu quái tu đạo, ta tưởng hắn chỉ biết phép thần thông. Chứ so tài dụng binh thua ta mấy bậc. Nay nhìn lối cầm binh nghiêm trang tề chỉnh như thế quả là bực tài cao.
Khi ấy Lý Thông cho người phất cờ, lập trận Tứ Phương. Trận này đặt trọng binh nằm ở hai cánh, kỵ binh ở trung tâm dàn thành trận Phong Thỉ. Cung binh mé tả, hữu thành trận Nhạn Hành. Binh tướng có thứ lớp, trận đồ sắp đặt oai nghiêm.
Lại có Thạch Sanh cầm đao dẫn đầu ba quân. Cánh hữu có Trình Minh, cánh tả có Cự Lạng. Còn lại Lê Hoàn, Lưu Cơ... đồng bảo hộ Lý Thông đứng giữa trận.
Lý Thông xem thấy Lục Ngư Tinh râu tóc bạc phơ, đầu đội mão cánh chuồn, mình khoác áo bát quái, lưng nịt đai ngọc, quả có đạo cốt tiên phong, liền giục ngựa tới nói:
- Bên kia phải chăng là Lục Ngư chân nhân? Hậu bối Lý Thông hữu lễ. Tôi nghe chân nhân là người tu hành chốn non cao, sao không biết trọng lẽ phải? Hạ sơn giúp đỡ kẻ gian, khiến ba quân uổng mạng!
Lục Ngư Tinh cười lớn, nói:
- Thường nghe rằng: Hễ làm thần phản Vua thì mang tội bất trung. Trước Tiền Ngô Vương oai vang bốn bể, đến đời sau chẳng hề kém cạnh. Nay Ngô Vương, Ngô Sứ Quân là dòng dõi hoàng tộc, Đinh Hoàn (Tên huý của Đinh Bộ Lĩnh) chẳng kiêng quốc pháp. Chủ ta sai binh vấn tội, ngươi nghịch lại thiên oai, dám lãnh binh phản kháng, chẳng vị lòng trung. Dẫu bằm da xé thịt tội ấy chưa đền.
Lý Thông nghe lời Ngư Tinh hùng hồn lắm, bụng tự nhủ: “Ta chẳng mắng hắn thì thôi, hắn lại dám lấy lòng trung ra mà dò xét. Nay ta miệng nở hoa sen một lần, xem hắn có đàng nào mà chối cãi.”
Nghĩ rồi trỏ tay hướng Ngư Tinh mà mắng rằng:
- Ngô Xương Xí lỗi đạo, ám toán cậu ruột mình mà tranh ngôi hoàng thất, đấy là bất nhân. Chém đầu trung thần đấy là mang danh bất nghĩa. Nghe lời yêu ngôn, một trận đánh tổn thất sáu vạn quân binh, thêm cái bất tài. Thử xem trên đời này có bậc quân Vương nào kém đến thế chăng? Thôi, ta bảo ngươi rằng, số nhà Ngô vốn đã tận nay lại dựa nơi hiểm yếu mà chống lại thiên quân, nghịch lý ấy sao dung cho đặng. Còn chủ công nhà ta phước đức chói ngời, lẽ nào lập không hướng phần vinh hiển. Đấy là thuận theo lòng trời, thuận theo lòng người, phò người hiền mà diệt kẻ ác đó là chính lý. Còn ngươi vì thù xưa mà hạ sơn đấy là lấy chuyện công mà trả thù tư, lấy yêu thân đi quản chuyện quốc sách, đi nghịch với lý số trời đất, nên phải diệt vong. Ta khuyên một câu chân thật, nếu ngươi hiểu chuyện thì nên lui về núi ở ẩn, chớ ra can chuyện đất Nam nữa. Bằng không ta đánh một phát, bao năm tu hành trở về con số không!
Lý Thông mắng một hơi dài thật hăng tiết, tướng sĩ phía sau máu nóng sôi sùng sục. Giơ binh khí nạt lớn:
- Phò người hiền, diệt kẻ ác!
Lục Ngư Tinh giận tím mặt, quát:
- Được cái mồm mép dẻo quẹo, nay ta lập một cái trận ở phía Tây Bắc, trên có thiên la, dưới giăng địa võng. Nguyễn Bặc bị ta nhốt trong trận, ngươi có dám phá trận ứng cứu?!
Lý Thông cười khẩy, đáp:
- Chỉ cái tiểu trận làm sao làm khó được ta. Nhưng ta đi rồi các ngươi dùng pháp thuật hại ta thì thế nào thoát được?
Lục Ngư Tinh đáp:
- Đừng quá khinh người, mặc dầu bọn ta là Bàng môn tả đạo, nhưng vẫn không bao giờ có hành động tiểu nhân như vậy. Đã mất công bày trận nỡ nào lại không có kẻ phá trận?
Lý Thông nghĩ lát rồi cũng gật đầu ưng thuận.
Hai bên kéo quân tới sát trận đồ, Lý Thông liền dắt Lê Hoàn, Thạch Sanh, Cự Lạng... đồng thời đến xem trận.
Bấy giờ Lục Ngư Tinh đứng ngoài cửa trận để xem thái độ của Lý Thông.
Các tướng phò Lý Thông vào xem, thấy quả nhiên có bốn cổng, mỗi cổng đều treo một tấm bản để ba chữ:
Hãm Tiên Môn
Trảm Tiên Môn
Triệt Tiên Môn
Tru Tiên Môn
Đợi đám người xem xong rồi, Lục Ngư Tinh hỏi:
- Lý quân sư biết trận này không?
Lý Thông đáp:
- Trận này có gì đâu mà lạ, phương Tây có tứ thú gọi là Hỗn Độn, Đào Ngột, Cùng Kỳ, Thao Thiết. Trận này lấy bốn con đấy làm linh áp trận, gọi là Tứ Hung Tượng Trận. Phàm nhân vào thì tan xương nát thịt, Tiên Thần tới thì hồn xiêu phách tán.
Lục Ngư Tinh cả kinh, nghĩ bụng: “Trận này ta học từ sư phụ, nay mới bày lần đầu. Nó đã biết rõ như thế, quả là bực thiên tài.”
Chỉ nghe, Lý Thông nói tiếp:
- Bất quá hôm nay chúng ta hội quân chỉ để diện kiến nhau, không thích hợp phá trận. Ðợi chừng nào chuẩn bị đầy đủ, tôi sẽ đến phá.
Lục Ngư Tinh nói:
- Được, nhưng hạn chỉ có bảy ngày, nếu ngươi không phá được trận. Nguyễn Bặc tướng quân ở trong sẽ hồn về địa phủ. Dù có Bạch Hổ chân linh bảo hộ cũng chẳng tài nào thoát khỏi!
Lý Thông gật đầu, đáp:
- Đã thế, bây giờ xin giã biệt.
Dứt lời, Lý Thông dẫn chư tướng về dinh.
Lý Thông về dinh ngồi ôm đầu buồn bã, Lê Hoàn thấy vậy bước đến hỏi:
- Khi nãy quân sư xem trận ấy thế nào?
Lý Thông nói:
- Trận ấy tôi chỉ nghe Hắc Đế thuật lại, chứ hôm nay đi xem mới thấy nó bao trùm một phương, sát khí thao thiên, tôi chưa từng nghe tới bao giờ.
Lê Hoàn nói:
- Sao quân sư nói với chúng nó là ngài đã rõ hết, và hẹn ngày phá trận.
Lý Thông nói:
- Tuy không biết, song ta không thể để mất sĩ khí ba quân được.
Lê Hoàn nghe vậy chỉ biết ngồi lặng thinh.
Lý Thông ngồi cau mày rầu rĩ.
Giữa lúc ấy có quân binh vào báo:
- Bẩm quân sư, Thạch Đốc Quân dẫn ba ngàn binh mã xông tới trận địch.
Lý Thông nghe thế giật nảy mình, quát:
- Tụi bay sao không cản lại?
Tên quân binh thưa:
- Đốc quân sức lực hơn người, ai cản lại đều bị đánh hết.
Lý Thông cả giận, đập bàn mắng lớn:
- Binh phù ở tay ta, Đốc Quân làm sao điểm quân cho được? Ngươi sao dám xàm ngôn xao động ba quân!
Nói rồi thét tả hữu lôi ra chém.
Lê Hoàn vội đứng ra can, nói:
- Xin quân sư bình tĩnh, kẻ cầm quân tâm trí phải lặng yên như nước, khi hỗn loạn mới nhìn thấu sự việc. Cứ để tôi cho thám báo đi trước dò xét đã.
Nói rồi sai người cấp tốc đi tra xét.
Quân thám báo chạy đi, xong trở về báo:
- Bẩm chư vị tướng quân, Thạch Đốc Quân đã xông vào trận địch. Chúng tôi ở ngoài không nhìn thấy chi hết, sống chết không rõ.
Lý Thông nghe thế bụm miệng nôn ra một cục máu tươi ngay giữa sảnh đường, chư tướng hoảng quá phải chạy tới dìu đỡ.
Lý Thông nhìn trời mà than rằng:
- Đệ ơi là đệ ơi, chúng ta từng thề sống chết có nhau. Nay đệ sa hung trận, huynh đây sống sao cho đặng. Để huynh chết quách đi cho xong!
Nói rồi toan đập đầu vào cột. Chư tướng phải nói kéo mãi Lý Thông mới chịu thôi.
Lê Hoàn nói:
- Xin quân sư nghĩ lại, ngài là thống lãnh, thường nói: Quân không tướng như rắn không đầu. Bây giờ Thạch Đốc Quân sống chết chưa rõ, quân sư nên…
Lời chưa nói xong thì lại có thám báo vào tâu:
- Bẩm chư vị tướng quân, Thạch Đốc Quân sa trận đồ, bị bửu kiếm cửa Trảm Tiên chém rơi đầu.
Lý Thông nghe thấy rụng rời, dường như vạn tiễn xuyên tâm, bất giác té xỉu ngất lịm đi, tả hữu vội phò cứu, giây lâu tỉnh lại mới khóc rống lên.
Lê Hoàn hỏi tên thám báo:
- Thạch Đốc Quân sao mà tử trận?
Tên thám báo thưa:
- Khi Đốc Quân sa cửa Trảm Tiên chúng tôi không thấy được. Một hồi lâu sau ánh sáng loé lên thì Đốc Quân đã rơi đầu rồi. Ba ngàn binh sĩ đều hôn mê té nhào xuống đất. Chúng tôi phải liều mình mới giật thây Đốc Quân về được.
Lý Thông sa nước mắt nói rằng:
- Bọn nó bày cái trận này bắt tôi phá, nhưng thực ra là nhằm vào huynh đệ tôi là Thạch Sanh. Thạch Sanh là hậu duệ của Thần Long Tiên Vương. Sa trận ấy chẳng khác chi Long xuống đồng bằng tôm bỡn cợt, khí linh chân long giúp đỡ không được.
Lê Hoàn nói:
- Trước lúc sáng tôi có nghe Đốc Quân muốn vào trận phá đi cái đài chiêu hồn ấy để cứu quân sư. Còn ba ngàn binh mã kia là thân binh của Nguyễn Bặc tướng quân, chắc muốn xông trận cứu chủ tướng. u cũng là có nghĩa khí đó vậy!
Lý Thông nghe tới đấy lại đau lòng khôn xiết, nói:
- Tôi mấy hôm trước cầu Thần Kim Quy lấy được áo lông để bảo toàn tánh mạng. Do không có thời gian nên chưa kể với chư vị đấy thôi. Phép trù yểm đấy bị phá rồi còn đâu.
Lê Hoàn, Phạm Cự Lạng đứng ra tâu:
- Xin quân sư điểm cho chúng tôi binh mã, thề quyết phá trận này, báo cừu cho Thạch Sanh.
Lý Thông nhìn chư tướng, nói:
- Trước tôi đã có kế phá trận, ngặt một nỗi cửa Triệt Tiên chưa biết cách phá làm sao. Nay Thạch Sanh hãm trận mà tử nạn. Tôi đây còn muốn báo cừu hơn chư vị. Đất Hoan Châu này bị Hung Trận áp chế, chướng khí mịt mù, tôi không thể làm phép Thông Linh được. Nên nhờ Lê Tướng Quân điểm xem trong muôn binh lấy ra một trăm tên công tượng, theo tôi rời Hoan Châu. Trăm tên này dùng để dựng đài cho tôi làm phép.
Lê Hoàn vâng lệnh đi ra điểm binh.
Lý Thông lại nói:
- Cự Lạng tướng quân thì trấn giữ ở dinh, đề phòng tặc nhân đánh lén. Năm ngày sau đợi tôi về thì điểm binh phá trận.
Nói xong rồi, Lý Thông sai binh làm quan tài, đặt thây Thạch Sanh vào trong.
Đợi Lê Hoàn điểm đủ một trăm tên công tượng, hướng biên giới Hoan Châu đi suốt ngày đêm.
Bốn ngày sau, khi ra khỏi Hoan Châu rồi, Lý Thông mới truyền lệnh cắm trại. Lại cho công tượng chặt gỗ lập đài. Đài hướng phía Bắc, xung quanh cắm đầy phướng hồng. Trên đài bày biện mâm Ngũ Quả, một bát hương lớn cùng đồ tế lễ đủ cả. Xong xuôi mọi chuyện, Lý Thông sai binh lính nhấc quan tài Thạch Sanh đặt một bên, mình thì xõa tóc, cầm bùa chú trước đây của Thạch Sanh, đốt lên rồi niệm phép rằng:
Nơi núi thảnh thơi ngàn vạn trượng
An nhàn ba sáu điện cung quang
Thế thời vua trị, Đường Nghiêu thịnh
Quảng đại Sơn Tinh, Ngu Thuấn vang.
(Phiên âm:
Sái lạc ức thiên vạn trượng nhạc
Tiêu dao tam thập lục cung xuân
Quốc vương long đại Đường Nghiêu thịnh
Sơn thánh hồng hoằng Thuấn Ngu nhân.)
Nói tới vùng núi Ba Vì, Sơn Tây, Tam Vị Tản Viên Sơn Thánh đang ngồi uống rượu đàm đạo với nhau, chợt có khói hương nghi ngút bay tới. Sơn Tinh bắt lấy khói, kê nơi mũi mà ngửi, xong nói:
- Hạ giới có người đốt nhang thỉnh tôi đến. Không biết là có chuyện chi?
Tam đệ Thần Sơn, Quý Minh hiểu tài bói toán, nói:
- Để tôi bói một quẻ thử xem.
Nói rồi bấm đốt tay tính toán, lát sau giận dữ mắng:
- Hạ giới có con yêu làm loạn, bày Hung Trận ở đất Hoan Châu. Đứa bé được chúng ta ban phước, xông trận bị bửu kiếm chém rơi đầu. Thù này sống sao cho đặng! Nay có chơn nhơn làm phép triệu kiến, ắt là nhờ giúp đỡ ấy mà.
Sơn Tinh sầu não nói:
- Tôi chỉ biết làm phép đánh nhau, chứ cứu người chưa thử bao giờ.
Cao Sơn nói:
- Tôi biết trên cung trăng có chú Cuội canh giữ một gốc Đa thần. Nghe bảo rằng gốc Đa này có thể cải tử hoàn sinh. Đệ nếu cầu được một cái lá Đa, sợ gì không cứu được người?
Sơn Tinh cả mừng, nói:
- Đa tạ đại ca bày diệu sách này, để tôi hạ phàm đáp lại một tiếng.
Nói rồi dứng dậy toan đằng vân mà đi.
Cao Sơn vội kéo lại, bảo rằng:
- Đệ cứ đi trước một bước, ta cùng tam đệ sắm sửa pháp bảo. Lại sang động Gia Ninh, Phong Châu gọi Đồ Sơn Thủy Thánh hội hợp. Mấy người chúng ta hạ giới giúp chân nhân phá cái hung trận ấy. Cho con yêu kia biết tài thần thánh đất Nam một phen.
Ba người bàn xong, rồi để Sơn Tinh đi trước. Còn Cao Sơn, Quý Minh thì về động chuẩn bị pháp bảo, đằng vân đi tới Phong Châu.
Lại nói về Lý Thông, niệm phép mãi mà không thấy ai hiển linh, còn tưởng rằng phép thuật mất linh. Đang định dọn hương án bày biện đồ mới để thử lại thì xảy thấy đất rung núi lở, từ dưới mặt đất trồi lên một vị tiên thần, mình khoác áo da hổ, tay cầm thanh cự chuỳ, uy vũ vô cùng.
Lý Thông cả mừng, quỳ xuống bái lạy, tâu:
- Hậu nhân Lý Thông, bái kiến Tản Viên Sơn Thánh, Sơn Tinh!
Tản Viên Sơn Thánh tổng có ba vị, trước phò các đời vua Hùng. Vị Sơn Tinh này phò chính là Vua Hùng đời thứ mười sáu, Hùng Duệ Vương. Sau vì Mỵ Nương mà tranh giành với Đồ Sơn Thuỷ Thánh, Thuỷ Tinh.
Hai bên đánh nhau long trời lở đất, lũ lụt triền miên làm dân chúng khổ sở. Đến khi Lạc Long Quân can thiệp mới dừng lại.
Người đời có thơ rằng:
…
Tốn vị phương cầu Hoa Mị phối
Kết nhân quang bản thuỷ tinh thần
Kình côn nhậm hướng sơn đầu đoạn
Miết ngạc không đầu thảo lý phân.
Sơn Tinh hiển thánh, hỏi Lý Thông:
- Chân nhân gọi ta lên ắt cầu ta cứu mạng Thạch Sanh chứ gì.
Lý Thông đáp:
- Sơn Thánh soi xét lòng này, tôi với Thạch Sanh kết bái huynh đệ. Sao có thể thấy chết mà không cứu? Tôi nguyện lấy mạng này mà đổi mạng cho đệ ấy.
Sơn Tinh nói:
- Ta đã dự trước Thạch Sanh sẽ có tai kiếp, nên ban cho nó chân long huyết bảo mệnh. Mặc dù đầu lìa khỏi cổ nhưng linh hồn vẫn được chân long lưu giữ. Chỉ cần nối đầu với thân là sống lại như thường.
Lý Thông mừng quá, lạy lục rồi nói:
- Xin Sơn Thánh niệm tình con cháu đất Nam mà ra tay cứu giúp. Tôi sẽ ngày đêm cúng bái.
Sơn Tinh đáp:
- Ngươi ở đây chờ ta, ta sẽ lên cung Trăng một bận.
Nói rồi bay vút lên tầng trời.
Sơn Tinh đằng vân bay tới Nguyệt Tinh cung, bước thẳng vào Quảng Hàn cung gặp Hằng Nga tiên tử.
Hằng Nga thấy Sơn Tinh giá lâm, vội hỏi:
- Chẳng hay Sơn Thánh tới đây có chuyện gì chăng?
Sơn Tinh đáp:
- Tôi có chuyện muốn nhờ chú Cuội nên tới đây gặp mặt. Xin tiên tử cho phép.
Hằng Nga cười đáp:
- Nguyệt Tinh là nơi tự do, Sơn Thánh muốn đến gặp, cứ đi tự nhiên là được.
Sơn Tinh lắc đầu nói:
- Quốc có quốc pháp, gia có gia quy. Nguyệt Tinh được Thần Long Thánh Mẫu ban cho tiên tử. Tôi tới dĩ lẽ nhiên phải yết kiến trước mới đúng.
Hằng Nga chẳng biết phải nói sao, bèn gật đầu đáp:
- Thôi vậy, để ta cho người đi báo.
Sơn Tinh cám ơn một tiếng rồi lui ra. Hướng phía Tây mà đằng vân đi, chốc sau đã thấy một gốc cây Đa, bèn hạ xuống, hướng cổ thụ nói lớn:
- Tản Viên Sơn Thánh, Sơn Tinh có chuyện gấp, mời Cuội ra đây thương nghị.
Lời vừa dứt, cây Đa rung lắc dữ dội, từ trong thân cây một thanh niên bước ra. Chỉ thấy người này mặt mày chất phác, đầu đội khăn quấn, chân đi dầy cỏ, hướng Sơn Tinh bái lễ rồi nói:
- Tiều Phu Cuội ra mắt Sơn Thánh, chẳng hay ngài có việc chi mà triệu hoán tôi?
Sơn Tinh nói:
- Tôi có vị hậu nhân, bị kẻ gian ám toán mà bêu đầu. Nên tôi tới đây muốn mượn một cái lá Đa xuống cứu giúp.
Cuội đáp:
- Tưởng chuyện chi lớn lắm, Sơn Thánh muốn lá Đa cứ tự nhiên hái là được. Nhưng tôi phải nhắc nhở Sơn Thánh rằng, lá Đa chỉ chữa vết thương chứ không chữa được linh hồn. Linh hồn vị kia nếu đã mất thì chữa khỏi cũng trở nên đần độn ngu ngốc.
Sơn Tinh nói:
- Chuyện đó yên tâm, tôi đã lưu giữ hồn phách rồi. Chỉ cần nối đầu rồi làm phép khiến hồn phách nhập thân thì trở lại bình thường.
Cuội thấy Sơn Tinh lo xa đến thế rồi cũng không nói thêm nữa. Trèo lên cây hái một cái lá đưa xuống.
Sơn Tinh lấy được lá Đa rồi liền hạ phàm đưa cho Lý Thông. Bảo phải nghiền cho nhuyễn ra, bôi vào vết thương.