Chương 20
Di hồn
Di hồn và mượn xác hoàn hồn cũng gần giống nhau, đều là di chuyển linh hồn của người này vào thể xác của người khác, nhưng sự khác biệt giữa chúng chính là có sự phân chia về tà, chính. Mượn xác hoàn hồn chính là đem linh hồn của một người đã chết gửi vào thể xác của một người khác cũng đã chết, còn cái gọi là di hồn, tức là đưa linh hồn của một người còn sống di chuyển vào thể xác của một người đã chết, hoặc là đổi thể xác của hai linh hồn người sống, mà bên chiếm thế chủ động, lại mang động cơ không những được lợi về mình mà còn rất tà ác.
Mượn xác hoàn hồn vẫn luôn khoác trên mình cái áo là do quan phủ sắp xếp hoặc cho tặng hợp pháp, mặc dù kết quả cuối cùng chưa chắc đã được sự chấp nhận của pháp luật trên nhân gian, nó vẫn luôn chỉ là một vở kịch vui, kém nhất cũng vẫn có tính chất hài hước. Nhưng di hồn thì không giống thế, người thao tác nó là thuật sĩ và phù thủy, dùng thủ đoạn bí ẩn và nguy hiểm không thể nhìn thấy người thực hiện để tiến hành một cuộc lừa đảo ngoạn mục với mục đích là sinh mệnh và tài sản, quá trình của nó rất kinh dị, kết cục luôn luôn là bi thương.
Nhìn từ góc độ kỹ thuật của thầy phù thủy thì là “di hồn”, nhưng mục đích cuối cùng là khiến nhân vật chính “dị hình”, vì vậy, kiểu phép thuật này còn được gọi là “dị hình pháp”, dễ nghe hơn một chút thì gọi là “thủ pháp mượn hình”, ngoài ra còn có những cách gọi như “thiết ngưu pháp”, có điều không biết tên này xuất phát từ đâu.
Trong bút ký tôi đọc được tài liệu sớm nhất về thuật dị hình, là một truyện trong quyển hạ, biệt tập Quý tân tạp chí do Chu Mật viết:
Có vị đạo nhân mạnh khoẻ họ Trần, thường xuyên qua lại với một người tên Kiệt Tác, uống rượu nói chuyện. Kiệt hỏi đạo nhân sẽ làm gì, đạo nhân trả lời: “Ta đang tìm khoảng mười bảy, mười tám thi thể nam nhân cường tráng.” Một đêm, đột nhiên có Lưu Thái úy dùng roi đánh chết tiểu đồng, Kiệt được mời đến lo ma chay. Đạo nhân cho thi thể đó vào trong chum nước nóng, lại cho cả quần áo của mình vào trong đó, Kiệt Tác ngồi một bên, đạo nhân bắt đầu kết hợp. Cho đến sáng, thi thể của đạo nhân cùng thi thể tiểu đồng sống lại.
Kiệt Tác là người lo việc tang lễ, chôn cất, tin tức tình báo về thi thể trong thành phố, vì vậy vị lão đạo này muốn tìm được thi thể vừa ý thì phải kết giao với Kiệt Tác, người làm trong ngành. Quá trình di hồn hoán hình rất ung dung nhàn nhã, trong bồn nước, hai người ngồi đối diện với nhau, nhìn từ bên ngoài vào, rõ ràng là cảnh sư đồ truyền đạo. Thậm chí còn có thể lý tưởng hóa quá trình này hơn nữa, ví dụ nói thành tiểu đồng “bị tự nguyện” cống hiến toàn bộ “cơ quan” của mình cho lão đạo, nhưng cách nói này có chút giống với kiểu “chuyên gia” thời nay, không thích hợp với khả năng lý giải của những dân đen kiểu tôi.
Chu Mật là người cuối thời Nam Tống và đầu thời Nguyên, trước đó liệu có phải đã có những ghi chép về việc di hồn dị hình, chỉ giận là những sách tôi đọc có hạn, còn chưa gặp được, nhưng không thể vì thế mà kết luận rằng kiểu phép thuật này chưa từng xuất hiện sớm hơn. Nếu chúng ta mở rộng phạm vi lớn hơn một chút, thì có thể coi Liệt tử là câu chuyện di chuyển trái tim trong thời Ngụy - Tấn như một cách khác của di hồn dị hình. Bởi vì trái tim trong đó đề cập đến bao gồm tất cả những gì mà linh hồn người này có, trên thực tế thì là thông qua thủ đoạn y học để hoàn hồn cho người ta. Liệt tử. Thang vấn đại khái như sau:
Lỗ Công Hộ, Triệu Tề Anh, hai người này đều có bệnh, đồng thời cùng đi mời Biển Thước[1] tới trị bệnh. Biển Thước chữa khỏi bệnh cho họ rồi, lại nói với họ rằng: “Bệnh của hai vị là bệnh tạng phủ[2] từ ngoài xâm nhập vào, dùng thuốc có thể chữa khỏi. Nhưng hai người vẫn mang bệnh tim bẩm sinh, ngày một nặng hơn, và không có thuốc nào chữa được.” Sau đó nói tiếp: “Công Hộ chí mạnh nhưng khí yếu, vì vậy có cơ mưu nhưng không dám quyết đoán. Tề Anh chí yếu nhưng khí mạnh, vì vậy kém cỏi trong việc suy nghĩ nhưng lại quyết đoán. Nếu hai người có thể đổi tim cho nhau, thì cả hai người ai cũng sẽ trở nên hoàn hảo hơn.” Thế là Biển Thước cho hai người bọn họ uống rượu độc, mê man chết lâm sàng ba ngày, phanh ngực tìm tim, đổi cho nhau, sau đó lại cho thần dược, hai người sống lại như thường. Hai người bệnh cáo từ Biển Thước quay về, Công Hộ đi thẳng đến nhà Tề Anh, coi vợ con Tề Anh như vợ con mình, nhưng bọn họ đương nhiên không thể nào chấp nhận được một người lạ như thế. Ngược lại, Tề Anh cũng vậy, coi nhà Công Hộ như nhà mình, và cũng bị đuổi ra ngoài. Hai nhà ồn ào một trận, cuối cùng vẫn phải do Biển Thước đứng ra giải thích, mới coi là ổn thỏa. Vợ của hai vị đó đành phải “đắc ý vong hình”, dần dần thích ứng với vị phu quân lạ lẫm.
[1] Biển Thước được mệnh danh là thần y của Trung Quốc. Tên thật là Tần Hoãn, tự Việt Nhân, vốn người Châu Mạc, Bột Hải (nay là huyện Nhiệm Khâu, tỉnh Hà Bắc - thời Chiến Quốc thuộc nước Triệu). Ông sinh khoảng năm 401 trước công nguyên, mất năm 310 trước công nguyên, thọ hơn chín mươi tuổi.
[2] Tạng phủ: Đông y gọi là vị (dạ dày), đảm (mật), đại tràng (ruột già), tiểu tràng (ruột non), bàng quang (phủ).
Những người cầm đao thực hiện thuật di hồn dị hình này không phải là người trong cuộc muốn di hồn, thứ mà Biển Thước dùng cũng không phải là tà thuật, chỉ là suy nghĩ của ông ấy với thuật di hồn dị hình xuất phát từ một gốc như nhau mà thôi. Còn về việc câu chuyện này có phải xuất phát và được lưu truyền trong nhân gian hay không, cũng không thể ngồi đó mà đoán mò được. Vấn đề là ở chỗ, cho dù khi đó dân gian vẫn chưa có ma pháp di hồn, nhưng suy nghĩ tuyệt vời của danh y Biển Thước và kinh nghiệm của việc mượn xác hoàn hồn, cũng có thể là khởi nguồn của thuật phù thủy khai phá ma pháp này, càng quan trọng hơn là, các hoàng đế Trung Quốc rất thích trải nghiệm những phương pháp để kéo dài tuổi thọ, chỉ bằng cách luyện đan, bất luận là nội đan hay ngoại đan, thuốc gì cũng dám uống, so sánh với phương pháp di hồn dị hình thì những phương pháp đó an toàn hơn nhiều. Nhưng thiên cổ nhất đế cùng những người theo đuổi phương pháp này không chịu thành lập dự án, kêu gọi sự hỗ trợ, ủng hộ, vẫn là vì thể xác của những người quyền thế đó quá quan trọng đối với họ, đại diện cho địa vị của người đứng trên hàng vạn vạn người, hai thứ quyền lợi và tiền bạc, thì ai cũng phải công nhận đó là thứ quan trọng duy nhất trên thế giới. Bọn họ tuyệt đối không dám mạo hiểm, thử nghĩ mà xem, nếu linh hồn của Sử Hoàng đế mà lại bị di chuyển vào trong thể xác của Trần Thắng, Ngô Quảng, cho dù sống khỏe mạnh vạm vỡ, nhưng Lý Tư, Triệu Cao còn có thể coi ông ta là hoàng đế hay không? Vì vậy, bọn họ chỉ còn cách dùng bất tử đan, trường sinh dược, những thủ thuật trong phòng the để duy trì sự “thanh xuân” cho vẻ bề ngoài, ít nhất là khiến người ta khi nhìn cũng thấy thần sắc phơi phới, da dẻ hồng hào. Còn đối với những thuật sĩ trên giang hồ, những đạo sĩ vườn mà nói, thì họ không phải lo lắng tới việc này, thứ duy nhất mà họ mất chỉ là một lớp da cũ, còn họ lại có được tất cả những gì họ muốn.
Trong Chí quái lục của Chúc Duẫn Minh người thời Minh có ghi chép lại một câu chuyện xảy ra ở những năm cuối của thời Nguyên, đã trở thành một phần khiến người thực hiện phép di hồn phải sợ hãi. Một người tên là Diệp Tống Khả, đang trên đường đi đến Hoài Dương, gặp họa binh đao, thây chết đầy đường. Trời đã tối, anh ta nghe thấy phía trước có tiếng động, không dám đi tiếp, mà nằm bò dưới đất, trà trộn vào đám thi thể. Dưới ánh sáng của trăng chỉ thấy có người đi lại gần, là một đạo sĩ, bên cạnh có một tiểu đồng cầm đuốc, quan sát đám thi thể.
Phàm là đàn bà, người già, trẻ con, người ốm yếu bệnh tật đều bị bỏ qua, dùng tay xách lên để ước lượng, sau đó lại đặt xuống như thả một chiếc lá. Một người đàn ông tráng kiện chết vì đói, nằm đó. Đạo sĩ nhìn thấy liền vui mừng, lập tức cởi áo ra, ôm thi thể đó trong lòng, miệng kề miệng hà khí vào trong thi thể. Một lúc lâu sau, khí của đạo sĩ yếu dần, còn thi thể bắt đầu cử động. Người chết đói đó, lại mở mắt ra, thản nhiên đứng dậy, mang theo tên tiểu đồng cầm đuốc đi về phía trước, không biết đi đâu.
Giữa đêm khuya thanh vắng, nơi đồng không mông quạnh, nằm bò lên trên thi thể, miệng đối miệng hà hơi không ngừng, cảnh tượng này không chỉ khiến người ta phải nổi da gà, mà hình tượng xem ra cũng không được đẹp đẽ cho lắm. Chuyện này sau đó được làm mới lại trong truyện Dị hình ở cuốn Trâm Vân lâu tạp thuyết do Trần Thượng Cổ người đời Thanh viết, địa điểm đổi thành huyện Gia Hưng, Sùng Đức ở tỉnh Chiết Giang, đạo sĩ biến thành người già, và quá trình “dị hình” cũng được đổi từ thế nằm sang thế đứng.
Lật đi lật lại đám thi thể đó, những kẻ mất đầu bị bỏ qua. Chỉ có một thi thể duy nhất là trông khá to lớn, ông già cởi trần, vực thi thể đó đứng dậy, áp miệng mình vào miệng thi thể, sau một lúc hà hơi, ông lão dần dần kiệt sức ngã xuống đất, thi thể từ từ có phản ứng, đột nhiên đứng thẳng lên, áo mũ chỉnh tề, đi tiếp.
Đấy là một loại hình, dùng thi thể vẫn còn tươi mới để đổi cho đối tượng, miệng người và miệng thi thể áp sát vào nhau, chính là dùng miệng làm đường di chuyển linh hồn. Nhưng Trần Thượng Cổ còn kể về một loại hình khác, tức là hai người sống đổi linh hồn cho nhau.
Đấy là chuyện xảy ra ở huyện Đông An, phủ Hoài An thời Sùng Trinh. Trong một ngôi miếu, có một vị hòa thượng và đồ đệ của ông ta. Sư phụ năm nay hơn năm mươi tuổi, còn đồ đệ mới chỉ hai mươi. Sư phụ có việc phải đi đến Hải Dương, để đồ đệ ở lại trông miếu. Hôm ấy có một lão hòa thượng tới xin nghỉ chân, tuổi tầm ngoài bảy mươi. Ngày hôm sau, lão hòa thượng bỏ tiền ra mời tiểu hòa thượng ăn một bữa, sau đó nói: “Muốn tìm sư huynh mượn đồ, không biết ngươi có đồng ý không?” Tiểu hòa thượng đáp: “Vậy thì phải đợi sư phụ tôi về hãy hay.” Lại thêm một ngày nữa trôi qua, lão hòa thượng lại bày ra một bàn tiệc, tỏ vẻ thành khẩn nài nỉ, tiểu hòa thượng nghĩ một lát, đại khái cảm thấy trong miếu cũng chẳng có thứ đồ gì đáng tiền, cũng không hỏi kỹ, liền đồng ý, nhưng rốt cuộc lão hòa thượng muốn mượn đồ gì, lão hòa thượng cũng không nói rõ. Đêm hôm đó, hai người nằm cùng phòng, tiểu hòa thượng nghe thấy lão hòa thượng mở cửa đi ra ngoài, cũng không quay lại, nên thấy rất lạ. Sáng sớm hôm sau, tiểu hòa thượng vừa tỉnh dậy đã đi hỏi hàng xóm, không ngờ khi mọi người nhìn thấy hắn ta thì vẻ mặt như chưa từng quen biết, hỏi: “Lão sư phụ từ đâu tới đây? Tới đây từ lúc nào?” Tiểu hòa thượng đáp: “Tiểu tăng vốn là người ở miếu này”, mọi người đều thất kinh kêu lên: “Không ngờ mới chỉ là một thiếu niên nhỏ, mà giờ đã thành ra già nua thế này.” Tiểu hòa thượng vội vàng quay vào miếu soi gương, không ngờ mình lại biến thành hình dạng của lão hòa thượng hơn bảy mươi tuổi. Cuối cùng cũng không thắng nổi sinh lão bệnh tử, vài năm sau buồn sầu đau khổ mà chết.
Trong quyển mười một Chỉ vấn lục do Dung Nột - cư sĩ người đời Thanh viết có truyện Đổi xác, tình tiết đại để cũng tương tự, có địa điểm được rời đến Cám Châu, Giang Tây. Nhưng đoạn cuối cùng là, tiểu hòa thượng phát hiện mình trở thành lão hòa thượng, trong lòng mặc dù biết rõ chuyện gì đã xảy ra, nhưng ngoài miệng lại rất khó để nói cho rõ ràng, đành nhờ người khác giúp hắn ta đi bắt lão hòa thượng kia. Người đó nói: “Chẳng phải ông là lão hòa thượng hay sao?” Hắn đáp: “Không phải vậy. Lão hòa thượng tối qua nói muốn nằm nhờ ở phòng tôi, tôi đồng ý, nhưng không ngờ ông ta không chỉ mượn phòng, mà còn mượn cả cơ thể tôi. Giờ ông ta mang theo cơ thể tôi chạy mất, còn vứt lại thân thể già nua của mình cho tôi. Tôi muốn tìm lại thân thể của mình, và trả lại ông ta thân thể hiện tại.” Tất cả những vị hòa thượng khác càng nghe càng thấy khó hiểu, đều cho rằng vì ông ta già quá nên hồ đồ. Vị hòa thượng này cuối cùng đành đi cáo quan, huyện thái xuất thân từ tiến sĩ nên năng lực lý giải cũng tốt hơn, sau khi nghe chuyện, lại nói là trên thế giới này làm gì có chuyện kỳ lạ như thế, nếu ngươi còn ăn nói hồ đồ nữa, ta sẽ phán ngươi tội tuyên truyền những lời mê tín dị đoan.