“Minh Đồng” ở đây không phải là hồn ma làm từ gỗ, mà là làm bằng sáp thai nhi. Linh hồn vốn ngụ trọng đó, có thể không cần dùng thủ tục “luyện” mà vẫn thành, nhưng sự tàn nhẫn của nó có thể còn cao hơn.
Những câu chuyện cắt thân thể người sống như vậy đều do thầy phù thủy đóng vai trò chính, những câu chuyện truyền tụng trong dân gian như tà thuật dụ dỗ trẻ con, làm chúng hôn mê rồi cắt những bộ phận trên cơ thể xưa nay vẫn xảy ra. Nói một cách công bằng, những câu chuyện này cũng gần như những lời đồn đại ở phố xá, chưa chắc đã hoàn toàn đúng. Trong quá trình truyền miệng không tránh khỏi có nhiều yếu tố được phóng đại lên, nhưng cũng không thể nói là không có thực. Bất luận là sự việc có hay không, thực hay hư, vấn đề ở chỗ, khi người ta có thể tưởng tượng ra phép thuật như vậy thì đều phải có trạng thái tâm lý siêu phàm.
Câu chuyện về “Minh Đồng” xảy ra thời Nam Tống được nhiều người biết đến. Trong quyển hai của bộ sách Mật trai tùy bút do Tạ Thái Bá, người cùng thời viết dường như cũng bàn về nguồn gốc của Minh Đông và cho rằng đó chính là “thần quân” mà Hán Vũ Đế tôn thờ. Thực ra, chức năng chủ yếu của các vị thần đại loại như “Minh Đông - Chương Liễu” là dự báo. Nhưng thần quân thì không chỉ có vậy. Điều này đã được giới thiệu một cách tỉ mỉ trong quyển Phong thiền thư - Sử ký. Tuy nhiên, cội nguồn của thần Chương Liễu quả là rất xa xăm, không dừng lại ở đời nhà Tống, nhà Kim. Mà cũng không dừng lại ở đời Tây Han. Nếu suy diễn ra, có lẽ bắt đầu từ thuật phù thủy nguyên thủy.
Thần Nhĩ Báo
Trong các loại thần tiên, ma quỷ, còn có một cái tên được người ta biết đến, gọi là “thần Nhĩ Báo’. Trong phần nói về “thần Chương Liễu”, quyển hạ, cuốn Huy trần tân đàm của tác giả Vương Triệu Vân có viết: “Thuật nhĩ báo là đa đoan, cũng giống như thần Chương Liễu mà người đời truyền tụng.” Quyển bốn, sách Quảng chí dịch của tác giả Vương Sĩ Tính có viết: “Ở Phụng Tân có vị thần Chương Liễu, tên tục là Nhĩ Báo.” Sách Kinh lâm tục ký của tác giả Chu Nguyên Vĩ lại gọi liền là “Nhĩ Báo - Chương Liễu thần”. Sách Tập dị tân sa của Lý Chấn Thanh nói rằng, việc luyện thần Chương Liễu được gọi là “Nhĩ Báo pháp”. Có thể thấy thần Chương Liễu là một loại của thần Nhĩ Báo, có điều là người ta dùng tên gọi này thì có thể nhấn mạnh chức năng do thám và truyền tin.
Danh từ “thần Nhĩ Báo” thường gặp trong tiểu thuyết thời Minh - Thanh. Hồi thứ tám mươi hai của Tây du ký có viết: “Tôn Ngộ Không biến hóa khôn lường, phía sau tai giống như hình Nhĩ Báo, nhưng khi nói duy chỉ có Tam Tạng nghe thấy.” Nhĩ Báo này chính là thần Nhĩ Báo, bời vì thần này đã đặt lời nói thầm bên tai chủ nhân, khiến cho người khác không nhìn thấy, cũng không nghe thấy.
Hồi thứ bốn mươi bảy trong Hồng Lâu Mộng có đoạn ghi lại lời Giả Thái Quân như sau: “Không biết là đến đề làm thần Nhĩ Báo, cũng không biết là đến để làm thám tử, thật là bí hiểm.” Trong hồi bảy mươi mốt, Phượng tiểu thư nói: “Đây lại là thần Nhĩ Báo của ai, mà sao nhanh thế?” “thần Nhĩ Báo” ở đây là một sự ví von. Nói theo kiểu hiện nay nghĩa là một thứ cực kỳ tinh quái trong việc dò la những điều riêng tư của người khác. Không những thế, nó còn có khả năng xuất quỷ nhập thần, truyền tin dò la được cho người khác, bởi vì đó là một vị thần. Nhưng trong dân gian, người này đương nhiên chưa đủ tư cách làm mật thám quan phủ, nên chỉ có thể truyền những tin giữa những người hàng xóm với nhau, đưa chuyện thị phi mà thôi. Trên thực tế,mấy chục năm trước, danh từ “thần Nhĩ Báo” này còn xuất hiện trong ngôn ngữ thường nhật của người dân. Từ khi xuất hiện những danh từ như “đặc vụ”, “mật thám”, chúng mới thay thế cho danh từ “thần Nhĩ Báo”.
Lịch sử của thần Nhĩ Báo còn sớm hơn nhiều so với thần Chương Liễu, hơn nữa cũng không giống những trò tiểu xảo chỉ dùng để gọi hồn hay lừa gạt tiền tài như thần Chương Liễu. Thần Nhĩ Báo đã từng có một thời huy hoàng tham dự vào chính sự. Vì vậy, dù thế nào cũng không thể để nó bị mai một.
Phù thủy lợi dụng ma quỷ, thần tiên để gieo quẻ dự báo cho khách, đó cũng chính là một ngón kiếm tiền. Ngón này nếu gặp các bậc quý nhân hay vua chúa thì sẽ ra sao? Một khi đã vào tay những kẻ đáng mặt anh hào, sẽ trở thành một thứ trong kho vũ khí để mùa đông đám lính sử dụng, tiện tay giết người, từ đó trở thành trợ thủ đắc lực cho những kẻ đáng mặt anh hào xưng hùng xưng bá. Chức năng chủ yếu của thần Chương Liễu là “báo tin”. Nếu các bậc vua chúa nuôi một đội thần Nhĩ Báo, phối hợp với đội đặc vụ thì phải nói rằng nhất cử nhất động của quan lại cho tới muôn dân, ngay cả những ý nghĩ vừa lóe lên trong đầu cũng không lọt khỏi tầm giám sát của thần Nhĩ Báo.
Thực ra, ý tưởng này, các bậc vua chúa sáng tôi hiền ngày xưa đâu thể không nghĩ tới. Thư tịch cổ của người Trung Quốc cũng có ghi chép trong mục Sở ngữ của quyển Quốc ngữ. Sở Linh Vương - một vị hôn quân tàn bạo khi từ chối lời can gián của các bề tôi: “Trong tay đã có các linh hồn, mọi can gián ta đều nghe thấy hết.”
Thời Tam Quốc, có một người nước Ngô tên là Vi Thiện Chú nói rằng: “Trung, thân, dã, yểu tử viết thương. Thương cung, thương chi cư dã. Chấp, vị bả kỳ lục tịch, chế phục kỳ thân, tri kỳ cư xử, nhược kim thế vân năng sử thương dã.” Đại ý của câu này là nắm giữ các hồn ma người chết yển thì có thể khống chế được chúng, dùng chúng để giám sát mọi ngôn hành cử chỉ của quan lại. Những bề tôi trong lòng có ý kiến gì không thống thiết phải viết thành văn bản nhưng cũng bị vua Sở phát hiện. Đó chính là thuật “sử thương” thời Hán - Ngụy.
Đương nhiên, người có thể khống chế được linh hồn ma quỷ phải là các thầy phù thủy chuyên nghiệp. Một học giả đời Thanh tên là Huệ Sỹ Kỳ đã soạn quyển Lễ thuyết, trong đó, đối với việc từ chối lời can gián của Sở Linh Vương, ông cho rằng đó chính là tận dụng thuật giáng thần của phù thủy. Huệ Sỹ Kỳ nói rằng: “Sử thương do hạ thương, sở vị vu giáng chi lễ cái như thử.” “Hạ thương” chính là thương thần giáng thế, mà “vu giáng” chính là thần giáng thế đã bám sát vào thân thể của phù thủy. Phần Thần Chương Liễu trong quyển năm, sách Hà ngoại quận tiết ghi lại những điều càng rùng rợn hơn: “Quỷ trung chính là quỷ thân. Thương cung chính là linh hồn trẻ nhỏ. Đó chính là thần Chương Liễu và thần Nhĩ Báo ngày nay.
Huệ Sỹ Kỳ trong quyển Lễ thuyết đã đưa ra một cách lý giải quan trọng là, các kế sách trị dân của tầng lớp thống trị ngày xưa thường sử dụng nhiều thuật phù thủy. Cuối thời Tây Hán, một vị đại thần Nho học tên là Sư Đan kiến nghị rằng, hãy để phù thủy trợ giúp việc đại sự quốc gia. Cách lý giải này của Huệ Sỹ Kỳ không phải là lập dị. Giai caaos thống trị thời xa xưa sở dĩ có thể giành được ngôi vị cao như vậy phần lớn là vì họ có thể thực hiện một cách hữu hiệu thuật phù thủy. Xã hội tiến bộ đã dần dần làm mờ đi vai trò của các thầy phù thủy trong việc trợ giúp giai cấp thống trị, nhưng thuật phù thủy chưa từng biến mất trong kế sách thống trị. Điều đó có nghĩa là đến thời Tây Hán đọc tôn Nho thuật, nền chính trị Nho gia trong suốt quá trình phát triển của nó đều liên quan đến phương thuật, thận chí bản thân các Nho sinh cũng trở thành kẻ sỹ phương thuật. Theo cách lý giải này, thuật “sử thương” của Sở Linh Vương cũng chưa hẳn do Sở Linh Vương sáng tạo ra, có khả năng từ trước đó đã là một trong những quốc sách được sử dụng ở miếu đường.
Thời Xuân Thu, nước Sở bị các nước chư hầu vùng Trung Nguyên coi là man di, điều này các nước chư hầu không nhắc tới. Có thể chính các nước chư hầu đã phát minh ra phép thuật này, cũng có thể xuất phát từ tác phẩm Quốc ngữ, nhưng trong thiên Chu ngữ thượng đã ghi lại câu chuyện về Chu Lệ Vương như sau: Lệ Vương bạo ngược, khắp nơi dân chúng đều ca thán. Vì vậy, Thiệu công tâu lên nhà vua rằng: “Dân chúng không chịu nổi nền chính sự hà khắc.” Lệ Vương tức giận ời phù thủy nước Vệ giám sát dân chúng xem kẻ nào hé miệng kêu ca thì trình lên Lệ Vương và hạ lệnh chém đầu. Ai nấy không dám hé răng, gặp nhau trên đường chỉ dám đưa mắt nhìn nhau. Lệ Vương mừng lắm, bèn nói với Thiệu công rằng: “Ta đã ngăn chặn được dân chúng rồi đấy, không kẻ nào dám kêu ca nữa.”
Độc giả ai cũng quen với câu chuyện lịch sử này nhưng chưa chắc đã chú ý đến nhân vật phù thủy nước Vệ. Vi Thiệu Chú cho rằng: “Phù thủy nước Vệ là người chuyên trong coi, giám sát của nước Vệ. Nhờ có vị phù thủy này mà Lệ Vương biết được những ai phàn nàn về chính sự.” Chu Lệ Vương mời phù thủy nước Vệ đến gián sát dư luận, đương nhiên thầy phù thủy nước Vệ đã sử dụng thuật phù thủy. Cái gọi là “Hữu báng tất tri” (Có ai báng nhạo đều biết hết) chính là vì trong tây đã có thần Nhĩ Báo, sử dụng phép thuật “Hữu chấp quỷ trung, tả chấp thương cung”. Vị phù thủy này chưa chắc là người nước Vệ, rất có thể là phù thủy được mời đến trợ giúp cho nước Vệ, sau đó được tiến cử lên thiên tử nhà Chu. Nước Vệ đương nhiên là nước thân cận với nhà Chu và là một trong những nước chư hầu. Thời Chu Lệ Vương sớm hơn ba trăm năm so với thời Sở Linh Vương, chúng ta làm sao có thể chuyển “quyền phát minh” ra “thương cung” cho nước Sở được?
“Nguyên liệu” tạo ra “sử thương” chính là tính mạng của những đứa trẻ. Đối với các chủ nô cỡ lớn và lãnh chúa phong kiến, những “nguyên liệu” này là rất tiện lợi. Họ không cần những tà thuật của hậu thế, mà chỉ cần chọn ra một số nô lệ tí hon, khi cần thì giết và phù phép là được. Do đó, chúng tôi cho rằng, quyền phát minh ra “sử thương” có lữ thuộc về các nhân vật tầm cỡ thuộc tầng lớp trên, về sau mới lưu truyền đến tay các phù thủy trong dân gian.
Để có thể xui khiến những linh hồn bé bỏng, ngây thơ, bắt chúng phục vụ ục đích của mình, giai cấp thống trị đã giày vò thể xác cũng như linh hồn của những đứa trẻ này, để bắt chúng thuận theo mình, đi làm những điều tàn ác. Tội ác này khiến cho người đời của muôn kiếp sau nguyền rủa.
Trung thư[1] quỷ án
[1] Trung Thư tỉnh: tên của cơ quan chính quyền thời phong kiến
Năm Nguyên Thuận thứ ba, tức năm 1343, tại một địa phương của tỉnh Thiển Tây - Trung Quốc, nay thuộc khu tự trị Nội Mông xảy ra một vụ án kỳ lạ làm kinh động một thời. Bởi nhân vật chính trong vụ án và nguyên cáo là những hồn ma không rõ mặt. Sự việc đã được đưa lên tới cấp lãnh đạo tỉnh Trung Thư và cấp trung ương nên được gọi là “Trung Thư quỷ án”. Tình tiết chủ yếu của vụ án này đã được ghi chép tường tận trong thiên Trung thư quỷ án, quyển mười ba, sách Nam thôn chuyết canh lục của tác giả Đào Tông Nghi, sống ở cuối thời nhà Nguyên - đầu nhà Minh. Lời tố tội của những linh hồn bị hại vô cùng bi thảm và thê lương. Thủ đoạn giết người của hung thủ vô cùng tàn nhẫn và ghê rợn, khiến độc giả không khỏi bị ám ảnh, rất lâu sau vẫn chưa thể giải tỏa được. Ngoài phần tư liệu do tác giả Đào Tông Nghi trích dẫn, các bậc hàn lâm học sĩ đương thời thừa chỉ Lý Hảo Văn, lại dựa vào tình tiết vụ án, viết một thiên ký sự. Sau đó, một người nước Yên tên là Lương Tải lại viết lời tựa cho thiên ký sự ấy. Hai bài viết này đã trải qua nhiều lần xử lý về hình thức nghệ thuật, nhưng về sau người ta vẫn cảm thấy còn nhiều từ ngữ chưa được tinh tế, nên đành lược bỏ và viết lại một thiên có tên là Vương Bật truyện, truyện này còn lưu trong quyển hai của bộ sách Tống học sỹ văn tập. So với lời kể của Đào Tông Nghi thì đây vẫn là “bản tiểu thuyết” nguyên án. Cho nên về sau, Viên Mai đã chỉnh sửa đôi chút, đổi tên là Vương Bật, và chép vào quyển Tử bất ngữ, điều đó cũng là hợp lý. Ngoài ra, thiên Chu nhi trong Liêu trai chí dị của tác giả Bồ Liêu Tiên cũng được sáng tác dựa theo nguyên bản của Vương Bật truyện.
Một vụ “quỷ án” trong vòng bốn trăm năm đã được bốn, năm vị văn nhân cỡ lớn quan tâm, hơn nữa, góc nhìn của mỗi người không giống nhau. Vì thế, chúng tôi cho rằng cần phải giới thiệu với công chúng.
Nguyên cáo của vụ án là cư dân một vùng nọ tên là Vương Bật. Dưới đây chúng tôi căn cứ vào những tư liệu mà Vương Bật trình báo lên chính quyền địa phương, được ghi chép trong quyển Chuyết canh lục, xin giới thiệu khái quát tình tiết vụ án như sau:
Sự việc xảy ra vào tháng Chín năm 1343, Vương Bật sống ở phương Lễ Kính, phố Bát Trát. Hôm đó, Vương Bật đến quán Bình Dị, phường Nghĩa Lợi thì gặp một người làm nghề bói toán họ Vương từ phương xa đến. Người thầy bói này đang tạm cư ở đây và hành nghề gieo quẻ. Vương Bật thấy người thầy bói này lạ mặt nên lân la đến hỏi chuyện. Không biết vì sao hai người sinh ra cãi cọ, lát sau, hai bên dường như khống chế được bản thân nên không đến mức giằng co quyết liệt, gây ra ẩu đả.
Chính vào đêm Hai mươi chín tháng này, Vương Bật ngủ cạnh cửa sổ, chốc chốc lại nghe thấy âm thanh lạ, giống như tiếng gió thổi trong hồ lô vậy. Tắc Bắc mùa thu đêm khuya thường hay nổi gió lớn, tiếng gió thổi trong hồ lô lẽ ra không đáng để người ta sợ hãi như vậy, nhưng Vương Bật lại có những dự cảm bất thường, trong lòng chắc mẩm âm thanh quái dị này chắc chắn kiên quan đến ma mãnh. Vậy là ông lập tức mời Lý pháp sư về làm phép “khiến tống” đuổi đi. Mới nghe tưởng như chuyện bé xé ra to, nhưng thực tế không hẳn thế. Khi thầy pháp tới, trong không trung bỗng vang lên tiếng nói: “Là một tên thầy bói sai tôi đến đây.” Nói xong liền bật khóc tức tưởi, luôn miệng kêu oan. Vương Bật liền ngẩng lên nói với người trong không trung: “Ngươi là ma hay là thần? Mau khai thật cho ta biết.” Tiếp theo liền nghe tiếng con ma trả lời: “Tôi là Nguyệt Lạp, con gái ruột của quan ở Phong Châu. Ngày Mười bảy tháng Chín tôi ra vườn đi dạo thì bị ông Vương giết chết, bắt làm tay sai của ông ta, hôm nay ông ta lệnh cho tôi đến đây tác quái.” Vương Bật liền ghi chép lại tất cả những gì ma nữ vừa nói, rồi đem đi kiện lên quan phủ. Quan phủ liền phái người đi bắt kẻ gian, đến nhà tên họ Vương lục soát, khám được một hình nhân gỗ tết tóc hai bên, trên đầu cắm bốn cây kim, mặc trang phục nữ; tám hình nhân bằng giấy, trên người đều có mảnh lụa ngũ sắc, buộc cả chỉ ngũ sắc, một nắm đuôi tóc, một bình hồ lô buộc sợi thừng đỏ, bên trong đựng hai viên đá hổ bạch, bên ngoài buộc chỉ ngũ sắc, ngoài ra còn có một là bùa viết bằng Chu Sa.
Lúc này, chắc chắn tên Vương đã bị bắt giải lên quan, nhưng sự việc xảy ra đã cách đây một tháng, lúc đó quan phủ không định án, nên vụ án tiến triển không được thuận lợi như Vương Bật dự liệu, tên Vương nhất quyết không chịu thừa nhận sự việc như Vương Bật tố cáo, những thứ thu được ở nhà hắn đương nhiên hắn cũng phủ nhận và cho rằng mình bị người khác sắp xếp, vu oan giáng họa. Hơn một tháng sau, Vương Bật lại cung cấp thêm tình tiết mới cho vụ án:
Ngày mùng Ba tháng Mười một, có một con ma hiện về kể với Vương Bật rằng: “Tôi là con trai thứ hai của ông chủ ở phương Nam, đường Phong Nguyên, tên là Ngoan Lữ, năm nay mười tám tuổi, bị tên Vương và ba tên đồng bọn giết chết, rồi đổi tên thành Ngoan Đồng.”
Ngày Hai mươi hai, lại có một hồn ma khác tìm đến kể với Vương Bật: “Tôi là con trai nhà Lý Thiếp, tên là Lý Diên Nô, còn gọi là Thưởng Hôi, bị lão tặc này giết hại, đổi tên thành Mãi Mại. Năm đó tôi mới mười bốn tuổi.”
Ba mạng người, ba vong hồn của ba đứa trẻ, tuy lúc này vẫn không có bất cứ chứng cứ thực tế nào, còn người làm chứng là Vương Bật cũng chỉ là người nghe lại câu chuyện qua lời kể của ma quỷ, nhưng đây vẫn là một vụ án đáng được quan tâm. Quan phủ áp dụng tất cả biện pháp cực hình, cuối cùng cũng thu được lời khai của tên Vương như sau:
Vương Vạn Lý, năm nay năm mươi mốt tuổi, người tỉnh Giang Tây, từng học thuật âm dương với thầy pháp Chu ở Hàm Dương. Tháng Ba năm Thuận Nhị (khoảng năm 1331 công nguyên đến năm 13 Chính Tam) đến phủ Hưng Nguyên, lại gặp một người họ Lưu. Ông Lưu nói: “Ta có thể dùng phép thuật sai khiến, mê học lòng người, thu nạp ma quỷ, sai đi tác oai tác quái nhà người ta để kiếm tiền, nay giao cho người một con.” Nói rồi liền rút trong người ra một miếng vải ngũ sắc, bên trong gói một nắm tóc, nói: “Tên quỷ này đã được đổi tên là Diên Nô. Muốn học tốt thuật này, cần phải kiếm được những đứa trẻ thông minh, lanh lợi, dùng lệnh bài và nước phép niệm chú, cắt sống mũi, môi, lưỡi, tai, mắt, lại niệm chú hút hết sinh khí, tiếp theo mổ bụng, lấy hết nội tạng, cắt thành từng khúc phơi khô, xương cốt đem nghiên nát, bọc lại bằng vải ngũ sắc, rồi đem tóc của nó tết lại, dùng giấy cắt thành hình người, mọi việc hoàn tất mới niệm chú, sai khiến nó đến nhà người ta tác oai tác quái.”
Tên pháp sư họ Lưu theo Vương đến nơi Vương ở. Đến đêm, Lưu liền thắp hương niệm chú, chỉ nghe thấy tiếng người mà không thấy bóng dáng đâu: “Sư phụ, người sai tôi đến nhà ai?” Tiếng nói đó chính là hồn ma của Lý Diên Nô. Lưu liền dặn dò Diên Nô rằng: “Ngươi hãy hợp tác với người này đi.” Nói xong lại niệm chú, thu hồn ma lại. Vương Vạn Lý liền rút trong túi ra ngân phiếu bảy mươi lăm lượng, mua nắm tóc và mảnh gấm ngũ sắc. Lưu còn nói, nếu không thích có thể đổi tên cho con ma rồi đem bán. Rồi lại truyền cho Vương Vạn Lý thêm lệnh bài và nước phép để sai khiến, thu hồi hồn ma, cuối cùng dặn dò rằng: “Thịt bò và thịt chó là hai thứ đại kỵ, không được ăn vì nó có thể làm cho phép này mất thiêng.”