Một loại là xác chết bỗng nhiên bật dậy trên linh sàng, ngồi đơ ở đó, không có cử động nào khác. Trong Di Kiên chi đinh của Hồng Mại, quyển hai có chương An thiếp Nhu nô, viết: “Nhu nô mắc bệnh phù thũng, người ta mời hòa thượng tới làm pháp sự. Pháp sự vừa mới bắt đầu, xác chết bỗng nhiên ngồi dậy. Mọi người thấy vậy, sợ hãi chạy toán loạn, chỉ riêng lão hòa thượng vẫn một mình đứng đó. Hòa thượng nói: “Đây là xác chết sống lại, sao phải sợ hãi như vậy?” Hòa thượng đưa chân đạp đổ xác chết xuống, rồi nhanh chóng khiêng xác bà cho vào trong quan tài, mọi chuyện thế là xong.” Vai xác chết được hoán đổi rất nhanh, lúc nằm trên giường thì vẫn được mọi người thương cảm, khóc thương, nhưng khi ngồi dậy lại khiến người ta sợ hãi, chịu một đòn nặng tay là lập tức ngoan ngoãn trở lại. Nhưng trên thực tế chưa chắc đã có chuyện như vậy. Theo chương Thi quệ trong Đàm thị bút thừa - U minh đã nói ở phía trước, “thi quệ” chỉ là một cách gọi khác của “sạ thi”. Thông thường, sau khi ngồi ậy, xác chết sẽ nhảy xuống đất. Nhưng bà Di không hề làm tất cả những động tác đó, tưởng tượng thần thái lúc đó, hình như xác chết vừa bừng tỉnh sau một giấc mộng dài, đang băn khoăn không hiểu tại sao mình lại nằm đây. Nếu ta bạo gan có thể suy luận rằng, đó là một dạng tỉnh lại sau cái “chết giả”. Không ngờ bà ta tỉnh dậy không đúng lúc, bị lão hòa thượng mắc bệnh chủ nghĩa kinh nghiệm nhận nhầm là xác chết sống lại, một cước đạp thẳng xuống, khiến bà Di chết thật.
Một loại là “xác trương”, tức thi thể trương phềnh không bình thường. Di Kiên chi đinh, quyển một có chương Vương đại khanh, nói tri phủ huyện Bình Giang Vương Quý Đức, vào cung mới được một tháng thì đột tử. “Các quan trong cung hợp sức lo tang lễ, lúc sắp nhập liệm, thi thể bỗng nhiên trương phềnh, không thể nhét vừa quan tài.” Mãi đến khi chiếc quan tài mà bị tri huyện này đã chuẩn bị từ trước được đưa tới, thi thể mới hồi phục lại nguyên dạng. Hóa ra người chết cũng giống như một số người ngủ phải kén chọn giường, quan tài của người khác khiến ông ta không thoải mái. Đương nhiên cũng có thể bổ sung khi đọc lời truy điệu, xem ra vị quan tri huyện này không muốn nhân thể chiếm lợi bất chính từ công quỹ, vì thế mới xảy ra trường hợp đặc biệt này, từ đó tạo tấm gương lớn cho tất cả các cán bộ của chúng ta. Nhưng theo chương Tiết lục sự ngư phục chứng tiên, quyển hai mươi sáu, cuốn Tỉnh thế tuyên ngôn, loại xác trương phềnh này dường như không phải hiện tượng gì đặc biệt:
Chỉ thấy người ta thường nói: “Thời tiết tháng Bảy nắng nóng, nếu nghe thấy một tiếng sấm, xác chết lập tức trương phềnh, như thế làm sao mà nhét vào quan tài được?
Quyển một, cuốn Ngũ tạp trợ của Tạ Triệu Chế, người thời Minh nói:
“Phong tục thông” có ghi: “Nổi sấm thì không đậy hũ tương”, tiếng sấm phát ra từ vùng âm khí, các vật đang trong trạng thái co rút, nếu chạm vào nó, vật sẽ xuất hiện sự biến đổi. Ngày nay người mới chết nếu chưa được liệm, nghe thấy tiếng sấm, thi thể lập tức trương phềnh.
“Nổi sấm thì không đậy hũ tương” hay còn nói “có sấm thì không làm tương”, có rất nhiều cách giải thích, nhưng tôi cho rằng, cách giải thích của Tạ Triệu Chế khá hợp lý, tiếng sấm vừa nổi, tương trong hũ sẽ trương lên (chính là lúc tương lên men), phải bỏ nắp đậy hũ tương ra. Nhưng nếu nói xác chết và hũ tương giống nhau trong trường hợp này lâu dần cũng khiến người ta không phục, hơn nữa không sợ rằng nếu sấm nổ liên hồi thì xác chết kia sẽ trương đến mức vỡ quan tài ra sao? Thôi kệ, tóm lại, trong dân gian vốn đã quen với cách nói nghe tiếng sấm, xác trương phềnh, nó thuộc vào loại hiện tượng tự nhiên, nên cũng không cần bới móc nhiều.
Một loại xác khác là “xác nhảy múa”, xác chết nhảy múa, uốn lượn theo tiếng nhạc. Sự việc này chỉ thấy trong quyển mười ba, cuốn Dậu dương tạp trở của Đoạn Thành Thức, người thời Đường:
Ở Hà Bắc, vợ của một trưởng thôn vừa mất, chưa liệm. Cuối ngày, con cái bà ta bỗng có cảm giác có tiếng nhạc càng lúc càng gần, khi tiếng nhạc đi đến phía gian nhà chính, xác chết bỗng cử động. Tiếng nhạc đi vào trong phòng, chỗ giữa hai chiếc cột nhà, xác chết liền đứng lên nhảy múa. Tiếng nhạc lặp lại rồi đi ra ngoài, xác chết cũng múa lượn theo ra cửa, cứ thế, tiếng nhạc đi tới đâu, xác chết đi tới đó. Người nhà thấy vậy vô cùng kinh sợ. Đến khi đêm khuya, trăng đã lên, họ không dám đi tìm xác người chết nữa. Canh một, trưởng thôn trở về, sau khi biết chuyện, ông chặt một cành dâu to bằng cánh tay, mang theo chai rượu đi tìm, vừa tìm ông vừa quát mắng. Khi đến một khu nghĩa địa cách nhà khoảng năm, sáu dặm, ông nghe thấy tiếng nhạc ở phía một cây bách. Trưởng thôn tiến gần đến chỗ cây đó, dưới cây lửa cháy bập bùng, ông giơ gậy dâu lên tấn công, xác chết ngã xuống, tiếng nhạc cũng tắt theo. Trưởng thôn vác xác vợ trở về nhà.
Tôi thấy câu chuyện này khá thú vị. Rất nhiều câu chuyện tương truyền về thần tiên đều có nhắc đến một người tu đạo nào đó. Khi người này chết, người khác nghe thấy tiếng nhạc, gọi đó là nhạc tiên, người ta nói tiếng nhạc đó do thần tiên trên trời phái đội danh dự đến đón người chết về trời. Nhưng vợ của trưởng thôn ở đây chưa từng đọc truyện tiên, không hiểu trình tự của việc “áp giải xác chết”, vừa nghe thấy tiếng nhạc liền hưng phấn quá mức, linh hồn chưa được giải thoát đã nhảy múa tưng bừng, kết quả là trong nháy mắt từ tiên nhân biến thành yêu nghiệt, cuối cùng phải chịu một gậy trời giáng mới ngoan ngoãn để người chồng vác về nhà. Nhưng từ câu chuyện này ta có thể thấy, vị trưởng thôn kia rất thật thà, rất tốt bụng. Nếu khéo léo một chút, chỉ cần kể nửa trước (khi đội nhạc tiên đến đón), thì đó sẽ là cái lộc trời ban, cả phủ huyện, thậm chí cả triều đình sẽ phong vợ ông trưởng thôn làm nhân vật làm cả Đại Đường phải cảm kích, và trong Thần tiên thông giám, tỉnh Hà Bắc sẽ có thêm một vị tiên cô.
Một loại xác chết sống lại khác, đương nhiên bản thân nó không có hại cho ai, nó là loại xác chết không tuân theo quy tắc, nó không báo cáo với ai mà đã rời khỏi nơi mà nó nên ngoan ngoãn ở đó. Điều này đương nhiên là không đúng, bởi nó thật đáng sợ. Mộng xưởng tạp trứ của Du Giao, người Thanh, quyển tám có phần Xác chết sống lại kể rằng:
Tôn Bích Cửu giữ chức phó quận. Một đêm thu, ông xách đèn ***g chơi trò ú tìm ở chân núi Ngọa Long. Bỗng nhiên một luồng gió lạnh thổi tắt ngọn nến trong đèn, ông nhìn phía xa xa bên bìa rừng có ánh lửa như hình con đom đóm, liền tới đó. Thấy một ngôi nhà đất có hai cột chống, cánh cửa gỗ khép hờ, thấy thế ông giả vờ là người đi đường vào xin lửa, nhưng gọi mấy câu mà không thấy ai đáp lời, ông liền bước vào nhà. Bên trong không có ai, ông nhóm xin ít lửa rồi bước ra. Khi ra đến ngoài, ông nhìn thấy một người đàn ông đứng thẳng sau cánh cửa, ông Tôn bèn cười nói: “Huynh ở nhà, sao ta hỏi không thấy huynh lên tiếng?” Ông Tôn đưa nến lên soi, đầu tóc người này rối bù, mắt hơi nhắm, miệng mở hoác, mặt trắng bệch, đây chắc chắn là một xác người vừa chết. Ông Tôn sợ dựng tóc gáy, cuống cuồng chạy như bay về nhà. Ngày hôm sau, ông thăm dò về ngôi nhà đó thì được biết đó là nhà của một người bán rau, chỉ có vợ, không con cái, sau khi ông ta chết, vợ ra ngoài mua đồ về liệm. Xác chết làm thế nào lại đứng nấp sau vửa, đó là điều chưa ai giải thích được.
Thực ra chẳng có gì là “không giải thích được”. Tôn Bích Cửu thích chơi trò ú tim, đã làm cán bộ cỡ trung ở phủ nha rồi mà nửa đêm vẫn xách đèn ***g đi chơi, vừa khéo gặp người đàn ông vừa chết cũng có nhã hứng với trò chơi này, mượn câu nói của Triệu Bản Sơn thì đây cũng chỉ là là “thực ra tôi cũng thích giấu mèo” mà thôi.
Đáng sợ hơn tất cả đó là “xác chết đi lại” hoặc “xác chết lao chạy”. Một cách nói tế nhị hơn là “tẩu ảnh”, hậu quả của nó vô cùng nghiêm trọng, bởi cái “chạy” của nó lại lấy người sống làm mục tiêu. Trong Liêu trai có chương Xác chết sống lại chính là một ví dụ điển hình.
3
Xác chết xuất hiện hiện tượng dị biến, một thân sĩ, một cô gái tốt bụng bỗng chốc có thể trở thành một con quỷ chuyên đi gây hại, thậm chí nó có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng, vậy trách nhiệm này nên thuộc về ai? Tuy thường ngày mọi người đều tin thần tin quỷ, nhưng đến lúc này lại nhận định “người chết vô tri”, không thể chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Vậy thì sẽ giống như đối xử với những kẻ mắc bệnh thần kinh, người ta sẽ chỉ trích người nhà của người chết lơ là trông coi, như vậy quả không hợp tình hợp lý, vốn dĩ người chết phải ngoan ngoãn nằm ở nhà, và chắc chắn không thể dùng dây thừng cột người ta lại được. (Cách này không phải không thể thực hiện, nghe nói ngày xưa người phương Bắc cũng có tập tục “dùng dây thừng buộc chân” người chết khi mai táng, đó là khi người chết được đặt lên linh sàng thì dùng thừng buộc hai chân lại.) Vì thế, khi không mong muốn một việc xảy ra, người ta cần tìm một số nguyên do, vừa phải giúp người chết thoát khỏi trách nhiệm, vừa phải bảo vệ danh dự của người chết, Trung Quốc từ trước tới nay không thiếu những nhân tài như vậy, và thế là họ sáng tạo ra vô số những quan điểm, trong đó có ảnh hưởng lớn nhất là cách nói “quỷ mượn xác người”.
Loại xác chết di động thông thường sẽ đuổi theo người sống một cách vô thức, nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ, chúng còn gây ra những việc khác nữa, ví như những việc trai gái trăng hoa chẳng hạn. Trong Phong tục thông nghĩa của Niên Ứng Thiệu, cuối thời Đông Hán có ghi lại một loại xác chết di động như sau: “Trạm dịch ở cửa Tây huyện Nhữ Dương, quận Nhữ Nam thường xuyên có ma, khách phương xa đi ngang qua ghé vào ở lại đa phần đều tử vong, hoặc nếu không chết cũng bị cắt mất tóc, sau đó trở thành kẻ tâm thần. Trong quận có một viên quan nhỏ tên là Trịnh Kỳ Hưu, hôm đó đánh xe ra ngoài làm công vụ. Đi đến đoạn cách trạm dịch khoảng sáu bảy dặm, anh ta gặp một người phụ nữ xin đi nhờ xe. Trình Kỳ Hưu giả vờ suy nghĩ trong giây lát rồi để người phụ nữ lên xe. Đi đến trạm dịch, anh ta định dắt người phụ nữ lên gác qua đêm ở đó. Tên lính canh nói trên gác rất độc, không thể lên. Nhưng Trịnh Kỳ Hưu không nghe, khăng khăng đòi lên đó. Đêm hôm đó, Trịnh Kỳ Hưu đã có một đêm mây mưa vui vẻ với người phụ nữ xinh đẹp. Trời chưa sáng, Trịnh Kỳ Hưu lại phải lên đường, đến khi người của trạm dịch lên gác quét dọn, chỉ thấy xác một người phụ nữ đang nằm ở đó, người này bèn vội vã báo cáo trạm trưởng. Trạm trưởng triệu tập thuộc hạ đến điều tra, hóa ra cách trạm dịch tám dặm về phía tây bắc có gia đình họ Ngô, bà vợ vừa chết, nửa đêm khi chuẩn bị chon, thì đèn đuốc bỗng nhiên tắt hết, khi đèn được thắp lại thì xác chết đã không còn ở đó nữa. Việc nhà họ Ngô đến lãnh xác về không nói nữa, mà nói về Trịnh tiên sinh, khi đi được khoảng vài dặm, anh ta bỗng thấy đau bụng, khi đến trạm dịch Lợi Dương ở Nam Đôn, cơn đau trở nên dữ dội, vài giây sau Trịnh Kỳ Hưu tắt thở.
Câu chuyện này khác với những câu chuyện giao cấu giữa người và ma khác, người phụ nữ này không phải là hồn ma, mà là một xác chết, sau khi người ta mang xác bà về nhà, ngoài sự buồn bã vì mất mặt ra, có lẽ cũng chẳng có hành động thương xót nào dành cho bà nữa. Cái chết của Trịnh Kỳ Hưu chắc chắn có quan hệ với xác chết của người phụ nữ này, nhưng gác trên của trạm dịch vốn cũng không phải nơi thanh tịnh, có người nói trên đó có hồn mà luôn thừa cơ hại người có lẽ cũng không phải vô lý, thậm chí có thể căn cứ vào những ám thị trong từ ngữ để suy luận, một loạt những hành vi rời khỏi chỗ nằm, xin đi nhờ xe, giao cấu với người sống của xác chết này đều là do sự thao túng của con ma trên gác trạm dịch.
Sự việc này đã cung cấp cho con người một “ví dụ thực” trong việc tìm hiểu nguyên nhân các xác chết di động, không phải bản thân xác chết tác oai tác quái, mà là một con quỷ khác lợi dụng xác chết để làm trò ám muội, cũng có nghĩa là “quỷ mượn xác người” đi quấy phá. Đây thực sự là lý do tuyệt hảo để giải thích về trường hợp các xác chết sống lại, sau này nó được áp dụng khá phổ biến, và người tiết lộ sớm nhất có lẽ là Hồng Mại thời Nam Tống.
Di kiên đinh chí, quyển năm có chương Người Cú Dung, một sai nha phủ Kiến Khang đi làm công vụ bên ngoài, anh ta phải trở về gấp nên nửa đêm vẫn phải dong duổi trên đường. Lúc đó đang vào mùa đông lạnh giá, anh ra đi đến đất Cú Dung, nhìn thấy dưới chân núi có một ngôi nhà nhỏ vẫn sáng ánh lửa, bèn ghé qua xin sưởi ấm. Sau khi vào nhà, anh nhìn thấy bảy, tám người dân trong thôn đang trông coi một xác chết nằm trên đất, hóa ra người đó thắt cổ chết trong căn nhà này, người dân trong thôn hạ người đó xuống, đang đợi quan phủ tới nghiệm xác. Viên nha dịch thấy mấy người dân làng người thì ngủ, người thì ngồi, bèn ngồi ở đó một lát rồi lại tiếp tục lên đường. Nhưng vừa ra đến cửa, anh có cảm giác như có người trong nhà đi theo mình. Anh nha sai đi nhanh, người phía sau cũng đi nhanh theo. Cứ như vậy, người trước người sau đi được hơn hai dặm. Nhìn thấy phía trước là một con rạch, anh nha sai nhảy phắt qua bờ bên kia, còn người phía sau thì “òm” một tiếng cả đầu và người rơi xuống con rạch. Anh nha sai nhảy xuống vớt anh ta lên thì người này đã chết. Hóa ra, đi theo anh chính là xác chết treo cổ kia! Và Hồng Mại có giải thích rằng: “Đó là “cưỡng hồn”, mượn xác người để đi gây hại.” “Cưỡng hồn” chỉ một hồn ma khác, chứ không phải hồn của xác chết.
Ý kiến này của Hồng Mại về xác chết di động cũng được khẳng định lại trong một câu chuyện khác, đó là chương Chứng quả tự tập nghiệp, quyển sáu, cuốn Di kiên chi đinh. Một người họ Vương là người có học tại đất Minh Châu. Vương mỗ thuê một căn phòng yên tĩnh tại chùa Chứng Quả để đọc sách chuẩn bị ứng thì kỳ thi năm nay, trong chùa chỉ có ba, bốn vị hòa thượng. Đêm hôm đó, tại một ngôi làng cách chùa khoảng mười dặm, người ta làm pháp sự siêu độ ột vong hồn. Đến nửa đêm, Vương mỗ tắt đèn đi ngủ. Bỗng nhiên có người gõ cửa, Vương mỗ hỏi ai, hóa ra là một người bạn cũ, bèn vội vàng mời người đó vào phòng. Người bạn cũ nói: “Vì đi đường vội quá nên không kịp thuê phòng trọ, muốn qua đây ngủ nhờ một đêm.” Vương mỗ vui vẻ giữ người đó ở lại, còn bảo người đó lên giường cùng nằm với mình. Nói chuyện một lúc, người bạn mới vừa cười vừa nói: “Có một việc tôi không thể không nói thật với huynh, xin huynh đừng sợ. Tôi đã chết được hơn một năm rồi, hôm nay đến đây là vì thực sự có việc cần nhờ huynh giúp.” Lúc đó Vương mỗ thực sự sợ đến toát mồ hôi lạnh, nhưng không còn cách nào khác, anh đành phải tiếp tục nghe người bạn nói. Người bạn tiếp: “Sau khi tôi chết, vợ tôi đã cải giá, quẳng lại đứa con thơ không biết sống ra sao. Lúc tôi còn sống có tích cóp được hai trăm lạng tiền dạy học, chôn ở một chỗ, xin huynh hãy nói cho con trai tôi biết.” Nói xong, người đó liền đứng dậy, giơ tay chào biệt. Vương thấy vui mừng vì người bạn đã ra đi, nhưng trong bóng tối anh vẫn có cảm giác như bên cạnh mình vẫn có người nằm đó. Tâm trạng lo lắng, khiến cả đêm anh không sao ngủ được, khó khăn lắm mới trải qua được đêm hôm đó. Sáng hôm sau, anh vội mở cửa chạy ra ngoài. Đúng lúc các hòa thượng cũng trở về, họ đang nói về chuyện lạ xảy ra hôm qua, kinh đã đọc đến mười lần, đến lúc khiêng xác nhập liệm, nhưng đưa tay sờ, dưới tấm chăn hoàn toàn trống không, xác chết không biết đã chạy đi đâu mất. Nghe vậy, Vương mỗ dẫn mấy vị hòa thượng đến căn phòng của mình, thấy một người đang nằm thẳng cẳng trên giường, người này chính là ông cụ vừa mới chết.
Có bạn từ phương xa tới, thì dù người đó có mượn xác để tới, ta vẫn phải vui mừng như khi người đó còn sống, đó chính là “tử hữu”. Nhưng sau khi căn dặn xong, bạn từ biệt ra đi, để lại cái xác mượn ở đó, hậu quả của việc không gánh trách nhiệm này vô cùng nghiêm trọng. Câu chuyện này còn có một phiên bản khác, đó là Thặng huyện sơn am trong Di kiên chí bổ, quyển mười sáu, người bạn căn dặn xong, không chào hỏi một câu mà lặng lẽ rời đi. Ai ngờ, xác chết bị bỏ lại vẫn còn chút linh khí, gây ra những phiền phức lớn, chủ nhân ngủ ngáy, xác chết cũng ngáy theo, chủ nhân mệt mỏi nghiêng người tựa vào tường, xác chết cũng làm thế nửa ngồi nửa nằm, chủ nhân kéo màn ra ngoài khạc nhổ, xác chết cũng bắt chước khạc nhổ theo… Chủ nhân làm gì, xác chết làm nấy, như hình với bóng. Lúc này người chủ mới thấy có gì đó không ổn, bèn nhẹ nhàng xuống giường chạy ra ngoài, xác chết kia cũng chạy theo sau. May mà vị này biết xác chết di đông không thể quặt hay chuyển hướng được, bèn chạy vòng một đoạn, xác chết cứ chạy thẳng, đâm sầm vào cột nhà rồi không động đậy nữa. Kết luận là: “Ma cũ muốn tìm chỗ nhờ vả, nên mượn xác người mới chết để tới. Tóm lại, hồn ma có thể trở lại chỗ cũ, nhưng xác ma mới lại không có nơi dựa giẫm, nên mới dẫn đến chuyện lạ như vậy.”
Quan điểm này của Hồng Mai nhận được không ít sự đồng thuận của các thế hệ về sau, điển hình nhất là Đông Hiên, người đời Thanh. Tác phẩm Thuật dị ký của ông có kể câu chuyện về “xác chết di động”, câu chuyện đã thuật lại rất hình tượng và rõ ràng về chuyện ma mượn xác người. Câu chuyện như được ghép từ những “cảnh lừa bịp” trong dân gian, nó có nhiều trắc trở hơn so với các câu chuyện về xác chết sống lại:
Trong một ngôi nhà ở một huyện thuộc tỉnh Sơn Đông có một xác ma di động, ngày ngày đều đi hại người. Thời Khang Hy có hai viên nha dịch cùng giải một phạm nhân đi qua nơi đó, đúng lúc trời mưa to, xung quanh không nơi nào có thể dừng lại trú tạm. Đến nửa đêm, phía xa thấp thoáng có ánh lửa yếu ớt như ánh đèn, ba người vội vàng qua đó. Đó là một ngôi nhà rách nát, trước sau hai gian, bên trong không một tiếng người. Ba người đi vào trong nhìn ngó, một người phụ nữ đang ngồi quay lưng lại phía đèn khóc rưng rức. Một người cất tiếng xin ngủ nhờ ở đây một đêm. Người phụ nữ nói: “Chồng tôi vừa mới qua đời, xác vẫn đang ở đây, chỉ sợ các người ở lại không yên tâm.” Ba người vẫn đồng ý trú lại, ngồ nghỉ bên cạnh xác chết. Hai viên sai dịch đã ngủ say, còn tên phạm nhân thấy lo lắng, trăn trở không sao ngủ được. Lúc này xác chết bỗng nhiên đứng dậy, phẩy tay thổi tắt cây đèn, tất cả trở nên tối đen. Xác chết đưa tay huơ huơ trước mặt hai tên sai dịch, hai tên này không có động tĩnh gì. Rồi xác chết đưa bàn tay về phía tên phạm nhân, tên này sợ quá thét lớn rồi chạy ra ngoài cửa, xác chết chạy đuổi theo. Cả hai chạy qua hai cây cầu, xác chết vẫn chưa chịu buông tha. Tên phạm nhân chạy vào một ngôi chùa bị bỏ hoang, rồi nhảy qua một bức tường thấp ra bên ngoài, còn xác chết kia chạy đâm nhào vào tường ngã xoài trên mặt đất, tên phạm nhân cũng ngất lịm ở phía ngoài tường. Trời sáng, những người đi đường nhìn thấy vậy, bèn làm nước gừng cho tên phạm nhân uống, sau khi tỉnh lại tên phạm nhân cùng những người đi đường lần đường quay trở lại ngôi nhà kia. Nhưng khi đến đó, hai tên nha dịch đã chết ở chỗ đất bên cạnh ngôi nhà hoang.