Đó chính là vào thời kỳ đấu tranh giai cấp gay gắt, còn khoa chúng tôi lại luôn có thể tạo ra sự thực để luận chứng cho chữ “gay gắt” này. Tôi xin lấy tài liệu tại chỗ luôn, tài liệu ở đây chính là những sinh viên không cần bỏ tiền mua chỗ ngồi trong trường học, bình quân mỗi năm có thể gây ra hai vụ “phản động”, hơn nữa chủ đề luôn thay đổi theo thời gian, bắt kịp với sự thay đổi của tình thế. Ví dụ, thời kỳ 1963 -1964, đây là thời kỳ “phản đối chủ nghĩa sửa đổi”, năm đó những sinh viên trúng tuyển có đặc điểm là thích chạy dài và học tiếng Nga, hai môn học này đủ để giúp họ đào tẩu sang biên giới Trung - Xô (Nga). Chủ đề của giai đoạn 1964 - 1965 là “tính phức tạp của cuộc đấu tranh giai cấp”, thế là năm đó, bí thư chi bộ Đoàn của lớp sinh viên tốt nghiệp lập tức rơi vào sa đọa, còn kẻ tay chân không được sạch sẽ cho lắm đã được giai cấp vô sản chúng tôi cứu vớt, trở thành ngôi sao chính trị cấp khoa. Đến nửa cuối năm 1965, chúng tôi gia nhập lớp “sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp”, chủ đề tuy vẫn chưa rõ ràng, nhưng kẻ xử lý và kẻ bị xử lý đều thấy căng thẳng trong thầm lặng. Lúc này, có một sinh viên bất ngờ gia nhập Đảng. Dùng từ bất ngờ là vì, thứ nhất thư ký chi bộ Đoàn là lớp trưởng còn chưa vào Đảng, mà người này rõ ràng thuộc loại “siêu đẳng” rồi, hai là người này lại ngầu như Thổ Hành Tôn trong “bảng Phong Thần” mà Thẩm Mạn Vân đã vẽ, thường ngày luôn miệng nói cười, vui vẻ làm trò gây cười cho người khác, thật không hiểu, rốt cuộc cấp trên thấy được điểm gì ở cậu ta nhỉ? Lúc đó nghĩ lại, mọi người mới nhớ ra cậu ta thường lén lút ghi chép cái gì đó vào vở, nhìn thấy người khác đi tới là vội vã giấu ngay. Có một ngày, cậu ta ở trong ký túc giả vờ “khờ khạo” chọc cười cho người khác, có lẽ là muốn nhân cơ hội để tiếp tục thu thập một số thông tin tình báo chăng? Mọi người bèn nghĩ kế, nhân lúc huyên náo lộn xộn, một người cướp lấy quyển vở trên người cậu ta. Khi lật ra xem, thật ngạc nhiên, đó không phải là những bí mật ghi chép người nào ở đâu, làm gì, nói gì, mà là ghi lại chi tiết việc một bạn sinh viên mỗi sáng ăn mấy cái bánh bao (sau này mới biết, bạn sinh viên này là đối tượng bồi dưỡng được chỉ định trước, chuẩn bị trở thành sinh viên phản động của khóa tiếp theo), nếu ngày nào cậu sinh viên này ăn thiếu nửa cái, bên dưới sẽ được ghi chú hôm đó trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Việt Nam đã bắn rơi mấy chiếc máy bay của Mỹ, rõ ràng cậu ta đang thể hiện tinh thần “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” mà. Cái phiền phức là, báo chí lúc đó dường như ngày nào cũng đăng tin máy bay bị bắn rơi, vì thế chỉ cần người này ăn ít đi vài miếng bánh bao thì có thể cậu ta đang câu kết với chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Những ghi chép này thực sự đáng sợ, những lời nhảm nhí có thể không nói, những điều vô căn cứ có thể không bàn luận, nhưng mỗi bữa ăn hằng ngày đều phải suy xét xem có nên “liên hệ” đến thế lực phản động trong và ngoài nước hay không thì thật là khó.
Trước vụ việc đó, một ngày tôi ăn ba bữa, sáng, trưa, tối mỗi bữa đều ba cái bánh bao (năm 1965, nền kinh tế đã có sự chuyển biến tốt đẹp, nhà ăn trường tôi không giới hạn suất ăn của sinh viên), tuyệt đối không có trường hợp ngoại lệ. Có bạn học nói tôi thực hiện “kế tự bảo vệ mình”, đó là một câu nói đùa đầy thiện ý, nhưng sau này nghe nói trong “nội bộ” có người từng hoài nghi tôi cố ý “đối phó” với tổ chức. Đó quả là nỗi oan ghê gớm.
Phần 3
1
Sổ sinh tử của Diêm phủ đã được chuẩn bị từ nhiều năm nay, cuối cùng chẳng qua cũng chỉ vì câu: “Anh cũng đến rồi à!” Câu này nghe có cảm giác như “cháy nhà hàng xóm vỗ tay reo mừng” vậy, để rồi việc tiếp theo là lấy đi linh hồn của người sống. Sau đó là giam cầm, dùng hình, phán tội, và rồi người đứng đầu Diêm phủ sẽ tìm thấy niềm vui từ đó, giống như anh nông dân vui mừng khi vụ mùa bội thu, còn Diêm Vương hạnh phúc khi những vất vả biên soạn sổ sách trước đây cuối cùng cũng được đền đáp.
Trên tay thần Chết của Tây phương luôn cầm một lưỡi hái, đối với Diêm phủ ở Trung Quốc, vụ mùa của họ cũng được bắt đầu từ việc câu kéo linh hồn của người sống. Từ những câu chuyện ma đã được đọc, nha sai cõi âm khi đi làm nhiệm vụ câu kéo linh hồn, thường tỏ ra rất uy phong. Hắn hỏi qua tên tuổi, sau đó mới dùng xích sát trói anh lại? Chà, vậy là hắn quá khách khí rồi đấy! Thông thường, hắn chẳng nói chẳng rằng, vừa xông vào cửa đã trói chặt anh rồi cứ thế dắt đi. Có lẽ cũng do chịu ảnh hưởng từ phong cách bắt người của các anh nha sai trên dương gian chăng? Nhưng khi xin chỉ thị hoặc bẩm báo công việc với Diêm phủ thì lại không được sơ suất như vậy. Bởi cho dù là Diêm La Vương đi bắt người, theo lý mà nói ông cũng phải làm các bước “thủ tục” đã. Giống như ở dương gian, khi bắt tội phạm, có thể bỏ qua thủ tục tuyên bố quyền lợi của hai bên, nhưng tục ký phát lệnh bắt giữ là không thể bỏ qua. Vì thế, khi Diêm phủ muốn bắt giữ các linh hồn với số lượng lớn cần có “sổ bắt linh hồn”, bắt giữ một linh hồn thì cần có “thẻ bắt giữ”.
Đương nhiên, việc bắt giữ linh hồn cần phải có thủ tục, không phải hoàn toàn chứng tỏ tính nghiêm ngặt về mặt pháp trị tại Diêm phủ, mà là vì Diêm Vương và các Phán quan lo sợ một khi lũ quỷ con kia không có quy củ, thì tất cả mọi âm mưu kéo bè kéo cánh nhằm mưu lợi riêng kia sẽ lọt vào tay bọn Đổng Siêu, Tiết Bá.
Những bằng chứng bắt linh hồn này không xác định về tên gọi, nhưng nếu nói giữa nó và lệnh bắt giữ của dương gian có sự tương đồng về tính chất là không sai. Lịch sử của nó có thể bắt đầu truy cứu từ đời Hán, nhưng khi đó, dân gian gọi loại sổ này là “sổ người chết”. Tác phẩm Sưu thần ký của Can Bảo, người đời Tấn có ghi lại câu chuyện của Chu Thức - một người sống vào thời nhà Hán: “Chu Thức ngồi thuyền đi về hướng quận Đông Hải, trên đường đi, Thức gặp một viên thư lại. trên tay cầm mấy quyển sách, nhìn rất mệt mỏi, viên thư lại nhờ Thức đỡ dùm chỗ sách đó. Chu Thức rất vui vẻ giúp đỡ. Thuyền đi được hơn mười dặm, viên thư lại nói với Chu Thức rằng: “Tôi phải ghé qua vùng này một chút, sách tôi gửi lại trên thuyền nhờ huynh trông giúp, huynh không được mở chúng ra.” Câu “huynh không được mở chúng ra” chính là ám thị “chỗ này không có ba trăm lạng bạc”, sẽ là kẻ ngốc nếu Châu Thức “không mở nó ra”. Thế là Châu Thức lén mở chỗ sách ra xem, hóa ra đó là “sổ ghi tất cả những người đã và sắp chết” trong đó có tên của mình.
Loại sổ đó còn gọi tắt là “sổ chết”, có thể gặp trong tác phẩm Chân dị lục của Đới Tộ, người đời Tấn: “Sau khi qua đời bảy năm, Hoa Dật hiện hình trở về nhà, tìm gặp anh trai nói chuyện về đứa con trai cả của mình, rằng: “Thằng Ngu đã bị ghi tên trong sổ chết, nó không còn sống được mấy ngày nữa.”
Tiếng Bạch thoại có thể gọi trực tiếp là “sổ người chết”. Sách Triện dị ký của Lý Mai, người đời Đường có viết: “Núi Thái Sơn triệu tập linh hồn của con người, sổ người chết được giao cho phía Đông Nhạc, phía Đông Nhạc có nhiệm vụ đi bắt những linh hồn ấy.”
Nếu gọi là “thẻ trời”, xem chừng có vẻ trang trọng quá mức. Di kiên bính chí, quyển ba, chương Lý Bật Vi kể: “Lý Bật Vi nói: “Thẻ trời ở đây, ngươi có thể xem qua.”. Nói rồi ông lấy từ trong tay áo ra một quyển văn thư đưa cho người kia xem, trên quyển văn thư đều là họ tên người. Bật Vi chỉ quyển văn thư, nói: “Tất cả những người có tên trong văn thư này đều sắp chết.” Quyển thiên phù này chưa chắc là do Ngọc Hoàng đại đế soạn ra, mà chỉ là công văn của Diêm Vương, để cho quyển công văn thêm phần khí thế nên cho thêm vào tên gọi những từ ngữ kiểu “chiếu theo chỉ thị của Ngọc Hoàng đại đế” mà thôi.”
Trên đây đều là những quyển sổ đã được viết sẵn, hoặc như trong Sưu thần ký có nói, thư lại chốn âm phủ phải mang theo quyển sổ hoàn chỉnh để đi bắt linh hồn với số lượng lớn, trường hợp này rất ít xảy ra, trừ phi trên dương gian xuất hiện “cơn sốt” địa ngục. Nhưng nếu bắt linh hồn trai tráng với số lượng lớn, ví như trong Thạch hào lại đã nói, thì cũng bắt buộc phải có sổ sách đi theo. Dù sao cũng là bắt người, dù anh bắt vì mục đích gì thì phương pháp và cách làm cũng không khác nhau là mấy.
Nếu như không có sổ sách, có thể chấp nhận thẻ, mỗi người một tấm thẻ, tất cả phải giống loại giấy tờ bắt giữ người của quan phủ chốn dương gian. Trong Dị văn lục của Đường Dật Danh có câu chuyện giống chuyện Châu Thức đi thuyền, chỉ có điều quyển sổ của viên lại chốn âm phủ đó được đổi thành chiếc tay nải, người xem lén mở tay nải ra xem, thấy “mỗi chiếc túi có chứa năm trăm chiếc thẻ, gần giống giấy, chữ viết không phải chữ triện hay chữ lệ, nên không nhận được ra chữ gì.” Chỗ thẻ này có cách thức rất giống “giấy câu hồn”, chỉ có điều nó sử dụng một loại mật mã để viết. Như vậy, tuy nó không thể bị tiết lộ cho người khác biết đó là gì, nhưng làm thế nào để giúp người bị bắt biết thẻ đó dùng để bắt linh hồn mình? Những tấm thẻ này trong các điệu hò dân gian được gọi là “thẻ câu hồn”, còn “giấy câu hồn” lại xuất hiện nhiều trong các vở kịch, tiểu thuyết hoặc dân ca thời Minh - Thanh. Từ “giấy” này thuộc thuật ngữ pháp luật, từ “giấy mời” hiện nay có lẽ cũng liên quan đến vấn đề này.
Liên quan đến vấn đề này còn có một loại “thẻ bài câu hồn”, đây thực sự là đạo cụ trong tay những tên quỷ vô thường. Hình dáng của nó giống một chiếc cuốc nhỏ, được làm từ gỗ, bên trên có viết mấy chữ như chữ “truy nã”, có lẽ nó hoàn toàn là cách làm của đám sai dịch nha môn. Nhưng trong tiểu thuyết cũng xuất hiện những trường hợp quỷ cầm thẻ bài đi câu hồn. Trong Di kiên giáp chí, quyển chín, chương Giấc mơ của sứ thần Trương Kỳ có viết, viên lại âm phủ tới bắt người, trên tay cầm một chiếc thẻ bài sơn đen và “chu thư”, “chu thư” là chỉ thẻ bài có viết họ tên của tên quỷ sống cần bắt, còn thẻ bài sơn đen là do quan phủ tự chế, bên trên chắc có ấn tín, hoặc hình thù gì đó khó bắt chước, nghe có vẻ rất quyền uy. Trên sân khấu thường có những câu háy kiểu như “Thẻ vàng điều tới, thẻ bạc cho đi”, xem ra, từ “bài” ở đây nghiêm túc, trang trọng hơn thẻ giấy nhiều lần, như vậy dù có bị bắt cũng chỉ những nhân vật lớn mới xứng được dùng.
Nếu như thẻ bài câu hồn giống lệnh bắt giữ ngày nay, vậy thì suy luận ra, nếu sai dịch cõi âm không mang theo loại giấy tờ này, thì người bị bắt có quyền cự tuyệt việc bắt giữ. Quyển bốn, sách Quỷ đổng của Vô Danh Thị, người thời Tống có ghi lại câu chuyện rất thú vị như sau:
Trần Sinh lâm bệnh nặng. Sinh nhìn qua khe tường thấy có một kẻ mặt khỉ đi từ ngoài vào, mặc quần áo người, con khỉ nói: “Diêm phủ muốn bắt ngươi.” Trần Sinh nói: “Có thẻ lệnh bắt không?” Khỉ đáp: “Lẽ ra phải có thẻ, nhưng không có thẻ ta không thể bắt ngươi được sao?” Trần Sinh mắng: “Luật lý âm dương là một, nếu quả muốn bắt ta, thì phải có thẻ làm nghiệm chứng chứ? Những tên quỷ khác luôn mạo danh để xin cái ăn mà thôi. Hơn nữa Diêm phủ thiếu người hay sao mà lại sai một con khỉ xuống?” Con khỉ cho gọi thần thổ địa và thần táo lên: “Án này đang rất cấp bách, trong lúc vội vã ta quên mang theo thẻ, nay người này không tin, hai ngươi có thể làm chứng cho ta được chứ?” Hai vị thần đáp: “Vâng.”
Chỉ cần mặc lên người bộ quần áo của “kẻ chức trách”, đừng nói là “khỉ mặc áo người”, trông rất giống người rồi, thì ngay cả là loài súc sinh như “động vật linh trưởng” cũng không thể làm việc chểnh mảng được. Trần Sinh không những đòi kiểm tra công văn, mà còn trông mặt để bắt hình dong, coi khinh quyền uy của những bộ quan phục, rõ ràng đó chỉ là một tên điêu dân. Cũng may con khỉ này gặp được vị thần thổ địa thấu tình đạt lý và vị Táo Quân “ăn cây táo, rào cây sung”, sau vài tiếng vâng vâng dạ dạ, tất cả đã đồng tâm hợp lực đưa Trần Sinh lên đường xuống suối vàng. Không có thẻ bài, quan sai âm giới có thể tìm thần thổ địa và Táo Quân làm chứng, đồng thời hỗ trợ quan sai trong việc bắt bớ, đó là một quan điểm. Còn một quan điểm nữa ngược lại, khi quan sai muốn bắt linh hồn người, đầu tiên phải đưa thẻ bài câu hồn trình đến miếu thổ địa, nhờ thổ địa lập hồ sơ (xem Tục thoại khinh đàm, tập hai, Qua Bằng gặp ma của Chiêu Kỷ Đường, người đời Thanh), có người lại nói rằng phải đến chỗ thần thổ công kiểm tra thẻ trước (xem Xuân chử kỷ văn, quyển hai của Hà Liên, thời Nam Tống), nếu không thì đừng nghĩ tới chuyện bắt người.
Tôi nghĩ, ngay cả xã hội phong kiến cũng có bạo loạn, có cai trị, nếu là cai quản xã hội, phải luôn cần một số trình tự pháp luật, không thể dù là người hay không, chỉ cần mặc một bộ quần áo của nhà chức trách là có thể tùy tiện bắt người. Hơn nữa, chiếu theo quy tắc, loại văn tự dùng trên những thẻ bài câu hồn đó cũng phải tuân theo những quy phạm nhất định, vì vậy, Diêm phủ muốn viết thẻ bài bắt người, nên dùng những người mà trong bụng người đó phải có chút ít chữ nghĩa, nếu không, một khi gặp phải những kẻ cứng đầu thích quấy phá, lúc đó những người thi hành luật pháp sẽ phải đau đầu vì chúng. Trong nhà Kỷ Hiểu Lam quả có một người như vậy, đó là một đầu bếp do cha ông khi làm quan ở tỉnh ngoài dẫn về, ông ta cứng đầu không phải là vì có quan lớn nâng đỡ phía sau, mà là vì ông ta cũng có chút ít chữ nghĩa.
Người này họ Dương, tên Nghĩa, chữ “义” (nghĩa) có cách viết chuẩn theo thể phồn thể là “義”. Một hôm, ông Dương nằm mơ, ông gặp hai con quỷ tay cầm thẻ Chu đến bắt ông, nhưng trên thẻ lại viết “杨义” (Dương Nghĩa). Ông Dương nói: “Ta tên là “杨 義”(Dương Nghĩa), không phải là “杨 义” (Dương Nghĩa), các người tìm nhầm người rồi.” Hai con quỷ nói: “Ông già nhìn kỹ lại xem, đây là “乂” (Nghệ), bên trên còn có một nét chấm, là chữ “義” (Nghĩa) giản thể. Bọn ta không nhầm đâu.” Ông Dương vẫn không phục, cãi lại rằng: “Tên của ta lẽ nào ta lại không rõ! Từ trước tới nay ta chưa thấy chữ “義” (Nghĩa) được viết như vậy bao giờ, chắc là chữ “乂” (Nghệ) bị quệt nhầm một nét lên đó.” Hai con quỷ không thuyết phục được ông Dương, đành quay về nha môn sửa lại thẻ. (xem Duyệt vi thảo đường bút ký, quyển năm)
Người này tuy cãi bừa, nhưng cũng không phải không có căn cứ, còn những người làm chức trách có thể giảng giải đạo lý với phạm nhân như vậy, dù là ở âm giới hay dương gian chúng ta cũng đều rất ít gặp. Nhưng từ việc này có thể thấy rằng: Muốn người dân biết chữ là việc nên làm, nhưng biết chữ rồi còn biết giảng lý lẽ với quan phủ, có lẽ đó lại là dấu hiệu không hay.
Trong Dữ Ngô Chất thư, Tào Phi nhớ tới bảy đại văn hào Kiến An:
Ngày xưa, khi đi chu du các xứ, đi thì cùng đi, mệt cùng dừng lại nghỉ, khi đó nào ai nghĩ sẽ phải nếm trải giây phút biệt ly!... Nào ngờ sau bao năm các huynh đã ra đi gần hết, nhắc đến thật đau lòng. Những tập thơ văn viết vội của các huynh, ta tập hợp lại thành tập. Nhìn tên tuổi các huynh nay đã bị liệt vào danh sách của quỷ, nghĩ lại những ngày tháng du ngoạn cùng nhau trước đây, tôi vẫn còn ghi nhớ mãi nơi con tim này, tuy nay các huynh đã là người của quá khứ, nhưng ta ngàn lần nhớ tới các huynh!
Đào Uyên Minh cũng có tác phẩm Nhạc truy điệu - Vãn ca:
Có sinh ắt có tử,
Cớ sao vội vã đi
Đêm qua còn là người,
Sáng nay đã thành ma.