Chương 9: Con sư tử đen

Ngày tộc trưởng Kapđu Ip Sađin lên đường thì có một lá thư từ phương bắc xa xôi chuyển tới cho Tácdăng. Đó là thư của trung úy Ácnốt. Đọc thư, Tácdăng cảm thấy như tim mình thắt lại. Ácnốt thường nói đùa rằng vết thương lòng của chàng đã lên sẹo từ lâu! Nhưng mọi việc đâu có đơn giản như vậy. Những gì Ácnốt viết trong thư đều làm Tácdăng nhức nhối:

Tácdăng thân mến của tôi!

Từ lúc tôi gửi cho bạn lá thư gần đây nhất, tôi rất bận lòng vì một câu chuyện ở Luân Đôn. Tôi đã ở Luân Đôn ba ngày. Ngày đầu tiên tôi ở phố Henrieta và vô tình gặp một người bạn cũ của bạn. Chắc bạn không đoán nổi người đó là ai đâu. Bạn biết không? Chẳng ai khác ngoài ngài Philanđơ! Đúng thế! Bạn đừng cau mày! Tin hay không tin, tùy bạn. Nhưng vẫn chưa hết. Ông Philanđơ nhất định bắt tôi phải cùng ông quay về khách sạn. Và ở đó, tôi đã gặp tất cả mọi người: giáo sư Potơ, tiểu thư Gian cùng cô hầu phòng da đen to đùng Exmêranda (Chắc là bạn đang nhớ tới cô ta). Một lát sau thì chàng Clâytơn cũng tới. Anh ta sắp cưới Gian. Thế là tôi phải chờ giấy mời dự cưới. Nghe nói các thủ tục kết hôn không có gì trắc trở. Sự chậm trễ lại nằm trong những mắc mớ của chính hai người - cô dâu và chú rể.

Khi tôi và ngài Philanđơ ngồi riêng với nhau, ông già đáng mến này đã kể hết cho tôi nghe mọi chuyện. Ông nói rằng cô Gian đã bày ra đủ lý do khác nhau để trì hoãn ngày cưới tới ba lần. Ông rỉ tai tôi: Ông có cảm giác như Gian không muốn kết hôn với ngài Clâytơn. Chẳng qua là cô đã lỡ lời ưng thuận.

Tất nhiên là khi gặp tôi, ai cũng hỏi thăm bạn. Tôi đã thỏa mãn nguyện vọng của bạn trong chuyện dấu kín lai lịch của bạn. Hãy ghi nhận cho tôi công lao to lớn ấy. Tức là tôi đã không nói gì về quá khứ mà chỉ nói về hiện tại của bạn. Tất cả những gì có liên quan đến bạn đều làm Gian Potơrôva quan tâm. Cô đã đặt cho tôi rất nhiều câu hỏi về bạn. Tôi sợ không khéo mình thuộc loại người đa cảm, mềm yếu mất. Bởi vì tôi đã kể cho Gian nghe ý định trở lại rừng già châu Phi của bạn. Tới nửa chừng, tôi biết ngay là mình đã lỡ miệng. Vì nghe nói thế, nét mặt Gian lộ vẻ giận hờn. Cô nghĩ đến những nguy hiểm của cuộc sống rừng rú lại bắt đầu trở lại với bạn. "Tôi không thể hiểu nổi! - Cô kêu ầm lên - Tôi không biêt có cuộc sống nào tồi tệ hơn cuộc sống rừng rú mà anh Tácdăng đã chọn nữa không. Hay là anh ấy tìm thấy ở đó sự yên tĩnh thực sự cho mình. Trong rừng già quả thật cũng có nhiều cái đẹp. Có lẽ ngài ngạc nhiên thấy tôi lại nói thế. Tôi đã phải chịu đựng trong rừng bao nhiêu tai họa. Nhưng nói ngài đừng cười! Mặc dù vậy, thỉnh thoảng tôi cũng khao khát được trở lại những cánh rừng ấy. Bởi vì tôi cảm thấy ở đó tôi đã có những giây phút đẹp nhất của đời mình...".

Khi Gian nói với tôi như vậy, bạn biết không, cô ấy rất buồn! Tất nhiên là tôi hiểu những gì đang diễn ra trong lòng Gian. Qua giọng nói ấy, tôi biết răng Gian muốn qua tôi chuyển tới bạn lời nhắn nhủ cuối cùng từ trái tim Gian, vẫn ấp ủ những kỷ niệm đẹp đẽ, tha thiết một thời, mặc dù người mang trái tim ấy sắp lên xe hoa.

Cứ mỗi lần nói tới bạn là Clâytơn lại tỏ ra bối rối không yên. Tuy nhiên Clâytơn vẫn hỏi về bạn một cách lo lắng và có vẻ quan tâm tới cuộc sống của bạn. Ước gì anh ấy biết toàn bộ sự thật về bạn.

Có một người tên là Tenintơn đến thăm Clâytơn. Hai người là bạn bè từ lâu. Tenintơn đang có ý định làm một chuyến đi biển bằng thuyền buồm nên đang đi tìm thuỷ thủ và những người cộng tác. Anh ta cũng muốn tôi tham dự. Con thuyền sẽ bơi vòng quanh châu Phi. Tôi nói với anh ta rằng cái trò chơi đắt tiền đó sẽ có lúc đưa cậu xuống đáy đại dương. Cần phải nhớ rằng, thuyền buồm không phải là tàu thủy hay tàu chiến.

Hôm kia, tôi đã quay về Pari và hôm qua ở một trường đua ngựa tôi đã gặp và chuyện trò với nữ bá tước Đơ Côngđơ. Ngài bá tước thì tỏ ra rất quý bạn và gần như đã hoàn toàn quên chuyện cũ. Cả hai đều hỏi thăm bạn. Ônga ngày càng đẹp và hình như chỉ hơi dè dặt, giữ gìn một tí thôi. Tôi nghĩ rằng sự quen biết bạn đối với Ônga đã trở thành một kỷ niệm đẹp đẽ trong suốt cuộc đời cô ta. Đó là một may mắn và hạnh phúc cho cả cô ấy lẫn ngài bá tước. Nếu như bạn thực sự yêu Ônga, có lẽ mọi chuyện sẽ không kết thúc đẹp đẽ cho cả ba người. Ônga đã yêu cầu tôi thông báo cho bạn biết rằng Rôcốp đã rời khỏi Pháp. Cô ấy đưa cho hắn 20.000 phờrăng, với điều kiện là hắn ra đi và không được quay lại. Cô ấy rất vui vì đã đuổi được hắn đi, trước khi hắn thực hiện lời thề độc là tìm cách giết bạn. Cô ấy tỏ ra khiếp đảm khi nghĩ tới cảnh bàn tay của em mình vấy máu bạn. Nguyên do là cô ấy yêu bạn. Bạn biết không? Cô ấy không hề giấu diếm tình cảm đó ngay cả khi có chồng trước mặt. Cô ấy vẫn tin rằng cuộc gặp mặt giữa bạn và Nicôlai thể nào cũng kết thúc bằng cái chết của một trong hai người. Ngài bá tước đồng ý ngay với nhận định đó của vợ, nhưng lại nói rằng: để giết được bạn thì phải có một trung đoàn những kẻ như Rôcốp." Bá tước rất cảm phục lòng can đảm của bạn.

Tôi đã được gọi trở lại đơn vị. Khoảng hai ba hôm nữa đơn vị tôi sẽ nhổ neo rời Lơ Havơrơ. Đi đâu thì giờ này chưa biết. Nếu như bạn viết thư cho tôi, hãy đề trực tiếp địa chỉ con tàu. Tôi tin rằng nhất định những lá thư của bạn sẽ tới tay tôi. Viết thư trả lời cho tôi đi!

Pôn Đơ Ácnốt của bạn.

"Mình sợ rằng Ônga đã phí mất 20.000 phờrăng" - Tácdăng nghĩ thầm.

Tácdăng đọc lại đoạn thư trung úy Ácnốt miêu ta cuộc trò chuyện với Gian Potơrôva. Chàng cảm thấy không thỏa mãn, nhưng dù sao đó cũng là đoạn văn có ý nghĩa hơn tất cả.

Một vài tuần lễ tẻ nhạt và đơn điệu trôi qua. Thỉnh thoảng Tácdăng trông thấy người đàn ông Ả rập bí hiểm đã có lần nói chuyện với trung úy Giơnoa. Chàng để ý tới khu tập thể của người nước ngoài. Nhưng mọi sự viếng thăm của chàng tới khu ấy đều vô hiệu. Còn Giơnoa, một người kín đáo, không thích tiếp xúc rộng rãi thì có phần dè dặt với Tácdăng, nhất là từ khi xảy ra chuyện nhìn nhau tại nhà ăn trong khách sạn. Nếu như Tácdăng và Giơnoa đã cãi nhau vài lần, có lẽ Giơ noa sẽ cảnh giác ra mặt.

Tácdăng thường đi săn ở vùng xung quanh Bu Sađi. Suốt ngày chàng lang thang trên những ngọn đồi để bắt linh dương. Tuy vậy, rất ít khi chàng đến gần được cái loài thú đẹp mê hồn đó. Chàng thương mặc cho chúng chạy, không đuổi bắt. Không bao giờ chàng coi chuyện bắn giết những loài thú rừng yếu ớt, vô hại là một sự tiêu khiển. Chàng thích những trận chiến đấu danh dự, công khai mà cuối cùng chàng giành được niềm vui chiến thắng. Những trận chiến đấu sinh tử như vậy cũng giống như những lần chàng lên đường đi kiếm ăn vì đói. Trong những cuộc săn lùng thú dữ, chàng hãnh diện vì lòng can đảm, trí thông minh, nhanh nhẹn của mình. Còn bây giờ, chàng rời thành phố vào rừng khi bụng vẫn còn no. Vì vậy chàng coi việc bắn giết những con linh dương mắt đen ngây thơ là một việc làm tàn nhẫn, chẳng kém gì việc giết người. Chàng thường đi săn một mình, không để ai phát hiện ra rằng chàng chỉ giả vờ săn bắn.

Nhưng một hôm, có lẽ vì không có người dẫn đường mà suýt nữa chàng mất mạng. Hôm ấy khi đang đi qua một khe đá rất hẹp, bỗng sau lưng chàng vang lên một tiếng nổ chát chúa. Viên đạn trúng vào chiếc mũ cát chàng đang đội trên đầu. Mặc dù đã lập tức thúc ngựa quay đi và nhanh chóng vượt ra khỏi khe núi, chàng vẫn không tìm thấy dấu vết của người nổ súng. Ngay trên con đường đi Bu Sađi cũng không một bóng người.

Tácdăng thầm nghĩ - "Ônga vứt ra hai mươi nghìn phờrăng đó, thực thừa".

Buổi chiều chàng được mời đến ăn ở nhà đại úy Ghêrát.

- Hôm nay ngài có săn được gì không? - Ghêrát hỏi.

- Không, - Tácdăng trả lời - Thú rừng ở vùng này rất nhát. Mà tôi thì không thích bắn chim và linh dương. Tôi tính sẽ đi tiếp về phương nam và thử săn một vài con sư tử Angiêri xem nó thế nào.

- Thế thì tuyệt vời! - Đại úy Ghêrát kêu lên - Sáng sớm mai, chúng tôi sẽ lên đường đi Gianpha. Ngài có thể đi cùng. Tôi và trung úy Giơnoa chỉ huy khoảng một trăm tay súng, tiến về phía nam để trấn giữ một vùng đất đang có bọn cướp hoành hành. Đến đó chúng ta có thể cùng đi săn. Ngài thấy thế nào?

Nghe viên sĩ quan nói, Tácdăng rất mừng, chàng nhận lời không do dự. Nếu như biết vì sao Tácdăng mừng rỡ, có lẽ đại úy Ghêrát sẽ rất ngạc nhiên. Khi đó Giơnoa đang ngồi trực diện với Tácdăng. Anh ta không tỏ ra vui mừng trước sáng kiến của viên đại úy.

- Rồi ngài sẽ thấy là săn sư tử lý thú hơn nhiều so với bắn linh dương - đại úy Ghêrát khẳng định - nhưng mà cũng nguy hiểm hơn nhiều.

- Ngay cả bắn linh dương cũng hết sức nguy hiểm - Tácdăng nói - Nhất là khi người ta đi săn chỉ có một mình. Chính hôm nay tôi mới đi đến kết luận đó. Tôi cũng khẳng định thêm là mặc dù nhút nhát nhưng linh dương không hèn hạ.

Trong khi nhận xét như vậy, Tácdăng lướt nhìn thăm dò thái độ của Giơnoa. Chàng không muốn cho viên trung úy biết rằng chàng đang nghi ngờ hắn, và hắn ta cũng có vẻ như không biết gì. Mặc dù vậy, Tácdăng vẫn không xua đuổi được cái linh cảm cho rằng Giơnoa ít nhiều có nhúng tay vào sự kiện trong khe đá vừa rồi, hoặc ít ra là hắn có biết nhưng không nói... Bởi vì lúc đó Tácdăng thấy dưới cổ Giơnoa sởn lên như da gà. Thế là đủ. Tácdăng cảm thấy thỏa mãn nên vội chuyển đề tài câu chuyện sang hướng khác.

Ngày hôm sau, khi toán quân của Ghêrát rời Bu Sađi tiếp tục đi về hướng nam, thì có một tốp đàn ông Ả rập xin nhập bọn. Mấy người này trông mặt mũi khá dữ tợn, đáng gờm.

- Họ là người của chúng ta phải không? - Tácdăng hỏi.

- Họ không thuộc phiên chế đơn vị - Ghêrát trả lời - Họ vui chân mà đi cùng chúng ta thôi.

Trong thời gian ở đây, Tácdăng đã hiểu khá rõ tính cách Ả rập. Vì vậy chàng biết rằng những người Ả rập đi cùng không phải vì tình cảm bạn bè như viên đại úy giải thích. Có người Ả rập nào ở Angiêri ưa người nước ngoài đâu, nhất là người Pháp! Nghĩ như thế, Tácdăng thấy phải để mắt tới những kẻ đáng nghi này.

Mấy người Ả rập đi sau toán quân chừng một phần tư dặm. Không bao giờ họ để cho mọi người trông rõ họ nên khó lòng mà đoán nổi họ đang mưu tính chuyện gì. Tácdăng tin rằng họ chính là những tên đâm thuê chém mướn đang theo dõi chàng và kẻ chủ mưu thì chẳng ai khác ngoài Rôcốp. Tất nhiên cũng có thể họ là những người có liên quan với trung úy Giơnoa. Thật khó mà biết. Nếu như Giơnoa nhúng tay vào chuyện này, thì bọn hắn sẽ tìm cơ hội thủ tiêu chàng mà không để lại một dấu vết gì.

Nghỉ ngơi hai ngày ở Gianpha, toán quân lại lên đường theo hướng tây nam, nơi có tin bọn cướp đã tấn công các bộ lạc sống dưới chân núi. Đêm hôm đó, khi có lệnh chuẩn bị rời Gianpha, nhóm người Ả rập đi theo từ Bu Sađi lập tức biến mất. Chẳng một ai biết khi nào thì nhóm Ả rập bỏ đi và đã đi về hướng nào. Tácdăng rất khó chịu. Nhất là khi chàng nhìn thấy trung úy Giơnoa thì thầm với một người nào đó ngay sau khi nghe đại úy Ghêrát ra lệnh hành quân. Chỉ Tácdăng và Giơnoa là biết được hướng hành quân. Còn binh lính thì chỉ biết rằng họ phải chuẩn bị rời khỏi đây vào sáng sớm hôm sau. Tácdăng cảm thấy rất có thể Giơnoa đã tiết lộ cho mấy người Ả rập biết hướng hành quân.

Chiều tối hôm đó, bọn cướp đã xông vào cướp bóc một ngôi làng. Tộc trưởng của bộ lạc bị cướp hết cả đàn gia súc. Một số dân làng đã bị giết hại. Trông thấy đoàn quân, những người Ả rập vội lao ra khỏi những túp lều lợp da dê rách rưới, vây lấy những người lính. Họ nói líu lo không ai hiểu được. Nhưng riêng Tácdăng nhờ lâu nay có Apđula dạy cho, nên chàng hiểu được khá nhiều. Chàng quay sang trò chuyện với người đày tớ hộ tống tộc trưởng đi đón đại úy Ghêrát. Người này nói rằng anh ta chẳng trông thấy nhóm sáu người Ả rập nào từ Gianpha đi đến cả. Xung quanh đây, có nhiều làng khác nữa nên có thể họ đi đến những làng đó. Còn trên những dãy núi vùng này thì đầy bọn cướp. Chúng đi thành từng nhóm, hoành hành, cướp bóc cho tới tận Bâura. Sáu gã đàn ông Ả rập mà Tácdăng hỏi tới có thể là một toán cướp trở về sau một chuyến hành nghề.

Sáng hôm sau, đại úy Ghêrát chia đơn vị thành hai phân đội: Phân đội do trung úy Giơnoa phụ trách và phân đội do Ghêrát đích thân chỉ huy đi tuần tiễu các dải núi phía bên kia bình nguyên.

- Ngài định đi với phân đội nào, ngài Tácdăng? - Đại úy Ghêrát hỏi - Hay là ngài không thích đi săn bọn cướp?

- Tôi rất thích - Tácdăng trả lời và nghĩ xem có cách nào không làm lộ mục đích của mình là theo dõi trung úy Giơnoa. Nhưng Tácdăng không phải bối rối lâu.

- Nếu dịp này đại úy nhường ngài Tácdăng cho tôi thì tôi thật sung sướng và lấy làm hân hạnh. Hôm nay chúng tôi rất muốn có ngài Tácdăng đi cùng - Trung úy Giơnoa giả bộ chân thành.

Tácdăng nghe nói không khỏi ngạc nhiên, nhưng vẫn vui vẻ nhận lời.

Thế là Tácdăng sánh ngựa cùng Giơnoa dẫn đầu phân đội kỵ binh lên đường. Nhưng được một quãng, thoát khỏi tầm mắt của đại úy cùng phân đội một, trung úy Giơnoa mất hết vẻ niềm nở, khuôn mặt gã lại khó đăm đăm như cũ. Đoàn người tiếp tục hướng về phía những dãy núi. Tới ngọn cuối cùng, họ gặp một triền núi có dòng suối chảy qua. Trung úy Giơnoa ra lệnh nghỉ. Binh lính ăn uống qua loa rồi xuống suối lấy thêm nước dự trữ. Một lúc sau phân đội lại gặp một khe đá dựng đứng. Mọi người phải xuống ngựa và Giơnoa quan sát địa hình một cách cẩn thận.

- Chúng ta phân tán ra thành nhiều nhóm! - Giơnoa quyết định.

Giơnoa phân công các hạ sĩ quan phụ trách các nhóm xong, liền quay sang Tácdăng.

- Thưa ngài! Ngài chờ chúng tôi ở đây, chúng tôi sẽ quay lại.

Tácdăng định phản đối nhưng Giơnoa đã chặn trước:

- Có thể sẽ xảy ra đánh nhau. Thường dân không được phép làm vướng chân các quân nhân.

- Ngài trung úy quý mến! - Tácdăng gọi - Tôi sẵn sàng tuân theo mệnh lệnh của ngài hoặc các hạ sĩ quan chỉ huy. Tôi muốn chiến đấu bên cạnh các ngài. Chính vì vậy mà tôi mới đi cùng các ngài.

- Rất tốt - Giơnoa nói với nụ cười châm biếm - Ngài nói rằng sẽ chấp hành tất cả các mệnh lệnh của tôi. Vậy mệnh lệnh đầu tiên của tôi là: ngài phải dừng lại ở đây, chờ cho tới lúc chúng tôi quay về. Chuyện này coi như đã được giải quyết.

Một lát sau, chỉ còn trơ trọi một mình Tácdăng giữa vùng núi đá hoang vu. Mặt trời thiêu đốt bỏng cả da. Tácdăng phải tìm một bóng cây gần đó buộc ngựa rồi ngồi xuống hút thuốc. "Hay đây là một sự trừng phạt?". Tácdăng ngẫm nghĩ. Nhưng rồi chàng lại cho rằng Giơnoa chắc chắn không đến mức ngây ngô đi trừng phạt chàng chỉ vì một chuyện vặt vãnh nào đó. Đằng sau việc này, hẳn phải có một nguyên cớ nào đó nghiêm trọng hơn nhiều.

Với ý nghĩ ấy, Tácdăng đứng dậy, rút khẩu súng trường ra khỏi bộ yên cương. Chàng kiểm tra lại ổ đạn rồi kiểm tra thêm khẩu súng ngắn. Chuẩn bị xong xuôi, chàng thận trọng quan sát bốn phía.

Cho tới lúc mặt trời xuống sát những ngọn núi phía tây, phân đội kỵ binh vẫn chưa quay về. Cuối cùng thì thung lũng đá cũng chìm dần trong bóng hoàng hôn. Tácdăng cảm thấy vui vui khi nghĩ rằng chàng sẽ quay về doanh trại sớm hơn, trước khi phân đội của Giơnoa quay lại thung lũng. Bởi vì đêm càng khuya thì vùng đất này càng nguy hiểm. Còn chàng thì đã quá quen với chuyện đi đêm, từ thời còn ở trong rừng già. Chẳng có ai tiến lại gần trong bóng đêm mà chàng lại không phát hiện ra. Ngoài đôi tai cực nhạy cảm, chàng còn có đôi mắt đủ sức chọc thủng bóng tối và chiếc mũi rất thính, có thể đánh hơi được từng bước tiến của kẻ thù.

Với tâm trạng thư thái, tự tin, Tácdăng dựa lưng vào gốc cây và thiu thiu ngủ. Khi chàng choàng dậy thì thời gian đã trôi đi đến vài giờ. Ngựa của chàng đang cất tiếng hí ầm ĩ. Tiếng hí của nó như lay động cả vầng trăng tròn vành vạnh đang lặng lẽ tải ánh vàng xuống thung lũng ướt đẫm sương đêm. Chỉ cách chỗ buộc ngựa vài bước: Con Atrê đang đứng, thong thả quẫy đuôi một cách vừa ngang tàng vừa trang trọng, dương mắt nhìn thẳng vào con mồi. Atrê chẳng phải là con gì quá xa lạ: Đó chính là loài sư tử đen.

Tácdăng khoan khoái lạ thường. Nhìn thấy sư tử, chàng có cảm giác như gặp lại ông bạn đã bao ngày xa cách. Chàng ngồi im không nhúc nhích, chiêm ngưỡng vị chúa tể rừng xanh. Vừa lúc đó, con sư tử cũng sửa soạn cho cú nhảy vồ mồi. Tácdăng nâng súng lên vai... Chưa bao giờ chàng bắn một con thú nào bằng súng. Thông thường chỉ dùng mũi lao, tên thuốc độc, thòng lọng hoặc dao găm. Với khẩu súng trong tay thế này, chàng cảm thấy tự tin tới mức dửng dưng.

Con sư tử đã nằm ép mình xuống đất. Chỉ còn trông thấy cái đầu của nó. Tácdăng không muốn nổ súng từ phía bên hông sư tử. Chàng rất biết sư tử sẽ phản ứng ra sao nếu nó bị bắn trượt. Chàng lùi lại một bước, rồi một bước nữa. Con sư tử vẫn không rời mắt khỏi con ngựa. Còn chừng chục bước nữa mới tới chỗ con ngựa, nhưng con sư tử vẫn nằm yên, không hề nhúc nhích. Tácdăng nhằm vào khoảng giữa mắt và mang tai sư tử. Chàng xiết cò. Tiếng nổ vang lên nhức óc. Con sư tử nhảy dựng lên khỏi mặt đất. Ngay lúc đó con ngựa cũng giật bắn mình, co cổ lôi sợi dây cương đang bị cột vào bụi cây. Sợi dây chằng bên má ngựa đứt tung. Nó lao mình xuống bờ khe rồi biến mất trong sa mạc.

Chẳng có người nào cả gan đọ sức với sư tử đen. Nhưng Tácdăng thì không chỉ là một con người. Từ thuở ấu thơ, thân thể của của chàng đã được tôi luyện qua biết bao cuộc chiến sinh tử với đủ loại thú rừng. Hệ cơ ấy sẽ phản ứng nhanh nhẹn, mạnh mẽ và quyết liệt, cùng với hệ thần kinh hết sức nhạy cảm. Con Atrê dù đã nhanh, Tácdăng còn nhanh hơn. Tuy trúng đạn, Atrê vẫn còn đủ sức thu toàn bộ sức mạnh nhảy bổ vào bụi cây buộc ngựa. Nhận thêm viên đạn thứ hai, nó gầm thét, tung mình lên phía trước. Tác dăng bắn thêm hai phát nữa, cho tới khi con thú khổng lồ thôi gầm thét, cuộn mình nằm yên không nhúc nhích. Tácdăng không chỉ là "Ngài Tácdăng" mà còn là "Tácdăng loài vượn". Chàng dẫm chân lên sống lưng sư tử rồi ngửa mặt lên trời nhìn vầng trăng mờ. Tiếng thét của con vượn đực làm rung động cả một vùng hoang mạc.

Tiếng thét ấy làm tất cả các loài thú đang đi kiếm ăn quanh đó phải dừng chân nghe ngóng và rùng mình. Cùng lúc ấy người dân địa phương cũng vội vã chui ra khỏi những túp lều da dê. Họ nhìn quanh các đỉnh đồi, nghe ngóng. Không biết có con quái vật nào xuất hiện, đe dọa những đàn gia súc của họ ở chốn heo hút, xa vắng này.

Cách chỗ Tácdăng giết sư tử đen không đầy một dặm, có mấy người đeo súng, cưỡi ngựa, nghe tiếng thét đã phải ghìm cương. Họ nhìn nhau bằng những đôi mắt hoang mang, dò hỏi. Khi không nghe thấy tiếng thét tái diễn, họ lại chạy tản xuống thung lũng.

Lúc này, Tácdăng tin rằng trung úy Giơnoa hoàn toàn không có ý định quay lại tìm chàng. Nhưng chàng cũng không băn khoăn nhiều lắm. Chàng đã mất ngựa. Vậy thì không dại gi mà cứ nằm chờ mãi ở đây. Chàng quyết định quay ra khỏi thung lũng cát. Nhưng vừa tụt xuống vách đá, chàng đã nhìn thấy bên kia bờ thung lũng xuất hiện mấy bóng người mặc đồ trắng Ả rập.

Mấy người Ả rập dừng ngựa, quan sát thung lũng. Khi không trông thấy có ai ở đấy, họ thúc ngựa tiến vào. Họ phát hiện ra ngay dưới gốc cây một con sư tử đen nằm chết. Họ đứng chung quanh con thú, gật gù với nhau có vẻ như đã tìm ra điều gì bí ẩn. Ngay lập tức cả đám người vội vã dắt ngựa chạy tụt xuống vách đá. Họ bỏ đi hối hả nhưng cố không gây tiếng động. Hình như họ đang truy tìm một người nào đó.