Chương 3: Chuyện rắc rối ở phố Maule

Người dịch: Phạm Thành Hưng

Nguồn: thuquan

Sau khi tới Pari, Tácdăng tìm đến Ácnốt, người bạn cũ của mình. Vừa gặp nhau, viên trung úy đã trách mắng Tácdăng vì tội từ chối tước hiệu và tài sản mà chàng hoàn toàn có quyền thừa kế từ người cha quá cố của mình.

- Đừng có lẩn thẩn, ông bạn ạ! - Ácnốt nói rất gay gắt - Cậu không chỉ từ bỏ của cải, địa vị mà còn đánh mất một cơ hội để chứng minh cho mọi người biết rằng dưới làn da của cậu là dòng máu của một dòng họ quý tộc nước Anh, chứ không phải là dòng máu của một loài vượn hoang dã. Tôi không hiểu mọi người có tin như vậy không, nhất là cô Potơrôva. Thậm chí cả tôi cũng có lúc không tin như vậy. Đó là lúc tôi và cậu còn ở trong rừng châu Phi. Tôi đã trông thấy cậu nhai thịt sống xé ra từ những con mồi. Đôi quai hàm cậu bành ra nghiền thịt tươi đỏ lòm chẳng khác gì bộ quai hàm sư tử. Rồi cậu còn chùi bàn tay đầy máu vào đùi. Những hình ảnh đó là những chứng cứ cự tuyệt nguồn gốc loài người của cậu. Lúc đó tôi cũng tin rằng vượn cái Kala chính là mẹ đẻ của cậu. Còn bây giờ, mọi việc đã rõ ràng. Cuốn nhật ký của huân tước Grâyxtâu ghi rất rõ về số phận bất hạnh của vợ chồng ông trên bờ biển châu Phi, về niềm vui của họ khi đón chào đứa trẻ ra đời. Những vân tay hồi bé của cậu còn in hằn trên trang nhật ký! Thật không thể tin nổi cậu! Chẳng lẽ cậu thích làm một người không tài sản, một người không tên hay sao?

- Tôi không cần cái tên nào ngoài cái tên Tácdăng - Chàng trai trả lời rất giản dị - Còn về chuyện tài sản trang trại, lâu đài thì ông nhớ là không bao giờ tôi để ý đến. Còn bây giờ mong muốn đầu tiên và cũng là duy nhất của tôi là vì tình bạn vô tư và cao cả, ông hãy tìm cho tôi một nghề nghiệp nào đó!

- Nghề nghiệp? - Ácnốt bật cười - Tôi chẳng bao giờ nghĩ đến điều đó. Tôi đã nói với cậu rồi, Tácdăng mến yêu của tôi! Cậu còn nhớ không? Tôi có một tài sản tương đối, đủ cho hai chục người. Một nửa là của cậu. Nếu như tôi hiến dâng toàn bộ tài sản cho cậu thì có lẽ nó cũng chỉ bằng một phần mười cái giá của tình bạn chúng ta thôi. Làm sao tôi trả được cái ơn cứu sống của cậu trong rừng già. Tôi không bao giờ quên, bạn ạ! Không có bạn, không có lòng dũng cảm tuyệt vời của bạn, tôi đã chết bên chiếc cọc hành hình trong cái bộ lạc ăn thịt người đó rồi. Tôi vẫn còn nhớ những ngày nằm trong lều cỏ của bạn. Nhờ sự săn sóc hết lòng của bạn mà tôi như người đã lột xác, không còn dấu vết của những vết thương đâm chém nham nhở khắp mình. Mãi tới sau này, tôi mới ý thức được rằng, việc bạn phải ở lại chăm sóc tôi giữa rừng là một khổ tâm với bạn. Bạn ở lại cùng tôi giữa rừng, nhưng thực ra lòng bạn lại hướng về bờ biển, hướng về Potơrova. Cho tận đến ngày bạn và tôi tới bờ biển, biết rằng Potơrova của bạn đã ra đi, thì quả thực tôi vẫn không hiểu vì sao bạn lại vất vả lo lắng vì tôi, một người mà khi ấy với bạn là hoàn toàn xa lạ. Điều đó chỉ có thể giải thích bằng quy luật của tâm hồn, tức là bằng tình yêu thương đồng loại. Cho nên, Tácdăng ạ! Tôi không bao giờ có ý định đền ơn bạn bằng tiền... Chúng ta là bạn của nhau. Chúng ta có những suy nghĩ giống nhau và tôi rất khâm phục bạn. Tiền bạc không thể đồng hành cùng tình bạn.

- Thôi được rồi! - Tácdăng cười vui vẻ - chúng ta sẽ không cãi nhau về chuyện tiền bạc nữa. Nhưng tôi muốn sống thì tôi phải có tiền. Tôi thích làm việc gì đó. Cho nên để chứng minh tốt nhất cho tình bạn của mình, ông hãy tìm cho tôi một nghề nào đó. Tôi có thể chết vì ăn không ngồi rồi. Còn về chuyện thừa kế tài sản, tước danh thì... hiện nay đang thuộc về một người rất tốt. Clâytơn không có lỗi trong chuyện tôi mất quyền thừa kế. Anh ta hoàn toàn tin rằng mình là huân tước Grâyxtâu. Anh ta có tất cả những phẩm giá của một huân tước nước Anh và có nhiều khả năng hơn cái người đã sinh ra và lớn lên giữa rừng già châu Phi. Tôi thì mới đi được nửa quãng đường để đến với cuộc sống văn minh. Khi tôi nổi cáu, đỏ mặt lên thì toàn bộ phản xạ bản năng của loài ác thú trong tôi nổi lên còn mạnh hơn cái mà loài người gọi là đạo đức. Những thứ xoay quanh phép lịch sự, tôi vẫn chưa "tiêu hóa" được. Hơn nữa, nếu tôi tuyên bố trước pháp luật rằng tôi mới là huân tước Grâyxtâu thì Gian Potơrova sẽ mất cả tài sản lẫn tước danh. Những thứ đó sẽ rất cần cho cuộc sống vợ chồng của cô ấy và cho Clâytơn. Vì vậy tôi không làm điều đó, Pôn ạ! Chẳng lẽ lại...?

Tácdăng ngừng lại một lát. Rồi không đợi Ácnốt trả lời, chàng nói tiếp:

- Còn chuyện lai lịch, xuất xứ của tôi thì có gì quan trọng đâu. Tôi nghĩ rằng cái hang của con khỉ và tòa lâu đài của một huân tước giá trị như nhau. Mỗi loài có một cuộc sống riêng, niềm vui riêng. Cái có ý nghĩa với loài người thì lại vô nghĩa với loài vật. Tôi cảm thấy hài lòng khi nghĩ rằng Kala là mẹ tôi. Nếu như tôi xóa được trong đầu cái cảnh tượng một thiếu phụ người Anh bất hạnh tắt thở khi tôi mới ba tháng tuổi thì lòng tôi hoàn toàn thanh thản. Kala bao giờ cũng yêu thương tôi. Thương yêu theo kiểu thú rừng. Một tình thương mạnh mẽ và dữ dội. Khi bà mẹ đẻ đích thực của tôi qua đời, tôi đã từng cảm thấy rất kiêu hãnh và hạnh phúc trong vòng tay của mẹ Kala. Kala đã đánh nhau với tất cả các loài thú kể cả với những con vượn cùng bộ lạc để bảo vệ tôi. Kala che chở cho tôi và bảo vệ quyền làm mẹ của mình. Tôi đã hiểu thế nào là tình yêu của người mẹ. Tôi rất yêu Kala. Pôn ạ! Tôi thương Kala biết bao khi mũi tên độc của một chiến binh bộ lạc Bônga làm Kala giãy giụa, qua đời. Chuyện đó xảy ra khi tôi còn là một chàng trai mới lớn. Nhưng tôi vẫn còn nhớ tôi lăn xả vào xác Kala và khóc như một đứa con trước cái chết bất ngờ của mẹ, Pôn ạ! Đối với Pôn, Kala chỉ là một con vượn già bẩn thỉu. Nhưng với tôi thì Kala rất đẹp. Hóa ra tình yêu có thể làm cho con người ta thay đổi cách nhìn. Tình yêu có thể sáng tạo lại những thứ mà người ta yêu. Cho nên tôi hoàn toàn yên tâm nếu như tôi vẫn là con trai của một con vượn cái.

- Bạn càng trung thành với ký ức tuổi thơ bao nhiêu, tôi càng quý bạn bấy nhiêu! - Ácnốt nói - Nhưng đã đến lúc bạn phải công bố sự thật nguồn gốc của mình rồi. Bạn hãy nhớ lời tôi. Càng công bố muộn thì càng khó khăn, bất lợi. Bạn phải nhớ rằng giáo sư Potơ và ông Philanđơ là hai người duy nhất biết và chứng minh được rằng, bộ xương nhỏ nằm trong nôi, cạnh xương cốt cha mẹ bạn là bộ xương của một chú vượn con, chứ không phải là... bộ xương bạn. Họ là những người làm chứng rất quan trọng. Mà hai cụ đó già lắm rồi, có thể mỗi ngày một kém minh mẫn. Và biết đâu, khi Potơrova biết sự thật ấy, cô ta sẽ từ bỏ lời hứa hôn với Claytơn? Tôi nghĩ rằng, càng ngày bạn càng khó mà lấy lại được danh vị, trang trại, lẫn người con gái mình yêu, Tácdăng ạ! Bạn có tính tới chuyện đó một cách thật sự nghiêm túc không?

Tácdăng lắc đầu:

- Bạn không biết Potơrova, - Dừng lại trong giây lát để suy nghĩ, Tácdăng nói tiếp - Có lẽ Clâytơn càng bất hạnh thì Potơrova càng gắn bó với anh ta. Potơrova sinh ra từ một dòng họ Igiăng. Mà người Igiăng thì rất tự hào về đức tính chung thủy của phụ nữ dân tộc mình.

° ° °

Những tuần lễ tiếp theo ở Pari đã đem lại cho Tácdăng nhiều hiểu biết mới. Ban ngày, Tácdăng đi đọc sách ở các thư viện và xem các viện bảo tàng mỹ thuật. Chàng trở thành một độc giả mê sách. Sách vở, nghệ thuật như những người bạn nhiệt tình dẫn dắt chàng bước vào thiên đường văn hóa và đưa chàng tới những chân trời trí thức mới. Đôi lúc chàng cũng có cảm giác thất vọng. Bởi vì càng đọc nhiều, chàng càng có ý nghĩ buồn bã là dù có suốt đời hiến mình cho việc đọc sách và nghiên cứu, chàng cũng không thể lấp đầy được những lỗ hổng trong tri thức của mình. Chàng thấy rằng cũng như mọi người, chàng không thể đi tới tận cùng của sự hiểu biết.

Chàng thường ngồi tự học trong thư viện từ sáng đến tận chiều. Buổi tối thì nghỉ ngơi, giải trí. Trong chuyện vui chơi tiêu khiển thì Pari quả là thành phố có khả năng thỏa mãn tất cả mọi người. Thỉnh thoảng chàng cũng hút thuốc và uống rượu. Chàng nghĩ rằng mình đang thâm nhập vào cuộc sống văn minh nên cần phải biết và nếm trải tất cả những gì mà mỗi con người bình thường đều biết và nếm trải. Cuộc sống thật mới lạ và quyến rũ. Nhờ học tập, nghiên cứu và những trò tiêu khiển, nhiều khi chàng quên được quá khứ và không cần băn khoăn nghĩ ngợi về tương lai.

Một buổi tối chàng đi xem hòa nhạc. Đang ngồi trong phòng hòa nhạc, uống rượu apsin và thưởng thức những vũ điệu tuyệt vời của một nghệ sĩ người Nga, chàng cảm thấy có đôi mắt màu đen nhìn mình. Chàng chưa kịp nhìn kỹ thì người đàn ông nhìn chàng đã quay đi và biến mất trong đám đông. Chàng nhớ ra là đã gặp cái nhìn này ở một nơi nào đó rồi và cái nhìn đó không thể là một cái nhìn vô tình. Một lúc sau, chàng có cảm giác mình đang bị theo dõi. Nhờ thứ phản xạ mà cuộc sống hoang dã giữa bầy thú tạo ra ở chàng, chàng bất ngờ quay ngoặt lại và bắt gặp ánh mắt của kẻ nhìn trộm. Phản xạ của chàng khiến kẻ theo dõi phải kinh ngạc.

Buổi hòa nhạc kết thúc. Tácdăng gần như quên chuyện đó. Vì vậy khi bước ra khỏi phòng, chàng không nhận ra một người đàn ông có nước da màu nâu đang đứng nấp trong bóng tối ở hành lang đối diện.

Khi chàng lên đường về nhà, người đàn ông theo dõi chàng liền chạy vượt lên phía trước.

° ° °

Tácdăng rất thích đi xuyên qua phố Maule. Đường phố này vừa vắng người vừa tăm tối. Nhưng chính vì vậy mà đi qua đó, Tácdăng thường nhớ tới những cánh rừng già thân thuộc của mình. Chàng không thích những đại lộ đông đúc, ồn ào. Những ai đã biết Pari, người đó thường đi vòng, tránh xa cái đường phố yên lặng và bí hiểm này. Còn ai không thuộc đường Pari thì khi hỏi cảnh sát, cảnh sát cũng không muốn chỉ đường qua lối đó. Chẳng có phố nào ở Pari như phố Maule, một đường phố tối tăm và nguy hiểm.

Đêm hôm đó Tácdăng lại đi trên phố Maule. Chàng đi dưới bóng những ngôi nhà cũ kỹ, bẩn thỉu ven đường. Bỗng chàng nghe thấy có tiếng người thét, rồi có tiếng kêu cứu từ tầng hai của dãy nhà trước mặt. Tiếng kêu vọng tới rõ ràng là giọng phụ nữ. Khi tiếng kêu vừa vang lên, Tácdăng đã phóng mình vào ngõ tối, chạy vượt lên cầu thang, đến nơi có người kêu cứu. Tới cuối hành lang tầng hai chàng trông thấy một cánh cửa mở nửa chừng. Tiếng kêu phát ra từ đó. Trong phút chốc, Tácdăng đã đứng giữa căn phòng. Từ phía trên lò sưởi, ánh sáng nhợt nhạt của ngọn đèn dầu đổ xuống thân hình những người có diện mạo rất khả nghi. Ngoài người đàn bà chừng ba mươi tuổi, tất cả số còn lại đều là đàn ông. Khuôn mặt người đàn bà lộ rõ một cuộc sống phóng đãng, nhưng vẫn còn sót những dấu vết của một thời xuân sắc. Bị ấn vào tường, người đàn bà đang ôm lấy cổ mình.

- Ngài cứu tôi với! - Người đàn bà kêu lên khi trông thấy Tácdăng - Họ định giết tôi.

Tácdăng quay sang phía những người đàn ông. Khuôn mặt những người này trông thật ngang ngạnh, thuộc kiểu mặt những tên tù thường phạm. Tácdăng ngạc nhiên không hiểu vì sao bọn này không bỏ chạy. Có tiếng động phía sau lưng buộc chàng phải quay lại.

Chàng không giấu được sự kinh ngạc. Trước mắt chàng là Rôcốp - kẻ đã theo dõi chàng trong phòng hòa nhạc. Bên cạnh Rôcốp là một gã đàn ông khổng lồ. Gã đi vòng về phía sau lưng Tácdăng, tay vung một khúc gậy nặng. Khi bọn hung thủ thấy Tácdăng đã quan sát được tất cả gian phòng, chúng nhất loạt xông vào chàng. Một vài đứa rút dao găm, một vài đứa chộp lấy ghế. Gã đàn ông vạm vỡ quật chiếc gậy xuống. Cú đập có thể làm vỡ sọ Tácdăng. Những với phản xạ thông minh nhanh nhẹn và bộ cơ bắp rắn như thép của Tácdăng đã không cho lũ đàn ông Anhđiêng Pari này thực hiện được ý định. Tácdăng chọn ngay đối thủ nặng cân nhất để tấn công. Đó là gã khổng lồ cầm gậy. Chàng né mình tránh đường gậy và vòng cánh tay lấy đã đấm vào quai hàm đối thủ số 1 này. Cú đấm mạnh tới mức gã khổng lồ vật xuống đất bất tỉnh.

Không kịp nhìn đối thủ bị hạ gục, Tácdăng lao vào tấn công số còn lại. Thật là một màn kịch rùng rợn. Lớp vỏ mong manh của văn minh xã hội trong con người Tácdăng đã vỡ tan tành. Trong phút chốc mười kẻ khốn nạn phải đối mặt với một con sư tử hung bạo. Bọn chúng mỗi lúc một cảm thấy dại dột vì đã trót sa vào một cuộc chiến đấu vô vọng.

Bên ngoài, cuối hành lang, Rôcốp ung dung đứng chờ cuộc chiến trong phòng kết thúc. Hắn tin rằng trước khi hắn bước vào phòng, mọi việc phải xong xuôi, nghĩa là Tácdăng phải bị giết chết. Người đàn bà cũng đứng bên ngoài, đúng cái chỗ mà Tácdăng đã đứng và lần đầu tiên trông thấy chị ta. Khuôn mặt người đàn bà đã thay đổi hẳn. Thay cho sự sợ hãi ban đầu, bây giờ thị có vẻ rất hài lòng vì nhiệm vụ đã hoàn thành.

Trong phòng, thảm họa đang bổ xuống đầu bọn đàn ông. Điều đó cũng không có gì lạ. Chàng trai tuấn tú lịch sự của nước Anh đã thực sự biến thành vị thần Báo thù. Mất hết vẻ nhút nhát e dè trước người lạ lâu nay, Tácdăng hiện nguyên hình như vị thần Hécquyn nổi giận.

- Lạy Chúa! - Mụ đàn bà gọi Rô cốp - Hình như hắn là một con thú, chứ không phải là người.

Đúng như vậy! Lúc này, những chiếc răng chắc khỏe của chàng trai đang nhe ra trắng ởn, cắn vào cổ họng một đối thủ. Không còn giữ gìn gì nữa, Tácdăng dùng hết mọi cách để tấn công, kể cả những cách tấn công mà chàng học được của hổ báo, đười ươi khi còn sống với bộ lạc vượn Kétchác. Chàng lồng lộn, tả xung hữu đột trong phòng. Những cú nhảy vồ mồi kinh khủng của chàng khiến cho người đàn bà lạnh gáy. Thị nhớ ngay tới con hổ trong vườn bách thú.

Thét lên vì đau đớn, lũ đàn ông tìm mọi cách thoát ra ngoài. Vừa trông thấy một người mình mẩy đầm máu, áo quần tả tơi lao ra khỏi cửa, Rôcốp giật mình. Người đó không phải là Tácdăng. Rôcốp vẫn đinh ninh rằng sáng ngày mai người ta sẽ phát hiện ra xác Tácdăng - một người ngoại quốc chết trong phòng. Còn lúc này, kẻ ôm đầu máu chạy trốn ra khỏi phòng lại là đồng bọn của Rôcốp. Rôcốp liền chạy ra đường phố. Vào trong một quán trọ gần nhất, Rôcốp báo cho cảnh sát biết rằng có một người đàn ông lạ mặt đang giết người trên tầng hai, số nhà 17 phố Maule.

Khi cảnh sát phóng xe tới nơi, họ trông thấy một cảnh tượng lạ lùng: Ba người đàn ông đang nằm thở thoi thóp trên sàn nhà. Một người đàn bà mặt mũi khiếp đảm đang nằm trên giường hai tay ôm lấy mặt. Đứng sừng sững giữa phòng là một chàng trai cao lớn, quần áo rất lịch sự, hợp mốt. Chàng ta đứng thủ thế, chờ trận chiến đấu tiếp tục. Bởi vì nghe tiếng chân cảnh sát rầm rập trên cầu thang bên ngoài, chàng nghĩ rằng kẻ thù đang kéo đến tiếp viện.

Nhưng khi bước hẳn vào phòng, tốp cảnh sát mới nhận ra họ đã nhìn nhầm. Người đứng giữa phòng không phải là một trang công tử. Đúng ra, đó là một con sư tử đực với đôi mắt ánh lên màu thép xám. Ánh mắt lóe lên man dại dưới đôi lông mày rậm nhíu chặt. Tácdăng đứng giữa đám cảnh sát như một con thú bị đám người thợ săn bao vây. Chàng chờ đợi đợt tấn công mới của kẻ thù. Cơ thể chàng co lại, rắn đanh, trong tư thế của một con báo chuẩn bị vồ mồi.

- Có chuyện gì xảy ra thế này? - Một viên cảnh sát lên tiếng hỏi.

Khi đã nhận ra tình thế mới, Tácdăng thả lỏng người, bình tĩnh trở lại. Chàng nói vắn tắt cho cảnh sát biết chuyện gì đã xảy ra và quay sang người đàn bà, chờ xác nhận sự thật. Nhưng chàng sững sờ vì câu trả lời của thị:

- Hắn nói dối! - Người đàn bà kêu lên the thé và quay sang nhóm cảnh sát - Hắn ngang nhiên đột nhập vào phòng tôi, khi tôi đang ngủ một mình. Tôi bắt hắn phải đi ra nhưng hắn định giết tôi. Nếu không có những người này nghe thấy tôi kêu cứu, chạy đến thì tôi đã chết trong tay hắn rồi. Thưa các ngài sĩ quan, hắn là một thằng điên! May mà hắn không có vũ khí, nếu có, hắn đã giết hết mọi người bảo vệ tôi rồi.

Thật quá sức tưởng tượng! Nghe lời người đàn bà, Tácdăng lặng đi không biết nói gì. Những người hành pháp cũng nghi ngờ giọng lưỡi của người đàn bà. Bởi vì mụ cũng như lũ đàn ông "bảo vệ" mụ từ lâu họ đã nhẵn mặt. Phiền một nỗi, họ chỉ là cảnh sát chứ không phải nhân viên tòa án. Vì vậy họ quyết định bắt giữ tất cả những người có mặt trong phòng. Còn chuyện phân xử trắng đen thì đã có các nhà chức trách khác. Tuy nhiên, họ thông báo quyết định đó cho Tácdăng một cách khá lịch sự. Sau đó họ bắt giữ chàng.

- Tôi chẳng có tội gì cả! - Tácdăng nói rất bình thản - Tôi chỉ cố gắng tự vệ. Tôi không hiểu vì sao người phụ nữ này lại nói dối các ông. Chẳng có lý do gì để bà ta căm thù tôi. Trước khi nghe tiếng kêu cứu của bà ta và tôi chạy đến thì tôi chưa hề gặp bà ta lần nào.

- Ông đi đi! - Một viên cảnh sát ra lệnh nho nhỏ - Quan tòa sẽ nghe ông trình bày cụ thể.

Viên cảnh sát nói rồi tiến lại gần Tácdăng, đưa tay vỗ vai chàng. Nhưng bàn tay chưa chạm vai Tácdăng, viên cảnh sát đã ngã quay đơ vào góc phòng. Mấy viên cảnh sát còn lại liền nhảy xổ vào người Tácdăng. Nhưng tất cả đều bị bật tung lên khỏi sàn nhà. Sự việc diễn ra nhanh tới mức họ không đủ thời gian sờ tay vào bao súng ngắn bên hông.

Ngay trong vài giây đầu khi chàng tấn công vào cảnh sát, Tácdăng đã để ý tới chiếc cửa sổ mở ngỏ. Dưới bậu cửa sổ là bóng một thân cây hay một chiếc cột điện gì đó. Khi viên cảnh sát cuối cùng bị tung lên không trung thì viên cảnh sát bị ngã đầu tiên đã ngồi được dậy, rút súng bắn Tácdăng. Viên đạn không trúng mục tiêu. Viên cảnh sát chưa kịp xiết cò súng lần nữa, Tácdăng đã thổi tắt phụt ngọn đèn trên bếp lò. Căn phòng tối om. Đám cảnh sát chỉ kịp nhìn thấy trên bậc cửa sổ bóng dáng một cơ thể mềm mại lướt qua. Bằng cú nhảy nhẹ nhàng của một con báo, bóng người đó bay tới chiếc cột điện thoại. Lúc tốp cảnh sát chạy được xuống đất, Tácdăng đã biến mất, chẳng để lại một dấu chân.

Trong khi giải mụ đàn bà và đám đàn ông què quặt về đồn, tốp cảnh sát rất ngán ngẩm khi nghĩ tới chuyện thông báo lệnh truy nã Tácdăng. Bản thông báo cần phải viết thật khéo để dân chúng khỏi chê cười. Chả lẽ lại viết rằng: "... một người đàn ông không vũ khí sau khi đã cho cả tốp cảnh sát dùng áo lau sàn nhà đã tẩu thoát qua cửa sổ..."? Họ tỏ ra rất nghi ngờ viên cảnh sát đứng gác dưới mặt đường. Bởi vì ông ta thề rằng không hề trông thấy ai nhảy qua cửa sổ, cũng chẳng có ai tụt xuống chân cột điện.

Thật ra, khi Tácdăng bám vào thân cột điện thoại, chàng đã nghĩ ngay tới chuyện có người đứng gác phía dưới. Chàng đã đoán không nhầm. Bởi vì ngay dưới chân chàng khi ấy đã có bóng chiếc mũ và đôi phù hiệu cảnh sát di động quanh gốc cột. Chỉ phía trên cao là an toàn. Chàng nghĩ và quyết định leo lên ngọn cột điện thoại. Đầu cột sát với mái nhà. Chuyện nhảy từ đó sang mái nhà đối với chàng chỉ là một trò chơi. Thế là từ mái nhà này chàng leo sang mái nhà khác. Cuộc hành trình của chàng trên mái nhà kết thúc khi chàng tìm được một chiếc cột điện tương tự. Chàng tụt xuống đất, nhanh chóng chạy xuyên qua mặt đường, tới một quán rượu nhỏ. Chàng vào bồn tắm rửa tay, lau sạch những vết bẩn trên quần áo. Hớp vài ly rượu, chàng lại bước ra đường, thong thả về nhà.

Đi được một lúc, Tácdăng tới một đại lộ có đèn đường chiếu sáng rõ như ban ngày. Vừa bước qua chân cột đèn, Tácdăng bỗng nghe tiếng phụ nữ kêu nho nhỏ. Lại vẫn tiếng kêu cứu của phụ nữa! "Tácda..!" Hình như có người gọi đúng tên chàng! Hình như người gọi phải tự kiềm chế niềm vui của mình. Quay lại, Tácdăng nhìn thấy ngay khuôn mặt tươi tắn của Ônga Đơ Côngđơ. Cô gái nhô đầu ra khỏi cửa xe ô tô. Tácdăng khẽ cúi đầu đáp lại. Chàng chưa kịp bước tới, chiếc xe đã lao vụt đi.

"Rôcốp, rồi lại nữ bá tước Đơ Côngđơ! Hai người trong một buổi tối... - Tácdăng thầm nghĩ - Đúng là Pari cũng không rộng lắm!"