Chương 9: Bánh Gạo Đường Xốp Giòn 4

Trương Khấu Khấu quét những mảnh bát vỡ trên sàn vào ky hốt rác rồi đổ vào thùng rác bên ngoài.

Sau khi dọn dẹp xong xuôi, cô bước vào nhà, khom lưng nửa ngồi xổm bên cạnh bà ngoại, nhẹ giọng nói: “Bà ơi, bây giờ cháu mang điểm tâm cúng ông táo lên nhé?”

“Được được, bé ngoan. Cháu mang điểm tâm lên trước đi.”

Cô đặt các món ăn vặt như bánh mè, kẹo mạch nha, bánh gạo đường và một số món ngọt khác vào một chiếc đĩa nhỏ. Sau đó, mang chiếc đĩa này đặt ngay ngắn trước bức họa ông táo, bên cạnh còn bày biện một ít vàng mã, rắc một ít đậu nành và cỏ khô lên trên, cuối cùng là rót rượu ra ly.

Chờ sau khi bà ngoại đi tới, Trương Khấu Khấu thắp nến và ba nén nhang.

Bà ngoại thị lực kém nên nhìn không rõ, bèn hỏi một câu: “Đã bôi mật lên rồi đúng không?”

“Vâng ạ.”

Cô trợn mắt nói dối.

Tương truyền vào đêm 23 tháng chạp, táo quân sẽ về trời báo cáo với Ngọc Đế về những việc thiện ác ở mỗi nhà trong năm qua để Ngọc Đế thưởng phạt.

Vì vậy, khi cúng ông táo, mọi người thường cúng bánh kẹo và bôi mật ong lên miệng Táo quân, nhằm bịt ​​miệng ông lại, để ông không nói những điều xấu mà nói những điều hay điều tốt trước mặt Ngọc Đế.

Trương Khấu Khấu tự nhận bản thân là người theo chủ nghĩa vô thần, nhưng lúc này cô cất giấu tư tâm, cố tình không muốn bịt miệng thần linh.

Bà ngoại nhìn bức tượng táo quân, miệng bắt đầu lẩm bẩm cầu nguyện. Sau khi cầu nguyện, bà ngoại bị chuyện vừa nãy con cái cãi nhau chọc giận đến mức đau đầu tức ngực nên run rẩy nên trở về phòng nghỉ ngơi trước.

Trương Khấu Khấu một mình ngồi trên chiếc ghế dài nhìn ánh nến, cô ngước mắt nhìn thẳng vào bức tượng, cảm thấy không cam lòng.

Từ sau khi ông ngoại qua đời, sức khỏe của bà ngoại ngày càng sa sút. Mấy năm nay đã phải nhập viện vài lần, quá trình chăm nom cũng như số tiền thuốc men không nhỏ đã mài mòn sự kiên nhẫn của mấy người con. Hiện tại muốn bọn họ bỏ ra chút tiền còn thống khổ hơn việc lột da cắt thịt.

Cô biết rằng mấy ông cậu bà dì xấu xa này chẳng muốn mẹ mình sống lâu trăm tuổi, ngược lại hy vọng bà chết thật nhanh để bọn họ có thể phân chia tài sản.

Điều này thật khiến người ta đau lòng.

Cô cảm thấy dường như cuộc sống của cô luôn đặc biệt tồi tệ. Dù kiên cường và lạc quan đến mấy thì đôi khi cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống khốn khó.

Từ nhỏ cô đã mồ côi không cha không mẹ, đưa đến nhà dì thì bị xem thường khi dễ, lớn lên trong sự cô đơn, ở nơi làm việc thì bị bắt nạt, rõ ràng cô vẫn luôn cố gắng vất vả kiếm tiền nhưng lại không kiếm ra tiền.

Từ nhỏ đến lớn, con gái nhà người khác có thể vui vẻ mua sắm, đi du lịch cùng gia đình và bạn bè, nhưng cô lại chưa bao giờ dám mua quần áo đắt tiền, nơi xa nhất cô từng đến chính là nơi cô học đại học - thành phố Vụ Kinh.

Cô thuộc top những người nghèo khổ ngay cả việc uống trà sữa cũng phải cân nhắc trước sau, ngoài việc lên lớp thì chỉ có thể liên tục làm thêm ở bên ngoài.

Học phí, chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền thuốc men của bà ngoại và các chi phí phát sinh… nơi nào cũng cần tiền.

Do đó, vì sao phải bịt miệng thần linh?

Vì sao thần linh chỉ nói chuyện tốt?

Rõ ràng trong nhà phát sinh đủ thứ chuyện!

Nếu thần linh thật sự linh thiêng thì chẳng phải nên thưởng phạt phân minh, diệt cỏ tận gốc hay sao?

Trương Khấu Khấu - một người kiên định theo chủ nghĩa vô thần đột nhiên đứng lên, chắp tay trước ngực, nghiêm túc nhìn chằm chằm vào bức tượng thần trước mặt, thầm ước một điều ước nho nhỏ.

Sau khi nghe thấy lời cầu nguyện của cô, ngọn nến đang cháy đột nhiên lắc lư trái phải như thể bị gió thổi bay.

Sau đó lại dần tĩnh lặng.