Tin một thiếu nữ tên Tấm lên làm vợ vua đã lan ra khắp chốn. Khắp thiên hạ, người ta đồn nhau những câu chuyện kì quái, dù chẳng ai muốn tin, nhưng người này kể cho người kia, xong cuối cùng cứ lan ra thành một tích lạ.
Người ta đồn nhau rằng, hôm ấy trên lòng sông, dưới chân cầu, có một chiếc hài thêu tinh xảo nối trên mặt nước. Một số người bơi xuống vớt chiếc hài ấy. Nhưng đến gần chiếc hài bỗng nhiên bị kéo thụt xuống lòng nước, không thấy ngoi lên.
Dân làng xung quanh cho rằng có yêu quái. Quây quanh hai bên bờ, mời thầy pháp đến, làm đủ mọi thứ phép nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra.
Người càng lúc càng đông. Từ phía sau, khi đoàn xa giá chở nhà vua qua cầu, con voi ngự bỗng nhiên cắm nhà xuống đất kêu rống lên không chịu đi.
Khi nhà vua và đoàn tùy tùng đi qua, người dân mới rẽ sang hai bên.
Vua sai tùy tùng nhảy xuống nước, vớt chiếc giày. Dân làng nín thở, sợ người lính ấy sẽ bị kéo xuống nước sâu mà biến mất. Kì lạ thay, người tùy tùng ấy dễ như không, với lấy chiếc giày, trình lên nhà vua.
Nhà vua cầm chiếc giày lên, nhìn xung quanh, những họa tiết hình xoắn ốc màu đỏ cuộn tròn, những đường vân như vảy cá, nổi lên rồi lại chìm xuống.
Nhà vua như trong cơn mê, lẩm bẩm:
"Người đi vừa chiếc giày này hẳn là một trang tuyệt sắc."
Rồi bỗng dưng, vua truyền lệnh:
Hễ ai đi vừa chiếc giầy, thì vua sẽ lấy làm vợ.
Dân làng ồ lên ngạc nhiên. Dù sợ hãi vì chiếc giày, nhưng việc làm vợ vua vẫn là một món hời lớn. Các bà, các cô chen nhau đến chỗ thử giày. Nhưng cứ ai cầm giày lên định ướm vào chân, lại thấy trong tay mình không phải là chiếc giày, mà là một con cá bốn chân, có hàm răng nhọn hoắt đang nhe ra. Hễ chỉ cần cho chân đến gần, nó sẽ vồ lên mà ngoạm chặt.
Thành thử, cứ ai đang định thử giày, thì lại kêu "ối" lên một tiếng, giật mình, ném chiếc giày ra xa. Dần dần, khắp dân trong làng, không ai dám thử nữa. Chiếc hài cứ chỏng chơ nằm trên mặt đất.
Nhà vua có vẻ thất vọng, bỗng từ trong đám đông, xuất hiện một người con gái nhẹ nhàng bước đến. Người con gái đó dáng vẻ hiền dịu, làn da trắng, hai mắt trong veo, thân hình đầy đặn, dáng người yểu điệu như liễu yếu đào tơ. Nàng đi đến, chống một chân xuống và thử giày.
Vừa như in.
Nhà vua vui mừng, sai người gọi người con gái ấy đến, hỏi:
"Nàng tên gì?"
"Thưa bệ hạ. Thần thiếp tên Tấm." - giọng Tấm nhỏ nhẹ
Nhà vua lấy tay nâng cằm của Tấm lên, ngắm nghía rồi nói:
"Từ nay nàng sẽ là vợ ta."
Rồi nhân gian đồn nhau câu chuyện như thế, có kẻ còn thêm mắm thêm muối. Rằng, sau khi nhà vua đưa Tấm đi, có bóng một con thuồng luồng mắt đỏ bơi dưới mặt nước. Rằng, Tấm thực chất là hồ li tinh sống ở trên núi, bày kế mê hoặc nhà vua, bởi người trong làng, chưa ai nhìn tấy Tấm trước đây cả.
Mẹ Cám nghe được tin, lập tức quay về nhà.
Cám ngồi trong nhà, co ro một góc, nhà cửa tan hoang, gạo và thóc vương vãi khắp nơi.
Thấy mẹ về, Cám òa lên khóc.
Ôm Cám vào lòng, thị lẩm bẩm: "Nhắm đến hoàng cung. Thì ra ngay từ đầu, ác linh đã có ý định phong ấn long mạch."
Ngày hôm đó hai mẹ con Cám, im lặng dọn dẹp nhà cửa. Trong đầu mẹ Cám nghĩ đủ mọi cách để dừng tay ác linh. Nhưng hoàng cung canh phòng cẩn mật, cao thủ vô số, khả năng xâm nhập vào là quá nhỏ, không chừng phải đổ máu vô ích.
Tối hôm đấy, mẹ Cám ngồi trong nhà, bói một quẻ, xem sao, xem mệnh. Nhìn kết quả lá số, thị im lặng một lúc lâu. Đoạn, thị gọi Cám ra mà bảo rằng:
"Ý trời đã định, mệnh ta sắp cạn, sống chẳng còn được bao lâu nữa."
"Việc phong ấn long mạch ngàn năm chẳng phải chuyện một sớm một chiều. Thời gian này, ta sẽ truyền lại cho con những gì ta biết để phòng thân. Sau đó, con hãy lên đường đi tìm các đạo sĩ trong giang hồ. Họ sẽ nghĩ ra cách để bảo vệ long mạch."
"Thế nước đang lâm nguy. Chúng ta phải có bổn phận phải bảo vệ nước Đại Việt này."
Mẹ Cám dặn thêm, từ giờ trở đi, không được rời chiếc yếm đang mặc.
Cám nuốt nước mắt vào trong, gật đầu.
Muốn tu tập cảnh giới đạo pháp đầu tiên, phải mất ít nhất một năm. Mẹ Cám rút ngắn giai đoạn, muốn đạt được những bước cơ bản, phải mất ít nhất sáu mươi ngày.
Vậy mà, chưa tới bảy ngày sau, trong một buổi sáng tiết trời âm u, vạn vật ủ rũ không chút sinh khí.
Trong lúc Cám đang tu tập ở sân, mẹ Cám trong nhà, lẩm nhẩm xóc bình, rơi một quẻ xuống đất. Thị cầm lên đọc, thấy hai chữ viết bằng mực đỏ: ĐẠI HUNG.
Thị bắt đầu dịch quẻ, những tiếng đều đều:
"Quẻ này
Nhà tan cửa nát
Quỷ khóc thần gào.
..."
Cùng lúc đó, ngoài sân có động.
"...
Số đoản mệnh
Bệnh tật, mất máu
Tuyệt đối không được dùng."
Lời mẹ vừa dứt, Cám ngẩng đầu lên.
Chẳng biết tự bao giờ, Tấm đang đứng nhìn từ phía cổng, cười nhẹ:
"Chào em. Chị về giỗ cha."
Tấm Cám - Chuyện chưa bao giờ kể (Phan Việt)
Ngoại truyện 1.
Ngựa sắt hí lên một tiếng.
Tên thầy yểm đã bị thiêu dưới ngọn lửa. Con rết tinh không ai điều khiển, cũng vì thế mà chui xuống lòng đất.
Người đàn ông trên lưng ngựa sắt, đảo mục quang nhìn xung quanh. Khắp nơi, lửa cháy la liệt, thiêu rụi tầng tầng lớp lớp xác của những tên xâm lược phương Bắc.
Ông nhìn trên tay mình, chiếc gậy sắt đã bị gãy. Con rết tinh quả không phải sinh vật bình thường. Lớp vỏ ngoài đen bóng của nó còn cứng hơn cả vàng khối. Hẳn sinh vật này đã phải sống cả ngàn năm.
Người đàn ông giật yên cương, tiếp tục phi ngựa đến nơi có giặc.
Chiều hôm ấy, trên cuộc hành trình, khi đi qua một cánh rừng tre, ông thấy một cột khói bốc lên cùng ánh lửa. Đi về phía ánh sáng, ông phát hiện ra một ngôi nhà bằng tre, nơi đó có một ông lão, người thấp lùn, thân gù, tóc bạc, đang đập mạnh búa vào thanh kiếm, bắn ra những tia lửa đỏ.
Ông lão cởi trần, mồ hôi nhễ nhại, cánh tay săn chắc đang vung những nét búa chắc nịch.
Người đàn ông xuống ngựa, tiến đến gần. Ông lão cũng vì thế mà dừng lại.
Hai người bốn mắt nhìn nhau.
Người đàn ông trẻ thân hình cao lớn, khí khái anh hùng. Đối diện là một ông lão, tuy dáng người thấp bé, nhưng đôi mắt sáng ngời, ánh nhìn tinh anh, thoáng qua cũng biết là người có tài năng lớn.
Người đàn ông trẻ mở lời trước:
"Tiểu bối đang trên đường đánh đuổi giặc Ân, vũ khí duy nhất đã bị hư hại. Nay may mắn gặp được người rèn vũ khĩ giữa chốn rừng thiêng nước độc này. Xin mạn phép hỏi liệu có thể mượn một vài binh cụ, đuổi giặc ngoại xâm, sau này gặp lại, nhất định sẽ báo đáp."
Lão thợ rèn nhìn người đang đứng trước mặt, đảo mục quang sang bộ giáp sắt và con ngựa sắt, sau đó vuốt râu rồi nói:
"Giặc Ân thế mạnh, quân nhiều. Chỉ một vài vũ khí thông thường e rằng không đủ. Ta có thứ này cho tráng sĩ, không biết có dùng được không?"
Nói rồi, lão vào trong nhà, đi qua bao vũ khí, rìu, cung, kiếm được chế tác tinh xảo... cuối cùng lão đi đến một chiếc hòm, trong đó có một đốt tre.
Lão lấy đốt tre đưa cho người đàn ông.
Người đàn ông nửa tin nửa nghi, tuy chỉ là một đốt tre nhưng bên trong dường như ẩn chứa một nguồn sức mạnh to lớn từ phía thiên nhiên, trong đốt tre này, có một nguồn năng lượng màu lục đang tuôn chảy.
Người đàn ông ngạc nhiên, hỏi:
"Lão bối, vật này, dùng như thế nào?"
Ông lão cười, rồi lẩm nhẩm hai tiếng trong miệng, lập tức, các cây tre trong rừng bật gốc, tách các đốt ra rồi ghép lại với nhau, tập trung quanh đốt tre ban đầu ấy, thành một cây gậy tre khổng lồ, to như cái cột đình. Người thường khó mà nâng được, nhưng với người đàn ông trước mặt, việc sử dụng chiếc gậy ấy dễ như không.
"Cây gậy tre này, tuy không sắc như đao kiếm, lại không được thuận tiện như cung tên, nhưng khi mỗi đốt bị gẫy, các đốt xung quanh sẽ lập tức bay đến để đắp vào. Mỗi đốt đều chứa sinh khí của đất Đại Việt, tráng sĩ hãy tùy nghi mà sử dụng, đánh đuổi giặc ngoại xâm."
Nói xong, lão đi đến trước con ngựa sắt. Đặt tay lên đầu nó, con ngựa trước kia hung dữ, mà giờ như gặp chủ cũ, chỉ dám thở nhè nhẹ, hai làn khói bốc ra từ phía mũi.
"Phi thường. Thực phi thường. Con ngựa sắt bất kham này, cuối cùng cũng có người dùng được."
Người đàn ông trẻ ngạc nhiên, quay người lại:
"Chẳng lẽ... Lão là..."
Ông lão bỗng cười lớn, xua tay:
"Không... không... Ta chẳng là ai cả. Chỉ là một lão rèn nông cụ bình thường. Nghe tin tráng sĩ lên đường đánh giặc, ta mới góp chút sức mọn, cậy nhờ tráng sĩ đem lại bình yên cho đất Đại Việt. Chứ lão già quá rồi, giặc đến, chạy không nổi."
Người đàn ông trẻ đang định nói điều gì, thì từ phía xa, bằng thính lực phi thường của mình, nghe thấy tiếng dựng trại của giặc Ân.
Cầm thanh tre trên tay, người đàn ông nhảy lên lưng ngựa, nói vọng xuống rằng:
"Tiểu bối nhận vật này, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Sau này xong việc, nhất định sẽ trả lại."
Ông lão cười: "Vật này. Tráng sĩ hãy cứ giữ lấy. Dù sao nó cũng chỉ là một đốt tre."
Người đàn ông chắp tay đa tạ. Sau đó cầm cây gậy tre lớn, tiến thẳng về phía giặc.
Ông lão ở lại. Một lát sau, ông đứng dậy, lấy tay xoa vào những đốt tre của ngôi nhà. Nói: "Quả là khí khái của một vị thánh."
Đoạn, sau khi làm các động tác giãn người, ông lầm bẩm như đang nói với ngôi nhà trước mặt:
"Giặc ngoại xâm đến, một lão già như ta cũng chẳng thể ngồi yên."
Nói xong, lão hướng về ngôi nhà tre, bật ra hai tiếng:
"Khắc xuất."
Ngôi nhà tre từ từ chuyển động, các đốt tre tách rời nhau ra thành hàng trăm, hàng nghìn đốt, lơ lửng trong không gian.
Ông lão di chuyển bàn tay, sắp xếp các mảnh tre trong không trung, trong đầu đang tưởng tượng ra một sơ đồ khí cụ, khi vật đã thành hình, ông hô:
"Khắc nhập."
Những đốt tre lập tức ghép vào nhau, thành các cột, các trụ lớn, bánh răng, mọi chi tiết đều ăn khớp.
Trước mắt lão bây giờ, ngôi nhà không còn nữa, mà đã trở thành một con châu chấu tre khổng lồ.
Lão bước lên lưng con châu chấu đấy, rồi ngồi khoanh chân xuống.
"Đi thôi."
Tức thì, các bánh răng cùng xoay, các trục quay hoạt động, sáu cái chân của nó bắt đầu chuyển động, tiến về phía trước.
Năm đó, ngoài tích về một người đàn ông phi phàm nhổ bụi tre trên đường mà đánh giặc ra, người dân còn đồn với nhau về một ông lão với khí cụ khổng lồ, đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Tuy vậy, vì chuyện này chỉ là lời đồn trong dân gian, nên không được nhà vua ghi vào sử sách.
Tấm Cám - Chuyện chưa bao giờ kể (Phan Việt)