Share: MTQ Banlong
Hành động này của Dương Phàm là để dạo chơi khắp trời đất, thả lỏng người, trên đường không phải dẫn theo con nít đi tham quan thắng cảnh, ra vào lý phường, cảm nhận phong tình ở địa phương, chính là cũng với A Nô và Uyển Nhi, hai tiểu mỹ nhân leo đèo vượt núi, gảy đàn uống rượu, tận hưởng lạc thú thân mật, đi kiểu này vốn không nhanh chóng được.
Nhưng đường thủy chung quy cũng thuận lợi, sau vài ngày là đến phụ cận Lạc Dương. Dương Phàm muốn đổi thuyền nhỏ để đi, theo các kênh Lạc Thủy chạy thẳng tới thành Lạc Dương. Đến Lạc Dương muốn dạo chơi chốn cũ một phen, lại không ngờ trên sông lớn quan ải trùng trùng, trạm gác liên tiếp, hai bên bờ đại đội binh sĩ hung hăng, kiểm tra rất nghiêm ngặt.
Dương Phàm lần này đi ngao du không đi thuyền quan, cũng không thông báo với quan phủ ở địa phương, do đó không một ai biết trên chiếc thuyền này lại chính là đương triều Phụ quốc Đại tướng quân, Dương Phàm lại không muốn bại lộ thân phận, vì thế cũng bị giữ lại ở đầu cửa kênh. Mới đầu Dương Phàm còn không để ý, nhưng đã qua một ngày một đêm mà vẫn chưa được đi, liền cảm thấy có gì đó không đúng, mới lập tức sai người cầm tấm phù của hắn đi gọi quan địa phương.
Đang kiểm tra ở trên sông lớn chính là một Huyện úy của huyện Hà Nam, một tiểu quan cửu phẩm, đột nhiên nghe nói đương triều phụ quốc Đại tướng quân bị y chặn ở cửa kênh một ngày một đêm liền sợ tới mức rắm ra quần, cuống quýt cầm tấm Ngư phù lạnh như sắt kia, leo lên thuyền lớn thỉnh tội.
Dương Phàm thấy vẻ mặt y sợ hãi, cười an ủi:
- Thiếu phủ chớ có lo sợ, Dương mỗ lần này đi ngao du chỉ muốn cùng người nhà đi đây đi đó, không muốn kinh động tới quan phủ, nghênh tới đón lui thiệt là không được tự do. Là Dương mỗ giấu giếm thân phận, thiếu phủ có tội gì đâu. Tin tức của Dương mỗ lúc này thiếu phủ biết là được rồi, không cần quá phô trương.
Tên Huyện úy kia cuống quít xác nhận, bây giờ Dương Phàm mới hỏi:
- Lạc Dương đã xảy ra chuyện gì, tại sao phải đề phòng nghiêm ngặt như vậy?
Huyện úy vội vàng bẩm báo cho Dương Phàm một hồi, Dương Phàm mới hiểu được nguyen do: Tiếu Vương Lý Trọng Phúc làm phản rồi!
Lý Hiển có bốn người con trai, con cả Lý Trọng Nhuận bởi vì chỉ trích Trương Dịch Chi, Trương Xương Tông vài câu, cùng với muội muội và em rể đều bị Võ Tắc Thiên hành hình bằng gậy đánh tới chết. Con thứ Lý Trọng Tuấn vì liên tục chịu đựng sự cười nhạo và lăng nhục, nên phẫn uất mà làm loạn trong cung, bị giết chết ở Chung Nam Sơn. Con thứ ba là Lý Trọng Phúc, bị Vi hậu ghét bỏ, đuổi tới Lĩnh Nam làm Vương. Đứa con thứ tư, Lý Trọng Mậu làm Hoàng đế thứ mười tám, bây giờ đã trở về Ôn Vương Vinh an dưỡng ở kinh thành.
Lý Trọng Phúc ở Lĩnh Nam vẫn luôn không an tâm, từng dâng thư lên phụ thân Lý Hiển thỉnh cầu được về kinh, Lý Hiển tức giận mà chết, Vi Hậu chuyên quyền, lập Lý Trọng Mậu làm Thiếu Đế hậu, Lý Trọng Phúc ở Lĩnh Nam có chút rục rịch, nhưng khiếp sợ quyền uy của Vi Hậu nên y không dám làm bậy.
Nhưng không ngờ chưa được bao lâu, Vi Hậu cũng chết, Tương Vương Lý Đán lên làm Hoàng đế. Lý Trọng Phúc đang xây dựng thế lực dưới Vi hậu như hổ, đối với người chú tính tình luôn ôn hòa, điềm đạm, lại ít khi giao thiệp qua lại này không hề có chút sợ sệt. Trong suy nghĩ của y, y tuy không phải là con trai trưởng của Lý Hiển nhưng cũng là con lớn của Lý Hiển, Lý Hiển băng hà, thì cũng nên do y lên Hoàng đế, hiện nay tứ đệ vai thấp kém, ngôi vị lại càng nên nhường cho y chứ không phải là thúc phụ, trong sự bất bình, dã tâm đột nhiên nổi lên.
Bên cạnh Lý Trọng Phúc có vài tên mưu sĩ không tự lượng sức mình, cũng mong đợi Tiếu Vương đăng cơ, bọn chúng có thể cá vượt vũ môn. Theo bọn chúng, Tiếu Vương hiện nay là con cả của tiên đế, là người thừa kế hợp pháp nhất ngôi vị Hoàng đế, chỉ cần Tiếu Vương hô hào một tiếng, thần dân thiên hạ nhất định hưởng ứng, chỉ cần hành động một lần là đoạt được ngôi vị Hoàng đế.
Vì vậy, mấy tên mưu sĩ rất ngu ngơ rất khờ dại này giật giây Lý Trọng Phúc, mang theo hai mươi mấy tên vệ sĩ, thay thường phục lặng lẽ lẻn tới đất của Phiên Vương, bí mật tiến vào Lạc Dương, trốn trong nhà của em rể y là Bùi Tốn, tích cực liên lạc với một vài viên quan bị thất thế trong cuộc chính biến, tính toán mưu phản.
Trong tưởng tượng của Lý Trọng Phúc, chỉ cần y chạy tới Lạc Dương, bằng chính thân phận và huyết thống cao quý của y, xâm nhập vào quân doanh, đại quân sẽ lập tức làm phản, giết chết quân chiếm giữ Lạc Dương, chiếm lĩnh Đông Đô, hiệu lệnh thiên hạ, mũi quân thẳng tiến tới Quan Trung, thiên hạ đi theo cờ nghĩa là điều chắc chắn, hành sự như vậy không phải kiêng nể gì.
Trong khi y đang liên lạc với mấy quan viên thất thế, căn bản không chú ý giữ bí mật, hàng xóm láng giềng không ai là không biết, hẳn nhiên là có người đem tin tức báo cho huyện phủ Lạc Dương biết.
Hai huyện Lạc Dương và Hà Nam dưới hạt Đông Đô Lạc Dương, nơi này đang dưới sự quản lý của huyện Lạc Dương. Huyện lệnh Lạc Dương Mục Thừa Hiên nghe tin liền kinh ngạc một phen, vội vàng phái một tên mục đầu chuyên đi bắt người đi tới nhà phò mã Bùi Tốn tra xét. Kết quả tên mục đầu này không cần tra hỏi, còn chưa đi tới cửa chính, đã nhìn thấy Tiếu Vương Lý Trọng Phúc mang theo vài tên mưu sĩ đi rêu rao khắp nơi, thậm chí ngay cả việc xưng hô với nhau cũng không them che dấu.
Tên mục đầu này đã làm nha sai cả đời người, lần đầu xử lý vụ án mưu phản, cũng là lần đầu gặp một đám phản nghịch ngu xuẩn đến cực hạn như vậy, lập tức quay thẳng về bẩm báo với huyện lệnh, huyện lệnh Lạc Dương suy xét tới thân phận cao quý của Tiếu Vương, không dám tự ý làm bậy, lại bẩm báo lên quan trấn giữ Lạc Dương là Liễu Tuẫn Thiên.
Tên Liễu Tuẫn Thiên này cũng được coi là một cây đại thụ trong chính đàn, lúc trước vốn là tâm phúc của Võ Tắc Thiên, nhưng Võ Tắc Thiên ở tại Lạc Dương, còn gã thì ở Trường An xa xôi, phe phái dấu vết cũng nhạt dần. sau vài lần gặp sóng gió, gã hoặc là rất may mắn đứng ở đúng đội ngũ, hoặc là vì không ở trung tâm để chịu sự liên lụy, bây giờ đế đô đã dời về Trường An, gã lại bị phái đến Đông Đô Lạc Dương đảm nhiệm Lưu thủ.
Gã giữ chức Lưu thủ ở đây vốn là phụ trách giám sát các quan viên gây rối, đâu có để ý đến một Vương gia thất thế, lập tức lệnh cho Trưởng sử Lạc Châu dẫn quân đi bắt về.
Lý Trọng Phúc bị chấn động, vội vàng chạy khỏi Bùi gia, thẳng đến quân doanh tả hữu, nghĩ rằng Vương Bá một khi bị kinh ngạc, đại quân lập tức sẽ phản chiến, chứ không hề nghĩ mọi chuyện hoàn toàn không hề giống như tưởng tượng của y, cửa lớn quân doanh đóng chặt, mũi tên bắn xuống như mua, vốn không cho y tới gần.
Lý Trọng Phúc bất đắc dĩ lại chạy đến Tả Dịch môn của thành Lạc Dương, định bắt chước theo cách Lý Đán làm Thần Long chính biến rồi đoạt lấy binh quyền của Nam Nha, giành lấy binh quyền của quân phòng thủ , kết quả Tả Dịch môn cũng đóng chặt cửa lớn, không hề để ý tới y.
Lý Trọng Phúc phẫn nộ, lệnh cho tả hữu thị vệ đi vơ vét củi định đem cửa cung đốt sạch, vừa mới tìm được vài bó củi, còn chưa kịp châm, quan binh thuộc quân doanh lân cận đã nhận được lệnh của Liễu Lưu thủ thành Lạc Dương, đem quân tới bắt y về.
Share: MTQ Banlong
Lý Trọng Phúc thấy trước mắt không học theo hoàng thúc Lý Đán được, đành phải bắt chước hoàng huynh là Lý Trọng Tuấn, vội vàng chạy ra khỏi thành Lạc Dương, may là quan binh biết thân phận của y nên không có hoàng lệnh thì không dám ra tay hạ sát. Y đơn thương độc mã chạy ra khỏi thành Lạc Dương, nhắm thẳng hướng đông, một đường đi vào Mang Sơn, quan binh lại lên núi lùng sục, Lý Trọng Phúc thấy sự cùng đường, đành nhảy xuống sông mà chết.
Lại nói tiếp, việc phản loạn này của Lý Trọng Phúc căn bản là một trò khôi hài hoang đường, ngay cả một cành hoa cũng không gây sức ép được, nhưng thân phận của y rất nhạy cảm, tính chất của biến cố cũng nghiêm trọng, quan viên Lạc Dương nào dám sơ suất, mấy ngày nay trên địa bàn Lạc Dương chỗ nào cũng có sức ép, lùng sục tàn dư bè đảng, làm huyên náo khăp trời đất.
Dương Phàm hiểu rõ ngọn nguồn, cho tên Huyện úy kia lui ra, Uyển Nhi từ sau khoang thuyền bước ra, khẽ thở dài:
- Thật sự là vô cùng hoang đường.
Dương Phàm cười ôm nàng vào lòng, nói:
- Hành động của Tiếu Vương có thể là hoang đường, nhưng dục vọng theo đuổi quyền lực thì cũng là điều bình thường thôi. Quyền lực chính là một đống lửa, không biết bao nhiêu người có hứng thú làm con thiêu thân lao vào đống lửa kia. Đâu phải như Uyển Nhi của ta, bỏ danh nội tướng trứ danh thiên hạ không làm, chỉ nguyện làm một tiểu nữ nhân ở bên ta, nàng không phải là thiêu thân, mà là Vân tước.
Mắt Uyển Nhi lưu chuyển, xinh đẹp, cười nói:
- Vậy lang quân là gì? Là Côn Bằng của gió lốc trên cửu tiêu sao?
Hai người nhìn nhau cười ngọt ngào.
※※※※※※ ※※※※※※ ※※※※※※ ※※※※※※※※※※※
Kẻ bằng lòng làm thiêu thân kia đâu chỉ có Tiếu Vương Trọng Phúc, Thái Bình công chúa cũng đang vỗ cánh bay về phía đống lửa sáng nhất thế gian kia. Nhưng nguyện rời xa đống lửa đó cũng không chỉ có đôi trí giả Dương Phàm và Uyển Nhi, Lý Thành Khí cũng chống cự lại sự cám dỗ cực lớn của nó.
Thái Bình công chúa khuyên y là hành động tranh ngôi Thái tử của y không đạt được hiệu quả đáng có, mà trái lại còn đi ngược lại, Lý Thành Khí mặc dù không phải vì chuyện này mà hoài nghi Thái Bình công chúa có lòng ham muốn đế vị, nhưng rất rõ ràng Thái Bình công chúa có ý độc quyền cai trị, cho nên mới muốn làm cản trở việc phế lập Thái tử. Lý Thành Khí sợ cô mẫu lại sinh thêm thị phi, ngày thứ hai lâm triều đột nhiên lên điện, yêu cầu được gặp mặt Thiên tử.
Hôm nay không phải là hội triều lớn, Chư Vương vốn không cần lên điện, Lý Đán nghe tin con cả cầu kiến, trong lòng rất kinh ngạc, vội sai người cho gọi y lên, Lý Thành Khí lên kim điện, trước mặt văn võ bá quan, hướng lên Lý Đán thành khẩn nói:
- Bệ hạ, Thái tử là công khí của thiên hạ, lúc quốc gia yên ổn thì chọn người trưởng tộc, lúc quốc gia lâm nguy thì nên chọn người có công trước, nếu vi phạm điều này sẽ khiến cả nước thất vọng, thực không phải phúc của xã tắc. Bình Vương có công lớn với đất nước, hôm nay thần bạo gan lấy chết để thỉnh cầu, xin Bệ hạ lập Bình Vương làm Thái tử.
Lời vừa nói ra, như một ném đá vào nước, cả điện xôn xao, văn võ bá quan cũng không ngờ Hoàng trưởng tử lại là người tài đức như thế, không chút lưu luyến ngôi vị Hoàng đế dễ như trở bàn tay.
Lưu U Cầu là tâm phúc của Lý Long Cơ, đương nhiên hy vọng Lý Long Cơ làm Thái tử, vừa nghe thấy lời ấy lập tức ra nói phụ họa:
- Bệ hạ, trừ họa cho thiên hạ, cũng nên tạo phúc cho thiên hạ. Bình Vương cứu nguy cho xã tắc, cứu nạn cho quân thân, luận về công là lớn nhất, luận về đức cũng là người hiền đức nhất. Nay Hoàng trưởng tử đã chủ động từ bỏ ngôi vị, thần nghĩ Bệ hạ không cần phải do dự nữa, có thể lập Bình Vương làm Thái tử được rồi.
Lưu U Cầu vừa dứt lời, Cát Phúc Như Ý, Trần Huyền Lễ, Sở Cuồng Ca, Mã Kiều và đại tướng quân của Cấm Vệ quân đều bước ra khỏi hàng, cao giọng nói:
- Chúng thần cũng tán thành!
Lý Đán thấy đứa con lên điện là muốn trước mặt mọi người thêm một lần nữa biểu hiện quyết tâm không làm Thái tử, trong lòng rất vui mừng, liền đối với bá quan nói:
- Chúng khanh nghĩ thế nào?
Người ủng hộ Lý Long Cơ thì khỏi phải nói tới, những người vốn ủng hộ Hoàng trưởng tử lên làm Thái tử, trước mắt thấy Hoàng trưởng tử chủ động nhường ngôi, bọn họ cũng không còn đối tượng ủng hộ, vì thế cũng thay đổi lập trường, hoặc là tán thành Lý Long Cơ làm Thái tử, hoặc là im lặng không nói gì. Ngoại trừ vài lão quan cho rằng không phải là con đích trưởng thì không thể làm Thái tử thì chợt cúi khom khom người, tiếng phản đối vô cùng nhỏ.
Chuyện này rất nhanh liền truyền tới tai của Lý Long Cơ. Lý Long Cơ vừa nghe chuyện liền vừa sợ hãi, vừa kích động.
Phía trên gã có hai ca ca, đại ca Lý Thành Khí là trưởng tử, nhị ca Lý Thành Nghĩa cũng là con vợ kế giống như gã, gã không phải dòng trưởng cũng chẳng phải dòng chính, không ngờ ngôi vị Thái tử lại rơi xuống đầu mình, lại không nghĩ huynh trưởng chủ động từ bỏ ngôi vị Hoàng đế, tiến cử gã làm Thái tử.
Lý Long Cơ trong lòng có chí lớn, vốn không giống Lý Thành Khí tính tình đạm bạc. Gã đương nhiên bằng lòng làm Thái tử rồi, nhưng gã không xác định được là đại ca thật sự không có ý đối với ngôi vị Hoàng đế hay là không muốn tham công của người khác. Nếu là đại ca có ý với ngôi vị Hoàng đế thì cho dù gã có lòng cũng sẽ không vì chuyện này mà phá hủy đi tình nghĩa huynh đệ, do đó đích thân lên điện, nói với phụ thân kiên quyết từ chối.
Hai huynh đệ như vậy mà tính toán, ngay trước mặt Hoàng đế cứ nhường qua lại. Nếu Lý Thành Khí thật sự có ý với ngôi vị thì trong tình huống gã là người thuận lý thành chương ngồi lên ngôi vị Thái tử, gã hoàn toàn có thể thuận nước đẩy thuyền, còn Lý Long Cơ nếu trước mặt bá quan văn võ trong triều công khai khước từ, thế tất sau này cũng không có cách nào có thể mưu đồ ngôi vị Hoàng đế nữa.
Đây cũng giống như chuyện Lý Hiển lúc trước giả vờ muốn lập Lý Đán làm Hoàng Thái Đệ vậy, chính là muốn lấy lui để tiến, buộc người khác chủ động tỏ thái độ. Nhưng Lý Thành Khí vốn không phải như vậy, y quỳ xin Thiên tử, kiên quyết từ chối, nói tới chỗ tình cảm, thậm chí chảy cả nước mắt, Lý Đán cuối cùng đã hạ quyết định, tuyên bố lập Lý Long Cơ làm Hoàng Thái tử.
Trong lúc này, Thái Bình công chúa đang ở hai ngày đầu tiên, bày mưu cho thuộc hạ của nàng tiến hành ngăn cản, sau đó liền lặng lẽ chấm dứt, hoàn toàn từ bỏ hành động. Lý Long Cơ vừa lập công lớn, đang độ thắng thế, Lý Thành Khí chủ động từ bỏ ngôi vị càng là một biến số bất ngờ, một người trí tuệ như nàng nhất thời cũng không nghĩ ra nguyên nhân cản trở.
Nhưng nàng vốn không bỏ cuộc như vậy, nàng vốn là người không dễ dàng từ bỏ. Đối với Uyển Nhi mà nói, nam nhân của nàng chính là trời của nàng, con gái của nàng chính là đất của nàng, có được họ chính là có cả thế giới. Còn đối với Thái Bình mà nói, trước nay đều không phải như vậy.
Nỗi thống khổ và bất lực của Tiết Thiệu được ban cái chết, trách nhiệm và lý tưởng phục hưng Lý Đường, dã tâm và tham vọng nắm giữ triều chính, sự yêu thương và chờ đợi đối với nữ tử, còn có đoạn tình duyên với Dương Phàm mà cắt hoài không đứt vẫn còn vương vấn… Đủ loại như vậy, đã là gông cùm, cũng là động lực, nhưng vẫn còn một tia hy vọng, nàng cũng sẽ cố gắng chiếm lấy.
Thái Bình công chúa không hề cảm thấy bản thân là một con thiêu thân, mặc dù, nếu đám lửa kia trong mắt nàng chỉ là một ánh nến nhỏ, mà dũng cảm lao tới, làm sao biết rằng không thể tiêu diệt được?