Chương 4: ....

Mọi chuyện đã vượt quá sức chịu đựng của các thám tử dày dạn kinh nghiệm. Họ từng nhiều lần bị thủ phạm của các vụ án "xỏ mũi", nhưng chưa kẻ nào gây án mà không để lại dấu vết gì như vụ án này. Trong khi nỗi hoảng sợ vẫn lan rộng trong dân chúng Boston.Hai tuần sau khi Mary Sullivan bị giết, vào ngày 17/1/1964, Chưởng lý bang Massachusettes, Edward Brooke, quan chức tư pháp cao nhất ở đây, đứng ra nhận trách nhiệm giải quyết vụ giết người hàng loạt này. Điều đó thể hiện quyết tâm của chính quyền bang trong việc giải quyết dứt điểm vụ án.

Brooke không phải là một chính trị gia bình thường. Bên trong dáng vẻ lịch thiệp của ông là kinh nghiệm đáng nể của một nhà điều tra chuyên nghiệp. Vào thời điểm đó, ông là người da đen duy nhất của nước Mỹ được giao chức vụ chưởng lý bang. Và điều đáng chú ý nữa, ông lại là đảng viên Cộng hòa trong một bang được đặt dưới sự điều hành của đảng Dân chủ.

Brooke dám chấp nhận mạo hiểm, chấp nhận rủi ro có thể xảy đến cho tương lai chính trị của mình, và tính cả tới khả năng tên bóp cổ không bao giờ bị bắt. Nhưng kế hoạch của ông rất thực tế và hứa hẹn thành công.

Ông thành lập nhóm điều tra kết hợp chức năng của tất cả các bộ phận trong cơ quan cảnh sát và đưa ra quy định là các thành viên của nhóm không được tham gia vào bất kỳ vụ điều tra nào khác. Họ cũng không được phép che giấu thông tin để cạnh tranh với nhau. Thêm vào đó, ban điều tra của Brooke còn kiêm cả nhiệm vụ xoa dịu phản ứng của giới báo chí về "sự bất lực của cảnh sát Boston". Chỉ có một vấn đề khiến Brooke bị chỉ trích nhiều là để trợ lý của ông - Boston John S. Bottomly, người thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự - làm lãnh đạo ban điều tra.

Nhiều người chê bai Bottomly. Edmund McNamara, Cảnh sát trưởng Boston, thậm chí còn kêu lên: "Lạy Chúa lòng lành, ông ta chỉ là một kẻ gàn dở!". Tiểu thuyết gia George V. Higgins, từng làm việc cho hãng tin AP vào thời điểm đó, nhớ lại: "Tôi chưa bao giờ nghe thấy McNamara nhắc tới Bottomly mà không đệm vào hai chữ đồ khốn. Và ông nói hai từ ấy nhiều đến mức tôi tưởng đó là một phần trong tên đầy đủ của Bottomly!".

Nhưng dù sao, Bottomly cũng được nhiều người ủng hộ. Theo họ, ông là người trung thực, nhiệt tình, biết áp dụng phương pháp điều tra "không truyền thống" cho một vụ án "kỳ lạ".

Đội điều tra mới được thành lập bao gồm thám tử Phillip DiNatale (thuộc đơn vị Cảnh sát Boston), James Mellon, sĩ quan cảnh sát đặc nhiệm; Stephen Delaney, sĩ quan cảnh sát Metropolitan, và thám tử Andrew Tuney thuộc lực lượng Cảnh sát Liên bang Mỹ. Ngoài ra, còn có sự góp mặt của Tiến sĩ Donald Kenefick với vai trò lãnh đạo ủy ban cố vấn về y học - tâm lý (ủy ban pháp y).

Hai tháng sau khi Ban điều tra được thành lập, Thống đốc bang Massachusetts Peabody treo giải thưởng 10.000 USD cho bất kỳ ai cung cấp thông tin có giá trị trong việc giải quyết vụ án tên bóp cổ Boston.

"Văn phòng Điều tra tên bóp cổ" là tên thường gọi của lực lượng mới này. Họ có nhiều công việc phải làm trước khi có thể trực tiếp tiến hành điều tra. Trước hết là thu thập, tổ chức phân loại 37.000 trang tài liệu từ các văn phòng cảnh sát điều tra liên quan tới vụ án. Với ủy ban pháp y, nhiệm vụ đề ra là phát triển hồ sơ về những người có khả năng gây ra các vụ giết người tương tự.