Mùa xuân là mùa trăm hoa đua nở, khoe sắc muôn hồng nghìn tía, mọi người vừa trải qua một mùa rét đậm, đến lúc này có thể ưỡn ngực hít sâu một hơi dài, tận hưởng hương thơm tràn ngập ấm áp khắp nơi. Nhưng tôi không có cái phúc đó, với một người bẩm sinh đã bị dị ứng với phấn hoa như tôi, mỗi lần đến mùa xuân, đi ngang qua bồn hoa hoặc dưới tàng cây đều phải nhắm mắt bưng mũi bỏ chạy thật nhanh, nếu lỡ hít phải dù chỉ xíu xiu phấn hoa thôi cũng đủ hắt hơi đến đầu óc quay cuồng mất.
Vì sao tôi lại đột nhiên nhắc tới bệnh dị ứng của mình ư, đó là vì bên cạnh tôi lúc này là một cặp tình nhân vô cùng tình tứ, anh chàng nọ cứ như muốn khoe của, tặng cho cô nàng của mình một bó hoa hồng còn to gấp ba cái đầu của cô ta, một mùi hoa nồng nặc tỏa lan tứ phía, khiến tôi hắt xì không ngừng. Cũng may bọn họ tới sớm hơn chúng tôi, ăn nhanh hơn chúng tôi, chỉ càng chịu đựng chừng nửa tiếng đồng hồ là cặp chàng chàng thiếp thiếp nọ đã dắt díu nhau ra khỏi quán cầm theo quả bom màu đỏ chót kia, nếu không người ta nhìn tôi vừa ho vừa chảy nước mắt vừa hắt xì dám hiểu nhầm tôi là trái tim bên lề lắm.
Ngày hôm nay họp mặt với mấy người bạn cũ, mọi người đều là thâm giao, hơn phân nửa lại cùng sống trong một thành phố, trong số đó đương nhiên cũng có Lục Tử. Mấy ly bia cạn sạch, tôi bắt đầu kể chuyện, đem mấy chuyện ma quái mình từng gặp ra thêm mắm dặm muối cho ly kỳ dự dội hơn để lòe đám bạn, đương nhiên phải làm nổi bật sự gan dạ thấy chết không sờn cùng anh minh cơ trí của mình lên. Bởi con người đều có bệnh chung là thích cái lạ, nên người trẻ tuổi gần như ai cũng thích nghe chuyện ma quái rùng rợn. Lục Tử ngồi bên cạnh cũng đốc vào, đáng tiếc thằng nhóc này chỉ rành buôn bán chứ không rành bịa chuyện ma, kể một hồi đầu với đuôi đánh lộn với nhau, mọi người nhanh chóng nghe ra là chúng tôi đang tấu hài. Nhưng không tin cũng chẳng sao, một đám người tụ họp, thích nhất là náo nhiệt. Các anh em lại đã lâu không được gặp nhau, uống tràn hát tràn kể chuyện trời nam đất bắc, hỏi thăm tình hình gần đây của nhau, không khỏi thổn thức trong lòng. Kỳ thực nếu không phải sáng mai còn phải đi làm, tôi còn muốn giống như khi học đại học, mang theo mấy chai bia chạy lên nóc nhà uống rượu bàn chính sự, nghĩ tới tương lai. Khi ấy trong đầu chỉ lo đàn ghita sao cho hay, hát sao cho vang, thời niên thiếu lông bông hoàn toàn không lo sầu năm tháng.
Rượu quá ba tuần, tôi bắt đầu buồn ngủ, mí mắt trĩu nặng xuống, nhìn sang đồng hồ treo tường trong quán thì cũng đã hơn 11 giờ. Chuyến tàu cuối cùng chắc chắn đã lỡ, lúc này phải chịu khó đi bộ thêm một quãng đường khá xa để bắt chuyến tàu đêm, nếu lúc này còn không chịu về, lỡ ngày mai ngủ quên một cái thì chắc chắn bị Phan hói cạo đầu mất. Vì vậy tôi bèn đứng dậy khoác áo, vỗ vỗ vai mấy người bạn chúc họ ở lại vui vẻ, gọi phục vụ tới tính tiền phần mình rồi chia tay đám bạn ra về.
Vừa bước ra khỏi quán, bầu trời bên ngoài đã trải rộng đen đặc trước mắt, trên đường hầu như không còn người qua lại, có người cũng chỉ còn là những người làm ca đêm, nét mặt lạnh tanh qua lại như những cái bóng, tuy không có vẻ vội vàng lo âu như những người làm việc ban ngày, nhưng ngược lại, cái vẻ lạnh lùng đến gần như chết lặng này lại khiến người ta phải liên tưởng đến những cái xác không hồn. Một năm tứ quý mỗi mùa đều để lại cho đêm những hương vị riêng biệt, đêm mùa xuân mang theo một cảm giác ấm áp ôn hòa rất lạ, gió rất lạnh, nhưng trong không khí vẫn còn lưu luyến dư vị nắng ấm của buổi ban ngày.
Tôi kéo khóa chiếc áo khoác lại cho kín, vội vã băng mình vào đêm, chưa đi được bao xa thì trời bắt đầu rắc mưa bụi, lất phất rất nhỏ, chỉ dưới ánh đèn đường mới phảng phất nhìn thấy những hạt mưa mảnh như sợi chỉ khẽ giăng giăng trong không khí. Con đường này có nhiều quán ăn đêm, ngoài cửa chớp lóe những ngọn đèn chói mắt đủ màu, nhưng bên trong cánh cửa cũng tối thui, một vài cô phục vụ viên ăn mặc như chẳng có đứng ngoài cửa thản nhiên hút thuốc uống rượu, gương mặt hắt ánh sáng đèn đường nên trông có vẻ xám ngắt, đứng tựa cửa lạnh lùng nhìn ra ngoài đường. Nếu không nhờ ánh mắt thỉnh thoảng đảo qua lại thì trông bọn họ giống hệt như những con búp bê vô hồn. Có người không chờ được, ra hẳn ngoài đường đón khách, vừa nhìn thấy tôi lập tức xáp tới nháy mắt đưa tình. Tôi vừa nhìn thấy vẻ hung hăng như hổ cái của bọn họ, lập tức sợ tới mức quay đầu bỏ chạy trối chết, chỉ nghe văng vẳng phía sau tiếng con gái cười khanh khách chọc quê.
Trạm xe đêm nằm trong một góc đường hẻo lánh, nếu không phải trước đây đã nhớ kỹ vị trí của nó thì giờ này chưa chắc đã tìm ra. Tôi nhìn đồng hồ đeo tay, ngẩng đầu đối chiếu với bảng giờ tàu chạy, phát hiện còn phải chờ thêm mười phút nữa mới có một chuyến xe.
Vì vậy tôi đành bất đắc dĩ lôi cái MP3 trong túi ra, đeo tai nghe, đứng tựa vào bảng hiệu trạm xe mà chờ đợi. Nhạc toàn là nhạc không lời tải từ game online xuống, không biết rõ tên là gì, nhưng giai điệu nào cũng cực kỳ trữ tình, hợp tình hợp cảnh. Âm nhạc chậm rãi mà da diết gần như hòa làm một với bầu không khí bãng lãng xung quanh, làn mưa cứ rơi thánh thoát khi thưa khi mau, nhìn xa xa có thể trông thấy một lớp khói mờ sương phun ra từ ống khói của một nhà xưởng nào đó, trong không khí vẽ lên những hình thù kỳ lạ, rồi dần dần tan vào bầu trời đêm đen thẳm phía trên.
Tôi đưa ống tay áo lau mặt, cảm thấy trên mặt mình đã bám một lớp nước mỏng. Nhìn cảnh sắc ở xa một lúc cũng cảm thấy mệt mỏi, vì thế tôi quay đầu nhìn lại lối đi bộ bên kia đường, nhìn thấy một bãi cỏ mênh mông, tỏa vào không khí một mùi cỏ xanh sạch sẽ tươi mát hòa cùng mùi ngai ngái ẩm ướt của đất trồng. Tôi chợt cảm thấy không khí mùa Thanh minh càng lúc càng tới gần. Rất nhiều người không biết kỹ, chỉ biết Thanh minh là quỷ lễ, thực ra không phải. Vào thời cổ, tiết Thanh minh là lễ mừng mùa xuân mới đã tới, cũng là ngày lễ cúng trời đất vạn vật chuyển hóa âm dương, là một trong hai mươi tứ tiết, đối với nông nghiệp là một khoảng thời gian quan trọng cực kỳ vì nó bắt đầu vụ mùa mùa xuân. Lý do người ta liên hệ tiết Thanh minh với cõi âm là vì trước ngày Thanh minh chính là ngày Hàn thực, nghe nói là để tưởng nhớ chuyện Tấn Văn Công thương tiếc Giới Tử Thôi. Từ đó về sau mọi người có thói quen nhập hai ngày lễ Hàn thực cùng Thanh minh làm một, Đường Huyền Tông năm Khai Nguyên thứ hai mươi đã ra chiếu chỉ cho thiên hạ là “Hàn thực viếng mộ”, vào ngày này dân chúng lũ lượt tìm tới phần mộ tổ tiên hoặc từ đường của dòng tộc để dâng hương cúng bái, cho nên ngày Thanh minh tràn ngập những người đi tảo mộ, mà thức ăn cũng là thức ăn lạnh, không được dùng đồ ăn nóng. Cho tới ngày nay vẫn còn một món truyền thống là cơm nắm xanh, mang theo một mùi cỏ thơm nhàn nhạt. Từng nắm gạo nếp xanh mượt bao bên ngoài bột hoa hồng nhỏ mịn bên trong. Nghe mùi rất thơm, nhưng tôi không thích ăn, vì cứ có cảm giác thứ này chỉ nên cho người chết ăn mà thôi. Cảm giác “lạnh”, đối với người sống là một dạng trải nghiệm cảm giác của cõi âm. Cho nên tôi luôn luôn cảm thấy ngạc nhiên vì sao mọi người cứ đem ngày xuân ấm áp đầy sức sống cột chặt với truyền thống tế bái người chết? Chẳng trách mà tiết Thanh minh từ từ biến thành một ngày quỷ lễ, đây có thể nói là một trường hợp mà văn hóa truyền thống của Trung Hoa bị hiểu sai và xuyên tạc.
Đang khi còn suy nghĩ miên man, chợt thấy trong bụi cỏ bên kia dường có một người nào đó đang bước tới bước lui, phản ứng đầu tiên của tôi là chẳng lẽ lại là trộm? Nhưng cũng không phải chứ, đối diện là một công trường thi công, nhà còn chưa xây xong thì trộm cái gì? Chẳng lẽ muốn lấy cắp vật liệu xây dựng? Nhìn người nọ dáng người lom khom, lật từng tấc từng tấc cỏ nghe loạt soạt, tôi có phần nghi hoặc, nhưng lại nghĩ nếu thật là ăn trộm thì tôi nên đóng trọn vai trò công dân tốt, ra đó xem thử xem sao, nếu là đúng thì phải nhanh chóng đi báo cho dân phòng. Vì thế tôi chọn lúc đường vắng vẻ không có xe, nhanh như chớp chạy ào qua đường, sau đó từng bước từng bước tới gần người kia, trong lòng lúc này mới nghĩ nếu kẻ này thực là ăn trộm thì có khả năng mang theo vũ khí, bụng cũng hơi sợ nên đi rất rón rén. Nhưng khi tiến tới gần thì chợt mũi ngứa lên, một mùi hoa nồng nàn vừa xộc thẳng vào cánh mũi, lập tức nhịn không được đánh mấy cái hắt hơi liền. Người kia đang cúi rạp xuống đất vội đứng thẳng người lên nhìn tôi. Tôi run lên nghĩ mình xong đời rồi, chắc sắp bị diệt khẩu mất. Nhưng người kia hoàn toàn không có ý định tấn công tôi, cũng không có vẻ muốn chạy. Trái lại chỉ hơi ngẩn ra, sau đó chậm rãi tiến tới gần tôi. Nương theo ánh đèn, tôi mới nhìn người nọ được rõ hơn. Ánh đèn tù mù trong công trường hắt một thứ ánh sáng nhàn nhạt lên gương mặt hơi tái của anh ta. Đại khái là một thanh niên chừng ngoài hai mươi, nhìn còn rất trẻ, gương mặt khá điển trai. Nhưng trên người lại mặc một bộ quân phục cũ xì rách bươm, tôi không ngờ thời buổi này còn có người mặc quân phục màu xanh lá, khoác một cái túi xách vải buồm cũng màu xanh nốt, trông giống như những Hồng vệ binh trong tranh vậy. Động tác của anh ta rất chậm, khi anh ta đứng thẳng người dậy, tôi mới phát hiện anh ta to cao hơn tôi nhiều, cơ thể cường tráng rắn chắc lại thêm bộ quân phục trên người, trông giống như một anh lính biên phòng điển hình.
Thanh niên gãi gãi đầu, cười bẽn lẽn: “Ha ha, tôi đang tìm vài thứ thôi.”
Tôi vừa nhìn thấy bộ quân phục thì đã nhẹ nhõm hơn rất nhiều rồi, quần chúng nhân dân nên tin tưởng ai nhất? Đương nhiên là những chiến sĩ rồi. Tôi vừa nhìn thấy đây là một quân nhân liền lập tức cảm thấy kính trọng hẳn lên, vội hỏi: “Đại ca, anh đang tìm gì vậy?”
Trông anh ta có vẻ rất giản dị, là một vẻ hàm hậu mà đặc biệt các quân nhân hay có, giọng nói pha khẩu âm phương bắc rất nặng, khi cười cặp mắt híp thành hai đường bán nguyệt, vui vẻ đáp: “Cũng không có gì quan trọng, chắc đêm nay tìm không được rồi.” Nói xong nhìn tôi cười cười rồi chậm chạp bước qua đường. Tôi cũng đúng lúc muốn quay lại đó chờ xe, nên cũng theo anh ta sang đường. Cả hai chúng tôi cùng đứng chờ dưới trạm, nhưng tôi cũng không thích nói chuyện nhiều với người xa lạ lắm, nên lại tiếp tục mang tai nghe vào nghe nhạc tiếp. Lúc nãy không dừng máy nghe nhạc, nên lúc này đã nhảy qua mấy bài, đang phát một bài hát có tiết tấu cực kỳ chậm rãi, hát về một câu chuyện trên thảo nguyên, ca tụng công đức của Cách Tát Nhĩ Vương[1]. Tiếng hát ngân nga hào sảng, cùng tiếng đàn ngựa tung vó hí vang, mang theo âm hưởng hùng tráng mà trữ tình của thơ ca hàng nghìn năm về trước.
Đang lúc một giọng nữ cao vút ngân khúc Trường Sinh thiên, đột nhiên tôi nhận ra trong bài hát chợt lẫn vào một vài tạp âm nho nhỏ, tôi thử chỉnh lại tai nghe, nhưng vẫn không hết được. Ban đầu tôi cho rằng đây có thể là tạp âm rè rè của cái máy MP3, nhưng nghe thật kỹ có thể thấy đó là tiếng người đang nói chuyện, dùng một loại ngôn ngữ rất kỳ quái, hơn nữa thanh âm già nua khàn khàn, lại bị trộn với bài hát nên nghe càng khó, nghe không kỹ còn tưởng là do MP3 bị hư. Tôi nín thở lắng tai nghe để xem rốt cuộc ai đang nói cái gì, nhưng lại nghe không hiểu, chẳng lẽ là đang nói tiếng Anh? Tại vì nghe không giống như mật mã lắm. Chỉ nghe những tạp âm xè xè mà đứt đoạn, không thể hiểu được người đó đang nói gì. Tôi cau mày định thử nghe lại lần nữa thì anh quân nhân kia đã lên tiếng, báo cho tôi biết xe đã tới. Tôi ngẩng đầu lên nhìn, ngoài trời mưa bay lất phất nhìn không rõ, chỉ thấy hai ánh đèn xe như hai ngọn lửa ma trơi từ từ tiến tới gần. Chờ đến lúc xe tiến tới trước mặt, tôi mới thấy rõ nó là một cái xe buýt công cộng, vì thế cũng tắt máy nghe nhạc nhét vào túi, chờ đến lúc về tới nhà sẽ kiểm tra lại một lần, nếu lúc đó còn có tạp âm thì phải mang ra chỗ tiệm bán MP3 mắng vốn mới được!
Người quân nhân hơi nghiêng người nhường tôi lên xe trước, tôi vừa gật đầu cảm ơn vừa nhấc chân lên xe. Trong xe chỉ có vài hành khách, tất cả mọi người đều ngồi riêng mỗi người một ghế, cho dù bên cạnh còn chỗ trống cũng không ai tình nguyện ngồi xuống bên một người xa lạ. Đó chính là tính cách kỳ lạ của con người, rõ ràng là động vật quần cư không thể sống xa đồng loại, mà lại vẫn cảnh giác giữ một khoảng cách với những người khác. Có lẽ phải nói rằng ở một phương diện nào đó thì con người có bản năng bài xích những thứ xa lạ với mình. Tôi cũng thế, nên chọn một băng ghế sát bên cửa sau, để xuống xe cho dễ. Anh quân nhân kia cũng ngồi xuống bên cạnh.
Tài xế cho đóng cửa xe, bóp kèn hai lần rồi mới cho xe lăn bánh. Tôi biết hành động này thực ra cũng là một hành động mê tín của giới tài xế, bởi vì phải chạy xe ban đêm nên trước khi cho xe chạy, bóp kèn hai lần như để nhắc nhở các cô hồn dã quỷ trên đường rằng đây là xe của người sống, nên tránh ra không nên tìm cách làm phiền lái xe, coi như cũng là một loại cầu khẩn được lên đường bình an.
Xe chạy rất nhanh, dù sao cũng là đường đêm không lo bị kẹt xe. Dọc đường đi ngoại trừ mấy lần dừng lại vì đèn đỏ, còn thì xe chạy bon bon, trên xe tính luôn cả tài xế cũng chỉ có bảy người. Mọi người đều im phăng phắc, chỉ nhẹ nhàng lay động theo nhịp rung lắc của xe, ánh mắt bình thản mà vô cảm. Vị quân nhân bên cạnh tôi thì ngồi thật thẳng, so với anh ta, trông tôi thật là bê tha.
Anh ta mở miệng hỏi: “Đồng chí là người địa phương này à?”
Trong lòng tôi thầm buồn cười, dạo này người ta gọi nhau là anh đẹp trai, là anh em, là tiên sinh, chứ chẳng còn ai gọi nhau là đồng chí thế này nữa. Tôi lắc đầu: “Không, nghe khẩu âm của anh dường như là người miền bắc?”
Anh ta gật đầu: “Vâng, tôi người Trường Xuân.”
Đã thế này thì cũng phải hỏi han nhau một chút, nếu không thì mình quá lạnh lùng, hơn nữa đối phương rõ ràng là người trong quân ngũ, thật thà chất phác có gì mà phải sợ? Lúc nãy khi chờ xe anh ta đứng dưới tán cây nên lúc này trên tóc còn vương lại mấy chiếc lá khô khiến tôi có hơi buồn cười, ống quần vương đầy bùn đất, thoạt nhìn còn tưởng là nông dân trồng rau. Lúc này tôi mới phát hiện ra hai bàn tay của anh có hơi lạ, da tay nhăn nheo lại trổ những vết tròn nâu nâu như những vết đồi mồi trên da người già.
Người quân nhân thấy tôi đang nhìn tay mình thì có hơi bối rối nắm chặt tay lại, sau đó chất phác cười: “Ha ha, tay tôi bị làm sao à? Mà tên tôi là Vi Thỏa, trước đây là lính pháo thủ, còn tiểu đồng chí tên là gì?”
Quả nhiên là cách nói chuyện của quân nhân, lúc nói chuyện cũng không quay đầu lại, tôi nghĩ thầm, hóa ra là lính pháo thủ, có lẽ do thường xuyên tiếp xúc với hỏa dược nên màu da mới bị biến đổi như thế, cho nên mới nói, mỗi chiến sĩ đều là một bức tường thành mà! Tôi lúc nhỏ cũng thích gia nhập quân đội, nhưng vóc dáng thể trạng không đạt yêu cầu, kiểm tra sức khỏe không đủ tiêu chuẩn nên đành thôi. Nghĩ đến đây, lại nhìn một người lính thực thụ trước mặt, trong lòng không khỏi cảm thấy kính phục. Vì thế cung kính đáp: “Tôi tên An Tung, lúc trước cũng từng muốn đi lính.”
Vi Thỏa cười to, nhưng vẫn không quay đầu lại. Xe chạy trên đoạn đường hơi gập ghềnh, ngoài cửa sổ đọng đầy nước mưa, tôi quay sang hỏi mấy thứ về quân sự, lại hỏi cảm giác cầm đại pháo trong tay thế nào vân vân, nghe tôi hỏi, Vi Thỏa bật cười ha hả, nói: “Tiểu đồng chí đúng thật là muốn đi lính nhỉ?”
Tôi gãi gãi tóc, ngượng ngùng nói: “Thì anh thấy thể chất của tôi rồi đấy, thấp bé nhẹ cân thế này nên không lọt qua vòng kiểm tra sức khỏe, trừ phi có ‘gửi gắm’, nếu không thì súng cũng không được cầm.”
Vi Thỏa đáp: “Cũng không phải là không được, trong quân của tôi lúc trước có một binh nhất, cậu ta cũng đặc biệt nhỏ con, ăn ít như mèo, nhưng cuối cùng vẫn trở thành một chiến sĩ xuất sắc đó.”
Tôi ước ao nhìn anh ta, nhưng lúc này tham gia quân ngũ cũng không còn là mơ ước thực tế nữa, tôi cũng không còn chấp nhận với nó như lúc còn nhỏ.
Chỉ thấy ánh mắt của anh ta trong thoáng chốc chợt trở nên mơ màng, như thể đang nhớ về quá khứ: “Lúc đó mọi người đều gọi cậu ta là Hạt Đậu, nhưng cậu ta cũng không giận, vì ở quê cậu ta, Hạt Đậu và Hạt Giống là đồng nghĩa, cho nên cậu ta luôn luôn tin rằng mình là một hạt giống sau này có thể trở thành một cây cổ thụ to lớn. Mà sau đó cậu ta quả thực trở thành một chiến sĩ khiến người ta phải nể phục.”
Tôi gật đầu, biểu lộ sự đồng tình. Nói đến đây cần phải nói thật là từ đầu tới giờ tôi luôn ngửi thấy một mùi là lạ tỏa ra từ người Vi Thỏa, không thể nói là mùi hôi, nhưng vẫn rất quái lạ. Cũng có thể là do lúc nãy anh ta cứ sục sạo trong bụi cỏ cũng không chừng. Tôi những muốn hỏi anh ta thực ra muốn tìm cái gì, lúc này đã là nửa đêm, nếu ánh sáng không đủ tìm không thấy thì chẳng bằng để sáng mai hãy tìm không được sao?
Anh ta nghe tôi nói thế cũng không nói gì, chỉ bảo là nếu kể cho tôi nghe tôi sẽ cười anh ta ngu ngốc mất. Mà nếu người ta đã không nói, tôi cũng không tiện hỏi lại. Tôi và anh ta nói chuyện phiếm dăm ba câu, chẳng mấy chốc xe đã băng ra đại lộ. Vi Thỏa đứng dậy báo xuống xe, trước khi đi anh ta trao cho tôi một cái gói nhỏ nói: “Coi như chúng ta hữu duyên, tôi không có gì tặng cậu được, thôi thì cái này là hạt giống hoa, trồng mùa này là hay nhất. Cậu xem…”
Tài xế xem chừng là người nóng nảy, cửa vừa mở một chút đã dợm muốn đóng. Vi Thỏa chỉ nói được tới đó liền vội vàng vẫy tay xuống xe. Tôi sững sờ ngồi lại, tình huống này rất giống như một bộ phim hoạt hình Nhật Bản mà em họ tôi lúc nhỏ thường hay xem, gọi là cái gì nhỉ… “Hana no ko Lunlun”[2]? Nhưng trong phim đó nhân vật chính là một cô bé tóc vàng cơ. Vì thế tôi càng hiếu kỳ bên trong cái gói nhỏ này là hạt giống của loài hoa gì. Cái gói được làm bằng giấy cũ rất bươm ngả vàng, bên trong là những hạt giống xanh lục như hạt đậu. Chỉ nhìn quả thực không biết là loài hoa gì, tôi định sẽ đem về cho Bạch Dực xem, có thể anh ta nhìn sẽ biết. Mà nếu anh ta cũng không biết thì cứ trồng thử vào chậu xem sao, nở hay không nở cũng tùy ý trời. Vì thế tôi nhét cái gói vào túi áo, quay đầu lại phía sau nhìn về phía Vi Thỏa vừa xuống xe. Xe chạy quá nhanh nên đang khi tôi còn nghiên cứu về cái bao hạt giống thì bóng dáng Vi Thỏa đã biến mất rồi, thế nhưng ở phía xa xa đằng sau có một bóng người màu trắng, lẳng lặng đứng ở vệ đường, không động đậy cũng không đi. Tim tôi hơi giật lên một cái, nhưng không nói gì. Trên xe kị nhất là nói ra những điều ma quái xui xẻo, coi chừng bị mọi người mắng chết.
Nhưng có vẻ như cả tài xế cũng đã nhìn thấy cái bóng trắng đó qua kính chiếu hậu, tôi thấy ông ta lầm bầm chửi một câu xui xẻo, sau đó nhấn chân ga cho xe phóng nhanh hơn. Hành khách vẫn đung đưa qua lại theo nhịp lắc của xe như mấy con lật đật, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ xe, ngoài trời vẫn tối đen như mực, những ngọn đèn đường không đủ để soi sáng cảnh vật bên ngoài. Xe chạy được một lúc lâu, tôi chỉ thấy những đường nét loang loáng chạy qua trước mặt, ngoài ra không trông rõ được gì. Nhưng chẳng hiểu sao tự nhiên tôi cảm thấy phập phồng bất an kỳ lạ, trong lòng có một dự cảm chẳng lành, tôi thử nhìn sang những hành khách khác, nhưng bọn họ dường như chẳng có vẻ gì là phát hiện ra cái thứ kia, chỉ lặng lẽ ngồi yên trên xe. Tôi đành ép mình ngồi yên, trong lòng không ngừng tự an ủi mình: “Không sao, sáng nay ra ngoài có nhìn lịch mà! Đại cát đại cát, không cần kiêng kị, không gặp chuyện xui mà!” Lại âm thầm niệm mấy câu A di đà phật.
Nhưng dần dần tôi nhận ra tốc độ của xe càng lúc càng chậm, chậm tới nỗi rề rề như sắp dừng hẳn lại vậy, nhưng vẫn không trông rõ khung cảnh trước đầu xe. Xe chạy chậm như thể một cái xe tang. Không khí xung quanh đột nhiên như lạnh đi hẳn, tôi ngồi đó mồ hôi lạnh đổ rần rần, cứ theo cái đà này coi chừng đến sáng mai cũng chẳng tới trạm nổi. Tôi nhìn xung quanh muốn biết chỗ này là chỗ nào, nên dùng bàn tay xoa xoa khung cửa kính mờ hơi nước, lại bất thình lình phát hiện, cái bóng trắng! Không biết tự lúc nào mà nó đã dán sát vào cửa sổ chỗ tôi ngồi rồi! Nhìn không ra hình dạng của nó là cái gì, chỉ thấy một tay của nó âm thầm vung vung rải rải xuống đường như đang rải tiền vàng mã cho người chết vậy! Chết tiệt, xe tụi tôi không phải là xe tang! Không ngờ theo tới đây. Trong mắt tôi ngập tràn bất an, nhưng những hành khách khác dường như chẳng nhận ra cái gì bất thường cả, chỉ có tài xế chạy xe cứ càng lúc càng chậm, hơn nữa, càng lúc xe càng rung lắc dữ dội. Cuối cùng tôi thực sự ngồi không nổi nữa, đành đứng lên đi tới bên cạnh tài xế nhỏ giọng hỏi có chuyện gì vậy?
Ánh mắt tài xế lúc này cũng đã kinh hoảng lên rồi, trên trán mồ hôi cũng đổ lấm tấm. Ông ta thì thầm nói: “Coi mòi bị ‘lộ quỷ’ bám theo rồi. Cậu muốn xuống xe bây giờ tôi cho cậu xuống?”
Tôi nghe không rõ lắm, nên hỏi lại: “Là thế nào cơ?”
Ánh mắt tài xế vẫn dán chặt trên đường như thể sợ rằng chỉ cần dời mắt đi một giây là đủ gặp tai họa vậy: “Cái thứ trắng trắng kia coi chừng là một con ‘lộ quỷ’, là thứ hay bám theo để gây tai nạn cho các tài xế. Hiện tại nó đang bám theo cái xe này.”
Tôi gào lên: “Vậy mọi người cùng nhau bỏ xe chạy thôi chứ!”
Tài xế ngạc nhiên hỏi lại tôi: “Cái gì? Hôm nay hành khách trên xe chỉ có mình cậu thôi mà…?”
[1] Là một anh hùng trong truyền thuyết của dân tộc Tạng, cả đời trừ gian diệt ác, truyền bá đạo Phật
[2] Là một bộ shoujo manga của Shiro Jinbo, được chuyển thể thành anime bởi Toei Animation năm 1979, có thể coi là tiên phong của thể loại anime có những nữ nhân vật chính biến hình thành anh hùng (kiểu kiểu như Sailor moon ấy, nhưng sớm hơn hẳn 10 năm). Chủ đề chính xoay quanh cuộc chiến của cô bé Lunlun Flower và ý nghĩa của các loài hoa