Mấy hôm sau, Phỉ Tiềm thật không ngờ rằng Lý Nho lại đề cử mình cho Thái Ung. Nhắc đến Thái Ung, đây là một danh sĩ trâu bò bậc nhất thời đó, hào quang văn học tỏa ra như đức phật, tùy tiện lấy một tia sáng cũng có thể chói mù mắt người xem. Được xung là đại văn hào, đại sử gia, đại gia âm nhạc, họa sĩ thiên tài, thư pháp gia đỉnh cao thời Đông Hán, đôi khi Phỉ Tiềm nghi ngờ không biết Thái Ung có phải con người hay không.
Riêng về phương diện văn học, Thái Ung để lại cho hậu thế [Hi Bình Thạch Kinh]. Lúc đó Hán Linh Đế còn tại vị, Thái Kinh có cơ hội tiếp cận với sách vở trong Đông Quán, vì nhận ra sách trong Đông Quán có nhiều sai sót do người đời trước có sự kiến giải khiên cưỡng gây hiểu lầm cho người sau, Thái Ung quyết định đính chính lại lục kinh. Sau đó Thái Ung tự tay viết lên bia đá, mời thợ giỏi về khắc bốn mươi sáu khối đá. Thế là cả thiên hạ sôi trào, cửa phủ Thái Học sôi động hơn cả vũ trường âm nhạc, mỗi ngày đều có hàng ngàn nho sinh kéo đến xem chữ, con đường cũng bị tắc nghẽn suốt mấy năm.
Trên phương diện âm nhạc, ngoài điển tích Tiêu Vĩ Cầm làm người khác say mê, Thái Ung còn chế ra Thái gia ngũ lộng gồm Du Xuân, Lục Thủy (nước xanh), Ưu Tư, Tọa Sầu, Thu Tứ, về sau có một người tên Kê Khang nghĩ ra Kê gia tứ lộng gồm Trường Thanh (âm dài), Đoản Thanh (âm ngắn), Trường Trắc (thanh điệu dài không bằng phẳng), Đoản Trắc (thanh điệu dài không bằng phẳng), trở thành chín khúc nhạc tiêu chuẩn trong bài thi của sĩ tử hoàng gia. Tất nhiên người đời sau thích thú Thái Ung một phần cũng vì con gái hắn là Thái Văn Cơ. Cho nên khi Lý Nho thông báo cho Phỉ Tiềm rằng hắn đã tiến cử Phỉ Tiềm cho Thái Ung, Phỉ Tiềm thật sự không thể tin được, lúc đặt chân vào Thái phủ còn cảm thấy mình đang nằm mơ.
Thái Ung đang ngồi ngay ngắn ở giữa sảnh, lão cũng không biết phải xử lý thế nào. Rất nhiều năm Thái Ung chưa thư đệ tử, một là vì danh tiếng quá thịnh, lão thu đệ tử cũng cần phải xét nét kĩ lưỡng, hai là con gái cưng của lão gặp phải chuyện bên nhà họ Vệ, làm hắn đau lòng vô cùng, ba là tuổi tác lớn dần, sợ rằng mình không đủ sức khỏe để tận tâm dạy bảo, cho nên dứt khoát đóng cửa không thu đệ tử. Nhưng chẳng biết Lý Nho tìm đâu ra tín vật của bạn bè lão, sau đó ra điều kiện nếu muốn nhận lại phải thu một tiểu sinh tên Phỉ Tiềm làm đệ tử. Khi Lý Nho đến giao tín vật đã nói rất rõ, cha Phỉ Tiềm đã từng có ân với hắn, hiện tại hắn xem như thành công, biết Phỉ Tiềm khát vọng cầu học nên mới nhờ vào quan hệ tìm được tín vật của bạn Thái Ung, về việc đồng ý thu nhận hay không sẽ do Thái Ung quyết định, hắn đã làm hết những gì cần làm nên không thẹn với lương tâm. Đó, chết người ở câu không thẹn với lòng, Lý Nho ngươi không thẹn, còn Thái Ung ta bị mang tiếng nhờ vả người xong nuốt lời, sau này làm sao lăn lộn? Thái Ung nhìn chàng trai trẻ với thân hình thon dài, gương mặt thanh tú, xem như cũng thuận mắt, nhưng trước hết hắn vẫn muốn dò xét một chút:
“Tiểu tử kia, ngươi giỏi về môn gì?”
“Thưa lão sư, tiểu sinh có đọc qua lục kinh, đặc biệt thích toán kinh.”
Phỉ Tiềm đã có chuẩn bị từ trước, hắn có xem sơ qua lục kinh, nhưng mấy cái thư pháp văn hoa thì hắn chịu, thế thì mình cứ theo con đường toán học, dù sao đại học cũng thi cử nát bét rồi. Mặc dù ở thời Đông Hán Thái Ung rất trâu bò, nhưng lão biết tích phân không, biết ma trận không, biết giải bất đẳng thức không? Thật ra Phỉ Tiềm muốn nói ta còn biết yamete nghĩa là gì, Avengers là gì, nhưng tiếc lại thời Đông Hán chẳng có mấy thứ này. Thái Ung có chút kinh ngạc, bởi vì toán kinh là môn học vấn vô cùng khó khăn mà ít người dám chọn. Chu bễ toán kinh (sách thiên văn và toán học của Chu Công Đán, cuốn sách toán đầu tiên của TQ) chỉ mới được biên soạn thành sách khoảng hai ba tram năm, rất nhiều đoạn khó hiểu, người đọc không có trí tưởng tượng mạnh mẽ và năng lực suy đoán tốt, chỉ học vài phần cũng cảm thấy luống cuống tay chân. Trong sách này có một đoạn viết: người muốn tính được ngày hạ chí, chỉ cần bình phương chiều cao mặt trời và độ dài bóng của mặt trời, sau đó cộng lại sẽ ra được ngày hạ chí. Đây chính là định lý Pythagoras để tính cạnh của tam giác vuông, nếu như đọc không hiểu thì quên đi, môn toán không có duyên với ngươi. Ngoài ra sách còn có một đoạn về bảng cửu chương, chính đoạn này đã tạo ra nguồn cảm hứng để viết nên quyển cửu chương toán thuật nổi tiếng, nhưng lúc này nó vẫn chưa được Lưu Huy và Tổ Xung Chi chỉnh lý cùng chú thích, nên cách hành văn vô cùng lộn xộn. Mặc dù toán được chứng minh là môn học vô cùng gần gũi với đời sống, nhưng quyển sách đầu tiên về toán học của Trung Quốc lại không được gần gũi như vậy. Thái Ung lập tức có chút hứng thú, dù sao thời đại này rất ít người nghiên cứu toán, thế là lão thuận miệng ra một đề trong cửu chương toán thuật:
“Hiện giờ có một tòa thành hình vuông, đi 20 bước tới cổng phía bắc sẽ gặp một cây cổ thụ, sau đó đi đến cổng phía nam 14 bước rồi rẽ về hướng tây 1775 bước sẽ tiếp tục nhìn thấy cây cổ thụ, hỏi diện tích tòa thành bằng bao nhiêu?”
Tuy đề bài ngắn gọn nhưng liên quan đến rất nhiều đồ vật, ngoài việc tính toán những con số cơ bản, quan trọng nhất chính là phải nắm vững định lý Pythagoras, còn phải hiểu được phương trình bậc hai. Bài toán này trong cửu chương toán thuật thuộc loại có độ khó tầm trung, Thái Ung chọn nó để xem thử Phỉ Tiềm có thật sự am hiểu toán thuật không. Nhưng đối với người đã từng tốt nghiệp cấp hai, đề toán này là chuyện nhỏ. Phỉ Tiềm mượn Thái Ung giấy bút, sau đó vẽ hình, thiết lập phương trình rồi lập tức giải xong. Thái Ung ghé mắt qua xem thử, hình vẽ lão có thể hiểu được, nhưng những kí tự ABCD và số 1234 có nghĩa là gì? Lão rất tò mò, nhưng muốn hỏi lại cảm thấy xấu hổ. Phỉ Tiềm chơi xấu lôi cách giải của thời hiện đại ra để hố lão, nhưng sau đó hắn quyết định ghi chú một cách đơn giản nhất có thể. Gặp trường hợp bình thường cũng thôi đi, lỡ để đại nho phát hiện ra mình giở trò, vì ghét bỏ mà đưa ra đề toán khó hơn, sau đó chụp cho mình cái mũ gian xảo tiểu nhân, cuộc sống sau này sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Tốt nhất cứ tỏ vẻ thành thật. Phỉ Tiềm giải xong ngoan ngoãn đứng một bên chắp tay. Thái Ung tỉ mỉ kiểm tra, suy nghĩ đến nhăn cả trán, xác nhận học vấn của Phỉ Tiềm rất khá liền bảo:
“Thôi được, lão phu sẽ thu ngươi làm đệ tử ký danh, mỗi ngày thứ ba và ngày thứ mười hai trong tháng ngươi cứ đến Thái Học nghe ta giảng bài. Nếu ngươi có bất cứ thắc mắc gì, cứ lấy ngày đầu tiên làm mốc, buổi thứ năm và buổi thứ hai mươi có thể đến tận Thái phủ để hỏi ta, được chứ?”
Hừm, đệ tử ký danh à, cũng được, coi như Phỉ Tiềm đã bái Thái Ung làm thầy, trở thành môn hạ của lão, về phần tương lai có thể trở thành đệ tử y bát hay không còn phải xem ý trời. Trước hết cứ mang bài giải của Phỉ Tiềm đưa cho con gái bảo bối của mình, xem nó đọc có hiểu gì không đã.